27 March 2018

DU KHÁCH VÀ KẺ CẮP- Bùi Văn Phú


Thắng cảnh của San Fancisco là cây cầu Golden Gate
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Được đi du lịch là niềm vui, là điều thích thú cho nhiều người. Người Việt đã thuộc lòng câu ca dao “Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ (vợ) biết ngày nào khôn”.

Đến một nơi lạ, có nhiều phong cảnh đẹp, với những kỳ quan để ngắm nhìn, những món ăn để thưởng thức, nếm thử đặc sản, nhâm nhi hương vị lạ. Có dịp quan sát đời sống địa phương để mở mang kiến thức, hiểu biết thêm về một nền văn hoá khác. Một chuyến đi như thế sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách du lịch.

Nhưng bạn sẽ trở thành người du khách buồn nếu đi du lịch mà bị kẻ cắp lấy mất đồ, bị móc túi mất giấy tờ, mất tiền, mất bóp.

Khi những sự việc như thế xảy ra nó sẽ kéo theo nhiều phiền phức, từ việc phải xin lại hộ chiếu, bằng lái xe; rồi còn phải điện thoại ngân hàng, công ty tài chính để hủy thẻ tín dụng, thẻ ATM. Nếu bị mất laptop thì càng lo lắng thêm về những dữ liệu bảo lưu trong đó.

San Francisco là thành phố du lịch, mỗi năm thu hút cả chục triệu du khách. Nơi đây nổi tiếng với cây cầu đỏ mang tên Golden Gate Bridge. Nhưng những năm qua tệ nạn kẻ gian đập cửa kính xe, ăn cắp đồ gia tăng quanh khu vực khiến cảnh sát phải lên tiếng lưu ý du khách khi đến đây.Như một nhắc nhở, giới chức trách nhiệm luôn cảnh báo đừng bao giờ để bất cứ đồ vật hay túi xách trong xe, dù trong đó không có gì quí giá.

Những địa danh như cầu Golden Gate Bridge, Pier 39, con đường Lombard dốc và ngoằn ngèo như rắn hay Palace of Fine Arts là những nơi mà sở cảnh sát San Francisco đã nhắc nhở du khách phải hết sức cẩn thận. Tại nhiều bãi đậu xe có bảng cảnh giác nhớ khoá cửa xe và không nên để bất cứ thứ gì trong xe gây chú ý cho kẻ cắp.

Nhưng vẫn có du khách, trong đó có người từ Việt Nam, khi ghé thăm cây cầu đỏ chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, đi loanh quanh chụp hình, khi ra lại bãi đậu xe thì thấy kính xe nát vụn và mất túi xách bỏ lại trong đó, dù là túi không vì đã cẩn thận đem theo người máy hình, iphone, tiền bạc, giấy tờ tùy thân. Không mất thứ gì quí nhưng phải đi thay kính xe cũng đủ phiền.

Nhiều người Việt qua chơi, tưởng là nước Mỹ là nơi an toàn hơn nên cũng sơ ý. Đúng nước Mỹ an toàn hơn về giao thông, về an ninh trong khu xóm dân cư, nhưng ở những tụ điểm du lịch, kẻ cắp lúc nào cũng rình rập để ra tay chôm chỉa.

Đi chơi những khu du lịch như Times Square ở New York, Hollywood ở Los Angeles hay cầu Golden Gate, trung tâm thương mại Union Square ở San Francisco là phải cẩn thận vì nạn móc túi ở những nơi này cũng không thua gì Paris, Rome hay Bangkok.

Đã từng đến Paris hay Rome bạn đọc có thể nghe đến những vụ móc túi thần kỳ do kẻ gian dàn dựng. Từ những em bé giả làm người ăn xin trên đường phố, đến những tay móc túi, rạch túi nhanh như chớp ở trạm xe điện.

Một người quen đi du lịch Pháp, dạo phố Paris gặp hai người mặc quần áo như cảnh sát đòi xem giấy tờ. Chỉ trong tích tắc thì mất hết tiền trong bóp.

Một bạn khác qua chơi Rome, đang đi bộ trên lề đường gần khu di tích đấu trường Colosseum thấy mấy em nhỏ mặt mũi lem luốc vây quanh ăn xin, quay qua quay lại mất bóp.

Một lần đi chơi Bangkok với ba bạn Mỹ trắng, chúng tôi lên xe buýt vào giờ đông khách. Vừa lên xe, có được chỗ ngồi thì hai bạn nhận ra túi xách đã bị rạch, mất hộ chiếu và tiền.

