Năm bác sĩ Võ Thiềm 69 tuổi bị trời đày hay sao mà ông vẫn không hề rung
động trước bất kỳ một bóng hồng nào. Trong nhà, cha me già sắp qui tiên độc có
mỗi mình ông, cố thúc ông lập gia đình mà ông vẫn trơ trơ như gỗ đá, riết rồi
ai cũng tưởng ông mắc bệnh tâm thần, lãnh cảm hoặc “bê đê” chi đó.
Rứa mà trời thay tâm đất đổi tánh hay sao mà đúng sáu mươi ngày sau ông bác
sĩ tâm thần Võ Thiềm vừa bước vào tuổi thất thập thì ông mạnh tay bật tung cánh
cửa trái tim để bắt đầu yêu. Như để bù đắp gần 70 năm hoang phí tuổi xuân, bác
sĩ Thiềm sung thiên như một lão tướng, đùng đùng như một lão trượng yêu cuồng
sống vội, yêu dại sống điên. Mà đối tượng mối tình đầu của ông những tưởng là
ai, hóa ra là “con ma nhỏ”, nhỏ hơn ông tới 53 tuổi đời.
Có điều cái “con ma nhỏ” ni, nào ai khác ngoài con “Út mót”, con em út trong
nhà của ba me tôi, gồm 17 anh chị em, nổi tiếng đông con nhất ở huyện Điện Bàn,
Quảng Nam. Gọi là Út mót là vì khi đứa con thứ 14 ra đời, ba me tôi đặt tên nó
là Út, xong phủi tay nói chắc nịch không đẻ nữa. Rứa mà chẵn chòi một năm sau
đứa thứ 15 cực chẳng đã phải mang tiếng khóc bưng đầu mà ra với cái tên “Út
thôi”. Tưởng tới đó thôi sao, ôn mệ ơi, ai dè lại tí toáy “rặn” thêm đứa thứ 16
ngượng nghịu mang tên “Út nữa”. Cuối cùng, lạy Chúa tôi, đúng là cuối cùng, một
năm lẻ một tháng sau ba me tôi lại rục rịch “mót” thêm cái con Út mót tội
nghiệp ni. Lần ni đúng là “mót” thiệt.
Tháng 9 năm 1945, Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam nhằm tái lập chế độ thuộc
địa là lúc con Út mót tròn 4 tuổi. Khi Pháp đánh Việt Minh càn vô Điện Bàn, dân
làng buộc phải sơ tán. Vừa qua tới bên kia sông La vượt qua rừng tre, đi thêm
một đoạn trong rừng keo thì cả nhà vô phúc đạp phải mìn dây chuyền chết banh
xác 17 mạng, gồm ba me tôi, anh em tôi, trong đó có con Út mót. Còn lại con em
kế suýt vong mạng vì sướt bọng đái, tôi thì mù một mắt.
Mười ba năm sau, từ làng Mỹ Lợi, tỉnh Thừa Thiên Huế trôi giạt ra tới làng
Phe Điền, con em kế sót lại của tôi lại mắc phải ung thư bọng đái mà qua đời, một
mình tôi lủi thủi trở về bên kia sông La để chỉ dựa gốc keo khóc sụt sùi mà
thương mà tiếc những người thân yêu bạc mệnh. Rồi tôi gạt nước mắt chôn hết kỷ
niệm bơi qua sông trở lại Điện Bàn.
Huyện Điện Bàn của mười ba năm trước, làng quê xưa đã nên nhà nên chợ nhộn
nhịp hơn, nhưng sâu trong lòng tôi hồn đất Quảng vẫn cày lên lở lói, bê bết như
một vết thương dài không khép miệng. Rứa mà ở đời, ngay cả chính mình còn không
tin nỗi mình, khi bất ngờ đến bàng hoàng tôi tìm lại được người thân tưởng
không bao giờ còn thấy lại. Lúc biết chắc là nó đang ở trong vòng tay xiết chặt
của mình thì tôi mới biết yêu nó quí nó ghê gớm biết dường nào. Ở đó, trên vũng
đất Điện Bàn năm xưa tôi gặp lại em tôi, con Út mót.
