24 February 2018

RẰNG BIỂN XANH DÂU - Lưu Na



Mùa hoa xương rồng
dinhcuong

Năm giờ sáng điện thoại báo thức reo vang. Tám xề tung chăn uể oải lê vào phòng mở nước tắm. Ra bếp đặt ấm nước pha cà phê, đổ bình nước nóng, làm oatmeal, lấy trái cây, xếp mọi thứ vào giỏ. Trở vào phòng sấy tóc, thay quần áo, và ngồi xuống điểm trang. Mụ đã sẵn sàng lao vào xa lộ mở đầu một ngày lao động cấy cầy. Nhưng mụ tắt máy xe thở dài. Hôm nay là ngày đầu tiên thôi việc về vườn.

Lục đục trở vào nhà, mụ nhớ những phút chập chờn trong giấc ngủ đêm qua, với cái tên cúng cơm Tư đục đã gọi mụ trong cú điện thoại ban chiều dội lại trong mơ.
Tâm, mai rảnh em ghé anh nghen.

Mụ đã bồi hồi khi nghe lại cái tên thời con gái ấy, và hoang mang không biết sao anh Tư lại đổi tông!

Tâm, mụ đã từng là một cô Tâm yêu đời vui sống. Bảy năm rong chơi bè bạn hoạn nạn vui buồn với người thương chỉ còn chờ ngày cưới thì người yêu vượt biên. Mối tình thắm thiết chỉ còn là nỗi đắng cay ngày Kiên gửi thư báo tin lập gia đình. Tâm biết đời mình đã cạn khô, chỉ còn đem chút tình thương còn xót lại đắp bù cho anh Tú. Lấy một người chồng tù cải tạo thì kể như ăn chắc khốn khổ gian nan, nhưng điều đó có nghĩa gì với Tâm. Chính cái khổ đau vùi dập mà anh Tú phải hứng chịu đã dần xoa dịu nỗi đau lòng của Tâm. Tâm đã theo anh đến miền núi đá khô cằn rồi trôi hẳn vào phương xa đất lạ.

