17 April 2018

DUYÊN TIỀN ĐỊNH - Phạm Thành Châu


(Cô hàng cà phê Tân Định kể)

Ai có cho rằng tôi mê tín dị đoan nhảm nhí mặc kệ, tôi vẫn tin rằng có duyên "tiền định" mới nên vợ chồng. Chồng tôi người Việt nhưng quốc tịch Mỹ, lấy tên là Charle Lee, thường gọi là (Đít) Dick. Dick tốt nghiệp đại học Mỹ. Trong khi chờ ngày đi làm, bố chồng tôi có ý định đưa con trai về Việt Nam kiếm vợ. Anh ta học giỏi, đẹp trai, mặt mũi sáng láng nhưng khờ đặc trong việc giao tiếp với bạn bè. Ngay thời còn ở high-school, nhiều cô bạn cùng trường đến làm quen, anh ta cứ thụt lùi mãi, khiến các cô phát nản.

Trước năm 1975, bố anh ta là hạ sĩ quan an ninh phi trường Tân Sơn Nhất, ông có người bạn đồng ngũ rất thân. Sau khi mất nước, bố anh ta về quê, xoay xở đưa cả gia đình vượt biên, còn người bạn thì về nhà, kế nghiệp cha mẹ, làm chủ một tiệm hủ tiếu ở đường Hai Bà Trưng, trước chợ Tân Định. Người bạn nầy gốc Tàu, tính cần kiệm và kín đáo nên không bị đánh tư sản (bị tịch thu gia sản, đuổi đi kinh tế mới).

Ở Mỹ, bố anh chàng Dick thường thư từ cho người bạn bán hủ tiếu ở Tân Định. Khi biết ông ta có ý định về Việt Nam kiếm vợ cho con thì người bạn đồng ngũ nầy ngỏ ý muốn giới thiệu con gái của mình với anh Dick. Hai ông bạn trao đổi hình ảnh con của mình cho hai đứa nhỏ nghiên cứu, tìm hiểu nhau. Thấy hình cô gái cũng đẹp, chưng diện coi bộ còn thời trang hơn cả các cô gái Việt ở Mỹ nên Dick thích lắm, nhưng đỏ mặt, không có ý kiến. Thế là ông gọi cho người bạn, hẹn năm nay về ăn Tết, sẽ cho tiến hành lễ hỏi và lễ cưới cho hai đứa.

Hôm gia đình anh ta xuống phi trường Tân Sơn Nhất, cả nhà cô gái long trọng đón về. Vừa là bạn chí cốt, lại sắp thành thông gia nên hai gia đình rất vui vẻ, thân mật. Cô gái đẹp hơn cả trong hình, nên chàng Dick thích mê, nhưng mắc cỡ. Hễ đối diện với cô ta thì mặt đỏ lên, miệng ấp úng, nói không nên lời. Hơn nữa, vì không rành tiếng Việt nên anh ta cứ ngập ngọng, nhưng nhờ cô gái đang học đại học, ban Anh văn nên cả hai không đến nỗi khó khăn khi chuyện trò. Cô ta rủ anh chàng đi chơi Sài Gòn, đi mua sắm, đôi khi còn chở Dick sau xe gắn máy, vi vút ra ngoại ô hóng gió, ăn uống ở các nhà hàng đồng quê. Được ngồi sau, ôm eo người đẹp, anh ta thích quá, nhất là khi được người đẹp ngồi bên cạnh tựa ngực vào người, giọng thủ thỉ, nũng nịu khiến anh chàng chết mê, chết mệt. Thế nên, trong một buổi cơm tối, cô cậu được hỏi ý kiến, có bằng lòng nhau không? Chàng ta trả lời "Dạ chịu!" Còn cô gái chỉ liếc anh ta và tủm tỉm cười. Thế là đám hỏi diễn ra ngay hôm sau.

