Tưởng niệm nhạc sĩ Trường Kỳ mất ngày 22 tháng 3 năm 2009.
Nhạc sĩ Trường Kỳ (1946-2009)
Có những lúc ngồi viết bài tôi bỗng thấy cần Kỳ. Ngày trước
(cũng chỉ bảy tháng nay chứ mấy, nghe sao mà xa xôi!), ngồi nơi bàn computer,
tôi biết chỉ cách tôi vài cây số đường chim bay, Kỳ cũng ôm chiếc máy kềnh càng
của anh, có gì cần hỏi về nhạc, tôi nhấc phôn đã có Kỳ ngay đầu dây. Nhà tôi
cũng như nhà Kỳ đều có máy ghi số phôn gọi đến. Dứt hồi chuông, giọng ấm áp của
Kỳ đã nhanh nhẹn hỏi: “Anh Song Thao, khỏe không anh?”. Thường thì sau câu chào
hỏi đó chúng tôi đi ngay vào chuyện muốn hỏi. Cả hai đều biết bạn mình không có
nhiều thời giờ cà kê. Nhưng có những lúc buồn tình, chẳng biết sao mà tự nhiên
thấy cần bạn, chúng tôi gọi nhau tán dóc đủ thứ chuyện. Có những khoảnh khắc,
mọi chuyện đều là chuyện nhỏ, chỉ có những câu chuyện vẩn vơ cùng những tiếng
cười thoải mái của bạn bè là đáng kể. Kỳ khác tôi ở chỗ anh ít cười nhưng có
sao, chính lối nói chuyện thân tình và ấm áp của anh đã thay cho tiếng cười.
Có những lúc, cần một chuyện chi, phôn Kỳ, nghe thấy tiếng lao xao, biết anh
thường nối đường dây phôn nhà vào phôn tay mỗi khi ra khỏi nhà, hỏi ngay: “Ông
đang ở đâu vậy?”. Nhiều phần tôi nhận được câu trả lời: “Đang ở ngoài đường. Có
chuyện chi không anh?”. Chẳng nên xen vào những giây phút đi chơi hiếm hoi của
bạn. Chuyện gì cũng gác lại. Cứ từ từ rồi tính.
Từ từ rồi tính là tính của Kỳ. Hình như chẳng có gì quan
trọng với anh. Bệnh rề rề mà cứ thoải mái như không hề bệnh. Anh giơ vật giống
như cây viết nhưng thực ra là ống chích insulin luôn cắm trên túi áo: “Cứ lụi
một phát là xong!”. Anh đã nhiều lần lụi, xong thật. Anh khoe với tôi đang viết
cuốn sách có tựa đề “Sống Để Ăn”. Ăn là thú vui của Kỳ. Bệnh tiểu đường là trở
ngại cho việc ăn uống nhậu nhẹt. Thường thì người kỹ càng phải cân, phải đếm
từng hột cơm, từng miếng thịt, từng chút mỡ. Kỳ coi những thứ vụn vặt đó như
pha. Cứ bia bọt, rượu chát, nhậu nhẹt như mọi người không bệnh. Ăn xong, vén
bụng lên, lấy cây viết thục một phát vào. Xong! Bụng của Kỳ là một cái trống
loại khá, thiếu gì chỗ lụi, có lụi tới hết đời cũng không hết chỗ! Có lần đi
chơi với nhau tại Toronto, tôi đã giỡn như vậy. Anh cười. Tính làm chi!
Vậy mà có một việc Kỳ tính rất kỹ. Chuyện ăn tiền già. Anh
mong mỏi ngày anh đủ 65 tuổi, được nhập vào giới quý tộc ngồi không mà ăn lương
nhà nước. Cứ như các ông Thượng Nghị Sĩ của Canada. Anh tính kỹ đến nỗi anh
viết một tấm bảng tính ngược từng ngày, kiểu người ta tính countdown cho mỗi
biến cố văn hóa hay thể thao lớn. Anh vẽ ra cái cảnh tới ngày…vinh qui đó. Mỗi
năm cứ tới tháng 12, ăn Noel xong là vù về Việt Nam, trốn cái lạnh càng ngày
càng thấy rét mướt hơn nơi xứ tuyết này. Tới tháng tư, khi trời đất mơn mởn,
con chim trốn tuyết sẽ mò về để hưởng nắng đẹp Montreal. Chỉ cần trên ngàn đồng
tiền già là đủ vi vút bên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, vợ chồng anh có phần hùn trong
một quán cà phê rất sang trọng và đẹp đẽ nằm ngay nơi hồ Con Rùa. Quán Coffee
Cup. Tại đây, trong những lần về Việt Nam anh la cà hàng ngày nơi quán nhà này,
gặp gỡ bạn bè, giới nghệ sĩ hải ngoại cũng như trong nước. Nhiều bài viết của
anh bắt đầu từ cái quán văn nghệ này.