Mỗi ngày mới trên quê hương mới là một cuộc phiêu lưu, để khi ngày tàn ngồi với nhau lắp ghép chuyện trong ngày thành một cuộc đời, rất lạ. Anh Tú rồi đã thành Mr. Two và Tâm phải thành Tammie, nước chảy qua cầu. Qua, đã qua thì biết bao giờ nước xưa về lại chốn giang đầu. Tammie và Two, Two và Tammie, nếu thiếu cái “và” ấy thì mình sẽ ra sao? Vài năm biệt cố hương, Tâm hiểu tại sao Kiên đã mau chóng lập gia đình. Nhưng thời gian và tốc độ như cái dũa thần mài mòn gọt sạch mọi kỷ niệm thói quen mang theo mà không hứa sẽ đưa ra được một hình ảnh rõ ràng. Dưới ánh đèn vàng võ của xứ người có lúc giật mình thấy dường như mình mất đi một miếng trên cơ thể, như có chỗ nào đó trong đi, biến dạng biến sắc, chứ không cố định như những mảnh puzzles anh Tú loay hoay xếp mỗi tối sau bữa ăn như một thú vui.
Tâm thường ngạc nhiên thấy anh say mê lắp ghép những mảnh nho nhỏ ấy vào với nhau. Mọi mảnh hầu như đồng dạng nhưng sẽ không khớp nếu không phải đúng miếng đã định. Anh Tú khởi đầu với một hộp 500 miếng, 700 miếng, 1000 miếng, rồi lên đến 2500 miếng. Bây giờ anh đã phải dùng hẳn một cái bàn xếp lớn và để công trình lắp ghép ấy nguyên xi trên bàn cho đến khi hoàn tất. Mỗi tối về đến nhà, sau khi đã vội vã ăn uống dọn dẹp và vắn tắt với nhau những điều cần thiết, anh chú mục vào cái thú vui đòi hỏi một lòng kiên nhẫn và sự tỉ mỉ sắp xếp. Với 2500 miếng vụn nhỏ hơn một square inch, anh khởi đầu với việc lựa riêng ra 4 miếng góc và những miếng cạnh của bức hình. Sau đó anh phân loại các mảnh khác theo màu sắc tương đồng dựa theo bức hình trên hộp. Chỉ bấy nhiêu cũng tốn gần tuần lễ và độ mấy mươi túi ziplocs. Bắt tay vào việc ráp hình, anh ráp các mảnh góc và cạnh vào với nhau thành cái khung của bức tranh, rồi chọn những miếng có màu sắc hay hình ảnh riêng biệt để tái tạo bức hình.
Những lúc ít bài vở và rảnh rỗi Tâm thường cùng anh xếp hình, và công việc ấy khiến mình quên hẳn không gian chung quanh. Nhưng Tâm không thể hoàn toàn tập trung và bền bỉ như anh để vờ đi những gì đang xảy ra quanh mình, với mình, trong từng ngày qua lặng lẽ. Bức hình anh xếp dần rõ ràng đầy đủ thì Tâm càng thấy xa lạ với hình ảnh của mình trong gương. Điều gì khác trên khuôn mặt nếp người của Tâm? Chỗ nào là miếng đã mất và chỗ nào là miếng biến dạng? Cô Tâm năm xưa có còn chăng hay chỉ là Tammie trên đất lạ? Tâm hoang mang và buồn bã trong khi anh vẫn thản nhiên với cái bình lặng mà anh đã chọn để chìm vào. Anh Tú, anh Tú, mr. Two, hello, anh có nghe em có thấy em không? Anh không nghe tiếng Tâm gọi thầm, anh không nhìn Tâm. Có phải anh nghĩ Tâm vớ vẩn? Có phải anh cho rằng Tâm tự làm khó mình? Những miếng puzzle ấy chỉ cần đúng khớp là khóa vào nhau, nhưng tình vợ chồng cần nhiều hơn một sự lắp ghép đúng khớp, phải vậy không?
Tiếng điện thoại reo nhắc Tám Xề đã 10 giờ sáng. Bà lái xe ra phố mua thức ăn và chút đồ dùng rồi vào xa lộ. Con đường ồn ào dần lui lại phía sau, mở ra khoảng mênh mông khô cằn hoang vắng của nơi sắp đến.
