05 April 2018

RỒI CŨNG QUA ĐI - Hoài Ziang Duy


Tưởng niệm Thiếu tướng Trần Bá Di mất ngày 23/3/2018

Thiếu tướng Trần Bá Di (1931-2018)
Mọi việc rồi cũng qua đi. Câu nói quen thuộc dặn lòng ở những lần chịu đựng trong hoàn cảnh khốn khó. Tất cả là những đổi thay, như mơ ước sẽ có một ngày tốt đẹp trở lại với đời sống chúng ta. Năm xưa nếu không mất nước, không gãy đổ tương lại, ắt hẳn không có đời sống lưu vong bây giờ


Thời gian, moị sự rồi cũng qua đi. Đúng vậy, những bài hát, lời ca từ buổi đầu cấm đoán, giờ đây nó trở thành một sức sống trong giới trẻ, cho người thưởng ngoạn trong tình cảm gần gũi, cũ người mới ta. Âm nhạc miền Bắc đi vào Nam đầy sắc máu, bắn giết hận thù, không có tình yêu, không có tình tự dân tộc. Để rồi tự nó mất đi theo chiếc nón cối, đôi dép râu lỗi thời lạc hậu. Chủ nghĩa chuyên chính vô sản, được thay bằng cuộc sống hưởng thụ ở mỗi cá nhân từ tài sản nhân dân, đất đai chiếm được, đổ đầy vào túi. Họ có đầy bồ không đáy để rút kinh nghiệm, rút mãi rút hoài không bao giờ hết, rút cạn tài sản nhà nước, bạc tiền nhân dân làm của riêng, để rồi ung dung nhận khuyết điểm là một đặc ân thay phiên từng người. Tất cả những năm dài làm trật rồi sửa, cho thấy Cộng Sản lấy miền Nam bằng vũ lực nhưng không thể trị vì, không biết làm cho đất nước tốt hơn, bởi guồng máy lãnh đạo, những người không có khả năng, không có trình độ văn hoá phù hợp với chức vụ địa vị. Họ chỉ đóng vai trò của nhân vật trong vở kịch, tuồng hát, sân khấu chính trị.
Trong hoàn cảnh và tâm trạng chung cùng, chúng tôi có một quá khứ, có một trời dĩ vãng để ngậm ngùi ngó lại quãng đời qua, gần gũi ở nỗi buồn chung mất nước. Còn ở quê nhà sau bốn mươi năm, một thế hệ mới sống dưới chế độ Cộng sản, được rèn luyện trong khuôn khổ thể chế chính trị mù, không thể nói khác những qui định dưới áp bức, nhận chịu sự ban phát lâu ngày trở thành một điều hợp lý tự do cho mình, đâu biết gì khác biệt năm xưa, hay thế giới bên ngoài. Cho nên khó mà có sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau ở tuổi trẻ, cùng một thế hệ người Việt trong và ngoài nước.

Thật vậy, không khác gì chúng tôi đang sống trong đất nước tự do, tự do nhưng lòng đau khi thấy chính giới Hoa kỳ, sau khi bỏ rơi miền Nam, tiền đồn chống Cộng. Giờ đây lại tiếp sức nuôi dưỡng chế độ Cộng Sản. Có gì để tin tưởng cho tương lai Việt Nam? Có gì để tin tưởng những đồng minh năm cũ. Phải chăng chỉ có một ngày tức nước vở bờ. Lòng dân lòng người, thời thế đổi thay theo vòng xoay bất chiến tự nhiên thành. Khác gì có ai tin được, ngày nay trên thế giới, quốc gia Việt nam Cộng Hòa không còn.
Người lính năm xưa giờ đây không màng đến súng đạn. Đất nước Việt Nam không còn tên bay đạn lạc. Nhưng có điều không thể hiểu là từ buổi giao thời cho đến bây giờ. Hơn bốn mươi năm qua, nhà nước CS Việt Nam vẫn sợ, sợ người chung quanh trong và ngoài nước, sợ lấy bóng ma người lính, chế độ Việt nam Cộng Hoà. Dù rằng tất cả đã mất hết, già cỗi với tuổi đời thời gian. Cơ quan tuyên truyền lúc nào cũng dè chừng, coi tình trạng dân trí đòi hỏi nhân quyền, chống đối bất công ở xã hội là thành phần phản động chế độ cũ. Cho dù họ không lấy đâu ra, vẽ được hình tượng chế độ cũ như thế nào. Nó là sự ám ảnh, sợ hãi bằng cách qui trách để bắt bớ giam cầm. Họ sợ sự thật và ngay cả sự thật cũng không hiểu làm sao họ sợ, khi quyền lực đã gom về một mối đảng trên quốc gia trị.
