Mao rất thích làm thơ theo lối cổ tuy bản thân ông thì ra lệnh Phá Tứ Cựu
(xóa bỏ bốn điều cổ hủ, lạc hậu)
Thơ là nghệ thuật của sự thanh tao, tức là
đồng nghĩa với sự tinh tế và nhạy cảm.
Có vẻ ngược ngạo khi thơ cũng có thể được
dùng để ca ngợi sự tàn bạo và là loại hình nghệ thuật được các nhà độc tài ưa
thích.
Nhưng tự cổ chí kim, các nhà độc tài đều
thích làm thơ – để tìm kiếm sự khuây khỏa, giãi bày tâm sự hay vinh quang.
Các tác phẩm của họ giúp chúng ta hiểu được
về bản chất của quyền lực, sức hút muôn đời của thi ca và những hiểm họa của việc
diễn đạt nghệ thuật.
Nero tự đại
Một hình mẫu nhà thơ – bạo chúa là Nero
(37-68 Công nguyên), vị hoàng đế La Mã khoa trương, tự phụ, thích cảm thán về bản
thân mà những luật lệ hèn mọn ông ban hành phản ánh thứ nghệ thuật kém cỏi của
chính bản thân ông.
Các nhà viết sử của Nero, Tacitus và
Suetonius, cho rằng thành Rome đã bị thơ cũng như những chính sách của Nero
giày xéo.
Sự chế nhạo là một hình thức trả thù để thỏa
lòng bằng cách phê phán, nhưng những lời mô tả như thế của các sử gia cũng đặt
ra một vấn đề nhức nhối: liệu tội ác của kẻ chuyên chế có thể được giảm nhẹ nếu
như tác phẩm của ông ta được xem là có giá trị; và ngược lại, liệu chúng ta có đánh
giá một cách công bằng đối với chất lượng thơ của một kẻ chuyên chế hay không?
Như học giả Ulrich Gotter chỉ ra trong cuốn
sách mới được xuất bản “Các nhà độc tài làm thơ” thì so với các hoàng đế-nhà
thơ như Caesar và Augustus, thời kỳ mà Nero cai trị lại “đáng ngạc nhiên là
không hề có đổ máu”.
Tuy nhiên, bất chấp việc ông ta không có
tham vọng quân sự, các hành động thù hận của Nero đều được ghi lại đậm nét, và
hình ảnh ăn sâu trong đầu chúng ta về ông là hình ảnh một nhà chuyên chế thảm hại
mặc trang phục sân khấu bi thảm, cất tiếng ca tụng việc chiếm được thành Troy
trong khi kinh thành của ông ta bị đốt cháy ra tro.
Suetonius dẫn lại lời của Nero là “vô cùng
vui sướng trước vẻ đẹp của ngọn lửa”.
Nero say sưa trong các màn trình diễn: Tại
Rome ông khai trương Neronia, một lễ hội đầy trau chuốt mang âm hưởng Hellenic
gồm ba phần là âm nhạc, diễn thuyết và đọc thơ.
Và trong một chuyến đi vòng quanh Hy Lạp,
ông đã tham dự cuộc thi sáng tác thơ, thi hát và chơi đàn lia, bên cạnh việc
thi đấu trên chiến xa. (Tại Olympia, ông bị hất khỏi cỗ chiến xa 10 ngựa kéo, ấy
vậy mà vẫn được trao giải chiến thắng, bởi các vị giám khảo bợ đỡ, hèn nhát).
Nero nói rằng tượng của những người chiến
thắng trước đó cần phải bị dỡ khỏi bệ, và ông ta trở về thành Rome mang theo
1.808 giải thưởng.
Chân dung của nhà thơ này như là một kẻ tự
cao tự đại, thích nhào nặn thế giới theo trí tưởng tượng hoang tưởng của ông ta
đã là nguồn cảm hứng cho nhà văn đạt giải Nobel Henryk Sienkiewicz với cuốn tiểu
thuyết “Quo Vadis” vào năm 1896.
