Tôi rời nhà lặng lẽ vào lúc 3:30 sáng ngày 31 tháng giêng.
Ngoài sân, trăng rằm thứ hai của tháng chạp ta (tháng một dương lịch) vằng vặc
sáng trên nền trời không có một gợn mây.
Tôi lái xe ra bờ biển, lên một ngọn đồi ngay góc đường Superior
và Pacific Coast Highway. Trong khu vực đậu xe của công viên đã có 5 chiếc xe
im lìm chờ đợi, họ đậu ngổn ngang trên những vị trí mà họ nghĩ là tốt nhất
để ngắm trăng. Tôi cũng tìm được cho mình một chỗ tốt, tắt máy, đậu xe, chuẩn bị
máy ảnh rồi thong thả ngồi chờ. Không thong thả cũng chẳng biết phải làm gì. “Nguyệt
lai môn hạ nhàn”, cổ nhân viết hay thật. Tôi bây giờ thì quả là nhàn
rỗi chánh hiệu con nai vàng. Không nhàn thì làm thế nào có giờ đi xem trăng khi
hàng ngày phải chạy gạo?
Lý do tôi bỏ ngủ để tìm trăng đêm nay vì dịp trăng tròn này,
tiếng Anh gọi là Supermoon/blue/ blood Moon /Lunar Eclipse. Supermoon là vì mặt
trăng đến gần trái đất nhất trong chu kỳ vận chuyển. Blue Moon là lần trăng
tròn thứ hai trong cùng một tháng. Chữ Blue moon không phải là trăng thanh hay
trăng xanh gì cả, Blue Moon chỉ có nghĩa là lâu lâu mới xảy ra một lần ( 2.7
năm). Thế nhưng lần này hiếm hoi hơn vì có hiện tượng nguyệt thực cùng một lúc,
sau hiện tượng nguyệt thực thì mặt trăng sẽ có màu đỏ nên còn gọi là trăng huyết
(Blood Moon).
Chậm rãi ăn một trái chuối sứ và uống chai nước lọc bé xíu,
tôi ngã ghế xe theo thế nằm. Nhìn qua cửa kính ngắm trăng, thỉnh thoảng nâng
máy ảnh lên bấm vài ba tấm. Mặt trăng theo thời gian khuyết đi từng mảnh nhỏ, dần
dần thành một cái lưỡi liềm. Bây giờ là 4 giờ 30 sáng thứ tư. Nhìn lên bầu trời
trong veo, điểm trang bằng những ngôi sao nhỏ long lanh, tôi thấy phần trên của
mặt trăng màu đỏ có vân đen như cẩm thạch. Lúc 4 giờ 42 phút, trăng chỉ còn một
đường sáng nhỏ dưới đáy, khung tròn bên trên ửng màu cam. Tôi hồi hộp nhìn vầng
trăng từ từ biến mất. Buồn buồn, tôi so sánh chu kỳ nguyệt thực với đời người,
từng ngày mất đi, chậm rãi, tới khi ta nhận thức thì đời đã gần tàn.
Tôi lấy điện thoại cầm tay, gửi một lời nhắn cho gia đình biết
mình đang làm gì để họ khỏi lo lắng, rồi tôi mở notepad để viết bài. Viết chán,
tôi nghêu ngao hát một bản nhạc tự mình sáng tác và thâu lại trong máy thâu âm
để về nhà ghi lại. Giữa những quãng thời gian ấy, dĩ nhiên là tôi vẫn bước khỏi
xe, bấm vài tấm ảnh rồi lại vô xe khóa cửa làm việc trên bàn phím điện thoại.
Tuy vậy tôi vẫn luôn luôn chú ý đến những chiếc xe ra vào trong khu đậu xe và
quan sát động tĩnh quanh mình. Vì đi chơi một mình nên tôi phải cẩn thận hơn một
chút.
