Thay lời tựa:
“Tôi yêu lắm cái linh hồn, Gọi là tinh thần luân lý giáo
khoa thư
Vất vưởng theo bước chân người Việt Nam tị nạn
Tôi luôn tìm chỗ nương náu
Cho cái linh hồn mờ phai ấy
Trong xã hội nhiễu nhương này
Hôm qua, hôm nay, ngày mai, và nhiều ngày sau nữạ
Tôi đã bắt đầu và tiếp tục cuộc hành trình
Vào nước Mỹ thênh thang
Tôi đi,
Nương theo linh hồn luân lí giáo khoa thư của Việt Nam nhỏ bé
Đi mà nhớ mãi,
Tiếng đàn của một ông giáo,
Tiếng Phong Cầm của Bố Tôi.”
Trần Thị Như Hoài An
***
Tên tôi là Trần Thị Như Hoài An. Ở Mĩ tôi mang tên Ann Trần.
Tôi là con gái một ông giáo dạy văn chương, sinh ngữ. Bố tôi là một người tị nạn
Việt Nam. Ông dạy học suốt đờị Sang Mĩ từ năm 1975, bố tôi may mắn hơn nhiều bạn
hữu của ông: ông được tiếp tục nghề dạy học. Người Mĩ gọi bố tôi là Dr. Tran.
Tôi không phải là một nhà giáo. Tôi là một chuyên viên kinh
tài thị trường chứng khoán. Tôi có tiền bạc sung túc hơn bố tôi, vì tôi không
chọn nghề dạy học, dù rằng thời thơ ấu ở Huế, tôi đã từng ôm mộng trở thành
giáo sư dạy dương cầm. Năm tôi sáu tuổi, bố tôi để tôi lên yên sau chiếc xe đạp
của ông, rồi ông gò người đạp xe đến trường Jeanne d’Arc, Huế. Ông phó thác tôi
cho Sơ Thanh Tâm Fred Pierre. Bà là người dạy tôi đặt ngón tay lên phím trắng
dương cầm lần đầu tiên.
Chiếc xe đạp, thân người mảnh khảnh, cặp kính cận của bố
tiô, những vòng bánh xe quay trên con đường im vắng của thành phố Huế, và những
phím trắng dương cầm, tất cả trở thành những hình ảnh mờ nhạt khi tôi mạnh dạn
xách cặp da đi vào trụ sở Goldman Sachs (*) ở Nữu Ước. Từ đó, tôi quên những
con đường im vắng của Huế xưa cũ, quên những phím trắng dương cầm, và quên luôn
đời sống của bố mẹ tôi, nhất là của bố tôi, một nhà giáo Việt Nam lưu vong tị nạn.
Trong những đêm Nữu Ước sáng rực ánh đèn, tôi ngồi trong văn phòng, đối diện
cái máy vi tính, thoáng nghĩ đến bố mẹ tôi. Rồi vội vã kết luận: chắc là bố mẹ
tôi vẫn bình an, sau đó lại tiếp tục dán mắt vào cái máy vi tính.
Tôi không biết bố mẹ tôi sống như thế nào, nói chi đến việc
hiểu được sự mất mát của bố tôi…
cho đến ngày tôi từ giã Goldman Sachs để về miền Nam sống
bên cạnh bố mẹ. Tôi trở về với bố mẹ vì đã mệt mỏi với nghề nghiệp của mình.
Tôi muốn đi tìm phím trắng dương cầm của thời thơ ấụ.
Và trong khi đi tìm phím trắng dương cầm cho mình, tôi bắt gặp,
từ quá khứ im lìm, những mảnh đời của bố mẹ tôi…
Suốt những năm ở Mĩ, bố tôi làm nghề viết curriculum cho một
quận học chánh ở Texas. Viết xong curriculum, ông đem bài vào lớp thực nghiệm
cho lũ trẻ con không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, trong những ngôi trường thị
tứ (urban) cho con nhà nghèo, rồi ông phải bênh vực bài giảng của mình soạn ra,
trước những con mắt phê bình của những nhà giáo dục tiểu bang, đa số là những
con người chưa từng bước chân ra khỏi vòng đai tiểu bang Texas, nói giọng eo éo
theo cái lối miền Nam. Qua bao nhiêu kiểm điểm, phê bình, bài của bố tôi mới được
in ra, trở thành bài học căn bản cho lũ trẻ con nói hai thứ tiếng.
Bao năm nay bố tôi sinh sống bằng nghề dạy học. Ngày lại
ngày, sáng nào bố tôi cũng dậy từ năm giờ. Mẹ tôi dậy theo. Mẹ tôi để vào cái
túi giấy dầu một cái bánh mì chả lụa, một trái chuối, và một lon sữa đậu nành.
Đó là bữa ăn trưa của bố tôi. Sáu giờ sáng bố tôi ra khỏi nhà, cầm theo cái túi
giấy dầu, và tài liệu dạy học nằm trong cái cặp da càng ngày càng cũ. (Tính bố
tôi ưa sưu tầm, lưu trữ, không thích vứt bỏ cái gì cả. Ông khư khư giữ tất cả
những gì ông đã sắm để rồi… tôi biết một ngày kia tất cả sẽ tan biến đi, như lần
di tản 1975).
Mẹ tôi than với tôi: “Cha con chán nghề dạy học rồi. Ông chỉ
mong về hưu để sang Cali với bạn bè và học trò cũ. Về hưu rồi thì tha hồ mà tán
gẫu ở tòa báo Người Việt với Người Chàm, Thế Hệ Hai Mươi với Thế Kỷ Hai Mốt…”
Trong căn bếp hẹp, mẹ tôi sửa soạn túi giấy ăn trưa cho chồng.
Tôi nghĩ, chắc bố tôi chán nghề dạy học thật. Khi cầm cặp với túi thức ăn đi ra
cửa, mặt ông chảy dài có vẻ đau khổ, đôi mày ông cau lại.
Tôi đi làm cho Goldman Sachs có nhiều lúc cũng chán ngán như
thế. Quanh đi quẩn lại, hai mươi năm trôi qua, tôi bàng hoàng nhận ra là mười
ngón tay mình đã phụ bạc phím dương cầm. Nên tôi đã từ bỏ tiền lương sáu con số
mà “lang thang giữa đời ối a biết đâu nguồn cội.” Tôi đi làm, bước chân vào văn
phòng với chiếc ví Chanel, với nước hoa và phấn son thơm ngát, còn bố tôi bước
chân ra cửa, trĩu nặng trên vai cái nếp sống đơn bạc của nghề giáo. Với tôi,
chiếc ví Chanel, nước hoa và son phấn trở thành niềm an ủi, còn bố tôi lấy gì
làm an ủi? Nhìn bố tôi chậm chạp trong bếp, tôi mủi lòng. Đời tôi đã có nhiều
ngậm ngùi, từ công danh cho đến tình duyên. Bây giờ, trong tuổi già của bố mẹ
tôi, hình như tôi phải cưu mang thêm nỗi ngậm ngùi của họ. Tôi chạy vào phòng
tìm cái túi Lancôme cũ đưa cho bố tôi để ông làm túi đựng đồ ăn trưa. Tôi nói:
“Cho nó lịch sự, bền bỉ hơn một chút, bố ạ.”
Từ hôm đó, mỗi sáng bố tôi rời nhà với chiếc cặp da cũ, thêm
cái túi Lancôme đựng đồ ăn rất “ốp a” của cô con gái thay thế cái túi giấy dầu.
Ông nói với mẹ tôi: “Cái túi Lancôme chắc chắn không bị rách vì lon sữa đậu
nành như cái túi giấy dầu.” Mặt ông nom nghiêm trọng như thể đang nói chuyện
tương lai nước Việt Nam. Mẹ tôi thì chê cái túi Lancôme nom đàn bà quá.
Bố tôi dễ thương ở chỗ ông lập dị một cách vô tư lự. Thí dụ
ông soi gương cắt tóc lấỵ. Có lần, tóc méo một bên không giống ai, ông vẫn tỉnh
bơ, tuyên bố, “Hà tiện đồng nào hay đồng ấỵ.” Thế nhưng bố tôi lại rất hồ hởi
đi mua tranh của ông họa sĩ Đinh Cường về treo trong nhà làm cảnh.
Khi ông rời nhà, mang theo cái cặp và cái túi, tôi đứng nhìn
theo ông, tự hỏi trong cuộc đời nhà giáo, ông lấy gì làm an ủi, thay thế vị trí
cái ví Chanel trong cuộc đời Goldman Sachs của tôi?
Nếu bố tôi không thích dạy học nữa, tại sao ông vẫn gương mẫu
hơn bất cứ một công dân gương mẫu nào của Mĩ quốc nàỵ Ông phê bình chuyện tôi bỏ
việc ở Goldman Sachs: “Nó trả con nhiều tiền thế, sao lại tự dưng xin thôi ?”