Nero thậm chí còn tự đạo diễn màn trình diễn
cuối cùng của đời mình: hành động tự sát vụng về của ông. Ông đã tập và diễn
câu nói vĩnh biệt: qualis artifex pereo (Ta chết là một nghệ sỹ tài ba đã chết).
Mussolini ủy mị
Gần hai ngàn năm sau, một nhóm các nhà thơ
Ý đã dự báo chủ nghĩa phát xít với việc ca ngợi cảnh hoang tàn theo kiểu của
Nero.
“Hãy để nghệ thuật thăng hoa dẫu cho thế giới
có hủy diệt” là một trong các khẩu hiệu của các nhà theo thuyết Vị lai Ý do nhà
thơ Filippo Tommaso Marinetti, người tôn sùng chiến tranh như là ‘giải pháp duy
nhất để cứu thế giới’, sáng lập.
Marinetti đã tìm cách công nghiệp hóa và
quân sự hóa ngôn ngữ với dạng ‘thơ cụ thể’ (hay ‘thơ hình khối) do một kẻ sáng
tạo hung hăng sáng tác với việc bắt đầu bằng cách ‘tàn phá cú pháp một cách
không thương tiếc’.
Những nhà chủ thuyết Vị lai này bị ảnh hưởng
bởi nhà thơ-chiến binh Gabriele D’Annunzio – một nhân vật được tôn sùng, người
đã sáng lập phong trào ‘độc tài trong thơ ca’ ngắn ngủi vào năm 1919 vốn là nguồn
cảm hứng thúc đẩy Mussolini giành lấy quyền lực ba năm sau đó.
Mặc dù tự nhận là rất hâm mộ ý tưởng của
D’Annunzio về sự ‘hợp nhất huyền bí’ giữa thơ và người, thơ của chính Mussolini
có xu hướng cam chịu một cách ủy mị.
Tham vọng thơ phú của ông ta có một sự giả
tạo có mức độ: nhà viết tiểu sử Mussolini là Richard Bosworth cho biết rằng ông
ta để tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng “mở ra ở trên bàn làm việc của ông ấy
để khiến người khác để ý” khi có khách quý nước ngoài đến thăm.
Những bài thơ sau này của ông ta thể hiện sự
cô lập – không hề giống như lý tưởng của ông ta thời trẻ khi đi theo con đường
chủ nghĩa xã hội. Khi đó, ông sáng tác những vầng thơ than khóc cho sự sụp đổ của
chủ nghĩa Jacobin (“chiếc rìu thấm máu dân nghèo”) và khao khát sự tiên tri
cách mạng (“Trong đôi mắt khép lại lóe lên nguồn Ý tưởng/ Viễn cảnh về một thế
giới về sau”).
Điều tất yếu là các nhà độc tài đã chuyển sự
bất đắc chí trong nghệ thuật của họ sang chính trị.
Hitler, mặc dầu tự cho là thích “sức mạnh
thần kỳ của lời nói” thay vì “sự tuôn chảy dạt dào tình cảm của thi sỹ”, từng
tưởng tượng mình là một kẻ bohemian phóng khoáng ở thành Vienna.
Goebbels, người biến nghệ thuật tuyên truyền
trở thành hoàn hảo, đã viết một cuốn tiểu thuyết với tính chất biểu cảm trong
khi Pol Pot, người học hành ở Paris, là một người ái mộ thơ theo trường phái Biểu
tượng của Verlaine.
Stalin màu mè
Chủ nghĩa Marx ở nước Nga đã cho ra đời một
làn sóng của phong trào thẩm mỹ cấp tiến trong khi nhà thơ-nhà chuyên chế của
Liên bang Xô Viết lại làm thơ theo phong cách bảo thủ đến ngạc nhiên.