Tôi đứng lại đây chốn nầy, như năm tháng qua đi dài cơn đứng đợi. Trời đã về chiều tựa vào đời sống tôi, cái tuổi phải nghỉ sau nhiều năm dài vất vả. Cái khoảng cách ở tuổi còn đi làm và tuổi về hưu, thấy vậy mà ngắn lắm, ngắn như thời gian còn lại để thấy mình không còn bao lâu ở một kiếp người. Cảm giác tất bật sáng đi tối về trước đây, giờ sống cho phần đời còn lại, mới thấm thiá nghiã tình một đời riêng, mới thấy sống gần, nhớ nhiều hơn quãng đời qua lặp lại.
Tôi muốn nhắc đến tư lệnh sư đoàn 9 của tôi. Thiếu tướng Trần Bá Di, người đã bị giam cầm 17 năm sau ngày mất nước. Tôi gọi điện thoại thăm khi ông mới đến định cư. Mừng lắm, có người còn nhớ đến, là còn nghĩa tình. Ông đã dặn dò anh em, chỉ muốn gọi ông bằng anh Ba, như danh xưng trong gia đình. Tôi hiểu tâm trạng ông, một người tù lâu năm, chán chường trong nghịch cảnh, khi tất cả đã mất hết. Ông là tư lệnh sư đoàn đầu tiên ở vùng 4, chỉ huy tất cả các đơn vị tăng phái hành quân ngoài lảnh thổ, qua đất nước Kampuchia, năm 70-71. Hồi đó quân đội chúng ta không có quyền qua đất nước bạn, kể cả quân đội Hoa Kỳ. Lợi dung yếu điểm nầy Việt Cộng ở miền Nam hay Cộng Sản Bắc Việt lập căn cứ địa bên đất Miên, thường lui quân về khi bị truy kích. Một lần ở mặt trận Kiến Tường, ông đã ra lệnh miệng cho một tiểu đoàn, tiếp tục truy kích địch qua biên giới, khoảng một hai giờ thì rút về. Không ngờ tràn qua mật khu Ba Thu lần đó, gần hai ngàn súng đủ loại chưng bày trên giá cây trong căn nhà lá, không cần dấu diếm. Trước chiến lợi phẩm quá lớn với tình hình nầy, buộc lòng phải báo cáo về Bộ Tổng tham mưu để xin lệnh.
Có thể do tính cách chiến lược, Bộ tổng tham Mưu đã bật đèn xanh, đề ra kế hoạch hành quân qua đất Kampuchia yễm trợ cho chánh phủ Lonnol, đánh thẳng vào hậu cần địch. Tôi còn nhớ thời gian nầy (đầu tháng 5 năm 1970) thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tư lệnh Quân đoàn 4 xuống thăm một tiểu đoàn, thuộc sư đoàn 9 đang hành quân ở Kiến Tường (bên phần lảnh thổ Việt Nam.) Khoảng nửa giờ sau, trực thăng đáp xuống bốc Thiếu tướng tư lệnh vùng. Phi cơ vừa cất lên quay đầu chuyển hướng, bất thần một trong hai trực thăng vỏ trang Mỹ, bay vòng trên không bắn dọn bãi, lượn xéo ngang và đụng vào trực thăng của tướng Thanh. Cả hai chiếc bốc cháy và rớt liền.Tất cả đều tử nạn, kể cả đại tá Cố Vấn Mỹ đi theo. Mọi chuyện chỉ xảy ra tích tắc trước mắt binh sĩ tiểu đoàn. Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh là vị tướng tài giỏi thanh liêm trong quân đội. Tên ông được đặt tên cho bản doanh bộ tư lệnh sư đoàn 9 BB tại Vĩnh Long, và được sắc phong thần, tử vì nước.
Đối với tướng Di, ông là người tôi kính trọng trong đời quân ngủ. Lần đầu tiên ông biết đến tôi khi tôi cùng hai sĩ quan ban 3 viết bài về kinh nghiệm chiến trường nộp cho bộ tổng tham mưu.Thời đó VC thường xử dụng thế đánh chốt, rất mới mẽ. Sau khi bài chuyển về sư đoàn duyệt, tướng Di xuống trung đoàn, và hỏi Đại tá Cẩn, bài “Thế diệt chốt và cầm địch” của ai viết. Tôi được gọi trình diện Tư Lệnh. Ông nói bài nầy ngoài phần nộp về trên, sẽ giao cho trung tâm huấn luyện sư đoàn học tập. Thật ra cũng nhờ tôi có khả năng viết lách trước đây, cộng thêm kinh nghiệm bản thân ở chiến trường, nên được việc.
