Trong 12 con giáp, linh thiêng như Rồng, hiền lành như Gà,
nhỏ bé như Chuột, “nhân bản” như Dê... vậy mà gần gũi nhất với NGƯỜI lại là
Chó.
Tuy nhiên xét về một mặt khác, thấy cũng hơi lạ. Trong 12
con giáp, con nào cũng biết bơi, chỉ khác bơi nhanh hay chậm mà thôi, nhưng
không kiểu bơi của con nào được nâng cấp thành tiêu biểu, xứng đáng cho NGƯỜI
công nhận là kiểu mẫu để lấy làm bài học cơ bản, trừ chỉ có của Chó: Bơi Kiểu
Chó!
Vậy mà chẳng hiểu nguyên nhân nào khi Ngọc Hoàng có ý định chọn lựa 12 con
vật để cai quản trần gian bằng cách cho tổ chức một cuộc thi bơi qua dòng Thiên
Giang, tuy cuối cùng Chó cũng lọt được vào danh sách thí sinh trúng tuyển nhưng
lại về áp chót, chỉ hơn được mỗi con Heo tự Lợn. Bí mật này cho tới nay, sau hằng
triệu triệu thế kỷ, tức là từ khởi thủy có loài người hiện diện ở hành tinh
này, vẫn chưa có câu giải đáp. Nghe đồn có lần bị các “fans” - tức những người
cầm tinh chó - chất vấn quá, con vật này bèn trả lời như thể cho qua truyện: “Ừa
thì tại... tớ dừng lại nhiều lần để tắm rửa trên dòng sông”. Phải chăng vì sự
tích này mà suy về phương diện bói toán, tuổi Tuất được “đánh giá” là sở hữu những
đặc tính: Thông minh, thẳng thắn, trung tín và kín miệng? Đúng hay sai, xin hạ
hồi phân giải, bây giờ mạn phép đề cập đến nhiều khía cạnh quan trọng khác của
chó trước đã.
Nguồn gốc Chó
Chó tên khoa học là Canidae (theo tiếng Latin, Canis có
nghĩa là chó) xuất phát từ tổ tiên cáo và chó sói. Chó là loài động vật có vú,
ăn thịt và thích nghi đặc biệt để săn mồi, ra đời vào khoảng 400 triệu năm trước
đây. Chó cũng là loài động vật đầu tiên được loài người thuần hóa cách nay khoảng
15,000 năm, vào cuối kỷ Băng Hà (giai đoạn giảm nhiệt độ lâu dài của khí
hậu Trái
Đất, dẫn tới sự mở rộng của các dải
băng lục địa, các dải băng vùng cực và sự đóng băng trên
núi. Ít nhất đã có bốn thời kỳ băng hà chính trong lịch sử Trái Đất. Kỷ băng hà
sớm nhất theo lý thuyết, được cho rằng đã xảy ra khoảng 2.4 tới 2.1 tỷ năm...).
Tuy nhiên trước đó, nghĩa là cách nay khoảng 40,000 năm, người và chó sói vẫn
là đối thủ sinh tử của nhau trong các cuộc săn mồi theo bầy. Cho tới khi loài
người đã khởi sự biết sống thành xã hội, chó cũng bắt đầu tìm đến kiếm ăn. Để tự
vệ, loài người bắt chó sói, phần để lấy thịt làm thực phẩm; phần bắt giam “tù
binh” để từ đó qua nhiều thế hệ thuần hóa thành... chó nhà. Thế nhưng loại động
vật này cũng bị phân hóa để rồi hiện nay, theo các nhà động vật học, chó có khoảng
40 loài và 122 phân họ, điển hình như Bẹc-giê, Chiuahua Fox, Collie,
Bulldog, Beagle, Rottweiler, Shepherd, Poode, Retriever, Chow Chow, Dachshund,
Boxer, Pug, Shih Tzu, Maltese, St. Bernard, Saluki, Akita, Schæfer, Broholmer
...
Các tên gọi của chó
Người Việt mình gọi là “chó” mà theo thiển ý, từ ngữ này bắt
nguồn từ sự bắt chước tiếng rú lên của chó; theo đó khi còn là thú hoang, loài
này vốn là chó sói, chưa biết sủa mà chỉ tru thôi. Người Việt, đặc biệt ở miền
Bắc thường không phân biệt âm /tr/ với âm /ch/, thành ra khi phát âm “tru” lại
như “chu” vậy. Nghĩa của tiếng kêu ầm ĩ tuy viết “tru tréo”, nhưng giọng địa
phương (dialect) phát âm thành “chu chéo” để rồi lâu dần hai âm “chu” đặc
biệt “chéo” hòa hợp mà biến thành... “chó” khi nào không hay! Cũng như đối với
một số con vật khác như hùm, bò, bê, nghé, dê... chắc cũng bởi hệ quả biến âm địa
phương kể trên cộng với nhiều yếu tố khác như phong thổ, nhu cầu... mà tiếng
kêu của chúng qua nhiều thời đại đã biến thành tên gọi của chúng như hiện nay.
