07 April 2018

NHỮNG VẾT BẦM CỦA GIÓ - Lê Công Tư


Thân tặng họa sĩ Phạm Cung cùng những mảnh trời đă không còn nữa

Cứ mỗi lần nhớ lại khoảng đời lính biệt động ở Pleiku, anh lại nhớ cái ngày Luân chết. Một mảnh đạn pháo xé bung ổ bụng của nó, một đống ruột đổ tràn ra bên ngoài. Sau mấy tiếng đồng hồ ngồi tựa lưng vào vách chờ đợi y tá, một chiếc xe cứu thương chở đến một bệnh viện dã chiến nào đó, tiếng súng vẫn nổ rền như đêm giao thừa. Mơ hồ nhận ra là sẽ chẳng có ma nào đến cứu mình lúc này, đôi mắt nó đã lấy lại được bình tĩnh. Không còn dấu vết của cả tuyệt vọng lẫn hy vọng, nhìn bâng quơ những làn khói thuốc, Luân nói:

- Chắc tao chết quá. Nhớ lại những ngày ở trần gian nghĩ cũng vui.
Luân sống dạn dĩ, liều lĩnh, đủ để hưởng một đôi niềm vui nào đó. Tảng sáng hôm sau, Luân chết thanh thản, bình yên sau khi hút hết hơn một bao thuốc lá. Khuôn mặt hơi xanh, tựa như đang ngủ, như thể cái chết thực chất chỉ là một giấc ngủ dài sau khi sự sống đã bị bóc ra khỏi thân xác.
Dưới chân tường chỗ Luân chết có một vài giấc mộng cháy nám đen. Chúng cũng lìa đời cùng lúc với cái chết của Luân. Năm đó nó mới hăm mốt tuổi. Nó mang theo cái gì vào cõi chết? Anh không rõ. Có thể chỉ là những làn khói thuốc hút suốt đêm đó. Lẫn vào những làn khói thuốc tan bay là kỷ niệm với những người thân trong gia đ́ình đang sống đâu đó trong một căn nhà dưới những tán lá dừa ở Long Xuyên mà nó thường nhắc tới mỗi khi có dịp.
Nhắc đến những làn khói thuốc, anh bỗng nhớ đến Ái. Ái vẫn hay nằm trên gường thổi những vòng khói thuốc hình chữ O, rồi kiên nhẫn nhìn nó tan dần, biến mất. Anh nhớ đến Ái vì nàng là người đàn bà đầu tiên biến anh thành đàn ông. Đàn ông theo cái nghĩa là đã nếm trải qua mùi vị đàn bà. Ái cũng là mối tình đầu của anh.
Một buổi trưa im vắng, anh đang nằm im đọc cuốn sách gì đó của H. Hesse thì một mảnh giấy nhỏ được vo tròn từ giường bên kia ném vào người anh. Anh mở ra. Trên tờ giấy chỉ có ghi một dòng chữ ngắn ngủi: “Qua đây yêu em đi anh”.
Đó là một mùa hè mà nắng về đầy trên những tàng cây vú sữa. Trưa nào anh cũng đứng trên cái bao lơn đó nhìn bướm cùng những quả vú sữa tròn lúc lỉu. Những buổi trưa nắng buồn thiu. Năm đó anh hăm mốt, Ái mới mười chín tuổi. Bom đạn đã lùa nàng ra khỏi một làng quê nào đó với lũ học trò, trôi dạt đến đây.
Anh nhớ mãi những đàn bò thức sáng đêm trong thành phố vì lạ chỗ. Ái sống với anh gần nửa năm trời trên căn gác nhỏ đó. Sống qua ngày, như một trò chơi mất đường chân trời. Nàng quanh quẩn bên anh như một mảng nắng nhỏ quanh quẩn bên một con chó con. Cả anh lẫn nàng đều nếm trải hương vị của mối tình đầu như những kẻ từng trải. Không hề có một ly kem, một chiều dạo phố, một tối xem phim. Quanh đi quẩn lại chỉ có những cuộc chăn gối mỏi mòn, chán ngắt.
