Cao Xuân Huy và tác phẩm của ông viết về cuộc di tản khỏi
Huế cuối tháng 3/1975
Tựa bài viết này cũng là tên một tác phẩm của Cao Xuân Huy,
một sĩ quan Thuỷ quân Lục chiến, viết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở miền
Trung Việt Nam, nơi ông chiến đấu cho đến khi cùng nhiều đồng đội bị bắt làm tù
binh vào cuối tháng 3 năm 1975.
Với nhiều người Việt, nhất là những người lính Việt Nam Cộng
hòa thì tháng 3 năm 1975 đánh dấu sự bắt đầu một khúc quanh lịch sử, với Ban Mê
Thuột rơi vào tay bộ đội cộng sản ngày 10 tháng Ba, từ đó lãnh đạo miền Nam có
những quyết định di tản chiến thuật sai lầm đầy máu và nước mắt, từ cao nguyên
về Nha Trang, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để rồi dẫn đến một ngày cuối tháng Tư đau
buồn.
Tác phẩm “Tháng Ba gãy súng” được xuất bản năm 1985, sau khi
tác giả vượt biển và được định cư tại Mỹ năm 1983.
Cao Xuân Huy nhập ngũ năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi,
theo lệnh tổng động viên được ban hành ở miền Nam sau các đợt tấn công của cộng
sản vào Tết Mậu Thân.
Đây là cái nhìn về những ngày cuối của cuộc chiến
tranh Việt Nam qua con mắt của một sĩ quan trẻ thuộc một đơn vị được coi là
tinh nhuệ nhất của quân đội cộng hòa, của cựu trung úy Đại đội phó Đại đội 4,
Tiểu đoàn 4 Thuỷ quân Lục chiến.
Trong lời mở đầu của tác phẩm, tác giả viết: “Tôi không phải
là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của
danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu
chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.”
Câu chuyện được ông ghi lại là khoảng thời gian từ 15 tháng
Ba, lúc tác giả đang nghỉ phép ở Sài Gòn và tìm cách trở về đơn vị hiện đóng
quân ở cây số 23 phía bắc Huế, cho đến ngày 27 tháng Ba, khi ông theo đoàn tù
binh gồm những người lính Việt Nam Cộng hòa vừa bị bắt sau một cuộc rút lui vô
cùng ngỡ ngàng theo lệnh cấp trên.
25 tháng Ba, 1975 Huế rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Những
người lính không được lệnh bảo vệ mà phải rút lui, trong đó có đơn vị của trung
úy Cao Xuân Huy đang nằm chờ ở bờ biển để được di tản vào Đà Nẵng. Đêm 26 rạng
ngày 27 tháng Ba, ông và những người lính còn lại của đơn vị bị bắt làm tù
binh.
Được dẫn đi dọc Quốc lộ 1 từ Huế về hướng bắc và trên đoạn
đường đó nhiều tù binh đã bị bộ đội xử bắn tại chỗ. Cao Xuân Huy thoát chết là
nhờ số mệnh, nhờ ông ngoại phù hộ như tác giả đã kêu cầu nhiều lần khi đối diện
với tử thần.
Ông đã sống để kể lại những gì mình chứng kiến trong 12 ngày
đêm ở tuyến đầu miền Nam Việt Nam qua cách viết chân thực, trong đó rổn rang những
tiếng chửi thề, ngập hơi rượu, tình đồng đội và những cái chết nhẹ tựa lông hồng
là điều rất thực về người chiến binh trong đơn vị của ông.
Những kinh hoàng của cuộc triệt thoái – hay rút lui, di tản
chiến thuật – được kể lại bằng ngôn ngữ thật nhất. Máu, thịt vương vãi. Đầu chẻ
làm hai. Người chết dưới xích xe tăng, chết giữa thành sắt của những con tàu.
Những người lính bất tuân lệnh bị xử bắn ngay tại chỗ. Những người lính Thuỷ
quân Lục chiến can trường không muốn để bị địch bắt làm tù binh, trên đường rút
lui không còn hi vọng, vì biết đã bị bỏ rơi, nên cứ ba bốn người ôm nhau rồi
cho nổ lựu đạn để cùng chết.
Khi chờ di tản đơn vị có những chuyện khó ai hiểu được. Một
cô sinh viên văn khoa Huế với đầy đủ giấy tờ chứng minh, bồ của một người lính,
cứ nhất định đòi đi theo người tình và thỉnh thoảng khóc lóc lớn tiếng, vái lạy
tứ phương khiến có người nghi ngờ cô là cán bộ cộng sản được gài vào đi theo
đơn vị. Hay hình ảnh một nhà tu đầu trọc, mặc áo cà sa đeo súng đi bắt tù binh
Việt Nam Cộng hòa.
Câu chuyện lịch sử quân đội mà Cao Xuân Huy muốn ghi lại là
một lữ đoàn Thuỷ quân Lục chiến, binh chủng thiện chiến nhất của Quân lực Việt
Nam Cộng hòa, bị một đại đội Việt Cộng bắt làm tù binh. Sự thất bại nhục nhã đó
là một dấu hỏi lớn mà lãnh đạo miền Nam phải trả lời cho những thế hệ mai sau.
