Lần đầu tiên gặp nhau, tôi và nàng đều hãy còn rất trẻ. Hai
đứa sinh ra ở miền quê; nhà nàng và tôi ở hai thôn kế cận nhưng thuộc hai xã
khác nhau. Xong tiểu học ở trường làng, bọn tôi từ quê lên phố ở trọ để học
Trung học. Năm ấy, hai đứa tôi đều học lớp Đệ Ngũ; nàng học ở một trường trung
học tư thục, còn tôi, nhờ đổ kỳ thi nhập học hai năm trước, học ở trường trung
học công lập duy nhất của tỉnh. Không cùng xóm cùng thôn, lại không học cùng
trường cùng lớp, tôi chưa một lần gặp mặt nàng, nhưng lại biết rất nhiều về
nàng. Tôi có một người bạn mới ở chung nhà trọ. Hoàng, bạn tôi, học cùng
lớp cùng trường với nàng. Ngày đầu tiên của niên học, Hoàng vừa từ trường trở về
đã bô bô. "Lớp tau có con nhỏ tên Xuân đẹp hết sẩy".
Mấy tháng kế tiếp, trong bữa cơm chiều mỗi ngày, tôi lại được nghe Hoàng
"báo cáo tình hình” về cô bạn học của mình. Tôi không những biết tên biết
họ mà còn biết nơi sinh chốn ở của nàng, biết nàng thích ăn xí muội, biết luôn
màu áo màu quần nàng mặc trong ngày, và, cuối cùng biết nàng thích hát và hát rất
hay. Mỗi lần nghe Hoàng nói về Xuân, tôi lại để trí tưởng tượng của mình bay
cao. Tuy chưa từng thấy mặt nàng một lần, nói với nàng một câu, nhưng tôi rất
ngưỡng mộ cô gái này; hình ảnh của nàng hình như càng ngày càng chiếm ngự tâm
trí tôi. Trong lòng cậu bé quê mới lớn, Xuân đã trở thành người con gái tuyệt vời
nhất, đẹp hơn, dễ thương hơn, cười tươi hơn, hát hay hơn, cái gì cũng hơn những
cô bạn học của tôi rất nhiều. "Tôi còn khờ khạo ngu ngơ quá. Chỉ biết
yêu thôi chẳng hiểu gì", hai câu thơ này của Xuân Diệu có thể dùng để
diễn tả tôi lúc bấy giờ. Thật ra, làm học trò Đệ Ngũ ở miền quê thuở ấy còn
"khờ khạo ngu ngơ" hơn thi sĩ rất nhiều, đâu biết yêu với thương là
gì. Tuy là vậy, nhưng mỗi khi nghĩ về Xuân, lòng tôi lại thấy gợn lên một làn
sóng nhẹ.
Một hôm, sau khi nói về Xuân xong, Hoàng bất ngờ hỏi một câu
làm tôi giật mình. “Mi có muốn gặp con nhỏ Xuân không tau giới thiệu cho”.
“Gặp để làm chi; tui đâu có biết gì đến con nhỏ đó đâu mà muốn
gặp?”, tôi lắp bắp nói.
Hoàng cười rộ. “Thôi đừng có làm bộ; tau đi guốc trong bụng
mi từ lâu rồi”. Nó lập lại câu hỏi. “Mi có muốn gặp con nhỏ đó không?”
“Tui có muốn cũng đâu có được?”
“Sao lại không được; tau sẽ làm mai cho mi”. Nó ngẫm nghĩ rồi
nói. “Nhưng mà mi phải hối lộ mới được”.
“Hối lộ mi hả?”, tôi cười. “Vậy mà bày đặt làm bộ muốn giúp
bạn hiền”
“Không phải, là hối lộ con nhỏ”, Hoàng đáp. “Mi đi mua xí muội
đưa cho tau đem hối lộ cho nó. Mi hối lộ nó vài lần, tau nói ra nói vô vài lần,
con nhỏ thế nào mà chẳng cắn câu”. Nó nhìn tôi rồi vừa cười vừa làm động tác
câu cá. “Nó cắn câu rồi thì mi cứ giật cần lên, bắt nó bỏ vào giỏ”.
“Bắt nó bỏ vào giỏ” thì dĩ nhiên là tôi muốn lắm rồi,
nhưng sao tôi vẫn thấy không yên tâm. “Nhìn cái bản mặt mi, sao tau nghi quá.