Ngoài ra “con chó” còn được gọi bằng tên Hán-Việt: Khuyển và
Cẩu.
Vào thời cổ đại, hai từ “khuyển” và “cẩu” có sự khác biệt.
Theo đó, “khuyển” chỉ chó lớn; “cẩu” chỉ chó con.
Ngày nay hai từ này đồng nghĩa: “Khuyển, cổ đại chỉ đại cẩu;
hậu khuyển, cẩu thông danh”: Khuyển thời xưa chỉ chó lớn; về sau khuyển, cẩu gọi
lẫn lộn.
- Từ “khuyển” được ghép với một từ khác để chỉ các “đối tượng”
khác nhưng vẫn liên quan đến con chó, chẳng hạn: Ái khuyển: Chó cưng - Khuyển
xa: Chuồng chó - Khuyển xỉ: Răng nanh - Khuyển vịnh: Bơi chó - Khuyển ưng: Chó
săn (nghĩa bóng: Kẻ tôi tớ để sai khiến) - Khuyển mã: (Thân) chó ngựa (nghĩa
bóng: Tôi tớ trung nghĩa với chủ)...
- Từ “cẩu”, cũng không dùng một mình - Cẩu trệ: Chó lợn
(nghĩa bóng chỉ những phường tiểu nhân, phẩm cách hèn hạ) - Cẩu hạnh (tính xấu
như chó, lòng dạ chó má) - Cẩu đạo (ăn trộm, kẻ khoét vách chui vào nhà người
ta mà lấy của)...
Ở quốc nội Việt Nam ngày nay, tình trạng từ loại “tạp chế” rất
thịnh hành, bởi thế có từ “cẩu tặc” để gọi kẻ ăn trộm chó, trong khi với Hán ngữ,
“cẩu tặc” là tiếng nhục mạ kẻ bất trung bất nghĩa, hoàn toàn không dính dáng gì
đến chó cả. - “Cẩu ngoại” chỉ chó ở nước ngoài được buôn về nước nhằm đáp ứng
nhu cầu thị trường... thịt chó.
Đặc tính của Chó
So với các loài động vật khác, chó được nuôi nhiều nhất trên
thế giới để dùng vào nhiều mục đích khác nhau, như giữ nhà, dẫn đường, săn bắt,
chăn cừu, kéo xe, tải thương, thám hiểm, bảo vệ an ninh, làm cảnh, kinh tài cho
chủ (bằng “công tác” truyền giống), làm bạn với chủ... nhưng đồng thời cũng để
làm thực phẩm.
Chó có nhiều loại, nhiều chi nên mỗi loài lại có một số đặc
tính khác biệt, kể ra không suể. Nói bóng nói gió thì “mỗi loài một vẻ; mười
con vẹn mười”, trừ con chó Martha; cô nàng khuyển này đã đoạt giải “World’s
Ugliest Dog Competition”, trong cuộc thi đua “Con chó xấu nhất thế giới”,ngày
23/06/2017, tại Petaluma, California, Hoa Kỳ. Thế nhưng diện mạo có một không
hai của Martha cũng đã mang về cho chủ nó 1,500 Mỹ Kim giải thưởng. Vậy thì “ai
bảo xấu là khổ; xấu đôi khi... sướng lắm chứ”!
Ở đây xin phép nhấn mạnh là người viết chỉ nêu những đặc
tính tổng quát của chó - nhưng thuộc diện chó nhà - mà thôi.
Trước hết, nói về số năm sống hay nôm na là tuổi đời của
chó, các chuyên gia về loài khuyển đã tính được theo lối “tiện và lợi” như sau:
Khoảng thời kỳ đầu đời, con chó được 1 năm tuổi thì bằng người lên 16 tuổi. Chó
2 tuổi tương xứng với người 24 tuổi; chó “thọ” 3 năm tuổi bằng người bước vào lứa
tuổi “tam thập nhi lập”. Từ mốc điểm thời gian này, một năm tuổi của chó chỉ
còn tương đương 4 năm tuổi của người.
Thời gian chó mang thai kéo dài trung bình khoảng 60 - 62
ngày. Khi mới lọt lòng mẹ, chó con không có răng, phải chờ trong vòng 4 tuần lễ
mới dần dần sở hữu 28 răng. Nơi chó trưởng thành, số răng đầy đủ ở cả hai hàm gồm
42 chiếc.
