13 April 2018

MỘT CHÚT VĂN KHOA SÀIGÒN NĂM 60 - Nguyễn Văn Sâm

Sau một vòng dạo đường sách, con đường nay được coi như bộ mặt văn hóa của thủ đô Sàigon, với nam thanh nữ tú, với du khách thanh lịch, với người có nhiều ái lực với văn chương… chúng tôi vào quán cà phê ngồi vừa nói chuyện về những quyển sách xưa nay mà cả hai cùng thích vừa ngắm hoạt cảnh sau cửa kiếng. Người chơi sách trẻ đi cùng chợt hỏi giọng rụt rè ‘Bác có quen với nữ văn sĩ Nguyễn thị Hoàng không, cháu nghĩ là cô Hoàng đồng thời với bác’.
Câu hỏi làm quá khứ hiện về trong trí với khu Đại Học Văn Khoa chật hẹp ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Gia Long một thời tuổi trẻ chúng tôi. Thời chưa có xuống đường ồ ạt của tuổi trẻ tự dấn thân hay bị giật dây, chưa có những biến động chánh trị thay chúa đổi ngôi như chong chóng, người sinh viên chúng tôi chăm chú vào việc trau dồi kiến thức để tạo lập hành trang cho chính mình trước khi thiệt sự bước chưn vào đời. Thời của những vô tư với tiếng súng đì đùng thiệt xa ngoài kia, mơ hồ sương khói. Thời người sinh viên chưa lo lắng về tấm Giấy Gọi Nhập Ngũ của Chuẩn Tướng Bùi Đình Đạm sau nầy khi chiến tranh đã lên cao điểm. Tôi trả lời thiệt tình:

Đồng thời thì đúng nhưng quen biết thân tình thì chưa được cơ duyên.’ 

Ánh mắt ngạc nhiên dò hỏi của người bạn trẻ chiếu thẳng lên tôi rồi quay qua chỗ khác liền. Anh có vẻ ngạc nhiên về lời thú nhận của tôi. Trầm ngâm một lúc hèn lâu tôi mới nói như tâm sự:

‘Nữ sĩ cùng trạng tuổi, cùng một lớp ở trường năm ấy nhưng lúc đó như có một sự cách biệt lớn giữa nhóm nam sinh viên ‘nhà quê’ chúng tôi với nhóm các cô ‘rất sang trọng’ ấy.’

Nói tới đây tôi chợt nhớ đến ba nhóm nữ sinh viên chơi thân với nhau, mỗi nhóm chiếm lĩnh một vị trí trong giảng đường 1 ngoài sau cầu thang, ngó qua khu đất trống sau nầy biến thành Thư Viện Quốc Gia mà nay là Thư Viện Tổng Hợp của thành phố Sàigòn. Thuở ấy, không biết từ bao giờ, chúng tôi có qui ước bất thành văn là hễ có quyển tập, túi xách nào đặt lên bàn có nghĩa là ghế đó đã có người. Và không ai tranh cãi dầu cho nhiều khi ghế xí phần đó không ai vào ngồi. Thông lệ mỗi nhóm nữ thường cắt ra hai cô đi rất sớm xí chỗ trước. Với ba nhóm của các cô, bọn nam sinh viên chúng tôi dầu đi sớm cách mấy cũng thường đành chịu ngồi phía sau. Xa thầy, giảng đường bao la, nghe bài giảng tiếng được tiếng mất cũng đành chịu, chẳng lẽ xen vào giữa những tà áo dài đầy màu sắc ấy. ‘Coi sao được’. Chúng tôi bảo với nhau như vậy và chấp nhận ngồi phía sau, bất lợi về mặt thâu lượm kiến thức nhưng được cái là có dịp chiêm ngưỡng những cái ót trắng đẹp, những lọn tóc lòa xòa cố ý, những mái tóc thề cắt ngang rất thẳng hay những tà áo hở chút vai gần cổ… để trí tưởng tượng có dịp vân du phiêu bồng…

Tôi nói hơi chi tiết để người bạn trẻ hiểu:

‘Năm 1954, đất nước bị chia hai. Nỗi đau buồn vì vận nước ai cũng có, nhưng rồi chánh quyền trách nhiệm phần đất của mình phải bắt tay thực hiện những gì cần thiết để tạo thành một quốc gia. Trường Đại Học Văn Khoa trước đó Miền Nam chưa có, được thiết lập từ một bộ phận giáo sư ít ỏi bỏ Miền Bắc vào Nam. Sau một thời gian chấn chỉnh, khai giảng năm đầu tiên 1955-1956, với một vị Hán học thâm niên làm Khoa Trưởng. Mấy năm sau đó, vào niên học 1960-1961 mà chúng tôi hân hạnh tham dự, trường tương đối đã đi vào nền nếp với vài ba vị tiền bối được cấp văn bằng cử nhân là văn bằng cao nhứt lúc đó như Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, Phạm Thế Ngũ, Lê Hữu Mục, Trịnh Văn Thanh… và một người là Thích Nhất Hạnh sau nầy. 

Giáo Sư Khoa Trưởng thời 1960 là cụ Nguyễn Huy Bảo, một người theo Tây học. Cụ không đồng ý loại bỏ hẳn ảnh hưởng của Pháp nên tổ chức năm thứ nhứt Văn Khoa gồm hai hệ: Dự bị Việt dành cho sinh viên học chương trình Việt dưới Trung học và Dự bị Pháp, dành cho sinh viên trước đây theo chương trình Pháp, gọi là lớp Propédeutique française. Nói thì nói vậy, nhưng ai muốn ghi danh hệ nào cũng được, tùy theo ý thích của mình. Năm thứ nhứt chia như thế nhưng sinh viên sau khi học xong thì theo hệ thống chứng chỉ, chọn những chứng chỉ nào mình nghĩ là phù hợp để hoàn tất văn bằng cử nhân sau bốn chứng chỉ. Lúc nầy hai hệ đã hòa lẫn nhau vì nhiều chứng chỉ có cả giáo sư Việt và Pháp, nhứt là các chứng chỉ thuộc nhóm Địa lý, Lịch sử và Triết học.

‘Hình như là cô Ngô Đình Lệ Thủy học Dự Bị Pháp năm đó. Bác có nhớ gì về cô ấy không?’

Tôi mơ màng, trầm ngâm khi nhớ đến sự bất hạnh cuối đời của người thiếu nữ duyên dáng nầy:

‘Lệ Thủy học Dự Bị nhưng sau nầy kìa, hình như là niên khóa 62-63. Vì có hai lớp Dự Bị nên các sinh viên gọi là cùng học năm thứ nhứt nhưng cách biệt lắm. Dân Dư Bị Pháp hào hoa sang trọng, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp lưu loát, giọng Pháp chuẩn vì họ học ngôn ngữ nầy từ nhỏ, sử dụng tiếng Pháp hằng ngày với dàn giáo sư hầu hết từ Pháp qua. Họ ghi tên nhưng với tâm trạng tạm thời để chờ ngày đi du học Pháp, Anh. Dân Dự bị Việt thì nhà quê hơn, ít thời thượng và nói tiếng Việt. Tương lai của họ là ở trên đất nước nầy nhưng vì trở ngại ngôn ngữ nên các trào lưu văn học và triết học Âu Châu chỉ biết sơ sài. Tôi thuộc lớp nhà quê nầy mà là nhà quê bực hai vì mình ngố giữa đám đông các bạn thuộc gia đình tương đối giàu, ăn mặc đúng kiểu: Giày da bóng, quần jean bằng vải nhung mới, lúc đó chưa có mode xé rách đầu gối hay cắt cụt tối đa như bây giờ, áo Montagut mỗi ngày một màu trang nhã, sơ mi dài tay, manchette double có gài nút đắt tiền… Họ nói chuyện văn chương triết lý cao xa từ những quyển sách mới xuất bản, ít người biết, được gởi thẳng từ Pháp về qua nhà sách Việt Bằng ở đường Lê Lợi… Họ ăn uống ở nhà hàng Thanh Bạch, La Cave hay ngồi ghế cao cẳng trong khu cinéma Lê Lợi thưởng thức cà phê phin, ăn bánh mì chiên xịt maggi nhập cảng, hoặc cầm tay đào dạo passage Eden, khu phố Charner (sau nầy là passage Tax), ngồi nhà hàng La Pagode, Givral, Pole Nord tán gẫu trong những giờ không có lớp…’

‘Và cô Ngô Đình Lệ Thủy?’

