“Are you Vietnamese?” Trâm hỏi người đàn
ông mới quen lúc hai người đang đứng đối diện nhau sau cánh cửa bằng gỗ sồi đã
khép lại và khóa chặt.
Người đàn ông, có dáng vẻ của một dân gốc Á Ðông, hơi sửng sốt, ngập ngừng
trong giây lát rồi buộc miệng:
“Vâng. Mà sao cô lại biết tôi là người Việt Nam?”
“Thì em cứ đoán đại như vậy,” cô gái nói sau khi đã cởi hết lớp áo ngoài. Vy cảm
thấy hoàn toàn bị chinh phục.
“Tôi tới Mỹ du học năm 1971 rồi ở lại làm việc cho Hãng Honeywell luôn cho tới
bây giờ. Tôi tới thăm viếng Thái Lan cho đỡ nhớ mấy cô gái Việt Nam, vì tôi vẫn
còn sợ Việt Cộng, chưa dám về thăm quê hương! Mà tôi xin lỗi, cô tên là gì vậy?”
Vy vừa nói vừa tiến tới ôm lấy Trâm.
Người con gái đưa bàn tay thon, nhỏ của cô đẩy nhẹ Vy ra. Vy bước lùi một bước
rồi lại bước tới, cặp mắt cứ bám riết theo đôi chân thon, dài, mịn màng và trắng
trẻo của cô gái.
Người kỹ nữ nhoẻn miệng cười khả ái, đưa một bàn tay lên bá lấy cổ Vy, bàn tay
kia thì nắm lấy cánh tay người đàn ông, dìu chàng ngồi xuống.
* *
Trâm bị đẩy vào nhà chứa này ở một khu ngoại ô xô bồ của thủ đô Băng-cốc bên
Thái Lan để tiếp khách làng chơi vào một ngày sau Lễ Giáng Sinh năm 1984. Là xứ
Phật, nhưng có lẽ vì ảnh hưởng khá sâu đậm nền văn hóa Tây phương đang ngày
càng chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội của Thái Lan, đa số dân chúng nơi đây đón
mừng Lễ Giáng Sinh rất kỹ. Các hải tặc Thái, những người từng đánh chìm chiếc
thuyền vượt biên bốn “lốc” của Trâm rồi hãm hiếp khoảng ba chục phụ nữ vừa trẻ,
vừa già trên thuyền, đã bắt Trâm và sáu thiếu nữ xinh đẹp khác trong bọn thuyền
nhân đem lên bờ bán vào các nhà chứa mà mấy năm trở lại đây, theo với đà phát
triển nhanh như gió của ngành du lịch Thái, đang mọc lên như nấm trên đất nước
Xiêm La ngàn năm văn hiến.
Trong cái đêm mừng Giáng Sinh tập thể của các hải tặc Thái trên chiếc tàu cướp
biển bỏ neo ngoài khơi đảo Kra, riêng một mình Trâm thôi, vì đẹp nhứt trong đám
nữ nô, đã phải tiếp một hơi đến 18 tên hải tặc hôi hám tới vui chơi và dự tiệc
nhậu mà thực đơn gồm đủ các loại đồ biển và rượu mạnh Ðông, Tây. Thanh và Quế,
bạn đồng hội, đồng thuyền với Trâm, thì “tiếp khách” ít hơn, nhưng mỗi người
cũng xấp xỉ được cả chục mạng “heo nọc” Xiêm La chiếu cố, một số trong bọn đã
thiệt sự không “làm ăn” gì được vì quá say, nhưng chỉ sau khi họ đã ói mửa tùm
lum trên ngực, trên bụng các cô mà bọn người này đã không ngừng hôn hít và mân
mó bằng động tác của đám trẻ thơ!
Xế trưa ngày hôm sau, tức ngày Hai Mươi Lăm Tháng Mười Hai Dương lịch, toàn bộ
“thất cô nương” bỗng dưng được viên chỉ huy tàu cho gọi lên boong, và được
thông báo rằng các cô sẽ được trả lại tự do.
“Chừng một giờ nữa, một chiếc thuyền máy sẽ cặp vào tàu và đưa tất cả lên bờ!”
người thuyền trưởng tàu Thái Lan đầy những râu rìa, lông ngực, nói.
“Họ đưa mình đi đâu vậy?” Thanh hỏi lớn, mong có được một câu giải đáp hợp lý
và thỏa đáng từ phía mấy chị em từng cùng là nạn nhân trong cái đêm hành lạc của
bọn Thái vừa qua.
