Kính dâng
đại uý TPB quá cố Lê Hùng Long,
sinh năm
1946, khóa K20 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt,
số quân:
69/161061, KBC 4143,
Sư Đoàn
1, Trung Đoàn 1, Tiểu Đoàn 2.*
Đêm đêm vét mộng trải nơi nằm
Thượng Đế chiều ta, không hiện hữu
Mặc ta rộng
rãi tùy nghi ta
Tô Thuỳ
Yên, Khất giả
Cuộc chiến
đã qua lâu, hơn bốn mươi năm rồi, nhưng vẫn còn lớp lớp những oan hồn. Những
oan hồn lẽo đẽo bị gậy lẫn những oan hồn áo xống đẹp đẽ, da thịt thơm lừng; những
con phố hiền lành xưa cũng biến thành những giòng sông linh hồn nhầy nhụa chung
với những ngôi nhà trầm lặng lá hoa xưa bị vùi dập dưới những màu sơn sặc sỡ;
oan hồn trùng điệp giữa Sài Gòn, thành phố của cha mẹ tôi, của một Nam Việt Nam
xưa.Tôi là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Na Uy. Tôi yêu mến nước Na Uy của
tôi. Tôi cũng yêu mến nước Việt của cha mẹ tôi. Hồi nhỏ yêu ít, nhưng lớn lên
càng yêu nhiều hơn. Tôi không rõ tôi yêu nước Việt vì tôi yêu cha mẹ tôi hay vì
có cái gì đó trong dòng máu, hay vì phương tiện truyền thông kỳ diệu của thế kỷ
20, 21 đã mang Việt Nam lại gần tôi hơn. Tôi đã du lịch nhiều nơi và thấy rằng
Việt Nam không phải là một đất nước đẹp cho lắm, đàn ông Việt cũng vậy, nơi
dáng dấp của họ có một vẻ gì đó nhàn nhạt, tầm thường, nhưng đàn bà Việt thật đẹp,
đẹp đến mê hoặc như Graham Green đã có lần nói đến trong tiểu thuyết của
ông. Những thiếu nữ áo dài. Người ngọc áo dài như là niềm an ủi
duyên dáng cho vô số thất vọng đang phơi ra ngoài đường. Họ là những nàng tiên dịu dàng giữa những
oan hồn, đưa tôi vào mộng một thời thanh bình cũ. Tôi nhìn mãi, tôi đi mãi
không chán. Bây giờ chỉ còn những tà áo dài vờn vờn quanh tôi. ”Mời cô mua vé số.”
– Có tiếng người đàn ông từ lòng đường vọng lên. Tôi thảng thốt như vừa bị rứt
ra khỏi cơn mộng.
Tôi nhìn xuống
thấy một khuôn mặt nhìn lên vừa tự tại như những khuôn mặt khất sĩ đạt đạo, vừa
cương nghị, khắc khổ như vẻ mặt của một chiến sĩ đã chết, biết mình đã chết cho
cái gì và nay bị đày về cõi thế để nhìn những nỗ lực máu xương của mình hoàn
toàn vô nghĩa. Và khuôn mặt ấy gắn trên một thân thể dài tưởng không đầy gang,
và mẩu thân thể ấy lại dính vào đôi chân đã bị cắt cụt quá đầu gối. Tôi mua vé
số của tất cả những người tàn tật mời tôi mua. Tôi không thể bỏ qua. Tôi không
mua, vị đắng sẽ trờn trợn trong họng tôi suốt buổi đi chơi. Tôi mua như mua thuốc
chống nôn, vậy thôi. Mua rồi bỏ đi. Nhưng với khuôn mặt này tôi không thể bỏ
đi. Tôi đã thấy những khuôn mặt như thế trong những trang sử về Chiến tranh Việt
Nam tôi đã đọc trong nhà trường. Những khuôn mặt chịu đựng tột cùng trong những
