26 April 2018

PULAU BIDONG – DẤU CHÂN TỊ NẠN - Trần Thảo


Trước khi thực sự dấn thân vào cuộc vượt biển tìm tự do, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về kinh nghiệm hải hành. Nghe người ta nói “Tháng Ba bà già đi biển” thì cũng hiểu đại khái rằng nếu muốn đi biển thì nên chọn đi vào khoảng tháng Ba, biển sẽ êm, gió sẽ lặng, không bão tố gì nguy hiểm, vậy thôi!

Ông Chú của tôi, người tổ chức chuyến đi, đã mất nhiều năm nghiên cứu địa hình, dân phong của những nơi mà thuyền tị nạn có thể cập bến, dĩ nhiên ông cũng tính kỹ vào tháng nào thi đi biển an toàn nhất. Chính nhờ những tính toán hợp lý của ông và cũng nhờ ơn trên độ trì, thuyền của chúng tôi chỉ mất có ba ngày hai đêm là đến được Pulau Bidong một cách yên bình.
Vào buổi chiều ngày thứ ba, tôi nhớ đó là ngày 7 tháng 4 năm 1981, khi ánh hoàng hôn phía tây đã hoàn toàn lặng khuất, màn đêm bao trùm lên vùng biển đen ngòm,tất cả chúng tôi đã quá mỏi mệt và hồi hộp thì bất ngờ ai đó la lên: “Đảo rồi, đảo rồi…” Mọi người đều nhao nhao hỏi và nhìn theo hướng tay chỉ của người vừa lên tiếng báo động. Tôi căng mắt ra nhìn, nơi rất xa đã có những tia chớp nháy của ánh đèn. Tôi có cảm tưởng như khối đá nặng trên ngực của mình vừa rơi xuống. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tạ ơn Trời Phật, chúng tôi cuối cùng đã tới được bến bờ.