‘Đó là một cô gái tương đối đẹp. Nhu mì, mềm mỏng. Lúc nào cô cũng có ba bốn người hộ vệ, họ không dữ dằn hay vô phép gì nhưng luôn luôn ngó chừng với cặp mắt nhà nghề lưu ý ai đến quá gần ái nữ của ông cố vấn họ Ngô Đình. Thường bọn nhà quê chúng tôi kháo nhau hôm nay có Lệ Thủy đi học và đến nhìn. Bao giờ cô ấy bị ai đó nhìn nhiều thì đều mỉm cười gật đầu chào thân thiện rất Tây phương để người đó biết ý mà tiến tới làm quen hay lãng xa.’

Người bạn trẻ ranh mãnh với nụ cười nửa miệng:

‘Bác có được chào thân thiện?’

‘Dĩ nhiên là có, vài ba lần vì tò mò, nhưng đến gần để làm quen thì không. Mình vốn nhát làm quen với bất kỳ ai, vả lại cũng sợ cô ấy xổ tiếng Tây mình ú ớ mặc dầu các bạn đều quả quyết rằng với người không quen cô ta đều nói tiếng Việt.’

‘Hai hệ thống giáo dục làm phân cách một thế hệ thanh niên cùng thời đại… !’ Người bạn trẻ của tôi trầm ngâm một lúc rồi đưa ra nhận xét.

‘Không ai muốn có hai hệ thống giáo dục trong một nước. Ngày đó có hiện tượng tréo ngoe nầy vì hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc đương hiện diện cần thời gian để được thay thế sau khi nước nhà độc lập, thời gian đó chưa thực sự dứt điểm.’ 

‘Vậy mà bây giờ chúng ta đương có hai hệ thống!’ Tiếng người trẻ tuổi thoát ra mau như tên bắn nhưng với giọng buồn như tiếng than. 

Tôi trầm ngâm một lúc lâu, uống nhiều hớp nước mới nhỏ nhẹ:

‘Do sự phân cách quá xa giữa các đại gia giàu xụ dính dáng đến chế độ và lớp dân đen cùng đinh nghèo khổ kiếm từ ngàn, nuôi con được đi học là may!’ Tôi lơ đãng ngó ra ngoài rồi chuyển hướng câu chuyện: ‘Hình như chúng ta đi lệch đề tài lúc ban đầu. Em hỏi về nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng?’

Người thanh nên gật đầu bẽn lẽn.

Tôi tiếp moi từ ký ức xa xôi của hơn nửa thế kỷ lâu ngày nằm yên trong não bộ.

Nguyễn Thị Hoàng
‘Nếu Văn Khoa được nhắc đến nhiều vì có Ngô Đình Lệ Thủy sau nầy thì trước đó hai niên khóa đã có Nguyễn Thị Hoàng. Dĩ nhiên là trong cái nhìn chủ quan của tôi và vài ba người bạn tôi lúc đó. Chị ấy có cái đẹp mặn mà, sang trọng. Chúng tôi thấy nét quí phái của chị trong từng cử chỉ nghiêm trang hay trong nụ cười thân thiện. Cùng học một lớp nhưng hầu hết bọn tôi đều coi chị như một người đàn chị trong dáng đi điệu đứng hay cách nói chuyện với bạn bè nam cũng như nữ. Tất niên năm đó, nhớ không lầm, thì chị đứng lên ứng khẩu bài nói chuyện bằng tiếng Anh rất lưu loát. Giáo sư Mc Kenzy, người Tân Tây Lan dạy môn Anh Văn cho năm Dự Bị Việt chúng tôi đã đeo theo nói chuyện với chị hàng giờ liền. Trong nhóm bạn của chị Hoàng có vài chị cũng đẹp và giỏi Anh ngữ, họ đối đáp với thầy mà tôi tưởng là họ thuộc nhóm theo hệ Dự Bị Anh. Các chị ấy hầu hết sau nầy đều tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Anh văn hay cử nhân Anh văn dễ dàng. Có một chị rất thành đạt tôi gặp ở Houston, Texas. Mấy chị khác hầu hết lập gia đình với những người có chức phận nên ít xuất hiện, họ không trở thành người của đám đông.’

