28 June 2018

CÔ GÁI NGƯỜI HOA - Bùi Thanh Xuân


Tôi có vài người bạn mang dòng máu Trung Hoa. Tôi cũng từng có một người bạn gái mang trong người dòng máu Trung Hoa. Họ không giống như những người Tàu du lịch, lang thang trên các ngõ đường phố bây giờ. Những người bạn của tôi rất lịch sự, có học, thật dễ thương và đáng yêu
Không nhớ để kể hết cho các bạn nghe về họ, những người tôi đã quen, chơi cùng nhau, chia sẻ nhau trong những năm tháng khốn cùng. Họ có thể là bậc cha chú, anh chị, có thể là những người bạn trẻ.

Nhưng có một người tôi không thể nào quên dù năm tháng phôi pha, đã trôi qua bốn mươi năm
Quế Mai, cô gái duy nhất của chú Huỳnh Hòe, một người thợ đốt lò trong nhà máy sản xuất bánh kẹo. Mai mồ côi mẹ từ bé, khi tôi vào làm việc ở đây, em là một công nhân gói kẹo, còn tôi hằng ngày phải đến thật sớm để cho ra lò những mẻ kẹo đầu tiên, rồi làm lạnh, đánh tơi bằng tay như nghệ sỹ xiếc cùng khối kẹo trên một cái móc sắt cho đến khi kẹo tơi ra và trắng như màu da của Quế Mai
Em trắng như sữa mẹ, đôi môi mọng đỏ, giọng nói nhẹ như ru, nửa Trung, nửa Nam
Lần đầu tiên gặp em là lúc tôi giải lao khi hoàn thành, chèo chống hai chảo mạch nha với đường bát đen, bước vào phòng gói kẹo. Khoảng một trăm cô gái mặc áo choàng trắng, mang khẩu trang chăm chỉ gói từng viên kẹo. Không nhớ là vô tình hay hữu ý, tôi đến ngồi đối diện với Quế Mai, tập tành gói. Những viên kẹo không vuông vức được em cẩn thận sửa lại, đôi mắt trong veo nhìn tôi châm chọc
Chắc chắn là một sự ngẫu nhiên khi tôi chọn chiếc ghế trống đối diện em, cũng có thể là cái duyên không nợ. Đôi mắt ấy đã hút hồn tôi nhưng là đôi mắt quá xa, không phải dành cho tôi mặc dù trong nhiều phút liền em vừa sửa lại những viên kẹo xấu xí tôi đã gói, vừa nhìn tôi một cách kỳ lạ. Có thể một cái nhìn trêu ghẹo thằng con trai nhà quê ra phố, cũng có thể cái nhìn thương hại
Nhà máy bánh kẹo trước bảy lăm là của một người Tàu làm chủ, ban quản lý và những người thợ chuyên nghiệp cũng là họ, chỉ có công nhân gói kẹo người Việt. Sau biến cố bảy lăm, nhà nước tịch thu nhà máy nhưng vẫn lưu dụng những người thợ và công nhân cũ, tuyển thêm khá đông công nhân nữ, những cô gái con nhà tiểu thư trước đây được nhận vào làm. Họ vào làm một cách miễn cưỡng vì sợ phải đi lao động công nông trường
Thường thì những cô gái ấy có học và khá xinh đẹp
Và Quế Mai cũng rất xinh đẹp và đang dỡ dang lớp mười hai

Công nhân nam trong nhà máy phần đông ở quê ra, ít được học hành, vậy là dưới cái nhìn qua đôi mắt đẹp của em, tôi chỉ là thằng nhà quê ít học
" Ta gói xấu quá phải không ?"
Em cởi khẩu trang, em nhìn không chớp mắt, em ngạc nhiên nghe một giọng nói khá lạ, em dừng tay lại

" Ta là ai ? "
" Là ta chứ ai "
" Ngang tàng "
" Ừ, khá ngang tàng "
" Anh ở đâu ?"
" Ở khắp mọi nơi "
" Ma à ?"
" Hình như vậy "
" Quế Mai đang nói chuyện với ma à ?"
" A..ta biết tên em rồi, Quế Mai, nghe rất thơm "

