28 April 2018

BÀI QUỐC CA CUỐI CÙNG - Cao Hoàng


Hai đứa chúng tôi cùng chặt một cây lớn. Tôi có một cái búa đẽo còn Lâm con có con dao rựa. Chặt chung một cây thì có kết quả nhanh hơn là mỗi đứa ôm một cây. Vì con rựa thì chỉ chặt được cây nhỏ, cây lớn mà dùng rựa khó lắm, nên hai đứa thay phiên nhau cái búa đẽo cho đến khi cây ngả xuống. Tôi cao hơn chặt phía trên bên này, Lâm con thấp chặt phía dưới bên kia. Luật ở đây khi cây sắp đổ phải la cho to. Nẫy giờ mải nói chuyện: hết chuyện đi học đến chuyện đi lính, đi tù, không thèm la cho lớn, cây bự đổ xuống chút nữa là chết trọn thủ trưởng lẫn chính tri viên, đang âm thầm đi kiểm soát. Thủ trưởng Nguyễn văn Thôi - người Bắc, cái tên này thường được đặt cho cậu út của một gia đình đông con - vừa nhặt lại đôi dép râu văng đi khá xa vừa nói:

  - Nếu hôm nay chúng tôi không nhảy kịp thì các anh rầy rà to đấy.
  Trong khu rừng hoang vu này mắt Lâm con đỏ ngầu vì mệt mỏi chứ không phải vì thù hận, hai tay nó mân mê con rựa bén ngọt. Chính trị viên vội kéo thủ trưởng đi, miệng còn nói với:
   - Cẩn thận nhé! vợ con ở nhà mới có nhờ chứ!
 Câu nói đùa thôi, nhưng thoáng nghe như một lời đe dọa.

   Bấy giờ là mùa xuân, nhưng ở đây không có mưa, cây khô, lá úa. Gió tháng ba không đủ lung lay những bãi cỏ tranh mênh mông ngút ngàn mà lúc nào cũng chỉ muốn phựt lửa. Lệnh ban ra cứ năm anh thì làm một cái nhà vuông vức, cạnh bốn mét để ở. Làm những túp lều ấy thì chúng tôi đã quá quen. Cây rừng ngay đó, tha hồ mà làm kèo cột, đòn tay; mây tre cần thì đi xa thêm một tý; tranh lợp mái nhà ư? cắt mỏi tay không hết. Có điều khá ngạc nhiên là tại sao không làm nhà lớn để ở tập thể như từ trước đến giờ. Có khi ở mấy trại cũ, hai cái nhà lớn cạnh nhau, mỗi cái chứa cả trăm người, mà người ta vẫn ra lệnh phá cái vách chung cho đúng tinh thần của xã hội mới: giúp đỡ nhau triệt để!
   Dù cho đó chỉ là sự bốc đồng thoải mái lâu lâu mới có, những cái lều đã mau chóng thành hình cùng lúc với nhà của ban chỉ huy  trại và các nhà kho lớn hơn. Căn “hộ” xinh xắn của chúng tôi ở dưới một tàn cây cao và gần bên một giòng suối; lẽ dĩ nhiên bây giờ không có một giọt nước. Tôi nhận ra cái suối vì những hòn đá tròn xếp hàng dài ở chỗ trũng và cũng vì bên bờ suối cây cỏ bớt khô hơn. Có thể một vài tháng trước giòng suối còn nước chảy róc rách.
   Một buổi chiều có gió, những bông hoa màu tím lạt theo gió bay đi; tôi chợt nhận ra cái cây cao lớn đó lại là một cây có hoa rất đẹp. Ôi thật là thơ mộng trong chốn lưu đày. Tôi vội nhẩm trong đầu một bức thư cho người yêu: “Em ạ, sau nhà có một giòng suối nước chảy róc rách và một cây cao trổ hoa tím, mỗi khi gió thổi, hoa từng chiếc rơi rơi .. ..Năm nay hoa rụng , sang năm hoa lại rụng, không biết anh có về bên em?” Những lá thư lãng mạn tiểu tư sản kiểu đó chẳng bao giờ đến tay nàng. Mà rủi nàng có nhận được thì còn có thể rung động được không? hay nàng cũng đã cọc cằn chai đá như anh lính một chân về từ chiến trường?