Ở trung đoàn 15, chúng tôi gọi tướng Di là Ông già trà đá, bởi vì cách ngày là ông xuống trung đoàn, qua trung tâm hành quân theo dõi tình hình, một lát ông sang phòng thuyết trình ngồi đó. Nhà bếp công vụ theo lệ thườnng, biết ý mang lên dĩa bắp nấu hay mấy củ khoai, cùng ly trà đá. Tướng Di không uống rượu hay nhậu nhẹt, hút thuốc. Khi cần tản thương gấp, ông cho mượn máy bay riêng của tư lệnh, (lấy bao vải ghế ngồi có gắn hai ngôi sao ra), sĩ quan trực đi bay bốc thương binh, sau đó cho lính rửa tàu trả lại. Thỉnh thoảng ông ăn cơm buổi trưa chung với sĩ quan trung đoàn.
Cho đến khi tôi trở lại đơn vị sau khóa học Quân Báo (sau tuần đó Đại tá Cẩn đổi đi), buổi trưa ông xuống trung đoàn như lệ thường. Ông hỏi thăm tôi về khóa học. Đêm hôm đó công điện sư đoàn đánh xuống, nội dung tham chiếu khẩu lệnh của thiếu tướng tư lệnh Sư đoàn, chỉ định tôi giử chức vụ trưởng ban 2 trung đoàn (thay thế sĩ quan đại úy vừa bàn giao tuần trước). Sáng hôm sau ông xuống cùng với trung tá Ninh, trưởng phòng Phòng 2 sư đoàn, chứng kiến bàn giao. Sự việc thật bất ngờ, vì không theo thủ tục hệ thống quân giai, đề nghị trình ký trước đây. Đối với tôi, vị trí nào cũng là chỗ làm việc như trước đây tôi đã làm. Hơn ai hết tôi biết mình không có phe đảng, tiền bạc lo liệu gì cả. Trước câu hỏi của Đại tá Lãm, phụ tá hành quân sư đoàn đang xử lý thường vụ trung đoàn trưởng. Thiếu tướng Di nói về tôi “Ông ấy làm được, tôi để ý ông ấy lâu rồi.” Sau đó ông bảo tôi vào phòng gặp riêng, và muốn tôi làm theo ý ông trong việc theo dõi mỗi đơn vị VC bằng một màu viết chì mở khác nhau, để biết thói quen di chuyển một tuần, một tháng.
Có điều phải nói là hầu như tất cả sĩ quan trung đoàn, đều không biết Ban 2 làm gì, cho đến ngày mất nước. Chỉ thấy hàng ngày tôi thuyết trình, rồi đi bay với trung đoàn trưởng, qua lại trung tâm hành quân thế thôi. Giờ đây chiến tranh không còn nữa, tôi muốn chia sẻ với bạn ít điều, trước đây do vấn đề bảo mật không cho phép, gây hiểu lầm trong tình anh em.
Công việc theo lệ thường mổi sớm tôi thuyết trình trước tiên về tình hình địch, tin tức độ mật A1, A2 từ Phòng 2 quân đoàn, sư đoàn, kế đến là phần ban 3 với kế hoạch hành quân từng tiểu đoàn, hay nếu có trực thăng vận cho một ngày. Thiếu tướng Di xuống trung đoàn thường hay gặp riêng tôi, để nghe báo cáo về tin mà tôi không thuyết trình. Thật ra, không mấy người để ý Ban 2 trung đoàn có một toán kỹ thuật thuộc phòng 7 Bộ Tổng tham mưu, nhưng mang phù hiệu sư đoàn 9, cả Biệt đội kỹ thuật (cấp đại đội) thì đặt ở Sư đoàn. (Xin đừng nhầm lẫn với biệt đội tác chiến điện tử, theo tiểu đoàn hành quân cài đặt sensor, thuộc phòng 3 Sư đoàn). Khi đổi vùng hành quân, có khi toán kỹ thuật có sẵn, có khi tôi phải đi với anh em nầy về Sư đoàn bạn, để chép tay cái code mở khoá, ngày giờ đơn vị địch lên máy chuyển lệnh, khoá mở đánh morse…
Trước đây, các đơn vị hành quân chúng ta thường dùng khoá KDC cấp phát để mã hoá chuyển tin, còn ở đây là bản chép tay. Ở Bộ chỉ huy hành quân trung đoàn, toán kỹ thuật nầy dựng lều riêng cách biệt, dựng ăngten riêng với trung tâm hành quân để trực máy bắt tin của địch. Chỗ làm việc nầy không ai được vào, kể cả trung đoàn trưởng (không thì tắt hệ thống, do qui định bảo mật). Nhân viên bắt được bản tin qua máy, mở xong chuyển tay qua (với bản đánh máy giấy màu vàng có hàng dãy lổ bấm tròn) cho trưởng ban Ban 2 để phán đoán uớc tính (toán kỹ thuật chỉ làm nhiệm vụ vậy thôi). Ở Ban 2 có đầy đủ tin tức, trận liệt đơn vị địch như ngày giờ xâm nhập, quân số, di chuyển từ đâu đến, đôi khi có cả hình C trưởng, D trưởng (tin nhật tu từ Ph 2 Bộ TTM theo hệ thống hàng dọc trong ngành).Tin từ toán kỹ thuật bắt được, tôi chỉ trình miệng với trung đoàn trưởng, không báo qua phòng 2 Sư đoàn, không qua hệ thống vô tuyến và đốt bỏ, không lưu hồ sơ.