Ông hay nhận định viec các em tôi và dâu rể có tật làm việc đi trễ về sớm theo
ngôn ngữ Bắc Kì: “Chúng mày lạ quá, tao chẳng bao giờ đi làm trễ. Mĩ nó đúng giờ
giấc lắm, đi trễ về sớm như chúng mày là bậy, bậy, bậy lắm” Em trai tôi cười trừ,
nheo mắt, “Yes, Sir.” Em gái tôi thì nhỏ to: “Bố không muốn bê bối vì bố…sợ tụi
nó! Bố mặc cảm Việt Nam quá trời!”
Như một cái đồng hồ báo thức, trong mười tám năm, cứ sáu giờ
sáng là bố tôi rời nhà với cặp da túi giấỵ. Bảy giờ sáng là bố tôi đã có mặt tại
trường. Trừ khi đau ốm, ông không hề nghỉ một ngàỵ. Nếu quả tình dạy học ở Mỹ
là khổ thì khả năng chịu đựng của ông thuộc hạng… siêu! Ngày nào cũng như ngày ấy,
sách cặp da túi giấy trong mười tám năm!
Tôi vô tâm không hiểu tại sao bố tôi đi làm với nét mặt đau
khổ. Tôi cho là bố tôi đã được voi, còn muốn đòi tiên.
Cho đến một hôm…
Không còn đeo gánh nặng của Goldmans Sachs trên vai, tôi có
thì giờ theo bố tôi đến lớp học một ngôi trường thị tứ…Bắt đầu bằng sự tò mò của
một đứa con, tôi trở thành nhân chứng một ngày trong đời của bố tôi, để bàng
hoàng nhận ra sự mất mát của thế hệ lưu vong đi trước. Bố tôi đứng, cũng phấn
trắng bảng đen, ông hò hét không lại lũ trẻ con ngỗ nghịch, đen, trắng, vàng, Mễ
có, Việt có, Tầu có.
Ông đứng cô độc, già nua, nhỏ bé trong cái lớp học tồi tàn.
Ngày hôm ấy tôi nhận thức được sự đau khổ của một nhà giáo
Viêt Nam ở Mĩ ! Đây không phải là trường Trần Quý Cáp với những người học trò
Quảng Nam tình nghĩa, tự biết cúi đầu khoanh tay, yêu thương thầy cô cho đến 30
năm sau không phai nhạt. Đây không phải là Đại học Vạn Hạnh của một xứ sở Phật
giáo mà hình ảnh từ bi của Như Lai hòa nhập với con đường đi tìm kiến thức. Bố
tôi không còn là ông giáo mảnh khảnh mang kính cận giảng dậy văn chương Anh cho
sinh viên. Từ Merchant of Venice cho đến A Farewell to Arms. Ông không còn say
sưa dạy dịch Việt-Anh thế nào cho hay, từ Dọc Đường của Thanh Tâm Tuyền đến Mai
Thảo, Những Vì sao của Diệu. Ông đứng trước bảng đen lạc lõng, cầm những tấm
bích chương ông viết tay, nắn nót, danh từ, tĩnh từ, theo mấy cái phương pháp lẻ
tẻ của giáo dục song ngữ (billingual education). Tóc ông bắt đầu thưa. Mắt ông
lờ đờ sau cặp kính. Hai má xệ xuống theo tuổi già. Ông đứng đó, nhưng cũng vẫn
phấn trắng bảng đen. Phấn trắng, bảng đen đeo đuổi ông cho đến hết cuộc đời.
Có một đứa trẻ người Mễ, khoảng 14 tuổi, khi không nổi hứng
thổi cái kẹo cao su vào bố tôi, chiếc bong bóng bay ngang không khí, “đậu” lại
trên sân bay là cuốn sổ tay của bố tôi. Đứa trẻ la lên:
– “Dr. Dương!”
Nó ăn kẹo như vậy đâu có nghĩa nó là hiện tượng Bầy Thú Trước
Bảng Đen của Duyên Anh! Nó chỉ là đứa trẻ nhà nghèo học trường thị tứ, nó thích
gì là làm nấy. Theo bản năng tự nhiên. Trong môi trường thị tứ này, không có
cái khuôn khổ nề nếp gọi là văn hóa giáo khoa thư ngày xưa của bố tôi. Của học
trò Trần Quý Cáp, Đồng Khánh, Petrus Ký…Cái văn hóa của một lớp người biết chắp
tay, “Thưa Thầy, con đi!!!”
Chắc vì nghĩ như thế nên bố tôi, cương vị của một nhà giáo dục
lưu động, không có vẻ gì giận dữ. Ông quay lại cười với đứa nhỏ. Nói theo kiểu
nôm na của bà nội tôi, nom ông “lành như Bụt.” Thằng bé chẳng thèm nói xin lỗi.
Ông đưa tay vớt cái bong bóng trên cuốn sổ.
Tôi lặng người. Bố tôi, người giáo sư nước Việt Nam Cộng Hòa
ngày xưa, của khuôn viên đại học, giờ phút này bị biến thành một nhà giữ trẻ bất
đắc dĩ.
Đến giờ ra chơi, bố tôi đi vào phòng giáo sư, ngồi cạnh những
đồng nghiệp nói giọng eo éo miền Nam. Ông ăn miếng bánh mì chả lụa, uống lon sữa
đậu nành, nhỏ nhẹ chép miệng theo kiểu Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến. Tôi xin
cám ơn cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã đem chả lụa với sữa đậu nành vào nước Mĩ
rộng lớn dư thừa chất đạm từ hamburgers cho đến rib eye… Chả lụa với sữa đậu
nành cho bữa ăn trưa của bố tôi. Trong mười tám năm, ngày nào cũng một menu đó.
Đêm hôm ấy, tôi, Trần Thị Như Hoài An tức Ann Trần, con
gái đầu lòng của một ông giáo Việt Nam, trằn trọc không ngủ được. Tôi nhớ đến một
vật sở hữu bố tôi đã có và đã mất.
Tôi nhớ đến chiếc phong cầm của bố tôi.
Như tôi đã nói, bố tôi có tính quen sưu tầm, lưu trữ, ít khi
phế thải một vật sở hữu nào. Bằng chứng là ông vẫn giữ cái cặp da đầu tiên
trong công vụ dạy học ông mua tại Sàigòn hồi cuối năm 1955 trước khi lên đường
ra miền Trung dạy học, nhất là cái bộ đồ “bốn túi” kiểu “kí giả” ông mang theo
từ 1975. Đó là cái “mốt” một thời của bố tôi.. Nhiều lần, lũ con phải la lối
đòi tẩy chay bố để ông khỏi lôi bộ đồ cổ lỗ sĩ ra mặc.
Giữa đêm tối, tôi chợt hiểu rạ Tôi hiểu rồi, hiểu cái mất
mát của bố tôi. Cái đau khổ mơ hồ của tôi hôm nay bắt đầu từ hình ảnh chiếc
phong cầm thời thơ ấụ CHIẾC PHONG CẦM CỦA BỐ TÔI… Khi tôi bắt đầu có trí nhớ
thì bố tôi đã có chiếc phong cầm ấỵ. Bố tôi mất nó vào năm 1963, trong những
ngày Huế sôi nổi xuống đường.
Đầu năm 1963, tôi lên sáu, thì bố tôi từ Pháp về. Ông đi du
học từ hồi tôi ba tuổị. Không có bố bên cạnh, tôi sống trong không khí quây quần
bên họ ngoại. Ngày ông về nước, ông là một hình ảnh xa lạ.
Ông mảnh khảnh, mặt hơi tư lự. Tôi nhìn ông mà hơi sờ sợ. Những ngày ở Pháp về,
ông không vui, có lẽ vì thời cuộc. Con bé Hoài An ở tuổi thơ dại đó, bèn bắt đầu
một công trình nghiên cứu qui mô. Tôi quyết định nghiên cứu bố tôi. Việc đầu
tiên tôi nhận xét là những câu nói của người nhà. Tỉ dụ, bà vú bảo: “Ông Tây
quá,” “Tối ngày ông nghe dĩa hát.” Những tiếng hát trong vắt, ngôn ngữ xa lạ.
Sau này lớn lên, qua Mĩ, tôi mới biết đó là dĩa hát nhạc kịch My Fair Lady ông
mua từ Luân Đôn. Thời gian sinh sống ở Nữu Ước, tôi vẫn luôn tự hỏi biết đâu sự
say mê âm nhạc và sân khấu của tôi đã bắt đầu với tiếng ca trong vắt từ cái dĩa
hát của bố tôi ngày đó.
I could have sung all night
I could have sung all night
All night
Và tiếng hát vút lên, ngân dài, cao ngất:
All night…
Trong dãy phố Nguyễn Trường Tộ ở xứ Huế êm đềm, chỉ nhà tôi
là có cái dĩa hát quay vòng vòng. Bố tôi cầm cái cần nhẹ nhàng đặt lên dĩa hát,
rồi cái dĩa quay vòng vòng, và tiếng hát xa lạ trong vắt bay ra từ cái hộp. Tôi
nghĩ theo bà vú: “Sao mà nó Tây thế!”