   Một buổi chiều Lâm lớn ì ạch vác ở đâu về một cái thùng xăng của xe nhà binh đã rỉ sét. Nó bảo:
   - Gần đây thôi là một bãi chiến trường, tao thấy có nhiều giao thông hào mà cỏ với đất lấp gần kín. Mẹ, “chúc” nữa là té giập mặt vô cái thùng xăng này. Dựt được nó lên còn dính nguyên cái tay áo màu xanh, lỏng rơi vài khúc xương, hổng biết của lính mình hay lính nó.
   Thế rồi Lâm lớn vác con dao bự với một khúc cây, cắt thùng xăng một lỗ hổng lớn hình chữ nhật. Ban ngày trời nóng như thiêu đốt, nhưng tối đến lạnh cũng ra gì! Áo quần thì cứ mỗi năm mỗi rách tả tơi, chứ nói chi tới mền gối,. Lâm lớn bỏ củi vào trong thùng xăng đó, thế là chúng tôi có lửa. Củi rừng thiếu gì, quơ chỗ nào cũng có; lò lớn than nhiều, nóng hừng hực, đã quá! Có ở trong hoàn cảnh này mới thấy giá trị của lửa, mới thấu được nỗi vui mừng của người thượng cổ khi tìm ra lửa mà sinh hoạt của chúng tôi bây giờ chắc cũng không khác họ bao nhiêu. Có lửa là có nước trà ngay, có trà thì phải có thuốc; tất nhiên chỉ là trà cành nhãn lồng với thuốc rê.
  Đêm đêm, sau khi họp tổ xong, chúng tôi trở về căn chòi lá, đốt lửa trong cái thùng xăng cũ và trò chuyện đến khuya bên ly trà thơm ngát hương rừng, bên khói thuốc cay cay từ hai cái điếu tre thay phiên nhau nhả khói mịt mù mà chúng tôi gọi là “Đà Lạt khói sương”. Tôi nghe được rất nhiều chuyện kể thật thà trong căn lều ấy: truyện người anh hùng tù binh bất tử, nghĩa là là bị đem xử tử hoài không chết! Truyện người yêu thương người, truyện người chém giết nhau, cả những chuyện tình ướt nhẹp của mấy cô em đi thăm cải tạo trên đường rầy xe lửa. Đêm càng khuya, chuyện càng nồng và lửa càng bập bùng dữ dội. Có khi chúng tôi hò hát với cây đàn tự chế vẫn mang theo, để cho: “hồn ai đấy đã trót yêu giống Lạc Hồng, đem thân hiến cho rừng hoang, hãy về cùng chúng tôi đêm nay, sống tiếp, say sưa bên khúc nhạc rừng.” Ôi căn lều yêu dấu ấy làm cho tình người thêm bao la, làm cho tình bạn thêm bền chặt, mà tôi tưởng dù có mưa to gió lớn cũng không thể nào lay đổ được...
   Giờ này cũng đã bốn giờ chiều rồi, nắng đổ nghiêng, cái nắng cháy da cháy thịt mà không núp vào đâu được nữa; tôi ngừng chặt cây lột mũ  nói với Lâm con:
   - Nếu hồi nãy, cây đè chết hai thằng cớm đó thì tao với mày sẽ ra sao?
  - Thì nó lôi mình ra bắn, như bắn Ngô Nghĩa chứ sao.
   - Ông đếch có chịu đâu, mình mượn hai bộ đồ của tuị nó rồi đi luôn.
   - Mày với tao trốn thì ba thằng ở nhà mập đòn. Chắc phải về rủ nó đi luôn.
  Bỗng tôi thoáng thấy một con chim đen bự, bóng loáng bay qua cái vù, ngó theo thấy nó đậu vào một cây khô rất gần chỗ chúng tôi đứng. Từ trong bọng cây đó lại có một con chim nữa bay vụt ra. Lâm con cũng trông thấy, nó la lên:
  - Con nhồng làm ổ! con nhồng làm ổ!
   Thế là hai đứa tôi vất búa liệng dao, cưỡi trên mình cây đổ mà coi ; nhưng đợi hoài chỉ thấy êm ru. Lâm con nói:
  - Để tao lên coi.
   - Coi chừng đó, cây mục mày rớt xuống là vợ con hết có nhờ.
  - Đừng có lo, nó không nhờ tao thì nhờ thằng thủ trưởng cũng được mà.
  Nói vậy chứ tôi biết Lâm con leo trèo giỏi, Mỗi lần nấu canh chua là nó tình nguyện đi hái lá xay, lá bứa liền. Có khi nó chặt cả cành vác về, vậy tôi mới biết rõ mặt “cái đồ ngang cành bứa.” Canh chua rau muống bột ngọt lá bứa vẫn cứ tuyệt như thường, đó là nhờ tài nấu của Lâm lớn.