Một ngày nghe tiếng pháo binh trung đoàn tác xạ, không ai bảo ai, đều trở vào Trung tâm hành quân, vì biết có tiểu đoàn chạm địch. Đại tá Diêu là người nóng lòng muốn biết về địch. Tôi qua lều bên vào ngồi với anh em, trong lúc máy vẫn mở nghe địch liên lạc điều quân (lúc trận đánh xảy ra địch nói bằng bạch văn), rồi trở qua trung tâm hành quân. Kết quả dĩ nhiên hoàn toàn thuận lợi khi chúng ta biết rỏ vị trí ý đồ của địch. Về phía bộ chỉ huy địch, họ cũng bắt được tần số truyền tin của mình, do cấp tiểu đoàn trên hệ thống máy bị lộ. Do vậy mà nhiều lần cả hai bên đều tung tin giả để gây rối kế hoạch lẫn nhau. Phán đoán đúng sai thiệt giả, hay dở tùy thuộc vào khả năng ước tính, phân tích của sỉ quan Ban 2 trung đoàn. Còn kế hoạch hành quân cho các tiểu đoàn mỗi ngày? Mỗi tối Ban 2 có nhiệm vụ trình riêng tình hình địch, với trung đoàn trưởng. Sau đó ông lệnh cho ban 3 vẽ phóng đồ hành quân để sáng hôm sau chuyển lệnh. Bản đồ, thì do Ban 2 cấp phát, đưa xuống trong hành quân từng tiểu đoàn, hay khi tiếp viện đổi vùng, giải toả, mặt trận nơi khác.
Vấn đề tình báo tác chiến, với kỹ thuật như đã nói, chỉ thiết lâp ở tất cả đơn vị trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh, phục vụ cho chiến trường. Các lữ đoàn thiết giáp, liên đoàn, phòng 2 tiểu khu, hoàn toàn không có phần hành chuyên môn nầy, kể cả các đơn vị khác ngành. Trong trường hợp bặt tin, do địch không lên máy liên lạc, chừng đó qua hệ thống sư đoàn, xin chụp không ảnh vùng hành quân để xác định. Những tiếng nổ ì ầm trên không nghe được, là lúc máy bay đang chụp, sĩ quan giải đoán không ảnh sẽ phân tích.
Nói chung tin tức tình báo, giải đoán chính xác phần lớn bảo vệ sự tổn thất, sinh mạng binh sĩ. Vai trò của trưởng ban 2 trung đoàn, giúp trung đoàn trưởng quyết định, gắn liền với chiến công đơn vị. Các vị tư lệnh sư đoàn 21, sư đoàn 7 nơi chúng tôi hành quân qua, đều rất quan tâm đến loại tin tức chúng tôi có được, so với tin tức  sư đoàn bạn. Thật ra vấn đề chỉ giản dị là toán kỹ thuật có siêng năng mở máy trực hay không, chịu khó rà theo tần số khi địch thay đổi hay không, bởi công việc của toán nầy chỉ trực tiếp với một mình trưởng ban 2 trung đoàn, không ai kiểm soát, việc làm hoàn toàn biệt lập, chỉ liên lạc khi cần thiết. Nhiều lần ở nửa đêm, họ lay chân tôi dậy đưa bản tin, tôi qua gỏ cửa phòng ngủ trung đoàn trưởng, cho lệnh báo động, pháo binh trung đoàn bắn tức thời ở điểm chấm sẵn, kịp lúc báo động cho tiểu đoàn biết, địch sắp sửa tấn công, thì y như rằng mọi việc xảy ra trước năm, mười phút. Tôi có may mắn là toán kỹ thuật trực thuộc trung đoàn rất giỏi, và có tinh thần trách nhiệm.
