1.
Ủy ban phường vừa mời một số hộ trong khu phố lên họp để nghe ngành đường
sắt công bố lịch cắm mốc giới tuyến đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng. Đúng hơn
đây là buổi thông báo gián tiếp về tình hình giải tỏa nhà đất ở phường, sẽ thực
hiện nhằm phục vụ dự án làm đường hành lang an toàn song song đoạn đường sắt
chạy ngang đất phường mà việc cắm mốc nay mai là để xác định trước vùng cần
giải tỏa.
Theo dự án, từ tâm đường sắt tùy chỗ sẽ lấy vô 15 hay 20 mét, nghĩa là hàng
trăm căn nhà xưa nay nằm cạnh đường ray gần ga Xóm Thơm sẽ mất mặt tiền hay
phần nhà phía trước hoặc bên hông. Riêng nhà ông Hòa cùng mấy chục nhà hàng xóm
phải chịu giải tỏa trọn lọn – tức mất trắng, do lọt vào một khu vực dự
định cất nhà ga, trạm khách cho tuyến metro trong tương lai, nên từ tâm đường
sắt sẽ lấy vô sâu tới 50 mét. Oái ăm nhà ông Hòa nằm cách đường sắt chỉ khoảng
30 mét.
Anh đại diện ngành đường sắt cho biết lịnh giải tỏa và mức đền bù nhà đất sẽ
được công bố vào khoảng năm 2020 nhưng chắc sẽ trễ hơn, do chưa có dấu hiệu gì
cho thấy ngành đường sắt đã tìm được chỗ vay vốn làm dự án. Lập tức anh đại
diện UB phường lên tiếng an ủi: “Còn lâu mà, vậy bà con cứ về an tâm cư
trú, làm ăn. Nhà nước sẽ đền bồi thích đáng, sát với giá đất trên thị trường”.
Như thường lệ, ngay trên đường về, nhiều người cùng dự buổi họp đã thản
nhiên bàn tán, như “Ối còn lâu mà!”, “Mấy ổng nói vậy chớ Tết công
gô mới làm!”, hay ít thản nhiên hơn thì “Chà, hổng biết chừng nào chớ
từ bây giờ, đất đã quy hoạch giải tỏa rồi thì mình không được phép sửa nhà, nới
rộng, cất lầu gì được. Muốn bán nhà cũng khó có ai mua!”.
Thói thường bấy lâu nay trong bất cứ vụ giải tỏa nhà đất nào cũng đều có
người vui kẻ buồn. Có người vui, phấn khởi ra mặt vì tự nhiên nhờ ông nhà nước
mở đường mà cái nhà thúc thủ trong hẻm lâu nay của mình được ra mặt tiền đường
cái. Hay, nhà mình chỉ bị thụt vô vài mét nhưng lại có cái con đường lớn, công
trình lớn như chung cư, trung tâm thương mại, nhà ga metro… mọc lên sát bên,
lập tức nhà mình có giá trị hẳn lên, giá đất cũng nóng lên ngay. Ngược
lại, nhà nào bị giải tỏa toàn bộ thì chủ nó không khỏi buồn phiền, khổ đau… Như
trường hợp nhà ông Hòa, ông đau khổ, tiếc đến quặn đau cõi lòng khi nhận ra
rằng bản đồ quy hoạch chỉ cần khác đi một chút, mấy ổng chỉ cần vẽ
đường ranh ngắn lại là chừng 20 mét, hoặc lệch sang trái hay sang phải độ 30
mét thì nhà ông đã không dính giải tỏa hay chỉ bị mất vài mét ở đuôi
nhà. Và hơn thế, ông sẽ còn như trúng số cá cặp: khúc hẻm không còn
nữa, căn nhà dấu mặt của ông sẽ rỡ ràng nhìn ra một khu công trình hoành tráng,
nguy nga – đó là nhà ga metro tương lai.
Nhưng đó là “nếu như…”, còn hiện nay – nói theo kiểu bác sĩ chữa
ung thư, tiên lượng căn nhà thương yêu sẽ mất trong vòng 2 – 3 năm
nữa!
2.