   Lâm con mới leo chưa được nửa cây mà hai tên nhồng đã la như nhà nó cháy không bằng, cánh to mỏ bự chớp qua nháng lại làm Lâm con sợ quá tụt xuống. Nó kiếm cái mũ đội lên đầu cho chắc ăn rồi lại leo tiếp. Kỳ này nó leo tới nơi tới chốn, mặc cho mấy con nhồng la hoảng, nó kiếm thế đứng khá chắc, rồi thọc tay vô bọng cây. Mới có nửa phút, nó lôi ra một quả trứng:
   - Có mình ên một trái hà!
   - Bỏ lại cho tụi nó ấp đi, mai mốt mình trở lại hốt thằng nhỏ, khỏe re?
   Thay vì bỏ quả trứng vô bọng, nó bỏ vô túi áo trên rối cẩn thận leo xuống.
  - Sao vậy?
   - Ngày mai hả ? Cả đống tụi nó ra đây. Hai con nhồng thấy người ta thì la làng, ai mà không biết cái ổ của nó.
   Ngưng một lát, nó thò tay vô túi móc ra:
   - Cho mày đó, bộ mày không biết ấp sao?
   Tôi chưng hửng; té ra cái thằng Lâm con này thiệt là khôn. Tôi mân mê quả trứng nhồng; tưởng gì! nhỏ xíu, màu xanh da trời lốm đốm nâu mà dài thoòng, coi bộ còn nhỏ hơn trứng cút.
   Chưa gì hết tôi đã lo đan lồng. Việc ấp trứng đã có “chị”Lâm lớn lo rồi, nếu gặp ca lao động nặng thì tôi sẽ gánh cho nó. Tên nó là Lâm nên nó có đi học trường Nông Lâm Súc là phải rồi. Cầm quả trứng trong tay có lót mấy lớp lá khô, nó lo lắng:
   - Thằng Tuấn lò rèn ngày mai mày lén khẩn cấp gò cho tao cái thùng tôn vuông vức mỗi bề hai gang,trên có nắp, đục lỗ thông hơi năm mặt trừ mặt dưới.
   Nó bảo tôi:
 - Mày đi lấy rơm rác hay cỏ tranh khô cuốn cho tao một cái ổ chim ngon lành coi.

   - Lâm con mày qua tổ một biểu thằng Giáp cho tao mượn cái kẹp thủy được không?
   Thằng này rất bực mình khi ai gọi nó trước mặt là Lâm con, nó vặn lại:
   - Chứ mày làm cái giống gì?
   - Tao lo cái đèn dầu, lẹ lên, đừng có kiếm chuyện, lạnh thêm chút nữa là thúi mẹ nó con nhồng.
   Mãi rồi cái trứng nhồng cũng phải nhúc nhích. Y như gà con, nó đục một lỗ nhỏ xíu, lúc lắc đã đời ở trong đó tới chiều mới chịu chui ra. Trần trụi run rẩy, chừng vài tiếng thì nó há mỏ ra đòi ăn. Sơn trân hải vị gì khó chứ cào cào châu chấu thì thiếu giống gì. Hôm nào đi làm về tụi nó cũng móc ra cả đống. Tôi đan thêm cái rọ nhỏ, bỏ lũ này vào cho nhồng con ăn dần, cẩn thận ngắt cái đầu cứng ngắc và cặp giò gai góc. Chỉ tuần lễ là lông đã mọc kha khá, che bớt cái bầu diều mỏng dính như tờ giấy bóng.
   
Không thiếu gì các sư phụ đi ngang qua chỉ tôi cách nuôi nhồng, tập nói như thế nào. Tôi biết người mình ai cũng là những ông thầy, cứ ừ hử mà nghe:

   - Nhồng càng lớn thì phải cho mồi càng nhỏ. Có lẽ đúng, vì họ đã quan sát nhồng bố, nhồng mẹ thay phiên tha mồi từ lúc con còn bé đến lớn.
   - Chớ có cho ăn thịt nạc, mà phải cho ăn con gì còn nguyên bộ đồ lòng như cào cào hay thạch sùng thì mới tiêu hóa được.
   - Vậy cũng nói – tôi cự - Mẹ, mỗi năm ngày thằng chả chết mới có một hai cục nhỏ xíu, giờ lấy gì cho nó ăn mà lo.
   - Chừng một tháng đem ra bãi rộng tập, vừa tập vừa cho ăn lúc nó đói.
   Chẳng bao lâu con nhồng của tôi đã đủ lông đủ cánh bộ dạng lanh lẹ như một cậu trai choai choai. Lúc này không có một thằng sư phụ nào qua đây nữa để tôi hỏi xem con nhồng này là trai hay gái. Cuối cùng tôi khoái giống cái hơn nên đặt tên nó là Mỹ Huyền cho đúng với bộ lông đen óng ả, cái mỏ đỏ như trái điều, cái tai vàng thòng xuống như đeo vàng ròng.