Thời đại hỏa tiễn, gì cũng tốc hành cho nhanh gọn. Buổi sáng, nhà trai đi sắm nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, trang phục cô dâu, chú rể và các vật dụng cần thiết, ý là đám hỏi xong thì tiến hành đám cưới ngay. Buổi chiều hai họ kéo nhau ra nhà hàng nhậu nhẹt tưng bừng. Trong buổi tiệc gọi là tiệc đám hỏi đó, hai ông bạn nghéo tay nhau hẹn tuần sau nhà trai (từ dưới tỉnh) sẽ lên đón cô dâu về quê làm đám cưới cho xôm tụ. Nhà gái, dĩ nhiên phải o bế cho cô dâu thêm phần xinh đẹp để bà con dưới tỉnh rõ mặt gái Sài Gòn.

Dick về dưới quê nhưng đã bị cô gái hớp hồn rồi nên người cứ sững chừng, suốt ngày lơ ngơ, không nghe, không thấy gì chung quanh, rồi than buồn. Cha mẹ anh ta biết ngay là thằng con đã bị cô gái bắt mất vía nên gợi ý cho anh ta lên Sài Gòn, ở lại nhà cô vợ tương lai trước khi làm đám cưới. Biết con mình chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác, nên ông bà dặn dò rất kỹ, nào là không được qua đường một mình (sợ xe tung), đi đâu phải có cô vợ tương lai bên cạnh để khỏi bị bọn bất lương lường gạt, cướp giật. Ở chơi đúng hai ngày sau thì về để chuẩn bị làm đám cưới.

Chiều hôm đó, Dick đón xe đò lên Sài Gòn. Về đến bến xe Miền Tây thì đã khuya, Dick là người lịch sự theo kiểu Âu Mỹ, không muốn làm phiền người khác nên anh chàng đến khách sạn qua đêm.

Sáng hôm sau, Dick đón xe đến tiệm hủ tiếu. Anh ta nghe người đẹp nói là thường đi học lúc tám giờ sáng, nên dự định đứng ngoài chờ, hễ thấy cô ta bước ra để đi học thì Dick sẽ bước vào tiệm, mục đích tạo bất ngờ với người đẹp, chắc chắn cô ta sẽ mừng rỡ, nghỉ buổi học để hai người cùng đi chơi. Vì thế, khi đến tiệm hủ tiếu, anh ta không vào mà đứng bên kia đường, chờ. Đúng tám giờ, thấy người đẹp đi ra, đứng trước cửa tiệm ngó quanh, Dick định băng qua đường nhưng xe cộ nhiều quá, cứ lúng túng, chưa dám bước xuống lòng đường thì bỗng nhiên có một thanh niên đi xe gắn máy, dừng lại trước tiệm hủ tiếu, và cô vợ sắp cưới của chàng Dick phóc lên yên sau, ôm eo ếch chàng thanh niên kia. Chiếc xe vọt đi. Cả hai chìm vào đám xe cộ, biến mất tiêu. Chàng Dick dại gái chưng hửng. Anh ta bèn bước lui lại lên lề đường, mặt bắt đầu nóng, tim đập thình thịch, chân tay bủn rủn, người run lên như bị bịnh sốt rét, ngực nặng trịch, thở không nổi. Đó là "triệu chứng lâm sàng" của người nổi cơn ghen. Nhưng vốn đã được giáo dục về phép lịch sự ở xứ Mỹ, lại nhút nhát, chàng Dick bối rối, không biết làm gì cho hạ hỏa. Giận lây bố mẹ vợ tương lai nên không vào tiệm hủ tiếu, anh ta cũng bước qua đường, nhưng tấp vào một hàng quà rong ngay bên hông tiệm. Đây là một con hẻm, được biến thành những "tiệm ăn chồm hổm" buổi sáng bán bún, mì, cà phê... Mỗi hàng ăn chiếm một khoảnh đất, đặt vài cái bàn thấp ngang đầu gối, chung quanh là mấy chiếc ghế nhỏ xíu, không vừa cái bàn tọa. Bình thường từ sáng sớm, người ta mang thức ăn, đồ uống ra, đến trưa, bán hết thì "dẹp tiệm", dọn về. Chàng Dick ngồi đại xuống một hàng cà phê. Chủ là một cô, tuổi đôi mươi, nhà nghèo, ăn mặc đơn sơ, không trang điểm, nhưng đôi mắt cô đen láy, long lanh, miệng cô cười thật tươi, phô bày hàm răng trắng đều, đẹp hết sức!.. Nhờ đôi mắt và nụ cười nầy mà hàng cà phê của cô đông khách. Mấy cậu trai sáng nào cũng ra đây, gọi một ly cà phê, ngồi ngắm cô cũng đỡ buồn cảnh thất nghiệp của mình. Đôi khi tâm hồn rung động, vài cậu nói bóng gió để tỏ tình, cô chỉ cười không trả lời. Cô biết mình đẹp nên có quyền chờ đợi, tối thiểu cũng một anh chàng trông được con mắt, có công ăn việc làm kha khá, chứ thứ thất nghiệp, chỉ giỏi tán phét như mấy cậu khách hàng nầy, thì cô coi thường. Hơn nữa, ngay bên cạnh là hàng bún bò Huế của mẹ cô. Mẹ cô cũng biết giá trị con gái mình, nên thường xuyên nhắc nhở, kiểm soát cô rất chặt chẽ. Bà ta chỉ vẽ cho cô cách từ chối sao cho khách hàng biết nhưng vẫn vui vẻ, tiếp tục đến ăn uống để trồng cây si. Quán bún, cà phê của mẹ con cô hàng tựa vào vách tường của tiệm hủ tiếu của bố mẹ vợ tương lai chàng Dick. Sau tiệm có cửa hậu thông ra gần hàng cà phê, thỉnh thoảng nước dơ trong tiệm hắt ra, mấy con chó xúm lại nhặt nhạnh thức ăn thừa.

