02 April 2018

THƠ HỎI THỞ - Hồ Đình Nghiêm



Sang đây lúc còn bé, bây giờ là sinh viên, vừa tốt nghiệp đại học UQAM, đã gửi đơn xin việc đến ba nơi nhưng chưa được kêu đi phỏng vấn. Ấn tượng tốt đẹp đánh động ban đầu là chừng đó tháng năm dài, cuộc sống chốn này chưa bào mòn ngôn ngữ mẹ đẻ trong con người Nguyễn Thị Văn Thi. Chuyển tiếp điều gì gần như sự cảm động: Văn Thi nặng lòng với thơ ca. Thi làm thơ. Tuy chưa kiếm ra việc làm cô muốn in lấy một tập mỏng, dự định dày khoảng 120 trang tính luôn bài tựa thế một cánh cổng nằm đằng trước vườn hoa. Vô tình hay hữu duyên, Thi email cho tôi: Nhờ chú viết giúp cháu một bài tựa nhé, mở ngõ cho người đọc dễ lòn vô. Cảm ơn chú nhiều.
Đang ở không, cả chú lẫn cháu, nên việc siêng mang tơi đội nón đi gặp gỡ nhau ngoài hàng quán chưa có ai nhìn thấy trở ngại, dễ như ăn ớt. Tìm địa điểm thuận tiện, nằm giữa lộ trình, như thế cháu đi xe buýt chú dùng métro thời gian phải trả không chênh lệch mấy. Còn việc thanh toán hoá đơn ở quán phở bắc, cà phê bánh ngọt ở Starbucks thì Văn Thi đi tiên phuông nhận lãnh sứ mệnh. Cô chủ quan: So ra giữa song phương, cháu giàu hơn chú xa lắc! Chớ quan hoài. Chuyện nhỏ!

Tiếng là xa nhà đã lâu, quên ráo hình thù số đo ba vòng của quê hương gấm vóc nhưng Nguyễn Thị Văn Thi chừng như sành điệu việc bôi trơn, rất bảnh. Cá không ăn muối cá ươn, chú lỡ xơi quà cháu biếu mà hổng trả lợi trăm đường chú hư. Kệ đi mà, cứ đổ thừa là cháu tập cho chú hư, có sao đâu? Thế là ngày nọ tôi nhận tay một phong bì khẩm nặng hoành tráng to khủng. Chẳng phải của đút lót hối lộ đâu nhé, toàn bộ bào thai nằm ở trong là đứa con tinh thần cô sắp đẻ ra. Tôi không có khả năng làm cô mụ, chỉ có tài vặt là chọn áo xống lụa là và tìm nhặt những cái tên văn hoa cho nó mang. Hãy nói một lần cho thông thoáng, tôi đang hành nghề mãi võ sơn đông. Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch mà thơ của “nàng” thì cần một khúc dạo đầu. Cháu từng khen: Chú rành sáu câu quá chời…
Ôm phong bao nặng tợ ngàn cân với lời thiết tha gửi gấm kiểu chọn mặt gởi vàng, chú chia tay cháu thành khẩn hứa đêm nay và nhiều đêm sau nữa sẽ thắp bóng lẻ loi ngồi so lại dây đàn sau khi đốt trầm hương uống trà xanh lần lượt mang thơ ra đọc. Bản thảo cháu đã chỉnh chu việc trình bày giàn trang sắp chữ đánh số ngó mát con mắt. Có nghĩa là chỉ chờ bài của chú là mang đi in thôi. Văn Thi là tên cúng cơm, nên tập giấy dày nặng này đành mang bút hiệu Uý Nghi. Nghĩa của nó là gì? Chẳng sợ ngờ vực? Thi nói một câu khiến tôi nghe phải so vai rụt cổ lại: Để ngộ nhỡ như thơ quá dở, người đọc có chửi thì đè Uý Nghi ra tha hồ mà tiếng chì tiếng bấc. Như thế mình bảo toàn được cái danh xưng mà cha mẹ cất công tìm đặt cho mình. Chú hiểu không? Khỏi mang tội bất hiếu. Ô hay, đây là điều tôi cần phải học hỏi. Người ta bảo tre tàn măng mọc thì thậm chí lý, ai kia nói sóng sau xô sóng trước quả đúng y bon. Chớ nên hủ lậu “kính lão đắc thọ”, già cũng hư đốn theo cách của người già, rất mực lẩm cẩm, chúa bắt bẻ và thích giận hờn. Nhưng mà nói tội trời, chú đâu đã rơi vào hạng tuổi cổ lai hy nhỉ!
Khi tìm cách vạch lá tìm sâu hoặc đuổi bướm vờn chim trong khu vườn mà Uý Nghi dụng công chăm sóc, tôi nhớ đến một giai thoại thuộc loại ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Thuở ấy, ông Huy Cận từng mang đi khoe với bạn bè bốn câu “tức cảnh sinh tình”, thủ bút về lời nhận xét của đấng tối cao nhằm bảo chứng rằng thơ mình làm chả có bài nào dở. Bề trên phán (nguyên văn):