   Thiếu gì cha mẹ đặt tên gái cho thằng nhỏ có con cu rõ ràng là Châu là Dung là Bích là Huyền; có đứa nào dám cãi không à! Tôi đây đặt tên gái cho con nhồng của tôi cũng đâu có biết trúng hay trật. Mà cứ nghĩ lại đi, mấy ông nội tên con gái ấy lại thường có danh đấy. Cứ đặt tên đứa con gái của mình là Nguyễn Bội Châu hay Lê Bội Châu đi, tôi bảo đảm vô học lần đầu ở lớp nào cũng bị gọi là anh Châu đấy. Tôi cũng mong Mỹ Huyền của tôi sau này sẽ khá, ít ra là hơn tôi bây giờ.
   Nhưng một biến chuyển xảy ra. Thủ trưởng mới tới không khoái mấy cái lều con, không khoái nấu ăn lẻ tẻ, đốt lửa tưng bừng. Chúng tôi bắt đầu vào rừng kiếm cây thẳng, đòn dài, mây tre lá cọ để chuẩn bị làm nhà lớn ở chung cho mau tiến bộ. Có điều,dù là lều hay nhà thật lớn thì những vật liệu cũng giống hệt nhau là cây rừng, mây, tre, lá. Thật là giản dị không cần một cái đinh nào cả: thời đại đồ kim loại đã đi qua không chút nuối tiếc. Chỉ có tôi than thầm sao những ngày hạnh phúc ở trong cái lều nhỏ đã qua mau, và đó cũng lá khoảng thời gian duy nhất mà tôi thấy câu “nhất nhật tại tù ...” trật lất.
  Trại mới cao ráo hẳn, có bốn cái nhà dài dựng song song với nhau dành cho bốn tổ của đội một. Đội hai và ba nằm kế tiếp đội một nhưng cách một khoảng xa chừng trăm thước. Tôi ở tổ bốn đội một, thành ra ở sát ngay bìa rừng, cũng dễ chịu khi buổi chiều đi lao động về là chơi với con nhồng, giờ đã khôn lanh nói năng đủ điều.Trại này tương đối dễ: ai muốn nuôi con gà con qué thì cứ việc nuôi ,trồng cây ớt cây cà cũng được. Khi tôi đi, nhồng bay lên cây trong khu rừng gần đó, khi tôi về nó bay xuống. Thương ai nó đậu trên vai rủ rỉ rù rì, Ghét ai nó móc đũa muỗng bàn chải răng của người ta tha đi khắp chỗ, tìm lại muốn khùng. Người lạ không dễ gì bắt nó nên tôi cũng đỡ lo.

   Hồi nhỏ, trước nhà tôi có một ông nuôi con két. Bà bán đặu hũ có lần than thở “không biết có cái cậu nào cứ chọc ghẹo tôi hoài,”còn nhà kế bên thì tức lắm. Nhà này chứa bạc quanh năm suốt tháng mà con két cứ lâu lâu la thật to và thật nhanh bằng cái giọng xứ dân gầy:
   - Bớ.. ..cảnh soác, cảnh soác!
 
  Nhồng vốn thông minh hơn két xanh nhiều lần, ở đây lại đông vui nên nó tha hồ trổ tài, có khi nó văng tục bừa bãi theo các thầy của nó. Con két hồi nhỏ không thấm thía gì với cô Mỹ Huyền này cả; nhưng tôi có nghe nói két trắng thông minh lắm , có khi hát cả bài bằng tiếng người.

   Mới sáng, kẻng chưa gõ, cô đã bay tà tà vào lán:
   - Dậy, dậy đi lao động
   - Đạt chỉ tiêu, đạt chỉ tiêu..
   
Chiều còn nắng, còn được nghỉ ngơi, cô đã mời đi họp đội. đau nhất là thỉnh thoảng cô nhắc nhở “lao động tốt, học tập tốt thì về” ôi thật là “Con oanh học nói trên cành mỉa mai.”Có đứa bực mình với đại cái gì đó ném vào cô, cô tránh né rất tài, bay vụt ra cây cao; cành nhỏ lá non hơi trĩu xuống một tí rồi bật lên rung rinh như làn sóng. Cô dang đôi tay mềm mại của một vũ công nhà nghề lấy thăng bằng, cái áo đen đẹp tuyệt trần nổi bật trên màu xanh lá non, mỏ đỏ au hé mở và tiếp tục ca bài mỉa mai đó.

   
Hôm ấy chúa nhật được nghỉ, Lâm lớn dẫn ở đâu về một tên bạn, giới thiệu trịnh trọng với tôi:

   - Sư tổ của những nhà nuôi chim.
  
