by Doan Hong
Loài chó đã kết
nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo
cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Trong thơ văn,
con chó đã góp mặt rất sớm qua bài thơ Vô Đề, mở đầu Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn
Trãi, tác phẩm bình minh trong nền thi ca Việt Nam:
Ao bởi hẹp hòi
khôn thả cá
Nhà quen xú xứa
ngại nuôi vằn
Ngày xưa nước ta
con chó không có tên, được ô theo màu lông, con vằn, con vện, con mực, con
khoang... Vằn, vện cùng nguồn gốc ngôn từ, là chữ văn trong Văn
Lang, văn hóa, văn minh; có khi phát âm ra vân trong quả cau nho nhỏ,
cái vỏ vân vân... Câu thơ Nguyễn Trãi: xú xứa nghĩa là xuề
xòa, xuềnh xoàng; ngại nuôi vằn vì bạn mình ưa lục lọi, nên tục ngữ có lời
khuyên: chó treo, mèo đậy; nhà thơ mải lo tiếp mây khách khứa,
nguyệt anh em ắt không mấy để tâm đến việc đậy điệm, treo leo.
Tác phẩm Nguyễn
Trãi còn lưu truyền đến nay là nhờ vua Lê Thánh Tông giải oan và ra lệnh sưu tầm;
Thánh Tông sống sót là do Nguyễn Trãi bao che, và lên ngôi nhờ công Nguyễn Xí
phù lập. Nguyễn Xí lập sự nghiệp bắt đầu từ việc... nuôi chó: ông có tài điều
khiển đàn chó săn hàng trăm con của Lê Lợi, trước khi cầm quân thời khởi nghĩa
Lam Sơn và trở thành danh tướng.
Bóng dáng, tiếng
sủa của con chó gắn bó với phong cảnh làng mạc Việt Nam, được Nguyễn Khuyến ghi
lại bằng câu thơ tài tình :
Trâu già gốc bụi
phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao
cắn tiếng người
Lời lẽ nôm na,
toàn những tiếng đơn âm, gợi lên phong cảnh, khí hậu buổi trưa hè Việt Nam
trong những chi tiết độc đáo và chọn lọc, hơi thở mạnh của con trâu trong khí
nóng bức và im ắng, khiến một âm hao nào đó của con người cũng đủ khuấy động
không gian, làm giật mình con «chó nhỏ» thơ ngây. Câu thơ nôm na như vậy dễ làm
người đọc quên nguyên tác bằng chữ Hán:
Ngọa thụ bì
ngưu hư thử khí
Cách trì tiểu
khuyển phệ nhân thanh
Bài này Nguyễn
Khuyến làm để tặng người anh họ là Đặng Tự Ý và tự dịch ra quốc âm. Có lẽ câu
thơ dịch hay hơn nguyên tác, vì hợp tình hợp cảnh hơn.
Thời thế đổi
thay, con chó cũng đổi thay. Có lần Tổng đốc Nam Định là Vũ Văn Báo, theo lệnh
chính quyền Pháp, vời Nguyễn Khuyến đến nhà, có ý mời ra làm quan. Nguyễn Khuyến
cùng đi với con cả là Nguyễn Hoan, vào đến cổng dinh tổng đốc thì gặp viên công
sứ Pháp đi ra, lại bị con chó tây chồm lên cắn; Nguyễn Khuyến hoảng hốt đẩy con
ra chắn chó. Sau đó, trong câu chuyện với chủ nhân, ông đã làm thơ tức cảnh:
Hốt đáo nhĩ
môn phùng nhĩ cẩu
Cấp tương ngô
tử thế ngô thân
Tạm dịch :
Chợt đến cửa
ngươi, gặp chó ngươi
Kíp đưa con mỗ
thay thân mỗ
Không rõ đây là
chuyện thật, hay là giai thoại, hư cấu theo chuyện Nguyễn Khuyến từ quan nhưng
đẩy con trai, phó bảng Nguyễn Hoan, ra tham chính thay mình. Dù sao hình ảnh
con chó tây xuất hiện ở đây, cũng đánh dấu một giai đoạn xã hội khác, đời mới,
người mới, chó mới, như trong bài văn tế Ri-vi-e (Henri Riviere), chết tại trận
Ô Cầu Giấy, năm 1883 :
Nhớ ông xưa
Mắt ông xanh
lè, mũi ông thò lõ
Đít ông cưỡi lừa,
mồm ông huýt chó
*
Chế độ thuộc địa
Pháp cáo chung vào năm 1945 và dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Pháp. Người lính
da trắng đầu tiên của Việt Minh là Erwin Borchers lấy tên Việt Nam là Chiến Sĩ
và có lẽ là công thần ngoại quốc số một. Ông là lính lê dương gốc Đức, thuộc
quân số Trung Đoàn 5 REI lừng danh, quan hệ với phong trào Việt Minh từ 1944 vì
chuyện... một con chó! Ông kể lại là đã chứng kiến hai cảnh ngộ: một đầu bếp Việt
Nam thịt con chó của ông chủ người Pháp, thì lãnh một tháng tù; còn anh lính lê
dương đâm chết một phu xe Việt Nam vì kì kèo tiền xe thì lãnh 15 ngày tù: vậy
sinh mệnh con người Việt Nam chỉ đáng giá nửa con chó tây. Đây là khởi điểm
một ý thức chính trị đã đưa ông đến quyết định đào ngũ và hợp tác với phong
trào giải phóng, chủ yếu là viết bài cho báo Le Peuple, về sau phụ trách
huấn luyện, phục kích và địch vận, quân hàm thiếu tá (1).