Cũng lúc mới chào đời, chó con không thể sử dụng ngay được
thị giác. Các cụ ở nhà quê xưa giảng giải, việc “mở mắt” của mỗi con chó con được
tính một tuần lễ theo số lượng chó con mỗi lứa; thí dụ 2 con thì 2 tuần; 4 con
thì nhân gấp đôi... Mắt chó có tới 3 mí. Ngoài mí trên, mí dưới, chó còn có mí
thứ 3 nằm hơi sâu ở giữa, phía trong, nhằm chắn bụi bậm. Vả lại, thị giác của
chó cũng yếu, chỉ phân biệt được 3 màu mà thôi: Xanh lục, xanh dương và vàng. Để
phân biệt vật thể, chó nhờ vào sự chuyển động, sau đến ánh sáng rồi hình dạng
(của đối tượng).
Ngược lại, thính giác và khứu giác của chó rất bén nhậy. Chó
có thể nhận biết 35,000 âm rung chỉ trong một giây và phân biệt khoảng 220 triệu
mùi khác nhau. Bởi thế không lạ khi chó được dùng vào việc “ngửi” mùi của các đồ
vật chôn dưới đất sâu hay giấu trong thùng đóng kín. Loại chó săn đánh hơi được
các con mồi hoặc cây nấm trong rừng hoang...
Sau nữa, người ta không thể phủ nhận đặc tính thủy chung của
loài khuyển, biết quấn quít bên chủ... như thể chó nghe và hiểu được tiếng người.
Chẳng thế mà không thiếu chú chó đã anh dũng tiến vào lịch sử loài người mà điển
hình nhất là Laika của Nga, con chó đầu tiên được đưa lên không gian trong chuyến
phi thuyền năm 1957.
Vả lại, câu “chó là người bạn trung thành” thiết tưởng cũng
không sai. Ai đối xử tốt với nó, nó không bao giờ cắn lại. Hơn nữa, chó biết biểu
hiện tình cảm với chủ. Câu đố dân gian “đầu làng gõ mõ, cuối làng phất cờ”
diễn tả điệu bộ chó mừng rỡ khi đón chủ là một thí dụ. Tuy có trường hợp “yêu
chó, chó liếm mặt” nhưng cũng chỉ vì nó mến chủ đấy thôi. Có thể nói, chó
không phản bội chủ. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con không chê cha mẹ khó; chó
không chê chủ nhà nghèo”. Người ta yêu quí loại gia súc này cũng bởi đặc
tính ấy của chúng.
Chó trong văn hóa
Phải nói là truyền thuyết dân gian đã đóng một vai trò quan
trọng trong việc liên kết giữa chó và lịch sử. Giở lại Việt sử, ngày nay người
ta đọc thấy thời An Dương Vương, Thục Phán lên ngôi năm 258 trước Tây lịch, chấm
dứt triều đại các vua Hùng, đã dời kinh đô từ miền trung du Vĩnh Phú về
miệt đồng bằng Hồng Hà. Sở dĩ ban đầu vua đã muốn định đô tại làng Tó (Uy Nỗ)
nhưng lại dời về gò Cổ Loa là bởi theo chân... đàn chó (có lẽ là chó săn) vì
các thủ lãnh bộ lạc đều là những thợ săn lỗi lạc. Con chó được vua yêu quí nhất
là chủ soái đàn chó săn, lúc đó cũng tìm về Cổ Loa để đẻ con. Cho tới ngày nay,
dân chúng địa phương vẫn chọn ổ (nơi) chó đẻ con để dựng nhà vì tin đó là đất
phát phúc, phát tài.
Lại nữa, nhân đang nói về thứ văn hóa tín ngưỡng, thiết tưởng
cũng cần nhấn mạnh bổ túc rằng cổ nhân Việt Nam đã sáng tạo một quan niệm dân
gian tuyệt vời dựa trên câu chuyện truyền khẩu về con chó vào triều đại Lý Công
Uẩn tức vua Lý Thái Tổ. Theo truyền thuyết, ở quê Lý Công Uẩn có một con chó đẻ
ra một chó con sắc trắng với đốm lông vàng kết thành chữ “Vương” trên lưng, báo
điềm năm Tuất “sản xuất” một người làm vua. Trong khi Lý Công Uẩn đã sinh ra
vào năm Giáp Tuất (974). Quả thật, sau này Lý Công Uẩn đã ngự trị trên ngôi rồng,
lấy hiệu là Lý Thái Tổ.
