22 March 2018

Ý NGHĨ BÌNH DÂN - Hồ Đình Nghiêm



Ở biển ngoài, muốn in ra cuốn sách phải chạm mặt bao điều nan giải. Quỵ luỵ, chìu lòn, cực lòng nhờ cậy, dẹp bỏ tự ái, một mực xuống nước. Sách trình làng, tâm huyết bày ra, ruột để ngoài da, ghẻ lạnh. Hòn sỏi ném đi, hờ hững nước trôi chẳng gợn tăm. Thi phú ích gì cho buổi ấy, tiền nhân dạy. Chuyện ngày xưa, chữ chưa phai “văn chương hạ giới rẻ như bèo!” Nói bỏ lỗi ai cầm thước đo hầu quy định và sắp hạng? Mặt trái một tác phẩm có khi giá đắc phỏng tay. Hoặc nôm na khi chào đời nó chịu qua nhiều gió bão, trầy vi tróc vẩy lội lọt khe, đánh đổi bao tổn thất gần ngang tin chiến sự: từ chết tới bị thương đếm không xuể.
Có điều gì gần như khó thông hiểu, mụ mị thần hồn, gạt bỏ hết, tom góp in thành cọc giấy dày mấy trăm trang, cuối cùng bày ra lợn cợn một dấu hỏi, xiết ngậm ngùi: Có đáng chăng khi vất nó ra đời? Mong cầu điều gì? Cho có với anh em? Cho khỏi thẹn với bè bạn? Ai sao ta vậy cho xôm tụ bầu cua tôm nai cá gà? Có thêm lắm câu trả lời vẫn chưa lấp đầy, vẫn thấy thiếu. Thiếu, có nhiều người sinh ra đã phát hiện thiệt thòi, phân bua do hoàn cảnh. Có người đầy đủ nhưng nhìn quanh mình có lắm số phận đớn hèn. Một đứa chính trực sẽ chẳng an toàn khi sống trong xã hội toàn cả bọn bất lương. Những con két biết giả giọng người sẽ căm ghét “con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”. Định nghĩa về một loài hoa đẹp, không gì đơn sơ giản dị cho bằng, vì hoa nở lẻ loi, khác thường giữa một rừng bông thuần chủng loại. Chẳng ai ngó lơ được cây mắc cỡ (hổ ngươi) mọc chen giữa luống vạn thọ mãi chăm bón. Vẻ đẹp bất thường của nó khiến đứa thưởng hoa nhàm mắt phải sững sốt. Hậu quả là buộc phải bứng nhổ cái dằm nằm trong con ngươi.