Những ngày đầu
toàn quốc kháng chiến, Quang Dũng là một tác giả hiếm hoi ghi lại đôi mắt con
chó, khi Trung Đoàn Thủ Đô rút quân:
Nhớ buổi trung
đoàn ta ra đi
Dân ta gánh gồng
cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm
năm thôi để lại
Lạc chủ chó gầy
mắt hoang dại
(1947, Sử Một
Trung Đoàn)
Khi phát động du
kích, 1947, những hy sinh hằng loạt đầu tiên, là những con chó, để bảo vệ bí mật
chuyển quân. Hai mươi năm sau, 1968, trong vụ Tổng công kích Mậu Thân, những
ngày áp Tết, loài chó, một lần nữa lại nhất loạt hy sinh. Sau trận tập kích, những
con chó lạc chủ lang thang lại mất mạng. Cứ mỗi lần đất nước có biến động lớn
lao, loài chó là những nạn nhân tiền tiêu. Và món thịt cầy cũng tùy nghi thăng
trầm, phát triển, chúng tôi xin miễn dẫn chứng hay lý luận chi tiết ở đây, e mất
vui ngày Tết.
Lạ một điều: thơ
đương đại ít khi tả chó, dù nó vẫn là bóng dáng và âm vang quen thuộc của làng
quê. Trong tập Bức tranh Quê, 1941, Anh Thơ đã tả chó sáu lần. Huy Cận
thường tả cảnh nông thôn, nhắc đến nhiều súc vật, mà dường như không tả chó.
Hay là nhà thơ Ngô văn Phú, chuyên viên về đời sống nông thôn, trong một tuyển
tập dày cộm gồm 400 bài, chỉ một lần tả chó, mà là chó đất làm đồ chơi, con tò
he (2).
Người đọc khó bề
giải thích sự việc này bằng chính sách, lập trường. Trong thơ cổ điển, chó cũng
ít xuất hiện, có lẽ vì con chó, và tên chó hàm ý xấu, như tên Khuyển Ưng, chó
săn chim mồi trong truyện Kiều. Từ đó ta có thể nhận xét trong thơ đương đại,
những tác giả bên lề đường lối, lại thường nhắc đến chó. Ví dụ Hoàng Hưng có
nguyên một bài thơ về đề tài này (3):
Chó Đen và
Đêm
1
Con chó
Con chó đen
Con chó đen chạy
vào đêm
Đêm gừ gừ, ấm ấm
2
Chó đen sủa
bông sứ máu
3
Chó đen ngửa mặt
nhìn trăng
4
Chó đen rin
rít những điều khó hiểu
Hồn ai đang
lang thang trong đêm
5
Buồn quá chó
ơi
Ai cũng bỏ ta
rồi
Phì phì mày ghếch
mõm vào môi
6
Chó đen sùng sục
suốt đêm
Nỗi ngứa ngáy
tiền kiếp
Phát điên vì
không nói được
Chó ở đây không
phải là một súc vật có thật — nó sẽ là chó Mực — mà biểu tượng cho bóng tối,
đau thương, cô đơn, u uẩn, uất ức.
Cùng một cảm hứng
như vậy, Tuệ Sĩ có bài Tĩnh Thất (4) dài 32 khổ, làm năm Tân tỵ, hai khổ
5 và 6 như sau :
Lon sữa bò nằm
im bên chợ
con chó lạc
đến vỗ nhịp
trời mưa
Tôi lang thang
đi tìm cọng cỏ
Nó nhìn tôi
vô tư...
Trời cuối thu
se lạnh
Chó giỡn nắng
bên hè
Nắng chợt tắt
Buồn lê thê.