Stalin thời còn trẻ làm thơ bằng ngôn ngữ
Georgia – ngôn ngữ bị cấm ở trường dòng Chính thống giáo nơi ông ta theo học –
và các tác phẩm của ông dùng lại những mô típ lãng mạn của một nhà thơ nổi loạn
của và của Thời Hoàng kim đã mất.
Thơ của Stalin có nét đặc trưng là sự mô phỏng
khéo léo, thiếu sự tự trào và ‘lòng nhiệt huyết thái quá’, theo nhận định của
nhà phê bình Evgeny Dobrenko.
Với sự tao nhã hoa lá cành gần tới mức kệch
cỡm, thơ của Stalin chứa đầy những sáo ngữ theo chủ nghĩa tự nhiên: “Dưới nền
trời xanh tiếng sơn ca hót véo von trong bụi cây” còn tâm hồn thì bị “khu rừng
âm u của bóng đêm” giày xéo.
Đây là những câu thơ chân thành tha thiết nếu
không bị vướng một cách thô thiển vào chính trị:
“Sẽ là chuyện hiển nhiển
Một khi bị vùi xuống đất đen
Người đàn ông bị áp bức
Một lần nữa cố vươn đến đỉnh núi thiêng
Khi được đỡ nâng bằng hy vọng”
Trong bài thơ ‘Over This Land’ (1895), một
nghệ sỹ đem đến cho quần chúng âm nhạc đầy dự cảm:
Tiếng ca biến những trái tim đã hóa đá
thành nhịp điệu
Giọng hát khai mở những tâm hồn đã hóa đêm đen mịt mùng
Nhưng nhà tiên tri đó lại không được quần
chúng mà ông đang cố gắng giải thoát nhìn nhận: “Đám đông đặt trước mặt kẻ lạc
loài/ Một chiếc cốc rót đầy thuốc độc”
Trong một bài thơ sau đó, Stalin một lần nữa
xuất hiện với vai trò là một ca sỹ mà “lệ tuôn rơi trước thảm cảnh của nông
dân” khi ông, với sự tiên tri, “dựng lên tượng đài ghi danh mình…trong lòng mỗi
người dân Georgia”.
Được xuất bản mà không đề tên, những câu
thơ của Stalin được đăng trong những tạp chí văn học uy tín và được tuyển chọn
như là điển hình của văn học cổ điển Georgia.
Thật ra, ngay cả những nhà viết tiểu sử
Stalin chỉ trích ông nhiều nhất cũng dành lời khen cho thơ ông: Simon
Sebag-Montefiore viết rằng “vẻ đẹp của thơ Stalin nằm trong nhịp điệu và cách
dùng từ”, vốn khó mà truyền đạt sang ngôn ngữ khác, trong khi Robert Service
cho rằng những tác phẩm của ông có một “sự trong sáng về ngôn ngữ mà mọi người
đều thừa nhận”.
Vẻ đẹp đầy hoa lá và khí thế hào hùng đó lại
xuất hiện trong tinh thần cổ vũ chủ nghĩa xã hội hiện thực của Stalin, trái ngược
với những người đi tiên phong thử nghiệm chủ nghĩa hiện đại.
Người thừa kế tinh thần của Stalin, Yuri
Andropov, đã kết hợp sự quan liêu với tính lãng mạn. Là người đứng đầu KGB, ông
khủng bố giới bất đồng chính kiến và đè bẹp phong trào nổi dậy ở Hungary trong
lúc viết thơ tình tặng vợ.
Nhà thơ người Uzbekistan Hamid Ismailov kể
một giai thoại về Andropov: một trong những người viết diễn văn của ông gửi ông
tấm card chúc mừng sinh nhật trong đó nói đùa rằng quyền lực làm tha hóa con
người, và Andropov viết lại với những vần thơ lạnh gáy, dịch xuôi thì có nghĩa
thế này:
Một khi kẻ xấu thốt lên
rằng quyền lực làm tha hóa nhân gian
Thì rồi giới học giả hùa theo
Mà không hề nhận ra (trời ạ!)