Đến 4:55 trăng không còn ánh sáng nữa nhưng tôi vẫn thấy mặt
trăng tròn, lớn như lòng đỏ trứng gà. Trong vòng 3 phút nữa, tôi sẽ được gần mặt
trăng hơn bao giờ hết (so sánh 223,068 dặm với khoảng cách bình thường là
238,855 dặm).
Ngồi chờ một lúc mặt trăng vẫn lửng lơ không có gì thay đổi,
tôi di chuyển xe đến gần một gốc cây lớn, hy vọng thay đổi tiền cảnh một chút
cho khỏi chán. Thế nhưng sau mấy phút thấy hình ảnh mình chụp chẳng có gì hay
hơn, tôi lên xe chạy qua Huntington Beach chụp hình biển sớm.
Trên Pacific Coast Highway, xe chạy thưa thớt nhưng rất
nhanh, tôi lò mò chạy phía bên đường chậm, theo sau mấy chiếc xe lục lộ. Chạy
khoảng mấy phút, chịu hết nổi vì chúng chậm rãi quá, tôi đổi qua đường bên
trái, lúc này thì tôi lại bị chậm hơn các người khác nên thấy xe phía sau ra
tín hiệu qua mặt hoài; tuy nhiên tôi cũng ráng chạy nhanh hơn một chút để khỏi
bị thiên hạ rủa. Qua khỏi đường Main ngay cầu tàu, tôi biết vị trí mình muốn đến
là “bãi biển chó chạy” của thành phố Hungtington, phía này có nhiều khu
đậu xe rộng rãi và con đường đi bộ rất sạch sẽ, có ghế ngồi, bàn ăn, dọc theo
vách đá; vị trí này cao hơn bãi cát cả mươi thước. Đứng đây, ta có thể nhìn thấy
cả mấy mươi dặm biển, hướng Los Angeles bên phải và San Diego bên trái, trước mặt
là đảo Catalina.
Khi tôi vừa mới đến, mặt trăng còn ở trên cao, tôi đi dạo
trong gió biển mát rượi. Sau khi chụp ảnh mặt trăng dần xuống
về hướng tây giữa mấy cây cọ cao vút, tôi bước ra sát triền đồi, chụp ảnh trăng
trên vùng đèn sáng của Long Beach, ánh trăng dọi một đường sáng long lanh trên
biển tím. Quay qua phía trái, tôi chụp ảnh mặt trời sắp mọc về hướng đông, chân
trời ửng lên màu cam lộng lẫy, các cây cọ cao vút dọc sườn đồi in bóng thanh
thoát trên vùng trời bình minh.
Trời bắt đầu sáng hơn, khoảng 6giờ 46 phút tôi chụp tấm ảnh
cuối cùng khi mặt trăng sắp xuống sau những ngọn đồi hướng Long Beach. Trăng bị
mây che một nửa nhưng phần còn lại thật xinh, như khuôn mặt trắng ngà của giai
nhân, hay đó là biểu tượng tuyệt mỹ của khuôn mặt chị Hằng, trắng trẻo, mịn
màng như má người thiếu nữ.
Bảy giờ sáng, tôi lái xe về lại Newport Beach. Mặt trời vừa
lên, chói chang như cái đèn pha rọi vào mắt, tôi phải dùng kính đen; vậy mà
cũng phải leo nheo đôi mắt cho đến khi rẽ trái lên đường Superior.
Vừa tay xách nách mang cả bị lẫn gậy vào nhà; đầu thang lầu,
thằng bé cháu mới tuổi rưỡi đã ngồi chờ sẵn. Tôi buông cả đồ đạc, trèo lên ôm
nó vào lòng. Hôn lên đôi má hồng phinh phính của nó; hồn ấm áp tràn ngập nỗi
thương yêu. Đôi má mịn màng này ấm hơn đôi má chị Hằng nhiều. Tôi chỉ được nhìn
và mê chị Hằng cách xa 238,855 dặm nhưng tình yêu thật sự của tôi đang kề cận
trong vòng tay của mình.
Tôn Nữ Thu Nga
January-31-2018