trang sách nhục mạ đó. Những khuôn mặt của Đấng Cứu Thế chịu nhục hình. Ecce
homo**.Càng nhục mạ, những khuôn mặt đó càng khắc đậm trong lòng tôi những
vết thương. Hôm nay khuôn mặt ấy, tiếng nói ấy hiện ra dưới bàn chân tôi mịn
màng, thơm hương, những bàn chân Tây phương hạnh phước. ”Vâng, tôi sẽ mua,
nhưng mời chú vào đây uống với tôi chén nước cho vui cái đã.” – Tôi vừa nói, vừa
chỉ tay vào quán cà phê bên cạnh đường. Khuôn mặt ấy mỉm cười và gật đầu. Tôi
toan ôm ông, nâng ông dậy như thói quen nhanh nhẩu ôm các bệnh nhân lên giường
những ngày tôi làm thiện nguyện cuối tuần trong các bệnh viện Na Uy, nhưng tôi
chững người lại vì tôi chợt thấy khuôn mặt ấy có một vẻ uy nghi không cho phép
tôi làm một cử chỉ có vẻ sỗ sàng như vậy nơi xứ ông đang sống dù cái xứ sở ấy đầy
dã tâm, bát nháo. Ông nhanh nhẹn chống hai tay gầy, đen sạm gió mưa, nhưng vẫn
còn vẻ tròn lẳn, thư sinh như tay cha tôi, tự nâng thân lên ghế một cách nhẹ
nhàng. Khi đã yên vị, ông lại nhìn tôi mỉm cười, đôi mắt cũng cười:
”Để tôi mời
cô.”
Nghe ông
mời, tôi hơi chững, nhưng tôi chợt hiểu ra khi nghe tiếng ông mời chậm rãi, lịch
lãm và một chút trai lơthì phải như những nhân vật nam trong các phim về cuộc sống
của giới quý phái Anh quốc.
Tôi cũng
lịch lãm theo:
”Rất hân
hạnh, thưa ông.”
”Cô uống
gì?”
”Dạ, ông
kêu cho tôi ly trà chanh.”
Ông lại mỉm
cười nhìn tôi, kêu vào trong:
”Cô Trang
cho tôi ly trà chanh và ly cà phê phin.”
”Dạ, sẽ
có ngay cho chú, cô.”
Giọng nói
cô bồi bàn lanh canh như những cục đá lạnh chạm nhau; tôi còn nghe được cả mùi
chanh trong giọng nói ấy, cả một trời cũ ấm êm của cha mẹ tôi. Nước miếng dâng
lên, tôi nuốt. Tôi nuốt cả cái tiếng nói ngọt ngào, tử tế của cô. Trong những
đường hầm tối tăm, tôi thấy những vì sao sáng của những mùa sao sáng của quê
hương cha mẹ tôi. Và trước mặt tôi đây, người đàn ông cùng tuổi đời như cha tôi
giờ chỉ là một khối thân thể bị cắt cụt nhưng vươn lên, chững chạc ngồi trước mặt
tôi. Ông ngồi thẳng lưng ngự trị nhìn xuống tôi như những bức tượng khổng lồ
trông ra biển ở Đảo Phục Sinh. Tôi cảm thấy bé nhỏ trước ông.
Cô gái
tên Trang bưng thức uống ra, liếc hai người, cười mỉm, rồi nói:
”Hôm nay
cháu đãi chú và cô. Tha hương ngộ cố tri.” Rồi đi vào trong.
”Cảm ơn
cô Trang. ” Ông nói.
Và khi
tôi còn đang cố hiểu ý nghĩa mấy chữ tha hương ngộ cố tri, thì ông đã lên tiếng
hỏi:
”Cô là Việt
kiều?”
”Vâng,
sao ông biết?”
”Thì cô
Trang vừa mới nói đó: Tha hương ngộ cố tri.”
”Nghĩa là
sao vậy, thưa ông?”
”Ở xứ người
được gặp người quen biết xưa. Chữ cố tri còn có nghĩa là người hiểu lòng mình.
Thiệt không gì hạnh phúc hơn khi ở xứ người mà lại gặp được người hiểu lòng
mình.”
