Tiếng Quảng Đông, phát âm chữ “mụ”, có nghĩa là không. Hình như người Việt
đổi lại mụ thành mậu? Trò cờ bạc xập xám chướng (13 lá bài): Mậu binh là không
cần binh vì bài quá tốt, tự động được chung tiền. Mậu hào là không còn đồng
nào. Mậu đối nghịch với dậu. Dậu là có. “Dách cô dành dậu” nghĩa là có một
người. Nghĩa ngữ này không dính tới ba cái niên lịch, thiên can đứng trước 12
địa chi rắc rối kia đâu, như Dậu là gà, mà Mậu Thân với Mậu Tuất thì chớ nghĩ
là không khỉ không chó. Mậu này mậu nọ cách biệt những 50 năm. Mới đồ con khỉ
đó, loay hoay lại gặp đồ con chó! Can chi của Mậu gồm: Mậu tý, mậu dần, mậu
thìn, mậu ngọ, Mậu Thân, mậu tuất. (Hổng có mậu binh).
Lỡ ăn mắm ăn muối dụng tới tiếng Tàu chữ Hán nghĩa Nôm, xúi nhớ đại ngôn của
Khổng Tử khi ăn to nói lớn kiểu “ngũ thập tri thiên mệnh”. Năm mươi tuổi thôi
mà, đâu ai hiền triết để ngộ rõ mệnh trời. Phim ảnh Đài Loan Hồng Kông Trung
Quốc kịch bản lời thoại thường nhét vô miệng đạo sĩ như này: “Thiên cơ bất khả
lậu!”. Đánh mất lập trường để bật mí chút xíu e thác dưới tay Ngọc Hoàng? Lưới
trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát? Kíp ngậm bồ hòn làm ngọt đi nghen
cưng.
Những em ra đời mùa xuân tang tóc Mậu Thân giờ này đã tròn năm mươi, vẫn dại
khờ vẫn hoang mang khi nghe ba mạ kể về kỷ niệm “máu lửa” hôm con chính thức
làm người. Ngày con khóc oe oe giữa một thành phố tang hoang, cũng là lúc có
vạn tiếng khóc thầm khi chịu đối mặt với lòng hận thù say máu được dịp tàn sát
thoả thuê. Ba ngày Tết của người Việt có linh thiêng không? Dậu hay mụ? Huế có
chùa Thiên Mụ dựng đặt ở tả ngạn sông Hương, làm cảnh cho vui rứa thôi chứ mụ
linh thiêng đối với bọn người cộng sản, đội ngũ ma quỉ có thể ngán chùa chiền
chẳng dám lai vãng, nhưng bó tay (1968 chưa có chấm còm) đối với mấy ôn từ núi
rừng tràn về.
Những em được chào đời năm Mậu Thân ở Huế, giờ đây nhiều em chẳng dám tổ
chức sinh nhật mình ngũ thập niên. Bởi các em hiểu khi mình sinh ra, cùng thời
điểm có hơn 7.000 hồn oan suốt đời chẳng được siêu thoát. Năm mươi tuổi không
hiểu mệnh trời nhưng nhờ được giáo dục (Huế trước 1975 được đánh giá là thành
phố có nhiều trường học cũng như đông học sinh nhất miền Nam) các em ý thức về
niềm đau vô bờ mà bà con không dưng phải hứng chịu. Thay vì thắp nến cắm trên
mặt bánh kem, một bộ phận không nhỏ người tử tế đã thắp nhang cúi đầu trong
bóng tối mặc niệm những kẻ đang sống chuyển sang từ trần. Nhớ đến một câu nói
“chướng tai”: Chỉ có thú vật mới săm soi bộ lông của mình! Và mấy em đã chướng
mắt khi thấy nhà nước tổ chức kỷ niệm ăn mừng 50 năm Mậu Thân. Giết một con chó
để làm xôm tụ buổi nhậu cùng các chiến hữu đã thấy gớm tay. Dùng cuốc, búa,
dao, mã tấu để phang, nện, chặt, chém vào những người đang bị trói bắt quỳ gối
bên hố nông. Cha mạ ơi! Hét được tiếng cuối trước khi bị đạp xuống mộ huyệt.