Rằng thường thì chính con người mới làm tha hóa quyền lực
‘Mặt trời Hồng’
Một nhà độc tài khác tự thừa nhận theo chủ
nghĩa Stalin, nhà lập quốc của Bắc Hàn Kim Nhật Thành, được cho là tác giả của
những vở kịch cách mạng và các tác phẩm lý luận, nổi bật nhất là ‘học thuyết hạt
giống’ vốn mô tả ông ta như là cha đẻ của sáng tạo nghệ thuật.
Vào năm 1992, Kim đã viết một bài thơ cho
con trai Kim Jong-il, sau được công bố rộng rãi:
Đã năm mươi mùa xuân rồi sao Ngôi sao Sáng?
Với ngòi bút và thanh gươm đầy uy lực
Và còn lòng dạ sắt son như nhất
Được muôn người kính nể
Tiếng đồng thanh tung hô và ca ngợi
Làm rung chuyển cả đất trời
Kim Nhật Thành, người cha lập quốc, được
chào đón như là ‘Mặt trời của đất nước’ giống như cái cách mà Mao Trạch Đông được
ca tụng là ‘Mặt trời Hồng trong tim mỗi chúng ta’.
Mao chính là hiện thân của lý tưởng ‘bút và
gươm’ của nhà trị quốc – dựa trên ý tưởng ‘văn võ song toàn’. Mao tìm cách làm
sao cho quan niệm phong kiến này trở nên phù hợp trong khi để mình vượt lên
trên nó.
Ông ta đã viết trong một bài thơ vào năm
1936 rằng từ trước đến nay ít có hoàng đế để lại di sản thơ ca, mà giờ đây ‘những
con người thật sự vĩ đại/ Chỉ có trong thời đại này’.
Thơ của Mao chính thống về hình thức và cổ
điển trong chủ đề, một kiểu làm thơ truyền thống mà ông ta lẽ ra phải khinh miệt.
Bất chấp mệnh lệnh do chính ông ta đưa ra
là Phá Tứ Cựu (xóa bỏ văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ, ý tưởng cũ), Mao
làm thơ theo lối cổ, ngay cả khi lối làm thơ đó bị lên án là trưởng giả và lỗi
thời.
“Tôi lo sợ những sai lầm đó lan rộng có thể
khiến giới trẻ lầm lạc,” Mao thổ lộ với biên tập một tờ tạp chí, thế nhưng ông
vẫn chiều theo sở thích của mình ngay cả khi ông ấy cấm người khác làm theo.
Mao đắm mình vào ngôn ngữ và chứng tỏ sự
thuần thục trong việc sử dụng hình ảnh (“núi trùng điệp xanh biêng biếc/ Ráng
chiều đỏ rực máu một màu”) và các chủ đề cổ điển (“thế gian vật đổi sao dời,
bãi biển hóa thành nương dâu”) và có khi lại trào lộng (“hy sinh gian khổ càng
khiến bền lòng chặt dạ”) và tuyên truyền (“Con gái Trung Hoa chí khí ngất trời/
Yêu chiến đấu nào phải đâu nhung gấm”).
Những tác phẩm của Mao chứng tỏ rằng nghệ
thuật thanh thoát không có nghĩa là tác giả sẽ đưa ra những chính sách mềm mại.
Vào năm 1966, Hồng vệ binh bổ sung vào quyển
Mao tuyển của họ 25 bài thơ do Mao sáng tác vốn dẫn đến sự say mê thơ theo lối
cổ ở những người quyết tâm phá bỏ ‘những tàn dư phong kiến’.
Câu thơ cuối cùng mà Mao từng viết, một năm
trước khi phát động cuộc Đại Cách Mạng Văn hóa, là điềm báo cho những hỗn loạn
sắp tới: “Hãy nhìn kia: Thế giới đã đảo lộn”
Bằng chứng buộc tội
Những tác phẩm thơ cũng được dùng làm bằng
chứng buộc tội tại Tòa Hình sự Quốc tế khi Radovan Karadžić, ‘Tên đồ tể của
Bosnia’ bị kết tội diệt chủng.