Ngoài cái máy hát, bà vú còn nói bố tôi mặc “áo tơi” đi
trong nhà. Tôi đi theo nhìn bố tôi, thấy bà vú nói đúng. Bố tôi không mặc bà ba
trắng có khuy cài như ông ngoại tôi. Bố tôi mặc cái áo thùng thình cột dây
ngang lưng, tương tự như cái áo đầm dài đến chân (sau này tôi mới biết đó là
cái robe de chambre). Bà vú bảo: “Tây ơi là Tây! Ôn ở lỗ mặc áo tơi đi trong
nhà!” Tôi cũng muốn bắt chước bố tôi “mặc áo tơi” đi vòng vòng trong nhà như thế.
Bà vú bảo: “Hoài An ơi, dị lắm. Đừng bao giờ bắt chước cha mi!”
Sau đó bố tôi còn vẽ tranh, ông hay đi vẽ với họa sĩ Hiếu Đệ.
Ông này hay xoa đầu tôi rất lâu. Tôi còn nhớ ông ta có cặp mắt kính rất dàỵ.Trong
những tranh của bố tôi, có một tấm có cái thuyền treo ngược. Tôi không hiểu tại
sao cái thuyền lại treo ngược, làm sao chèo được trong những ngày nước dâng ngập
Đập Đá hoặc bão lụt ở miền Trung? Tôi hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi cũng không hiểu bố tôi
vẽ cái gì? Chỉ có bức tranh Thành Nội có rêu xanh, tường nâu là tôi thấy giống
ngoài đời.
Cứ như vậy, con bé Hoài An, lên sáu, nghếch mắt nhìn người bố
xa lạ, quan sát và suy tư.
Rồi bố tôi đem sách Pháp ra dạy tôi học: “C’est une chaise…
C’est le chèvre de Mr. Seguin…” Sao mà chán quá! Thêm cái màn phải dậy sớm, tắm
rửa, thay áo, uống sữa (một việc mà tôi rất ghét), rồi leo lên xe đạp cho bố
tôi đèo đến trường Jeanne d’Arc tập đàn. Tập đàn thì cũng được đi, nhưng tôi
không muốn tập theo Méthode de Rose. Tôi muốn đánh mò bài “Những Đồi Hoa Sim,
ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt” theo kiểu Phương Dung, con nhạn
trắng Gò Công. Sơ Thanh Tâm mà biết được sẽ khẻ tay tôi đau điếng. Tôi không biết
thở than với ai về những cái khó chịu mà bố tôi bắt tôi phải trải qua.
Tóm lại sự có mặt của bố tôi làm cuộc đời tôi bị xáo trộn.
Tôi không còn được ngủ chung giường với mẹ tôi. Tôi phải ngủ giường ngoài, loại
giường gỗ dành cho con nít. Tôi van vái Trời Phật cho ông đi du học thêm một lần
nữa thì đỡ quá! Van vái xong, tôi rón rén ghé tai vào cửa phòng nghe bố mẹ tôi
nói chuyện. Bố tôi hay độc thoại nói “ràm ràm” Mẹ tôi ngoan ngoãn ngồi nghe như
tín đồ nghe kinh. Bà vú bảo, “Giống người điên. Ôn học giỏi quá, hóa điên!”
Sau này khi lớn lên, được yêu và mong mỏi được người yêu
thông hiểu, tôi mới cảm nhận được thế nào là nỗi buồn khi phải nói một mình, và
khi phải nghe người khác nói vì bổn phận.. Để thương xót cho cuộc tình và hôn
nhân của bố mẹ tôi. Một người nói, một người nghe. Phải chi cứ như người từ
hành tinh khác đến, truyền thông bằng tư tưởng. Nhìn bằng mắt, hiểu nhau ngay.
Thì tình trường đỡ đau buồn, chật vật. Và nhân duyên đỡ cay đắng, đoạn trường
vì người ta không hiểu được nhau.
Thế nhưng tuổi lên sáu bé dại, tôi thấy chuyện bố tôi “đọc
kinh” cho mẹ tôi nghe một chiều là điều vừa kỳ quặc, vừa hào hứng.
Có lần tôi nghe bố tôi đọc một đoạn văn cho mẹ tôi nghe, tôi
thấy rất lạ lùng, và kết luận chắc là bố tôi điên đúng như bà vú nói. Tôi kể lại
với bà vú, bố tôi nói gì về con lừa, về vũ trụ có đồ đạc lổn ngổn. Bà vú lè lưỡi,
khuyên tôi sau lớn lo lấy chồng đừng có học giỏi làm chị. Và nhất là chớ có đi
Tây. Sẽ điên giống bố tôi.
Ba mươi bốn năm sau, ngồi ở Nữu Ước, nhìn ra vòm trời đầy
ánh điện, tôi đọc lại một đoạn văn của bố tôi viết ở Huế nhân dịp ông xem tranh
của họa sĩ Đinh Cường. Một vài năm trước biến cố 1975, ông đem bài bình luận ấy
quay ronéo cho sinh viên Văn Khoa Sài Gòn dịch ra tiếng Anh. Thời thơ ấu hiện về,
tôi mới nhớ ra đó là đoạn văn tôi đã nghe lóm ngày xưa qua khung cửa phòng của
bố mẹ tôi:
“Trong vũ trụ, súc vật, đồ đạc, người ngợm lổn ngổn, những
võ công thức cứng ngắc, rỗng tuếch, đập bửa ra toàn chất liệu chết, ù lì, đặc sệt;
những cái đầu gỗ lọc cọc múa nhảy trên đường, những trường thành góc cạnh lì lì
chắn lối; những xe cộ, bàn ghế, cây khô tĩnh vật đắp ụ ngõ xóm; đất rác từng đống
sát mũi cửa nhà, bịt kín công lộ. Những cái cứng ngắc, lổn ngổn, trì độn ấy làm
nghệ sĩ đi một bước là đụng, là đá, là vấp chạm đủ mọi chướng vật. Ấy là cái thế
giới hình thể hiện thực bủa kín nghệ sĩ, muốn bò-sát-hóa thân phận nghệ sĩ. Nó
bảo: mày làm con lừa kéo gỗ đi. Nó hô: cúi đầu xuống, uốn đuôi lên. Thế giới
hình thể hiện thực vong thân nghệ sĩ bằng đủ kiểu phỉnh phờ. Nó chắp cánh gỗ
cho nghệ sĩ bay vào thế giới lãng mạn, trăng sao mây nước. Nó gạt nghệ sĩ vào
vũ trụ ấn tượng mù, lung linh bàng bạc. Rồi, rất biện chứng, nó đá đít những
tâm hồn nghệ sĩ đích thực…
Tôi không tự hỏi Đinh Cường đã đi vào trừu tượng thế nào ?
Cái đó chẳng quan hệ gì đến người xem tranh, dĩ nhiên. Sự hiện hữu của trừu tượng
Đinh Cường, tôi sẵn nhìn nó trong hình ảnh một bứt phá…”
Đọc đoạn văn của bố tôi viết trên ba thập niên, tôi giật
mình sợ hãi. Tôi không nghĩ là bố tôi viết về tranh Đinh Cường. Mà ông viết về
chính mình. Về con mắt nhìn tranh. Ông đã thay tôi viết về thân phận con ngườị
Cái tính trí thức và nghệ sĩ trong một môi trường tàn bạo đòi hỏi sự bứt phá.
Dường như có sự tiên tri. Đoạn văn ngắn này áp dụng được vào khung cảnh của một
Sài Gòn nhân mãn quay cuồng trong kinh-tế-thị-trường-xã-hội-chủ-nghĩa ngày nay,
vào ngay cả cái thành phố Nữu Ước này trước thế kỉ hai mươi mốt. Cái khoảng
cách khác biệt giữa Cộng Sản và Tư Bản, Mĩ, Á, trong kỉ nguyên mới (New Age) biến
mất trong đoạn văn của bố tôi. Cả hai bên đều có những con lừa kéo gỗ và sự bứt
phá trong của tâm hồn nghệ sĩ đối với môi trường và sức ép chung quanh. Rồi tôi
rùng mình tự hỏi, năm 1965, khi viết lên những dòng trên, bố tôi có biết chăng
đứa con gái nhỏ đầu lòng của mình, trên ba mươi năm sau, cảm thấy nó là con lừa
trong vòng quay tới tấp của xã hội Mĩ. Goldman Sachs đã vô hiệu hóa những ngón
tay của tôi, không thả cho ngón tay tôi mềm mại về với phím trắng dương cầm. Ở
tuổi gần bốn mươi, tôi mong cầm bút để thay thế phím trắng dương cầm. Tôi ngậm
ngùi hiểu ra rằng trong căn bản bố con tôi giống nhau. Chúng tôi, qua hai bối cảnh,
hai thời điểm khác nhau, ở tuổi trung niên đều mang tâm trạng của những con lừa
kéo gỗ.