Mi có âm mưu gì đây?”, tôi hỏi. “Mi cũng trồng một cây si tổ chảng trước nhà
nó, sao bữa ni lại tốt bụng muốn làm mai nó cho tau?”.
Hoàng cười hì hì. “Thú thật mấy tháng nay tau có tán con nhỏ,
nhưng không được. Tau tán không được, thì tau muốn mi tán nó; chẳng lẽ bọn mình
lại để cho thằng khác nhảy vô cỏng con nhỏ chạy mất tiêu hay sao”.
Tôi làm theo lời, mua xí muội đưa cho Hoàng. Một lần, hai lần, ba lần, rồi bốn
lần, năm lần, lần nào cũng vậy; sáng sớm đưa xí muội cho nó thì mặt mày Hoàng hớn
hở, khi gặp tôi trong bữa cơm chiều, nó lại thiểu não lắc đầu. Tôi bị thất vọng
nhiều lần, đâm ra nản. Đang khi tôi định bỏ cuộc, thì Hoàng bảo tôi. “Chiều
mai, tới giờ bọn tau tan học, mi đến chờ trước cổng trường. Tau sẽ giới thiệu
mi với con nhỏ”.
Chiều hôm sau, tôi đến trường của Hoàng và nàng nửa giờ trước
giờ tan học. Ở trước cổng trường đã có vài nam sinh lớn tuổi hơn tôi đang ngồi
trên xe đạp chờ đợi. Tôi nhìn họ rồi nhìn mình, tự nhiên thấy quê quê, nên đến
đứng chờ trước một tiệm hớt tóc kế bên trường. Giờ tan học, tôi thấy Hoàng theo
sau một cô gái ra đến cổng trường. Nó đảo mắt nhìn quanh; thấy mặt tôi, nó đưa
tay vẫy rồi chỉ một ngón tay về phía cô gái ra dấu, đầu nó gật gật mấy lần. Lần
đầu tiên thật sự thấy mặt Xuân, tôi ngẩn ngơ.
Mấy tháng qua, nghe Hoàng “tả cảnh tả tình” về nàng, tôi đã vẻ không biết bao
nhiêu là hình ảnh của Xuân trong lòng mình. Hình ảnh tuy rất đẹp, nhưng không
làm tôi xúc động nhiều bằng lúc tôi thấy nàng lần đầu tiên này. Người tôi run
lên, mặt tôi nóng bừng, còn tim tôi thì đập nhanh như trống trận. Tôi thấy
Hoàng vẫy tay liên tục rồi bước tới đi ngang hàng với Xuân. Thì ra ông bạn của
tôi không có gạt tôi; nó thật sự muốn làm mai cho tôi. Đúng là một chuyện khó
tin nhưng có thật. Tôi ngồi trên xe đạp ngập ngừng chưa biết tính sao thì Hoàng
đã vẫy tay đưa mắt ra dấu một lần nữa. Lúc ấy, Xuân cũng vừa nhận ra động tác của
Hoàng; nàng ngừng bước, quay nhìn về phía tôi. Bất đắc dĩ, tôi đạp xe đến gần
nàng, nhưng khi hai đứa vừa chạm mặt, khi mắt tôi vừa kịp nhìn rõ khuôn mặt khả
ái cùng đôi mắt to, đen láy của Xuân thì tôi lại không ngừng xe, tiếp tục đạp
xe đi thẳng, làm như không quen biết gì đến Hoàng. Tôi không quay đầu lại nhìn,
nhưng biết chắc là Hoàng kinh ngạc lắm.
Sau đó, khi gặp nhau ở nhà trọ, Hoàng nhìn tôi với vẻ mặt rất
nghiêm trang. “Cám ơn mi đã đãi tau và con Xuân một món thịt rất ngon”.
“Tau đãi mi khi nào?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Thịt gì mà mi
khen ngon?“
“Thịt thỏ đế”.
*
Trước buổi chiều hôm ấy, tôi si mê ngưỡng mộ Xuân qua hình ảnh
rất đẹp của nàng mà tôi đã vẻ ra trong tâm trí mình. Sau khi thấy mặt nàng, tôi
bỗng đâm ra chùn chân. Xuân bằng xương bằng thịt thật ra còn tuyệt vời hơn Xuân
trong mộng của tôi. Nhưng tôi như người càng ngày càng lún sâu xuống hố cát;
nàng càng tuyệt vời, càng đứng trên cao bao nhiêu thì lại càng cách xa tôi bấy
nhiêu. Tôi biết hẹn hò yêu đương với nàng là một chuyện không tưởng; mình
đèo bòng cho lắm cũng chẳng đi đến đâu, chỉ tự mình làm khổ cho mình mà thôi. “Gối
rơm thủ phận gối rơm. Có đâu dưới đất lại chờm lên cao”; tôi bỏ thơ Xuân Diệu,
trở về với ca dao đồng quê. Từ đó về sau, tôi ráng tránh những cuộc đàm thoại với
Hoàng về nàng. Bạn tôi cũng biết ý, nên nó không nói nhiều về Xuân nữa.