Cám ơn chú biếu Bác quyển thơ
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ
Muốn Bác fê bình… khó nói nhỉ?
Bài hay xen lẫn với bài vừa…

Giá mà buổi nọ đã có facebook không chừng lại hiện ra ba chữ he he he như giờ đây người ta ưa chêm vào sau mỗi lần tự sướng. He he he, người không phải tác giả cuốn Ngục Trung Nhật Ký đã “mần thơ” như rứa đó. Thấy vui hay răng mà chú lại giả giọng lợn cười? Sửa ca dao nhé:

Người về để lại đôi câu
Ta về ta nhớ chòm râu lạ kỳ.

Hàm răng mình cười đẹp tới cỡ nào mà xúi nhớ thương? Ca dao vẫn chứa ở trong những nỗi lòng nông nổi. Mao chủ tiệm là người cả đời không hề biết tới việc đánh răng. Lập ngôn: Mấy chú nhìn thấy rồi đó, đã là cọp thì hà cớ gì lại đi vệ sinh răng cỏ chứ! Chế Lan Viên từng hãnh tiến làm cuộc so sánh:

Bác Mao nào ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là bác Mao.

Có còn sức để he he he nữa thôi? Nôm na là cá mè một lứa, ai sao ta vậy. Kẻ hôi miệng xấu mồm phun ra: Rõ là thấy nhà sang liền bắt quàng làm họ. Gương sáng người nước lạ buộc ta phải học tập noi theo. Bàn viết chông chênh lịch sử đảng còn không rỗi hơi chêm cục gạch cho êm huống hồ vác thân vào toa-nét mà đánh răng súc miệng. Như thế thì đừng dại mang ca dao vào, “ta về ta nhớ hàm răng mình cười” thì mang đủ tội danh âm mưu bôi bác lãnh tụ. Đày tới trại trừng giới mà học tập cải tạo mút mùa lệ thuỷ, chắc chết và chết chắc, ca cẩm nỗi gì? Cháu có thấy mức độ nguy hiểm của việc mần thơ chưa? Không doạ cháu đâu nhé, chứ nếu xấu bụng muốn thọc gậy bánh xe chú đã kể chuyện vừa xảy ra tại thành-phố-mang-tên-người, giật tít: Vì ham làm thơ chồng bị vợ bỏ. Nạn nhân trải lòng cùng phóng viên báo điện tử: Từ ngày nghỉ hưu do thời giờ rộng rãi nên tui bỏ công gầm đầu vào trang giấy, sáng tác ngày đôi ba bài dễ như húp cháo. Say sưa mê muội nàng thơ, quan niệm những việc khác từ từ tính sau… Thế là làm mất lòng bà xã, đồ chây lười lao động chả biết chợ búa giặc giũ nhặt rau rửa bát đổ rác trông coi cửa nhà. Cuối bản tin có đứa comment: Không có số ăn cháo cũng gãy răng!
Thơ của người mang bút hiệu Uý Nghi đa phần là thể lục bát, đôi bài ngũ ngôn, dăm trang tứ tuyệt, còn lại đó đây là thơ tự do. Xem thường văn phạm, chấm phết và ngắt dòng và xuống hàng tuỳ tiện như kiểu xa quê hương quá lâu nên không thèm nhớ mẹ hiền. Chú tuy vừa lĩnh tiền già nhưng xem chừng não bộ chú thuộc dạng đồ cổ. Đọc tới đọc lui, ngứa tay ưa viết đôi câu:

Cháu gửi bản thảo nhờ chú đọc
Chú xem tập giấy mấy canh trường
Bắt chú nhận xét… khó nói tợn
Bài dở bài vừa nằm thẳng đơ.