Không biết Kỳ có tin số tử vi không nhưng anh tin số của
anh sẽ sống tới ngoài chín chục. Không biết ai bấm cho anh lá số bảo đảm này.
Số đã định như vậy thì những thứ tạp nhạp như bia, như rượu ăn thua chi. Không
biết Kỳ có bao giờ nhớ tới ông cha căng chú kiết nào đó đã sáng chế ra cái thứ
uống vào là khoái này không nhưng bia là cuộc sống của anh. Bất cứ giờ phút
nào, bất cứ ở chỗ nào, Kỳ cũng có thể xúc miệng bằng hai, ba chai một cách nhẹ
nhàng. Khi có đồ nhậu lại là chuyện khác. Lúc đó Kỳ hình như chưa bao giờ học
đếm cả. Chai nọ dắt chai kia, cứ mặc cho chúng dắt mình. Chúng dắt đi vui như
vậy ngu chi mà không để chúng dắt.
Tôi chưa bao giờ thấy Kỳ xỉn. Hình như anh đã được miễn
nhiễm với bia. Với tay lấy chai bia, xoay cái nút, Kỳ nhắc tôi: “Uống tiếp đi
chứ!”. Bụng tôi thua xa bụng Kỳ. Chỉ hai chai là đủ. Thực ra cũng tội cho cái
bụng. Nó là cái bung xung để vin vào đó mà giấu cái tửu lượng thấp kém của
mình. Vui lắm thêm được nửa chai nữa là đầu tôi đã xoay xoay. Kỳ thì khác. Anh
uống không bao giờ đếm chai. Vậy mà cứ tỉnh bơ. Huyền bảo tôi: “Ông ấy cũng có
khi say đấy chứ!”. Bữa đó trời nắng, Kỳ ới tôi: “Lại nhậu thịt nướng nghe anh.”
Nắng đẩy tôi ra đường. Dân xứ lạnh có một cái tật kỳ quái. Thấy nắng là chỉ
muốn nhào ra đường. Việc gì cũng chẳng thể giữ chân tôi lại được! Tôi lái xe
tới nhà vợ chồng cháu Uyên và Huân. Vợ chồng Kỳ và vài người trong gia đình đã
ngồi tại cái bàn ngoài sân căn nhà rộng lớn của vợ chồng Uyên. Sân cỏ xanh rì
như một tấm thảm. Cái lò nướng cổ lỗ sĩ đã được Huyền mang từ nhà qua. Huyền
không phải là người thích chơi đồ cổ nhưng cái lò nướng này thần kỳ lắm. “Không
biết ai cho em từ ngày mới sang. Thịt phải nướng trên cái lò này mới thơm”.
Thơm thật. Một mùi thơm nức mũi. Mùi thơm kéo mấy chai Heineken ra bàn. Kỳ vặn
cổ những chiếc chai xanh. Mồi nhiều, chuyện vui, cứ tì tì chai nọ dắt díu chai
kia. Mãi khi trời nhá nhem chúng tôi mới ra về. Kỳ hỏi: “Anh lái xe về được
không? Coi chừng mấy anh bạn dân nghe!”. Bữa đó tôi vui miệng nên hình như cũng
đổ vào bụng lượng bia hơn mọi lần nhậu khác. Kỳ không lái xe. Anh đã có tài xế
kiêm bodyguard riêng! Bánh vô lăng của chiếc Camry luôn chỉ biết tới bàn tay
của Huyền. Tôi bước về phía xe tôi. Mấy ngày sau Huyền mới cho biết là tối đó
Kỳ xỉn. Bà xã tôi, chắc dùng trực giác của đàn bà, đã biết Kỳ say. Nhưng tôi
quả thật không biết. Chẳng biết Kỳ có lối say kín đáo hay đống bia nằm trong
bụng đã ngăn cản tôi không biết bạn mình say!
