Ảnh: Nguyễn Văn Thương
… Và Xuân thay áo, mấy mùa đợi chờ
(“Xuân tha hương”, Phạm Đình Chương)
Trước giờ, hầu như chưa có cuộc bình chọn chính thức nào để
chọn ra bài nhạc Xuân hay nhất trong số khá nhiều Xuân ca của người Việt. Bài
nhạc Xuân hay nhất, vì thế, đến nay vẫn chỉ là bài nhạc mỗi người giữ riêng cho
mình.
“Bài nhạc Xuân nào anh cho là hay nhất hoặc yêu thích nhất?”
người bạn hỏi tôi.
Thỉnh thoảng tôi vẫn được hỏi như vậy. Thường thì tôi kể tên
được vài bài, thế nhưng người hỏi vẫn muốn biết tôi thích bài nào nhất trong số
ấy.
“Bài nào gợi cho anh nhiều kỷ niệm nhất?” anh bạn hỏi thêm
khi thấy tôi còn lưỡng lự.
Ô, nếu hỏi thế thì dễ cho tôi trả lời hơn.
“Một bài của Phạm Đình Chương,” tôi nói.
“‘Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…’?”
“Không phải ‘Ly rượu mừng’,” tôi lắc đầu. “Bài ‘Xuân tha
hương’.”
Đôi lúc người ta yêu thích bài hát nào đó chỉ vì bài hát ấy
gắn bó với kỷ niệm vui, buồn nào. “Xuân tha hương” là bài hát như thế, với tôi.
Không giống những bài nhạc Xuân vui tươi khác của nhạc sĩ Phạm
Đình Chương như “Ly rượu mừng”, “Đón xuân”…, “Xuân tha hương” là nỗi niềm tâm sự
của kẻ sống xa quê trong những ngày Tết đến xuân về với nỗi tiếc nhớ bao kỷ niệm
dưới mái gia đình ấm êm.
Bài hát, tôi nghe được lần đầu qua giọng Thái Thanh, đến nay
đã hơn nửa thế kỷ. Tuy rằng ngày ấy tôi chưa hề có chút “trải nghiệm” nào về những
lưu lạc, tha phương, ly hương, viễn xứ này nọ và vẫn đón Xuân, ăn Tết với gia
đình, thế nhưng bài hát, giọng hát ấy cũng gieo vào lòng tôi những cảm xúc nao
nao, buồn buồn. Thường, khi ta yêu thích bài hát nào qua một giọng hát nào thì
giọng hát ấy ở lại mãi trong ta, cho dù về sau này có nghe bài hát ấy với những
giọng khác hay đến đâu. Ít nhất đã có hai thế hệ ca sĩ yêu thích và hát “Xuân
tha hương”.
Bài hát, với nhịp điệu 3/4 chậm buồn, với nét nhạc dịu êm,
nhẹ nhàng mà sâu lắng, là câu chuyện kể về mùa xuân nào đã vắng xa và những
tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.
Ngày xưa, xuân thắm quê tôi
bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
vun tưới hoa mùa xinh xinh…
“Ngày xưa”, hai tiếng ấy nghe sao êm đềm quá! Ngày xưa ấy là
những ngày ấu thơ, là hạnh phúc đơn sơ, là mái ấm gia đình và một quê hương yên
bình.
Tôi từng nghe đi nghe lại không ít lần bài hát này khi Tết đến
xuân sang trong những không gian, thời gian khác nhau trên những chặng đường đời.
Mùa “xuân tha hương” đầu tiên của tôi là cái Tết của anh học
trò xa nhà, từ một tỉnh lẻ miền cao nguyên đất đỏ về thủ đô Sài Gòn học hành,
thi cử. Tôi không nhớ rõ vì sao xuân năm ấy tôi lại không về quê ăn Tết, chỉ nhớ
được rằng đêm giao thừa và ngày mùng Một Tết cậu học trò lần đầu xa nhà “nằm
trong căn gác đìu hiu”, nghe Thái Thanh hát “Xuân tha hương” mà nhớ nhà đến
không ngủ được và thèm cái không khí sum họp gia đình ngày Tết hơn bao giờ.
Thế rồi những năm ở trong quân ngũ, những Tết xa nhà cũng là
những cái Tết tôi bầu bạn với “Xuân tha hương”, bầu bạn với từng câu hát, từng
câu chữ “xa xăm”, “mịt mùng”, “hắt hiu”, “rưng rưng”, “khát khao”, “lạnh lẽo”,
“âm thầm”…, nghe nặng trĩu một nỗi niềm hoài hương.
Thời gian nay quá xa xăm
tôi đã xa nhà đầm ấm
sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm
Thế rồi lịch sử sang trang, những năm sau đó là những năm
tôi đón Tết trong tù. Những ai từng đi tù trong nước sau năm 1975 đều biết rõ
là những ngày Tết ở trong tù người ta không thể nào thoải mái… hợp ca hay đồng
ca Ngày xuân nâng chén…, nếu không muốn… tra chân vào cùm. Nhiều lắm chỉ
có thể hát khe khẽ, vừa đủ cho nhau nghe, để những câu hát chỉ quanh quẩn trong
bốn bức tường kín chứ không bay lọt ra ngoài được. Đêm giao thừa, đêm duy nhất
trong năm được phép thức khuya, ngồi xúm xít quanh vuông chiếu nhỏ, quanh ống
điếu thuốc lào và những chén trà nóng, những người tù chúng tôi đã có một
chương trình văn nghệ bỏ túi, đúng là “Hát cho nhau nghe”, như tên gọi phổ biến
về sau này.