Khi Dick vừa ngồi xuống là cô hàng đã nhanh nhẩu hỏi "Anh uống gì? Ăn bún nghe!" Chàng Dick bối rối "Cô cho tôi lon cốc (Coca cola)" "Tôi không bán cóc. Anh ăn bún, uống cà phê nghe!" "Dạ, cô cho tô bún". Nghe cách đối đáp, giọng nói ngọng nghịu, cùng lối ăn mặc của Dick, cô hàng biết ngay là Việt kiều, nên cô để ý xem con cừu non nầy lạc lối đến đây làm gì? Có lẽ còn quá sớm nên mấy cậu thanh niên thất nghiệp chưa ra, nếu không, làm gì anh ta cũng bị mấy tay nầy tìm cách chọc ghẹo hoặc ăn hiếp ngay. Ăn xong tô bún anh ta mở cái túi nhỏ cột trước bụng, móc tiền trả rồi ngồi ngó mông ra đường. Dick chờ người đẹp trở về, nhưng không biết giờ nào nên thỉnh thoảng đứng lên, ra nhìn trước cửa tiệm rồi vào ngồi lại chỗ cũ. Dick dự định, nếu người đẹp về với thằng tình địch thì anh ta sẽ bước đến, hiên ngang nắm tay người đẹp dẫn vào nhà, coi như là cách công bố quyền sở hữu đóa hoa biết nói đó.

Có chí thì nên, khoảng mười hai giờ, quả nhiên cô vợ tương lai của chàng Dick trở về với thằng tình địch. Vừa thoáng thấy, cơn ghen lại nổi lên khiến anh chàng đứng chết sững, chưa kịp phản ứng thì cô gái xuống xe, hôn thằng kia đánh "chụt" một cái mới bước vào nhà, còn thằng kia thì rồ xe chạy đi. Chàng Dick lại ngớ ra, đành quay về chỗ hàng cà phê, kéo ghế, gọi một ly cà phê, ngồi suy nghĩ xem mình nên làm gì bây giờ? Lúc nầy, các hàng quà rong đang chuẩn bị dọn dẹp ra về, nhưng thấy cậu Việt kiều, cô hàng cũng nấn ná pha cho khách một ly. Thình lình chàng ta nghe từ cửa sau tiệm hủ tiếu vẳng ra tiếng la lối "Tao bảo mầy có từ thằng đó ra không? Ít bữa nữa mầy lấy chồng rồi. Thằng chồng mầy nó biết, nó cạo đầu mầy" "Tía đừng lo tía ơi. Người ta ở bên Mỹ làm sao biết được chuyện của con. Mà con đâu có làm gì mà tía phải la? Bạn bè chút chút mà tía"

Tiếng cãi cọ càng lúc càng cao giọng, càng nhanh khiến chàng Dick chịu thua, không nghe kịp, nhưng chừng đó cũng đủ cho anh ta mất tinh thần. Bao nhiêu hứng thú tiêu tan, Dick quyết về dưới tỉnh mét bố mẹ, không thèm lấy vợ nữa.