Trong các bộ môn
văn học nghệ thuật, thơ là một thể loại nặng tính cách chủ quan, riêng tây,
nhưng ngược lại, cũng giàu chất đại đồng (universalité) nhất; những câu thơ Tuệ
Sĩ, Hoàng Hưng là cách nhìn, cảm xúc cá nhân, nhưng như xé ra những mảng da thịt
rớm máu từ lịch sử dân tộc. Những biểu tượng tù đày, oan khiên, tuyệt vọng
không nói nên lời. Để có cái nhìn thảm thiết kia, các tác giả phải trải qua những
nghịch cảnh, những oan khuất. Họ không làm thơ ngẫu hứng, tự trào, ngâm vịnh buồn
vui; họ cũng không đẽo gọt những hình ảnh văn chương trác tuyệt lưu lại cho sử
sách, do đó mà đã sử dụng hình ảnh con chó, vốn được yêu thương và bị nguyền rủa
và... thưởng thức. Nghiệm trong lịch sử dân tộc gần đây, không ai, và không cái
gì là vô tội, con chó cùng chung số phận: chó là một gia súc bán hợp pháp, một
hồ sơ chưa kịp, hay chưa cần thụ lý.
*
Hình ảnh con chó
đa dạng, đa nghĩa, hàm súc, thâm trầm và hoa mỹ nhất là trong thơ Tô Thùy Yên,
tôi đếm được 15 lần trong hơn 30 năm - nhất định là thiếu sót. Trong chừng mực
nào đó, là con chó nhỏ của ca dao
... con chó nhỏ
sủa dai
sủa nguyệt lâu
đài, sủa bóng trăng lu
Hay trong
thơ Tào Đường :
Thời thời
khuyển phệ động trung xuân
(Động xa
chó sủa rộn lòng xuân)
ĐT lược dịch
Cả hai câu
ca dao và thơ Đường đều do Tô Thùy Yên trích dẫn để “ghi chú” thơ mình (5).
Bài Vườn
Hạ tạo nên không gian an bình, hạnh phúc, như thiên đường xanh những mối
tình thơ dại trong thơ Baudelaire:
Mênh
mang lưu thủy trường trăng lạnh
Con chó
tung tăng giỡn bóng mình
Mương nước
rì rào sao sáng thở
Đài hoa
sương nạm hạt lân tinh (6)
Thơ Tuyển, tr.93
Tác giả
không ghi thời điểm sáng tác; tôi nhớ là khoảng 1974. Bài thơ gồm 17 khổ thật
hay, về hạnh phúc của quê hương thơ ấu miền Nam Bộ. Trong không gian thiên đường
xa xôi ấy, cảnh tử biệt sinh ly vẫn êm ả, thơ mộng:
Con chim
lạc bạn kêu trời rộng
Hồn chết
trôi miền dạ lý hương
Thơ Tuyển, tr.94
Nhưng chiến
tranh đã ập đến. Cuộc tranh chấp năm châu thế giới đã òa ập xuống đầu một dân tộc
nhỏ bé, trên quê hương mong manh trăng tơ và nắng lụa:
Xa nghe
đợt gió lên cơn bão
Nhân loại
quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó
năm châu cắn sủa rộ
Quỷ ma
cười khóc rợn đêm thâu...
Thơ Tuyển, tr. 46
Bài thơ làm
tháng 7-1972, tên Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, gồm 24 khổ, có những hình ảnh
mới mẻ nổi tiếng:
Ta dậy
khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây
rách đỏ vết thương dài.
Thơ Tuyển, tr.59
Những đoạn
thơ đánh dấu hoàn cảnh đất nước và tâm trạng con người lúc đó:
Sống
trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà
ta sống, có kỳ không?
Nước mắt
ta tuôn khi nghĩ tới
Những
người đã chết, chết như rơm
Thơ Tuyển, tr.43
Tiếp theo
là hình ảnh con chó, trong bài Mùa Hạn, 47 khổ, làm trong trại tù Nghệ
Tĩnh, năm 1979 :
Làng mạc
giờ đây đã trống trơn
Con dê
con chó cũng không còn
Người đi
bỏ xác nơi bờ bụi
Miếu sạt,
thần hoàng rũ héo hon
Con chó
không còn, nhưng vẫn còn tiếng tru rân:
Cái chết
tru rân giờ nguyệt tận
Máu bung
từ mỗi lỗ chân lông
Mọi người
nghe chính mình kêu rú
Liệu
sáng mai còn ai nữa không?
Thơ Tuyển,
tr.104-103
Sau 13 năm
tù, tác giả sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1993. Bài Nhà Xưa, Lửa cất ủ,
trong Thắp Tạ, gồm 21 đoạn, làm năm 1997:
Nghe
trong xanh thẳm thời gian
Dai dẳng
Tiếng
con chó nhỏ bên hè
Sủa bóng
trăng lu
...