“Nhớ nhà quá, ai thuộc bài nhạc Xuân nào thì hát cho anh em
nghe,” một người đề nghị.
Lần lượt mỗi người hát vài câu, vài đoạn, ít ai nhớ được trọn
bài. Đến lượt tôi, tất nhiên vẫn là “Xuân tha hương”.
Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đâm bông
Riêng ai buồn thương hắt hiu còn trông mong
Và xuân thay áo, mấy mùa đợi chờ
Mắt huyên lệ rưng rưng, sầu héo đến bao giờ…
Có một khoảng im lặng nặng nề sau câu hát cuối.
“Bài hát hay nhưng buồn quá!” một người nói.
Tôi nhớ mình nói câu gì đó để khỏa lấp nỗi buồn khi ấy, đại
để rằng “Hẹn đến mùa xuân nào anh em mình cùng hát chung với nhau một bài Xuân
vui.”
Tôi cũng nhớ, một anh bạn tù cứ theo tôi, nhờ đọc cho anh ta
ghi chép lại bài hát ấy. Tôi nói anh chịu khó nhớ chứ không nên ghi xuống vì
bài “nhạc vàng” ấy được xem là mặt hàng “quốc cấm”. Hẳn anh ta có kỷ niệm nào với
bài hát ấy. Hỏi ra thì anh nói là… nhớ mẹ.
Cũng như anh bạn tù, tôi cũng nhớ đến mẹ tôi, nhớ đến căn
nhà của mẹ tuổi ấu thơ tôi. Nhà nhỏ, nhưng vườn sau khá rộng. Mẹ tôi thích làm
vườn, bà trồng rau, trồng hoa, cây cảnh và cả những cây ăn trái như cây ổi, quất,
đu đủ… Tôi nhớ nhất là cây chanh thật sai trái và cây hoa ngọc lan với những
búp hoa trắng ngà tỏa hương thơm dìu dịu trong vườn đêm.
Cũng như anh bạn tù, những câu hát ấy như nhắc cho tôi nhớ rằng
nơi chốn xa quê nhà vẫn đang có người mẹ già tựa cửa mỏi mắt ngóng tin con.
Tôi không đếm được bao nhiêu Tết xa nhà, bao nhiêu xuân tha
hương sau lần ở tù về, và đến nay lại càng không đếm nổi vì chẳng thấm tháp vào
đâu so với 25 mùa xuân ly hương dài đằng đẵng trên quê người. Những xuân tha
hương nối tiếp, nối tiếp theo nhau mãi đến tận xuân này. Quê hương đã mờ mịt
càng thêm mịt mờ. Và tôi, cứ mỗi chiều 30 Tết, lại cho chạy lại dĩa nhạc cũ,
nghe lại giọng hát cũ, nghe lại nỗi khát khao được tìm về mái nhà xưa, tìm lại
chút hạnh phúc êm đềm bên người mình thương quý nhất trên đời.
Chiều nay lê bước phiêu du
thầm nhớ xuân về làng cũ…
Đường đi xa lắc lê thê
thêm khát khao ngày về quê
để sống vui quê mẹ lúc xuân về
Tôi nghe một nỗi khắc khoải, một nỗi nhớ se sắt đến rưng
rưng. Thời gian nay quá xa xăm… nay lại càng thêm xa xăm. Bao nhiêu mùa
xuân đã đi qua kể từ Ngày xưa, xuân thắm quê tôi, bao nhánh hoa đời đẹp tươi
ấy…
“Xuân tha hương” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào
năm 1956 sau ngày đất nước chia đôi, ông và gia đình di cư vào Nam, để hoài niệm
những mùa xuân Hà Nội đã vắng xa. Hẳn chàng trai 27 tuổi năm ấy cũng từng có những
cái Tết xa nhà như tôi, những cái Tết dõi mắt nhìn mây trôi về phương nào xa
xôi mà rưng rức nhớ về một quê hương đành lìa bỏ.
Mây Tần ơi, cho nhắn bao niềm thương!...
Ít người biết rằng “Xuân tha hương” từng được chọn làm nhạc
nền chính cho cuốn phim The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) do nhà đạo
diễn nổi tiếng Joseph L. Mankiewicz thực hiện vào năm 1958, chuyển thể từ tác
phẩm cùng tên của nhà văn người Anh Graham Greene. Ở những thước phim lắng đọng,
người ta nghe vẳng lên những giai điệu man mác buồn của “Xuân tha hương” làm
tăng thêm chiều sâu cảm xúc cho câu chuyện phim.