Trung tâm thương mại của người Việt ở Little Saigon, San Jose 
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trong một lần đưa người quen đi chơi San Francisco, đến khu mua sắm trên đường Market, quanh trạm dừng cuối cùng của xe dây cuốn (cable car) nổi tiếng là đặc trưng của thành phố, vào cửa hàng Walgreen gần đó mua đồ kỷ niệm. Khi ra gặp một người chỉ trỏ nói quần áo của bạn có gì dính vào làm dơ, rồi họ xúm lại giúp lau sạch. Xong thì thấy tiền trong túi bị mất. Thì ra kẻ cắp đã căn me du khách, mua sắm trả bằng những tờ trăm đô, nên khi vửa ra khỏi cửa hàng liền bị kẻ gian chờ sẵn xịt chất dơ, là kem cạo mặt, vào áo của bạn để thực hiện kế hoạch móc túi nhanh chóng.

Năm ngoái, ngay trước Grand Century Mall, trung tâm mua sắm của người Việt ở San Jose, một phụ nữ đang đi bộ ra bãi đậu xe thì bị kẻ cắp lái xe chạy ngang, giựt xách tay khiến bà ngã xuống. May không bị thương tích nặng và cũng không mất giỏ. Sự việc xảy ra ngay giữa trưa một ngày cuối tuần.

Mới đây có người quen qua Mỹ chơi, vừa đến sân bay được người nhà ra đón. Trên đường về ghé vào một khu thương mại Á đông ăn cơm, khi ra thấy xe bị đập kính, mất túi đeo trong đó có hộ chiếu và tiền.

Nói chung, nơi nào là tụ điểm có đông khách du lịch, nơi đó có kẻ cắp rình mò để ra tay, nếu du khách không thật cẩn thận sẽ trở thành nạn nhân. Tôi cũng đã từng là nạn nhân bị kẻ cắp đập kính xe lấy đồ chỉ vì sơ ý. Không mất gì quí giá nhưng tốn 250 đôla thay kính xe.

Những năm gần đây, nhiều người vì công việc làm hay khi đi du lịch thường đem theo các loại máy điện từ, từ máy hình, laptop đến iPhone, iPad nên nạn đập kính ăn cắp đồ trong xe đang trở thành vấn nạn ở San Francisco.

Theo số liệu của sở cảnh sát đưa ra vào đầu năm nay, các vụ đập kính xe tại San Francisco trong năm 2017 là trên 30 nghìn, tăng 26% so với năm trước đó. Trung bình mỗi ngày có 85 xe bị đập kính ở đây.

Một điều tra của nhật báo San Francisco Chronicle cho thấy trong vòng 7 năm từ 2011 đến 2017, với khoảng 82 nghìn báo cáo trên mạng gửi đến sở cảnh sát liên quan đến việc kẻ cắp đập kính xe lấy đồ, nhưng chỉ đưa đến việc tìm ra và bắt được kẻ gian trong 13 vụ.

Đó là lý do khiến cho loại tội phạm này ngày càng gia tăng và có thể liên quan đến các nhóm ăn cắp laptop, tablets, iPhone để đưa về Việt Nam.

Cảnh sát trong vùng Vịnh San Francisco vào đầu năm nay đã có một cuộc bố ráp và bắt được nhiều nghi can, trong đó có người gốc Việt, bị cáo buộc ăn cắp, lưu trữ và buôn bán đồ điện tử đánh cắp.

Nhật báo San Jose Mercury News ngày 31/1/2018 đưa tin một đường dây ăn cắp laptop và các mặt hàng điện tử cao cấp đã bị cảnh sát phá vỡ, khi hai tòng phạm chuẩn bị ra sân bay với 18 kiện hành lí chứa 300 laptop ăn cắp để đưa về Việt Nam.

Chín cư dân, trong đó có 5 gốc Việt, từ các thành phố San Francisco, San Jose và Oakland bị bắt giam vì liên hệ đến đường dây này. Theo kết quả điều tra cảnh sát đã tịch thu được hơn 2 nghìn laptop và những dụng cụ điện tử trị giá đến 2 triệu đôla.

Tại thành phố Fremont, gần San Jose, nơi có nhiều hãng điện tử, con số vụ đập kính xe để ăn cắp đồ cũng đã gia tăng 35% trong năm ngoái.

Đi du lịch không ai muốn bị mất giấy tờ tuỳ thân, tiền bạc hay bị kẻ cắp lấy mất máy ảnh, iPhone, laptop. Không muốn làm người du khách buồn, phải cẩn thận thôi.

Bùi Văn Phú