”C’est un
bon presage!” (Điềm lành!) Tôi buột miệng, không biết vì sao tôi lại buột miệng
một câu tiếng Pháp như thế. Hay là câu nói này từ miệng một nhân vật nữ nhỏ bé
bơ vơ thốt lên trước cuộc chiến ngàn ngàn khẩu đại bác của Napoleon, khi nghe
tiếng sơn ca một sáng xuân, linh cảm chàng chiến binh sẽ vềtrong một vở kịch
Pháp tôi đã xem, đã in đậm vào lòng tôi, và nó vuột ra khỏi lòng tôi khi có ngoại
cảnh đúng liều, đúng độ xúc tác, hay câu nói tiếng nước ngoài ấy chỉđể che dấu
một nỗi niềm chợt đến quá đột ngột? ”Để” thì không đúng lắm vì tôi có suy nghĩ
gì đâu trước khi nói.
”Cô biết
tiếng Pháp?”
”Thưa,
tôi học ban tiếng Pháp. Giờ tôi đang dạy tiếng Pháp ở một trường trung học cấp
ba. Đang nghỉ lễ dài ngày, đi chơi Việt Nam cho biết.”
”Cô ở Na
Uy?”’
”Ông gây
cho tôi nhiều ngạc nhiên.”
Ông chỉ
vào chiếc gáo gỗ nhỏ dùng để múc nước suối, đặc mẫu rừng núi Na Uy mà tôi luôn
luôn gắn vào chiếc balô du lịch của tôi và nói tiếp:
”Mới tuần
trước đây thôi có một anh thanh niên gặp tôi ở đây, nhìn xuống tôi lê lết trên
lề đường, cậu chững lại thăm hỏi và nói: ’Ông ơi, cháu bị mất cắp hết giấy tờ
tuỳ thân, cả thẻ nhà băng nữa, nhưng còn cái này cháu làm hồi đi hướng đạo, thi
bằng rừng. Cái này là cái gáo dùng để múc nước suối, đặc mẫu của người Na Uy
xưa. Nó theo cháu khắp nơi, cháu biếu chú cái này làm kỷ niệm. Cháu không thể bỏ
chú đi như thế này mà không biếu cho chú cái gì. Giờ thì phải cháu phải đến Toà
lãnh sự Na Uy xin giúp đỡ. Bye, chú!’ Thật là con người nhân hậu. Ở Na Uy hẳn
người ta nhân hậu lắm?”
”Cũng có
ít đứa ba trợn, nhưng tuổi trẻ chúng đại khái như thế. Chúng tử tế mà không biết
mình đang tử tế.”
Ông thốt
lên: ”Trời đất!” – Pha lẫn ngạc nhiên lẫn tiếc xót, nghe ra tiếc xót nhiều hơn.
Sau mấy
tuần quen ông, tôi được ông mời về thăm căn phòng chật hẹp, không lớn hơn một
xà lim là mấy, quét vôi xanh, tươm tất mà ông đã khổ công dành dụm mua được sau
mấy chục năm đi ăn xin lẫn bán vé số. Và sau đó trong một quán cà phê vườn ánh
sáng dìu dịu lọt ra từ các chòm cây dâng hương và nhạc tiền chiến chen lẫn với
những ca khúc Pháp lời Việt với giọng hát thơ ngây một thời của Thanh Lan, ông
muốn kể cho tôi nghe phần đời ông, bằng tiếng Pháp, mà theo ông có những chuyện,
như chuyện ông sắp kể, nếu kể bằng tiếng Việt, sẽ rất ngượng. Tôi hỏi: ”Tại sao
lại ngượng, thưa ông?” Ông trả lời: ”Như khi cậu con trai Việt ngỏ lời yêu với
người yêu Việt, tất nói Je t’aime hay I love you dễ hơn là nói anh yêu em. Đỡ
ngượng hơn. Văn hoá Việt Nam là một văn hoá đầy chuyện dè giữ. Nội mấy đại danh
từ nhân xưng cũng đủ chứng minh tính chất dè giữ đó. Và nói tiếng Pháp, hay bất
cứ ngôn ngữ nào mà mình thành thạo, như bước vào phòng cách ly, cách ly với xã
hội đồng ngôn cố cựu chúng ta đang sống, cách ly với cả chính bản thân mình.”
Và thật vậy, khi chúng tôi bắt đầu nói tiếng Pháp với nhau, tôi cảm thấy thoải
mái hơn, và có lẽ ông cũng vậy vì tôi nghe dòng chảy của cuộc đàm thoại xuôi
dòng như không.