Hai tháng sau, tôi về quê ăn Tết. Tết Ất Tỵ. Năm ấy, khói lửa
chiến tranh chưa lan tràn đến nơi, quê hương của tôi còn có được một cái Tết
thanh bình. Tôi ăn mặc tươm tất, theo Tiến, thằng bạn chí thân thời tiểu học,
đi la cà khắp nơi; chỗ nào có hội hè náo nhiệt, chỗ đó có bọn tôi. Tôi nhìn Tiến
treo ghẹo nói cười với mấy cô gái trẻ trong làng, lòng rất nể phục sự bạo dạn của
nó. Bất chợt tôi nghĩ đến lần hội ngộ với Xuân. “Mình quả thật là một con thỏ đế”,
tôi thầm nhủ, lòng thấy vui vui.
Hàng năm, xã tôi và xã kế cận luân phiên trình diễn văn nghệ.
Tết năm trước, đoàn văn nghệ xã tôi đến trình diễn ở xã kế cận. Tối mùng Bảy Tết
năm ấy, đoàn văn nghệ xã kế cận đến xã tôi đáp lễ. Văn nghệ miền quê, có ca
hát, có thoại kịch nhưng không đàn không trống, không loa phóng thanh và không
máy vi âm. Dù vậy, đối với người dân quê chúng tôi cũng đã đủ lắm rồi. Trời
chưa tối hẳn, tôi và Tíến đã tề tựu trước sân trường Tiểu học duy nhất của xã
mình. Ngay trước trường, một sân khấu đã được dựng lên. Gọi là sân khấu cho ra
vẻ, chứ thật ra chỉ là những bàn học trong lớp học được mang ra đặt sát bên
nhau thành một cái sàn gỗ hình chữ nhật khá lớn. Những cây sào tre lớn nhỏ cột
lại với nhau thành một cái khung bao quanh ba mặt của sân khấu. Mặt trống của
cái khung chĩa ra sân trường có treo hai tấm màn có thể khép mở. Ba mặt mặt
kia, hai bên hông và phía sau sân khấu, được che lưng chừng bằng những tấm vải
ghim lại với nhau.
Khi chúng tôi đến nơi, mấy cây đèn mân-sông treo ở bốn góc sân khấu và quanh
sân trường được đốt lên sáng trưng. Dân chúng từ các thôn trong xã đã bắt đầu
lũ lượt đến chờ trước sân khấu, kẻ đứng người ngồi. Thằng bạn hiền của tôi chạy
theo đám con gái, để tôi đứng lớ ngớ bên sân khấu một mình nhìn hai tấm màn
đang khép chặt. Từ bên trong sân khấu, có tiếng hát và tiếng nói cười vọng ra.
Tính tò mò nổi lên, tôi rón rén tay vịn chân leo, lên đứng bên rìa sân khấu rồi
rướn cổ cho đầu tôi cao khỏi tấm vải che để nhìn. Bên trong sân khấu, các nghệ
sĩ trong đoàn văn nghệ, nam có, nữ có, đang tập dượt. Một cô gái tóc dài đứng
giữa sân khấu, miệng hát nho nhỏ, hai cánh tay lượn qua lượn lại như đang múa.
