Thưa Anh,
Nghe tin anh vừa mất, đột nhiên, em như người tụt rơi xuống hố sâu, hụt
hẫng, lao đao, hai tay quờ quạng như muốn níu kéo lấy một điểm tựa nào đó không
có thật, và khi không nắm được chỗ nào cả thì hoảng hốt, sợ hãi vô cùng. Mắt em
như mờ hẳn đi, không nhìn thấy gì dù màn ảnh của chiếc máy computer dựng ngay
trước mặt.
Có thật anh đã ra đi rồi không? Sao lại không gọi em một tiếng nào? Mấy năm
nay, tuy em bị cắt liên lạc với anh, nhưng em vẫn theo dõi tin anh qua những
người quen, và có một lần, đọc một bài báo của ai đó phỏng vấn anh, em rất mừng
vì thấy anh vẫn khỏe. Tết vừa rồi, em lại liều gửi điện thư chúc Tết anh chị dù
biết rằng có thể như những lần trước, thư của em lại lọt vào trong thùng rác,
hoặc bị lấy mất bởi những chuyên viên rình rập trên mạng. Chuyện này chắc chắn
xẩy ra, vì cách đây mấy năm, sau khi các thư em gửi cho anh đều bị trả lại, em
liều gọi điện thoại đến anh, để thăm hỏi vài câu ngắn ngủi, thì cũng chỉ được
nghe anh nói vắn tắt vài lời: “Anh xin lỗi em, từ nay không liên lạc được với
em nữa. Anh bị công an đe dọa: “cấm liên lạc với tên nhà văn phản động kia, kẻo
sẽ bị cắt điện thoại”. Em thông cảm cho anh nhé.” Rồi anh cúp máy! Thế thôi! Từ
đó đến nay, em không còn nhận điện thư của anh nữa. Em buồn lắm! Không được
chuyện trò với anh như trước, em cảm giác chơi vơi cùng tận, vì trong tâm hồn
của em, vẫn tràn đầy nhiều kỷ niệm với anh, với người Thầy đáng kính. Em vẫn
nhớ ngày em đi Mỹ theo diện H.O.1, anh lập cập chống gậy, nhờ người quen chở
anh đi xe gắn máy, đến tận phi trường tiễn em. Khi em bước vào trong hàng rào
ngăn cách, anh còn đứng đó và giơ bàn tay gầy ốm vẫy mãi cho đến khi em phải
quay lưng đi vào phòng cách ly. Thế là lần cuối cùng gặp anh đấy.
Anh kính mến,
Ngày hôm nay, trong cơn gió lạnh của California, bao nhiêu kỷ niệm tràn về
đầy ắp. Em nhớ lại thời gian khi còn trong tù, anh chỉ dẫn cho em từng nốt nhạc
vọng cổ, và vì lúc đó anh bệnh nặng quá, nên sự cố gắng dậy bảo của anh làm anh
ứa máu, em đã sợ hãi mà ngăn anh lại: “Thôi! Thôi! Anh nghỉ đi! Đừng nói nữa!
Máu chẩy ra miệng anh kìa!” Anh lắc đầu, lấy vạt áo tay chùi máu miệng, và nói:
“Không ngừng được! Anh phải dậy em bây giờ! Anh không biết lúc nào anh chết,
nên phải truyền hết kinh nghiệm cho em, kẻo mai mốt anh chết, thì không có
người tiếp tục!” Và cứ thế, bất chấp sức khỏe càng ngày càng sa sút, máu cứ
chẩy ra ngoài miệng, anh đã dậy cho em từng câu nhạc Vọng cổ, từng cách viết
kịch bản cho một vở tuồng cải lương, cổ nhạc. Vì các đốt ngón tay anh đã bị
chất vôi phù lên, cứng ngắc, không sử dụng được, anh đã ngồi xổm trên chiếu,
kẹp chiếc bút chì vào giữa ngón chân cái và ngón kế tiểp để vẽ lên các nốt nhạc
to bằng quả trứng gà, cũng như các tiết tấu và kết cấu từng câu nhạc, thật công
phu vô cùng. Em biết là viết như vậy, anh đau lắm và vất vả lắm, nhưng anh vẫn
kiên trì truyền hết kinh nghiệm cho thằng em kém cỏi này và cũng vì biết nỗ lực
của người Thầy như anh thật là hiếm có trên đời, nên em đã cố gắng làm vui lòng
anh bằng cách sáng tác các bài ca Vọng cổ, cũng như các bài tân nhạc rồi hát
cho anh nghe, để thấy anh mỉm cười, mãn nguyện là em mừng. Dĩ nhiên, khả năng
của em không đủ để theo kịp sự dậy dỗ của anh, khiến có vài lần anh nhăn mặt,
mắng: “Em cứ có cái tật phăng-tê-di! Không chịu theo khuôn phép gì cả! Hòa âm
gì kỳ cục thế! Viết lại!” Để sau khi em sửa lại rồi, anh vẫn lắc đầu, thở dài:
“Thôi! Cái tật ẩu không bỏ được!” rồi anh lại gật đầu, cười mỉm: “Thế mà lại
hay! Mỗi người sáng tác đều có những cái riêng của mình, không ai giống ai.”