Căn nhà của chàng rể Huân và cô con gái độc nhất Uyên là
một căn nhà đáng nể. Tuần nào Kỳ cũng có mặt tại đây. Không phải vì anh thích
nhà lớn. Anh thường cho biết là anh thích căn appartment thuê nơi đường Drolet
hơn. Nơi đây gần quán ăn Việt Nam, gần chợ Á Đông. Chỉ cần cuốc bộ mấy phút là
có thể bia bọt với bạn bè. Nhưng anh tới nhà con vì mê hai thằng cháu ngoại mà
anh gọi yêu là “hai thằng giặc”. Hai thằng giặc có cái tên gọi ở nhà rất dễ
thương: Caillou và Chou. Tôi cũng hay lui tới với vợ chồng Huân và Uyên nên có
“quen” với hai tên giặc này. Chú em Chou là một chú bé thông minh và có máu
tếu. Nhiều lần Kỳ tới nhà, Chou chưa kịp chào thì Kỳ đã mắng yêu: “Thằng giặc
không chào ông ngoại à?”. Chú bé vòng tay cúi đầu: “Thưa ông…Kỳ!”
Kỳ đi nhiều. Từ Mỹ tới Việt Nam ngang qua nhiều nước khác.
Tới đâu là để lại dấu ấn nơi đó. Những dấu ấn thơm phức mùi bia rượu. Anh về
Việt Nam hoài. Trước khi đi bao giờ anh cũng phải nặn óc ra viết bài trả nợ
trước. Cứ mỗi tuần vắng mặt là vài bài. Bài viết cho các báo ở Canada, ở Mỹ, ở
Úc. Tôi chẳng biết anh viết cho bao nhiêu tờ báo cả thảy. Lại còn bài phát
thanh nữa. Tôi chỉ biết anh nói thường xuyên cho đài VOA. Còn đài nào khác, tôi
không rõ. Cứ cong lưng gõ, giang miệng ra đọc liên miên cho đủ số bài trong những
ngày vắng mặt. Tôi đã từng biết lối trả nợ quỷ thần trước khi đi du hí này. Cực
chi lạ! Chặc lưỡi: có ăn có chịu. Hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai. Thái lai là
cái bàn nhậu ở khắp nơi khắp chốn. Kỳ lê la hết bàn nhậu này tới bàn nhậu khác
trong những dịp đi đây đi đó. Khi về, anh viết bài, in hình, đọc thấy ghét! Bàn
hải sản ở Thái Lan, bàn nghêu sò ốc hến trong một đường hẻm Sài Gòn, bàn cao
lương mỹ vị ở Singapore, bàn nào coi cũng muốn nhảy xổ vào ngồi. Vậy mà không
thấy cái mặt mình, chỉ thấy cặp kính vừa to vừa tròn trên một khuôn mặt đen xì
đen xịt lộ rõ hai hàm răng trắng cười như chọc vào mắt thiên hạ. Người đâu mà
có duyên với bàn nhậu thế không biết!
Kỳ hình như lúc nào cũng đóng va ly. Đi là nghề của anh.
Đúng là nghề thật vì có đi Kỳ mới có những gặp gỡ, những bù khú với giới ca
nhạc, giới viết lách. Từ đó mới ra những bài mang đậm nét Kỳ. Không ai viết như
thế được. Cả trước anh lẫn sau anh. Nhưng đóng va ly không phải là nghề của
anh. Đó là nghề của những người quanh anh. Thường thì là Huyền. Khi không có
Huyền thì là em hay con gái. Kỳ có độc nhất một cô con gái, cũng văn nghệ văn
gừng, thích đọc sách và biết thưởng thức thú vui tinh thần này. Một lần tôi đến
nhà Kỳ trước khi Kỳ về Việt Nam một ngày. Huyền lúc đó đã về Việt Nam từ vài
tháng trước để săn sóc bà cụ trở bệnh. Anh vẫn đang chúi mũi vào màn hình
computer. Hỏi đã sửa soạn gì chưa? Không biết! Bộ cứ may ô quần xà lỏn về hay
sao? Cười. Có mấy cô em lo cho. Tôi nghĩ Kỳ cũng chẳng biết trong va ly có
những thứ gì nữa!