Tối đó, nằm trong khách sạn, Dick không ngủ được. Phần nhớ người đẹp, phần cảnh tượng lúc trưa khiến cho máu nóng bốc lên đầu nên anh ta lăn qua, trở lại mãi. Cuối cùng thì tình yêu và ghen tương sống chung hòa bình trong quyết định của anh ta. Nghĩa là cứ để đấy nhưng theo dõi, tìm hiểu, nhất là để ngắm lại xem, cô ta có đủ đẹp để mình tha thứ không?

Sáng hôm sau, Dick lại ra hàng cà phê ngồi, nghĩ cách hỏi cô hàng về cô gái, con chủ tiệm hủ tiếu. Cô hàng cà phê, thấy thằng con trai trắng nõn, ngây thơ như em bé, cô thích lắm, mặc dù anh ta là Việt kiều, cô không hi vọng gì, nhưng yêu là việc của quả tim, xin khỏi bình luận. Tuy nhiên cô hàng cũng phải giữ kẻ vì sợ mấy thằng con trai, khách hàng, sẽ mỉa mai vì ghen tức "Thấy Việt kiều như mèo thấy mỡ". Nhưng anh chàng Việt kiều nầy hỏi chuyện thì mình trả lời, còn có thể hỏi lại mấy câu để tỏ tình quen biết. Đại khái Dick nói là về Việt Nam chơi chứ không nói về cưới vợ. Anh ta bảo rằng thấy con gái chủ tiệm hủ tiếu đẹp nên hỏi thăm cho biết, và hình như cô ta có bồ thì phải? Cô hàng nói là không biết chắc đó là bồ bịch hay chỉ là bạn bè, dù cô thấy hai người chở nhau đi mỗi ngày.

Khi yêu, người ta dễ tha thứ. Nghe cô hàng nói vậy, dù thấy rõ ràng hai đứa hôn nhau, Dick cũng không thấy trở ngại trong việc hôn nhân của mình. Vả lại Dick đã nhiễm văn hóa Âu Mỹ, chẳng xem trinh tiết là quan trọng, thế nên anh chàng vừa tự an ủi vừa hãnh diện "Cho mầy chở đi, ít bữa nữa, tao cưới nó, đem về Mỹ thì mầy no way!". Và Dick lại vui vẻ nói chuyện với cô hàng cà phê. Anh ta bảo tuần tới sẽ về Mỹ nhận việc. Cô hàng thất vọng. Tình cảm của cô chỉ mới quen biết chứ chưa đủ thân mật để cho nhau địa chỉ, sau nầy còn thư từ, tặng ảnh nhau khi hai người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Thật tâm, cô buồn vì không còn được gặp anh ta nữa chứ cô không hề nghĩ đến chuyện Việt kiều có nhiều tiền, sung sướng. Giá mà anh ta là một người Việt "nội địa" dù thất nghiệp, cô vẫn yêu như thường.

Khi về dưới tỉnh, bố mẹ hỏi, Dick chỉ trả lời có, gì cũng nói có chứ không giải thích. Tưởng con mắc cỡ, hai người không hỏi thêm. Họ cứ theo chương trình mà thực hiện. Ở dưới quê, cưới hỏi, giỗ quãi đều làm tại nhà. Ngã heo, vật bò cũng chẳng tốn bao nhiêu. Ông bà Việt kiều nầy chơi sang, mời bà con hàng xóm, kể cả xã ấp, tập trung một chỗ hẹn, sẽ có xe đến rước lên nhà hàng trên tỉnh dự tiệc cưới, còn dặn xin đừng quà cáp. Mấy khi được đi nhà hàng sang trọng dự tiệc cưới Việt kiều nên mọi người rủ rê, bàn tán coi bộ sôi nổi và sốt ruột lắm.