Vân, cô nữ sinh trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, người trẻ nhứt trong đám, trả
lời một cách thơ ngây:
“Thì họ đưa tụi mình lên trại tỵ nạn để được đi định cư, chớ còn đi đâu nữa bây
giờ?”
“Ðừng có hy vọng hão huyền, Vân ơi!” Quế đáp. “Tao nghĩ là bọn chúng sẽ đưa
mình tới một chỗ đày ải mới, không biết sẽ đỡ hơn hay là khổ hơn đây? Không khi
nào mà hải tặc lại tử tế với thuyền nhân Việt Nam mình như vậy đâu, mấy bà ơi!”
Trong bọn, chỉ có Trâm là đoán đúng nơi đến của nhóm phụ nữ khốn khổ này. Trước
ngày từ giã anh em, họ hàng vượt biên để tìm tự do, Trâm đã nghe nói nhiều đến
thân phận của các cô gái như mấy chị em đây một khi đã bị bọn Thái hãm hiếp và
bắt đi. Hầu hết các nạn nhân, sau vài ba tuần, hay cao lắm là một tháng, bị
giam giữ và hành hạ xác thịt dưới tàu, cuối cùng cũng được cho lên bờ, nhưng chỉ
để bị đem bán vào các ổ mãi dâm trên đất Thái để tiếp tục dùng tấm thân trắng
trẻo của mình phục vụ cho đám đàn ông Thái đen đủi, hôi hám, nhưng có chút đỉnh
tiền bạc, bỏ ra chơi bời.
Ðó là cái giá phải trả của một số lớn những phụ nữ đã chấp nhận chịu đựng mọi
gian khổ, rủi ro, lên đường đi vượt biên bằng đường biển, với hy vọng trốn
thoát khỏi chế độ ngục tù của Cộng Sản Việt Nam mà đến các nước tự do trong những
năm đầu thập niên 1980. Ngoài những thảm họa như lạc đường, chìm thuyền, trôi
giạt vì bão tố, đói khát, kiệt sức... các thuyền nhân rời bỏ quê hương, tổ quốc
ra đi, nhứt là phụ nữ, lúc nào cũng có nguy cơ phải đối diện với một trong những
tai họa khủng khiếp nhứt trên biển cả là nạn cướp biển, tức là những cuộc tấn
công, cướp của, hãm hiếp và giết tróc của hải tặc Thái Lan.
Các thuyền nhân dùng tàu, thuyền vượt biên vào Vịnh Thái Lan, vùng biển ngoài
khơi duyên hải phía Tây Nam Việt Nam và Bắc Mã Lai Á, thường gặp phải hải tặc.
Hầu hết những tên cướp biển này là người Thái, nhưng một số khác lại là những
dân dữ tợn sống bằng nghề biển gồm nhiều quốc tịch khác nhau từ các hải đảo nhỏ
gần duyên hải Thái Lan là nơi có một lịch sử cướp biển lâu đời, mãi từ các thế
kỷ 16 và 17.
Trước khi có bóng dáng các thuyền nhân Việt Nam xuất hiện trong vùng, các tên
cướp biển này vẫn thường hay tấn công các thuyền máy lẻ loi hay tàu buôn nhỏ,
cướp lấy tiền bạc và hàng hóa rồi chạy mất. Khi con số người Việt Nam vượt biển
gia tăng, chẳng mấy chốc những người này trở thành nạn nhân mới của hải tặc.
Thông thường, nếu các tàu, thuyền nào chạy lạc khỏi vùng “thủy lộ an toàn” thì
đều trở thành mồi ngon cho những cuộc tấn công của cướp biển.
Vì biết rằng hầu hết những dân đi tàu, thuyền loại vượt biển tìm tự do này thường
có vàng, bạc hay đồ trang sức quý giá mang theo, bọn cướp tấn công các tàu,
thuyền của họ để tìm các thứ đó. Thấy phần nhiều các phụ nữ người Việt trên
tàu, thuyền đều xinh đẹp, trắng trẻo hơn đa số phụ nữ Thái, đám cướp biển lấy
làm thích thú ra tay hãm hiếp họ, có khi hưởng dâm tập thể và trắng trợn ngay
trước mắt các thuyền nhân khác. Trong cuộc hãm hiếp, những hành khách đàn ông
nào chống cự lại họ hay bị nghi là đe dọa tới sự an toàn của họ thường bị giết
chết và ném xác xuống biển. Các hải tặc khác thì lại chỉ thích lên tàu lùng sục
tiền bạc, vòng vàng, nhẫn, đồng hồ... xong mới bắt hết những đàn bà, con gái
nào còn trẻ đem xuống tàu, thuyền của họ rồi chạy đi. Một số những đàn bà, con
gái bất hạnh này đã bị giết chết sau khi bị hành hạ sinh lý cả mấy tháng trời.