“Xuân về … hoa tươi … Ta … hái … ngàn đóa hồng”. Chung quanh tôi, tiếng
cười nói ồn ào, cô gái lại hát nhỏ nên tôi chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Nhưng
tôi có thể đoán tên bài hát cô gái đang hát. “Xuân Và Tuổi Trẻ”, tôi vừa
nhìn cô gái, vừa lẩm bẩm. Đột nhiên, cô gái quay người hướng về phía tôi. Vừa
thấy mặt nhau, hai đứa đồng kêu “Ủa” một tiếng lớn. Cô gái kêu lên
vì giật mình khi bất chợt thấy có người đang nhìn lén mình, còn tôi kêu lên
cũng vì giật mình khi thấy cô gái chính là Xuân. Tôi đứng sững như trời trồng,
còn Xuân cũng ngừng hát ngừng múa, đôi mắt bồ câu đã lớn lại mở lớn hơn. Tiếng
kêu và cử chỉ của Xuân làm những người khác trong sân khấu ngưng tập dượt, đồng
quay nhìn về phía tôi. “Ê, thằng kia, mi làm gì mà đứng lén lén lút lút ở đó?”,
một người đàn ông vừa bước nhanh về phía tôi vừa quát lớn. Tôi hoảng kinh, quên
mất là mình đang đứng bên rìa sân khấu, bước lùi về phía sau, định bỏ chạy thì
bị hụt chân rơi xuống đất. Đầu tôi đập mạnh vào cát trên sân, tuy không gây
thương tích gì, nhưng cũng làm tôi choáng váng. Tôi nằm sải tay trên cát ngước
mắt nhìn lên, thì cũng vừa thấy đám nghệ sĩ trên sân khấu đứng dàn hàng ngang
nhìn xuống. Tôi bị quê không thể tả, lồm cồm ngồi đây rồi lủi người chun vào
trong bóng tối phía sau sân khấu. Tôi ngồi lặng yên trên tam cấp, mắt nhắm nghiền,
hai tai nóng bừng bừng.
“Anh có sao không?”
Tôi giật mình mở mắt ra nhìn. Xuân đã đến ngồi bên tôi lúc
nào không hay. “Anh có sao không?”, nàng lại hỏi.
Thật tình lúc ấy tôi chỉ ao ước mặt đất nứt ra để cho tôi
chui vào trốn. “Không... không, tui ... không sao, cám... cám ơn Xuân”, tôi lắp
bắp nói.
“Anh biết tên tui?” Xuân ngạc nhiên hỏi.
Tôi đã ngượng lại ngượng thêm. “Tui chỉ … đoán mò mà thôi”,
tôi đáp.
Nàng bật cười khúc khích. “Anh không sao là tốt rồi”, nàng vừa
nói vừa đứng dậy.
Tôi cũng đứng lên theo, lơ ngơ không biết phải nói gì. Tự
nhiên, trong lòng tôi thấy có chút quyến luyến. Xuân đi được một bước, bỗng ngừng
chân, quay người lại. “Quên, chưa cám ơn mấy gói xí muội của anh”.
Thêm một lần nữa trong tối hôm ấy, người con gái này làm tôi
giật mình. “Xuân … Xuân đã biết tui là … là tui?”
Chính tôi cũng bật cười về câu hỏi ngớ ngẩn của mình. “Anh
Hoàng có nói là quê anh ở đây”, Xuân giải thích. Nàng nhìn tôi, rồi vừa cười vừa
nói tiếp. “Ảnh cũng kể rằng anh có biệt danh là Cò Ma vì anh cao như con cò lại
ốm như con ma. Cho nên khi Xuân thấy mặt anh lúc nãy, Xuân nghĩ chắc là anh rồi.
Xuân nghĩ ở đây đâu có người nào có được hai đặc điểm nầy”. Nói đến đây, nàng lại
bật cười khúc khích.
Tôi cũng cười. “Thì ra thằng Hoàng nó không có xạo với tui”,
tôi nói.
“Anh nói gì Xuân không hiểu”.
Lúc ấy, không biết một luồng dũng khí từ đâu bay vào người
tôi, làm tôi hết sợ hết run. “Thằng Hoàng nói là muốn giúp tui làm quen với
Xuân. Thoạt đầu tui có chút nghi ngờ thiện chí của nó. Chừ mới biết là nó không
có xạo”
“Ảnh khuyên anh mua xí muội để hối lộ Xuân?”, nàng cười hỏi.
Tôi gật đầu. “Đúng vậy”. Tôi nhìn nàng rồi vừa cười vừa nói
tiếp. “Tui mua xí muội nhờ nó gởi cho Xuân, nhưng gởi nhiều lần mà chẳng thấy kết
quả gì nên tui nghĩ nó đã ăn hết rồi”
Xuân cười rũ rượi. Ngay lúc đó, có tiếng người đàn ông đã
quát thét với tôi khi nãy từ trong sân khấu vọng ra. “Sắp đến giờ trình diễn rồi.
Con Xuân đâu rồi?”