‘Thầy giáo nói chuyện quá lâu với sinh viên có bị tai tiếng cho hai phía như thời nay?’

‘Có bạn thời đó như anh Nguyễn Tăng Uyên sau nầy dạy ở trường Sư Phạm Cộng Đồng Long An, quả quyết với tôi là GS. Mc Kenzy say mê một bóng hồng trong nhóm, tôi xin không nói ra là ai. Chuyện xa xưa rồi, xác nhận rõ ràng chẳng ích lợi gì. Khoảng cách thầy trò chưa đầy 10 tuổi là yếu tố để gánh những tiếng xì xầm. Một người bạn khá thân của tôi lúc ấy là anh Trương Kim Chung (đã mất) lại quả quyết có chị Bích T. thích ông Mc Kenzy. Hai năm sau gặp lại, anh vẫn xác nhận điều đó, tuy rằng hai người trong cuộc chẳng tiến xa gì hơn, ông thầy Anh văn của chúng tôi về nước liền sau niên học ấy…’

Tôi thấy mình không nên đi quá chi tiết cá nhân:

‘Tại sao em hỏi về nhà văn Nguyễn Thị Hoàng?’

‘Em muốn xin vài chữ ký cho bộ sưu tập tác phẩm có chữ ký của những nhà văn tên tuổi Sàigòn độ trước. Chữ ký của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng rất khó tìm, kể cả sách từ trong tủ của cụ Vương Hồng Sển hay của GS Nguyễn văn Trung.’

‘Chị Hoàng rời trường sớm để trở thành một hiện tượng văn nghệ thời đó…’

‘Vòng Tay Học Trò đăng trong tạp chí Bách Khoa xôn xao một thời…’

‘Tôi nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã phát pháo cho phong trào các nhà văn nữ viết mạnh, dám nói những điều thầm kín mà các cây bút trẻ trước đây khi muốn viết cũng phải ngập ngừng. Những Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trần Thị NH., Âu thị Phục An và cả Lệ Hằng có thể nói là đã tin tưởng hơn những gì mình sắp viết sau khi Vòng Tay Học Trò ra đời.’

‘Ngay cả Chu Tử với những đề tài liên quan nhiều đến phụ nữ trẻ cũng là chịu ảnh hưởng xa gần của nhà văn Nguyễn thị Hoàng.’

‘Bác nghĩ sao về trường hợp Lê Xuyên với những nhân vật nhí nhảnh và nói năng liều mạng như Phấn và mấy cô gái khác trong những tác phẩm của ông (?)’

‘Nhà văn nam chịu ảnh hưởng cách khác, nhà văn nữ chịu ảnh hưởng cách khác. Nam chú trọng đến ‘hành vi buông thả’, tới ‘lời nói bán trời’ của các cô gái, nữ chú trọng đến ‘nội tâm’ của người hành động và ‘những biện minh cho hành động của mình’. Dầu thế nào đi nữa họ cũng cảm thấy sao sao ấy khi cho nhân vật mình có những hành vi đi quá hơn cái bình thường của thời đại. Sao sao ấy là sự trói buộc, là những cấm kỵ theo quan niệm đạo đức của xã hội đương thời. Nhìn chung người phụ nữ trong văn chương thời thập niên 60 đã được cởi trói về mặt tính dục qua sự phát pháo của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, dầu là còn giới hạn, chưa tung hê tất tật như Hồ Xuân Hương ngày trước hay như hai ba nhà văn nữ nổi tiếng viết bạo dơ dáy quá đáng ở hải ngoại hay trong nước gần đây.’