Thế nhưng trong những ngày tháng ở Huế năm 1965 khi bố tôi
viết những dòng trên thì bố con tôi không nói chuyện với nhau. Bố mẹ Việt Nam
thời đó không đến gần con nít, tối tối phải đọc truyện cho con nghe như bố mẹ ở
Mĩ thời nay. Sự tương đồng về tâm trạng con lừa, về thân phận con người và kiếp
lưu đày của tâm hồn nghệ sĩ, phải ba mươi bốn năm sau tôi mới nhận thấỵ
Tuy nhiên, tôi xin tâm sự với độc giả một chi tiết rất quan
trọng trong quãng đời thơ ấu của tôi. Khoảng thời gian 1964-65, ở phố Nguyễn
Trường Tộ, Huế, bố con tôi có nói chuyện với nhau. Một cuộc nói chuyện thầm lặng
qua chiếc phong cầm. Tiếng đàn phong cầm của bố tôi. Công cuộc nghiên cứu về
người bố của bé Hoài An có khúc này là thú vị nhất.
CHIẾC PHONG CẦM CỦA BỐ TÔI!
Tôi còn nhớ rõ mồn một. Nó đẹp vô cùng. Những phím trắng nho
nhỏ màu ngà, đục mà lại sáng bóng. Màu ngà còn đẹp hơn những thẻ xâm hường điểm
son của bà ngoại tôi. Những phím đen nằm thẳng đều đặn cũng sáng bóng như răng
hạt huyền của người đẹp Bắc Ninh xưa. Ở giữa những phím trắng với những phím
đen là một khoảng huyền bí. Những nếp xếp kéo đi kéo lại, co vào, giãn rạ, huyền
hoặc và lôi cuốn!
Trong công cuộc nghiên cứu về bố tôi từ ngày ông ở Paris về
nước, ngay buổi đầu tôi đã chú ý đến chiếc phong cầm. Buổi chiều khi đi học ở
Jeanne d’Arc về, tôi hay bắt gặp bố tôi đứng đánh đàn bên cửa sổ trong trời mưa
phùn xứ Huế. Mặt ông chăm chú không giống ai, môi chu lại một cách rất say sưa,
vì ông phải tập trung tinh thần mà “thả hồn vào âm điệu.” Những ngón tay nhịp
nhàng bấm phím, hai bàn tay kéo ra kéo vô, cái đàn nằm trên ngực bố tôi lắc lư
theo âm điệu. Tôi thích bố tôi đánh đàn, lý do giản dị là vì ông ham đánh đàn
không bắt buộc tôi học tiếng Pháp, “C’est une chaisẹ…C’est le chèvre de Mr.
Seguin,” một điệp khúc vô cùng nhàm chán.
Xin lưu ý độc giả, bố tôi không phải là một nhạc sĩ. Tiếng
đàn của ông có lúc rè rè, có lúc êm ái mê ly, tùy theo cái hứng nghệ sĩ của bố
tôi. Ông cũng không phải là ca sĩ, dù có lúc ông hát ong ỏng theo tiếng đàn. Thế
nhưng tiếng đàn tiếng hát của bố tôi đã tạo dựng nên repertoire những bản nhạc
Việt đầu tiên mà tôi ưa thích mãi cho đến bây giờ. (Bài Những Đồi Hoa Sim không
kể, đó là kết quả của sự tuyên truyềnn và tẩy não của bà vú tôi, vốn mang tâm hồn
rất bình dân học vụ)
Thuở ấy, Trịnh Công Sơn, một thanh niên ốm o, đeo kính cận
là hàng xóm của chúng tôi. Trịnh Công Sơn vừa làm xong bài Lời Buồn Thánh. Cái
da diết, ủ ê của Lời Buồn Thánh cần phải được diễn tả bằng tiếng sắc-xô-phôn.
Không có kèn bố tôi xài đỡ chiếc phong cầm. Tôi thuộc lòng Lời Buồn Thánh từ
đó.
“Chiều Chủ Nhật buồn,
nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Ô hay mình vẫn cô liêu ….”
Mãi về sau, năm ba mươi hai tuổi, tôi bắt đầu để lại tóc dài
thẳng đuột. (Trước đó, tôi uốn quăn theo kiểu Donna Summers cho thiên hạ lầm
tôi là người Nam Mỹ. Tôi xin thú thực tôi cũng có tinh thần “vọng ngoại” như
vài người cùng xứ sở với tôi, thích ăn bơ hơn nước mắm). Có lần, với mái tóc
như thế, tôi mặc áo gypsy dấu mi-crô dưới tóc, gập người lại mà rên rỉ Lời Buồn
Thánh theo kiểu jazz, kiểu blue trước đám thực khách Mỹ. Họ mải ham ăn, không
ai để ý xem tôi hát cái tiếng nước non gì. Dưới ánh đèn, trong khói thuốc của một
quán ăn nhỏ ở Adams Morgan, Washington, DC, tôi nhớ lại những buổi chiều mưa xứ
Huế, bố tôi đứng trầm ngâm bên khung cửa mà đếm tiếng mưa, cái đàn phong cầm
đeo ở ngực. Tôi, vừa mới để lại tóc dài thẳng đuột theo kiểu Việt Nam, chợt vứt
cái mi-crô đi, mà hát gào cho quá khứ, cho chiếc phong cầm của bố tôi:
Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…
Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…
Gió đưa tôi về căn phố Nguyễn Trường Tộ, Huế, nơi mà Trịnh
Công Sơn viết Lời Buồn Thánh, và bố tôi đã dùng chiếc phong cầm nói lên Lời Buồn
Thánh. Hết Lời Buồn Thánh, chiếc phong cầm của bố tôi lại nỉ non điệu nhạc Phạm
Dụy. Và khi khôn lớn tôi mới biết rằng trong ký ức tôi, những âm điệu này đi
đôi với cặp mắt Sơn Tây của bố tôi, cặp mắt Sơn Tây của chất thơ Quang Dũng.
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi vì nước
Nhớ thương con oán thù loài giặc kia
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh
Về ấm lũy tre xanh
Khi khôn lớn, tôi lẩn thẩn suy nghĩ. Làm sao chiếc phong cầm
Tây phương đó, xuất thân từ nước Ý, lại có thể đem tôi đến với núi rừng Việt Bắc,
với con người Quang Dũng, với tiếng hát hành quân xa, nếu không có tâm hồn rung
cảm của bố tôi và sự đồng điệu trong máu huyết giữa bố con tôi. Những năm đó,
tôi chẳng biết gì hết, chỉ biết yêu thích cách bố tôi lắc lư, cái đàn kéo ra
kéo vào, và âm điệu da diết của tiếng đàn.
Và đó là cách hai bố con tôi nói chuyện với nhau, qua chiếc
phong cầm, trước khi tôi biết thế nào là thân phận con người trở thành con lừa
kéo gỗ….
Chao ơi, tôi thương xót làm sao tiếng phong cầm của bố tôi!
*
Không nói ngoa với độc giả, tôi tự hào mình là con bé
{“thông minh vốn sẵn tính trời…” Vì là con nhà giáo, tôi biết đọc năm lên bốn. Và
ở tuổi lên sáu, tôi đã rất khoa học trong công trình nghiên cứu về bố tôi. Tôi
lục lọi trong cái rương cũ, tìm thấy thông tín bạ của ông hồi ông học trường Bưởi,
Hà Nội. Trang đầu thông tín bạ có những dòng chữ sau đây:
Tên họ học sinh: TRAN Quốc Ngữ
Quê quán: Sơn Tây
Tên cha/hoặc giám hộ: TRAN Quốc Nho
Nghề nghiệp: Làm ruộng
Bố tôi đó, một thiếu niên, con cụ Tổng Nho, tổ tiên lập thân
từ đồng ruộng làng Bún, miền Bắc, phía tây thành Thăng Long của nước Việt Nam
hình chữ S. Tổ tiên tôi từ đời Trần đã quen nghề cày ruộng lấy thóc bán nuôi
con cái đi học.
Điển hình là ông nội tôi, cụ Tổng Nho, nuôi đàn con trai ăn
học, dâng gạo nuôi quân cho Việt Minh đánh Pháp để rồi trở thành nạn nhân của
cuộc cải cách ruộng đất bắt nguồn từ bên Tàu với ông lãnh tụ quái gở Mao Trạch
Đông.
Năm 1993, Goldman Sachs, Merril Lynch, Bank of America, cùng
bao nhiêu cơ quan kinh tài quốc tế khác tổ chức một cuộc du hành các nước đang
phát triển ở Á Châu để nghiên cứu vấn đề thiết lập thị trường chứng khoán theo
kiểu kinh tế thị trường. Tôi cũng xách cặp đi theo. Cuộc viễn du này cho tôi có
dịp về thăm Hà Nội. Tôi thuê xe đi về Hà Tây, cùng với hai đồng nghiệp người
Anh vì hiếu kỳ mà tình nguyện đi với tôi. Tôi đi về làng Bún, đôi mắt tròn lên,
lạ lùng, bỡ ngỡ.