Có khi, những cuộc hãm hiếp này xảy ra chỉ vì các thuyền nhân nghèo quá và
không có vàng bạc hay quý kim hối lộ cho cướp biển.
* *
Trước lúc chia tay, Trâm nắm lấy tay Vy, nói như van lơn qua làn nước mắt đầm
đìa:
“Anh Vy ơi! Anh là người Việt Nam duy nhứt mà em gặp được tại chỗ này từ gần một
năm qua đó anh! Em đã tâm sự với anh tất cả những chuyện buồn đau nhứt trong đời
em, và anh cũng hiểu rõ là hy vọng em được giải cứu ra khỏi chốn này thiệt là hết
sức mong manh...”
Ngừng một lát để lau hết những giọt nước mắt tuôn trào làm nhạt nhòa đôi má phấn,
Trâm ghé sát bên tai Vy, nói nhỏ như sợ có người nào nghe thấy:
“Em muốn nhờ anh một việc mà em nghĩ là anh không nỡ lòng nào từ chối với em...
Ðó là nhờ anh đem giùm về Mỹ mấy trang nhựt ký của em viết về số phận hiện nay
của em nơi đất khách và về chuyến vượt biên thê thảm của em và 77 người khác
hai năm về trước... Anh chỉ làm có một việc là trước khi gởi tất cả bản chính về
cho gia đình em ở Việt Nam theo địa chỉ ghi ngoài bì, xin anh chịu khó sao lại
mấy trang nhựt ký này rồi cất giùm để đề phòng khi bản chính gởi đi bị thất lạc.
Nếu gia đình em vẫn còn ở nguyên chỗ cũ - mà em tin chắc là mọi người vẫn còn ở
đó, chớ không thể nào dọn đi nơi khác - thì gia đình sẽ biết rõ là em hiện còn
sống nơi đây, và hy vọng rằng một ngày nào đó Trời, Phật sẽ dun rủi cho em được
gặp lại cha mẹ và chị em của em...”
Người con gái, không kìm nổi cơn xúc động, nghẹn ngào khóc khi nói tới hai tiếng
“gia đình” mà theo cô dường như là một nỗi niềm riêng đớn đau, canh cánh bên lòng
cô đã từ hai năm qua...
Vy thấy như anh cũng nghẹn lời trước tình cảnh hiện tại của người con gái vừa mới
bán thân cho mình, không hẳn là vì tiền nhưng là vì hiện đang phải sống dưới
xích xiềng của bọn lái buôn tình dục tại một xứ mà chuyện khai thác thân xác
đàn bà để kiếm tiền được coi là một kỹ nghệ đem lại nhiều lợi nhuận nhứt cho bọn
chủ chứa và cả cho các cấp chính quyền cực kỳ tham nhũng của Vương Quốc Thái
Lan. Ðiều mỉa mai ở đây là cũng chính trên đất nước có vẻ như vô đạo này lại có
những đền đài và chùa chiền mạ bạc, thếp vàng lộng lẫy vào bực nhứt Á Châu, với
muôn vạn tín đồ kẻ quỳ, người xá trước các am, miếu khói hương nghi ngút tại
nhiều góc phố...
Vy cầm lấy bàn tay Trâm:
“Anh sẽ cố gắng hết sức để giúp em. Em hãy vững tin là câu chuyện đau thương của
em sẽ được gia đình em, và nếu cần, cả thế giới chia sẻ, để đánh động lương tâm
của loài người trước nạn hải tặc hoành hành trong vùng Vịnh Thái Lan. Anh nghĩ
rằng ngay cả cái chuyện em bị bọn hải tặc và bọn buôn thịt người Thái Lan giam
giữ làm nô lệ tình dục cho mọi người nơi nay, chẳng sớm thì muộn, cũng sẽ được
đưa ra ánh sáng... Và cuối cùng rồi em cũng sẽ được trả lại tự do để về sum họp
với gia đình nơi quê nhà hoặc là được một nước thứ ba nhận cho làm dân tỵ nạn.”