*
Ông Việt,
đại uý Việt, lính thuỷ quân lục chiến, sau một tháng hành quân A Sao, A Lưới,
được nghỉ phép thường niên một tuần, ông bay về Sài Gòn. Ông dành Ngày Chúa Nhật
để thăm em trai ông đang thụ huấn tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Nó có bằng
tú tài Pháp như ông và có dư khả năng vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt như ông,
hay đáng lẽ ít ra vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, nó lại nhất quyết biên
cương biên cương chào biên cương, chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhươngnhư một người
lính quèn. Chắc cũng tại mấy bài thơ, mấy cuốn truyện dấn thân hiện sinh trong
chương trình văn chương Pháp. Truyền thống văn chương Việt hay ca tụng danh tướng
anh hùng; lính quèn may ra chỉ được đôi dòng thương hại. Chỉ có ông là người ủng
hộ quyết định làm binh nhì của nó. Ông thích những con người độc đáo như nó
cũng như nó mến ông anh thay vì thi vào trường y khoa, lại thi vào trường Võ Bị.
Ông đang
ngồi chờ em mình nơi quán nước trước Trung tâm. Trời trưa, nắng chang chang.
Ông không còn mồ hôi để chảy, nhưng cô gái mặc áo dài trắng lụa mỏng bên cạnh mồ
hôi thấm ướt cả vùng ngực, vùng lưng của cô. Lại còn môi son. Mũi phập phồng
háo hức nhìn về phía cổng trung tâm. Có một toán lính Mĩ cả đen lẫn trắng đang
từ xóm chị em ta đi lại, vung tay, vung chân, cười hô hố, vỗ vai nhau nói những
lời tục tĩu. Khi lại gần quán, họ nhìn chằm cô gái và có anh Mĩ trắng vỗ vai
anh Mĩ đen to con, chỉ vào cô gái và thách nếu fuck được con hooker
kia, nó sẽ chịu mất 100 đô la. Cô gái có vẻ hiểu, hoặc không hiểu thì cũng đoán
đám lính Mĩ đang toan tính gì; cô quay người nhìn anh cầu cứu. Ông trấn an: ”Cô
cứ yên tâm. Tôi sẽ nói lời phải trái với nó.” ”Không được đâu, ông đại uý ơi!
Khi nó lên cơn thì có trời mới cản được.” Nói thế rồi, cô gái đứng dậy toan bỏ
chạy, thì tên lính Mĩ đen đã xông tới, ôm chặt cô gái. Cô gái càng vùng vẫy, nó
càng hôn tới tấp, rên hừ hừ, đưa răng xé toạc cổ áo dài. Cô gái khóc rống, cố
che cặp vú vừa bị bóc trần. Ông Việt liếc nhanh đám lính Mĩ lượng định tình
hình, và biết rằng người Mĩ không có vụ đánh hội đồng một đối thủ,ông phóng lại
dằng tay tay Mĩ đen kéo nó ra. Nó đấm một cái như trời giáng vào mặt ông. Ông
vùng dậy, tay chùi vết máu trên miệng, tay rút súng lục ông cài bên trong ngực
áo, bắn vào giò tên lính Mĩ. Mấy anh lính Mĩ kia sững người, chạy về chiếc xe
jeep của họ. Xe cứu thương đến chở gã lính Mĩ đi, còn ông, ông bị quân cảnh
còng tay, bắt đưa lên xe và còn bị quật mấy dùi cui. Khi lên xe, anh quân cảnh
mới nói: ”Em buộc phải dùng khổ nhục kế. Em xin lỗi đại uý đã nặng tay.” Vụ
ông đại uý Việt bắn anh lính Mĩ, đối với người Mĩ là nghiêm trọng, nhưng cũng
nghiêm trọng không kém chuyện lính đường đường là lính đồng minh mà lại đi hãm
hiếp đàn bà bản xứ. Theo quân pháp Mĩ, bị xử tử hình chớ chẳng chơi. Ai cũng biết,
nói gì thì nói, nước Mĩ vẫn là một nước nổi tiếng trọng pháp. Nhưng rồi hai bên
Mĩ & Việt giàn xếp sao đó, không biết anh lính Mĩ đen bị xử ra sao, nhưng đại
uý Việt bị đày ra làm lao công đào binh ở sư đoàn I, tận giới tuyến. ”Anh mầy
ngon a! Thôi cứ làm văn phòng mấy tháng, cho lắng xuống, rồi về cầm quân với
ta!” – Ông tướng sư đoàn, vỗ vai nói với lao công đào binh Việt. Chỉ vài
tháng sau, lao công đào binh Việt được phục hồi quân hàm đại uý, chỉ huy trưởng
một tiểu đoàn của sư đoàn I như ông tướng sư đoàn đã hứa.