Em vẫn nhớ, ngoài những lúc học sáng tác, hòa âm, anh kể cho em nghe những
chuyện tình thời trai trẻ của anh, độc đáo và hấp dẫn vô cùng. Ngày anh còn ở
trường Thiếu Sinh Quân, tự viết nhạc cho anh em hát, ngày anh đeo lon Trung Úy,
rồi Đại Úy và những lần anh làm trưởng ban nhạc đi trình diễn bên Pháp… bao
nhiêu cô theo, trong đó có một mối tình thật ác liệt của một cô ca sĩ, kịch sĩ
nổi tiếng… Rồi đến ngày anh cưới vợ, cô kia đánh ghen ra sao…ảnh hưởng đến quân
vụ của anh như thế nào. Và để trả thù, cô kia đã thuê một nhà văn cũng rất nổi
tiếng viết lại chuyện tình của anh đăng báo, hầu làm chậm bước thăng tiến trong
đời binh nghiệp của anh và cách anh giải quyết mọi chuyện như một giấc mơ vừa
sáng trí vừa lãng mạn. Em ngồi nghe anh kể chuyện mà mắt cứ mở to, ngưỡng mộ
quá chừng.
Rồi em được trả tự do trước anh. Vì không thể quên những tháng ngày được anh
chỉ bảo, em vẫn đi thăm anh ở các bệnh viện! Bệnh anh càng ngày càng nặng, nên
cai tù đành chấp nhận chuyển anh ra bệnh viện ngoài để chữa trị, nhưng họ đổi
nơi chữa trị hoài vì ngại rằng nếu để lâu một chỗ, có thể có sơ hở và anh trốn
được. Mãi đến năm 1985, anh mới được về nhà. Nhờ đó, mà anh có cơ hội tìm thầy,
tìm thuốc để tự trị bệnh mình và đến khi em đi Mỹ vào năm 1990, thì anh đã có
thể chống gậy đi lại được, không như ngày ở trong tù, anh chỉ có thể nằm trên
một miếng ván nhỏ có gắn bánh xe do anh em cùng tù làm cho anh, để anh lấy tay
đẩy miếng ván trôi đi, y như một người bị què cụt sắp chết. Nhìn hình ảnh đó,
anh em đều sa lệ. Còn đâu người hùng năm xưa? Còn đâu hình dáng người nhạc sĩ
với cây đàn và những bản nhạc tuyệt vời, hát mãi không chán?
Sau khi đến Mỹ một vài năm, thấy một Trung tâm băng nhạc hồi đó thỉnh thoảng
làm các cuốn băng đặc biệt với từng tác giả, em đã liên lạc với trung tâm và
gợi ý là nên làm một cuốn băng đặc biêt về anh. Người chủ trung tâm rất mừng vì
ông cũng từng là người hâm mộ nhạc Nguyễn Văn Đông, nên ngay sau khi biết được
địa chỉ của anh, ông ta đã về Saigon ngay, tiếp xúc với anh và chuẩn bị một
chương trình Nhạc Nguyễn Văn Đông với các ca sĩ từng là học trò của anh. Thoạt đầu,
anh cũng đồng ý đi Mỹ và anh đã gửi cho em nguyên một tập nhạc của anh sáng tác
để tùy nghi trung tâm lựa chọn. Chương trình tiến triển tốt đẹp. Trung Tâm băng
nhạc đã làm Visa cho anh sang Mỹ. Nhưng đột nhiên, anh gọi điện thoại cho em và
nói rằng anh không đi nữa. Anh nói: “Anh biết là sau khi về lại Việt Nam thì
thế nào anh cũng bị kiểm điểm bởi những thằng nhóc con. Mà anh lớn tuổi rồi,
anh không muốn bị gọi lên đồn công an, để trả lời cuộc thẩm vấn bởi mấy tên con
nít, không biết gì về âm nhạc cả! Mấy ca sĩ cải lương, tân nhạc gì sang Mỹ về
cũng phải gặp công an, “dạ, dạ thưa anh, thưa chị.” Anh không thể làm được
chuyện đó, em thông cảm cho anh. Anh cám ơn em đã lo lắng chu tất cho anh,
nhưng anh không thể, em ạ!” Vì anh là người có Tư Cách và Nhân Cách lớn, không
giống như nhiều người khác nên anh nhất định hy sinh một cơ hội rạng danh mình
cũng như tạo được một kỷ niệm lớn, để lại cho hậu thế những thông tin về một
người nhạc sĩ lớn, một trong những Bậc Thầy về Âm Nhạc của Việt Nam, người đã
được tặng bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc tại Pháp.
Với những kỷ niệm như thế, làm sao mà em không khóc được khi nghe tin anh
mất? Viết đến anh những giòng chữ này mà mắt em nhòa đi… Nhớ anh, nhớ người
Thầy vĩ đại quá chừng.. mà không thể diễn tả hết những tình cảm em dành cho
anh, nên càng viết càng luộm thuộm. Vậy, thôi, em xin gửi đến anh lời cầu
nguyện cho hương hồn anh sớm tiêu diêu miền cực lạc, nơi không còn bệnh tật,
không lo âu, không tù đầy, đau khổ, chỉ có hạnh phúc miên viễn. Còn lại chúng
em, “lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn
nhiều”… mênh mang.
Chu Tất Tiến
26 tháng 2 năm 2018.