* *
Ngày 21 Tháng Giêng năm 1984
Mẹ yêu quý của con,
Có lẽ Mẹ cũng không ngờ rằng những dòng thơ mà Mẹ đang đọc đây là của con Thùy
Trâm viết về cho Mẹ, phải vậy không hả Mẹ? Ðứa con gái cưng mà Mẹ vẫn nghĩ là
đã chết thảm trên đường vượt biển để đi tìm tự do từ mấy năm trời nay thiệt ra
vẫn còn sống và đang tìm đường về với Mẹ, với các chị và các em đây! Mẹ ơi! Ðời
con sao lắm tủi nhục, đau thương!!! Không biết kiếp trước con có làm điều gì ác
hay không mà kiếp này con phải trả báo nặng nề quá như vậy, hả Mẹ?
Bởi vì con tuy còn sống nhưng không biết ngày nào mới trở về với Mẹ, với gia
đình được đây? Mẹ ơi! Nơi bốn bức tường hoa lạnh lẽo này, con của Mẹ đang chôn
vùi tuổi Xuân xanh trong kiếp nô lệ đi làm... để phục vụ cho người ta. Không có
ai để nói chuyện và để hiểu được tâm sự của con trong những tháng ngày dài lạnh
lẽo, bơ vơ nơi xứ người, con đành lén viết những dòng thơ này cho Mẹ, nguyện cầu
cho những dòng chữ của con một ngày kia sẽ tới tay Mẹ, để Mẹ và các chị, các em
mà con thương yêu đến suốt đời biết cho là con không bị chết trên biển như người
ta đồn đại mà trái lại con vẫn còn sống đây... Nhưng con đang ở một nơi cách xa
Mẹ và gia đình tới hằng mấy ngàn cây số, đang bị người ta giam giữ, dày vò thân
xác hằng ngày, hằng đêm tại nước Thái Lan này! Biết tới ngày nào con mới thoát
khỏi cảnh cá chậu, chim lồng để về với Mẹ và gia đình, hả Mẹ?
Thôi con khổ quá rồi Mẹ ơi! Viết cho Mẹ mấy hàng này mà nước mắt tuôn trào ướt
hết giấy. Nếu đọc thơ mà Mẹ thấy những chỗ bị nhòe nhoẹt thì đó là là vì nước mắt
đau thương của con khóc cho thân phận mình đó, Mẹ ơi!
Con nhờ người quen gởi về cho Mẹ, các chị và các em những trang nhật ký đau buồn
của đời con, kể lại cho Mẹ hay những khổ đau, tủi nhục mà con phải gánh chịu
trong cái đêm kinh hoàng hai mươi ba Tháng Mười Một đó trên biển Thái Lan, cùng
những ê chề, nhục nhã của con và ba mươi mấy chị em bạn khác, kẻ còn, kẻ mất
trong bàn tay vấy máu của lũ hải tặc tham dâm, tàn ác Thái Lan... cùng những điều
tủi nhục của con trong kiếp đời làm nô lệ hiện nay trên đất Thái mà dù người ta
có cho con ăn vàng đi nữa con cũng chẳng màng, Mẹ ơi! Tâm trạng của con lúc này
đâu có khác gì tâm trạng của nàng Kiều lúc bị nhốt ở thanh lâu từ mấy trăm năm
trước: “Mặc người gió Sở, mưa Tần... Riêng mình nào biết có Xuân là gì”?
Ngay bây giờ, con chỉ biết cầu xin Phật Bà Quan Âm phù hộ cho con được tháo
cũi, sổ lồng mà về với Mẹ và các chị em, hay được đi tới một nước nào đó đặng sống
quãng đời còn lại trong tự do, để ít ra con còn có thể liên lạc với gia đình mà
con ngày đêm luôn thương nhớ...
Xin Mẹ tha tội cho đứa con bất hiếu này đã bỏ Mẹ mà ra đi, tưởng rằng sẽ có
ngày huy hoàng nơi xứ lạ để đi làm kiếm tiền gởi về nuôi Mẹ và các chị, các em
cho đỡ những ngày cơ cực trong chế độ tham tàn. Nhưng ngờ đâu Trời xui, Ðất khiến
con của Mẹ phải sa cơ như vầy!!!