Tôi nhớ xem được trong một video clip (1991), ca sĩ Mai
Hương hát “Xuân tha hương” trong một chương trình nhạc Phạm Đình Chương ở Nam
California, giới thiệu tuyển tập nhạc Mộng Dưới Hoa gồm 20 bài nhạc phổ
thơ của người nhạc sĩ. Bài hát, sau bao nhiêu năm vẫn gợn lên trong tôi những cảm
xúc nao nao, buồn buồn thuở nào. Điều ít ai ngờ, một nửa trong số những nghệ sĩ
góp mặt trong chương trình hiếm hoi ấy (Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh
Giao, Anh Ngọc, Hoài Trung, Hoài Bắc, Phạm Thành, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và
nhà văn Mai Thảo), thoắt đã ra người thiên cổ.
Trong số những ca sĩ từng hát “Xuân tha hương” tôi nhớ được
vào thời ấy, có những giọng hát đã về trời như Quỳnh Giao, Sĩ Phú, có những giọng
đã bặt tiếng im hơi như Thái Thanh, Kim Tước, Duy Trác.
Riêng Tết năm nay, nghe lại bài hát ấy tôi nghe có gì khang
khác. Tôi không còn nữa nỗi khát khao ngày về quê, để sống vui quê mẹ lúc
xuân về. Tôi không còn nữa nỗi ray rứt về hình bóng người mẹ già buồn
thương hắt hiu còn trông mong. Tôi không còn nữa những nỗi niềm ấy, vì mẹ
tôi đã qua đời. Mẹ tôi không còn buồn nữa, không còn mấy mùa đợi chờ nữa,
không còn khóe mắt huyên lệ rưng rưng… Hình ảnh Mẹ tôi sai uốn
cây cành, vun tưới hoa mùa xinh xinh trong bài nhạc Xuân của Phạm Đình
Chương cũng mịt mờ, xa xăm như mùa xuân cổ tích. Tôi nghe một nỗi hụt hẫng và
trống vắng đến mênh mang.
Kỷ niệm gần nhất tôi còn giữ được về bài hát ấy là Tết năm rồi
tôi có gửi về cho mẹ tôi một dĩa nhạc gồm những bài nhạc Xuân, nhạc quê hương
mà bà vẫn yêu thích, trong đó có “Xuân tha hương”, và bà cứ nghe đi nghe lại
dĩa nhạc ấy. Trong năm, hay tin bệnh tình bà trở nặng, tôi bay về, kịp nắm lấy
bàn tay gầy yếu và lạnh lẽo, kịp đưa tiễn bà về trời. Trở về căn phòng nhỏ bà nằm
dưỡng bệnh những năm tháng cuối đời, gặp lại dĩa nhạc ấy, tôi cho vào máy nghe
CD cũ, một mình ngồi trong căn phòng tối, một mình nghe hết bài hát cả hai mẹ
con đều thích. Tôi nghe mà nước mắt chảy thầm.
“Xuân tha hương”, bài hát về những đời người đã cũ, về những
mùa vui đã đi qua không bao giờ trở lại. Bài hát có buồn thật nhưng chỉ là cái
buồn nhè nhẹ, phơn phớt như làn mưa phùn ngày xuân. Nghe “Xuân tha hương”, dù
có hay không kỷ niệm nào với bài hát, cũng nghe một thoáng chạnh lòng. Tôi cho
như vậy cũng là đủ để yêu một bài hát.
“Bài ấy hay nhưng buồn quá!” anh bạn tôi lặp lại đúng câu
người bạn tù của tôi nói trong đêm giao thừa nào.
“Thì buồn chứ sao,” tôi nói. “Đời sống là vậy, có lúc vui có
khi buồn. Cái vui một bài hát mang đến cũng chỉ là cái vui tự tạo.”
Dân tộc nào thì âm nhạc thế ấy, hay ngược lại. Cách nói nào
cũng cho thấy nhạc Việt xưa nay vẫn buồn nhiều hơn vui, là mối tiên cảm cho vận
mệnh của dân tộc không chừng. Liệu có dân tộc nào phải sống kiếp tha hương biền
biệt bao năm như dân tộc Việt, suốt đời chỉ mơ về một mùa xuân yên vui và sum họp
trên quê hương tội tình.
Cuối năm, nghe lại bài hát cũ, thử tính nhẩm con số những Tết
xa nhà, những xuân tha hương đã đi qua trong đời, tôi bỗng giật mình nhận ra rằng
con số ấy đã vượt hơn một nửa số tuổi đời mình. Con số ấy vẫn chưa chịu dừng lại.
Hẳn nhiều anh em, bạn bè tôi cũng không khác bao nhiêu. Sau cùng, tôi nói với
anh bạn:
“Bài hát ấy đã theo tôi bao nhiêu mùa xuân qua, đến nay với
tôi vẫn là bài nhạc Xuân hay nhất. Bây giờ đến lượt anh, bài nhạc Xuân nào anh
yêu thích nhất? Chắc phải là một bài nhạc vui?”
“Không đâu,” anh bạn lắc đầu, “cũng là một bài Xuân… buồn.”
Lê Hữu