Nhưng phải mất cỡ gần tiếng đồng hồ th̀ì thuyền chúng tôi mới tiếp cận khu vực có ánh đèn. Tuy mừng rỡ nhưng vì không xác định được nơi này là đâu nên chúng tôi vẫn ngần ngại, lo lắng. Vừa lúc đó có một chiếc thúng nhấp nhô gần đó, và tiếng hỏi vọng lên: “Tị nạn hả?” Ôi trời ơi, tôi không biết nỗi hạnh phúc của tha hương ngộ cố tri nó lớn thế nào, nhưng lúc ấy nghe được câu hỏi từ chiếc thúng, cá nhân tôi mới hoàn toàn thả lỏng, mừng vui không thốt được nên lời. Đến nơi thực rồi, không chạy vào đâu được!
Người trong chiếc thúng cũng là một thuyền nhân trên đảo Pulau Bidong, trong đêm anh đi câu cá gần bờ để kiếm sống. Anh nhiệt tình cố vấn cho chúng tôi việc gì nên hay không nên làm khi vào đảo.
Vì trời đã tối đen, chỉ có ánh đèn nhấp nháy ở khu vực này không đủ soi sáng cái gì, vì vậy sau khi thảo luận, lấy ý kiến số đông, chúng tôi quyết định neo thuyền tại chỗ, ngủ qua đêm, để sáng hôm sau mới thực sự vào đảo.
oOo
Tôi gia nhập vào khối dân Việt tị nạn trên đảo Pulau Bidong vào lúc mà dân số trên đảo gia tăng một cách đột ngột. Ngày nào cũng có thuyền tị nạn cập bến. Khi nhìn những chiếc thuyền rách nát lếch được vào bờ, và những nhân viên trăng lưỡi liềm đỏ phải ra dìu hoặc dùng cáng cứu thương đưa những người đã cạn kiệt sức sống vào trong khu vực bịnh viện dã chiến, tôi mới cảm nhận sâu sắc cái ân sủng chở che mà tôi có được trong chuyến vượt biển của mình. Có những đêm tôi ra ngồi một mình nơi bờ biển vắng, nhìn bốn phương tám hướng, chả biết quê hương mình nằm ở góc trời nào; tôi tự hỏi cái khổ nạn mà dân tôi phải chịu đựng trong chế độ cộng sản man rợ biết đến khi nào mới chấm dứt?
Sau khoảng một tuần ổn định và làm quen với đời sống mới trên đảo, tôi lên văn phòng trại ghi danh đi dạy ESL cho đồng bào của mình. Cái vốn liếng anh ngữ tôi có được vào thời trung học giờ có dịp phát huy tác dụng. Lớp học của tôi có đủ hạng tuổi, già trẻ sồn sồn gì cũng có. Lớn nhất cỡ cổ lai hy, nhỏ nhất là chừng mười tuổi, hỷ mũi chưa sạch. Nhưng đặc biệt là những học sinh này đều là người miền tây nam bộ, Cần Thơ, Long Xuyên, Long An, Rạch Giá, Mỹ Tho v.v… ôi đủ cả. Trước khi vượt biển, tôi đã có thời gian khoảng hai năm lăn lộn chợ trời, đã từng tiếp xúc với người dân miền tây và rất thích tính cách trung thực, hào phóng của họ, nên giờ đây gặp học trò toàn người miền tây, tôi cũng thấy vui.
Ngày đầu tiên nhận lớp, tôi cứ cười mỉm chi, nhìn những ánh mắt tò mò của khoảng hai mươi học sinh đang chiếu tướng ông thầy từ trên trời rớt xuống, tôi cảm thấy vui vui trong lòng. Tôi biết thời gian mà học trò của tôi ở lại trên đảo này không lâu, rồi sẽ được bảo lãnh tứ tán khắp nơi. Vì thế tôi cũng không mong đem lại cho họ nhiều kiến thức gì về Anh Ngữ. Tôi chỉ chú trọng phân biệt cho họ một số khác biệt trong cách phát âm, cũng như chỉ cho họ những cấu trúc câu cơ bản của Anh Ngữ. Với những bác lớn tuổi, lưỡi của họ đã cứng, tôi không nghĩ họ sẽ học được gì nhiều, tôi chỉ gõ nhịp và cho họ đọc hoài đến thuộc lòng như cháo chảy mấy câu trong những dialogues mà ngày xưa tôi từng học, với hy vọng sẽ chuyển hóa phần nào độ cứng của giọng đọc.
Tôi là người từng lỡ chuyến đò vào trường ĐHSP, không có duyên đứng trên bục giảng, nhưng đời lại cho tôi làm thầy Bổ Túc Văn Hóa ở quê nhà, rồi lại làm thầy ESL của đồng bào tị nạn cộng sản ở đảo Pulau Bidong. Chắc gì mấy thầy mấy cô thực sự đứng lớp mà có được niềm hạnh phúc như tôi!
Khi làm thầy Bổ Túc Văn Hóa, ban đêm tối thui, tôi lái xe chui vào bụi tre, kể từ cái đêm bị ma giấu đó, tôi luôn luôn có một thằng học trò nhỏ đốt lốt xe đạp làm đuốc dẫn ông thầy ra ngoài đường chính. Còn bây giờ, làm thầy ESL ở trại tị nạn, mấy người học trò cứ dắm dúi cho ông thầy bữa thì trái táo, bữa thì gói đậu xanh v.v… tui cứ cười cười nhưng thật ra trong lòng nghẹn ngang vì cảm động.
oOo
Tôi ở khu F, sát gần triền núi. Phía trên chỗ tôi ở là khu vực của mấy anh chúa đảo. Lúc mới vào đảo và được phân về ở nơi này, nghe những lời xầm xì chung quanh, chúng tôi cũng hơi ngại mấy anh chúa đảo, cái tên riêng mà người trên đảo dành cho mấy anh không được ai bảo lãnh, trong danh sách con bà phước, chờ cá nhân thiện chí hay nhà thờ nào đó bảo lãnh mà quá lâu hồ sơ chưa nhúc nhích. Mấy anh này để tóc dài nhằng, ăn nói hơi bạt mạng một chút, nhưng thật ra có gần gũi và nói chuyện mới thấy các anh rất đàng hoàng, chả có gì đáng sợ.
Mỗi sáng tôi thức dậy khá sớm, xách thùng đi hứng nước để dùng cho việc nấu ăn trong nhà. Nước này được phía Cao Ủy Tị Nạn liên hệ với phía Malaysia để cung cấp cho người tị nạn. Còn nước để tắm rửa và làm vệ sinh thì chúng tôi dùng thẳng từ những cái giếng trên đảo.
Buổi tối hầu như tôi chẳng có việc gì để làm. Tôi hay mò lên văn phòng trại để đọc những tạp chí ngoại quốc bằng tiếng Anh. Tôi không nhớ là lúc đó có tạp chí nào bằng tiếng Việt lọt về đảo hay không? Đôi khi tôi lang thang lên đồi tôn giáo, ngồi lặng hàng giờ, dõi mắt ra ngoài khơi xa, tưởng nhớ tới những người thân yêu của tôi. Nhiều lần ánh mắt của tôi rơi trên bức tượng ông lão đang cố sức kéo người con gái vào bờ, cảm nhận được vận mệnh mong manh của cả dân tộc tôi nơi vùng đất khổ.
Những học trò của tôi từ từ rời Pulau Bidong để qua trại chuyển tiếp Sungei Besi, họ sẽ chờ ở đó một thời gian rồi sẽ trực tiếp đi định cư ở một nước thứ ba, hoặc họ sẽ được đưa qua Phillippines để học CO, Cultural Orientation, trong mấy tháng trước khi đi nước thứ ba.
Thuở đó, nhà văn Hoài Điệp Tử làm Trưởng Ban Thông Tin của trại. Anh ấy viết nhiều bài được đọc trên máy phát thanh trong những dịp có người rời đảo, nghe thật cảm động. Tôi vẫn còn nhớ những ca khúc tị nạn được giọng ca Hương Lan trình bày đã gây nên xúc động thế nào trong tôi khi ra cầu Jetty để tiễn học trò rời đảo:

….Gặp lại em nơi đây anh vui mừng biết mấy
Vì đã qua bao năm qua mới có được ngày nay
Giòng thời gian êm trôi đưa ta vào dĩ vãng
Ta không trách nhau chi làm gì
Mà có nói thêm cũng dị kỳ
Phút cuối gần nhau, bâng khuâng tay cầm bàn tay….