Đặc biệt hơn nữa, khi vua Lý Thái Tổ đời đô từ Hoa Lư ra
Thăng Long, bỗng có một con chó bụng chửa từ núi Ba Châu, Bắc Giang, bơi qua
sông Cái, lên núi Nùng mà đẻ một chó con. Đến năm Nhâm Tuất, hai con chó đều
hóa đá. Nơi này về sau, một ngôi đền thờ chó mẹ và chó con đã được lập nên, gọi
là đền thờ Cẩu Nhi. Tới triều đại sau, điện này được dời ra ngoài hoàng thành,
dựng trên một ngọn gò bên bờ hồ Trúc Bạch.
Tuy vậy, trong cuộc sống thực tế, chó vẫn bị... oan ức, nhất
là khi loài người lạm dụng danh xưng của nó vào việc chửi bới, thóa mạ địch thủ
bằng những thuật ngữ, tiếng lóng... chẳng hạn người Việt thì vẫn “thoải mái” sử
dụng các từ: Đồ chó, đồ chó má, đồ chó đẻ, thứ chó dái, đồ chó dại, đồ chó
điên, ngu như chó, đồ chó cái, thứ chó chết, loại chó chui gầm chạn, đồ chó hủi,
chó ghẻ, đồ chó vô chủ, lũ chó hoang, tuồng chó lợn, chó với mèo, đồ chó liếm
đít, thứ chó ăn cứt, đồ chó săn, loài cẩu nô...
Lại nói tổng quát, loài chó vẫn sở hữu hình tượng đa dạng,
đa nghĩa trong văn hóa loài người nói chung, kể cả trong lãnh vực hội họa, điêu
khắc và điện ảnh... Chẳng thế mà tên chó đã được sử dụng để đặt cho các
chùm sao: Đại Khuyển, Tiểu Khuyển, Lập Khuyển..
Riêng trong văn hóa Á Đông, chó thuộc lục súc (trâu, chó,
ngựa, dê, gà và lợn), đặc biệt đứng trong danh sách 12 con giáp, hạng thứ
11, với chi Tuất. Trong văn hóa người Việt, chó là biểu tượng của lòng trung
thành (khuyển mã chi tình), biểu hiệu thần giữ của. Chó được quan niệm là con vật
đem lại sự may mắn và thịnh vượng, trong khi mèo mang đến điều dữ, xui xẻo, vì “mèo
đến nhà thì khó, chó tới nhà thì sang”. Bởi vậy chó đá được đặt tại cổng đền,
miếu, đình, chùa hay trước cổng làng, cửa nhà để ngăn trừ tà ma, cảnh báo quân
gian.
Tục thờ Chó Đá
Nhân vừa nhắc đến chó đá, thiết nghĩ cũng cần trình bày rộng
rãi hơn, bởi vì không chỉ trước kia mà cả ngày nay ở Việt Nam vẫn có tục thờ
chó đá vốn được thể hiện dưới hai hình thức: Một là chôn đá trước cổng nhà như
một linh vật để canh cổng như thể trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ
thờ như một thần linh để phụng thờ, cầu cúng.
Nhiều khảo cứu gia đã nhận xét hình thức ở Việt Nam, chó đá
giữ vai trò canh gác là phổ biến hơn cả. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn
là quan lớn Hoàng Thạch, do nguồn gốc tại đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình
(Định Vĩ), tỉnh Sơn Tây - nghe đồn nơi đây linh lắm - chính giữa bệ thờ là quan
Hoàng (con chó) cao khoảng 1.4m trong tư thế ngồi xổm, tai cụp, mắt nhìn thẳng
phía trước, miệng há, lưỡi thè ra. Có người giải thích rằng “ngài” đang cười vì
khuôn mặt rất tươi. Chung quanh quan lớn là tượng 16 chó con với kích thước
khác nhau.Ngày nay, dân chúng trong làng thường đến đây hương khói xin “ngài”
phù hộ. Những cặp tình nhân gặp trắc trở, vợ chồng lục đục và những người gặp
hoàn cảnh tranh chấp, xung đột... vẫn đến đây cầu “ngài” soi sáng, phù hộ. Sau
khi khấn vái, họ thường chém ngang cây chuối hoặc đập vỡ một chồng bát mang
theo với ý “thề độc”.
Ở cửa đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây) vẫn
còn một đôi chó đá với nhiệm vụ canh giữ. Phần Dư Địa Chí trong sách Lịch Triều
Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, có ghi rõ: “Cửa nghi môn ở điện Lam Kinh
có hai con chó đá rất linh”. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và sách Tây Hồ Chí, khi
chép về việc trồng muỗm vào đời Trần trên đê sông Hồng, đều có nói đến miếu Chó
Thần...
Và còn rất nhiều địa phương trên khắp lãnh thổ Bắc, Trung,
Nam đều có miếu, đền... đặt tượng chó đá gọi là “Thần Cẩu”. Tại các tư gia, người
ta cũng thực hành thứ tín ngưỡng dân gian này. Nhà quý tộc chôn chó đá để canh
giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thủy chôn chó đá để thay đổi dương cơ,
âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi ma quỷ.