Vàduyênmàchúngtôiđếnvớinhau
Tôi làm việc sớm nên nghỉ trước em hai tiếng, thời gian đủ cho tôi về nhà tẩy rửa mùi bơ sữa và đứng đợi em trước cổng nhà máy
Trong hơn ba trăm công nhân, tôi được chọn làm nhân viên chạy vật tư, một công việc khá nhàn nhưng trách nhiệm khá nặng nề, đi nam, ra bắc, mỗi chuyến đi mất khá nhiều ngày. Quế Mai vẫn là công nhân gói kẹo, vẫn chăm chỉ, ít nói, khó hòa đồng với đồng nghiệp. Có lẽ do văn hóa khác nhau. Nhưng em vẫn cứ chọn tôi là người bạn trai của mình. Tất nhiên hạnh phúc này khiến tôi vác mặt lên trời với mấy tên thanh niên trong nhà máy, kể cả một vài kỷ sư mới ra trường
Năm bảy chín tôi có chuyến đi ra nhàmáyđườngSơn Tây nhận hàng, chuyến đi cuối cùng. Chiến tranh biên giới phía Bắc là nguyên nhân khiến tôi mất Quế Mai
Một lần ông giám đốc Ngô Tấn Thanh gọi tôi vào phòngnhắnnhủrằng hãy chọn đi, Quế Mai hay nhà máy. Tôi thưa rằng cho một tuần suy nghĩ, sẽ trả lời ông
Thân phận như tôi để kiếm một công việc rất khó, Tôi không có quyền chọn lựa nhưng sẵn sàng bỏ việc để giữ tình yêu của mình. Cả hai chúng tôi rất buồn
Những buổi chiều trong căn phòng nhỏ hay ngoài vườn sân nhà tôi, hai đứa ngồi im lặng chẳng nói với nhau câu nào. NhớđếnQuế Mai, sau này tôi viết bài văn kể về một chiều mưa, bão giông cuốn phăng đi tất cả, cuốn phăng luôn tình yêu của chúng tôi
Em quyết định rời xa để giúp tôi có một công việc làm, Quế Mai vào Saigon sống cùng với những người đồng bào của mình
Buổi chiều em mang đến một bình hoa màu tím và chiếc kính cận đặt lên bàn, em nói tặng tôi, lặng lẽ ngồi nhìn tôi rất lâu, im lặng, tôi vuốt tóc em, lau những giọt nước mắt.
Em mạnh mẽ đứng lên, ra cổng dắt xe đi
Tôi mất em
" Có chiều nắng nhạt ta chở em trên chiếc xe đạp không có yên sau. Chẳng là ta muốn ngửi mùi bồ kết trên tóc em ngược gió. Hờn dỗi trách ta sao không chở em phía sau. Chẳng là lúc ngồi sau, em làm nóng lưng ta. Trên thanh ngang xe đạp tóc em thơm nhiều hơn "
" Em lại bảo trên thanh ngang xe đạp sẽ làm em đau cái mông. Thà em đau cái mông còn hơn phía sau ta có khối kẻ cơ hội đang chờ "
"Em ! Nắng Thu rực rỡ quá."
" Ta nhớ về một chiều hai đưa ngồi trong quán Quỳnh Châu ngạt ngào hương Ngọc Lan thoảng về từ ngôi biệt thự cạnh bên. Mùi Ngọc Lan quyến rũ em như mùi bồ kết khiến ta ngây ngất "
"Một ngày giáp Tết hai đứa co ro trong căn phòng. Gió lạnh lùa về cuốn phăng đi tất cả phút giây ấm áp hẹn hò, tưởng chừng hạnh phúc sẽ vĩnh hằng. Cuốn phăng đi tình yêu ta dành cho nhau như cơn bão sắp lùa về thành phố "
Tôi không cảm tình lắm với những cô gái du khách Tàu nghênh ngang trên phố nhưng tôi luôn nhớ mùi bồ kết trên tóc em
Bốn mươi năm sau tình cờ trên FB tôi và em nhận ra nhau. Quế Mai sống ởĐài Loan, có một gia đình hạnh phúc, hai cậu con trai đã trưởng thành và thêm bốn cháu nội

10/6/2018
Bùi Thanh Xuân