Xuân mỉm cười gật đầu chào tôi. “Tui chờ nghe Xuân hát”, tôi
nói. “Hình như Xuân hát bài Xuân Và Tuổi Trẻ phải không?”
Nàng lại gật đầu mỉm cười một lần nữa rồi quay người bước
đi. Bỗng dưng, tôi buột miệng nói với theo. “Xuân hát Anh Cho Em Mùa Xuân hỉ?”.
Nàng ngừng chân, quay lại nhìn tôi, ánh mắt ngạc nhiên. “Anh nói gì? Anh cho
Xuân mùa Xuân?”. Hỏi xong, nàng bật cười vì câu hỏi rất ngộ nghĩnh của mình,
hai má đỏ hồng.
“Không phải”, tôi cười nói. “Tui muốn hỏi Xuân có thể hát
bài Anh Cho Em Mùa Xuân được không?”
Vẫn đỏ mặt, nàng nhìn nhìn tôi rồi lắc đầu. “Xuân không thuộc
bài hát nầy”.
Xuân nói xong, quay vào hậu trường. Tôi ra sân trường, chen vào giữa đám đông
trước sân khấu, ngồi trên cát chờ đợi. Xuân có tham gia trình diễn mấy tiết mục
đầu, nhưng chỉ hát nhóm hay song ca. Mãi đến nửa giờ sau mới đến phần đơn ca của
nàng. Hai tấm màn kéo ra, trưởng đoàn văn nghệ (cũng là người đàn ông quát thét
tôi khi nãy) ra đứng giới thiệu. “Tiếp theo đây, em Thanh-Xuân sẽ trình bày bản
nhạc Xuân Và Tuổi Trẻ”. Nói xong, hắn bước lui giữa tiếng vỗ tay hoan
nghênh của đám khán giả đang ngồi chật trên sân trường. Từ phía sau hậu trường,
Xuân bước ra, đứng giữa sân khấu, cúi đầu chào khán giả. Tôi nhìn nàng, tim như
ngừng đập. Dưới ánh đèn, nàng trông dễ thương khôn tả.
“Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều Đông nào
nhung nhớ”. Tôi nghe câu hát mở đầu của nàng, thấy choáng váng như bị ai
đánh một đòn rất nặng vào đầu. “Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố,
mắt buồn vin ngọn cây”. Tôi đưa mắt nhìn đám khán giả chung quanh. Tôi
không biết họ có biết là nàng đang hát một bài hát khác bài trưởng đoàn giới
thiệu hay không, nhưng họ biết hay không cũng chẳng khác biệt gì. Xuân hát hay
quá; tôi nhìn vẻ mặt của đám khán giả mà có cảm giác là họ đang uống từng tiếng
hát của nàng. Xuân hát xong, mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Trưởng đoàn
văn nghệ ra sân khấu, giới thiệu qua loa về tiết mục trình diễn kế tiếp rồi
quày quả lùi vào trong. Tôi đứng dậy bước nhanh về phía sau sân khấu. Quả như
tôi dự đoán, tôi thấy trưởng đoàn đang giận dữ quát tháo với Xuân. “Hôm này em
làm cái gì vậy? Sao tự nhiên trở chứng tập dượt bài hát này rồi lại ra hát bài
hát khác”. Hắn hít vào thở ra mấy hơi dài. “Bộ em muốn thấy tui bị mất mặt, cả
đoàn văn nghệ xã mình bị mất mặt em mới vừa lòng phải không?”.
Xuân chỉ cúi đầu không nói gì. Viên trưởng đoàn – kẻ thù
truyền kiếp mới của tôi – đang định quát mắng thêm thì bất chợt thấy mặt tôi.
“Lại cái thằng ôn dịch nầy”, hắn quát lớn. “Cả đêm mi cứ lấp lấp ló ló quanh bọn
tau để làm gì?” Hắn quay sang Xuân rồi hỏi lớn. “Chính thằng ôn dịch nầy xúi
ngu xúi dại cho em hát bậy hát bạ phải không?”
Xuân vẫn cúi đầu không nói gì, nhưng mặt nàng đỏ ửng lên, và
môi thì nở một nụ cười nhẹ. Ngoài sân trường, tiếng vỗ tay của khán giả vang
lên. Viên trưởng đoàn chỉ tay vào lớp học sau sân khấu lúc ấy được dùng làm hậu
trường. “Vô trong đó ngồi chờ tui, cấm không được bước ra khỏi cửa một bước”. Hắn
quay sang tôi. “Còn mi nữa, bước đi cho khuất mắt tau?”.