Theo tác giả Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương,
xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân hầu tránh việc người
ngoài nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng kiêng việc có đền chùa ở trước
nhà và có con đường đâm thẳng vào nhà. Trường hợp bất đắc dĩ không tránh được
những điều kỵ ấy, người ta phải chôn trước nhà một con chó đá hay treo một cái
gương ở trên cửa chính để yểm tà khí....
Thịt chó
Vậy nhân tiện câu chuyện trên, mạn phép lai rai về món ẩm thực
lừng danh này: Thịt chó! Người viết đành rằng vẫn biết chuyện này có thể không
thích hợp với một số quí độc giả ở hải ngoại vốn theo văn hóa Tây Phương, việc
giết chó, mèo... dường như là điều quốc cấm và nghe nói đến món thịt chó, hầu hết
người ta rùng mình. Hơn nữa, việc giết chó, ăn thịt chó ngày nay đang bị các
nhà bảo vệ động vật trên thế giới phản đối mạnh mẽ. Điển hình như
Robert Lucius, một cựu viên chức của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã
thành lập một tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở ở California với tên
gọi “Kairos Coalition” (Liên minh Kairos) để thúc đẩy việc đối xử nhân
đạo với gia súc, cách riêng với chó mà ông gọi là “những người bạn thật
sự phải được yêu mến, nuôi nấng và trân trọng”... Có thể nói, cuộc
chiến quanh thói quen ăn thịt chó ngày càng trở nên nóng bỏng, cam
go.
- Các món “cẩu nhục”: Thế nhưng, món ăn này vẫn là
món “đệ nhất khoái khẩu” của đồng bào mình trong nước. Vả lại, không chỉ ở Việt
Nam mà tại nhiều nước khác - như Trung Quốc, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Indonesia,
Đài Loan, Polynesia, Mexico, Bắc Cực, Nam Cực... - thiên hạ vẫn “mê hơn điếu đổ”
món này. Riêng tại Việt Nam, hàng năm hơn 5 triệu con chó bị “hy sinh vì chính
nghĩa”.
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, “cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó
trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà
cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng
ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy
hay mộc tồn”.
Thật ra đây là kết quả của một lối chơi chữ rất độc đáo của
ông cha mình, bắt nguồn từ Hán tự “mộc tồn”.“Mộc” có nghĩa là cây; “tồn”
là còn. “Cây còn” đọc lái là “con cầy”. Đến thời Pháp thuộc, trong những trận
kháng chiến chống thực dân, dân ta thường hô khẩu hiệu: “Hạ cờ Tây!”. Tiền
nhân vốn sẵn đầu óc châm biếm và hài hước nên một dịp nữa lại nói lái câu này
thành “hạ cầy tơ!”, tức là làm thịt chó non mà... đánh chén.
Thịt chó thường
được các đầu bếp Việt Nam chế biến thành nhiều món: Thịt luộc (biến thể là hấp hoặc phay); dồi nướng, lòng hấp, thịt nướng (từ món quay, chả chìa); nhựa mận (gốc là xào lăn); xáo măng (từ món lẩu). Các gia vị chính để chế biến: Sả, giềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ trắng. Rau thơm đi kèm gồm có húng chó, hành sống, mơ tam thể, ớt trái,.. nhưng đặc biệt
nhất vẫn là mắm tôm. Thời gian khoảng cách nay thập niên, ở miền Nam người
ta lại “chế” món “chó bẩy món”, nhưng thiết tưởng đó chỉ là cách quảng cáo
thương mại, “có tiếng mà không có miếng”, nghĩa là công thức nấu nướng vẫn áp dụng
theo các món căn bản cổ truyền.
Quan niệm người
Việt mê tín dị đoan vẫn cho rằng ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ bị
xui xẻo, không gặp may mắn trong cả
năm, cả tháng đó. Ngược lại, ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay
thì lại là xua đuổi cái "vận đen" đi.
-Nguyên do nhiều người mê thịt chó: Để gọi là “khách
quan” trong câu chuyện về thịt chó, người viết mạn phép trích dẫn những cảm
nghĩ của Vũ Bằng, một nhà văn nổi danh đặc biệt về các “món ngon” của thủ
đô Hà Nôi nói riêng, của quê hương Việt Nam nói chung, trong đó có món thịt chó
vốn đã được nâng lên bậc “quốc hồn quốc túy”:
“... Rõ rằng là mình đương buồn muốn chết, người ủ
rũ ra, mà “làm một bữa” vào, chỉ giây lát là “nó sướng tỉnh cả người ra”, không
chịu được. Tôi có thể cam đoan với các anh: Một người thất tình, muốn đi tự tử,
nếu người ấy biết thưởng thức món thịt cầy, mà các anh lại mời y dùng chơi chút
đỉnh rồi muốn đi chết đâu hãy chết, tôi có thể tin rằng mười bận thì chín bận
ăn xong anh ta sẽ đổi ý định ngay.