Xin Mẹ hãy cầu Phật Bà Quan Âm cứu độ cho con, để con sớm được trở về bên Mẹ mà
hầu hạ Mẹ trong lúc tuổi già như ước nguyện suốt đời của con! Cầu chúc Mẹ và
các chị, các em luôn bình an và được Phật Bà che chở. Nơi xứ người con vẫn son
sắt một niềm tin là sẽ có ngày Mẹ con mình sum họp bên nhau...
Những trang nhựt ký này là những kỷ niệm đau thương của đời con. Xin Mẹ hãy giữ
lấy những dòng chữ đầy nước mắt mà con viết ra để mọi người và cả thế giới cùng
chứng giám và hiểu hết được tội ác tày trời của bọn cướp biển Thái Lan, bọn người
lúc nào cũng đeo tượng Phật bên mình, nhưng là bọn người lòng lang, dạ thú và
không hề biết tới tình người!
Mẹ yêu ơi! Con lại khóc ngất đi rồi, Mẹ ơi! Con xin dứt lời ở đây để Mẹ còn có
thì giờ đọc những trang nhựt ký của con, những dòng chữ do chính tay con, bên
ánh đèn hắt hiu trong căn phòng tanh tưởi những nhục hình này... viết về cho Mẹ,
cho các chị, các em thương, và cho cả Anh Văn yêu dấu mà không biết cho tới bao
giờ con mới gặp lại!!!
Con yêu của Mẹ. Thùy Trâm.
T.B.: Mẹ đừng kể cho ai hay là con đang bị bắt đi làm... tại Thái Lan, kể cả
bên phía gia đình Anh Văn, nghe Mẹ! Con nhục nhã quá rồi nên không muốn ai
ngoài Mẹ và gia đình biết rõ sự thực của đời mình! Chỉ cho họ biết vắn tắt là
con vẫn còn sống nhưng không biết đang trôi nổi phương trời nào, nghe Mẹ! Con
hôn mẹ một ngàn cái, Mẹ ơi!
* *
Ngày 27 Tháng Ba năm 1984
Chị Ba ơi!
Lúc trời vừa mới rạng sáng thì chiếc ghe của bọn em bị ba chiếc thuyền máy của
bọn hải tặc Thái Lan tấn công tại một nơi gần đảo Kra trong Vịnh Thái Lan. Ở xa
mà nhìn thì mấy chiếc thuyền máy đó không có vẻ gì là đang đe dọa mình hết.
Nhưng khi tụi nó tới gần thì người ta mới nhận ra rằng thuyền của mình thế nào
cũng bị chúng tấn công. Mọi người trên thuyền đều vô cùng sợ hãi, nhưng vào lúc
đó thì không ai có thể làm gì để thoát khỏi cuộc tấn công sắp tới. Linh cảm báo
cho tất cả đàn bà, con gái trên thuyền biết rằng một thảm họa kinh hoàng sắp sửa
giáng lên đầu họ. Tụi em trong lòng ai cũng lo âu, sợ hãi, và trên thực tế thì
không ai dám nhúc nhích, la hay khóc gì cả.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với bọn mặt người, dạ thú này trong
chuyến vượt biển, tụi em không thể nào kềm chế được nỗi lo sợ khi thoạt trông
thấy chúng. Bọn hải tặc Thái hét lớn về phía thuyền em bằng thứ ngôn ngữ lạ hoắc
của họ, rồi ra dấu buộc tụi em phải tới gần. Khi người tài công bắt đầu giảm tốc
độ thì thuyền của em bị một trong các thuyền Thái tông phải bên mạn trái. Chiếc
thuyền bị chấn động mạnh, nhưng sau cùng cũng ngừng lại được ngay giữa hai chiếc
thuyền của cướp biển Thái. Một số bọn Thái vung mã tấu và các thanh sắt lên rồi
la hét, lần này với một giọng đe dọa, cho thấy là bọn họ muốn lên thuyền của
em. Một người bạn cùng đi với em trên thuyền, một người đàn ông to lớn, khỏe mạnh
chừng độ bốn mươi tuổi, vung nắm tay về phía bọn hải tặc để tỏ dấu phản đối,
nhưng số người còn lại thì vì quá sợ hãi nên cứ nín im thin thít...
