Dọc đường nhấp nhô xe cộ nối đuôi nhau đang đổ dồn ra xa lộ vào buổi chiều
tối. Hai bên đường phố rực rỡ ánh đèn màu đủ loại cùng với một rừng dây đèn
trang trí chung quanh mái nhà được thả thòng xuống lơ lửng nhiều cảnh lạ. Thật
là vui mắt. Trên sân nhà nào cũng có hang đá Chúa hài đồng, ông già Noel hay
vài con nai được quấn đèn chung quanh sáng lóe đang cử động nhấp nháy theo ánh
đèn chi chít. Tan sở về mà lòng tôi rộn vui vì trong tay đang cầm một tấm check
tiền thưởng cuối năm đủ để mua một món quà như đã hứa với lòng từ nhiều năm
trước.
Lâu nay tôi quen thân với một anh bạn người Mỹ cùng làm ở sở có người chị làm
quản lý cho một công ty kinh doanh đồ trang sức hột xoàn kim cương ở thành phố
Tustin. Thân lắm, có khi cũng đã gần mười năm. Hắn thường gọi đùa tôi là Mr.
Rice vì ngày nào, tháng nào hay năm nào buổi ăn trưa của tôi cũng là cơm trắng
với đồ ăn mặn mang theo từ nhà. Ít khi lắm mới có một bữa trưa góp tiền mua
hamburger McDonald ăn chung mà khoái khẩu nhất vẫn là french fries (khoai tây
chiên) chấm ketchup (sốt cà chua). Những lần như thế tôi thường hay nói với hắn
là tôi rất ít ăn thịt từ thuở nhỏ vì nhà nghèo, đông anh em và cũng đã có lúc
tôi định ăn chay (vegetarian) trường theo mẹ.
Cả tuần trước Giáng sinh, công việc ở sở không nhiều lắm, mọi người chỉ lo
trang trí cây thông Noel lớn ở giữa tiền sảnh, sắp xếp quà tặng lẫn nhau giữa
các nhân viên trong không khí nhộn nhịp chờ lãnh tiền thưởng. Tôi cũng lất phất
vòng quanh các phòng ban nhưng không để ý nhiều lắm mà chỉ lo dặn đi dặn lại
anh bạn người Mỹ thân lâu nay nhờ giới thiệu và cho xin địa chỉ cũng như hẹn
giờ với người chị của hắn vào buổi chiều trước khi nghĩ lễ để đến gian hàng của
chị ấy. Hắn lộ vẻ ngạc nhiên.
– Đến đó để làm gì?
– Mua một đôi bông tai.
– Thật vậy sao.
Tôi gật đầu và hơi mĩm cười đắc ý. Lệch chiếc mũ ông già Noel một bên hắn
cũng cười và chen chân cùng với mọi người vừa mang quà ra xe vừa luôn miệng
Merry Christmas. Merry Christmas… Thật vui.
oOo
Hồi mới học năm thứ hai ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn tôi được
lãnh lương hằng tháng như một công chức ngạch B nên rất dư dã. Do đó tôi thường
hay trích một phần ba số tiền lương để gởi về cho mẹ giúp gia đình nuôi em. Từ
đó về sau tôi vẫn giữ mức trợ giúp như vậy cho tới khi miền Nam sụp đổ. Ba anh
em lớn trong gia đình tôi cũng đều phụ mẹ y như vậy.
Đứa em kế là Hải quân nên ba, bốn tháng mới lên bờ về nhà một lần. Thói quen
khi về đến nhà sau khi đã chi tiêu đủ các khoản ở đơn vị là đưa hết tiền cho mẹ
giữ rồi sau đó xin lại xài dần cho đến trước khi đi, mẹ muốn đưa lại bao nhiêu
cũng được. Hải quân gì mà hiền vậy. Bạn bè ở đơn vị thường hay trêu chọc là
“Thầy Tu” nhưng lại dành tiền cho mẹ nhiều nhất. Đứa em thứ hai là Quân Cảnh
đóng ở Sài Gòn, mẹ biết rõ tánh hay ăn xài rất rộng nên mẹ giao cho mỗi một
việc là giúp đứa em gái kế đang đi học ở Trường Luật, trả tiền trọ và cơm tháng
cho em. Gia đình anh em tôi trai gái chín người, khi mất nước đứa em út mới ba
tuổi.