Là vì đời có thịt cầy, thỉnh thoảng ăn chơi một bữa ta thấy
nó cũng bõ để cho ta sống, mặc dầu có nhiều lúc cái kiếp con người còn khổ hơn
cả cái kiếp con chó vài ba bực.
Những lúc đó, ăn vàng vào miệng cũng không ngon. Ăn vàng
vào miệng không ngon, nhưng ăn một miếng chả chó, ta lại muốn ăn hai để chờ món
tái đem lên, ta vừa nhắm nhót vừa suy nghĩ trong khi đợi món dựa mận, chết chết!
Sao nó ngầy ngậy, béo béo, ngòn ngọt mà lại có thể thơm đến thế!
... Một chiều mưa phiêu phiêu ở chốn đồng ruộng căm căm
gió rét, không đi chơi đâu được, mà trải một cái chiếu lên thềm gạch ngô, đưa
cay vài chén tửu, trước mặt có một mâm thịt chó làm đủ các món: chả, tái, cary,
dựa mận, chạo, nem... riêng cứ trông thôi, ta cũng đã thấy lòng phiêu phiêu như
mở hội rồi.
Người chưa ăn bao giờ ăn thử một miếng lại muốn ăn hai,
còn người đã biết ăn rồi thì phải nói rằng trông thấy thịt chó mà không được ăn
thì buồn bã ủ ê, nếu không muốn nói là bủn rủn chân tay, bắt chán đời muốn chết.
Nhắm một miếng dồi, lại đưa cay một tợp rượu, rồi khẽ lấy
hai ngón tay nhón một ngọn rau húng điểm vào một vị hăng hăng, man mát cho tất
cả cái bùi, cái béo, cái cay, cái mát, cái hăng quyện lấy nhau, anh sẽ nói với
tôi cảm tưởng của anh ra thế nào... Quả vậy, nếu sau này, người ta chết xuống
âm mà không có dồi chó để ăn thì âu cũng là một mối hận thiên thu mà ta cần phải
đề phòng ngay tự giờ...
Chẳng thế mà thịt chó đã thành ra món ăn được ca tụng
trên cửa miệng mọi người, và hơn thế, lại còn đi sâu cả vào trong văn chương
bình dân nữa.
Đàn ông biết đánh tổ tôm, Biết ăn thịt chó, xem nôm
Thúy Kiều
... Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt
chó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, “một chinh phục cao cả nhất của loài
người” mà người Âu Mỹ cũng đem ra “đánh chén”? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì
con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?
Không! Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt; ăn thịt
chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò. Huống chi thịt chó lại
còn ngon và bổ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa,
thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng: “Nước ta
còn, thịt chó còn” mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết
duy trì thịt chó hay không vậy. (Món ngon Hà Nội).
Một tác giả khác (người viết lỡ... không nhớ tên) khi viết về
đời cụ Nguyễn Đăng Hạo, người huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cụ đỗ đệ nhất giáp
tiến sĩ, khoa Bính Tuất 1646, đời vua Lê Chân Tông.... Có thể nói cụ là người đầu
tiên có tên trong sử thi, cùng cái thú tiêu dao với ăn thịt chó, trước cả Đọan
Trường Tân Thanh với cụ Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Đăng Hạo mê mẩn thịt chó đến
độ cho đó là việc... “tri thiên mệnh” qua bài thơ có cái tên vô cùng gợi cảm, gợi
tình: Hành Hạc từ - dịch Nôm là:
“Tội gì ngàn năm lo.Có chó cứ làm thịt.Có rượu cứ nghiêng
bầu.Được thua trên đời chưa dễ biết”...
- Cách chọn chó ngon và nghệ thuật làm thịt chó: Đã
đành thịt chó ngon nhưng nếu biết chọn loại chó xứng danh thì lại càng thấy hấp
dẫn vô bờ.
“Dân thịt chó”, những người sành ăn thịt chó vẫn xếp
loại chó ngon theo bậc thang “nhất bạch, nhì vàng, tam khoanh, tứ đốm”.
