Người Việt Nam “lạc quan” hay “ngây thơ” với những hình ảnh
như thế này? Cảnh đường phố cứ mưa là ngập ở Sài Gòn. (Hình:
Zing)
Mấy lúc sau này, đọc những tin tức về Việt Nam, nhất là những
nghiên cứu, đánh giá về cuộc sống tại Việt Nam, chúng ta thường vấp phải sự ngỡ
ngàng, ngạc nhiên… như có những nghiên cứu cho rằng người Việt Nam hiện nay có
cuộc sống hạnh phúc nhất, nhì trên thế giới. Và mới đây, người Việt Nam lại được
xếp hạng đứng đầu thế giới, về những thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua,
nghĩa là Người Việt Nam hiện nay đang đứng đầu thế giới về sự lạc quan.
Khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thực hiện với hơn 40
ngàn người tại 38 nước, cuối cùng đã xếp Việt Nam ở vị trí số một với 88% người
Việt được phỏng vấn đã cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước. Pew
là tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, ý kiến
công chúng và các xu hướng nhân khẩu học đang định hình Hoa Kỳ và thế giới và
là một chi nhánh của Tổ Chức The Pew Charitable Trusts của Hoa Kỳ.
Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cũng vừa bị Việt Nam “ném đá” vì vừa
công bố các số liệu cho rằng Việt Nam đang vi phạm tự do tôn giáo với mức độ nhảy
vọt.
Có phải chăng vì thái độ chính trị và những đối nghịch trong
quan điểm với đường lối chính phủ trong nước, được thấy rõ qua các phản ứng của
quần chúng, các bản án đàn áp chính kiến vẫn xảy ra khắp nơi, chúng ta thấy những
công trình nghiên cứu, thăm dò dư luận trên đời sống Việt Nam, có vẻ như không
sát với thực tế. Đôi khi hóa ra một sự giả dối đầy trò cười, chỉ có mục đích
dùng như một tài liệu tuyên truyền cho chế độ.
Lẽ cố nhiên lạc quan là điều tốt. Nếu nói theo một nhà văn
Hoa Kỳ, bà Helen Keller: “lạc quan là niềm tin mang đến thành tựu. Bạn chẳng
làm gì được nếu thiếu hy vọng và lòng tự tin.”
Người lạc quan là người luôn luôn nghĩ rằng ngày mai sẽ khá,
sẽ tốt hơn hôm nay, nên chẳng có gì phải lo lắng, đó là người bằng lòng với số
phận. Người Việt Nam chúng ta ngày hôm nay thật sự phải là những người như thế
sao?
Cũng có định nghĩa cho rằng, người lạc quan không bao giờ lầm
tưởng cuộc sống này là sự hoàn hảo, vì điều đó là không tưởng. Thay vì chờ đợi
một ngày “hoàn hảo” nào đó để làm việc gì đó, họ sẽ sống tích cực trong ngày
hôm nay, mà không hề tỏ ra một thái độ bất mãn. Họ khám phá thế giới với con mắt
tò mò và nhiệt tình thơ trẻ.
Thử tưởng tượng buổi chiều đi làm về đường phố ngập nước, xe
chết mất cả tiếng đồng hồ mới về tới nhà, nhưng những người Việt Nam hôm nay vẫn
không cho chuyện đó là khó chịu, đó là chuyện nhà nước đang bận tâm và đang lo
cho dân. Chính quyền tìm mọi cách moi tiền của dân qua mọi thứ gọi là phí, thuế,
lộ phí và huy động nhân dân với nhà nước cùng làm, nghĩa là dân è cố ra vì thuế
rồi, còn gặp cảnh không đóng tiền sửa đường, nhân viên xã không chịu ký giấy tờ.
Tuy vậy, chuyện lạc quan là có thật.
Trong nước thiên hạ quá lạc quan, giờ rảnh rỗi, ngoài chuyện
cầm micro hát hò thì nhiều người chẳng biết làm gì khác?
Hãng tin VNExpress đang có loạt bài độc giả phàn nàn bị hàng
xóm “tra tấn” bằng phong trào karaoke, họ thích hát và thích ép người khác phải
nghe mình hát.
“Đối với dân văn phòng, buổi chiều, tan sở, ‘tăng một’ sẽ đi
lai rai vài chai với đồng nghiệp. Nếu cao hứng, tăng hai sẽ kéo nhau đi hát
karaoke… Những người khác sẽ hát hò thoải mái tại quán nhậu lề đường thông qua
sự hỗ trợ cơ động của dàn karaoke kẹo kéo.”
Không lạc quan sao được? Một người vừa trở lại Việt Nam cho
biết, Sài Gòn bây giờ hình như không ai nấu ăn trong nhà hay sao mà tối nào các
tiệm, các quán cũng tấp nập khách ăn? Bao giờ nhìn chung quanh các bàn cũng rất
nhiều người địa phương ngồi ăn, phần đông là giới trẻ, và trung niên. Trên bàn
đầy ắp thức ăn và bia, nước ngọt.
Trên những chương trình truyền hình, gameshow cũng khai thác
chuyện hát, và những hài kịch rẻ tiền, kể cả tên tuổi những “danh hài” Việt kiều,
với những show thời trang dị hợm, mà khả năng dàn dựng, y phục, nói năng, tưởng
không còn gì “hạ cấp” hơn. Tuy vậy người xem, phần lớn là tuổi đôi mươi, vẫn dễ
dãi hài lòng bằng những nụ cười mở rộng, tâm đắc với những tràng pháo tay tán
thưởng không ngừng, và diễn viên vẫn tiếp tục thành “siêu sao,” kiếm tiền dễ
dàng.