Anh Tư đứng trước sân nhà như chờ đón. Anh mở cổng, cái cổng gỗ trắng sạch sẽ gọn gàng xinh xắn nổi bật trên vùng đất vàng xơ xác, để mụ lái xe vào. Từ ngày đến ở nơi này anh tựa đã hồi sinh. Anh bắt đầu gieo trồng những thứ cây cỏ thích hợp với vùng cận sa mạc, và đã tạo được một mảnh vườn xương rồng rực rỡ. Những đóa hoa vàng tím trắng đỏ cam nở bật trên những cụm,khúc, nhánh, bụi… tủa gai, như nói với thế giới chung quanh nó rằng bí mật của đất trời đâu phải là điều để hiểu. Mảnh vườn xương rồng của anh đẹp lắm, nên lâu lâu có người du lịch ngang qua vùng xin vào xem. Một đôi khi cũng có những người ở quanh đâu đó hỏi mua vài chậu xương rồng đã nở hoa xinh xắn.
Tám Xề vừa bước chân ra khỏi xe thì Tư Đục đã kéo tay dẫn đến mảnh vườn bên hông nhà. Một chậu thanh long đầy trái hồng tía lủng lẳng dựa vào một dàn gỗ đang có hoa vàng cam đung đưa.
Đó, anh đã sắp sẵn, em mang vào sau vườn để chỗ sân có nắng nghen. Còn nữa đây, ông khoát tay khoanh một vòng chỗ mấy chậu cây bằng sứ có hoa văn, tất cả có 8 chậu cái đang nở hoa cái còn đang búp, em mang về, sẽ có hoa từ giờ cho đến hết Tết. Lát rồi anh sẽ mang ra xe cho em.
Mụ cảm động bùi ngùi, lúc không cận kề mới nghĩ đến nhau, nhưng, có thể nào khác được.
Mụ ra xe đem thức ăn đồ dùng vào nhà. Tư đục nhìn những món ăn bày trên bàn một cách thờ ơ, nhưng cũng chọn ra món ông thường ưa thích: xôi khúc. Hai vợ chồng hờ ăn với nhau một bữa cơm rất thật, không ai còn phải len lén dòm chừng đón ý của ai.
Em hưu rồi
Hồi nào?
Bữa nay là ngày đầu!
Tư Đục cười nhẹ, gật đầu.
Miễn sao đừng bị chật vật, cũng đâu có cần gì nhiều phải không?
Mụ cũng gật đầu. Giả như mụ đã có thể về hưu 10 năm trước thì Tư đục rồi có về ở nơi này?
Bữa cơm trưa qua đi trong lặng lẽ êm đềm. Ở một nơi tịch lặng người ta không cần phải nói nhiều, mà cũng chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Mụ chẳng thiết nghĩ xa hơn, theo Tư Đục vào phòng nghỉ trưa. Căn phòng đơn giản gọn gàng như hệt chủ, mụ chợt nhớ thiết tha những ngày tháng lao đao từ ở quê nhà cho đến đời sống như một cuộc phiêu lưu ở bên này với anh Tú. Anh Tú, nước đã chảy qua cầu.
Đã quen với ngày 8 tiếng lao động, Tám Xề chỉ nằm thật yên bên cạnh Tư Đục đã thở đều. Ông ngủ rất dễ rất mau và cũng lại rất thính; dù đã ngủ say nhưng một tiếng động khẽ cũng sẽ thức ông dậy. Ôi, những cái vụn vặt như hạt cơm rơi trên chiếu sao bỗng như đã núp sẵn đâu đó, chờ khi cõi lòng của mụ vừa trống trải thì nó ùa về gặm nhấm để mụ phải bồi hồi muốn khóc. Bất chợt Tư Đục quơ tay sang nắm lấy tay mụ. Tám Xề thót ruột co rúm người lại, bàn tay chực giằng ra nhưng chỉ trong tích tắc mụ nhớ ra và buông lỏng. Ông đã chấp nhận tuổi già của mụ như một lý do chính đáng để thôi việc vợ chồng, mụ không cần giải thích và biết rằng Tư Đục cũng không muốn phiêu lưu vào cái lý do nào đó trong lòng mụ.
Tư Đục lại thở đều, nắm chắc bàn tay mụ để trên bụng. Dẫu yên trí mà tim mụ vẫn đập thình thình, lòng mụ vẫn còn thắt. Làm sao quên được và làm sao giải thích được dù chỉ là giải thích cho riêng mình.