Rồi chẳng
bao lâu miền hoả tuyến Quảng Trị phải lùi dần và cuối cùng cả quân đoàn phải
tan hàng. Những thảm cảnh, tôi tưởng không cần kể ra đây, mà có cần kể, tôi
cũng không có đủ khả năng như Cao Xuân Huy, người sĩ quan tham dự cuộc triệt
thoái, đã viết lại rất đầy đủ, rất tài tình những kinh hoàng, những uất nghẹn,
bi kịch trên hết mọi bi kịch trong cuộc triệt thoái qua tác phẩm Tháng Ba Gãy
Súng. Bạn đọc có thể tìm đọc dễ dàng tác phẩm này trên mạng. Nhưng như một phép
lạ, ông Việt bị thương hai chân, nhưng cũng về đến được Đà Nẵng, và được đưa
vào quân y viện Duy Tân, ở đó, ông phải chịu cưa cụt hai chân tới quá đầu gối.
Khi vết thương chưa kịp lành, thì Cộng quân chiếm được Đà Nẵng và tràn vào quân
y viện Duy Tân đuổi hết những thương binh QĐVNCH. Ông đã đọc nhiều sách lịch sử
nhưng không thấy quân đội nào man rợ như QĐCSVN. Ông đã chảy nước mắt không phải
do thống khổ ông đã chịu, nhưng khóc cho nhân tính con người nước Việt đã xuống
dốc tận cùng như vậy và khóc cho dân tộc mình sẽ phải chịu sự thống trị của bọn
người này, khóc cho cả những đoàn lũ người mông muội từ một xứ Quảng vốn văn vật
đang hân hoan, ca hát ngoài phố chào đón bọn ác thú đó. Khi ông lê lết về được
Sài Gòn thì cha mẹ ông, anh chị em ông đã đi biệt tăm. Từ đó tới nay ông không
hề gặp lại.Ông chỉ nói chừng đó về cha mẹ ông, về anh chị em ông. Không nghe
ông nói gì về người yêu ông, vợ ông, mà với chức đại uý, với dáng dấp của ông,
người yêu ông, hay ít ra những người đàn bà lấy sắc đẹp lợi dụng ông, chắc
không thiếu. Tôi hiểu được nỗi cay đắng của một thương phế binh sĩ quan bại trận.
Tôi đã nghe cha tôi kể có những phu nhân các sĩ quan đã bỏ chồng đang trong
vòng lao lý CS và lấy kẻ địch của chồng. Có phải ông cũng rơi vào tình trạng bi
kịch như thế, và tệ hại hơn nữa, như một phế nhân, nên ông không muốn nói? Hay
cũng có thể ông không muốn lấy vợ vì ông nghĩ đời lính không biết chết sống nay
mai?
Thời gian này ông được những người hàng xóm cưu mang, nhưng
không lâu sau đó những người hàng xóm này bị tịch thu nhà và phải đi kinh
tế mới nên họ mang ông đi theo. Một thời gian vì cảm thấy chỉ sống ăn bám hàng
xóm, ăn bám người nghèo giữa rừng hoang tơi tả gió mưa, chướng khí nghẹt trời
nơi vùng kinh tế mới ấy, nên ông đã về Sài Gòn ăn xin ngoài đường và rồi bị bắt
vào một trại gì đó ở Thị Nghè. Ở đây ông phải làm mành trúc từ sáng đến khuya
nhưng chỉ được ăn ngày 2 cữ, thời gian này là thập niên 80 xã hội đang thiếu
lương thực; đói và nhất là phải chịu cảnh gà què ăn quẩn cối xay với những con
người cả thân xác lẫn tâm hồn đều đã tàn phế,với những ông bà cán bộ thân xác
tuy mạnh khoẻ nhưng nhân cách là nhân cách của một loài chuột liến láu và thủm
mùi dịch hạch, ông lại trốn ra ngoài ăn xin.