Năm đầu ở trại cải tạo, quân đội Cộng Sản giam giữ chúng tôi là trung đoàn 95. Họ lên lớp và chửi pháo binh sư đoàn 9 thảm thiết. Ngồi đó không phải là dân pháo nghe cũng khó chịu. Nhưng tôi biết họ nói đúng. Cách tổ chức di chuyển pháo theo hành quân lưu động rất hay, khác với các sư đoàn cố định khu trách nhiệm. Thật ra sư đoàn bộ binh nào trang bị cũng giống nhau. Mỗi sư đoàn có 4 tiểu đoàn pháo binh, chia ra mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn pháo binh 105 ly cơ hữu. Khi trung đoàn chúng tôi xuất phát hành quân, chỉ có một pháo đội kéo súng theo Bộ chỉ huy trung đoàn, đóng trên mặt lộ hay căn cứ. Số sĩ quan, binh sĩ pháo binh (thuộc tiểu đoàn pháo binh cơ hữu trung đoàn) được chuyển vận bằng trực thăng đưa người xuống, thay thế các vị trí súng pháo binh diện điạ thuộc quân khu, rồi bốc toán pháo binh đó đi, đổ đạn pháo xuống, điều chỉnh đạn dược trên giấy tờ sau. Nói cho dễ hiểu là hoán chuyển đổi người, chứ không đổi súng (tiểu đoàn pháo không cần kéo súng theo). Cho nên khi vào vùng hành quân, cấp tiểu đoàn trên phóng đồ hành quân, vòng tròn pháo yểm là mười khẩu pháo cho một tiểu đoàn, sẵn sàng tác xạ.
Thời gian sau, khi chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc thay thế. Ông chỉ thị cho các tiểu đoàn trưởng bộ binh, qui định nếu không đụng trận, gọi pháo binh bắn trên 500 quả thì bị phạt, còn khi đụng trận, gọi bắn dưới 500 quả cũng bị phạt. Tôi nghĩ sau nầy dù hạn chế đạn dược, nhưng tình hình cần giải quyết thì cũng không giới hạn. Bằng chứng cho thấy đến gần tháng 4 năm 75, thiếu tá Thảo tiểu đoàn trưởng 93 pháo binh, báo cáo xin ngưng tác xạ vì tất cả pháo súng bị nóng nòng, lý do đã bắn trên 100 ngàn quả. Đại tá Diêu lớn tiếng không muốn ngưng vì không tin, thiếu tá Thảo chứng minh 10 khẩu bắn một lượt hơn một giờ qua. Điều nầy cho thấy trung đoàn 95 Việt Cộng chửi rủa pháo binh sư đoàn 9 không sai, với mức độ pháo dập dữ dội họ đã chịu đựng.
Tôi ở tiểu đoàn, rồi trung đoàn 15, dưới nhiều thời kỳ trung đoàn trưởng. Mỗi ông để lại trong tôi tình cảm riêng biệt khác nhau. Với đại tá Hồ Ngọc Cẩn là người tôi có nhiều kỹ niệm. Trung tá Anh là người hiền lành, quan tâm đến đời sống thuộc cấp gần bên. Trung tá Phan Thế Thường là người thân thiện dễ mến, vẫn liên lạc về sau với tôi khi ông đổi đi (rồi trở lại). Tiếc thay cho đến bây giờ hỏi thăm, không ai biết tin tức sống chết. Riêng với đại tá Khiêu Hữu Diêu, đi với ông tôi mới học khôn, tiếp xúc biết được nhiều chuyện dây mơ rể má trong quân đội, ông giao du liên lạc với nhiều sĩ quan đồng cấp. Cũng qua ông, tôi mới biết cái áo giáp nhảy dù thời quân đội Pháp như thế nào. Nó là một áo vải bố chia ra từng ngăn dọc, trong lót từng thanh thép dầy chống đạn. Ông từ Bộ tổng tham mưu đổi về Quân đoàn 4, rồi đến thay thế trung đoàn trưởng. Đa số các vị đại tá tỉnh trưởng, hay thuộc binh chủng nhảy dù trước đây là đàn em của ông, khi tôi đi với ông ghé qua các tỉnh. Ở vùng hành quân, khi thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh sư đoàn 7BB xuống thăm trung đoàn. Trên trực thăng bước xuống lúc nào thiếu tướng Nam cũng chào trước với câu nói “kính Đại tá”. Đại tá Diêu kể tôi nghe, thời trước dạo ông còn làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Nhảy Dù, lúc đó tướng Nam vừa đi học ở Mỹ về, lên đại úy, làm sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn dưới quyền ông. Dù sau nầy cấp bậc tướng Nam đi lên trước, nhưng gặp ông, tôi thấy tướng Nam vẫn chào kính giữ tình thầy trò. Có điều ở đại tá Diêu, có thể do mang cấp bậc đại tá quá thâm niên, lối cư xử của ông đối với các trung tá, đại tá, tư lệnh phó sư đoàn đơn vị bạn, đôi khi ông có thái độ dửng dưng. Đi theo ông họp hành chứng kiến, đôi lúc tôi thấy cũng ngượng, ngại mất lòng. Một lần, BCH đóng tại Phụng Hiệp, buổi trưa ông rủ tôi về Cần Thơ đến hội quán tỉnh trưởng ăn cơm Tây. Hôm đó chuẩn tướng Hưng SĐ 21 xuống thăm trung đoàn, nhưng Đại tá Diêu không có mặt. Sau đó tướng Hưng gởi công điện qui định, nếu trung đoàn trưởng đơn vị tăng phái, rời BCH phải thông báo cho Tư lệnh. Lần khác ở trung đoàn nhận điện thoại từ văn phòng đại tướng Cao văn Viên gọi xuống, muốn ông về gặp. Tư lệnh quân đoàn tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cho ông về Sài gòn 2 ngày. Trở xuống ông nói với tôi, tưởng làm Trưởng phòng 7 Bộ tổng tham mưu thì ông nhận, chứ chức Giám Đốc Nha kỹ thuật thì thôi, ông về chờ. Ông có dù che bao và nhất là sau nầy khi tướng Nam về làm tư lệnh Quân đoàn 4, con đường quả thật trơn tru theo ý ông muốn, dù rằng chỉ được một thời gian trước ngày mất nước. Qua ông tôi biết rất nhiều chuyện, trong đời quân đội trước sau. Tính tình đại tá Diêu đối với mọi cấp là vậy, nhưng với thiếu tướng Di, tôi thấy đại tá Diêu rất vị nể kính trọng, khi Thiếu tướng Di thường xuyên xuống trung đoàn.