Sau “Tháng Ba gãy súng” xuất bản lần đầu năm 1985, Cao Xuân
Huy chỉ viết thêm một tác phẩm nữa là “Vài mẩu chuyện” phát hành trong năm
2010, vài tháng trước khi ông qua đời ngày 12/11/2010.
Cũng với lối viết giản dị nhưng rất thực về chiến tranh, về
mơ ước hoà bình, về đời sống tù cải tạo mà ông đã trải qua 4 năm rưỡi trong đó.
Đọc truyện “Người muôn năm cũ” để thấy ảnh hưởng của chiến tranh tâm lí mà đài
Mẹ Việt Nam đã có sức mạnh làm lung lay tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc
với giọng cô Hiền thường xuyên nhắc đến chuyện “sinh Bắc tử Nam”.
Câu chuyện gặp gỡ giữa tác giả và một anh bộ đội miền Bắc
sau giờ ngưng bắn, vào ngày 28/01/1973, cho thấy người Việt hai miền ai cũng mơ
ước đất nước hòa bình. Nhưng anh bộ đội đã phải thay đổi thái độ ngay khi một đồng
chí khác tiến đến gần chỗ hai người đang đứng nói chuyện với nhau. Để rồi chỉ
chốc lát lại bắn giết mà anh bộ đội gốc Hà Nội chắc đã tử trận sau đó. Bi thảm
của chiến tranh tưởng như chấm dứt với Hiệp định Ba-Lê 1973, nhưng nỗi oan nghiệt
của hòa bình lại ùa tới.
Hệ quả của cuộc chiến với bao oan hồn của người dân, người
lính còn ám ảnh tác giả qua câu chuyện “Chiếc lưỡi câu” ma quái.
Cao Xuân Huy chưa bao giờ viết văn khi còn ở trong nước, ông
chỉ viết khi ra đến hải ngoại. Trước ông, trong cuộc chiến đã có những bút ký
chiến tranh của Phan Nhật Nam là “Mùa hè đỏ lửa”, “Dựa lưng nỗi chết”, “Tù binh
và hoà bình”; của Trang Châu với “Y sĩ tiền tuyến” hay của Nguyên Vũ với “Đời
pháo thủ”, “Sau bảy năm ở lính” là những tác phẩm đem đến cho người đọc hình ảnh
chiến đấu can trường, cùng tình đồng đội, tình cảm gia đình, thương yêu và mơ ước
hoà bình đến trên quê hương của người lính cộng hòa.
Nhưng vì sao những người lính đã chiến đấu trong 20 năm để bảo
vệ miền Nam bị buộc phải buông súng. Đến nay vẫn chưa có được những lí giải.
Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn tràn ngập người di tản
từ Đà Nẵng, từ Huế, Nha Trang. Họ như mất thần, khóc lóc kể lại những cảnh chết
chóc tang thương trên đường di tản bằng tàu, bằng đường bộ. Những câu chuyện
chưa đánh giặc đã phải bỏ chạy làm ngạc nhiên nhiều người. Nhưng dân và cả lính
không ai hiểu nổi.
Rồi chiến tranh chấm dứt ở đó vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Những
người lính ở lại chấp nhận cuộc đổi đời với tù tội trong các trại học tập cải tạo.
Bên ngoài xã hội đời sống khó khăn với khoai sắn, bo bo, mì sợi. Văn nghệ sĩ,
trí thức bị đàn áp, bắt giam.
Việt Nam dưới ánh sáng xã hội chủ nghĩa trong hơn bốn thập
niên qua đã khiến hàng triệu người bỏ quê hương ra đi vì không chấp nhận ý thức
hệ cộng sản. Điều nghịch lý là nhiều người từng đứng về phía kẻ thù của Mỹ nay
cũng đang rời bỏ thiên đường để mưu tìm cuộc sống nơi đất Mỹ.
Và tầu chiến Mỹ nay đã trở lại Đà Nẵng, như lính Mỹ đã từng
đổ bộ lên đây hơn nửa thế kỷ trước, giữa lúc chiến tranh đang gia tăng cường độ
để be bờ, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.
Trong chuyến ghé Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl
Vinson hôm đầu tháng 3/2018, thủy thủ Mỹ đã xuống phố hát “Nối vòng tay lớn” và
mời gọi dân chúng cùng đồng ca. Đây là bài ca đã được chính tác giả là nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn hát trên đài Sài Gòn trưa ngày 30/4/75 để chào đón bộ đội cộng sản
vào thủ đô Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xem cảnh này trên trang Facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
Daniel Kritenbrink, tôi thầm cám ơn những người lính cộng hòa đã bảo vệ miền
Nam và tự hỏi những người bộ đội cộng sản có bao giờ nghĩ đến hệ lụy mà họ đã để
lại cho đất nước từ ngày 30/4/1975 đến nay.
Bùi Văn Phú