May mắn
thay ông gặp một người quen cũ dẫn về ở chung trong một căn phòng nhỏ trong hẻm
trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ đó hàng ngày ông đi bán vé số, tối về đó nghỉ.
Một thời gian sau thì ông dành dụm được tiền mua lại căn phòng 2 x 1, 5m, mà
tôi đã viết ở trên, do người kia bán để trở về quê sinh sống. Ông với đôi chân
cụt và vết thương cũ trong lồng ngực thường xuyên tái phát, sống cô độc trong
căn phòng chật hẹpđó. Hàng ngày quỳ bán vé số nuôi thân.
”C’est un
bon presage!” Mà thật là như vậy: Tôi lắng nghe ông, kính trọng nghe ông, rồi dần
dà tôi nắm tay ông, khóc trên bàn tay, khóc cuộc đời ông trong quê hương xưa
thu nhỏ nơi quán cà phê vườn ấy. Và rồi tôi hôn ông như hôn vết thương quá lớn
của dân tộc tôi và tôi ôm ông như ôm hết nỗi cơ cực của đất nước tôi. Tôi còn
hôn ông, ôm ông như hôn, như ôm lấy Sisyphe của tôi. Tôi muốn dùng tình yêu của
tôi đẩy lùi số mạng chàng Sisyphe của tôi. Chàng sẽ không phải mỗi ngày cõng tảng
đá nghìn cân trèo lên núi cao, rồi lại đi xuống, rồi lại trèo lên. Tôi muốn
chàng sẽ trèo lên người ngọc tràn trề thanh xuân tôi đây, trèo lên trèo xuống
tuỳ chàng, ung dung thư thái trong khu vườn địa đàng dâng hiến. Khu vườn đó
trong căn phòng chật hẹp, nóng mướt người ở một con hẻm nhơ bẩn. Khu vườn địa
đàng đó sẽ là trong căn hộ xinh xắn của tôi, và sẽ là của chàng, trong Vương quốc
Na Uy, một đất nước được thế giới xưng tụng là Thiên đàng tại thế.
Chúng tôi
kết hôn. Đúng ra là tôi muốn kết hôn với chàng vì tôi yêu chàng, yêu định mệnh
chàng, và cũng có thể vì tâm tôi tự lúc nào đã đồng điệu với những áng văn
chương lãng mạntận cùng của nền văn học Pháp và cũng đã ngấm máu táo bạo Viking
hồi nào không hay. Còn chàng, chàng không muốn, tôi dư hiểu vì sao chàng không
muốn, nhưng chỉ vì chiều tôi, thương tôi.
Ngày cưới
chàng bận bộ đồ trận cũ, đầu đội beret xanh ngồi trên chiếc xe lăn tôi mới mua,
và tôi bay bổng cùng tà áo dài trắng mỏng manh ôm lấy thân hình đẹp của tôi.
Tôiđẩy chàng, không, đúng ra tôi đang bay với đôi cánh áo, lướt qua con phố mà
chàng bán vé số mưu sinh mấy chục năm, đến lãnh sự quán Na Uy gần đó làm lễ kết
hôn dân sự. Những đồng bào Na Uy của tôi, những người có máu Viking chịu chơi
cùng mình vỗ tay, mỉm cười, hân hoan chúc mừng chúng tôi. Đêm đó chúng tôi yêu
nhau. Đêm đó chúng tôi có con với nhau, linh tính người đàn bà cho tôi biết như
vậy.
Khi tôi
xuống phi trường Gardemoen, cha mẹ tôi và các em tôi đến đón. Em gái tôi hỏi
tôi bằng tiếng Na Uy nhạt thếch:
”Hvordan
gikk det med ferien?”. (Chị nghỉ hè vui không?)