Xuân bước về phía lớp học. Đến cửa, nàng quay qua nhìn tôi.
Tuy nàng không nói gì, nhưng nhìn khuôn mặt đỏ hồng, nụ cười tươi nở trên môi
cùng đôi mắt đen láy ánh lên nét tinh nghịch của nàng, tôi hiểu ngay thông điệp
nàng muốn gởi cho mình. “Anh thấy có đáng giá mấy gói xí muội anh hối lộ cho
Xuân không?”
*
Mối tình thơ dại của tôi như một nụ hoa mới vừa nhú lên thì
đã bị lưỡi dao cắt đứt. Chỉ mấy tháng sau đêm văn nghệ kỳ diệu đó, biến loạn nổi
lên. Trên phố, hết ngày nầy qua ngày khác, người ta đình công, xuống đường biểu
tình. Thành phố bị tê liệt; trường tuy vẫn mở cửa, nhưng chúng tôi nào có học
được một chữ gì. Nhân cơ hội này, địch quân như một làn sóng đỏ, lan tràn khắp
nơi. Quê hương thanh bình của chúng tôi một sớm một chiều trở thành chiến địa.
Trong đám học trò chúng tôi, một số có gia đình tản cư ra phố. Họ phải bỏ ngôi
nhà tổ truyền mấy đời, bỏ sản nghiệp ruộng vườn, đến sống trong những ngôi nhà
tôn ọp ẹp tồi tàn với hai bàn tay trắng. Dù vậy, đám học trò này, trong đó có
tôi, còn may mắn hơn những người bạn học bất hạnh bị kẹt ở quê nhà; ít ra họ
cũng còn có cơ hội tiếp tục đến trường.
Sau lần gặp nhau trong đêm văn nghệ, tôi muốn nhờ Hoàng giúp
tôi hẹn hò với Xuân, nhưng bản tính nhút nhát khiến tôi lần lữa mãi. Khi tôi lấy
đủ can đảm tâm sự với Hoàng thì đã quá trễ. Sau một lần cuối tuần về quê thăm
nhà, Xuân không trở lại trường nữa. Tôi nghe Hoàng báo tin, thẫn thờ, bàng
hoàng một hồi lâu. Tôi có cảm tưởng như mình đã đánh mất một vật gì rất quý
giá. Cũng may, mối tình con tôi mang trong lòng chỉ là một mối tình đơn phương
vừa mới bắt đầu, nên tuy lòng tôi có chút hối tiếc, có chút ân hận, sự chia lìa
này không làm tôi phải quắt quay nhiều.
Thời gian lặng lẽ trôi; tuổi của tôi tăng dần theo tuổi của
chiến tranh. Tôi lớn lên trong sự tàn khốc của cuộc chiến, làm chứng nhân cho
những mất mát chia lìa còn bi thảm hơn sự chia lìa của hai đứa tôi rất nhiều.
Tôi học hết Trung học, đổ Tú-tài rồi vào Sài-gòn theo học Đại-học. Bây giờ thì
tôi đã lớn khôn rồi, bớt nhút nhát khi đối diện với phái nữ, lại có dịp gặp gỡ
nhiều bóng hồng. Tôi có một hai mối tình lớn, mối tình con. Nhưng trong lòng
tôi, Xuân vẫn có một chỗ đứng đặc biệt, và lần gặp gỡ trong cái Tết năm nào là
một kỷ niệm đẹp mà tôi vĩnh viễn không quên.
Sáu năm sau lần gặp Xuân, tôi từ Saigon về quê ăn Tết. Ở
trên phố chiều 29 Tết, tôi tình cờ gặp lại Tiến, người bạn chí thân thời tiểu học
của mình. Bạn tôi đi lính Nghĩa-quân, rất liều lĩnh gan dạ, nên chỉ trong một
thời gian ngắn đã trở thành Trung-đội-trưởng trấn giữ một tiền-đồn. Tiến rủ tôi
đến tiền-đồn ăn Tất-niên với đám lính của nó. Tại sao không? Sống với đám bạn
"dài lưng tốn vải" lâu ngày cũng nhàm, bây giờ “thay đổi không khí”
có dịp say sưa đấu hót với lính thì còn gì hơn nên tôi nhận lời ngay.
Hai đứa tôi và mấy người lính quá giang một chiếc nhà binh đến tiền đồn. Trên
đường đi, Tiến đưa cho tôi chiếc áo field jacket của nó. “Mi mặc vào đi”, nó bảo
tôi. “Mi mặc đồ xi-vin “nổi” quá, dễ làm mục tiêu cho tụi du kích nó bắn sẽ”.
