Như một tay chơi chuyên nghiệp, lúc tiến lúc thủ, luật đặc
khu sẽ được ai đó tổ chức thông qua nhưng không phải là 99 năm, mà là một số
năm nào đó, mục đích là làm hạ nhiệt dư luận.
Ngày 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với gương mặt đầy chân
thành, nói với giới phóng viên trong rằng ông đã lắng nghe và đã thấu hiểu tâm
ý nhân dân, về làn sóng phản đối dự án đặc khu mà chính ông thốt ra là “khủng
khiếp”. Thế nhưng có thể ngài thủ tướng nghe lầm, và cũng thấu hiểu lầm. Người
dân Việt Nam hoàn toàn không muốn bị đưa vào một gameshow định giá số năm, mà
rõ ràng chỉ muốn dứt khoát nói “không” với một dự án đầy hiểm nguy với số phận
Việt Nam.
Như một canh bạc không có đường thoái lui, người dân Việt
Nam đang chỉ còn tuyệt vọng nhìn mọi thứ đi theo một quy trình “ý đảng” khác biệt
với “lòng dân”. Bất chấp những thành viên của tổ tư vấn cho chính phủ, cũng như
nhiều nhân sĩ, trí thức… hết lời can gián, khuyến nghị cũng như đưa ra nhiều chứng
minh cho thấy mọi thứ không giống như chiếc bánh vẽ ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân
Phong và Phú Quốc được tô màu Thẩm Quyến.
Thậm chí, “một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục,
hàng trăm đồng” theo tuyên bố hùng hồn của bà Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội trong
canh bạc đặc khu, cũng làm cho nhiều người chau mày, tự hỏi rằng nếu như những
con số ảo giác đó có thật, thì sẽ về đâu trong một đất nước mà ngân sách quốc
gia bị quốc tế đánh giá tính minh bạch thấp đến mức chỉ có 15/100 điểm. Tiền
làm ra được sẽ chi xài ra sao với tình trạng tham nhũng rút xương tủy nhân dân,
chẳng hạn như giá làm được một km đường bộ là đắt nhất hành tinh này.
Không ai muốn có thêm một canh bạc nữa ở ba đặc khu, sau khi
các canh bạc “chủ trương lớn” như Bauxite Tây Nguyên mà nhân dân cháy túi hơn
3.700 tỷ đồng cùng vấn nạn môi trường đeo đẳng với hàng trăm ngàn người. Canh bạc
Formosa mang đại họa cho hàng triệu người ở bốn tỉnh miền Trung và tự nhiên
hàng chục năm sau cũng là một ví dụ, trong rất nhiều ví dụ khiến đất nước ngổn
ngang.
Thế nhưng các “chủ trương lớn” ấy là những tay chơi không vốn,
đặt vào canh bạc may rủi bằng chính vận mạng của quê hương Việt Nam. Những gì
diễn ra không lường thấy, những hiểm họa và mất mát ập tới thì đất nước và nhân
dân thì hứng chịu, chỉ thấy riêng những tay chơi thì mỗi lúc một lộng lẫy hơn ở
các biệt phủ, cao sang hơn ở các căn hộ, tiền của được chuyển ra nước ngoài nhiều
hơn, con cái trở thành những công chúa hoàng tử từ một quê hương oằn mình trong
các canh bạc không lối thoát.
Và chắc cũng đến lúc con người Việt Nam nhận ra phía sau tấm
màn nhung, chuyện gì đang diễn ra. Trong tiếng ru giấc mơ màng ấy, người ta
choàng tỉnh nhận ra đất nước và con người Việt Nam suy hao từ những canh bạc
như vậy.
Lịch sử ghi chép rằng người xưa lấy mạng sống của mình ra để
đánh cược cho tương lai của tổ quốc, chứ không coi tổ quốc là món để đặt cược.
Nguyễn Thái Học của Quốc Dân Đảng, cùng 12 đồng chí của mình, chọn đặt cược mạng
sống của mình để chống Pháp phục quốc. Họ cùng chịu bị chém đầu ngày 16-6-1930
chứ không chịu chấp nhận tổ quốc về tay kẻ khác. Phan Bội Châu chỉ là một chí
sĩ với túi chữ, cũng không ngại đặt đời mình vào canh bạc cho tương lai tự do của
tổ quốc, bất chấp người Pháp từng kêu án tử hình (1925). Ngô Đình Diệm ngay khi
nhận ra cần phải đứng lên giành quyền cho dân Việt, cũng lập tức từ chức Thượng
Thư Bộ Lại (1933) để rồi sau đó trở thành người dẫn đầu cho phong trào Cường Để
(1944) với ước mơ phục hưng, độc lập cho đất nước.
Những gì của người xưa để lại, chỉ thấy họ sẵn sàng đặt cược
cuộc đời của mình cho tổ quốc, bất kể sống thác ra sao. Nhưng hôm nay, nghịch
lý là người cầm quyền mang quê hương vào những canh bạc – một vốn bốn lời,
nhưng tai ương và khốn cùng thì chỉ thuộc về dân tộc và tổ quốc.
Tuấn
Khanh