Một, hai, ba, rồi hằng chục tên cướp biển Thái hùng hổ nhảy lên thuyền của tụi
em làm nó lắc lư dữ dội dưới mỗi bước chưn của chúng. Dùng các thanh sắt, mã tấu,
dao găm và cả súng trường cầm tay, bọn Thái ra lịnh tất cả tụi em phải đứng yên
và đưa tay lên. Một tên hải tặc nhận ra bộ mặt căm thù của người bạn đồng hành
của em nên nó lập tức dùng một thanh sắt đánh vào đầu anh ta. Sau khi bị đánh bốn,
năm cú gì đó, người đàn ông bất hạnh này ngã sóng soài xuống sàn thuyền bất tỉnh,
trong khi đó mấy người còn lại trong bọn em thì sợ xanh mặt, ngồi vừa ngó vừa
run như cầy sấy!
Có tất cả gần 80 mạng gồm đàn ông, đàn bà, con gái, và trẻ em trên thuyền, đó
là tính luôn cả em cùng với đứa con gái 16 tuổi của người bạn thân gởi gắm cho
em lúc xuống thuyền. Bọn hải tặc ra lệnh cho mọi người phải ở lại trên sàn thuyền,
và từ cả ba chiếc thuyền, chúng hè nhau kéo lên lục lọi, cướp bóc, lục từ buồng
máy xuống dưới khoang tàu rồi lên sàn thuyền. Chúng trói tay chưn và nhét giẻ
vào miệng tài công và hai tài phụ, rồi đánh đập họ thẳng tay, làm cho thân thể
mấy người này đầy máu!
Khoảng 50 người đàn bà, con gái và trẻ con trên thuyền bắt đầu cất tiếng khóc
như ri trước cảnh tượng hãi hùng. Bọn chúng em nhìn thấy tụi hải tặc ra dấu phải
cởi hết quần áo ra, hình như là để cho chúng lục lọi, sờ mó. Một số đàn bà, con
gái mắc cỡ quá không tuân lệnh thì liền bị chúng đánh giập tàn nhẫn. Sau khi vơ
vét hết mọi thứ quý giá trong người chúng em và trên thuyền, kể cả vàng lá, nhẫn,
ngọc và đồng hồ, bọn hải tặc Thái đẩy tất cả đàn ông và trẻ con xuống dưới buồng
máy và khoang thuyền. Có một người đàn ông chống cự lại thì ngay lập tức bị
chúng bắn chết trong khoang.
Tất cả đàn bà và con gái bị buộc phải ở lại trên sàn thuyền và cởi hết mọi thứ
quần áo còn dính trên người. Mọi người tức thì hiểu ra bọn cướp biển này muốn
cái gì rồi! Nhưng không một ai trong tụi em dám cưỡng lịnh chúng. Ðứa con gái 16
tuổi của bạn em thì hầu như là chết điếng dưới chưn em khi bị một tên hải tặc nắm
tóc kéo đi. Tên này cười lên rất man rợ và bắt đầu cởi tuột chiếc quần xì-líp của
đứa con gái ra. Ðàn bà, con gái bắt đầu kêu khóc và la hét to hơn khi thấy bọn
hải tặc cởi quần áo của chúng ra để bắt đầu hành động man rợ... Một đứa trong bọn
nhảy xổ lên người em, và chẳng ấy chốc em và một số những người khác đã biến
thành nạn nhân của một cuộc hãm hiếp tập thể như bầy súc vật. Vì giờ đây tất cả
các tên cướp biển trên cả ba chiếc thuyền Thái đã leo hết lên thuyền em, mỗi phụ
nữ trên tàu ít nhứt cũng bị hiếp tới hai, ba lần, hay có khi còn nhiều hơn nữa.
Một số tên cướp biển hình như hãm hiếp tới hai lần. Mọi người chỉ biết kêu
khóc, chưởi bới và nghiến răng trong căm hận. Một vài cô gái lần đầu tiên trong
đời bị hành hạ tình dục kiểu này đã la hét, giẫy giụa và lăn lộn. Vì quá đau đớn,
tủi nhục, có vài người đã nhảy xuống biển, nhưng một người đã được bọn hải tặc
vớt lên...
Sau chừng một tiếng đồng hồ, cảnh tượng hỗn loạn và nhục nhã đó lắng dịu đi.