Một phim tài liệu hồi năm 1992 của BBC đã
ghi lại cuộc gặp giữa Karadžić và nhà thơ Nga theo chủ nghĩa dân tộc Eduard
Limonov, trong đó Karadžić đọc một bài thơ dự báo về bạo lực và Limonov bắn một
loạt đạn vào thung lũng phía dưới.
Karadžić nói rằng ông ta đã biết trước sẽ
có chiến tranh nhiều năm trước đó, và bài thơ Sarajevo vào năm 1971 của ông ta
có những dòng sau đây:
Thành thị rực cháy như mẩu nhang
Lương tri chúng ta gầm lên trong làn khói…
Luật pháp quốc tế đòi hỏi phải xác định ý định
phạm tội của bị cáo. Karadžić là nhân vật chủ chốt trong cái mà Slavoj Žižek gọi
là ‘trạng thái tình cảm thơ ca-quân sự’ tôn sùng việc dùng văn thơ bắn phá vào
tình cảm dân tộc chủ nghĩa, nhất là bài thơ sử thi The Mountain Wreath (1847) của
Petar Petrović-Njegoš mà trong đó máu đổ của người Hồi giáo được xem là hành động
khai sinh ra nhà nước Serbia.
Cuộc đột kích vào khu nhà mà Osama bin
Laden ẩn trốn vào năm 2011 đã khiến truyền thông bình luận về tủ sách của ông
ta, nhưng chỉ tập trung vào sự thiếu vắng tiểu thuyết mà không nhắc đến lòng
yêu thơ của ông.
Hồi năm 2010, bin Laden đã viết cho một phụ
tá những chi tiết về một âm mưu đầy tham vọng trước khi kèm theo một yêu cầu:
“Nếu có người anh em nào ở cùng cậu mà biết về nhịp thơ thì hãy cho tôi biết,
và nếu cậu có quyển sách nào bàn về khoa học làm thơ cổ điển thì hãy gửi cho
tôi xem.”
Bin Laden nằm trong số những nhà thơ thánh
chiến được ca ngợi nhất và đó một phần là do tài năng làm thơ cổ điển trôi chảy
của ông ta.
Sứ quân của Bin Laden ở Iraq, Abu Musab
Al-Zarqawi, được mọi người biết đến đồng thời là ‘đồ tể’ và ‘người khóc nhiều’
– cho thấy mối liên hệ giữa sự tàn bạo và mẫn cảm, khao khát song song về quyền
lực và lòng thương.
Thủ lĩnh hiện tại của Al-Qaeda, Ayman
al-Zawahiri, cũng làm thơ, và caliph (tức Quốc vương) tự xưng của cái gọi là
Nhà nước Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi, viết luận văn tiến sỹ về một bài thơ
tôn giáo.
Một nhà độc tài từng viết thơ và có kết cục
cay đắng là Saddam Hussein. Bài thơ trong tù 2013 của ông được sáng tác bằng tiếng
mẹ đẻ khá trúc trắc: “Ngươi là cơn gió nhẹ dịu dàng / Làm nên tâm hồn ta / Và Đảng
Baath của ta nở hoa như cành cây đâm lộc biếc”.
Saddam, người vốn thích chụp hình bên khẩu
AK, đã thể hiện sự bất khuất của mình qua những con chữ: “Nơi đây chúng ta ưỡn
ngực trước bầy sói”.
Thú vị là người chế tạo ra khẩu AK, Mikhail
Kalashnikov, cũng thích trở thành nhà thơ. Như WH Auden viết trên mộ chí của
Hitler, “thơ ông viết rất dễ hiểu”.
Benjamin Ramm
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Nguồn: BBC Tiếng Việt