Từ Công Phụng, Song Thao và Trường Kỳ
Kỳ đi nhiều và đón khách phương xa tới cũng nhiều. Trong
một góc phòng làm việc của Kỳ có một chiếc giường mà anh gọi là “giường nghệ
sĩ”. Đó là chiếc giường trông hết sức tầm thường nhưng trên thành giường bằng
gỗ là dấu vết hầu như của tất cả các tên tuổi trong giới ca hát, đàn địch và
viết lách hải ngoại. Tới Montreal là họ tìm tới Kỳ. Mà phần lớn họ đều là bạn
của anh cả. Họ ngủ trên chiếc giường này. Và ký tên trên thanh giường. Tôi đọc
thấy cả trăm tên. Toàn những tên tuổi lẫy lừng. Chiếc giường…lang chạ này dĩ
nhiên không có tôi. Chẳng lẽ bỏ nhà ra đi chỉ để ngủ trên chiếc giường
hạng…sang này! Kỳ có một sáng kiến. Anh bảo tôi leo lên nằm rồi ngồi dậy ký tên
vào. Trong hàng trăm tên tuổi trên đó chắc chỉ có tên tôi là…gian!
Sáng thứ sáu đó, Kỳ cũng xách va ly ra phi trường đi
Toronto. Ra tới cửa, anh thấy khó chịu trong người, mặt mày xanh lét. Đành phải
quay vào. Bỏ vé máy bay. Huyền cạo gió, chăm sóc cho anh. Khỏe lại, anh bỗng
thấy hụt hẫng. Biết làm chi cho hết những giờ phút đáng lẽ ở Toronto này? Anh
kêu bạn tới nhậu ngay tại nhà. Sáng hôm sau, thứ bảy, sau những cú điện thoại
từ Toronto, anh lại xách va ly ra phi trường. Anh đã khỏe chưa mà đi? Huyền
hỏi. Anh bảo khỏe rồi. Có cần em đi theo không? Không, đi làm chi cho mất công,
mai về ấy mà! Ngày hôm sau, Chủ nhật, anh không về mà Huyền phải tức tốc xuống
Toronto. Tin dữ tới lúc xế trưa. Anh chẳng bao giờ về nữa. Huyền kể lại. Phải
chi có em đi theo thì đâu đến nông nỗi này. Bệnh của anh ấy, em biết. Chỉ là
đường xuống quá, mệt. Khi xe cứu thương tới Kỳ còn nói chuyện tỉnh bơ với mấy
bác sĩ và y tá trên xe. Phải chi lúc ấy Kỳ đừng tỉnh quá thì việc cấp cứu chắc
khẩn cấp hơn nhiều. Khi đường xuống chỉ việc cho ăn một viên kẹo hoặc uống một
ly nước ngọt là tỉnh lại ngay. Kẹo thì lúc nào Kỳ chẳng có trong túi. Chỉ một
cái với tay là anh đã bám lại được cuộc sống. Cái với tay định mạng đó, Kỳ đã
không làm được. Hệ lụy cũng từ đó.
Khoảng ba tháng sau ngày Kỳ mất, vợ chồng tôi đi chợ và
tình cờ gặp Huyền. Một Huyền xác xơ không trang điểm trong bộ đồ đen với chiếc
băng trắng trên ngực. Tụi tôi rủ Huyền tìm chỗ ngồi nói chuyện. Huyền thật thà.
Em đi tới bao giờ cũng được. Em không muốn về nhà. Em sợ cô đơn. Căn appartment
trên lầu ba của một căn nhà gần khu chợ Việt Nam mà vợ chồng Kỳ thuê nay đã trả
lại chủ nhà. Cũng là chỗ thân tình. Người bạn của gia đình này bảo Huyền cứ ở
miễn phí tới bao giờ cũng được nhưng Huyền từ chối. Huyền sợ sự vắng mặt của Kỳ
trong căn appartment đầy kỷ niệm đó. Nhưng thỉnh thoảng Huyền vẫn về, lên lầu,
nhìn qua chốn cũ, khóc và xuống nhà bạn ở lầu dưới ngủ lại đêm. Nơi ở chính của
Huyền bây giờ là một tầng lầu của cô em gái dành cho Huyền. Nhà nằm gần nhà thờ
Kỳ vẫn thường hay đi lễ và là nơi Kỳ nằm ngay ngắn vào nhà thờ lần cuối cùng
trong chiếc hộp gỗ cuối đời. Huyền đôi khi phải chạy trốn ra ngoài vì cái tội
khóc nhiều quá. Chẳng lẽ cứ triền miên khóc trong nhà em gái. Huyền đã nhiều
lần, trong những lúc tuyệt vọng, lái xe ra công viên gần nhà, khóc và la hét
cho thỏa niềm đau.