Riêng sáu phụ nữ còn trẻ khác cùng với em thì bị chúng ra lịnh phải di chuyển
xuống một chiếc thuyền của bọn chúng, và bọn này bắt đầu rút lui. Thêm hai người
đàn ông nữa bị bắn chết hoặc bị đánh chết khi xung đột với tụi cướp biển vì họ
không dằn nổi cơn uất hận trước cảnh vợ, em hoặc con gái họ bị bọn người man rợ
này hãm hiếp. Lúc tất cả bọn hải tặc đã rút lui cùng với nhóm đàn bà, con gái tụi
em trong tay họ, những người còn lại trên thuyền vẫn còn đấm ngực kêu trời và
khóc lóc thê thảm trước cảnh chết chóc, chia lìa và máu đổ, thịt rơi do bọn hải
tặc Thái uống máu người không biết tanh miệng gây ra...
Chị Ba ơi!
Những đớn đau, bất hạnh trong đời vẫn không hề lìa xa em, bởi vì vừa khi chấm dứt
một khổ nạn này thì một khổ nạn khác lại đến với em và mấy người bạn gái cùng
chung số phận. Tất cả tụi em, bảy người, đều được bọn hải tặc đưa lên bờ và đem
nhốt kín vào một căn gác tối âm u với hai lần cửa khóa để chờ ngày bị bọn chúng
đem bán như súc vật vào các nhà chứa tanh tưởi trên đất Thái mà em nghĩ những
hương, những hoa trên khắp các cung, đền và đồng nội của đất nước này cũng
không thể nào làm cho thơm tho trở lại được...
Không thân nhân, không bạn bè, và không có ai là đồng bào, đồng chủng nói cùng
một thứ tiếng với mình để đứng ra binh vực, che chở hay cứu giúp, những tháng
ngày còn lại của em chỉ là những giờ khắc ê chề, nhục nhã, đớn đau nơi đất
khách, quê người với tấm thân cá chậu, chim lồng mà chẳng hề thấy đâu là bến bờ
hy vọng! Quê huong ơi! Thấm thoắt đó mà đã hơn một trăm ngày biền biệt cách xa,
chẳng biết tới bao giờ em mới thấy lại quê hương! Bây giờ em mới thấm thía ý
nghĩa của hai câu sau đây trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc nói tới tâm trạng
nhớ nhà của nàng Kiều, những câu thơ mà em nghĩ chỉ có khi nào mình thiệt sự sống
trong cảnh đó thì mình mới đủ sức cảm nhận hết những ray rức của người trong cuộc
cũng như những ý tình sâu sắc mà tác giả đã gởi vào trong thơ:
“Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”...
* *
Ngày 18 Tháng Năm năm 1984
Anh Văn yêu thương của em,
Biết viết gì cho anh đây khi hồn em đang vất vưởng nơi góc biển, chân trời vô định,
và lòng em thì đang tan nát, tơi bời vì cuộc đổi đời quá bi thảm, sầu thương mà
chính em là nạn nhân trong bàn tay định mệnh khắt khe? Anh yêu có bao giờ nghĩ
rằng chẳng phải riêng anh mới chịu cảnh cá chậu, chim lồng nơi đất Bắc xa xăm
sau ngày Cộng sản chiếm được Miền Nam mà chính em đây, người em yêu dấu của
anh, giờ này cũng đang nằm trong những gông cùm, xiềng xích, tuy vô hình nhưng
ngày đêm đang kìm kẹp, dày xéo lên cả thân xác lẫn tâm hồn em, không biết cho tới
bao giờ em mới tháo cũi, sổ lồng ra được? Thùy Trâm của anh tuy thoát chết
ngoài biển khơi lúc vượt biên, nhưng lại bị bọn hải tặc Thái dày xéo rồi đem
bán vào các nhà chứa trên bờ để mua vui cho các khách làng chơi mà hầu hết là
những người mang cùng dòng máu và nói cùng tiếng nói của kẻ thù của em!
Anh ơi! Kể làm sao xiết nỗi kinh hoàng, đớn đau, nhục nhã, ê chề của em qua hơn
mấy tháng trời lâm nạn? Em nghĩ giờ đây chỉ có cái chết mới giúp cho em được giải
thoát khỏi kiếp đời trầm luân, khổ ải này mà thôi... Ðức Phật đã dạy rằng cuộc
đời là bể khổ, nhưng em còn thấy rằng cuộc đời này là một biển nước mắt mênh
mông, không bao giờ tát cạn nổi... Mỗi khi nhớ tới anh cùng những kỷ niệm vui
ít, buồn nhiều của đôi mình, của mối tình mình từng nổi trôi theo vận nước lênh
đênh từ một cuộc chiến tranh tàn khốc sang một nền hòa bình tù ngục, lòng em
càng thêm tê tái!