Chiếc xe theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, chạy hơn một giờ
mới đến nơi. “Giang sơn” của bạn tôi là một cái đồi cát nhỏ, nằm trơ trọi giữa
một biển cát mênh mông. Đồn được vây quanh bằng mấy lớp rào kẽm gai concertina;
quanh đồn là những công sự phòng thủ xây bằng những bao cát chồng chất lên
nhau. Hầm chỉ huy lớn hơn, nằm giữa đồn, trên nóc hầm có một trụ ăng-ten cao
vút. Một lá cờ VNCH được cột vào trụ, đang bay phất phới.
Tôi theo Tiến vào hầm chỉ huy, ngồi ngã người trên chiếc ghế
làm bằng mấy thùng gỗ đựng lựu đạn ghép lại với nhau. Tiến ném cho tôi một lon
bia. “Bọn tau chỉ có bia nóng thôi”, nó nói. Đâu có sao; dù gì đi nữa, bia nóng
vẫn còn hơn “huýt ki Bà Quẹo” mà đám sinh viên xa nhà ít tiền bọn tôi từng uống
rất nhiều lần ở Sài-gòn. Tôi và Tiến vừa uống bia, vừa trò chuyện. Bia càng vào
bụng bọn tôi, câu chuyện càng tuông ra ào ào; hai đứa tôi kể cho nhau nghe đủ
thứ chuyện dưới đất trên trời. Cuộc đàm thoại giữa hai thằng bạn đang đến hồi gay
cấn, thì chúng tôi nghe có tiếng người huyên náo bên ngoài. Không hẹn mà nên,
hai đứa tôi tay cầm lon bia, chân rảo bước ra khỏi hầm chỉ huy để xem.
Cách hầm chỉ huy không xa, chiếc xe nhà binh chở chúng tôi đến
khi nãy đang nổ máy. Một đám lính cầm súng vây quanh xe. Trên xe, đă có ba người
ngồi rồi; họ mặc đồ bà ba đen tay bị trói ké ra sau lưng. Ba người khác mặc đồng
phục tương tự, tay cũng bị trói, đang được mấy người lính hộ tống vừa nâng vừa
đẩy lên xe. “Tù binh Việt cộng đó”, Tiến bảo tôi. “Bọn tao bắt được ngày hôm
qua, bây giờ người ta chở về quận”.
Ba người tù binh lên sau vừa ngồi xuống ghế xe thì một người
đã cất giọng hát lớn. “Đoàn quân Việt nam đi. Chung lòng cứu nước...”. Hắn
hát được hai câu thì năm người kia cũng đồng loạt hát theo. Chỉ một thoáng, cả
sáu người tù binh đã hát hết bài “Tiến Quân Ca”, quốc ca của nước Việt-nam
Dân-chủ Cộng-hòa.
Đám lính của Tiến la hét chưởi bới ầm ĩ. Một người lính cầm súng lên đạn nghe
"xoạch" một tiếng, rồi quát lớn. “Lôi cổ chúng xuống bắn mỗi đứa một
viên cho chết mẹ chúng đi”.
Mấy người lính hộ tống vừa leo lên xe ngồi bên đám tù binh,
vừa trả lời đám lính bên dưới. “Không được. Thiếu tá quận trưởng có dặn không
được hành hung chúng, phải mang chúng về quận an toàn”.
Đám tù binh được thể làm tới, bắt đầu hát bài quốc ca của
chúng một lần nữa, lần này với giọng điệu rất hùng hồn. Tiến khoèo tay tôi, nói
nhỏ. “Tau nghe ngứa tai quá; mi có cách nào trị chúng không?”.