Vưu, tên anh ta, dáng người mảnh mai, da trắng xanh, con mắt sâu thăm thẳm. Tôi đã gặp cả chục sư phụ dạy nuôi chim, nay lại được gặp sư tổ, đem lòng ngưỡng mộ nên mời ngồi trên cái sạp gỗ thùng đạn. Lâm đã có ngay điếu thuốc lào và đang kiếm nước trà mời khách. Chưa biết tài dạy chim như thế nào, nhưng chỉ mười phút sau tôi đã lạc vào cái kiến thức bao la của một nhà sinh vật học. Đầu tiên anh nói về con quạ, con vật xấu xí và dơ bẩn như đa số chúng ta nghĩ. Quạ có trí thông minh vượt bực và khả năng đoàn kết chống lại kẻ thù chung có khi là người. Hãy thử làm chết hay bị thương một con quạ đi, cả bầy chúng nó có khi hàng mấy trăm con bay lượn trên nhà bạn kêu la chửi rủa hàng tháng trời. Anh tiếp: hồi đi du học bên Mỹ, chính anh trông thấy ngay ngã tư, một con quạ bỏ một hột cứng trên chỗ vạch sơn dành cho bộ hành qua lại lúc đèn đỏ bật lên. Khi đèn xanh, xe chạy qua cán bể hột, con quạ lại đợi đến lúc đèn đỏ bay xuống lượm cái nhân mềm bên trong và cứ tiếp tục như thế. Tôi góp chuyện với anh là khi tôi còn bé chừng mười hai tuổi, tôi leo lên mái hiên nhà bắt tổ chim. Vừa đặt tổ chim có hai anh sẻ mỏ vàng ngơ ngác xuống sân gạch, còn đang say mê ngắm nghía cái chiến lợi phẩm to lớn này, tôi bị hàng chục con sẻ tấn công; tôi hết hồn chống đỡ túi bụi. Khi nhớ ra cái tổ chim thì hỡi ơi lũ chim sẻ khác đã kẹp nách nhấc bổng hai chim con bay mất, chỉ còn lại tổ không. Anh gật gù cho điều đó hoàn toàn đúng sự thật; vì trong đám sẻ đó có một anh sẻ Khổng Minh hay Tôn Tẫn gì đó bày kế dương đông kích tây. Anh kể tiếp anh đã được xem một cuốn phim tài liệu về một loài chim nghệ thuật. Đó là những nghệ nhân của loài chim: con trống xây dựng một vườn hoa, trang trí với cổng chào, mái nhà trước khi mời con mái đến tỏ tình. Anh nhấn mạnh rằng kiểu trang trí này thay đổi liên tục tùy theo vật liệu nó kiếm được; bằng hoa cỏ núi rừng nếu chúng ở gần thiên nhiên; bằng những đố vật của người , nếu chúng đủ sức tha được, có khi ở gần trại lính nó tha cả vỏ đạn về trang trí.

   Sự phối hợp đẹp mắt và tài tình đền nỗi anh nghĩ anh không làm nổi. Vưu còn nói đến và diễn tả ra những điệu múa, những nghi lễ mà hai con chim thực hiện trước khi giao tình. Anh hỏi bâng quơ: không biết Kinh Lễ của Khổng Tử có viết về những nghi thức này cho người không hả ?  Tôi vẫn lắng nghe nhưng đưa mắt tìm con nhồng mà nãy giờ anh chưa đá động. Như hiểu ý anh bảo:
  - Con nhồng này không phải là con nhồng nữa đâu. Nó có gì gọi là chim ngoài cái hình hài.Từ nhỏ đã sống với người, chắc chắn sẽ tinh ma quỷ quái như nguời. Đùng có sợ những con nhồng khác gọi đàn đi theo tụi nó.
   Và anh lại nói tiếp về hiện tượng chim gọi đàn một cách rất khoa học mà trước đây tôi chỉ được đọc một cách khác nơi những nhà văn. Bỗng anh cao giọng hơn:
   - Chim hàng triệu năm trước là loài bò sát tiến hóa thành, anh cười cười, để yên tôi biến nó thành người - một người có tư cách.
 
  Vưu đứng dậy bước ra sân, miệng huýt gió một điệu lạ lùng, bàn tay giơ lên mời gọi. Con nhồng của tôi lật đật bay xuống đậu lên ngón tay của hắn. Ở trong tổ này có ai mà gọi được nó xuống. Cho dù là nó rất đói, cầm con cào cào trên tay dễ gì mà gọi được nó xuống, ngoại trừ là tôi hay Lâm lớn. Nhưng Vưu như có ma thuật: nó bảo đậu lên vai là đậu lên vai, bảo bay một vòng là bay một vòng; đã thế em Huyền lại còn áp đầu vào tai nó mà rù rì mới bực mình làm sao chứ! Tới đây Vưu rút trong bụng một cây sáo đen thui, nhe răng cuời nói hai tiếng thiệt gọn:

   - Tặng anh.
   
Tôi mân mê cây sáo gỗ mà thấy giựt mình. Thằng này chuẩn bị kỹ quá: quen tôi qua thằng bạn thân nhất; chuẩn bị một kiến thức về chim nói cả tiếng đồng hồ chưa dứt. Biết tôi là tay chơi sáo, nó mang tặng tôi một tuyệt phẩm bằng gỗ mun. Chắc là nó muốn rước em Huyền về dinh nó nghỉ ngơi.