Đó là chuyện chuẩn bị tiệc cưới ở dưới quê, tức bên nhà trai. Trên Sài Gòn cũng có một bữa tiệc ở nhà hàng trong Chợ Lớn do con gái ông chủ tiệm hủ tiếu tổ chức đãi đằng bạn bè trước khi cô lên xe hoa. Cô ta nói "Thưa các bạn, ngày mai tôi sẽ lên xe hoa, hôm nay hai đứa tôi mời các bạn nhậu một bữa, xong lên lầu nhảy nhót"

Các bạn cô tưởng rằng đó là đám cưới của cô với người tình, không ngờ, sau đó mới vỡ lẽ là cô lên xe hoa với người khác. Bạn bè càng ngạc nhiên hơn khi thấy người tình của cô vẫn vui vẻ chứ không buồn bã hay ghen tức gì cả? Rượu ngà ngà, hai người mới thổ lộ âm mưu là cô sẽ làm đám cưới với anh chàng Việt kiều và qua Mỹ sống độ mấy năm, khi đã vô quốc tịch, cô sẽ li dị chồng rồi về Việt Nam cưới anh chàng tình nhân nầy. Đây là mánh thường làm của các cô lấy chồng Việt kiều.

Về phần nhà trai ở dưới quê, theo đúng ước hẹn, khởi hành từ bốn giờ sáng dự định trưa sẽ đến Sài Gòn. Cô dâu chú rễ làm lễ tổ tiên bên nhà gái xong, sẽ lên xe hoa về dưới tỉnh vừa kịp giờ đãi tiệc.