Bàn thờ
nhện giăng
Nói chi
cơm cúng
Tội cho
hồn con chó nhỏ vẫn nằm chờ
Mơ màng
người chủ vừa ra đi.
Đây là cảnh
ngộ của nhiều người, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Nhà thơ gửi thêm vào
một hoài niệm riêng:
Em đứng
lại, khóc cựu tình sơ ngộ
Nghe hồn
con chó nhỏ quấn mừng em.
Thắp tạ,
tr. 60,62 và 66
Sơ ngộ mà
đã cựu tình, là một cơ duyên tuy hiếm hoi, nhưng vẫn có thể xảy ra. Ngược lại,
cựu tình mà hóa thành sơ ngộ là chuyện thường xuyên ngày nay (lạc đề). Kẻ bất
tài nhại thơ vớ vẩn: con chó thủy chung vì con chó nhỏ, chó lớn lên, rồi chó sẽ
khôn hơn. Tô Thùy Yên với cái ý như vậy, làm thơ hay hơn:
Nắng mưa
thấm thoát đời ta
Mối mọt
căn nhà rệu rã
Đòi phen
năm tháng cũ dò về
Chó già
lạ hơi sủa
Chuyện đời
như thất thiệt
Vàng đá
còn không giữ nổi mình
Biết nhờ
đâu xác chứng ?
... Quê
nhà nghe nói có
Chỉ dấu
tìm không ra
2002, Thắp
tạ, tr.100-102
Con chó đeo
đẳng mãi với thơ Tô Thùy Yên, càng ngày càng bi thiết. Trong bài mới làm hồi
tháng 5-2005, ông tự xem mình là “Khất giả”:
... Khất
giả còn đi
Lê mấy lời
thương thảm cổ đại
Vào sâu
mãi xóm trong?
Ra bữa
xin chưa đủ
Thân đọa
đày thân phải chịu thôi
Chỉ mong
đồng loại chớ xua đuổi
Giờ này
thế giới kín khuya khoắt,
Còn cửa
nào cho ta gõ đây?
Lũ chó sủa
rong theo
Quả đáng
ngờ vực, mọi nhân dạng (7)
Câu cuối
chua xót: con người mất xứ sở, mất tài sản tinh thần, may còn tiếng nói
tùy thân, mất niềm tin, nơi mình, nơi kẻ khác. Ngờ vực cả nhân gian, nhân dạng,
cả nhân tình, nhân tính. Lũ chó sủa rong theo là một biểu tượng cay nghiệt và
cay đắng.
*
Chuyện ngày
Tết, lẽ ra phải vui, nhưng cuộc đời vẫn có chuyện không vui, cho dù ngày Tết.
Trong tiếng Việt, chó là lời nguyền rủa. Thường thường là nặng nề và oan ức.
Con chó tự nó không có gì xấu; cái ta cho là xấu là do con người sai khiến, luyện
tập. Gần gũi với con người, nó cam chia sẻ số phận của con người, “con không
chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.” Trong hoàn cảnh xã hội đảo điên,
lịch sử nghiệt ngã, chó trở thành biểu tượng u uất, đa nghĩa, như trong đoạn
thơ Tô Thùy Yên dưới đây, tôi mượn làm lời kết luận bài này:
Chuyện kể
cốt qua đêm, nề chi chuyện kể lại
Chó tru,
miền xa tối rợn gai
Nơi hốc
đá một cành hoa đợi sáng nở
Đi. Đi qua. Đi
qua nữa. Đi qua
nữa nữa.
2003, Thắp
tạ, tr. 116
Orleans,
21/12/2005
Đặng
Tiến
Chú
thích
1. Jacques
Doyan, Les Soldats Blancs de Ho Chi Minh (Những người lính da trắng của
Hồ Chí Minh) tr. 45-46, nxb Fayad, 1973, Paris.
2. Ngô Văn
Phú, Tuyển Tập, tr. 407, nxb Hội Nhà Văn, 2000, Hà Nội.
3. Hoàng
Hưng, Người đi tìm mặt, tr. 33, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1994, TPHCM.
4. Tuệ Sĩ, Giấc
Mơ Trường Sơn, tr. 74-75, nxb An Tiêm, 2002, Paris-San Jose.
5. Tô Thùy
Yên, Thắp Tạ, tr. 128, 135, nxb An Tiêm, 2004, Houston.
6. Tô Thùy
Yên, Thơ Tuyển, tác giả xuất bản, 1995, Minnesota.
7. Tô Thùy
Yên, Khất giả, Tạp chí Gió Văn, tr. 4, số 5, 2005, Texas.