Đã không biết bao nhiêu buổi trưa nắng, sau những lần yêu nhau, anh mơ hồ thấy một chuyến xe ngựa rã rời chở đời mình đi đến một chốn mơ hồ tựa nắng. Nó cũng vô định như mấy chục năm sau, hồi tưởng lại mối tình đầu. Dưới cái đáy giếng khô, anh chỉ có thể vớt lên những buổi trưa của mùa hè năm đó với một cô gái vừa ngây thơ vừa từng trải, không khác gì một con bướm non với đôi cánh rách nát tả tơi đậu trên những vòng dây kẽm gai khét mùi bom đạn.
Có một lần nào đó, nàng nói: “Em muốn sống hết một lần để rồi sau đó có thể tan ra như một ngọn pháo hoa”. Hình như bom đạn đã dạy dỗ nàng điều này. Tựa một lời nhắc nhở kín đáo rằng nó có thể mang nàng hoặc anh đi bất cứ lúc nào nó muốn.
Đêm đêm nàng ngủ cạnh anh như một đứa trẻ nhỏ. Đôi má bầu bĩnh, thơ ngây đó chỉ khiến anh lún sâu thêm nữa vào những nỗi buồn. Anh thường xuyên cảm thấy những buổi trưa nắng về trên khu vườn nhỏ có chứa đấy những nỗi chia xa.
Sẽ có những mùa hạ trở lại khu vườn này. Nắng cùng bướm sẽ trở lại như chúng từng đã có mặt nơi đây từ những mùa nắng cũ. Lúc đó anh với Ái đã đi xa. Căn phòng này rồi sẽ vắng im. Chỉ có nắng trên những tàng lá là có thể nhớ được một thời mà giờ đây giông gió đã thổi dạt xuống một phương trời nào mịt mùng gió cát.
Bom đạn đã lùa nàng đến với anh như lùa những con bò rời khỏi những cánh đồng cỏ rộng, và rồi nó cũng lùa nàng đi mất hút vào lửa đạn, như đi vào một điện thờ để luyện thêm lần nữa cái khảm kha của cuộc tồn sinh dạo đó. Anh cũng không lạ lùng gì với ba thứ này, bởi anh cũng đã nếm trải ngay khi còn là một đứa trẻ.
Năm bốn tuổi, anh thường xuyên được đi tàu hỏa về miền xuôi để tắm suối. Cha anh là người lái tàu. Hai năm sau ông bị bắt đi tù. Nghe nói ông làm chính trị hay hoạt động cách mạng gì đó. Ba tháng sau khi ông bị bắt, anh đi theo mẹ để mang cho ông một cái mền. Đến nơi, anh nhìn ngôi nhà bằng đôi mắt rụt rè, sợ hãi của một đứa trẻ. Đó là một ngôi biệt thự màu trắng có những ô cửa sổ sơn xanh, đóng kín. Anh với mẹ đã đi quanh ngôi biệt thự mấy vòng. Ngôi nhà vắng im, không có lấy một bóng người. Cuối cùng phải ôm cái mền về vì không có ai nhận. Mấy chục năm sau, mỗi lúc có dịp đi ngang qua ngôi nhà này, anh vẫn thấy có một đứa bé sáu tuổi, tay ôm cái mền đứng bơ vơ giữa khoảng sân rộng không có lấy một bóng người. Một ngôi nhà với những cánh cửa sổ đều đóng kín.
Đã không biết bao lần, anh muốn quên hình ảnh này đi. Nó tựa một vết chàm và anh cứ bị ám ảnh mãi, cho dù cha anh đã mất từ lâu. Sự ra đi đủ để biến tất cả mọi quyền lực trở thành khói, kể cả cái quyền lực một thời đã từng giam nhốt ông. Dù vậy, anh vẫn buồn. Cho dù anh cố tin rằng lòng dạ con người không như những cánh cửa đóng im lìm kia. Và rồi chưa bao giờ anh vượt qua được niềm tin này.
Hình như ở trên mặt đất này, ngày nào cũng thế, cũng có hàng ngàn đứa trẻ nhỏ đứng ôm một cái mền hay một cái gì đó cho cha của chúng. Nơi nào cũng có những nhà tù, những cánh cửa đóng, những trái tim khô.
                             ***

Có lẽ đây là bãi biển xấu nhất mà anh từng ghé đến và cũng có thể là bờ biển xấu nhất thế gian mà anh có thể tưởng tượng.