Ban đầu tôi không tin nó là con Út mót. Bởi vì con Út mót cùng cả nhà bị mìn
chết bên kia bờ sông La 13 năm trước rồi còn chi. Hơn nữa nó chết đứt đầu lúc 4
tuổi, cái tuổi thơ ngây, trong trắng biết bao. Cái đầu lâu đầy máu với con mắt
mở trừng của nó lăn tới đụng vào chân tôi kia mà. Bằng một quãng thời gian dài
những 13 năm đằng đẵng với biết bao vật đổi sao dời làm sao mà nhận cho ra. Rứa
mà hai chị em vừa chạm mặt nhau, bằng con mắt còn lại tôi nhận ra ngay, dù sửng
sốt, sợ hãi lạnh cả sóng lưng nhưng tôi vẫn quả quyết nó là con Út mót. Chính
con Út mót thoạt kỳ thủy còn ngỡ ngàng xong nhận ra được người chị thân yêu, nó
hú dài một tiếng lạnh hư không, bằng tất cả sức lực của cô thiếu nữ 17 bẻ gảy
sừng trâu, nó lao tới ôm chằm lấy tôi làm hai chị em cùng ngã lăn cù ra đất,
cùng rống lên nỗi đau xé lòng.
Đua nhau khóc mù trời thiên một hồi lâu, hình như lâu lắm, lúc buông em ra
tôi cảm thấy có điều chi là lạ. Giữa thị tứ người qua kẻ lại sao chẳng một ai
nhìn thấy, không cả một người nào nghe thấy tiếng khóc của con Út mót, ngoài
tiếng khóc bã bượi của tôi. Họ ái ngại, họ lắm lét nhìn tôi mà không hề nhìn
thấy, nghe thấy tiếng nỉ non của em tôi là răng? Họ tưởng tôi là con mụ điên
nên tránh xa, bỏ mặc một mình tôi áo quần xốc xếch, tóc tai rũ rượi lăn lộn kêu
rêu, bấu víu than khóc giữa hè phố đông người qua. Rứa thì em tôi mô? Răng chỉ
một mình tôi nhìn thấy em tôi thôi sao?
Lúc đó con Út mót đã 17 xuân xanh mơn mởn, vừa tràn trề sức sống lại vừa
đẹp. Đẹp thiệt! Nó đẹp đến chim sa cá lặn, đến cỏ cây còn rung động, trăng sao
cũng ngẩn ngơ. Hồi nhỏ con Út mót đã đẹp nhưng không thoát trần như bây chừ.
Mình dây, ngực nở, eo thon. Dáng dấp cao sang, cốt cách ngạo thế, hơ hớ đến
hừng hực gợi tình. Tóc thề buông kín bờ lưng. Cái lưng ong, nơi có lọn tóc mềm
thả nhẹ trên vai, sợi dài phất phơ theo gió. Cái ngấn cổ kiêu kỳ như một cọng
hoa tinh khiết vươn lên từ miệng bình. Người trần mắt thịt có may mắn hôn lên
ngó sen ấy cũng không thể nhìn thấy vết cắt quanh cổ đã thành một lằn chỉ nhỏ
rứt, lờ mờ. Cặp mắt thì đen lay láy lại chơi vơi một chút ánh buồn, cái buồn trời
ơi, lúc nào cũng thả hồn trôi về miền miên viễn xót xa. Ngần ấy nét người cũng
quá đủ để lũ đàn ông hãi hồn thất vía mà sa lưới tình.
Nhưng mà lạ chưa tề. Lũ đàn ông đi ngang qua hai chị em tôi chỉ nhìn vào mỗi
mình tôi bằng cái nhìn hờ hững, ứa bựa, chán chê, xa cách. Tôi già rồi, lại mù
một mắt, xấu như ma lem đã đành, nhưng còn con Út mót đi bên tôi sao hàng trăm
con mắt vốn háo hức trước cái đẹp, lại không nhìn thấy nó. Răng kỳ rứa? Tôi
nghi ngờ nhìn lại con Út mót thấy nó vẫn tỉnh bơ con sáo sậu, làm như nó chẳng
cần biết tới ai trên cái cõi đời hèn mọn, xấu xa này ngoài chị ruột nó. Nó hồn
nhiên đi bên tôi, ôm xiết lấy tôi, liến thoắng cười cười nói nói, có lúc cao
hứng nó cất tiếng hò chát ngắt mà chân chất, mộc mạc. Nghe nó hát mà thương “cái
dọng (giọng) Quảng Nôm đặc sệt từ lâu hén (hắn) đã thém (thấm) vô máy (máu)
thịt đến đậm đòa (đà)” của con người Quảng quê tôi.