Điện thoại reo, chuông đổ từng hồi hối thúc. A-lô. Hôm nay trời đẹp chú không tính đi đâu à? Ơ, thế cháu đang ở đâu mà biết giời đẹp? Cháu ngồi cà phê, vẫn chỗ ấy, vẫn cái bàn mà chú cháu từng đóng đô. Thế là sao nhỉ? Là muốn mời chú ra đấy phỏng? Nàng thơ gửi tiếng cười trong trẻo vào ống nghe. Lạ, một sợi dây điện mong manh nối chùng giữa hai đầu mà tải được cái ma lực sóng sánh xô bờ của giọng cười người con gái? Thứ ma lực dễ khiến kẻ đón nhận ao ước được cải lão hoàn đồng. Càng trẻ dại chừng nào tốt chừng đó, nhưng đừng ngu ngơ như giờ nầy. Cháu có để dành chiếc bánh sừng trâu cho chú đây này… Ôi, thích thế, chú chạy ù ra ngay. Bỏ điện thoại xuống, tắt đèn, xỏ vội đôi giày, đóng cửa. Bánh ngọt ở tiệm ấy nhiều món ngon, cớ sao “nàng” lại chọn bánh sừng trâu nhỉ? Nàng dư sức bẻ gãy sừng trâu nhưng nàng đâu muốn chú cưa sừng làm nghé? Lỗi tại chú mọi đàng! Có lần chú lỡ dại mồm: Gọi bằng anh thì e bất tiện nhưng xin cháu đừng la toáng bằng bác, nhé? Sao vậy chú? Nghe thấy già chát và khoảng cách xa xăm chăng? Bị chú tuy chẳng nuôi râu lưa thưa những lỡ mang họ Hồ. Cháu nhìn lên, có thực bụng muôn vàn kính yêu không?
Cổ nhân dạy “nhàn cư vi bất thiện”. Lời răn đe ấy nào nhắn nhủ tới đôi ta nhẩy? Ngồi bên nhau trong quán nước hai đứa vẫn mang đủ niềm thiện tâm, chán khối việc cần thanh thoả. Chẳng hạn:
Chú tuy chẳng vào đoàn vào đảng nhưng cháu có cho chú mang bí danh để ký dưới bài bạt không?
Nói vậy có ý gì?
Thì nhờ cháu sáng tác hộ một cái tên nghe thật oách, thật chảnh thử xem sao, chêm vào tập thơ ấy để lưu giữ một kỷ niệm.
Thôi đi. Không dám đâu. Thích chú để tên thật cơ. Người ta mặn cái tên chú, ăn tiền chỉ ở chỗ đấy.
Nghe chảy nước mắt.
Thật đó. Mà này, hãy nhìn vào mặt cháu đi. Sao đôi mắt chú có gì vướng đọng…
Thích đón nhận tâm sự không? Mấy đêm nay chú mất ngủ vì đọc thơ Uý Nghi.
Vì sao? Đêm nay chú mất ngủ, ngày mai chú ngủ bù. Có chết thằng Tây nào đâu?
Có thể cháu không biết là ở Hà Nội người ta có tổ chức ra ngày thả thơ lên trời. Chú mất ngủ kiểu như cha nội Đặng Huy Giang nào đó:

Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót
Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ.