Tôi đứng bên bờ đê nhìn những mẫu ruộng nho nhỏ, giữa ruộng
có những ngôi mộ nằm trong nước. Tôi nhìn con bò, gầy ơi là gầỵ
Con bò Việt Nam, nó gầy cũng như bố tôi gầy trong tấm hình
chụp năm 1954. Rồi tôi nhìn cái xe bò, cái xe bò Việt Nam cộc kệch cuối thế kỷ
hai mươi. Và tôi nhìn hai người đàn bà đứng tát nước còn gầy ốm hơn con bò. Tôi
tìm ra ngôi mộ của cô tôi, chị ruột bố tôi, chết trẻ trong cuộc chiến tranh Việt
Pháp. Ngôi mộ nằm giữa ruộng. Tôi nghĩ thịt xương tổ tiên tôi đã tan vào đất, từ
đó mọc lên những hạt gạo “xuất khẩu” của Việt Nam. Khi ăn hạt gạo xuất khẩu,
tôi có bao giờ nghĩ là đang ăn thịt xương của tổ tiên tôi? Tôi ngửa mặt lên trời
tìm vừng mây trắng. Xa xa kia là sông Đà, núi Tản của Nguyễn Khắc Hiếu. Đâu đây
là nét “vời vợi buồn Tây Phương” của Quang Dũng. Tôi mỏi mắt nhìn cho ra một
nét quen thuộc nào đó, lắng nghe cho thấy “tiếng hát hành quân xa” và tự hỏi:
nơi chốn này có yêu tôi không, hay đang nhìn tôi xoi mói, tôi con người đi về
quê cha trên đôi giầy ReBox?..
Rồi tôi đứng nhìn con đường hẹp đầy ổ gà. Ngồi xe tôi cứ va
bên này, chạm bên kia giữa hai đồng nghiệp người Anh to lớn. Tôi nhìn sang bên
kia đường là “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Xã Phụng Thượng Trong Cuộc Chiến Tranh Chống
Mỹ.” Bên này đường là “Quán Thịt Chó Thơm Ngon.” Đây,Con Đường Cái Quan của Phạm
Duy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, con đường mà bà nội tôi đã đội nón lá đi bộ
dưới nắng chang chang trốn ra Hà Nội ngày ông bà nội tôi bỏ làng vô Nam để
tránh thảm trạng Đấu Tố Địa Chủ.
Tôi nhắc đi nhắc lại như người mất hồn với hai đồng nghiệp:
– “Sao mà nó nhỏ thế, con đường này, đồng ruộng này, đường
chân trời này!” (How come everything is so small ?)
– “Ông nội tôi bị kết tôi. địa chủ vì có chút đồng ruộng này
sao ?” (My grandfather got a death sentence because of these little paddies?)
Hai người đồng nghiệp nhún vai, không nóị. Tôi không nghe tiếng
linh hồn cô tôi đón chào trong gió. Quanh tôi chỉ có hai đồng nghiệp người Anh
im lặng đứng nhìn.
Tất cả không giống như trí tôi tưởng tượng. Khi tôi đã quen
nhìn xa lộ thênh thang của nước Mỹ, những vườn táo mênh mông ở Illinois, những
vườn cam bát ngát ở Florida. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại, ông tôi suýt nữa bị dẫn ra
đình làng chịu đấu tố chỉ vì ít mẫu ruộng này ư? Trong bao nhiêu năm nghe ông
bà tôi kể chuyện, không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng ruộng đất phải bao la cò
bay thẳng cánh như tiểu bang Arizona. Phải nhiều lắm, lớn lắm thì mới bị tố địa
chủ chứ?
Bây giờ sau chuyến về thăm đó, tôi mới biết thế nào là sự
nho nhỏ, con con, như cái nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, như cái số phận
nho nhỏ, con con của con bò, của cái xe bò, của hai người đàn bà tát nước. Ngay
cả đến ruộng đất phì nhiêu đã gây nên cái án địa chủ cho ông bà nội tôi cũng
nho nhỏ, con con. Cái thảm khốc của nhân loại lại nằm ở trong những gì nho nhỏ,
con con?
*
Trong công trình nghiên cứu về bố tôi năm lên sáu, tôi bắt gặp
tấm ảnh 4 x 6 của một cậu con trai, dán trên thông tín bạ. Cậu có hai con mắt
dài, xếch như một nét mực tàu sắc sảo. Khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là cặp mắt
Sơn Tây đã làm xót xa lòng Quang Dũng. Bên nội tôi, đa số đều có cặp mắt đó.
Ngay cả những đứa em họ sinh sau đẻ muộn làm công dân Mỹ, lọt lòng mẹ trong nhà
thương Mỹ, cũng mang vào Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cặp mắt Sơn Tây của núi rừng Việt
Bắc và hồn thơ Quang Dũng.
Mẹ tôi kể trong thời gian học trường Bưởi, bố tôi theo học
phong cầm với một ông cố đạo. Rồi mua đàn của ông. Đó là tiểu sử chiếc phong cầm
của bố tôi. Nó xuất thân từ nước Ý, du nhập vào Hà Nội đầu thập niên 50.
Khi di cư vào Nam, ông bà tôi đi trước, bố tôi là người cuối
cùng rời Hà Nội vào Nam. Bố tôi đáp xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Dương, rồi đạp
xe đạp từ Hải Dương xuống Hải Phòng. Bố tôi để cây đàn ghi-ta, thêm cái phong cầm
lên xe đạp mà đạp. Trên đường đi, ông bán mất cái ghi-ta. Bán luôn đôi giày da.
Nhưng không bán chiếc phong cầm. Bố tôi lên tàu bay vào Nam, có chiếc phong cầm
mà không có đôi giày che gót. Tôi mường tượng cậu con trai có cặp mắt Sơn Tây đạp
xe đạp, đèo theo chiếc phong cầm, những vòng bánh xe cũng giống như những vòng
bánh xe bố tôi đạp chở tôi đi học dương cầm ở Huế.
Chiếc phong cầm theo cậu trai trẻ lên máy bay từ Hải Phòng
vào Sài Gòn. Rồi vào trại sinh viên. Bố tôi sống nghèo ở miền Nam mà đi học
trong kiếp di cư. Chiếc phong cầm luôn luôn đi theo ông như một tình nhân yêu
kiều, chung thủỵ.
Rồi bố tôi ra Hội An, dạy trường Trần Quý Cáp, vẫn khư khư
giữ cái phong cầm. Tôi ra đời trong tình yêu của bố mẹ và được tặng cho cái tên
Trần Thị Như Hội An, để đánh dấu thành phố nơi bố mẹ tôi đã gặp nhau. Sau này
mẹ tôi đổi thành Trần Thị Như Hoài An để tránh dấu nặng trong tên con gái. Ngày
mẹ tôi ẵm tôi từ bệnh viện về nhà, chắc là cái phong cầm đứng nhìn đâu đó, mà
tôi thì nhắm tít mắt như mọi trẻ sơ sinh khác.
Rồi bố tôi đi Pháp. Khư khư đem cái đàn theo. Mẹ tôi phàn
nàn: “Ở bên ấy thiếu gì đàn, vậy mà cha con cũng đem nó theo cho được.” Mẹ con
chúng tôi ở nhà, chứ cái đàn thì đi Pháp theo bố tôi.
Công cuộc nghiên cứu về bố tôi năm tôi lên sáu tuổi vẫn tiếp
tục suốt thời gian 1964-65. Tôi kiếm thấy bức hình đen trắng bố tôi ngồi bên
lan can căn phòng sinh viên ở đại học xá lầu bốn. Paris trải rộng dưới chân. Bố
tôi gầy như cây tăm, ngồi ôm chiếc phong cầm, gác hai chân lên lan can màu đen,
nom rất thoải mái và rất “hip.” Tôi nhìn bức hình ấy mà mơ ước sau này mình
cũng đi du học Paris và cũng ngồi gác chân lên lan can nhìn xuống thành phố.
(Tôi đâu ngờ rằng, sau này lớn lên tôi làm một cuộc du học trường kỳ…).
Rồi thì cái đàn theo bố tôi về nước. Và tôi gặp nó ở căn phố
Nguyễn Trường Tộ, Huế. Lần này thì tôi thôi không nhắm tít mắt như một trẻ sơ
sinh nữa.
Tôi nhớ mãi buổi chiều mưa phùn xứ Huế. Tôi trốn bố tôi (tôi
thường hay chơi trò “trốn tìm”) sau bức màn cửa phòng khách. Bố tôi đánh đàn
xong thì để nó trên ghế. Thế là tôi nhảy tỏn ra. Tôi đứng mân mê, sò mó cái
đàn. Tôi bấm thử, sao đàn không ra tiếng? Tôi khệ nệ tìm cách đeo nó vào cổ.
Tôi say mê, nâng niu nó. Ôi tiếng hát hành quân xa với những chiều Chủ nhật buồn
không nắng trong căn nhà nóng hâm hấp lặng nghe gió đi về! Ai xui khiến cho cái
đàn này làm mọc chất nghệ sĩ trong tôi! Để ba mươi bốn năm sau tôi từ bỏ
Goldman Sachs? Tôi muốn ẵm nó lên để đu đưa như bố tôi. Nhưng nặng quá. Cứ thế
này thì nếu tôi không té, cái đàn cũng sẽ té.
Bỗng bố tôi bước vào. Tôi sợ muốn khóc vì bị bắt quả tang,
tưởng rằng sẽ bị đòn. Nhưng không, nét mặt bố tôi bình thản, đôi mắt Sơn Tây
như hai vết mực tàu sắc nét. Đó là lúc ông thấy tôi bé quá không bê nổi chiếc
phong cầm. Ông quyết định đem tôi đi gặp Sơ Thanh Tâm để xin học đàn dương cầm.