Tiệm hủ tiếu đóng cửa từ hôm qua để treo đèn kết hoa, thiết trí bàn thờ, mời bà con, bạn bè đến dự buổi đưa dâu. Đúng mười một giờ, phái đoàn nhà trai gồm ba chiếc xe lớn và một chiếc xe nhỏ có kết hoa dừng lại trước tiệm hủ tiếu. Bà con xuống xe, ẹo qua, ẹo lại cho đỡ mỏi lưng sau một chuyến đi dài. Mấy cô bưng quả, mấy cậu phù rể sắp hàng ngay ngắn chờ nhà trai vào xin giờ rước dâu theo đúng lễ nghi. Trong khi đó, nhà gái đã đứng chờ sẵn, vẻ mặt mọi người rất long trọng. Ông chủ tiệm hủ tiếu kêu vọng lên lầu "Hỏi A Muối sẵn sàng chưa? Nhà trai đã đến rồi đó nghe!" Tiếng mấy cô phù dâu trả lời "Tụi con kêu hoài mà cửa chị Muối đóng chặt, không nghe trả lời gì cả!" "Má nó đâu? Sáng giờ làm gì mà không kêu nó dậy? Người ta tới rồi kìa!" "Tôi đây. Có gì mà quýnh lên? Cứ nói chuyện đi. Nó dậy thay đồ, trang điểm là xong ngay" Rồi nghe tiếng lao xao trên lầu, một lát, cô phụ dâu xuống thì thầm báo cáo "Chị Muối không có trong phòng. Tìm khắp nơi cũng không thấy" "Chết cha! Vậy chớ nó đi đâu? Tìm về ngay. Coi thử nó có đến nhà bạn bè nào không? Đứa nào xách xe đi tìm nó coi. Lẹ lên!" "Thằng Tửng nói chiều hôm qua, bạn của chỉ đến đón đi ăn tiệc chia tay, khi hôm không thấy về" Ông chủ tiệm hủ tiếu, trước đây là lính kiểng, chưa hề đụng độ ngoài chiến trường bao giờ, nay bỗng lưỡng đầu thọ địch. Đối phương đã đến trước cửa mà mình thì không có gì để nghênh chiến! Ông muốn lên lầu để la hét cho hả giận nhưng nhà trai đã bước vào nhà rồi. Ông như Khổng Minh tọa lầu, cười nói vui vẻ mà bụng đánh lô tô. Nhưng Khổng Minh còn hi vọng lừa được đối phương chứ ông thì chắc chết! Ông giận mụ vợ cưng con mà vô tâm, không chịu nhắc nhở, dặn dò, để nó đi từ chiều hôm qua, đến nay vẫn không biết! Trong lúc đó, bà chủ cũng bấn xúc xích lên. Bà nhờ các cô cậu nào có xe gắn máy, tức tốc đến nhà các bạn của cô Muối để "Lôi cổ nó về đây ngay!". Nửa giờ sau, các đặc phái viên trở về lắc đầu "Không thấy A Muối đâu cả!" Bà cho một cô xuống thì thầm với ông chủ. Ông chủ lắng nghe, cười và gật đầu ra điều chẳng có gì quan trọng. Nhà trai thấy thế mới đứng lên có mấy lời. Đại ý đã chọn được ngày lành, giờ tốt, xin cho chú rể và cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên. Ông vui vẻ gọi lên lầu "Má nó đâu. Cho con xuống làm lễ. Đến giờ rồi!" Đó là kế hoãn binh chứ ông biết tỏng là làm gì có A Muối. Thế rồi nhà trai, nhà gái lại tiếp tục vui vẻ chuyện trò. Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì! Ông bạn nhà trai co tay xem đồng. Ông bạn hủ tiếu làm vẻ ngạc nhiên "Ủa. Sao lâu quá vậy cà?" Rồi ông bình thản đi lên lầu làm như tìm hiểu nguyên nhân, và ông lại xuống lầu, coi bộ hơi bối rối một chút. Ông khèo ông bạn sui gia tương lai vào nhà trong, lôi luôn ra sau hẻm, vì sợ mấy đứa người làm biết chuyện. Người ta xúm cả cửa trước xem đám cưới, chỉ có hai mẹ con bà hàng bún bò, cà phê đang lui cui dọn hàng về. Cô hàng cà phê, lúc nãy chạy ra dòm đã thấy anh chàng Việt kiều là chú rể, bèn chạy vào báo cáo với mẹ rằng đó là người khách "gà rù" thường đến mấy hôm trước, nay đi cưới cô A Muối, con gái ông hủ tiếu. Hai mẹ con đang bàn tán thì hai ông sui tương lai kéo nhau ra ngoài cửa sau xì xầm. Tuy nói nhỏ, nhưng hai mẹ con bà hàng nghe tất cả. "Chết tôi rồi anh sui ơi! Con A Muối nó đi từ hôm qua đến nay chưa về" Ông sui trai chưng hửng, rồi nổi xùng "Thật hay giỡn đó anh sui? Tụi mình nghéo tay nhau từ lâu rồi mà! Anh muốn "xù" tôi sao không nói trước? Báo hại tôi đặt tiệc mời bà con làng nước ngồi chờ ở nhà hàng dưới tỉnh. Bây giờ tụi tôi lên đây, anh nói một câu "bù chốc" !?" "Tôi lạy anh mà anh xui, anh thông cảm cho tôi. Tôi đâu ngờ con nhỏ trốn đi! Anh với tôi, bạn bè mấy chục năm rồi, anh biết tôi mà. Tôi đâu lòng dạ nào hại anh!" Ông sui trai cũng hạ hỏa "Nói vậy chứ, tôi với anh...Đơn vị mình còn ai đâu. Thôi, chuyện anh xù tôi vụ nầy cũng chẳng sao. Nhưng bây giờ mình tính sao đây? Không lẽ đi cưới vợ cho con mà không có cô dâu thì mất mặt tôi quá! Hay là anh tìm đại cho tôi một con nhỏ nào đó, đóng tạm vai cô dâu, khi về dưới tỉnh ra mắt bà con, làng xóm xong thì trả nó về. Không ai biết" "Anh tính vậy mà hay. Nhưng gấp quá. Chà! Khó dữ!" "Anh coi mấy đứa trong nhà, có đứa nào mặt mũi sáng sủa một chút, mướn nó, tôi sẽ trả khá tiền".