Nhắc lại những trận đánh, nghĩ lại năm tháng qua, cho đến ngày tan hàng mất nước, làm sao không thấy đau lòng tủi nhục. Người đứng ngoài cuộc, tuổi trẻ lớn lên, thành phần phản chiến đổ lổi cho người lính VNCH. Họ đâu hiểu sự bỏ rơi, cắt viện trợ và hơn hết là sự quay lưng từ phía Hoa kỳ theo chiến lược thoả thuận giao miền Nam cho Trung Quốc. Trước tiên từ chiến thắng của miền Bắc, sau đó là từng bước một Hán hoá, lảnh thổ hai miền, như chúng ta đã thấy mấy mươi năm qua.
Chiến trận giờ đây đã lụn tàn, dấu tích không còn. Nhắc nhớ, chỉ như gíó thoảng chiều hôm, chúng ta chỉ là người công dân bình thường, trước sự đã rồi. Chỉ có điều, thỉnh thoảng đọc thấy những bài báo, sách vở thêu dệt, kể cả ta và địch, từ quan quân đến người cầm bút, tạo ra những hoàn cảnh nên thơ, lịch sự ở lòng tử tế cho phù hợp với nhân bản con người. Với những cường điệu quá lố được thêu dệt trong sáng tác. Không thể tin được chuyện kể bắt tù binh ở chiến trường buổi sáng, mà buổi trưa dẫn ra Huế ăn phở, chiều tối đưa đi coi xinê rồi thả địch về (kết thúc bài viết là hồi sau chiến tranh gặp lại). Hay những câu thơ đi hành quân mà bắn súng khơi khơi lên trời may rủi, chuyện ngồi uống rượu với anh bộ đội Bắc Việt, trong thi ca lúc nào rượu cũng được đề cập đến, kể cả khi đụng trận. Bài viết không trung thực chút nào trong cuộc chiến. Tác giả cho thấy tấm lòng nhân ái ? Nhưng với tôi, người đọc sẽ cảm thấy quân đội miền Nam vô kỷ luật, không có tinh thần chiến đấu, phản chiến, bạc nhược. Không có cấp chỉ huy nào để người lính tự bắn chơi theo ý mình. Ở đâu quân đội nào cũng có kỷ luật, nhất là ở chiến trường, lại càng khắc khe nghiêm chỉnh hơn hết, chuyện tử sinh, tồn vong thắng bại chính ở tinh thần đồng đội, mệnh lệnh từ cấp chỉ huy. Sống chết còn hay mất, chỉ cần thời gian hai mươi phút đầu súng nổ, là biết mệnh số chung cuộc. Biết bao ngàn người lính, biết bao đơn vị chống trả hy sinh cho đến phút cuối cùng.
Hơn thế nữa, những sự thật nói ra cũng nhằm minh chứng cho sự hy sinh ở người nằm xuống, hay những thương binh tàn phế còn sống dở chết dở trên phần đất quê nhà. Chiến tranh nào cũng vậy, ngoài chết chóc ly tán gia đình, còn có những bất công đầy rẫy trước và sau cuộc chiến. Người thắng kẻ thua, bên nào cũng có thành phần thua thiệt. Kẻ thua thiệt trước tiên là những người lính bị loại ra khỏi vòng chiến, những thương binh với mức độ tàn phế vĩnh viễn. Không có gì đền bù cho một kiếp người khốn khổ, không có bù đấp nào trả lại hạnh phúc gia đình cho kiếp phế nhân, nhất là khi chiến tranh hai miền kết thúc. Thực tế cho thấy thành phần thương phế binh miền Nam, đời sống bị ngược đãi như thế nào.