Có nghĩa là giật mình khi ôm tập bản thảo của cháu, thương cho sự vụng về lẻ loi của cháu phải không?
Thành tâm mà nói thơ cháu làm có nhiều câu ăn đứt hai câu ấm ớ nọ. Đêm hôm nếu được ôm cháu vào lòng thì trong cuốn từ điển sẽ tự động biến mất chữ chơ vơ.
Sau nhiều đêm không ngủ cốt cực lòng hoàn thành bài viết dài ba trang giấy. Trao tận tay nhà thơ sắp lộ hình và có lẽ vậy mà tình chú cháu dường như nhạt phai dần. Câm tiếng điện thoại, lặng lờ những hò hẹn hàng quán. Chắc nàng ta lu bu việc dọ hỏi chuyện in ấn. Ngoài ra, một thiếu nữ vốn có nhan sắc như Nguyễn Thị Văn Thi hẳn phải bận rộn với những ong bướm lai vãng, phát mệt do sàng lọc xua đuổi, kén cá chọn canh? Và cũng có thể trong ba lá đơn xin việc, đã có một tờ được lọt vào mắt xanh, thâu nhận cô nhân viên thông thạo cả Anh lẫn Pháp văn, chưa tính biết dệt vần điệu thi ca Việt ngữ.
Lâu lắm, chừng như tròn năm, cháu tống cho chú một tấm thiệp hồng, giải đáp bao hoài nghi thắc thỏm mãi thêu dệt trong đầu người chú nhàn cư vi lẩm cẩm. Nói rằng chú nhớ cháu lắm thì có oan uổng chăng? Mình về có nhớ ta chăng, ta về ta nhớ (bánh) sừng trâu mình cầm. Thôi, vò đầu bức tóc gì nữa. Đâu thể giật thót vì con thuyền đã vào đậu bến trong.
Chú mang bộ đồ ăn nói đi hấp tẩy giặt khô bị mười năm tình cũ chẳng mấy khi được diện muốn ngã màu tàn phai xó tủ. Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau, cứ theo lời người xưa mà thực hành. Thêm thay lòng chú tựa ngồi trên lửa, nóng ruột muốn trông dung nhan “người xưa” bây chừ có còn diễm lệ như hôm bữa.
Trước, cháu đi gặp chú áo này quần nọ kín bưng. Nay, chiếc áo cưới thời trang cao cấp cắt may vén khéo làm tôn tạo vòng số một mát mẻ nhô ra trên cả tuyệt vời. Chú tần ngần vụng dại ấp úng hai chữ chúc mừng. Cháu mang găng trắng tay ôm bó hoa biểu anh thanh niên đóng vai chú rể đứng bên cầm giúp đặng rảnh tay ôm siết thân chú như kiểu cháu ngoan đời đời mang ơn lời chú dạy. Vì lỡ trang điểm mặt hoa da phấn sợ hoen ố chứ không cháu đã hôn chú thắm thiết hữu nghị. Cô dâu nói cùng người bạn đời: Đây là vị khách đặc biệt của chúng ta. Người đã giúp em hoàn thành một ham muốn trước khi lấy anh. Wow, chàng thanh niên la lên, tụi con xin cảm ơn chú, con từng xiêu lạc vì đọc phải thơ Văn Thi làm. Chồng một nhà thơ nữ tài hoa thì chẳng có gì hạnh phúc hơn. Vợ tiếp lời, chú đâu nỡ trách cứ cháu, đúng không? Cháu muốn dành sự ngạc nhiên cho chú thôi mà. Tập thơ vừa lấy ra từ nhà in còn thơm mùi giấy, cháu dùng nó để làm quà tặng khách đến chung vui.
Đích thân cô dâu nắm tay người chú ngoài giòng họ dắt vào bàn có tứ thân phụ mẫu đường bệ ngồi gần sân khấu để giới thiệu mối quan hệ hữu hảo giữa song phương. Không ấy lát nữa, nếu có hứng, chú lên nói đôi lời giúp cháu cho thêm phần lãng mạn. Chú sảng vía: Đừng giết người không gươm dao chứ. Chú chỉ biết hát thôi, duy một bài “hôm nay ngày cưới em… vì sao nàng mời tôi đến…”
Chữ viết tay của Nguyễn Thị Văn Thi phải nói là rất giống tuồng chữ của các vị bác sĩ, nghĩa là gà bới, khó đọc, cẩu thả, thậm xấu: Bản đặc biệt dành riêng cho Chú với tấm lòng đầy ưu ái. Tác giả. Ký tên Uý Nghi. Tập thơ như biết đổ mồ hôi trong tay cầm, vụng về. Chú chẳng mở ra, chú không muốn đọc những gì chú ca ngợi. Rất khổ sở, chú không muốn cởi áo cho người ngoài xem lưng, mãi cắn răng chưa nói với cháu một sự thật: Do đâu mà chú bị vợ bỏ, đã mười năm. Bị vợ bỏ mà không được phóng viên xách đồ nghề tới hỏi cho ra lẽ như nạn nhân thời cuộc ở Sè gòn phỏng dái. Người ta ôm vợ mà còn giật thót. Chăn chiếu lạnh có mà nhồi máu cơ tim. Ơ, lạc hồn quên chúc cháu trăm năm hạnh phúc mất rồi. Thực sự đời người có dài đến thế chăng?

Hồ Đình Nghiêm