Hai mẹ con bà hàng bún bò, nãy giờ giả bộ làm việc nhưng dỏng tai nghe hết ráo. Đến khi ông kia nói "trả khá tiền", bà ta sốt ruột vọt miệng nói. "Ông trả bao nhiêu? Tôi cho con nhỏ nầy làm cô dâu giả được không?" Ông sui trai quay nhìn cô hàng cà phê, gật đầu. "Được quá đi chớ! Tôi trả hai trăm" "Hai trăm tiền gì? Được bao nhiêu?" Ông chủ tiệm hủ tiếu mừng rỡ. "Hai trăm là nửa cây vàng đó. Không ít đâu" "Vậy hả. Nhưng tôi giao hẹn trước, xuống đó, ra mắt bà con dự tiệc xong là tôi dẫn con nhỏ về Sài Gòn ngay chứ không có lộn xộn gì cả. Chịu không?" "Được mà bà chị. Bà chị đòi gì tôi cũng chịu hết, miễn là có cô dâu về dưới tỉnh là được" Thế là tất cả cứ rối lên như chạy giặc. Bàn ghế, nồi niêu, son chảo của bà bún bò Huế được lùa hết vào gậm cầu thang tiệm hủ tiếu. Mẹ con bà hàng bún được đẩy gấp lên lầu. Quần áo, phấn son, nữ trang, tròng vào, bôi trét hết cho cô hàng cà phê. Bà hàng bún bò thì diện bộ đồ vía của bà hủ tiếu. Chỉ mười phút sau là các diễn viên đã xong y trang. Tiền trao cháo múc, bà hàng bún đòi ngay hai trăm đô lận lưng cho chắc ăn. Thế là cô dâu giả cũng e lệ, lúng túng bước xuống thang lầu, theo sau là bà bún bò Huế và các cô phụ dâu. Rồi thì cũng lễ gia tiên, cũng diễn văn ngắn gọn của nhà trai, nhà gái, cũng nhẫn cưới đeo tay, đủ mọi thủ tục. Cuối cùng cô hàng cà phê bước lên xe hoa cùng với đoàn hộ tống của nhà gái. Bà chủ tiệm hủ tiếu cũng tháp tùng phái đoàn để khi xong bữa tiệc sẽ thu hồi trang phục, vòng vàng mà bà đã sắm cho con gái là cô Muối. Khán giả tụ tập trước tiệm hủ tiếu ngạc nhiên khi thấy cô dâu không phải là A Muối mà là cô hàng cà phê. Họ bàn tán rồi phịa chuyện nầy nọ để ra điều ta đây biết hết "từ lâu rồi"! Nào là cô Muối bị ép duyên, đòi tự tử nên phải thay người khác làm cô dâu, nào là cô hàng cà phê dụ dỗ được anh chàng Việt kiều, nhưng nhà nghèo quá mới thuê tiệm hủ tiếu làm nhà gái.

Khi xuống dưới tỉnh, quan khách, bà con đều trầm trồ cô dâu đẹp quá. Mà cô đẹp thiệt! Khi là cô hàng cà phê, cô đẹp một, giờ đây, đóng vai cô dâu, cô đẹp mười. Giá như tỉnh tổ chức một cuộc thi sắc đẹp, chắc chắn cả tỉnh sẽ bầu cô là hoa hậu. Hai con mắt và miệng cười của cô, đẹp đến độ anh chàng Dick ngắm mà chóng mặt, không nghĩ rằng đó là cô hàng cà phê. Trong bữa tiệc, theo đúng tập tục của người văn minh tiến bộ, cô cậu đến từng bàn cám ơn quan khách dự tiệc, uống chút rượu bà con ép mời và ôm nhau hôn trước mặt mọi người. Rồi cũng vỗ tay, gõ muỗng lên ly, chén leng keng, tiếng cười nói, la hét của mấy tay say rượu...đủ thứ. Dick đã hoàn toàn quên cô Muối rồi. So với cô hàng cà phê, cô Muối thua xa. Sắc đẹp của cô hàng cà phê hớp hồn chàng Dick còn mạnh hơn cô Muối rất nhiều. Nhưng giây phút thần tiên cũng qua mau. Tối đó, sau khi tiệc tan, ai về nhà nấy thì bà hàng bún bò bảo cô con gái cởi trả nữ trang, áo quần đẹp, (nhất quyết) ra ngủ phòng ngủ ở bến xe để sáng hôm sau về Sài Gòn sớm. Cô hàng cà phê nhìn chàng Dick rơm rớm nước mắt.