   - Cái sáo này anh làm đó hả?
   - Làm khỉ gì được, anh coi kỹ đi, coi tụi mình ở đây làm nổi không? hắn lật đật cải chính.
   
Tôi nhìn kỹ hơn: khẩu độ này chắc là sáo giọng La. Các lỗ đục rất sắc cạnh, có lỗ lớn lỗ nhỏ, đó là cách để chỉnh một thang âm hoàn hảo; khoảng cách của các lỗ vừa phải dễ xử dụng. Sáo được nối làm ba khúc, đường ráp nối khít khao, chắc nịch, chứng tỏ một chuẩn xác phi thường. Nhưng kỳ công là ở những bông hoa cúc bằng xa cừ cẩn giữa mình sáo. Để diễn tả cái nét thanh tân, mùi hương nhẹ của hoa cúc, người ta đi những nét cẩn chỉ nhỏ như sợi tóc. Mô Phật. Tại sao người ta lại làm được tinh vi đến như thế này? Tôi đưa sáo lên môi thổi thử. Ai bảo gỗ mun làm chết tiếng? Mun cũng có nhiều loại chứ. Tiếng trầm vừa ngân vừa dòn, tiếng cao vừa trong vừa sắc. Sáo mỏng lét, nhẹ tênh, hơi gió lướt qua đầu ngón tay rung nhẹ đê mê.


  Tôi vốn mê sáo hơn mê chim, nhưng nào phải kẻ bạc tình. khổ cái, tôi không xứng đáng làm thầy em Huyền, mà cái thằng cha nhè cây sáo thần mà đem cho thì cũng chả mấy lăm hơi mà đòi múa rìu. Tôi ngại ngần với câu “dung dằng nửa ở nửa về!” sau cùng thì đành đoạn:
- Anh mang em Huyền về đi, còn tôi mượn đỡ cây sáo này.
  Hắn chỉ đợi có thế, cúi rạp mình xuống chào như tên hề rồi bồng tót em Huyền qua đội ba mất dạng. Chết mẹ! tôi muốn chạy theo, không biết cái thằng ma quỷ đó nó sẽ làm gì? không chừng trao trứng cho ác! Nhưng Mỹ Huyèn không đi đâu xa, thỉnh thoảng nó bay về thăm, càng ngày càng tinh ranh gấp bội. Có hôm nó bay về ngậm một miệng toàn tiêu hột, tôi gật gù: “thứ này là xa xí phẩm đó.”Có hôm không biết nó lấy ở đâu ra một cái ống nhỏ bằng plastic trong,dài bằng phần ba cây đũa, trong đựng toàn bột vani. Thằng Lâm lớn mừng lắm: “thứ này là quốc cấm, để đó tao nấu chè.”
   Năm tháng vẫn nặng nề trôi qua. Đôi khi trở lại chốn cũ: giòng suối đã có nước chảy róc rách, cỏ mọc xanh um, cây hoa tím vẫn còn đó, chưa ra hoa. Nhưng cái lều không người ở, không lửa ấm mục nát xiêu vẹo rất nhanh, khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tuấn đen và Nghĩa bay đã chuyển đi trại khác, tiếng ở đây gọi là đi biên chế; nhưng tụi tôi cũng biết đi biên chế thì khác xa với vào biên chế. Bây giờ đã bắt đầu vào mùa mưa, khí trời trong hơn. Những cơn mưa đầu mùa khi khoan khi nhặt rào rạt trên mái lá. Mưa đến chúng tôi bớt phải lao động, nên có thì giờ chiến đấu với đám quần áo rách rưới, chiến đấu với những con chuột và những con rệp càng ngày càng lộng hành. Những con chuột to bự chạy rầm rầm trong mái lá thỉnh thoảng rớt xuống cái bịch bất tỉnh nhơn sự, rồi tỉnh lại phóng chạy. Có bạn kêu trời không thấu vì cả một hũ chao đựng đậu phụng bị chuột lủm hết. Có bạn phàn nàn: “đêm các cậu ấy giựt tóc tớ, các cậu ấy tưởng tóc tớ là miến gà đấy! ”Mỗi buổi sáng coi trong mùng thấy bao nhiêu là con rệp mọng đỏ những máu, đang khoan thai tìm đường đào tẩu. May quá đã có Giáp ra tay trừng trị. Có lần tóm được anh chuột bự, Giáp nhờ tôi giữ hộ tay chân. Tôi chẳng thèm giữ, đi tìm miếng gỗ, đóng bốn cây đinh, cẩn thận cột anh chuột ngửa tênh hênh rồi xoa tay coi Giáp giở trò gì. Trịnh trọng lôi ra bộ đồ mổ thứ thiệt vợ mới mang lên, hắn mổ chim con chuột, nhét vào đó một hạt cát lớn, rồi khâu lại, tinh vi tỉ mỉ còn cao cấp hơn má tôi may đồ mấy bậc, mặc cho anh tý rên la thảm thiết. Xong rồi Giáp nói với con chuột:
   - Lần này cảnh cáo, lần sau tái phạm tớ khâu đít lại thì cậu đừng có trách.
   Tới phiên tôi cắt dây phóng thích, cẩn thận đừng để nó cắn. Anh tý vùng chạy một hơi không hề ngó lui.
   - Mày làm vậy là nghĩa lý gì?
   - Thì cứ đợi thử đêm nay xem.
   Hỏi mãi nó cũng không thèm nói nữa. Đêm tới, chẳng thấy yên ổn gì, chỉ thấy chuột cắn nhau thập phần dữ dội, nhưng hôm sau thì êm hơn nhiều.
   Tôi lại phục tài Giáp nữa khi nó trị rệp.