Trước đây, cầm cuốn sách “Ông tướng sang sông” tôi gởi tặng, có lần  tướng Di hỏi người gần bên. Tại sao phải là ông tướng sang sông? Giờ đây không chỉ riêng ông mà người nào cũng qua bến bờ. Trang sử đã lật qua, quá khứ một thời trôi theo sông nước, buông tay theo cuộc đời lưu lạc. Ông là người được đào tạo tốt, trước đây đã theo học khóa Bộ Binh cao cấp tại trường Fort Benning, Georgia hay trường Chỉ huy tham mưu Fort Leavenworth, Kansas Hoa Kỳ sau nầy (1965). Ở sư đoàn, ông tự học lái trực thăng với phi công bên ông, và tự học thêm văn hoá cho chính mình.
Nhìn ông đi bay, và cách ngày xuống các trung đoàn hành quân theo dõi, đủ thấy ông đặt nặng hoạt động hành quân hơn ngồi ở Sư đoàn. Tôi nhớ có lần Bộ Tư lệnh tiền phương sư đoàn đóng tại căn cứ Vĩnh Nhi (gần Cai Lậy) trên quốc lộ 4. Một đêm Việt Công đột nhập từ mặt phòng thủ của pháo binh. Địch tràn vào sát trung tâm hành quân, tướng Di ngủ lại tại đó khi bị tấn công. Trước đây căn cứ nầy do trung đoàn 15 thiết lập, tôi biết tất cả đều có bờ thành đất, do công binh ủi cao lên khỏi đầu. Mọi đường di chuyển hẹp từ nơi nầy sang nơi khác, đều nằm trong phạm vi rào kẻm gai. Cho nên khi địch tấn công dù có lọt vào trong, không có đường nào để đi ngoài con đường cố định dưới họng súng qua các lổ châu mai phòng thủ. Chính vì vậy, dù đã lọt vào địch cũng không xâm nhập vào trong được. Suốt đêm tới sáng đơn vị phòng thủ chỉ có một đại đội trinh sát đánh chiếm lại từng khu một. Do tư lệnh sư đoàn bị kẹt bên trong, nên lực lượng tiếp viện được nhanh chóng đưa đến. Bên ngoài quốc lộ, thiết đoàn kỵ binh từ Long Định xuống tiếp ứng. Ba giờ sáng, tiểu đoàn tôi tại Chi Lăng, được lệnh chuyển quân xuống Kiến Hoà chận đường rút của địch, ngang qua Bộ Tư lệnh sáng sớm, còn mù mịt khói súng.

Tướng Ngô Quang Trưởng và tướng Trần Bá Di

Tôi nhớ năm đầu Xuân tại căn cứ hành quân chiến đoàn 15, trong phòng thuyết trình ông khui chai sâm banh chúc Tết đơn vị. Có tiếng nổ, rượu tràn. Cái nắp bần đậy kín bắn thẳng vào khung hình treo đầu tường. Có tiếng kính vở, rớt xuống đất. Khung hình tổng thống Nguyễn văn Thiệu rơi xuống, như báo hiệu điềm trời. Tất cả mọi người cười gượng, như không có chuyện gì ngoài chuyện họp mặt đầu năm. Gần cuối năm đó thiếu tướng Di cho hay sẽ đổi đi Quân đoàn 1 làm Tư lệnh Phó cho trung tướng Ngô Quang Trưởng. Trước ngày ra đi, (tuần cuối tháng 10 năm 1973), ông xuống BCH hành quân của chiến đoàn 15 đang đóng tại Long Mỹ (thuộc Chương Thiện) ngủ lại qua đêm, lúc đó trung đoàn trưởng, trung tá Anh. Đêm đó, trời mưa nhỏ có lựu đạn nổ tại chợ Long Mỹ. Trung tá Anh lệnh cho tôi ra trước xem xét, sau đó thiếu tướng Di và Trung tá Anh ra quan sát. Tưởng là vậy, nhưng chỉ hai ngày sau lệnh thay đổi, thiếu tướng Trần bá Di về làm tư lệnh phó cho tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh quân đoàn 4.
Thiếu tướng Trần Bá Di là người rất am tường chiến trường ở quân khu sình lầy, ông đã giữ mọi chức vụ từ trung đoàn trưởng, tỉnh trưởng, tham mưu trưởng quân đoàn, cho đến Tư lệnh sư đoàn 9 BB hơn bốn năm. Do thời gian lâu ở một đơn vị, ông xuống thường xuyên các nơi, nên ông biết rỏ khã năng từng người ông tin dùng. Ông không bị mua chuộc hay vị nể bởi những gởi gắm. Đó là trường hợp ở tôi, khi chuẩn tướng tham mưu trưởng quân đoàn muốn cho người thay tôi, lấy lý do tôi có lệnh phạt, thời gian tôi ở tiểu đoàn có lính đào ngũ (đơn vị chíến đấu nào mà không có lính đào ngũ). Thiếu tướng Di phê trên phiếu trình công văn gởi đến. “Tôi là Tư Lệnh Sư đoàn hay ông ấy tư lệnh?” Khoảng 6 tháng sau điệp khúc cũ lập lại, gởi đến trình lên lần nữa. Ông nói “Ngày nào tôi còn Tư Lệnh là ngày đó ông Lợi còn làm”. Cả hai lần, trung tá Ninh trưởng phòng 2 sư đoàn đều cho tôi hay. Thật sự tôi không hề biết chuyện tham mưu trưởng quân đoàn “có lòng quan tâm đến nội bộ đơn vị” xa như vậy. Với tôi Thiếu tướng Di chưa bao giờ nhắc đến chuyện nầy. Mọi việc coi như xếp lại, không có gì xảy ra.