Trong hoàn cảnh gia đình đông anh em như vậy nên mẹ tập cho các con tính
tiết kiệm. Thiệt thòi từ nhỏ anh em tôi ít có tham gia vào các thú vui giải trí
như đi xem phim hay đua đòi theo bạn. Chỉ ráng học hành cho thật giỏi và anh em
trong nhà chơi với nhau thôi ít có đàn đúm ra ngoài. Muốn mua cái gì thì cố
gắng dành dụm cho tới khi đủ rồi mới mua. Mẹ không thích mua đồ trả góp hay mua
chịu. Nghèo thì nhịn chứ không mượn nợ.
Cả nhà đều biết mẹ quán xuyến nhiều việc, lo cho mọi người không kể chồng
con. Mẹ thương ngoại lắm. Lúc ba còn đi làm, mẹ luôn bàn với ba để trích ít
tiền luơng gởi về cho ngoại hằng tháng. Đi đâu, ở đâu mẹ cũng nhớ về Cai Lậy.
“Tội nghiệp ngoại già rồi con” anh em tôi nghe câu nầy không biết bao nhiêu
lần. Hôm đưa đám bà ngoại, khi chuyển quan tài qua con lạch nhỏ bằng xuồng ba
lá, đến giữa dòng xuồng nghiêng sắp lật may nhờ Hai Cầm huy động bà con kịp
thời chen vai chịu đỡ và lót thêm chuối cây mới lần lần đưa xuồng qua được tới
bờ bên kia. Khi về mẹ nói nếu xuồng lật chắc mẹ chết theo luôn. Từ đó mẹ luôn
nhắc đến và lo cho gia đình Hai Cầm như người thân cật ruột trong nhà. Thọ ơn
thì phải đền ơn. Đơn giản vậy thôi. Mẹ nói.
Nhớ hồi Tết Mậu Thân tưởng đâu ba bị bắt chắc chết, mẹ lặn lội về quê ra tận
ngoài vàm Long Khánh nhờ bà con bên ngoại cứu giúp. May thật, người làng biết
mẹ nên tận tình giúp đỡ, nửa đêm có người mang xuồng đưa ba trốn thoát khỏi
vùng xôi đậu do cộng sản kiểm soát. Từ đó ba bệnh luôn, nghỉ việc và gia cảnh
đến hồi túng quẫn. Mẹ bắt đầu bươn chải nuôi chồng con. Được vài năm kịp thời
anh em tôi lớn lên học hành tốt nghiệp đi làm. Mẹ mừng lắm, mọi việc bắt đầu ổn
định.
Đời mẹ chỉ có một ước muốn là các con mình trở thành Thầy, Cô giáo là mẹ mãn
nguyện. Nhưng mà có được đâu. Con cái lớn lên theo thời cuộc và vận mệnh mỗi
đứa làm một nghề khác nhau. Đã vậy mà ba anh con trai lớn, tuổi xấp xỉ 24, 25
rồi đi làm xa mà vẫn chưa có đứa nào nói đến chuyện vợ con gì hết. Mẹ đang lo
lắm.
Chưa làm sui được thì cộng sản tràn về. Nước lại chảy ngược, mấy đứa em nhỏ
phải vất vả vừa học vừa nuôi heo, đan lát may vá thêm để dành tiền phụ giúp mẹ
đi thăm nuôi các anh đang cải tạo. Mà một vài năm cho cam, đàng nầy đằng đẵng
có người tới năm, mười năm. Chịu sao cho thấu. Cùng cực bán hết nhà cửa tài sản
làm vốn mua bán hàng vặt để sống đắp đổi qua ngày.
Khi tôi về sau gần mười năm dài cải tạo ngoài miền Bắc thì nhà đã trống
trước trống sau, cảnh vật xác xơ, tiêu điều. Buồn lắm. Còn sống sót là may rồi
con à. Mẹ thường hay nói như vậy để an ủi và khuyên các con ráng chịu đựng
trong hoàn cảnh khó khăn đầy ức hiếp. Được nửa năm, lúc tôi còn đang trong vòng
quản chế không được cấp giấy phép đi đường nhưng mẹ vẫn quyết định môt mình
cùng với cô em gái út ra Kontum làm đám hỏi cho tôi.
Đến lúc đó, cả nhà mới hay là trong những năm tôi còn đi làm gởi tiền về
hằng tháng, mẹ luôn dành dụm chút ít cho đến khi đủ mua một đôi bông tai hột
xoàn để dành cho con cưới vợ sau nầy. Nhà có khó khăn thế nào, bán tất cả nhưng
trừ hai món là đôi bông tai và chiếc nhẫn hột xanh mà cô Trâm đã đưa cho tôi
đeo, mang theo về Sài Gòn “để nhớ đến em” hồi tháng 3 năm 1975.