Từ hôm đó, sáng nào ông cũng gọi tôi dậy sớm, bắt uống sữa,
thay váy đầm. Rồi chở xe đạp đưa tôi đến trường Jeanne d’Arc học đàn…
Chung qui cũng bởi tại cái phong cầm của bố tôi.
*
Bạn đọc có tin rằng cái chết không kết liễu đời người, vì phần
hồn còn đi về đâu đó. Bởi thế mẹ tôi cứ cúng tổ tiên ông bà, bắt tôi thắp nhang
mà lạy. Người Việt Nam chúng ta thờ linh hồn những người thân đã chết.
Năm lên sáu, tôi tự hỏi vật vô tri chết đi có còn phần hồn vất
vưởng hay không. Năm 1964, chiếc phong cầm gặp tôi, rồi nó mất đi. Và tôi thắc
mắc mãi phần linh hồn của nó đi đâu ? Và tôi thắp nhang cúng nó được không?
Xứ Huế không phải là xứ yên bình. Cái yên bình của Huế chỉ
là yên bình giả tạo. Những năm 1963-65, Huế là một ngọn lửa cách mạng hừng hực,
sẵn sàng bừng cháỵ Từ chùa Từ Đàm. Đó lần đầu tiên trong đời tôi được nghe danh
từ “cách mạng.”
Tôi phải lớn hơn mới hiểu được căn bản của vấn đề. Nếu có
Cách Mạng, thì làm gì có Hoài An? Mà đã có Hoài An thì không có Cách Mạng. Từ
năm lên sáu, ở thành phố Huế buồn ngủ ấy, tôi chưa đủ trí tuệ để hiểu thế nào
là đấu tranh, nhưng tôi đã mường tượng một điều gì ghê sợ. Rằng tôi sinh ra
trong một xứ sở có nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy ở ngoài tầm tay tôi, nhưng
chúng tạo nên định mệnh của tôi, như lưới giăng, như cơn lốc kéo thốc tôi vào.
Dấu hiệu bất an đầu tiên là ngày Phật Đản. Một ngày vui mừng
tôi và các em tôi mong mỏi để được xem xe hoa. Thế nhưng mẹ tôi cấm không cho
chúng tôi đi xem. Xe hoa đi ngang nhà tôi, mẹ tôi không cho chúng tôi ghé đầu
ra xem. Bảo nguy hiểm. Chúng tôi vẫn thấy được tượng Phật đứng trên tòa sen trắng
nõn, tay chỉ lên trờị. Nom Phật bụ bẫm dễ thương. Em tôi bảo: “Sao Phật giống
em bé quá!”
Chỉ một lúc sau xe hoa vừa đi khuất, bà vú đã chạy vào thì
thầm, “Công an giựt sụp xe hoa rồi, Phật đổ.” Tôi cho rằng đó là chuyện kinh khủng.
Cái gì đổ thì đổ, chứ Phật làm sao đổ được. Điều ghê sợ khủng khiếp nhất, một sự
lật đổ nào đó ngoài tầm tay những người dân bình thường, đã bắt đầu ám ảnh tôi.
Thường thường mẹ tôi hay cho chúng tôi đi chùa Từ Đàm. Nhưng
năm đó, chúng tôi không được lên chùa, mặc dù tôi thích lên chùa để được múạ:
“Một hôm, một hôm mồng một đến chùa, cùng me đi lễ Phật, dâng vài hoa sen.” Bà
vú thì thầm, “Hoài An ơi, lên chùa thì công an bắt!” Tôi nín bặt vì sợ.
Bên cạnh những cái điều bất an đó, bố tôi vẫn kéo phong cầm
để nói chuyện với tôi qua Tiếng Hát Hành Quân Xa và Lời Buồn Thánh.
Thuở ấy, tôi không biết mặt những người bạn văn nghệ của bố tôi, từ họa sĩ Đinh
Cường cho đến nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Tôi chỉ nhớ có một ngườị. Đó là chú M., một
nhạc sĩ. Tôi rất yêu chú M. Chú ấy vui tính và buồn cười lắm. Cả nhà ai cũng
yêu mến chú M. Trừ bà vú:
– “Ôn nớ là nhóm cách mạng chống Cần Lao đó Hoài An ơi!. Ôn
nhà ni mà cứ giao du hoài là ngày cậu Cẩn tới chặt đầu.”
Bà vú nói chi ghê quá. Tôi hỏi Cần Lao là gì? Bà vú bảo Cần
Lao là cậu Cẩn đó. Tôi hỏi cậu Cẩn là ai? Có giống chú M. không? Bà vú nói:
“Con ni ngu quá. Nói tầm bậy coi chừng bị chặt đầu. Hay chết kiểu Quách Thị
Trang.” Tôi không dám hỏi bà vú Quách Thị Trang là ai, tôi biết đó là một người
đã chết. Tôi co người lại vì sợ.
Trong những ngày tháng đó, bố tôi ít nói, ít kéo phong cầm.
Cái đàn nằm cô đơn. Thỉnh thoảng chú M. vẫn ghé chơi. Hai người đóng cửa phòng
nói chuyện rì rào.
Rồi một hôm, chú M. lại ghé thăm. Bố tôi mặc áo đi theo. Ông
dặn mẹ tôi ông sang nhà chú M. ở phía bên kia sông Bến Ngự. Dãy phố Nguyễn Trường
Tộ nằm bên này sông. Bên kia cầu là nhà thờ Phủ Cam. Bên trái nhà thờ là một
dãy nhà kiểu Tây rất đẹp. Một trong những căn nhà đó là nhà chú M. ở. Bố tôi dặn
gia đình là ông sẽ đi khá lâu. Ông đi theo chú M. Đã ra đến cửa, ông còn quay lại
lấy chiếc phong cầm. Cái đàn đi theo ông qua nhà chú M.
Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc đàn. Tôi linh cảm
cái gì không hay sẽ xảy ra. Tôi chạy theo nắm áo bố tôi đòi đi theo. Tôi bíu
chiếc đàn như muốn giữ nó lại.Chú M. chế giễu tôi con gái hay khóc nhè.
Tối đêm đó, tôi đang ngủ say thì có tiếng khóc than, tiếng
bà ngoại tôi kêu la. Tiếng người xôn xao ngoài ngõ. Nghe dễ sợ lắm. Tôi chạy ra
thảng thốt. (Từ đó lớn lên, tôi rất sợ những khi đang ngủ thì bị thức dậy vì biến
cố)
Tôi vẫn còn nhớ tiếng người nói: “Nhà ai cháy? Công an đốt
nhà ai?”
Tôi nghe mẹ tôi nức nở, “Trời Phật ơi, phải nhà chú M.
không? Mạ ơi, anh con ở bên nhà chú M..Thôi rồi mạ ơi…”
Tôi thấy mọi người đổ xô ra cửa. Tôi cũng chạy ù ra. Mẹ tôi
nắm chặt tay tôi. Bà vẫn kêu khóc.
Ông ngoại tôi điềm tĩnh hơn. Ông nói, “Đã chắc chi ông Ngữ ở
bên đó. Để ba mặc áo lên chùa. Hay qua dinh cha Thục hỏi…” Mẹ tôi vẫn điên cuồng
kéo tay tôi và bà ngoại xô ra đường.
Đám đông đứng đầy dọc bờ sông Bến Ngự bên hông nhà tôi. Chỉ
trỏ xôn xao. Tôi nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa ngùn ngụt cháy. Tôi thấy bên
kia bờ sông có bóng dáng những người cầm súng. Người đứng quanh tôi nhỏ to,
“Công an đốt truyền đơn.” Mẹ tôi ngất xỉu. Bà ngoại tôi vật vã. Tôi kêu khóc
không thành tiếng. Phía bên kia sông lửa ngùn ngụt cháy, ở đó có chú M., bố
tôi, và chiếc phong cầm. Tôi nhìn thấy lần đầu tiên cái kinh khủng của cách mạng.
Nói đúng hơn của bạo lực đã đốt lửa cho cách mạng.
Đó là lần đầu tiên tôi thấm hiểu trong trí óc non nớt của
mình, tôi sinh ra trong một đất nước của những người dân thích làm cách mạng. Của
những người dân hay mang kiếp tù đày. Lý do? Tây, Tầu, Nga, Mỹ? Cái nghèo, cái
cực, cái nô lệ, cái xâm lăng? Vân vân và vân vân. Trước Chúa bác ái, trước Phật
từ bi, chúng ta cầm súng giết nhau đi rồi gọi đó là cách mạng.
Ông ngoại tôi nói đúng. Một ngày sau bố tôi về. Một cơn ác mộng
vừa qua.
Tôi đứng xớ rớ tìm cách lắng nghe chuyện người lớn. (Tôi là
một đứa nhỏ rất thích nghe chuyện người lớn, âu đó cũng là cái nghiệp chướng của
tôi. Có khi tôi nghĩ tự mình là mất tuổi thơ vì cái đầu tôi tò mò ưa suy nghĩ.)