Trả lời vợ chồng tôi, Huyền nói tên một tiệm ăn mà không
suy nghĩ. Hầu như từ trong tiềm thức bật ra. Đó là tiệm ăn…nhà của Kỳ. Một tiệm
ăn món Bắc với canh thiên lý, bún ốc, bún riêu, rựa mận và nhiều món ăn đặc
biệt Bắc kỳ khác. Anh thường tới đây như người nhà. Nói quá một chút thì đây
là…phòng ăn của anh. Cứ rủ bạn bè đi ăn là anh mang tới đây. Trong tiệm có hình
những khách phương xa của Kỳ. Thường là những ca sĩ quen mặt quen tên. Khi
Huyền vừa nghe tin Kỳ mất ở Toronto, tiếng phôn reo. Ông chủ quán ăn thân thuộc
này gọi Kỳ tới ăn món đặc biệt Kỳ thích mà ông vừa nấu xong. Huyền nghẹn ngào
không biết nói sao. Lòng còn đang quặn, chán chường chẳng muốn báo tin cho ai,
Huyền ư hử trả lời sẽ bảo Kỳ tới. Kỳ sẽ chẳng bao giờ tới nữa. Bữa Kỳ nằm trong
nhà quàn, tôi thấy một vòng hoa của quán này. Kỳ trông ngầu như vậy nhưng rất
có duyên với mọi người. Ai biết cũng mến. Bữa giỗ trăm ngày, bàn thờ Kỳ khói
hương nghi ngút cũng có mặt món ăn đặc biệt của Kỳ do ông chủ nhà hàng mang
tới. Khi được tôi hỏi, cũng như từ tiềm thức, Huyền gọi món cháo lòng, món hẩu
của Kỳ. Tô cháo lòng này thật là lòng.
Huyền tuôn ra hết cõi lòng từ mấy tháng vắng Kỳ. Hình như
Kỳ không chết, không vĩnh viễn đi xa. Hình như Kỳ chết thật rồi, chết trong
chiếc quan tài có Huyền vật vã như người khi tỉnh khi điên. Khi tôi tới với Kỳ,
anh nằm xuôi tay giữa không biết bao nhiêu là vòng hoa của bạn bè. Huyền nước
mắt ngắn nước mắt dài, mếu máo bảo tôi: anh thấy không, anh ấy nằm như ngủ vậy
thôi. Chỉ một tích tắc sau: anh Song Thao tới thăm anh này, sao anh không dậy, sao
anh cứ nằm yên đó! Huyền trong những ngày Kỳ ở trong nhà quàn là một Huyền
không thật. Hình như Huyền cũng lãng đãng nơi nào đó. Nơi có Kỳ. Anh ơi! Anh
bảo anh sẽ sống để làm đám cho em rồi anh mới đi, sao bây giờ anh dối em anh đi
trước. Một mình em, em biết làm sao sống!
Kỳ là người vô ý. Chẳng bao giờ lo trước chuyện chi. Ngay
chuyện bỏ đi luôn cũng chẳng hề sửa soạn cho người ở lại. Huyền sống nép vào
Kỳ, không lo một chuyện chi. Tự nhiên anh ấy ra đi, em rối bời chẳng biết
chuyện gì. Chuyện Kỳ làm, không biết. Chuyện ngân hàng, tiền bạc, không biết.