Có lẽ cả cái đất Quảng Nam hiền hòa này không ai làm tôi giựt mình bằng ông
Võ Thiềm và con Út mót. Ông là bác sĩ tâm thần chuyên trị tâm bệnh của bệnh
nhân đã đành, nhưng đặc biệt trời cho ông có huệ nhãn như tôi để nhìn thấy con
Út mót em tôi. Bỏ phí gần cả một đời không hề yêu ai, vừa nhát thấy “con ma
nhỏ” ông đã bị nó hớp hồn, ú ớ, chết trân tại chỗ.
Từ đó, người ta thấy ông bác sĩ tâm thần Võ Thiềm trở chứng khật khùng như
bị ma ám. Ông bỏ nghề, bỏ bệnh viện, bệnh nhân, có lúc quên cả mồ mả song thân,
ông lảo đảo đi vào cơn yêu. Biết rõ “con ma nhỏ”là… ma, đáng tuổi cháu chắt
mình nhưng ông đã lụy tình rồi, bất chấp mọi thói đời độc địa, ông bước trên dư
luận để sống đúng với thực chất lòng mình, yêu “con ma nhỏ” chân thành, say
đắm.
Để chứng tỏ tình yêu trong sáng của mình, ngày nào cũng như ngày nào ông
Thiềm đã dành hết tâm tư tình cảm cặm cụi khắc trên những nhành cây thành những
con thú đơn sơ gởi tặng người tình ma bé bỏng của mình.
Được quà tặng, “con ma nhỏ” thích chí, cười híp mắt. Để đáp lại, mỗi buổi
sáng nó hay đến trước sân nhà ông, lom khom rải gạo thành hình trái tim ngang
dọc chừng một thước cho chim chóc xuống ăn, rồi tung tăng chạy ra phố tìm kiếm
giúp đỡ những chú mèo lang thang. Lãng mạn và hồn nhiên chi lạ.
Chao ôi, mối tình đầu đời của một ông già yêu trễ và cô thiếu nữ trong trắng
thèm yêu sao mà vụng dại, ngang trái, oái ăm quá chừng rứa tề.
Nhưng dù sao tôi cũng không ngừng ra sức dỗ dành, khuyên răn, đe dọa cách
mấy nó cũng không nghe. Con Út mót vẫn bảo vệ tình yêu của nó tới cùng. Nó
triết lý: “Tình yêu trong thế giới thực và ảo của tụi em được chứng thực bằng
tinh thần của đức hạnh”.
Chu choa! Con Út mót nói cái chi tôi không hiểu rứa tề, nhừng từ đó tôi hiểu
rằng ngọn lửa đam mê tình ái của tuổi trẻ đố ai mà dập tắt nỗi. Sau cái chết
không đầu, lần đầu tiên trở lại trần thế, “con ma nhỏ” khéo léo ráp lại cái đầu
xinh đẹp của nó rồi vội vàng bay đi tìm tình yêu. Vì yêu nó không hề biết sợ,
không hề lùi bước trước tình yêu. Nó táo tợn làm rung chuyển cả luân lý, phá
tung mọi khuôn khổ phết màu son đạo đức chỉ để yêu và được yêu. Cả ông bác sĩ
già, người phàm mắt thịt lẫn “con ma nhỏ” trẻ đẹp của tôi đều đồng khí tương
cầu qua ánh mắt giao cảm ban đầu, qua cái thú vui hòa hợp âm dương như sợi xích
thằng có sức níu kéo vào nhau cho đến chết.
Mãi về sau này, khi ông Thiềm vì tình yêu mà kiệt sức qua đời, lúc đó con Út
mót mới hoàn toàn tan biến trong trời đất như sợi khói sương, tôi cũng mất luôn
giác quan thứ sáu, có thể nhìn thấy ma, nói chuyện với ma, tiếp xúc với thế
giới của âm ma để rồi ngồi thừ ra đó mà thở dài, thấy đời toàn những chuyện vô
thường, trách trời sao đan.
Phan Ni Tấn