Những ngày sau đó, vợ chồng ông Hòa buồn xo, biếng ăn biếng ngủ. Có muốn bán
nhà ngay lúc này như một cách đào thoát khỏi cái tương lai 99% mất nhà kia thì
cũng không kịp nữa rồi. Có ai khờ đến nổi đi mua nhà, dù rẻ mắc gì mà không tìm
cách tìm hiểu, dò hỏi cho được tình trạng căn nhà mình tính mua có bị dính
quy hoạch, rằng sẽ bị giải tỏa, mất một phần, mất trắng hay không? Hơn thế, dù
trong tương lai, giá đền bù đất có “thích đáng, gần bằng giá đất thị
trường’ như ông phường an ủi, kể cả suất tái định cư – được mua
căn hộ chung cư giá rẻ ở vùng nào đó, thì dân đi mua nhà cũng vẫn thấy bấp
bênh, không có gì là chắc chắn, thà bỏ tiền ra mua loại nhà có tương lai sở hữu
ổn định vẫn hơn.
Không còn nhà nữa rồi! Ông Hòa thường lẩm bẩm. Đâu phải chỉ có câu
“bị mất nhà” mới đau, trong cách nói “không còn nhà” có chữ “không”
nghe như đất sụp dưới chân, như Hư Vô tràn đến phủ ngập cuộc đời con người.
Thấm thoát đã 30 năm trôi qua kể từ dạo vợ chồng ông nhờ làm lụng vất vả,
chắt mót dành dụm mới có thể mua được căn nhà cấp 4 này, để ra
riêng từ căn nhà cũ mèm của bố mẹ ông. Hiện nhà của ông đã xuống cấp, đã
vài lần sửa chữa nhỏ nhưng vẫn còn nhiều chỗ tường nứt hay tróc vôi, mái tôn đã
có chỗ nát, dột. Nhưng dù sao mặc lòng, căn nhà nhỏ đơn sơ này đã chất chứa,
ghi khắc không biết bao nhiêu là thăng trầm, vui buồn trong cuộc sống, vốn là
nơi ông bà chia sẻ nhau từ hạt muối đến hạt đường, là nơi chớm bệnh đau lưng
thẩn kinh tọa với huyết áp cao, là nơi dựng vợ gã chồng cho con cái, cũng là
nơi đón tin người già mất đi hay trẻ con ra đời… Đối với ông Hòa, căn nhà nhỏ sớm
tối đi về này chính là cả khung trời bao dung của đất Sài Gòn quê hương
thứ hai của ông, chính là nơi nuôi dưỡng nghiệp viết lách không-thể-nào-khác-đi
của ông, nhất là đang ở cái tuổi 70 xế bóng cuộc đời…
Ông Hòa buồn lắm, mới hiểu tại sao y học đã ghi một trong những thủ phạm
gây stress, gây chứng trầm cảm chính là biến cố mất nhà, phải dọn nhà hay thay
đổi chỗ ở.
Khoảng 15 năm trước, lúc đường Phạm Văn Đồng gần nhà bắt đầu được thi công,
vợ chồng ông Hòa rất vui vì chẳng bao lâu nữa con hẻm nhà mình, thay vì dẫn ra
con đường Lê Lợi 6 mét chật hẹp và đã xuống cấp, sẽ dẫn ra một đại lộ mới, rộng
đến 60 mét thật hiện đại, được cho là đẹp nhất thành phố. Nhưng, hình như đã có
một điềm gở gì đó…
Ông Hòa nhớ rất rõ là thời ấy, ngày ngày đi ngang một dãy nhà đã bị đập
phá và bỏ hoang, tình cờ ông thấy một chú chim chích chòe bay lượn một mình
hay nhập vào đám chim sẻ kiếm ăn. Hỏi bà con gần đó mới biết đây là chú chim
được một gia đình nọ nuôi theo kiểu thả tự do cho chim bay nhảy ngoài lồng. Rồi
không rõ lý do gì, khi đập nhà rồi dọn đi, gia đình này không mang chú chim
theo qua chỗ ở mới của họ. Do quen bay nhảy ở khu vực có cỏ cây vắng vẻ, chú
chích chòe cứ lẩn quẩn ở đây mãi. Lúc ấy, ông Hòa bâng khuâng mãi về tình cảnh
lạc loài của chú chim, tự hỏi nếu giờ không có ai đưa nó về nhà nuôi thì không
biết số phận nó sẽ ra sao khi các ngôi nhà mới được xây xong, không còn khung
cảnh nhiều cây xanh, bụi cỏ, vốn thích hợp cho loài chim sinh sống.