Mà thôi, đề cập đến thịt chó, đến nghệ thuật làm
các món thịt chó và cách thức ăn thịt chó... thì biết bao giờ kế mới hết. Vả lại,
chẳng bao giờ có thể gọi là đầy đủ. Hơn nữa vừa kể vừa... nuốt nước miếng, “chịu
đời sao thấu”. Cứ ngẫm nghĩ câu ca dao “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết
xuống âm phủ biết có hay không”, ắt cảm thông và hiểu được cái động lực,
cái đam mê lẫn thú vị của việc “hạ cờ tây”, việc đánh chén “mộc tồn” hay “nai đồng
quê”...
Chọn chó khôn
Tin hay không tin, chẳng phải là vấn đề. Tuy nhiên tân niên
này là năm Tuất, do đó quan trọng là “thiên hạ” nói chung và nói riêng những
người cầm tinh con chó, thiết tưởng cần biết một số “bài học lớp đồng ấu”,
nghĩa là cơ bản về loài gia súc này, bởi vì dù sao cũng “đã mang lấy... khuyển
vào thân, thì đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Nhưng, thế nào là chó khôn?: Xin làm ơn nhớ khẩu hiệu “nhất
bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm” chỉ dành cho mục “đánh chén cầy tơ” mà
thôi, không liên quan gì tới lãnh vực chó khôn. Ca dao mô tả giữa chó khôn, chó
khờ như sau:“Chó khôn tứ túc huyền đề; tai thì hơi cúp, đuôi thì cong cong”
- còn thì: “Giống nào mõm nhọn, đít vồng, ăn cằn, cắn bậy, ấy không ra gì!”.
Theo đó, chó nào có đến 4 cái móng nhỏ đóng ở vị trí sau khuỷu chân thì đó là
chó quí tướng, đem thịnh vượng lại cho người nuôi. Theo các cụ xưa, chọn chó cần
những điểm như sau: 1) “Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt” (Chó có đốm
ở trên đầu thì tốt, còn có đốm ở đuôi thì nên sớm cho... củ giềng)- 2) “Bỏ
đuôi bên trái thì nuôi; bỏ đuôi bên phải thì thịt” (Khi đứng ở trạng thái tự
nhiên, đuôi chó nghiêng về bên trái thì tốt) - 3) “Nhất một, nhì chín”
(Chó mẹ chỉ đẻ một con thì chó con đó rất quí).
Ngoài ra những chó nào có những đặc điểm như sau cũng đáng
nuôi, chẳng hạn “tứ túc mai hoa” (chó có 4 chân đều có đốm lông trắng là
có quí tướng đấy!) - Chó có đốm lưỡi (đốm càng đen càng khôn; rắn độc cắn không
chết) - Chó 3 khoanh (trước khi nằm xuống, chó xoay mình đúng 3 vòng để dọn chỗ,
ấy là chó khôn “can không nổi”)...
Còn nói về việc chọn chó săn, các cụ cho kinh nghiệm: Thân
hình chắc nịch, đùi nở, chân thon; mắt sâu, mõm to và nhất là quanh mõm lông có
nhiều mầu; mũi lúc nào cũng ướt và lưng như lưng ngựa. Câu “nghề chơi cũng lắm
công phu” quả không sai!
Chó và những điềm báo mộng
Trong lịch sử, nhiều danh nhân khi nằm ngủ đã mơ thấy chó.
Các giấc mộng này đã được giải thích bằng những sự liên hệ giữa “chó trong mơ”
và đời sống thực tế và sau đó đã được chứng minh bằng những “sự cố” bất khả phủ
nhận. Thí dụ:
- Vào thời nhà Tống bên Tầu, danh tướng Nhạc Phi đang chống
giặc Kim thì bỗng bị triệu về. Đêm hôm đó, ông nằm mơ thấy hai con chó ngồi nói
chuyện với nhau dưới ánh trăng. Một trong những cận vệ của Nhạc Phi vốn giỏi về
đoán mộng đã giải thích: Hai con chó là hai chữ “khuyển”; chúng nói chuyện với
nhau là chữ “ngôn”. Như vậy theo hình thức, hai chữ “khuyển” hai bên; ở giữa là
chữ “ngôn”. ( Ngục: 獄 gồm 犭: khuyển;犬: khuyển;
ngôn: 言 ). Sau quả nhiên Nhạc Phi bị quyền thần Tần Cối mạo thánh chỉ
“bắt giam vào ngục” rồi giết chết.
- Arnaud de Villeneuve, một nhà y học lừng danh kể rằng một
đêm nọ, ông nằm mơ bị chó cắn vào chân. Thức dậy, ông vẫn cảm thấy chỗ bị cắn
còn đau. Sau ít ngày, kết quả cuộc khám nghiệm cho biết chân ông đã bị ung thư.
Theo chuyên gia đoán mộng lừng danh Nicéphore, mơ thấy bị
chó cắn là điềm bị nhục mạ, xỉ vả, bị thiệt hại, buồn bã hoặc bị đau ốm - mơ bị
chó sủa là điềm bị nguy hiểm - bị chó đuổi: Có kẻ định ám hại mình.
