12 July 2018

CÂY LÊ, CÂY THÔNG VÀ NHỮNG CÂY SẬY - Trần Mộng Tú


Cây Lê Mỹ

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, một cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nước Mỹ đã xẩy ra vào buổi sáng, đã phá hủy tòa tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và làm hàng ngàn người thiệt mạng.

Trong hoang tàn đổ nát, một thân cây cháy đen trong đống gạch vụn, nó chết cháy hoàn toàn, chỉ còn sót lại một cành nhỏ mong manh. Đó là cây lê Callery. Cây lê cháy đen đó được mang gửi đến công viên Van Cortlandt (Khu công viên giải trí của thành phố New York). Sau 9 năm cây lê đó đã sống lại mạnh mẽ và tươi đẹp, được đem trở lại trồng trước Bảo tàng và Đài Tưởng Niệm 9/11. Mỗi cành nó vươn lên là một thông điệp cho cả thế giới biết rằng. Sức bật và sự sinh tồn của người Mỹ không hề lùi bước trước bất cứ một thảm họa nào do con người đem tới.

Joe Daniels – Giám đốc Bảo tàng và Đài tưởng niệm 11/9 – đã công nhận Cây lê sống sót đó trở thành biểu tượng về sức chịu đựng và sự bền bỉ của nước Mỹ.

Cây lê Báu Vật của Nước Mỹ

Cây Thông Nhật

Ngày 11 tháng 3 năm 2011 cơn Đại Hồng Thủy Tsunami, tiếp theo cơn địa chấn vĩ đại ở phía bắc của nước Nhật làm rung chuyển cả thế giới vì sự tàn phá của nó. Tính tới tháng 6 /2016 con số người chết là 15,894 và 2,500 người mất tích. Tính tới tháng 2/2017 vẫn còn 150,000 người mất nhà ở và 50, 000 phải sống trong khu tạm trú.

 Cơn Đại Hồng Thủy đã cuốn đi 70,000 cây thông được trồng với mục đích là rừng chắn cát và muối biển, bảo vệ mùa màng trong thành phố, rừng thông rậm rạp. Nhưng như một phép lạ, một cây thông đen có tên là Kashima no Ipponmatsu đã đứng vững trước 70, 000 cây gục ngã. Nó như một biểu tượng còn sót lại khóc than cho tai họa của con người. Nhưng nó đã yếu dần vì bị muối biển của sóng thần thấm trong đất, ăn ngập vào xương thịt của cây.

Sau một năm tồn tại (năm 2012) cây thông được 270 tuổi cao 88 feet (tương đương 27m) này đã được đốn hạ, khoét rỗng thân và bảo quản. Sau đó nó đã được dựng lại đúng vị trí cũ và người Nhật xem nó là một đài tưởng niệm cho các nạn nhân trong thảm họa sóng thần.

Cây thông của hi vọng- đứng vững giữa ngổn ngang tàn phá

Những cây Sậy Việt Nam

Nước Việt Nam không có cây lê Mỹ sống sót kiên cường
nước Việt Nam không có cây thông Nhật trơ mình tồn tại trong hồng thủy bão giông
Nhưng nước Việt Nam có triệu triệu cây sậy mong manh
đã nằm rạp xuống và bật lên dũng cảm
những cây sậy trước những cường quốc và giặc ngoại xâm
bằng mọi cách giữ từng tấc đất 

HÌNH- Đất Việt

Trải mấy ngàn năm gìn giữ đất đai
từ Nhật, Pháp, Trung Hoa hà khắc
lăm le tiêu diệt văn hóa giống nòi
lăm le xẻ đất chiếm đồi
những cây sậy lấy thân ra làm đuốc
những cây sậy từ ngàn năm trước
như Lê lai, Lê Lợi, Ngô Quyền
như Nguyễn Thái Học, cô Giang cô Bắc
xa xăm hơn nữa như Bà Triệu bà Trưng

Và hôm nay ngay trước mặt chúng ta
có những cây sậy yếu đuối đang bị cầm tù,
thân cong xuống nhưng không hề chạm đất.

Ngoài nhà tù
những cây sậy nhẫn nhịn thu mình rạp xuống
nhưng vẫn bật lên dưới hiểm họa của đất của biển của rừng
từ Sài Gòn Hà Nội ra Trung
những cây sậy đang gọi nhau ra biển vớt lên từng con cá
đang gọi nhau vào rừng vực dậy những thân cây
đang vòng tay nhau làm những hàng rào
không cho “kẻ lạ” bước vào chiếm hữu những cánh đồng của nhà nông nước Việt

Những con người quyền lực đang giơ những chiếc liềm lăm le cắt sạch hết
mắt, mũi, họng tai rồi vứt những thân sậy khô cho lửa đỏ.

Hơn 92 triệu cây sậy Việt Nam đang oằn mình dưới cơn giông tố

Nhưng bất cứ một cơn hồng thủy nào,
một cuộc tấn công tàn bạo đen tối nào
người dân cũng sẽ chỉ nằm rạp xuống theo chiều gió
để né tránh rồi kiên gan bật lên đứng dậy
những cây sậy không bao giờ gẫy
không bao giờ để cho giông tố dập vùi
sẽ theo chiều gió mà nghiêng xuống
nhưng sẽ vùng dậy dưới bất cứ một bạo lực nào

Những cây sậy Việt Nam
ngàn năm đứng vững.

Trần Mộng Tú
Tháng 7/4/2018- Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ.
“Con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ. Vì thế, nó không bao giờ chịu cho giông tố dập vùi…” (Blaise Pascal 1623-1662)