Đó phải chăng là thái độ lạc quan ngây ngô, bất tận. Hàng
trăm, hàng nghìn người, toàn là học sinh, sinh viên, trí thức, tương lai của đất
nước, đang dễ dãi chạy theo những ngôi sao sân khấu cỡ Trường Giang và Trấn
Thành ngoài đường phố và sẵn sàng “hôn ghế thần tượng,” thì chúng ta trông mong
ở họ nỗi gì?
Mọi sự ngày nay đều dễ dãi, đơn giản như chuyện dẫn nhau vào
“nhà nghỉ” hay buổi chiều ra “bãi nhậu” sau giờ làm việc.
Nếu kể từ ngày trong rừng ra, một cái “xắc cột” và một cái
chén đôi đũa dắt bên lưng, thì hoàn cảnh ngày hôm nay quả là lạc quan. Ngoài những
viên chức cấp cao như Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng hiện đang nắm các
chức Tướng Lãnh, Bí Thư Tỉnh Ủy, Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, cán bộ trung cấp ngày
nay là cán bộ đảng viên thì có lương bổng, có quyền lực. Chúng ta cũng hiểu rằng
tầng lớp này hầu hết là những người xuất thân từ nghèo khổ, “đi làm cách mạng,”
ngày nay là những người một bước lên xe, có biệt thự, nhà lầu, có đặc quyền và
có cơ hội tham ô. Thành phần tiếp theo là công chức giáo viên, quân đội công
an, tuy lương mỗi tháng cỡ vài trăm, nhưng trong các địa hạt như thuế vụ, quan
thuế, công thương, y tế, ngân hàng, tư pháp… nếu không nói là trong tất cả các
cơ chế, họ lại có những tròng tréo, móc ngoặc chia chác, nếu chúng ta chỉ tính
trên đồng lương tháng mang về thì chưa đủ. Trong rất nhiều cơ quan XHCN ngày
nay, rất nhiều viên chức lương ít mà lộc nhiều, lương một mà bổng mười.
Một phần ba công nhân ngày nay xuất thân từ nông dân đã bỏ
ruộng đồng lên tỉnh. So với đời sống sống ngày trước, người công nhân thấy đời
sống của họ đỡ vất vả hơn.
Tất cả thành phần dân chúng Việt Nam và tất cả họ hàng bên
thắng cuộc, khởi đi từ chén bắp bo bo, cái tem phiếu, ở nhà tập thể, miếng thịt
con cá phải xếp hàng, so với đời sống hôm nay, với tiện nghi điện thoại, chiếc
xe, áo quần bảnh bao với nhà cao cửa rộng, ăn nhậu linh đình& thì lạc quan
là phải.
Đó là những con người đã bị bóp cổ không thở được, ngày nay
thấy dễ thở, so sánh để lạc quan là lẽ đương nhiên. Tất cả lạc quan vì đời sống
của họ đã khá hơn thời ông cha họ, được hưởng thụ đời sống vật chất như nhà cửa,
ăn nhậu, phương tiện di chuyển. Và những người đi từ thiếu thốn, nghèo khó, chỉ
mong nhu cầu vật chất, khi đầy đủ vật chất rồi họ không còn thấy bận tậm gì bữa.
Đó là một xã hội đầy hưởng thụ, đi đến chỗ đạo đức băng hoại.
Mỗi năm, Việt Nam có từ 250,000-300,000 ca nạo phá thai được
ghi nhận chính thức, còn thực tế chưa thể thống kê được và hiện đang đứng đầu
Châu Á về tỉ lệ nạo phá thai.
Báo chí Việt Nam ghi nhận, cùng với việc phát triển kinh tế,
nhà nhà quần quật, người người lo làm ăn, cả nước thi đua làm giàu, trong khi nạn
cướp giật càng ngày càng gia tăng.
Về mặt y tế, tình trạng sức khỏe của Việt Nam không đáng lạc
quan: khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này,
ước lượng 126,000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa
ra hôm 13 Tháng Mười Hai, 2017.
Trong khi đó, Việt Nam bị xếp hạng thứ 78/172 quốc gia có tỉ
lệ mắc ung thư cao. Theo thống kê của dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi
năm ở Việt Nam có khoảng 70,000 người chết và hơn 200,000 nghìn người mới nhiễm
bệnh.
Theo nghiên cứu của Bộ Y Tế, 15% dân số Việt Nam tương đương
14 triệu người mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người
rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển
và con số này vẫn không ngừng tăng. Chủ yếu do làm việc quá sức, áp lực công việc
lớn, căng thẳng, khủng hoảng tiền bạc, dùng nhiều rượu bia, cách biệt giàu
nghèo, ly hôn, thất nghiệp…
Vậy loại lạc quan này phải chăng là lạc quan… tâm thần!
Người Việt Nam được xếp hạng “lạc quan nhất thế giới,” nhưng
trong khi dân số chúng ta có 94,970,597 người, thì mỗi năm có tới 1 triệu thanh
thiếu niên chết vì tự tử, như vậy trong 100 người Việt Nam thì có một người thiếu
lạc quan. Đáng tiếc là theo thống kê, số người tự tử là “thanh thiếu niên,”
sinh viên, học sinh, đặc biệt trong giai đoạn thi lên lớp và thi đại học, trong
đó có những vụ tự tử tập thể. Đây không còn là một chuyện nhỏ mà cả một vấn đề
lớn của dân tộc.
Và câu hỏi là vì sao trong khi cả nước an tâm, hồ hởi, lạc
quan như vậy, mà vẫn còn người vượt biển ra đi hay mong chuyện đổi đời bằng
cách đi làm thuê, ở mướn, hay bán trinh tiết và tuổi xuân xanh, phó mặc cho số
mệnh và cuộc đời đưa đẩy?
Huy
Phương