Nát võ cũng còn bờ tre. Trong đám hỏi mọi người hết cả họ bên nhà gái và bà
con lối xóm ai nấy cũng đều trầm trồ khen ngợi đôi bông tai to sáng và đẹp, nổi
bật chưa từng thấy. Xứng đáng công chờ đợi mười năm. Mẹ rất hãnh diện và vui
lắm khi chính tận tay đeo đôi bông tai cho cô Trâm.
Sau khi mãn hạn quản chế tại địa phương tôi đi ngay ra Kontum để làm đám
cưới. Trước khi đi, nhà nghèo lắm, hai mẹ con bàn nhau lấy chiếc nhẫn hột xanh
của cô Trâm tặng hồi trước đem ra thợ bạc đánh thành hai chiếc nhẫn cưới để làm
lễ trao nhẫn ở nhà thờ.
Lễ cưới diễn ra tại nhà thờ Tân Hương, Kontum. Giáo dân đông nghẹt. Cha Luca
BT. chủ tế và ngoài những nghi thức thông thường trong lễ cưới. Dịp nầy Cha còn
cảm khái nhắc lại tình yêu của cô dâu chú rể trải qua bao phong ba bão tố trong
hơn mười năm đã làm sáng danh “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không thể
phân chia.” Cảm động vô cùng.
Khi về nhà đãi tiệc, cô dâu thay áo cưới mặc áo dài đội khánh để ra chào
khách, lúc vén tóc lên sửa lại cho ngay tôi ngạc nhiên không thấy em đeo đôi
bông tai mà mẹ mang ra Kontum hồi làm đám hỏi. Tôi hỏi đâu rồi. Em ứa nước mắt.
Khách đông và lại chắc có điều gì đó bất ổn nên tôi không tiện hỏi tiếp, hai
đứa cố gắng vui vẻ ra tiếp khách đang ồn ào, chật cứng đầy ở phòng khách, ngoài
sân.
Xong tiệc cưới, mấy hôm sau trực nhớ tôi hỏi lại đôi bông tai đâu rồi. Em
lặng lẽ vào trong buồng mang ra một chiếc hộp nhỏ mở ra còn thấy rõ ràng hai
hàng chữ mạ vàng trên nền lụa trắng đã ngã màu, tiệm vàng “H. N.” trên dưới
bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa. Em nói.
– Đôi bông tai giả anh à.
Tôi chết điếng người, mắt dán chặt vào đôi bông tai còn gài cứng trên đáy
hộp.
– Sao em biết.
Số là sau đám hỏi có người bà con trước năm 75 có tiệm mua bán vàng bạc, hột
xoàn kim cương tại chợ Kontum thấy đôi bông tai to và sáng quá nên tò mò sinh
nghi bảo em đem ra nhà thử mới biết là hột xoàn giả. Mợ Tư cam đoan với ba má
là như vậy.
– Ba má nói gì.
– Ba nói để thủng thẳng rồi hỏi lại anh.
Cả đời ba gắn bó với xứ đạo Tân Hương, Kontum. Đi tu từ năm mười tuổi. Không
được Chúa gọi, ba xuất ra đời và làm Biện nhà thờ suốt nhiều năm. Mỗi khi gặp
khó khăn ba đều luôn nguyện dâng hết cho Chúa và thường hay nói là Chúa cho vác
Thánh Giá noi gương Ngài nên không phàn nàn gì cả. Phiền muộn sớm tiêu tan.
Đám cưới xong, mười ngày sau tôi về lại Cai Lậy nôn nóng hỏi mẹ sao vậy. Mẹ
bảo là mẹ cũng không biết. Hôm sau hai mẹ con xuống tận làng Nhị Mỹ tìm tới nhà
bà chủ tiệm vàng HN. ngày trước. Vừa thấy mẹ con tôi bước vào bà khóc ngay.
– Dì Năm thương con. Hồi trước con lỡ dại.
Sau đó nghe kể hoàn cảnh khó khăn hiện nay của gia đình, mẹ tôi thở dài. Khi
nhà nước phát động chính sách cải tạo công thương nghiệp ở huyện, chủ tiệm vàng
“HN.” đã tẩu tán tài sản cho người em gái có chồng là thầy giáo để may ra còn
giữ được của cải. Nhưng sau đó, gia đình người em giựt luôn số tài sản đã gởi
và ông chủ tiệm bị bắt đi cải tạo. Được mấy năm, trại cho ông ra ngoài tự giác
chăn dê và hay ra chợ mua thực phẩm về trại cho cán bộ. Một hôm tay còn cầm gậy
chăn dê đầu đội nón cời, quần áo rách rưới bám theo xe ra chợ ông bị ngã xuống
đường qua đời. Cả gia đình tản lạc tứ phương chỉ còn bà chủ tiệm trở về quê trụ
lại làm mướn sống trong nghèo nàn khốn khổ.