“Để tau”, tôi vừa nói vừa đến bên xe. Tôi mặc áo trận, tóc
tai dài thoòng, một tay cần lon bia, tay kia chống nạnh; tuy tôi không nhìn thấy
được chính mình, nhưng tôi nghĩ chắc tôi trông ngầu lắm. Tôi nhìn mấy người tù
binh ngồi ngoài cùng một hồi, rồi cất giọng hát lớn. “Đoàn quân Việt cộng
đi, như bầy chó đói…”
Đám lính của Tiến và mấy người lính hộ tống cười ầm lên. Đám
tù binh đang hát ngon trớn, nghe tôi hát, đột nhiên khựng lại một lúc rồi mới
hát tiếp. “Đoàn quân Việt nam đi, sao vàng phất phới…”
Những lần này, giọng chúng nghe yếu xìu thấy rõ. Tôi thấy cú
phản pháo của mình có hiệu lực, nên khoái chí, gân cổ lên hát tiếp. “Mấy thằng
Việt cộng mi, thấy tau sợ té đái…”
Đám lính của Tiến cười nghiêng ngã. Tôi nghĩ chính-trị-viên
của mấy người tù binh này chỉ dạy chúng cách đối phó với "Ngụy quân, Ngụy
quyền", nhưng chắc chưa từng dạy chúng cách đấu khẩu với "Ngụy...học
trò" như tôi bao giờ. Bị ngón võ miệng độc đáo của tôi, đám tù binh chưng
hửng, ngừng hát, ngồi nín thinh. Tiến đến đứng bên tôi, rồi vừa cười vừa nói lớn.
“Ê, văn công Bác và Đảng, tụi mi có dám hát thi với văn công Cò Ma của tụi tau
không hả?”.
Mấy người tù binh ngồi ngoài lặng yên không nói gì. Đột
nhiên, ở cuối hàng, một giọng hát cất lên. “Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng
mới nở, chiều Đông nào nhung nhớ...”.
Đột biến xảy ra làm cả đám lính lẫn đám tù binh giật mình. Đang cười nói ồn ào,
mọi người lặng yên, nhìn nhau, vừa ngơ ngác, vừa ngạc nhiên. Tôi như bị sét
đánh. Đây là lần thứ hai tôi nghe hát bản nhạc này, nhưng hiệu quả chẳng khác
gì lần đầu tiên sáu năm trước đây. Đầu óc choáng váng, tôi lảo đảo bước đến vịn
vào xe.
Người ta nói thời gian làm thay đổi con người. Lần đầu gặp
nhau, tôi và Xuân chỉ là hai đứa trẻ mới lớn. Sáu năm sau, cả hai đứa đã trưởng
thành, nhân dáng thay đổi, tâm tình cũng đổi thay luôn. Nếu tình cờ gặp nhau mà
không nói với nhau một lời, tôi không biết chúng tôi có còn nhận ra nhau nữa
hay không. Tôi ngước nhìn người tù binh ngồi cuối hàng ghế. Cô ca sĩ học trò với
mái tóc dài óng ả, với gò má ửng hồng vì thẹn thùng, với đôi mắt đen láy ánh
lên nét tinh nghịch, đã không còn nữa. Trước mắt, tôi chỉ thấy mái tóc ngắn cũn
cỡn đỏ hoe vì nắng gió, hai gò má khô cằn nâu sậm, và đôi mắt chứa đầy những muộn
phiền. Nhưng tôi vẫn nhận ra nàng. Xuân, Xuân.
Người nữ tù binh ngước mắt nhìn tôi miệng mỉm cười, nhưng từ đáy mắt của nàng
có một giọt nước mắt trong suốt chảy ra chạy dài xuống má. Cò Ma. Thì ra
nàng đã nhận ra tôi, dù tôi cũng như nàng, đã thay đổi rất nhiều. Tôi
nhìn nàng và gật đầu. Anh Cho Em Mùa Xuân. Chúng tôi hai lần tao ngộ;
hai lần tôi được nghe Xuân hát bài hát này. Lần đầu để đánh dấu một lần quen
nhau, lần này để nhận nhau. Bỗng dưng tôi nhớ lại câu hỏi của Xuân lần hai đứa
gặp nhau trong đêm văn nghệ. “Anh cho Xuân mùa Xuân?”. Xuân ơi, một mùa
Xuân nữa đến rồi, nhưng bọn mình chỉ có nước mắt để cho nhau thôi.
Chiếc xe rú lên, rồi chồm tới phía trước. Tôi đứng chôn chân
như một pho tượng, nhìn chiếc xe mang Xuân vĩnh viễn rời khỏi đời mình. Qua lớp
bụi mỏng, tôi thấy Xuân từ trong xe nhoài người ra nhìn tôi, đôi mắt u buồn ướt
đẫm nước mắt. Tôi cúi đầu thở dài. Văng vẳng bên tai, hình như có tiếng Xuân
đang hát.
“…Mắt buồn vin ngọn cây…”
Nguyễn Giao Kỳ Trung
(Viết trong cơn bão lụt Harvey, Houston 082617)