‘Chắc là những người nầy muốn đi đường tắt vào văn học.’

Tôi cười nói rằng em phê như vậy là quá đáng, khi phê bình không được hạ nhục người ta.

Người đối thoại trầm ngâm trong bối rối. Tôi hớp từng ngụm nhỏ ly cà phê đen trước mặt, nhớ đến những vị thầy của thời xưa đã góp phần đào tạo trí thức cho chúng tôi. Cụ Sa Minh Tạ Thúc Khải dạy Hán văn quá cao vì chú trọng đến nguyên nguyên cả bài thơ. Cha Larre, dạy Hán Văn quá thấp vì muốn cho học trò có căn bản ngay từ bước đầu, cụ Vương Hồng Sển suốt năm dạy không thấy có một chương trình cụ thể nhưng đã đem cho họ trò những kiến thức đặc biệt không dễ gì có. Tôi nghĩ đến cụ Sển mà ngờ ngợ, không nhớ rõ cụ dạy chúng tôi năm Dự Bị hay năm chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm. Tôi cũng nhớ đến bà GS. Quách Thanh Tâm và phụ khảo Nguyễn Thị Bình Minh kẻ tung người hứng môn địa lý nhân văn rất khác lạ đem lại thích thú cho người học. Cụ Nguyễn Đăng Thục, thầy Nguyễn Khắc Hoạch đã giảng với sự sâu xa và đầy hứng thú đã mê hoặc một số sinh viên sau nầy đi vào con đường nghiên cứu của các thầy… Tất cả đều có thể đã quá vãng, sáu mươi năm học trò còn chịu không nổi cái búa của thời gian huống chi là thầy lớn hơn trò tròm trèm ba chục tuổi. ’

‘Bác có không vừa lòng ai trong số các Giáo Sư thời đó?’

‘Chúng tôi thời đó rất trọng thầy. Ai mình cũng thấy xứng đáng là nhà mô phạm, xứng đáng là người hướng dẫn tâm hồn. Cho tới bây giờ sự kính trọng đó vẫn còn, mặc dầu có trường hợp sau nầy chánh kiến khác nhau như vị thầy đã thoát ly theo MTGPMN hay vị thầy quá ủng hộ chế độ mới và nhận được nhiều ân sủng. Chỉ có điều là sinh viên Văn Khoa là những người thích đọc sách. Trong hai năm chót của Trung học họ đã thủ đắc một số lớn kiến thức sách vở, trong năm Dự Bị họ lại có thời giờ nghiền ngẫm một số lớn tác phẩm danh tiếng đương thời nên nếu vị giáo sư nào ít chuẩn bị bài dạy hay chỉ lập lại theo sách xưa mà không có ý kiến gì đặc biệt hoặc vô lớp chỉ đọc bài, không giảng thêm, thường bị sinh viên có cái nhìn hơi khang khác, khang khác nhưng không có nghĩa là không kính trọng.

Lớp tôi thời đó, sau nầy vài ba năm nổi về mặt truyện ngắn truyện dài thì có Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh… là những người tôi biết, về mặt thi ca thì là các nhà thơ Tạ Ký, Hữu Phương, Hải Phương, Trần Văn Nam… Những người thành danh trên đường nghiên cứu nhận định thì có Đặng Tiến, Bửu Ý bên Dự Bị Pháp, Nguyễn Thiên Thụ, Trần Nhựt Tân bên Dự Bị Việt. Đó là chưa kể hơn 80% sinh viên năm đó sau nầy trở thành những nhà giáo, có người rất nổi tiếng dạy hay dạy giỏi kể không thể hết. Điều đó cho em thấy nền giáo dục trưóc đây đã đào tạo ra rất nhiều những con người có năng lực đích thực. 