Hải ngoại có lắm đầu sách thuộc dạng vô thưởng vô phạt, có cũng vậy mà không có vẫn thế. Kiểu “ôi ta buồn ta đi loanh quanh bởi vì đâu?” hoặc “trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu!” Vì đâu xẩy ra cớ sự này? Giả nhời: Một vài trống canh thôi mà. Năm canh chày thức đủ vừa năm. Và khôi hài: Em ơi, ngày mai trời lại tối! Nhà văn Mai Thảo từng có thơ: “Nơi một ngàn chương thiếu một tờ”. Chữ thiếu-một-tờ cô đọng trong câu ấy là một cánh cửa mở để tuỳ tâm cảm từng cá nhân tìm cách đóng khép ngó sao cho vẹn toàn. E bất khả?
Trong muôn một, cuốn “Chính Trị Bình Dân” của Phạm Đoan Trang tựa một cánh tay (nối dài) với ra để đóng lấy, để lấp đầy, để góp gạo nấu ăn chung, để chất củi thổi lửa, để làm kiềng ba chân, cho dù có cay mắt vì khói vẫn mong tựu thành một sự chín tới, buộc phải thế. (Không có lửa làm sao có khói?) Tựa đề nhằm lưu ý nó không thuần là món ăn tinh thần dễ nuốt. Nó khó nhai bởi hơn một lần nó sống sót trong cuộc chiến có xiết bao kẻ “từ chết đến bị thương” từ vùng chôn nhau cắt rốn của bá tánh giao chỉ.
Con gái đàn bà phụ nữ khắp ba miền nước Việt có rất nhiều người mang tên Đoan Trang từ sống tới bị thương cho đến chết thảy trùng lẩn. Thành ra Đoan Trang có thể gọi là một mỹ từ bình dân. Nhưng ở vào thời điểm này, khởi đầu mùa xuân năm con chó, danh xưng Phạm Đoan Trang đã “vượt lên trên số phận” của bình dân. Vượt lên những định nghĩa thông tục về vẻ đẹp can trường, biệt lệ. Thử đọc lời của nhà thơ Đỗ Trung Quân trên facebook: “Mấy năm trước an ninh chỉ canh giữ cửa nhà và bám theo một thời gian dài, chỉ khủng bố tinh thần tôi ở cấp mẫu giáo mà có lúc tôi đã rơi vào stress nặng cáu gắt lung tung với chung quanh. Việc vờn bắt, thả Phạm Đoan Trang hôm nay ở cấp đại học. Không phải chuyện đùa. Mong cô bình tâm và an lành…”
Đoan Trang có bình tâm và an lành không? Tôi chẳng nghĩ vậy, bởi lời Đỗ Trung Quân chúc hơi bị trái khoáy, ở cấp mẫu giáo mà anh còn bị stress trong khi người ta đang chịu thử thách tới cấp đại học, tìm đâu ra bình tâm và an lành? Chưa nói tới người ta là phận đàn bà con gái trong khi anh đường đường là đấng mày râu. Thân thể anh nguyên vẹn trong khi cô ấy từng bị an ninh “tả xung hữu đột” cho đến nỗi bị thương tật ở đôi chân. Cách so sánh của anh hầu như chỉ để làm rõ thêm sự đớn đau mà Đoan Trang đang phải chịu đương cự và đồng thời nhằm xác định về sự tán dương mà anh thua cô ấy ngay tự cơ bản, cách biệt giữa trường đời: Mẫu giáo- Đại học. Và cá nhân tôi, vì ở xa nửa vòng quả đất, tôi thua kém anh ở mặt “thất học”, chưa mài đít ở trường mầm non, mẫu giáo. Như thế, nói tới Đoan Trang, tôi phải ngước mắt nhìn lên, tự nhủ rằng không phải ai cũng được bình dân như cô ấy. Bình dân từ khuôn mặt, bình dân từ số phận. Bình dân đến độ toả sáng, như ngọn hải đăng lẻ loi cắm giữa tảng đá chịu nhiều vùi dập của sóng biển. Một vẻ đẹp quá ư cần thiết giữa đêm đen kẻ hải hành lỡ mất định hướng.
Tôi chưa đọc cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” đang gây tiếng vang do nhà báo Phạm Đoan Trang viết nên. Tôi chỉ mới đọc bài “Chúng sẽ đến trong năm phút nữa” và bài “Họ còn muốn gì nữa?”, chừng đó đã đủ “say sóng”, đã nghiệm thấy trước mắt, chờn vờn mấy chữ vô vàn mến yêu. Đã muốn viết nên một cuốn tiểu thuyết kể chuyện một cô gái xuống tàu thực dân Pháp làm nghề rửa chén, phiêu bạt sang xứ người nếm trải muôn vàn khốn khó hòng mong kíu lấy số phận ám tối của một bộ phận không nhỏ mãi chịu cảnh bị đè đầu cỡi cổ triền miên ở cố hương. Bình dân tới độ muốn sưởi ấm giấc ngủ cơ hàn, nhân vật giả tưởng ấy sẽ đi ăn cắp hai cục gạch, gọi tên là Trường Sa và Hoàng Sa, mang gửi vào lò nướng bánh mì của một tay luôn cổ xuý chuyện đấu tranh giai cấp. Trời ơi, nó đỏ hồng như thế thì biết dùng vật gì để chứa đựng, mang về chêm dưới giường một đêm Paris trời đổ tuyết hờn căm? (Đọc sang hồi sau sẽ rõ). Nếu cuốn fiction ấy có ai chịu xuất bản giúp, trang đầu tôi sẽ trang trọng dành tặng Đoan Trang. Lại mở một cái ngoặc đơn: Theo lẽ tường thì đứa viết văn tự xưng mình ở cấp “đại học” trong khi đứa viết báo lại nằm dưới lớp “mẫu giáo”. Nhưng xin đóng lại ngoặc đơn: Cách nhập cuộc của nhà báo Đoan Trang buộc lắm nhà văn phải đưa tay ra sau ót tự rờ rẫm nếu không tiện soi mặt vào gương.
Tôi cũng ngạc nhiên để ngưỡng mộ về ngón đàn guitar có vẻ dày công học tập của Đoan Trang, những bản nhạc cô trình bày cũng hợp với đôi tai “bình dân” của đứa tự nhận là vịt nghe sấm, ví dụ như các sáng tác của ban nhạc Bread mà năm 1972-73 từng làm mềm lòng tôi qua giọng ca ngọt ngào đầy cảm xúc của David Gates: Everything I Own, Lost Without Your Love, To Make It With You, The Guitar Man… Và Đoan Trang đã hát bài If, là bài sau bao đổi đời tôi vẫn còn nhớ một tiểu đoạn:

If a man could be two places at one time
I’d be with you
Tomorrow and today
Beside you all the way.

Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 (năm tôi chuẩn bị vượt biển), cựu học sinh trường Amsterdam, đại học ngoại thương ở Hà Nội. Ra trường lại chọn nghề phóng viên đầu quân vào báo điện tử VnExpress. Lại nhảy sang làm cộng tác viên cho Vietnamnet. Công việc cuối là phóng viên báo Pháp luật TP. HCM tại Hà Nội. Là người tuyên bố câu đáng ghi vào sử sách: “Tôi chấp nhận bị đàn áp, vì tôi chống họ. Nhưng phải kính sợ, nể phục một “cái gọi là nhà nước” hèn như thế thì không. Không bao giờ”.
Nếu tôi biết hát bài “If” như David Gates, tôi sẽ đổi lời: Nếu tôi có thể về quê cũ, tôi sẽ đi thăm Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Phạm Đoan Trang, những bậc quần hồng khiến thế giới phải biết đến thành tích đấu tranh ôn hoà bất bạo động của họ. Thầm lặng tô son vào hình ảnh nữ lưu xứ Việt, chẳng rụt rè trét phấn vào thời cuộc chừng như đang âm thịnh dương suy. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Sách gối đầu của các nhà làm cách mạng (lạc hậu) đã được con cháu của Hai Bà Trưng viết lại chương mới, hào hùng và đầy oan nghiệt. Tôi không chúc Phạm Đoan Trang bình an và may mắn, tôi cũng chẳng mong mỏi cô chân cứng đá mềm. Bởi cô xứng đáng đứng ở vị thế cao mà những lời chúc khuôn sáo kia sẽ mang đủ cái giới hạn của sự tầm thường, và đời thường. Cô xứng đáng mang hình ảnh của kẻ tử vì đạo, đánh đổi bao thiệt thòi để thắp đỏ ngọn lửa mong manh có tên gọi “Chính Trị Bình Dân”. Cho tôi kết thúc bài viết bình dân này bằng một dấu chấm: Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 8 tháng 3, ngày Phụ Nữ Quốc Tế.

Hồ Đình Nghiêm