   - Tụi bay lấy đinh đóng những miếng ván lại thật chắc, nên rệp núp trong mấy cái khe ván, đêm nó bò ra hút máu rồi lại rút về chiến hào sinh con đẻ cháu. Xem này, chỗ tao nằm đâu có cái đinh nào. Những miếng ván tao kê lên hai cây đà, lúc nào cũng di động khi tao cựa mình thì bố thằng rệp nào có gan chui vào đó ở? Nhưng lên giường nằm là phải cẩn thận, hụt chân là gẫy cẳng; ngủ không yên lăn qua lộn lại, lăn tới mép giường là văng xuống đất vỡ đầu, đừng có kêu réo tao băng bó với thuốc thang...
   Một buổi sáng trời êm, không mưa không nắng, tất cả tụi tôi, cả đội, xách hết đồ đạc ra bán chợ trời ở cái khoảng trống ngang bốn tổ. Mỗi anh trải chiếu hay tấm vải nhựa xuống đất, mang tất cả nghững đồ đạc mình sở hữu kể cả tiền bạc lẫn quý kim cho công an đi ngắm. Lệnh xét đồ lần nào cũng triệt để bí mật và thực hiện khẩn cấp, để không có ai có thì giờ mà giấu mấy món quốc cấm hay vũ khí; nhưng cũng là dịp để cho công an xem anh nào còn có chút máu mặt. Lần đó tôi có 7 đồng bạc và một quyển sách quý là quyển sách dạy đánh đàn Tây ban cầm của ông Ferdinand Carulli viết ra từ những năm đầu của thế kỷ 19. Cán bộ đi qua thấy quyển sách đỏ lòm, cầm lên dòm dữ dội, hỏi:
   - Dấu hiệu gì thế?
Tôi chưa kịp trả lời, cán bộ nói tiếp:
   - Đề đánh điện đài đấy phỏng? Tịch thu.
   Tôi ú ớ không biết giải thích ra sao, may quá đội trưởng can thiệp - thằng này cũng đang muốn mượn chép ít bài – không thì ông Carulli cũng tan theo thành khói thuốc lào hay còn tệ hại hơn là đằng khác. Rồi cứ từng anh đứng đợi quan khệnh khạng đi kiểm soát.
   Trong cái không khí trong lành và yên tĩnh của “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” ấy, một tiếng hát cất lên khá to, lanh lảnh, nghẹn ngào giống như người vừa hát vừa khóc:

       Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
       Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu...

   Giọng khá tốt, trên phương diện kỹ thuật tôi chấm cao độ và trường độ rất chuẩn.
   Công an nhớn nhác:
   - Đứa nào đấy, nôi cổ nó ra đây.
  
Vài tay công an khác xục ngay vào trong lán để tìm cái thằng lỳ đó. Có ở lâu trong tù mới thấy hát như thế thì cũng chưa có gì gọi là lì cả. Tụi nó kể ở Suối Máu, tù binh chiếm giữ trại một tháng, nguyên trại tù hát nhạc Chính Huấn cả đêm như là bài “cờ bay, cờ bay” hoặc là bài “giặc từ Bắc vô đây bàn tay vấy máu anh em..” như thế mới lì đòn chứ.