Tôi nghe ra được chú M. chạy trốn lên chùa. Nhà thì cháy tan nát. Mẹ và bà ngoại
tôi đốt nhang khấn bàn thờ tạ ơn tổ tiên trời đất đã cứu bố tôi.
Tôi đứng trước cửa nhà nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa đã
tàn. Cảnh tượng tiêu điều thảm hại. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự u ám của những
gì còn lại sau một cuộc tàn phá.
Chú M. không cháy. Bố tôi không cháy. Còn chiếc phong cầm?
Phải chăng nó cháy giùm cho bố và chú M. yêu mến của tôi? Tôi òa khóc chạy vào
nhà. Mẹ và bà ngoại tôi còn trong cơn mừng rỡ, còn lo nhang đèn. Không ai nghĩ
đến chiếc phong cầm xấu số.
Tôi nức nở trong lòng bố tôi. Nhưng ông nghiêm mặt cấm không
cho tôi khóc. (Những người bố Việt Nam, ai cũng ghét than khóc, cho đến ngày họ
già. Bây giờ trong tuổi sáu mươi ngoài, bố tôi mau nước mắt. Thỉnh thoảng là
tròng mắt đỏ hoe. Mắt ông hay đỏ hoe khi các con về thăm rồi lại đi, còn lại
căn nhà yên vắng với hai vợ chồng thui thủi)
Bố tôi nói lên điều mà tôi đã biết:
– Cái đàn cháy trong nhà chú M.
Tôi vụt khỏi vòng tay của bố tôi. Tôi chạy ra đứng trước cửa
nhà nhìn sông Bến Ngự. Tôi nghe có ngọn gió đi về. Chiều chủ nhật buồn lặng
nghe gió đi về. Trên ngọn gió đi về, có chăng linh hồn chiếc phong cầm của bố
tôi?
Từ đó, bạn đọc có thể đoán ra, bố tôi chẳng bao giờ kéo
phong cầm nữa.
Bà vú nói, cách mạng thành công và Phật tử khỏi bị đàn áp.
Tôi thôi không học trường Jeanne D’Arc nữa. Tôi đổi về trường Phú Vĩnh. Hình
Ngô Tổng thống treo trên tường bị hạ xuống. Đem ra đập lìa. Cách đó không bao
lâu, lũ trẻ con chúng tôi vẫn còn hát, “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống…”.
Sau cách mạng, Ông ngoại tôi, một công chức dưới triều Ngô, nghỉ việc về hưu sớm.
Cách mạng thành công, nhưng tương lai công danh bố tôi chẳng
sáng sủa gì hơn. Có kẻ không ưa bố tôi, làm nên sự vụ lệnh đổi bố tôi vào dạy ở
Quảng Trị, chốn bom đạn chiến trường. Mặt bố tôi càng khó đăm đăm hơn. Mẹ tôi dạy
Đồng Khánh. Bố tôi về Quảng Trị, tức là vợ một nơi, chồng một ngả.
Sáng sớm tinh sương, thành phố Huế như có sương mù. Bà ngoại
tôi lặn lội về làng đem lên những đòn chả Huế. Bà ngoại tôi, Quế Hương, pháp
danh Tịnh Tâm, là người phụ nữ làm chả Huế, chả tôm ngon nhất thế giới. Tôi vẫn
nhớ hình ảnh bà xương xương, đội nón bài thơ, mặc áo dài vân nhung (phụ nữ Huế
của thời đại tôi biết không bước ra khỏi nhà mà không mặc áo dài.) Trời tờ mờ
sáng, bà đã hiện ra ở cửa nhà tôi, tay xách cái giỏ thật lớn, đựng không biết
bao nhiêu là đòn chả. Mẹ tôi lặng lẽ gói từng đòn chả để bố tôi đem đi tặng đồng
nghiệp mới ở Quảng Trị.
“Ở Quảng Trị cũng có học trò,” bố tôi nói. Bố tôi đó, con
người của giáo khoa thư! Ông tỉnh táo, yên phận, “lành như Bụt” đối với người đời
(chỉ khó khăn với người trong nhà mà thôi), ông vui vẻ mà đi Quảng Trị nhận
công vụ, không phàn nàn than thở. Theo lời mẹ tôi kể, thì ông đi nhận việc rất
đúng giờ. Ông đi cùng với những đòn chả Huế mẹ tôi gói rất cẩn thận đem cho đồng
nghiệp. Ông còn đem phòng thêm nhiều đòn chả nữa để cho học trò mới, có đứa nào
ngoan, học giỏi thì cho nó đòn chả lấy tình. Ôi tình nghĩa giáo khoa thư!
Lần này ông đi không có chiếc phong cầm.
(Mãi về sau khi khôn lớn, tôi mới biết người đã đem bố tôi
ra khỏi Quảng Trị (để bố mẹ tôi được trùng phùng) là giáo sư Trần, thời gian
ông làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Đệ Nhị Cộng Hòa. Mẹ tôi nói bà vẫn luôn nhớ ơn
bác Trần. (Nhớ ơn là “tiết mục” văn hóa giáo khoa thư! Chứ ở Mĩ, tôi không rõ
trong số đồng nghiệp tôi, ai là kẻ nhớ ơn Goldmand Sachs…))
Từ đó, khi chiếc phong cầm đã chết, bố tôi đi Quảng Trị, thì
tôi lại trở về làm đứa trẻ con quây quần bên ngoại, đứa trẻ con vắng bố.
Cuối năm 1963, con bé Hoài An lên sáu như già đi. Đầu óc non
nớt đã lờ mờ hiểu thế nào là sự sụp đổ của một chế độ. Khi chế độ sụp đổ, có thể
có súng ống, có lửa cháy, có tan cửa tan nhà, có người phải đi trốn chạy như
chú M. đi trốn trong chùa, có ảnh, với hình, với tượng đá, với đồ treo bị đem
ra đập bỏ, xé tan. Có những sự mất mát tận gốc rễ tâm hồn như cái chết của chiếc
phong cầm sau ngày lửa cháy. Và tôi lờ mờ hiểu rằng, ở chế độ nào đi nữa, con
người cũng có thể hại nhau…Như việc bố tôi phải từ giã gia đình đi Quảng Trị.
Cái mà chúng ta phải xây dựng là một nơi chốn cho chúng ta cơ hội để đi tìm sự
công bằng tương đối….
Mười hai năm sau, 1975, tất cả những điều mà tôi nhận thấy
ngày lên sáu tôi vừa liệt kê cho độc giả trên đây đã xẩy ra, lập lại. Như cái cộng
nghiệp của một nơi chốn, một đám đông. Cái định mệnh của tôi. Một cá nhân nhỏ
bé bị cuốn trôi vào dòng lịch sử.
Tôi hiểu thấu đáo. Hiểu nhiều quá đến nỗi mắt tôi ướt và tôi
nhói ở tim. Chúng tôi, tất cả chúng ta, cũng như cái phong cầm. Trôi nổi theo
bàn tay bố tôi rồi chôn thân ở nhà chú M. theo lửa cháy. Người Mĩ nói là, “be
in the wrong place, at the wrong time.” Chiếc phong cầm nằm sai chỗ, ở sai lúc.
Đôi khi tôi phân vân tự hỏi, nếu tôi không là người Việt sinh trưởng ở miền
Nam, và nếu tôi không là một trong mấy trăm ngàn người Việt di tản đầu tiên đến
Mĩ, thì định mệnh của tôi thế nào? Như chiếc phong cầm, tôi là kẻ sinh sai chỗ,
ở sai nơi, hay là người may mắn, ở đúng chỗ, nằm đúng nơi?
Tất cả, trong vòng quay của lịch sử, chỉ là tương đối.
*
Khoảng một tháng trước ngày Saigon sụp đổ, chú M. chạy ở Huế vào, có ghé thăm bố
mẹ tôi nhưng ông bà không có nhà. Chú cháu tôi nấu ăn với nhau rất vui vẻ. Có
ngờ đó là lúc chia tay.
Sau khi sang Mĩ, bố tôi vẫn nhắc người bạn cũ. Ông rất ân hận
đã không gặp được chú M. trước khi di tản. Bao nhiêu năm ở Mĩ, thỉnh thoảng
trong bữa ăn, bố tôi vẫn nhắc đến chú M. Ông không hề nhắc tới chiếc phong cầm.
Đến năm 1995 thì có tin chú M. qua Mĩ, sau khi đã đi tù cải
tạo rồi lập lại cuộc đời. Chú ghé thăm bố mẹ tôi ở Texas, tôi không gặp vì tôi ở
xa. Mẹ tôi bảo lúc nào chú cũng tự tin, yêu đời, ở hoàn cảnh nào cũng có thể
thành công hết.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa gặp lại chú. Không biết
chú có nhớ chuyện chiếc phong cầm của bố tôi?
Bây giờ, trong những tháng ngày về già, sắp từ giã nghề dạy
học để về hưu, bố tôi có lẽ không có những người bạn như chú M. nữa.
Ông hay nhắc tới những người học trò cũ trường Trần Quý Cáp. Chắc đó là một khoảng
đời đẹp trong nghề dạy học của bố tôi.