Nếu mơ thấy chó trắng: Điềm may mắn - Chó mực: bị lừa, bị
thiệt hại - Chó dại: cãi nhau - Chó chết: bị xúi quẩy, bị tai nạn - Chó săn:
Thay đổi hoàn cảnh, khá giả - Chó bị thương: sắp gặp nguy hiểm - Chó cắn nhau:
gặp chuyến bất hòa, định giải quyết bằng bạo lực - Một đàn chó: tái ngộ với
bạn bè cũ - Chó con: được một người tốt, thường là phụ nữ hảo tâm, đỡ đần - Chó
gầy ủ rũ: một người bạn đang trông mình giúp đỡ - Nghe tiếng chó sủa: mình đang
gây phiền phức cho những người chung quanh - Giết một con chó nhỏ đẹp: bị mất mọi
thứ, thanh danh, bạn hữu và tiền bạc - Giết một con chó cái: sẽ/sắp gặp một người
đàn bà đê tiện và đa dâm - Nuôi chó: đang nuôi dưỡng một ước vọng hay một kỹ
năng - Ăn thịt chó: Làm được một việc khoái trá để rồi lo ngay ngáy ngày đêm...
Quẻ bói tổng quát đầu năm Tuất
Vâng, nói tổng quát, người tuổi Tuất là những người giầu
tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng hy vinh vì chính nghĩa, vì tha nhân, biết
kính trọng các bậc tiền bối, nể nang bề trên và trung kiên cùng bạn hữu đồng thời
giữ lễ với mọi người.
Người tuổi Tuất tuy mẫn cảm, thông minh nhưng nhiều khi thiếu
tinh tế trong cuộc sống phức tạp.
Về mặt đời sống, người tuổi Tuất thời còn trẻ thì có những
phát huy vượt năng lực, thành đạt mau chóng trong nghề nghiệp, nhưng từ trung
niên trở lên, vận số lại trầm. Riêng người tuổi Mậu Tuất, cuộc đời khá tốt đẹp
từ thuở nhỏ cho đến khi về già, cả về công danh, tài lộc, tiền bạc lẫn tình cảm.
Đời người tuổi Tuất thường được “đánh giá” là thọ, sống
trung bình từ 67đến 75 tuổi, tuy nhiên nhờ được lộc trời mà còn biết tu nhân
tích đức, làm thiện thì được gia tăng tuổi thọ đến tối thiểu bách niên giai
lão; ngược lại, nếu ăn ở gian ác, thất đức thì bị giảm thọ nặng nề để rồi cùng
lắm chỉ “hưởng dương” mà thôi.
Về mặt tình cảm, người tuổi Tuất thường lâm cảnh thăng trầm,
có cảm giác bất mãn, tuy mạnh dạn nhưng hay gặp cảnh ngộ tình ái bất ổn định.
Thế nhưng, khi đã đi vào cuộc sống lứa đôi thì cả nam lẫn nữ đều biết lo toan
cho gia đình, cưng chiều con cái; nói chung gia đạo yên vui, hạnh phúc, trong
đó cần có bàn tay phụ giúp tích cực của người vợ.
Năm nay cũng là năm tốt để kết hôn dành các tuổi nói chung,
nhưng càng thuận lợi cho những người cầm tinh chó, bất kể nam hay nữ. Tuy vậy,
khi chọn ý chung nhân thì đừng xét một cách đơn giản Tứ Hành Xung (Dần, Thân, Tỵ,
Hợi - Thìn, Tuất, Sửu, Mùi - Tý, Ngọ, Mão, Dậu) hay Tam Hợp (Thân, Tý, Thìn - Sửu,
Tỵ Dậu - Dần, Ngọ Tuất - Hợi, Mão, Mùi) mà trong thời đại vàng thau lẫn lộn hiện
nay, nên còn cần phải cân nhắc về nhiếu yếu tố khác nữa như tư cách, tính khí,
nghề nghiệp...
Đối với vận mệnh toàn cầu và quốc gia, năm mới Mậu Tuất với
vận ngũ hành là Mộc, trần gian được chó cai quản - mà chó thường được dùng để
canh giữ nhà cửa và chống lại những kẻ xâm nhập - vì vậy năm 2018 được
tin tưởng là năm an toàn, báo hiệu những sự phát triển tốt đẹp về mọi mặt.
Sau hết mạn phep xin nhắc: Năm nay, tuổi Mậu Tuất xuất hành
hợp nhất vào những ngày lẻ, giờ lẻ và tháng lẻ. Nhớ mua ngay xổ số!
Hoài Mỹ