Lớp bùn bên dưới khiến nó như thể vĩnh viễn có màu chì, ngay cả những hôm trời trong. Cái trại nuôi trẻ mồ côi dựng lên tạm bợ, những ma soeur mặc áo chùng đen cùng mấy chục mái đầu xanh dưới ánh nến chập chờn cùng với những hồi kinh nguyện chúng đọc trước lúc ngủ, chỉ khiến cảnh quan chốn này tồi tệ thêm chút nữa. Tất cả chỉ gợi cho anh cái cảm tưởng rằng nếu anh có phải rời khỏi trần gian sớm hơn một chút thì cũng chẳng hề gì.
Lần đầu tiên anh quen người nữ tu này khi bà đang đi dạo một mình trên bờ biển. Trông như một con chim nhỏ côi cút giữa trời đất bao la. Để rồi sau đó, anh sẽ còn tiếp tục nhớ đến người phụ nữ này như nhớ những hoạn nạn của đời mình. Bà hấp dẫn anh bởi nỗi cô đơn sâu hút cùng vẻ lịch lãm hiếm thấy ở một ma soeur. Lớp áo chùng đen bên ngoài không che nổi sự khoáng đãng của những cơn gió trời lộng thổi trong tâm hồn của người nữ tu này.
Sau năm 1975, anh đã quay lại chốn này một lần nữa. Với hy vọng là sẽ gặp lại người nữ tu xưa. Mọi thứ đã bị xóa sạch. Biển dâu cũng là một thứ sóng thần. Hôm đó anh ngồi một mình suốt buổi chiều ngoài bờ biển nhìn mây trôi. Biết bao câu chuyện từng trao đổi với người phụ nữ này đã nhòa vào tiếng sóng. Một vài kỷ niệm cũ trở lại với anh như một vết dao cứa.
Có một buổi chiều tối, người ta mang đến trại một đứa bé. Đến nơi thì nó chết. Bà ôm nó vào lòng như ôm một con mèo con rồi khóc tức tưởi. Ba hôm sau, lúc đang dạo chơi trên bờ biển vắng, bà nói:
- Tôi trở thành tu sĩ không phải vì bất mãn gì với cuộc sống của mình. Tôi chỉ bất mãn với cái hiện trạng của thế gian. Sau này khi trời đất qua đi, tôi nghĩ tất cả mọi lỗi lầm của con người đều có thể được tha thứ, trừ sự cuống tín. Bởi không ai có thể tưởng tượng được nó đã góp phần băm nát trần gian này ra làm sao. Nó làm nghẽn tắc mọi thông giao với đồng loại, nó giết chết sự sáng tạo, bởi nó từ chối những ý tưởng có khả năng dẫn đến một thế giới mới lạ. Nó phủ nhận tất cả, trừ cái điều nó cho là đúng. Tôi đã đọc ra tất cả những điều đó ở cái trại mồ côi này.
Ít nhất thì người nữ tu này cũng đã giúp anh nhìn ra cái diện mạo của trần gian lúc đó, và có lẽ nó còn đúng đến mãi sau này. Cái chết của Luân, sự biệt tích của Ái, những mái đầu xanh của lũ trẻ mồ côi cùng với tuổi thơ anh đã hằn sâu vào cuộc sống của anh những vết bầm. Không trầm trọng lắm, nhưng cũng đủ khiến những chuỗi ngày còn lại trở nên mệt mỏi lạ thường.


Dalat 7/1/2018
Lê Công Tư