Người trẻ trước mặt lại hỏi bằng mắt kèm theo nụ cười hóm hỉnh. Tôi làm như không biết, chuyển đề tài:

‘Tôi muốn hỏi em: Với kinh nghiệm của người sưu tầm sách, em thấy sách của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng có giá trị không và tại sao?’

‘Sách của cô ấy được giới sưu tập ưa chuộng vì trình bày đẹp, văn vừa quá mượt mà lãng mạn vừa mang khí vị trí thức, hai điều dường như khó tương hợp.’

Tôi trầm ngâm. Tài là ở chỗ đó. Mượt mà đến mê hoặc. Trí thức tới đáng ngưỡng mộ. Khi tác phẩm của chị tràn ngập thị trường, mặc dầu đã tốt nghiệp cử nhân, tôi đọc vẫn thích thú vì mình học hỏi được nhiều điều về nội tâm bí ẩn và phức tạp của người phụ nữ. Đọc văn chị tôi thấy tâm hồn mình mới ra. Những truyện ngắn viết nhân chuyến đi Nhật Bản của chị có thể coi như những tùy bút tuyệt vời. Tôi thật sự bị cuốn hút trong vòng tay ma mị đó, theo tôi Nguyễn thị Hoàng là một hiện tượng độc đáo của văn học Miền Nam thập niên 60.’

Tôi gật đầu xác định khi thấy người bạn trẻ thích thú về nhận định của chính mình:

‘Nhà văn không phải muốn tạo nên dấu ấn của thời đại mà được. Dấu ấn đó được tạo thành bằng bản sắc cộng với những suy nghĩ đi trước thời đại và được thực hiện bằng quyết tâm chắc nịch.’

Bên ngoài nhà hàng, Đường Sách càng lúc càng vui. Nhiều người xoải chưn, dang tay chụp hình. Nhiều phụ nữ áo quần thời thượng đang tạo dáng đứng ngồi, tạo nụ cười tươi mát huyền hoặc trước máy ảnh. Quày sách bên kia đường hình như có chuyện xin chữ ký khi vài ba khách bước ra tươi cười coi tới coi lui trang đầu một quyển sách cầm tay.

Tôi bỗng có ý ước ao được nói chuyện mặt đối mặt với người học cùng thời với mình cách nay hơn nửa thế kỷ khi thấy rằng lớp trẻ bây giờ dầu hoàn cảnh xã hội đã khác xa với sáu mươi năm trước vẫn có cái nhìn công bằng về toàn bộ tác phẩm của chị. Móc điện thoại ra gọi con số mà một người quen đã trao cho, tôi chờ nghe tiếng chuông reo trong hồi hộp. Thời gian và không gian tạo sự phân cách chăng? Con số lạ sẽ làm chị e dè không bắt máy?

Và tôi rất vui mừng khi nghe giọng nói thân thiện của chị, cái giọng Huế pha Nha Trang dịu dàng như hồi nào dầu tôi chưa sử dụng tới lá bùa là người bạn học cùng thời, nhưng câu chuyện về một thời Văn Khoa xưa cũ từ mấy mươi năm trước thì cứ như mạch trào giữa hai người bạn đã từng tắm chung một dòng sông tuổi trẻ, từng loanh quanh giữa sân trường Đại học hồi nửa thế kỷ qua mà họ chưa bao giờ được dịp đối thoại nhau, dù chỉ một lần.

Gác máy lâu rồi tôi vẫn còn thấy ấm bàn tay, lại thêm một yếu tố đáng cho ta mến mộ, nhà văn nữ có chơn tài nầy qua bao nhiêu bầm dập do bất công của đời và dư luận rỗi hơi vẫn không đánh ngã được chị, ít ra khi nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng trong dòng văn học thời đó, người ta vẫn còn nhớ đến người phụ nữ mảnh mai như liễu rũ mà không yếu đuối ngã rạp trong sóng gió cuộc đời.


Nguyễn Văn Sâm
(Sàigòn 03, 2018)