Anh yêu có biết chăng, em đã dự trù một chuyến đi ra Bắc, vào tận nơi tập trung
cải tạo của anh, để thăm anh cho vơi đi những nhớ thương và để mang cho anh một
ít đồ ăn và thuốc men đặng giữ cho anh được sống còn mà về với gia đình và với
em?
Anh có biết rằng chính em đã dại dột bỏ ngang chuyến đi đó để đột ngột lên đường
vượt biên mà, theo chủ tàu, là cơ hội ngàn năm một thuở để cho em thoát khỏi cảnh
lầm than trên đất nước mình và tìm được tự do, no ấm nơi xứ người, đặng từ đó cứu
giúp gia đình, người yêu và người thân một cách cụ thể? Bây giờ em mới thấy là
em quá điên rồ! Em hối hận quá rồi anh ơi! Bởi em đâu có ngờ rằng cuộc đời của
em, từ hồi nhỏ đến giờ, chẳng gặp được chút gì gọi là may mắn, mà chỉ gặp toàn
là đớn đau, tủi nhục như thế này?
Bọn hải tặc đã hành hạ thể xác em và các bạn đồng hội, đồng thuyền đến rã rời,
ê ẩm trước khi đẩy tụi em vào những nhà chứa tanh hôi kiểu này... Ngày cũng như
đêm, tim em khô héo, lòng em tan nát, và linh hồn em đắm chìm trong niềm đau tủi
nhục của một con người vừa đánh mất tự do vừa đánh mất cả thơ ngây và tuổi
thanh xuân. Em vẫn nghĩ rằng nếu đất nước mình không bị bọn quỷ đỏ dày xéo thì
mọi sự đâu đến nông nỗi này, và cả anh và em cũng đâu có phải chịu cảnh khổ ải,
chia xa?
Những cơn mưa rả rích trên đất Thái Lan làm buồn lòng người lắm, anh ơi! Mỗi
lúc đêm về, bên ngọn đèn khuya hắt hiu niềm nhớ, nằm nghe tiếng mưa rơi tí tách
bên ngoài và tiếng gió lùa thở than qua song cửa, bên trong lòng em lại thổn thức,
bồi hồi, với bao niềm thương yêu ray rứt và bao nỗi nhớ nhung ngập tràn về quê
cha, đất tổ, về mẹ, về anh yêu, về các chị, các em của em nơi xa xăm phương trời
ấy... Anh Văn ơi! Biết đến bao giờ... anh ơi!
Anh còn nhớ đêm tiễn đưa anh đi trình diện học tập cải tạo trên Trường Chu Văn
An [ở Sài-gòn] hay không? Bây giờ hồi tưởng lại, em thấy sao em ngu dại quá đi,
anh ơi! Mà em thấy lúc đó anh cũng làm sao ấy, hả anh? Phải chi anh mạnh bạo
hơn chút nữa, quyết liệt hơn chút nữa, và không cao thượng quá với em như vậy,
thì tấm thân ngàn vàng của em đã thuộc về anh rồi, dù chỉ trong giây chốc... rồi
thôi! Bây giờ không phải là lúc em đủ tâm trí để ôn lại Truyện Kiều với anh,
nhưng em cũng không thể nào cưỡng nổi cái cám dỗ muốn cùng anh chia xẻ hai câu
thơ sau đây mà đời đời, kiếp kiếp mai sau em vẫn thấy thấm thía, xót xa, vì dường
như hai câu này đã được cụ Nguyễn Du viết ra từ ba trăm năm trước để vận vào
thân phận của em ba trăm năm sau:
“Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!”
Xin anh tha tội cho em! Bên xứ người biền biệt, mịt mờ non nước thẳm và xa cách
đến muôn trùng, em luôn cầu Trời, Phật độ trì cho anh trên bước đường chông
gai, hoạn nạn. Nơi quê nhà vạn dặm, anh hãy nhớ cầu nguyện cho em, người em khốn
khổ của đời anh... Em nghĩ thôi chắc tới kiếp sau mình mới gặp lại nhau quá, bởi
vì bây giờ thì đã muộn màng, chỉ biết lỡ làng, anh ơi! Anh biết không anh, em
đang khổ đây anh... và em đang khóc đây anh?
Saroyan Vann Pham