Phim trường Hồ Ly Vọng thực hiện một thước phim về bọn khủng bố chắc sẽ e dè
thảo luận để thôi “action”. Dã man quá! Thú tính quá! Ăn lông ở lỗ quá! Khốn
nạn quá! Cut… Cut… Các diễn viên thủ vai vi-xi, hoá trang bọn người từng nhảy
núi cũng hú hồn thở phào nhẹ nhõm: Cho em nhờ tí, nếu lộ hàng, sợ về nhà mẹ con
nó ngầy ngà đồ ác đức bất nhơn! Chịu đời chi thấu mấy eng!
Ngoài đời, những tay sát thủ năm xưa đã vào hạng tuổi 80 nếu chúng còn thọ.
Và giống y như trong phim ảnh, những đứa ác ôn thường sống lâu. Lực lượng hét
ra lửa ngày nào bây chừ có kẻ tàn phế thân bại danh liệt lại có kẻ không dưng
trở thành nhà Huế học, tự hào từng đọc thiên kinh vạn quyển. Già đầu là vậy
nhưng một mực chủ trương sống để bụng chết mang theo. Mậu hối cải. Mụ thành
tâm. Đảng ta dùng chữ kiên cường, dành cho đồng chí; nhưng ngoan cố thì áp đặt
cho bọn phản động. Số đông cảm tình viên khác cũng ngoan cố một mực lá lành đùm
lá rách tìm lời biện minh. Oan cho tớ quá, nói vậy mà không phải vậy đâu. Mồm
năm miệng mười mà làm gì? Gân cổ làm chi cho nhọc sức! Đơn giản và ấu trĩ nhất,
anh khẳng định đồng chí A, B, C không nỡ lòng nào xuống tay thì anh phải chỉ ra
chính thằng X, con Y, ông Z mới khát máu dường ấy. Đã lấp liếm mà còn tổ chức
ăn mừng tội ác. Ui, ông trời thật không có mắt! Thiên cơ là con khỉ chi mà
không chịu hé lộ? Nhạc vàng có bài: Tôi xin người hãy gian dối, cho tôi tưởng…
Tác giả chắc sáng tác nó sau thời điểm Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy?
Quang minh chính đại chẳng hề có trên lãnh thổ hình chữ S. Câu chuyện mãi
không đi tới đường là do vậy. Cũng vì lẽ đó, đã 50 năm Chó nhìn lui Khỉ vẫn
thấy mới những vết thương, chưa thể liền da tựa mới xẩy ra vào năm Gà vừa bóc
lịch xong. Có người duy tâm hồ nghi đặt dấu hỏi: Ở Huế có nhiều ma không? Dạ
thưa, tui không duy vật nhưng mạnh miệng đáp: Mậu. Không đâu. Mần chi có. Vì
răng? Anh ni chủ quan dễ sợ! Vì nếu có ma, em thấy đó, mấy ôn nớ mô có bình an
mà sống thọ hung rứa. Ma hiện hồn lên vặn cổ chỉ là sản phẩm của tượng tượng.
Dạ thưa xứ Huế bây giờ vẫn còn núi ngự bên bờ sông hương, nhưng Huế mộng Huế mơ
thì… nói vậy mà hổng phải vậy đâu, xưa rồi diễm. Khuya ni có tới nhà anh không?
Hai đứa mềnh thắp đèn sáp ngồi tưởng niệm cố đô Mậu Thân. Lại mượn lời ông Bùi
Giáng nữa nghe: Không có ma đâu mà sợ. Có tôi? Nhưng tôi đâu phải là con ma!
Hồ Đình Nghiêm