Ông Hòa còn nghĩ, khi các công trình đô thị hóa được thực hiện, tức giải
tỏa đất đai, xây nhà phố mới, thường người bị mất nhà, mất đất chỉ nhận lấy
một cục tiền đền bù rồi sau đó phải vất vả tự lo liệu nơi ăn chốn ở mới,
nhiều khi họ không biết đi ở đâu và làm gì tiếp tục để sinh nhai… Có nghĩa là
người ta còn chưa giải quyết được chu đáo cho cuộc sống của nhiều người, nhất
là người nghèo khi họ phải xa lìa chỗ ở cố cựu của họ, nói gì đến số phận
của những vật nuôi bị bỏ lại ở khu xóm giải tỏa trắng, ví dụ như một
con chim chích chòe nhỏ bé, lạc loài kia?
Thấy thương con chim, ông Hòa viết một bài tạp bút về chuyện bắt gặp chú
chim chích chòe bị chủ nuôi bỏ lại trong cảnh gạch ngói hoang tàn khi gia đình
họ phải chuyển đi nơi khác bởi nhà họ bị giải tỏa trắng, nghĩa là chú chim đã
bị mất chỗ ở quen thuộc bên chủ nó… Nào ngờ gần 15 năm sau, đến lượt ông Hòa
cũng rơi vào tình trạng sắp mất chỗ ở, không biết đi đâu…
3.
Đã 43 năm về trước, đối với nhiều số phận người dân Sài Gòn cùng gia đình họ
– như ông Hòa, gốc sĩ quan chế độ cũ, khách quan hay chủ quan gì cũng thế, ngày
30 tháng 4 đã là một biến cố khó có thể gọi là vui, phấn khởi được. Mất nhà,
mất chỗ làm, mất tài sản, mất địa vị xã hội, mất người thân và bạn bè, bị tập
trung học tập cải tạo, bị chỉ định cư trú khu kinh tế mới… Đã dù ít dù nhiều
đều bị mất mát, chia lìa, thua thiệt như thế, cuộc sống xuống cấp thấy
rõ, đổi đời kiểu này thì làm sao bảo họ là “vui” được? Dù sao, hơn 40
năm trôi qua, cũng giống như bao người Sài Gòn khác, sau những mất mát này khác
thì ông Hòa đã cố gắng tìm cách hòa nhập với thời thế, lao động một cách lương
thiện để kiếm sống cho gia đình mình cho đến tuổi về hưu.
Vừa rổi, cũng chính vào thời điểm tháng 4, thời tiết đang rất oi bức này,
ông Hòa lại được thông báo nhà mình ở sẽ bị giải tỏa, nói đơn giản là sẽ mất
nhà, thì đối với ông, biến cố ấy có khác gì một cái “30 tháng 4” thu nhỏ lại và
trớ trêu xảy đến lần nữa trên số phận hẩm hiu của gia đình ông cùng cả trăm bà
con hàng xóm.
Đêm nay, thêm một đêm ông Hòa chập chờn nửa ngủ nửa thức. Đến gần sáng, ông
nghe văng vẳng từ đầu hẻm tiếng kèn đám ma, tình cờ là bản Một cõi đi về
của TCS. Về ở căn nhà cấp 4 này từ thuở trung niên còn khương cường để cày kiếm
sống, đã bao sớm hôm đi về con ngõ hẹp, nay đã thuộc lứa thất thập
cổ lai hy mỏi mòn, ông Hòa chợt ngậm ngùi, không thể nào nhớ nổi đã bao
đêm về sáng mình đã thao thức nghe tiếng kèn đám ma, đưa người quá cố vĩnh viễn
rời khỏi căn nhà họ từng cư ngụ, rời xóm phố họ từng sống lúc sinh tiền…
Phạm Nga
(Trong oi nồng tháng 4-2018)