Ngay lúc đó lại xảy ra chuyện rắc rối mà không ai có thể ngờ được. Dick không cho cô hàng cà phê về lại Sài Gòn. Cậu lớn tiếng với cha mẹ cậu, đòi cưới thật cô hàng cà phê chứ không phải cưới kiểu giỡn chơi như vậy. Cha mẹ chàng ta lại phải điều đình với bà hàng bún bò Huế, xin cưới thật cô con gái của bà ta. Mấy người buôn bán bao giờ cũng linh mẫn chuyện đầu cơ. Bà ta lạnh lùng lắc đầu, vì bà biết con cá đã cắn câu rồi thì bà cứ thế mà kéo con mồi lên, chiên, kho là quyền của bà. Cha mẹ chàng Dick thấy cô hàng cà phê đã đẹp còn hiền lành, dễ thương nên lại càng quyết tâm cưới cô ta cho con mình. Sau khi được năn nỉ, bà bún bò Huế phán mấy câu. "Ông bà nói vậy chẳng khác gì bắt tôi bán con gái tôi cho ông bà. Mà vợ chồng tôi chỉ có nó là đứa con duy nhất, tôi chỉ muốn nó lấy chồng gần chúng tôi để sau nầy, về già còn nhờ vả được. Ngay hiện tại, nó cũng phụ giúp tôi trong việc buôn bán sanh nhai. Nay ông bà đòi bắt nó về Mỹ, tôi mất con mà chẳng còn ai để nương tựa lúc tuổi già. Hơn nữa, nếu tôi gả con gái tôi cho ông bà thì chẳng khác gì con tôi giành chồng của cô Muối. Thử hỏi tôi có yên ổn mà buôn bán ở đó không? Rồi tôi phải làm sao đây?"

Chỉ mấy lời thôi mà bà hàng đã nêu vấn đề một cách minh bạch. Câu đầu bà gợi ý cho đối phương thấy "chủ đề" ở đây là tiền, mấy câu sau bà quảng cáo món hàng của bà và bà bắt chẹt.

Cha mẹ chàng Dick hiểu ngay điều đó nên đưa ra một cái giá mà họ nghĩ có thể thuyết phục đối phương. Tuy nhiên họ cũng biết văn hoa một chút. Đại ý là họ hiểu tình cảnh bà hàng bún bò, nhưng xin bà yên tâm, khi cô con gái qua Mỹ, nó sẽ gửi tiền về nuôi bà, chồng nó là kỹ sư, tiền bạc dư dã, hiện tại, họ sẽ gửi bà một số tiền để bà tìm chỗ khác, hoặc có thể sang một sạp hàng trong chợ mà buôn bán. Nói trắng ra, họ chồng một số tiền lớn để mua cô gái cho con trai họ. Bà hàng bún không ngờ con gái mình lấy Việt kiều một cách ngon lành, khỏi tốn công, tốn thì giờ mà mình lại ẳm được mấy nghìn đô. Thế là nhà trai lại điều đình với bà sui hụt, mua lại tất cả nữ trang, áo quần mà họ đã sắm cho cô Muối.

Tối đó, Dick và cô hàng cà phê ngủ chung một phòng (riêng).

Kể câu chuyện chồng tôi lấy vợ trên đây để quí vị thấy, rõ ràng vợ chồng đến với nhau là do "tiền định!". Có ai nghĩ rằng cô Muối lại mất chồng sau bao nhiêu công sức, cố mồi chài cho được anh chàng Dick, để rồi "công trình kể biết mấy mươi" trở thành công cốc. Nhưng nguyên nhân vì đâu? Tại sao cô lại không về làm cô dâu để thực hiện chương trình đánh lừa anh chàng Dick ngơ ngáo kia?

Số là tối đó, sau khi nhậu nhẹt say sưa, nhảy nhót tưng bừng cho đến gần sáng, cô Muối cùng tình nhân thuê khách sạn ngủ, dự định sáng mai về cũng còn kịp chán. Muốn cho đêm ân ái thêm nồng nàn, họ phi một đợt xì ke (ma túy), sau đó họ lăn ra ngủ. Đến gần chiều cả hai mới giật mình tỉnh dậy. Cô Muối hối hả lên xe, chạy về.

Xe hoa đã lên đường được hơn nửa giờ rồi./-

Phạm Thành Châu