Xa một mái ấm, mất một quê hương, lúc nào mụ cũng thấy cuộc sống của mình tạm bợ, như thể mụ vẫn còn đang ở gian phòng bảo trợ cho người mới tới chờ tìm được chỗ sống ổn định. Mụ vẫn đi học đi làm, vẫn vun vén cho mái nhà mình ở, và vẫn không thể có một giấc ngủ nhanh chóng an bình. Thay vì tìm tịch lặng như Tư Đục với những hộp puzzles, mụ lấp đầy đầu óc của mình bằng các chương trình hình sự trên ti vi. Mụ xem hết show này qua show khác cho mỏi mắt, rồi tắt đèn lúc phải tắt để còn có thể thức giấc lúc 5 giờ sáng. Xa một mái ấm mất một quê hương, Anh Tú, mr. Two, chỉ thấy yên bình trong bóng tối. Ông chỉ muốn gần mụ khi đèn đã tắt, khi mụ cần một giấc ngủ cho buổi đi làm sớm của ngày mai, rồi khi ông đã thở đều thì mụ phải vất vả tìm lại giấc ngủ ngắn ngủi cho một ngày dài. Có những bận bị thức giấc rồi không thể ngủ lại, Tám Xề đành gọi bịnh và đã mấy lần bị gọi vào văn phòng cảnh cáo. Dần dà mụ đâm ngán, và bắt đầu sợ những vuốt ve. Những dợn sóng thầm gợn lên từ bóng đêm.
Những dợn sóng ấy như cơn bão ngầm như con nước xoáy, không hùng hổ nhưng chắc chắn đều đều nhận chìm lôi cuốn mụ xuống đáy giòng sông, đẩy mụ dập dềnh dật dờ. Tư Đục vẫn thản nhiên với nhịp điệu sống của riêng mình. Mỗi khi ông ôm mụ vào lòng, mụ chỉ muốn mau chóng cho xong một bổn phận. Nào phải mụ không thương, nhưng mỗi khi với tay tắt ngọn đèn đầu giường là mỗi khi mụ hồi hộp sẽ bị mất giấc ngủ. Mà mụ có thể nào nghĩ khác cảm khác? Mụ không thể bảo trái tim mình hãy rộn ràng khi nhận rõ ông không để ý gì đến nỗi nhọc nhằn của mụ. Nhịp đời đã lỗi, những vuốt ve không còn mang lại cảm xúc gì hơn là ý thức cách biệt và trở nên điều không thể chịu đựng. Sao anh không hỏi những ngày cuối tuần. Sao anh không gọi những lúc em còn thức… Nỗi bực bội phồng to trong im lặng. Mụ không thể bảo cơ thể mình hãy hân hoan khi bàn tay ông xoa nhẹ đầu vú. Mụ muốn yêu chồng biết bao nhiêu mà vẫn không thể không thấy khốn khổ mỗi khi bàn tay ấy chạm vào cơ thể. Đến một lúc nào đó, hễ ông đặt tay lên ngực của bà là tim Tám Xề bắt đầu đập loạn, những ve vuốt chỉ còn là sự dày vò. Trải dài bao lâu bà chẳng còn nhớ, nhưng một đêm nhận ra mình đang nín thở thì Tám Xề vùng dậy ra bếp uống nước. Tư Đục ngỡ ngàng nhưng chỉ im lặng quay lưng tìm vào giấc ngủ. Êm như bóng đêm, hai vợ chồng chỉ còn lặng lẽ sống bên nhau như hai chiếc bóng. Khi những cơn điên “đục đá” của ông phát khởi, Tám Xề ray rứt với ý nghĩ “tại mình,” nhưng một lần nữa vết sẹo khổ đau trong kiếp sống của ông lại cứu mụ thoát những dằn vặt của riêng mụ. Bóng rồi chẳng còn chung đôi, không còn anh Tú, chẳng Mr. Two, mà cô Tâm hay Tammie cũng chỉ là một giấc mơ.
Tư Đục trở mình ngồi dậy, bà cũng theo ông bước xuống giường ra phòng ngoài. Nắng cuối ngày hắt bỏng mái, bà không thể ra sân và lại không có việc gì làm, thấy lúng túng. Tư Đục như đã quen với ngày không, thản nhiên đi vòng vòng căn nhà một cách rất chăm chú, nhưng mụ ngờ ông chỉ chăm chú hư không.
Chiều nguội dần, Tám Xề nhìn ông dò hỏi. Tư Đục lẳng lặng ra vườn bê những chậu cây chất vào xe cho mụ.
-Em về kẻo tối.
Mụ gật đầu. Xương rồng rồi cũng nở hoa mà chúng ta mất hút.

Lưu Na
31.01.2018