Tôi nói
như reo: ”Tuyệt diệu!”, bằng tiếng Việt mến yêu.
”Hva sier
du?” (Chị nói gì vậy?)
”Thì mi lại
mà hỏi ba.”
Ba biết
sành sỏi nhiều ngôn ngữ, nhưng mê nhất tiếng Việt, đỡ lời ngay:
”Là
viunderlig, bedårende, betagende, deilig, behagelig, eventyrlig, fenomenal. Mà
này nghe đây: Cả đống từ đó cũng không diễn tả hết cái từ ”tuyệt diệu” của tiếng
Việt đâu, nghe con gái! Và khi ta xướng lên từ ”tuyệt diệu”, nó buộc ta phải nuốt
nước miếng. Âm ”tuyệt” làm nước miếng ứa ra; âm ”diệu” làm ta nuốt nước miếng
cái ực. Thế, mấy từ tiếng Na Uy trên kia khi nói ra có làm cho con nuốt nước miếng
được như vậy không nào?”
Con nhỏ
như ngộ ra chân lý, reo lên:
”Nhất là
khi người ta yêu, mà nói lên tiếng ”tuyệt diệu ”về tình yêu, chắc người ta phải
nuốt nước miếng nhiều nhất, phải không ba?”
Ba phán
ngay:
- Đúng vậy!
Đúng vậy!
Rồi nó liến
thoắng kề miệng vào tai tôi hỏi nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
”Mà chị
yêu ai ở Việt Nam rồi hả?”
Khi tôi về
nhà, đợi cho bình tâm tĩnh trí, tôi mới gọi về thân mật với chàng. Nghe tiếng
điện thoại reo, nhưng không nghe tiếng trả lời. Mấy hôm sau tôi lại gọi, nhưng
chỉ nghe cái giọng chua như dấm thúi của con mụ Bắc Kỳ: ”Số thuê bao quý khách
vừa gọi hiện không liên lạc được…” Tôi sốt ruột quá truy tầm trên mạng số điện
thoại quán Cà phê Trang, nhưng vô vọng. Tôi bèn gọi cho Toà lãnh sự Na Uy và
yêu cầu gặp ông Olav Anderson, người tôi quen vào dịp lễ cưới, kể sự tình và nhờ
anh đến quán Cà phê Trang gần Toà lãnh sự, mà anh ta đã có lần ghé vào, đến hỏi
sự tình cho tôi. Anh ta đi ngay và nửa tiếng sau gọi lại cho tôi, buồn bã nói:
”Xin chia buồn với cô. Ông ấy đã chết ở nhà ông ấy. Cũng có thể ông chết
vì kiệt sức, cũng có thể ông ấy tự tử vì thấy một ống thuốc ngủ không cạnh chổ
ông nằm. Tôi nói là có thể tự tử vì ống thuốc đó có thể chỉ có một viên cuối mà
ông ấy dùng trước khi ngủ thì sao? Những người đau khổ như ông phải uống thuốc
ngủ mới ngủ được, tôi nghĩ vậy. Còn chuyện xét nghiệm, thì cô biết đó, ở CHXHCN
VN ai mà rỗi hơi làm chuyện đó cho một cục thịt vô dụng. Và trước khi ông ấy mất,
ông có nhờ bà Trang gởi lá thư ông viết cho cô. Bà ấy đã gởi bằng thư chuyển
nhanh EMS, nay mai sẽ tới.”
Mấy hôm
sau thư tới.
”Merci,
ma chérie.
C’est un
bon presage!”
Tôi xin
phép tạm dịch:
”Cảm ơn
em yêu.
Đúng là một
điềm lành!”
Đó là tất
cả những gì ghi trên tấm thiệp kim nhũ in nổi cành mai vàng khắc khổ gió sương.
Tôi bất
giác xoa bụng tôi.
Chỉ còn mấy
hôm nữa Xuân sang.
Oslo,
Tết Mậu Tuất/ 2018
Nguyễn
Văn Thà
* Những
chi tiết tiểu sử này và một số chi tiết khác lấy từ FB Lực Trần, do FB Khanh
Lam Nguyen chuyển tiếp.
**
Ecce homo: Này là Người.//fuck: đéo; hooker: Con đĩ.