Tôi không sống gần gũi bên tư lệnh, không có quan hệ riêng tư nào ở đời sống bên ngoài. Ông chỉ đến trung đoàn gặp tôi qua nhiệm vụ hành quân. Dù do ông cất nhắc ở chức vụ trưởng ban 2 trung đoàn (bước đi lên cho kế tiếp), một chức vụ chỉ huy không có tiền bạc gì đem lại cho bản thân, có chăng là có đại đội trinh sát trực thuộc, hàng tháng tôi phải báo cáo lên trên, về tình trạng tham chiến quân số, trang bị, hành quân. Công việc tiếp xúc là với địch quân ở chiến trường, đi bay với trung đoàn trưởng đổ quân, vẫn là chốn hành quân, đâu phải là chốn an thân thụ hưởng, tất cả đều là mệnh số nhận chịu. Nhưng cũng chính cớ sự xảy ra nầy, tôi hiểu được sự tranh giành chức phận, qua tiền bạc phe đảng, ở đâu cũng có. Tôi cảm thấy chán và nhìn lại đời sống bản thân, gia đình mình.
Với nghề cầm bút, ở đơn vị tôi không có sáng tác văn học gì phục vụ cho báo chí hay phát thanh của sư đoàn. Tôi chỉ có 3 lần ngồi bàn giấy bất đắc dĩ, do có người đề nghị. Lần thứ nhất tôi viết bài Thế Diêt Chốt và Cầm Địch (tôi ký tên, cấp bậc). Bài kế, Bình Long Anh Dũng (Đại tá Cẩn ký). Bài thứ 3, bài nầy là một tập dầy, trung đoàn trưởng cho nghỉ một tháng lên xuống (hành quân và hậu cứ) để tiếp xúc và tìm hiểu tài liệu các Ban ngành trung đoàn, để viết thành Huấn Thị Điều Hành Căn Bản cấp Trung Đoàn bộ binh (Đại tá Diêu ký) để nộp về Bộ Tổng Tham Mưu theo qui định.
Tôi là người ở đơn vị nầy từ ngày mới ra trường rồi đi lên, nhưng với tướng Di tôi nghĩ ông là con người tình cảm, nặng lòng với Sư đoàn 9 nhiều hơn các vị tư lệnh trước. Dịp tôi thực tập Không trợ 2, ở Trung tâm hành quân không quân và Quân đoàn. Tôi xin gặp ông trong văn phòng Tư lệnh phó Quân đoàn. Khi nghe tôi muốn xin thuyên chuyển. Ông than một câu nghe chí tình “Ông Gình đi rồi, giờ ông cũng đi nữa thì còn ai làm việc cho Trung đoàn”. Nghe ông nói lòng tôi thấy bồi hồi. Ông đã rời đi nhưng tấm lòng ông vẫn còn ở sư đoàn cũ, biết và nhớ đủ mọi người.
Qua rồi một thời năm cũ, đôi lúc một mình nhớ lại chuyện đời qua, bạn lính bạn tù, tình lính, tình người, trong tháng ngày còn lại nầy, lòng không khỏi xót thương ngậm ngùi. Những năm tháng nghĩa tình bên anh em sống chết, gian nguy cực khổ để rồi cuối cùng là những chung cùng mạt vận, theo phận số đất nước.
Bạn tôi cho hay, mới đi thăm tướng Di về, nghe nói ông đã yếu đi nhiều sau tai nạn xe, tuổi đời đã lớn (ông sinh năm 1931), chắc không đủ sức đi xa cho lần họp mặt. Tôi chợt nao lòng khi nghĩ đến chuyện năm nào, muốn nói một lời cảm ơn thầm lặng, chưa bao giờ nói, chuyện không mấy người biết. Cho dù hôm nay ông là Anh Ba trong gia đình thuộc cấp, nhưng với tôi ông vẫn là Thiếu tướng Tư Lệnh ngày nào.
Rồi khi mọi chuyện tàn phai, vật đổi sao dời, vẫn là giai đoạn của một thời để nhớ, một đời không quên.

Hoài Ziang Duy
(Còn Không Chốn Quay Về. xb 2017)