   Bẵng đi một lát, ở một chỗ khác lại cất lên, cũng vẫn bài Chiều mưa biên giới của Nguyễn Văn Đông:

       Lòng trần còn tơ vương khanh tướng,
      thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi...
   Công an lại càng điên lên, súng lên đạn răng rắc. Hồi này có nhiều tù mới nhưng không phải là đám lính miền Nam thua trận mà là những tù rất trẻ. Công an gọi họ là tù hiện hành, tắt của chữ Phản Động Hiện Hành. Tuổi trẻ miền Nam bây giờ ngon lành lắm, họ vùng lên chiến đấu kịch liệt, nhưng thiếu chỉ huy, thiếu kinh nghiệm nên bị bắt rất nhiều; có thể họ đang chọc giận công an. Nhưng tiếng hát lần sau nghe chơi vơi xa vắng hình như người đó vừa hát vừa di chuyển nhanh. Dù sao tiếng hát đã dội vào tâm khảm chúng tôi bàng hoàng đau đớn. Vậy ai là công hầu là khanh tướng mà đường trần mưa bay gió cuốn tả tơi như thế này?
   Thằng Nghĩa bay gặm có khúc bánh mì mà bay ngày qua ngày đêm qua đêm, ở dưới là phòng không thụt lên như mưa. Con vợ đêm nào cũng lâm râm khấn vái. Còn lũ chúng tôi:

       Gió sương mòn rách cả vai
      Ngủ bìa rừng nhơi bao cơm sấy
      Súng liền tay
      Mấy ngàn đêm diệt lũ giặc Hồ

   Thấy lửa hung tàn bùng lên từ một căn nhà thì phải nhào vô cứu chứ? Đâu cần biết căn nhà đó mới hay sắp mục, chủ nhà là người tốt hay người xấu, giàu hay nghèo. Cứ nhào vô mà cứu vì nhiều người yếu duối, trẻ thơ cần được cứu mà. Có phải muốn làm công hầu khanh tướng gì đâu!
   Chúng tôi vẫn đứng yên, ngoại trừ đội trưởng, tổ trưởng và đám công an xách AK lăng xăng đi tìm “cái thằng bố nếu bố náo ấy.” Một lúc khá lâu vẫn êm, tôi nghĩ người ấy đã đi xa rồi, bỗng nhiên tôi nghe rất gần ngay phía trước cũng giọng hát ấy nhưng lớn hơn, cao hơn, hùng tráng hơn:

      Thanh niên ơi mau hiến thân dưới cờ
      Thanh niên ơi mau làm cho cõi bờ,
      Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống, xứng danh...

   Đùng! đùng! …nhiều  tiếng nổ lớn liên tiếp. Đại ngàn đang yên lặng bỗng xôn xao, tất cả tù phóng xuống nằm sát đất chuẩn bị tránh đạn giao tranh… nhưng rồi lại thấy êm, thì ra đó chỉ là vài tay công an giận quá bắn sảng.
Đời sống tù đày lặng lẽ chán ngắt lại tiếp tục, ngày nối ngày, đêm qua đêm cho tới khi tôi được thả.


Mười năm sau, lưu lạc xứ người một hôm tôi gặp lại Vưu trong một cửa tiệm lớn bán đồ cũ. Rất dễ nhận ra anh vì trông anh không có gì thay đổi: một bộ lính cũ, không lon lá huy chương, có thêm cái mũ đen đội lệch của Thiết Giáp và đôi giày ”map”. Ở đây đã lâu, nhưng tôi chưa từng thấy anh xuất hiện trong những ngày kỷ niệm tháng tư đen. Anh luôn luôn mặc đồ lính vì có lẽ nghĩ mình vẫn còn là người lính năm xưa; cũng như anh thấy mình bất lực trong việc đào tạo lớp trẻ thay thế, không thấy cái nhu cầu phải lãnh đạo cộng đồng. Lúc bắt tay, tôi mới để ý thấy anh cầm một con ốc xà cừ to lóng lánh trắng bạc, cái màu trắng tinh khôi trên cái sáo năm xưa mà tôi chẳng còn giữ được. Chắc anh định làm một cái sáo khác! Nhưng mà tôi biết tìm đâu ra một cô nhồng xinh đẹp để đổi chác lần nữa đây.
    

Tháng Tư đen tôi hay ra bờ biển, soi tìm bóng mình dưới đáy nước mùa xuân. Những đau thương tơi tả lại hiện về: kìa mẹ tay bồng tay dắt con thơ. Kìa ông ôm xác cháu, mảnh đạn tiện ngang lưng bé nhỏ. Bao nhiêu đứa trẻ lạc cha kêu gào khản tiếng, còn anh hoang mang điên loạn buông rơi tay súng kiêu hùng. Tất cả đang cuống cuồng chạy trốn loài quỷ say máu người. Tháng Tư còn thấy tôi, đau thương tủi nhục trong các trại tù man rợ, còn thấy em thân xác lõa lồ trôi dài biển Đông; ….nhưng tháng Tư văng vẳng bên tai, tôi lại được nghe mọi người thành kính hát quốc ca. Bài hát chẳng phải là một hồn ma, nó hiển lộng uy nghi vang lừng trong gió, mà tôi cứ tin nó sẽ là bài Quốc Ca Cuối Cùng.

Cao Hoàng
(Seattle, WA)