Chuyện bill tháng tháng, không biết. Chuyện đời sống, không biết. Chỉ biết chạy
ra chợ thực phẩm gần nhà mua về nấu món ăn Kỳ ra thực đơn mỗi ngày. Hệ lụy Kỳ
để lại là một đống loạn xà ngầu. Bộ nhớ của chiếc computer Kỳ làm việc vẫn giữ
kín những tư liệu chỉ có Kỳ mới biết chỗ nào giải mã ra. Anh ấy viết gì, nói gì
em đâu có biết. Huyền định in cuốn “Tuyển Tập Nghệ Sĩ “ Kỳ đã hoàn tất nhưng
chưa kịp in mà không biết nó nằm trong xó nào của chiếc máy câm nín. Tôi chỉ
biết Kỳ đã có liên lạc với nhà in. Tôi phôn cho nhà in may ra Kỳ có gửi qua rồi
chăng. Kỳ chưa gửi. Mớ bòng bong Kỳ để lại rối tinh lên. Đành để moi dần ra
vậy. Kỳ ơi, cậu chơi nhiều trò nhức tim cho vợ con, bè bạn quá đấy nhé. Tôi
mường tượng ra cái cười phớt tỉnh của Kỳ: chuyện nhỏ!
Sống như Kỳ là sống hết mình. Cuộc sống phơi bày ra những
hấp dẫn của nó, mình phải hưởng chứ. Bỏ qua là phí, dại! Kỳ mặn mà với cuộc
sống trong lối sống của anh. Như một bản nhạc. Cứ tình tang. Chẳng biết trong
một lúc nào đó, Kỳ đã dặn là đám tang anh phải là một đám tang…vui! Phòng tang
lúc nào cũng dìu dặt tiếng nhạc. Những bản nhạc anh đã sáng tác, đã đặt lời
Việt, đã được vang lên từ bao nhiêu năm, ngày xưa tại quốc nội cũng như ngày
nay tại cả quốc nội lẫn quốc ngoại. Nhạc trong tang lễ tại nhà thờ cũng là loại
nhạc của anh. Cả tâm hồn anh, cả cuộc sống anh trong những dòng nhạc đó. Nó
theo anh tới tận những giờ phút chót trước khi thân xác anh thành cát bụi.
Trong cuộc sống trên sáu chục năm nơi trần thế hình như Kỳ luôn coi thường cái
chết. Nó sẽ đến, nó ắt phải đến, vậy thì coi nó như ne pas! Chuyện nhỏ!
Vậy thì chuyện nào mới là chuyện lớn? Tôi nghĩ là đối với
Kỳ làm gì có chuyện lớn. Có lẽ tôi nhầm. Trong tang lễ của Kỳ, vị linh mục thân
thiết của gia đình đã nhắc tới Kỳ như một người hiền lành đạo hạnh. Tôi thấy
hình ảnh Kỳ được nhắc tới trong nhà thờ như một hình ảnh xa lạ. Xa lạ đến nỗi
tôi chẳng bao giờ nghĩ tới. Anh tin nơi Chúa. Anh vẫn thường nhắc câu: Khi
Chúa đóng một cánh cửa thì Ngài sẽ mở ra một cánh cửa khác. Đây là một câu
trong Phúc Âm. Tôi vốn ít đọc Phúc Âm nên không rõ câu này ở đoạn nào, sách
nào. Đó là câu mà trong cuộc sống thường nhật với Huyền, Kỳ vẫn thường nhắc mỗi
khi có chuyện lo lắng. Nghe ra rất…đạo, nhưng cái tính tếu khiến anh nói thêm:
“Miễn là ông ấy không quên. Ông ấy mà quên thì bỏ mẹ!”.
Ngày giỗ trăm ngày anh, tới nhà, tôi thấy một tấm bảng gỗ
chạm trổ thật đẹp treo trên tường. Ngay gần phía cầu thang lên xuống. Chính
giữa là câu Phúc Âm trên. Hỏi ra mới biết chính Kỳ đã thuê khắc câu này khi anh
về Việt Nam.
Khi Chúa đóng một cánh cửa, Ngài sẽ mở ra một cánh cửa
khác. Kỳ đã tin như vậy. Cánh cửa sống của Kỳ đã đóng lại, cánh cửa khác đã mở
ra. Kỳ ơi, nếu cậu có đi qua cánh cửa khác thì nhớ đừng đóng lại. Cứ để mở cho
bạn bè. Đằng sau cánh cửa đó không có bia Heineken nhưng chắc chắn vẫn có tình
bạn, rất đầy!
Song Thao
11/2009
Trích tuyển tập “Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng” gồm nhiều bài viết của bạn bè về người nhạc sĩ quá cố.