Để chuộc lại lỗi lầm, bà chủ tiệm định viết một miếng giấy xác nhận nợ đưa
cho mẹ mang ra chợ trao cho người em gái giúp trả dùm. Nhưng mẹ kêu thôi. Người
ta đã giựt của cải, tài sản của chị mình rồi thì người dưng còn ăn thua gì. Giờ
ai cũng khổ cả làm khó nhau chi. Mẹ bảo thôi và chỉ muốn biết sự thật để khỏi
ái náy với gia đình bên sui nhà gái mà thôi.
Trên đường về đi dọc theo đường Bến Cát, hai mẹ con biết thật là mẹ đã mua
lầm đôi bông tai giả nhưng nghĩ lại mọi chuyện cũng hạnh thông, không có gì xui
xẻo lắm. Khi có chuyện gì buồn hay khó khăn mẹ im lặng và mắt hay chớp liên hồi
là tôi biết mẹ đang niệm Phật. Tự dưng tôi nhớ đến câu ca dao thuộc làu từ nhỏ.
“Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.”
oOo
Hằng năm cứ đến ngày Noel tất cả gia đình anh chị em cùng với ba đi dự Thánh
Lễ chung với nhau ở nhà thờ St. Lucy, Long Beach. Sau đó cùng về nhà tôi để ăn
tiệc nửa đêm. Mấy năm đầu trên đất Mỹ còn ít người nên ăn xong là quây quần bên
cây Noel trong phòng khách để mở quà Giáng Sinh ngay, nhưng sau nầy anh chị em
từ Kontum qua Mỹ đoàn tụ con cháu đông nên năm nào cũng phải đợi đến sáng hôm
sau ngày 25 mới mở quà. Thường thì quà chỉ để vui cho trẻ nhỏ thôi còn người
lớn thì cái quần, cái áo ấm hay đôi khi chỉ tấm thẻ gift card là được. Đặc biệt
năm nay, giáng sinh năm thứ mười trên nước Mỹ tôi có một món quà cho bà xã được
chính tay tôi gói cẩn thận.
Khi mở gói quà ra là một đôi bông tai hột xoàn Mỹ còn đựng trong hộp mới
tinh. Em muốn khóc bèn đưa cho ba xem và nói đỡ.
– Ba coi thiệt hay giả.
Ba hơi cảm động, các em tụm quanh yêu cầu tôi đeo vào cho chị và cố làm dáng
như đám cưới thật để chụp hình.
Tối hôm sau tôi gọi điện thoại về cho mẹ, thăm hỏi như mọi khi và cũng cho
mẹ biết là tôi đã mua được một đôi bông tai hột xoàn Mỹ. Mẹ hỏi:
– Con mua bao nhiêu?
– Cũng bằng với giá má mua đôi bông hồi xưa nhưng nhỏ hơn.
Tôi nói cho mẹ yên tâm là hột xoàn thiệt mua có giấy chứng nhận đàng hoàng
và do người quen giúp. Trò chuyện vui một chút rồi thì cũng tới điệp khúc quen
thuộc.
– Chừng nào con về? … đặng cho má coi hột xoàn Mỹ ra sao.
Tôi nợ mẹ câu hỏi nầy không biết bao giờ mới trả đủ. Lần lửa tôi về không kịp.
Mẹ mất.
Trước đây mẹ luôn ám ảnh bởi cảnh xuồng nghiêng sắp lật hồi đưa ngoại về đất
nhà chôn cất nên mẹ muốn sau khi mất được nằm gần bên cố ngoại trên đất chùa,
miếng đất mà cố ngoại đã hiến tặng để cất chùa hồi mấy trăm năm về trước ở dưới
chân cầu Cai Lậy. Hòa thượng trụ trì đã làm phép an táng mộ phần cho mẹ trên
khoảnh đất nhỏ vừa đủ để đặt cỗ quan tài ở chính giữa gò bên cạnh mộ cố tổ ông
bà.
Hôm ra viếng mẹ lần cuối trước khi về Mỹ tôi lấy khăn lau mộ bia. Tần ngần
hồi lâu, chợt nhớ đến ước muốn lần sau cùng của mẹ qua điện thoại, tôi khóc
thầm. Giả thiệt gì rồi cũng đều là vô thường. Má ơi.
Gió sông cầu đúc thổi chiều về hơi mát dịu. Tôi ngước nhìn ảnh mẹ đang cười
trên mộ bia mà trong lòng yên ắng trở lại rồi quay đi./.
Trần Bạch Thu