Thời gian vừa qua, các phong trào xã
hội, phong trào dân chủ tại Việt Nam chịu đựng sự đàn áp khốc liệt của giới cầm
quyền CS. Không gian bị thu hẹp. Phần lớn các lãnh đạo phong trào đều bị bắt.
Một số bị xét xử với những bản án dài hạn bất nhân, một số đông còn bị giam chờ
ngày lãnh án và những người chưa bị bắt sống trong tâm trạng sắp bị bắt.
Điều này làm không ít người trở nên
bi quan khi nhìn viễn cảnh quá xa xôi của một đất nước Việt Nam thật sự tự do,
và tự hỏi phải chăng “chỉ có CS mới lật đổ được CS”?
Quan điểm “chỉ CS mới lật đổ được
CS” là một quan điểm không đúng. Không đúng cả về lý luận, lịch sử lẫn thực tế.
Nhân vật được viện dẫn nhiều nhất
cho quan điểm này là Mikhail Gorbachev, người tuyên bố cáo chung chế độ CS tại
Liên Sô.
Không ai phủ nhận các chính sách cấp
tiến, những quyết định can đảm của Gorbachev trong hai năm cuối của chế độ CS
Liên Sô. Tuy nhiên, Mikhail Gorbachev chỉ thổi tắt ngọn đèn khi bình dầu đã gần
như khô cạn.
Lúc bảy giờ chiều ngày 25 tháng 12,
1991, Mikhail Gorbachev từ chức chủ tịch Liên Sô giữa sự thờ ơ của đại đa số
dân Nga. Không một quốc gia nào trong số 15 nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”
trước đó thuộc Liên Bang Sô Viết quan tâm. Không một tiếng vỗ tay ngoài điện
Kremlin. Không có một tiếng hoan hô trên “Quảng trường Đỏ”. Nhiều người dân Nga
đi xe điện về nhà sau ngày dài làm việc không biết mình đang sống trong thời
điểm lịch sử. Cả đất nước không biết mình đang choàng tỉnh sau 74 năm dài trong
cơn mê kinh hoàng CS.
Lý do như Mikhail Gorbachev phát
biểu “người dân đã từ chối chế độ từ trước đó rồi”.
Tại các quốc gia Baltics, những lãnh
đạo của phong trào dân chủ là những trí thức, những giáo sư, nhạc sĩ và phần
đông chưa hề làm chính trị. Chẳng hạn tại Estonia, khi các nhạc sĩ cất lên
tiếng hát cả nước hát theo. Bài hùng ca tự do của dân tộc Estonia cũng chính là
bài ai điếu đưa một chế độ phi nhân ra nghĩa trang lịch sử.
Tại các nước Đông Âu như Hungary,
Tiệp Khắc, Ba Lan, các phong trào dân chủ đã hình thành, bị vùi dập dưới xích
sắt của xe tăng nhưng không chết. Tinh thần cuộc Nổi Dậy Hungary 1956, Mùa Xuân
Tiệp Khắc 1968, Ba Lan Solidarity 1980 là những ngọn đuốc soi đường cho các
cuộc cách mạng dân chủ của các quốc gia này. Họ là ai? Là những giáo sư đại
học, văn nghệ sĩ, những công nhân và nông dân có quá khứ bình thường và khiêm
nhượng.
Tại Romania, vợ chồng Nicolae
Ceaușescus bị bắn chiều ngày 25 tháng 12, 1989, nhưng chế độ đã sụp đổ từ bốn
ngày trước trong buổi mít-tinh tại thủ đô Budapest do chính đảng CS tổ chức.
Ai đã buộc Ceaușescus, một lãnh tụ
CS sắt máu phải rút lui vào phòng trong, bỏ dở diễn văn đang đọc? Người dân
Romania. Chính những người đầu tiên trong số hàng trăm ngàn người bình thường
có mặt hôm đó đã lớn tiếng phản đối Ceaușescus. Tiếng hét của người dân là kết
quả của nỗi hờn căm tích chứa suốt 44 năm. Tiếng thét của họ không còn lẻ loi,
vô vọng nữa. Những ngọn sóng nhỏ trở thành ngọn triều dâng cao và đánh sụp chế
độ chỉ trong bốn ngày sau. Nicolae Ceaușescus không tiên đoán được ngày tàn của
mình.
Căn bịnh ung thư di căn mà các lãnh
tụ độc tài CS đều có trong người là ung thư quyền lực. Bịnh ung thư quyền lực
ăn sâu vào trong não bộ làm mù lương tâm và lý trí của các lãnh tụ CS độc tài.
Một bằng chứng rất hài nhưng có
thật.
Báo New York Time, phát hành ngày 26
tháng 5, 2000, kể lại những ngày Erich Mielke, hung thần đứng đầu tổ chức an
ninh Đông Đức Stasi, còn ở trong tù sau khi nước Đức thống nhất. Erich Mielke
chỉ bị kết án 6 năm vì y giả bịnh một cách khéo léo nhưng khi vào nhà tù
Moabit, Erich Mielke lại bịnh thật. Một căn bịnh tinh thần khó tìm ra nguyên
nhân. Ban quản đốc nhà giam bèn nghĩ ra một sáng kiến. Họ đặt trong phòng tù
của Erich Mielke một chiếc điện thoại màu đỏ giống hệt như điện thoại mà ông ta
dùng để ra lệnh khi còn là tổng giám đốc cơ quan an ninh Stasi. Dĩ nhiên đường
dây của điện thoại chẳng nối vào đâu cả nhưng mỗi ngày Erich Mielke đều quay số
và ra lịnh bỏ tù người này, hạ sát người kia như đang thật sự là tổng giám đốc
của Stasi.
Tại Mông Cổ ở Á Châu, Ethiopia ở Phi
Châu cũng tương tự, cách mạng bùng lên từ nạn đói, nỗi đau nhức, sự chịu đựng
của người dân thường chứ chẳng từ một lãnh tụ CS nào thương xót hay thức tỉnh.
Người viết đã có lần trình bày, tác
giả Archie Brown, giáo sư chính trị học đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm
Sự vươn lên và sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản (The Rise And Fall Of Communism)
phát hành lần đầu 2009 đã nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong
đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội
(social change). Theo đà phát triển văn minh, người dân dần dần không những có
khuynh hướng muốn tìm hiểu những gì khác hơn mà còn nghi ngờ và từ chối các
kiến thức họ bị chế độ đầu độc.
Sự chuyển hóa tri thức là một tiến
trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào.
Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ và
chủ quyền của dân tộc Việt Nam cho tới nay vẫn là còn là một đấu tranh không
cân sức. Tuy nhiên, chính nghĩa cuối cùng sẽ thắng. Cuộc cách mạng dân tộc dân
chủ toàn diện và triệt để tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Đảng CS còn
mạnh nhờ bộ máy tuyên truyền, nhờ thành phần phên dậu, nhờ nhà tù dựng khắp ba
miền nhưng chính họ cũng phải biết chế độ CS tại Việt Nam chỉ có tính cách tạm
thời và khi sụp đổ sẽ sụp đổ rất nhanh.
Trần Trung Đạo