(Một câu chuyện ở thời hiện đại nhưng không khác mấy so với câu chuyện
của Kim Lân cách đây hơn 70 năm…)
Chị đi mà như chạy, một tay xách túi ny lon quần áo, tay kia liên tục quệt
nước mắt. Cái dáng nhỏ thó của chị thỉnh thoảng lại rung lên bần bật, có lẽ vì
những nấc nghẹn trong cổ họng. Người ta gọi chị, chị vẫn cứ đi. Người ta chào
chị, chị không trả lời. Con đường ven sông An Hòa dẫn từ chợ Thông về nhà chị
hôm ấy sao mà dài thăm thẳm. Mẹ chị ngạc nhiên khi sáng sớm đã thấy chị gọi
cửa. Mới chiều hôm qua, chàng rể vừa xin phép mẹ vợ rước nàng về dinh và hứa sẽ
yêu thương con gái của mẹ suốt đời. Gọi là “rước nàng về dinh” cho sang, nhưng
bà biết gia cảnh chàng rể cũng chẳng khấm khá gì. Nhìn chiếc xe đạp lọc cọc nay
lại đèo thêm con gái bà đằng sau mà chàng rể đang cố công giữ chiếc xe khỏi
loạng choạng, bà tặc lưỡi thôi cuối cùng có người rước nó cũng may rồi. Thế mà
sáng nay mở cửa ra bà đã thấy chị như cái bóng lao thẳng vào giường, nằm vật
ra, khóc tấm tức: “Mạ ơi, răng đời con cứ khổ hoài ri?”. Với bà, câu hỏi đó của
chị không còn lạ nữa…
Chị lớn lên mà chưa từng một ngày đi đâu xa dòng sông An Hòa bên nhà chị quá 10
cây số. Từ nhỏ đến lớn, chị cứ quẩn quanh bên bến sông. Nhiều khi, chị ngồi
lặng im hằng giờ dưới gốc cây đa bến Đình hằng giờ chỉ để nhìn dòng người qua
lại. Chị rất ít bạn bè, trừ dăm ba đứa hàng xóm cũng nghèo như chị. Một lần chị
bị ba chị đánh một trận nhớ đời chỉ vì cái “tội” dám hóng hớt với mấy thằng con
nhà giàu trong xóm. Cả mấy chị em chị sau trận ấy hầu như “bế quan tỏa cảng”,
chỉ tự chơi với nhau trong nhà. Ba chị nhìn thấy thế cũng xót, nhưng ông lạnh
lùng phán một câu: Nhà mình nghèo, đừng trèo cao té đau nghe con! Dường như
những sự ghẻ lạnh vô lý của hàng xóm đã làm cho ông trở nên cực đoan… Rồi một
đêm mùa đông, ông lặng lẽ qua đời mà không kịp dặn dò con gái nên lấy chồng như
thế nào là phải.
Tuổi xuân của chị cứ thế trôi qua mà dường như không ai để ý. Tất nhiên, với
chị, làm sao tránh được chạnh lòng khi nhìn những đứa con gái trong xóm lần
lượt đi lấy chồng. Chị vẫn nhớ mối tình đầu của chị là năm chị vừa 30 tuổi. Hôm
ấy chị đang cong lưng giặt đống quần áo dưới bến sông, có một anh mặc đồ công
nhân, đi chiếc Honda 78 dừng lại muốn giúp chị một tay, thế là hôm sau chị công
bố với cả xóm đó là mối tình đầu của chị. Sau đó đúng 1 tuần, “mối tình đầu”
đến ở hẳn trong nhà chị. Chị chẳng thấy anh ấy đi làm, nhưng mỗi buổi sáng, anh
ấy luôn đều đặn lấy khăn lau chiếc Honda 78 dựng trong góc nhà cho sáng bóng.
Một hôm, mẹ chị có việc đi vắng. Đêm khuya rủ rỉ chuyện ngắn chuyện dài, rồi
anh nói: “Em đưa anh mượn ba chục triệu mở tiệm sửa xe”. “Em đi làm thuê, tiền
mô nhiều rứa cho anh?”. “Trời, nghe nói có bà con trong Nam giàu lắm mà không
cho em được vài ba chục triệu để lấy chồng à?”. Chị thở dài không trả lời rồi
ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, chị trở dậy thì không thấy “mối tình đầu” của chị
đâu nữa. Nồi khoai lang chị luộc trên bếp củi từ hôm qua để dành ăn sáng cũng
sạch bách.
Cũng không ai nhớ bao nhiêu người đã đến với chị và đã đi, rất nhanh chóng
như mối tình đầu ấy. Dường như những người đàn ông đó không tìm thấy ở chị điều
mà họ cần, sau vài ngày tìm hiểu và phát hiện ra… Riết rồi trong vô thức, chị
xem việc ra bến Đình hằng giờ chỉ để nhìn dòng người qua lại như là một thú
vui. Và lại một ngày, khi chị đã hơn 40 tuổi, có một anh thợ hồ dựng xe đạp
ngồi nói chuyện với chị. Anh nói anh muốn lấy chị. Nhà chị nghèo không sao, vì
nhà anh cũng nghèo. Anh nói tiền phụ hồ của anh một ngày một trăm rưỡi ngàn sẽ
đưa hết cho chị giữ. Anh nói chị cố gắng tằn tiện, để dành tiền cho những đứa
con. Anh toàn nói chuyện tương lai. Dù tương lai này chị nghe anh ấy vẽ ra ngay
lần đầu gặp mặt. Nhưng, chị xiêu lòng…
Chiếc xe rước dâu chính là chiếc xe đạp ấy của anh. Chẳng lễ lượt, phụ dâu
phụ rể gì cả. Hôm ấy chị chọn cho mình bộ đồ đẹp nhất, cùng với hành trang là
vài bộ quần áo xách theo trong túi ny lon. Ngồi sau yên xe, quàng tay ôm khẽ
vòng eo của “chồng”, chị thầm đỏ mặt với mấy đứa trẻ ranh nháy mắt ra điều trêu
chọc chị. Nhà anh ở chợ Thông, không xa nhà chị là mấy. Mẹ anh nhìn chị từ đầu
đến chân, dẫn chị đến chiếc giường tre chỏng chơ trong góc: “Nhà ni có 2 cái
giường của 2 mạ con nhưng chỉ có một chiếc chiếu. Lâu ni chồng mi nhường chiếu
cho mạ, chừ mi ra ngoài tạp hóa mua chiếc chiếu về trải mà nằm”. Chị nghe xong
mà muốn xỉu!
Đêm hôm ấy, chị nằm co ro trong góc giường. Anh chồng vừa xớ rớ xích lại gần
liền bị chị đạp một phát muốn lăn xuống đất, chiếc giường kêu răng rắc. Giọng
bà mẹ chồng ở giường bên cạnh nheo nhéo: “Bây ồn quá, để yên tau ngủ”…
Mới 5 giờ sáng, chị gom vội mấy bộ quần áo, khẽ lách người qua chái bếp, chị
bước ra ngoài giữa trời đông lạnh như cắt. Nhưng chị không hề thấy lạnh.
Chị vừa đi vừa chạy như sợ rằng nếu quá trễ, có thể một ngày chị sẽ chết mòn
bên chiếc giường tre ọp ẹp kia…
Anh Thi