Tôi nhớ lõm bõm, không nhớ nguyên văn, nhưng nỗi rung động về những xa cách, chia phôi vì hoàn cảnh nước nhà của người dân tôi thì còn nguyên vẹn đó, tôi không bao giờ quên được!
Pulau Bidong ngày ấy đầy những bóng dừa cao vút. Có người còn dọa tôi, đi đường nhớ coi chừng, một trái dừa khô tùy hứng rớt xuống có thể làm bể cái sọ khỉ thì hết còn đi tị nạn, đến đây thì ở lại đây. Lời đe dọa này vậy mà cũng thường ám ảnh tôi, nhiều khi trên đường về nhà từ lớp học, tôi lại liếc mắt lên mấy ngọn dừa cao vút, lo sợ vu vơ.
Hôm nọ có cô em Thoa Lê nhắc nhớ tôi về vụ chuột chạy đầy đường ở Bidong. Tôi không sợ chuột như mấy nàng con gái, nhưng ban đêm đang an giấc mà chuột đói nhiều khi chạy lên khều khều ngón chân làm tôi giật nẩy cả mình. Tuy nhiều chuột như thế nhưng cũng may cho đồng bào của tôi, trong suốt thời gian ở đó, tôi không nghe ai bị bịnh dịch gì từ chuột mà bỏ mạng trên đảo, chấm dứt giấc mơ tự do ở ngoài cửa thiên đường. Vì dân số chuột gia tăng đáng ngại nên có lần văn phòng trại đưa ra chiến dịch diệt chuột lấy sữa. Nhắc đến chuyện này thật là mắc cười. Đời sống dân tị nạn trên đảo Pulau Bidong tuy không thoải mái lắm, nhưng không đến nỗi thèm những chất ngọt, chất béo như các tù nhân quân cán chính VNCH trong những nhà tù của chế độ CSVN được mệnh danh tốt đẹp là Cải Tạo. Cao Ủy Tị Nạn LHQ cung cấp cho người tị nạn gạo, đường, muối, thịt hộp lỏng bỏng, và cả đậu xanh để khi buồn buồn nấu chè ăn chơi. Nên khi tôi và thằng em con chú tham gia chiến dịch diệt chuột thì hoàn toàn chỉ vì ham vui. Khi đem lố đuôi chuột nộp lên văn phòng rồi lấy mấy hộp sữa phần thưởng, tụi tôi cứ cười hi hi suốt ngày.
Tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn lần thứ hai sau khi bị những phái đoàn như Úc, Pháp từ chối. Thuở đó, người ta gọi người như tôi là được phái đoàn Mỹ hốt rác. Nghĩ cũng lạ, tôi thấy mọi sự trên đời này hoàn toàn tùy duyên. Khi được phỏng vấn bởi phái đoàn Úc và Pháp, tôi cũng cho họ biết tôi không có chọn lựa gì cả, ai cho tôi đi là tôi đi ngay, không kén cá chọn canh gi ráo! Ngay cả tôi vận dụng tiếng Pháp mà tôi đã quên gần hết theo thời gian để bập bẹ với trưởng phái đoàn Pháp, nhưng họ vẫn cứ kết luận: “Tôi từ chối anh để anh đi Mỹ!”
Thế rồi ngày tháng qua mau. Chẳng mấy chốc mà đã tới ngày tôi rời đảo. Hôm ấy trời thật trong xanh. Ngoài khơi những làn sóng bạc đầu liên tiếp kéo nhau vào bờ. Bầy hải âu bay lượn khắp trời. Tôi đứng trong bóng dừa xanh ngát, bên cạnh là những người học trò ra tiễn tôi rời đảo. Hành lý của tôi chả có gì, chỉ có một túi nhỏ đựng toàn là những món quà như táo, đậu xanh, mì gói của học trò tặng với lời chúc: “Thầy đi đường bình an nhé!”
Đã đến lúc tôi phải chia tay mọi người và lên thuyền rời đảo:

Thuyền xa bến, tôi quay đầu nhìn lại
Màu xanh đảo biển khoảng cách xa dần
Em vẫn đứng đó bàn tay đưa vẫy
Níu chân tôi, đời lưu lạc phân vân.


Trần Thảo