Trong những ngày đã rời Goldman Sachs, có lần tôi mang bố mẹ
đi mua sắm. Gặp một thương gia chủ cửa hàng cũng là học trò cũ của bố tôi ở quận
học chánh Houston. Vị thương gia tay bắt mặt mừng, bảo rằng khách thường thì lấy
giá X., khách đặc biệt sẽ giảm giá tối đa, giá Z. Còn thầy học thì bớt 10 phần
trăm, tức là giá Y, giá “ở giữa.” Vì bố tôi là thầy dạy, ông được hưởng giá giảm
hạng vừa, hạng “ở giữa.”
Một lần khác nằm trên ghế dài, tôi thấy bố tôi ở trên lầu đi
đọc cuốn sách của một nhà văn Việt Nam, ông P.X.Đ., sách viết về Hà Nội. Tôi nhắc
đến tên ông. Mắt bố tôi sáng lên: “Anh ấy cũng đi tù cải tạo nhiều năm như chú
M. đấỵ.” Tôi thắc mắc mãi về câu bố tôi nói, và ánh mắt sáng của ông. Tại sao mắt
bố tôi không sáng lên khi gặp người thương gia Mi~ giàu sụ vì nghĩ đến thầy mà
bớt giá 10 phần trăm? Tại sao ánh mắt ấy chỉ sáng lên khi nhắc tới tên một nhà
văn Việt Nam? Chẳng lẽ bố tôi hẹp hòi chỉ thương học trò người Việt mà không
thương học trò người Mi~? Cũng như tại sao bố tôi chán việc dạy học ở Mi~, mà vẫn
làm giáo sư gương mẫu, không bỏ lớp, không trễ nải bao giờ? Ông vẫn cắm cúi soạn
bài, tô kẻ chữ làm bảng hiệu cho lũ học sinh non dại. Nói theo kiểu đùa của em
gái tôi, bố tôi chăm chỉ vì sợ bị Mi~ nó cười (hay so. mất việc!) Sự việc không
thể giản dị như thế. Tôi thắc mắc mà không nghĩ ra được câu trả lời, bên tai vẫn
nghe văng vẳng tiếng phong cầm của bố tôi.
Chao ơi! Tiếng phong cầm của bố tôi!
Tháng ba năm 1996, ông tôi mất. Cụ Tổng Nho Sơn Tây đã nằm
xuống. Trước mặt con cháu, bố tôi khóc cha mà than mình không làm được gì cho đất
nước.
Theo lời bố tôi, ông nội tôi đã làm đường gạch cho làng
trong thời kỳ ông làm việc xã. Nhìn bố tôi đứng khóc cha, tôi rùng mình nghĩ đến
một ngày nào đó, tôi cũng phải khóc cha mẹ như bố tôi đã khóc thương ông tôi.
Tôi tự thôi thúc, giục giã, và biết mình phải làm gì ngay bây giờ.
Việc đầu tiên, tôi sẽ đi mua tặng bố tôi một chiếc phong cầm,
cho dù ông không còn tha thiết với đàn, và bố con tôi không còn nói chuyện với
nhau qua tiếng đàn như hồi tôi còn thơ ấụ.
Việc thứ nhì, tôi sẽ tìm mua cho được cuốn Quốc Văn Giáo
Khoa Thư. Tôi sẽ chậm rãi mà đọc. Tôi đã khước từ nghề giáọ. Để giờ phút này,
tôi hiểu rõ và tự quay về với bản chất của mình. Tôi với bố tôi trong căn bản
như nhạu. Dù muốn hay không muốn, tôi vẫn là sản phẩm của quốc văn giáo khoa thự.
Mà đã là quốc văn giáo khoa thư thì tôi không thể là Goldman Sachs.
Việc thứ ba, tôi ngồi xuống trước máy vi tính. Và tôi bắt đầu
viết. Không xây được đường làng, tôi xin xây lòng nhân ái con người qua lời tôi
viết. Tôi trí mọn tài hèn nhưng muốn những lời tôi viết làm cho độc giả tôi ngậm
ngùi đủ mà nhỏ nước mắt cho nhau. Khi có giọt nước mắt thật sự, là có lòng
thương mà có lòng thương là hết khoảng cách. Khi tôi cầm bút mà nhỏ nước mắt,
giữa tôi với độc giả sẽ không cón khoảng cách.
Có lần được đồng bào tôi mời diễn thuyết, tôi đã từng lộng
ngôn trước mặt đám đông. Tôi tuyên bố rằng thế hệ di dân của tôi giống như những
con người cá, nửa người nửa cá. Nghĩ lại, tôi thấy mình rởm ơi là rởm. Chẳng có
vật thể nào gọi là người cá. Đó là sự tưởng tượng của những người thủy thủ lênh
đênh trên biển cả. Khi mất đầu cá, mọc lên đầu người là có sự mất mát. Khi đôi
chân người biến mất đổi dạng thành đuôi cá là có sự mất mát. Phải có sự mất
mát, mới nảy mầm cái mới, cho dù cái mới đôi khi chẳng giống ai. Ông tôi nằm xuống,
đó là sự mất mát phải có, và thế hệ sau của chúng tôi lớn lên.
Cho nên tôi đang viết về sự mất mát. Sự thay đổi làm tê tái
phần hồn. Đó là đời sống. Sau ba mươi tư năm, tôi hiểu được sự mất mát trong đời
bố tôi.
Và tôi cũng xin các diễn giả đừng đãi bôi về cái gọi là khoảng
cách thế hệ. Người Việt già và người Việt trẻ cứ chưởi bới nhau. Rồi đổ vào khoảng
cách thế hệ.
Cho nên tôi viết về chiếc phong cầm của bố tôi. Một vật vô
tri bị lôi cuốn vào dòng lịch sử. Sau ba mươi tư năm tôi hiểu được sự mất mát
trong đời bố tôi, và vì mẹ tôi theo ông như một cái bóng, cho nên khi ông mất
mát thì mẹ tôi chịu đựng. Khi tôi thương yêu bố mẹ, thì chẳng có vấn đề khoảng
cách thế hệ khỉ khô gì nữa.
Tôi xin thanh minh với độc giả. Những lời tôi kể đây không
phải là lời viết về bố tôi. Vì bố tôi chỉ là một con người, có cái yếu, có cái
mạnh, một người đàn ông đào tạo bởi văn hóa và thời đại của mình, với tất cả
nghi hoặc, đam mê, sâu xé của một kiếp người, như ông đã viết về con lừa kéo gỗ,
về cuộc đập phá khi nghệ sĩ và môi trường cấu xé lẫn nhau. Nếu tôi viết về bố
tôi, tôi phải viết về một con người, với đủ bề mặt tốt xấu của người đó.
Tôi cũng không muốn như Maxine Hong Kingston, khi viết xong
cuốn tiểu thuyết là gia đình và cộng đồng từ bỏ. Cái giá của sự thật khi cầm
bút có lúc nặng hơn cái chết. Và đi tìm sự thật là một trọng trách khó khăn hơn
đi làm lịch sử. (Cái đau khổ của con người trước Thượng đế là đôi khi kẻ vụ lợi,
xu thời, đồ tể, buôn thịt, bán xương, đều có thể làm thành lịch sử).
Tôi không có khả năng hay tham vọng bưng vác trọng trách đi
tìm sự thật bằng ngòi viết. Tôi chỉ xin viết về một vật thể vô tri, tượng trưng
cho cái đẹp, nếu không có bàn tay nghệ sĩ, chỉ nằm yên như một đồ vật trang sức.
Nhưng khi lửa cháy ngùn ngụt, thì vật vô tri cũng quay cuồng theo định mệnh như
con người. Để giết một tổng thống, chiếc phong cầm vô tên tuổi, vô tội vạ, phi
chính trị của bố tôi cũng bị giết theo chỉ vì nó nằm không đúng chỗ. Tôi chỉ
xin viết về cách tôi nhìn vật thể đó.
Tôi viết cho ai, hay viết cho mình, điều đó không quan hệ.
Điều ao ước của tôi là ngòi bút của mình luôn luôn đi theo vẻ đẹp và vẻ sáng
trong cuộc đời ảm đạm của kiếp lưu đày. Cái trắng trợn văng tục của realism,
tôi xin nhường cho những người viết văn tục tĩu và dữ tợn. Sự tàn bạo của họ
làm tôi kinh ngạc và kinh sợ. Trên cuộc hành trình văn chương họ đi từ điểm A tới
điểm B bằng ngôn ngữ rổn rang cay độc, bằng sự phá sản tâm linh, và. đối vói những
kẻ viết khơi khơi vào tình dục chỉ để mà viết cho có tiếng vang, họ dùng cả
ngay thân xác phụ nữ như một công cụ câu khách hoặc để làm dáng như thể mình
đang làm cách mạng choo nữ quyền, một cuộc cách mạng mà phụ nữ Tây Phương đã
làm trước, đã làm cũ, đã làm trâng tráo, và đã làm thất bại và thoái hoá!
Thật tình tôi không có tham vọng đi từ điểm A tới điểm B cái
kiểu như vậy, qua trò chơi kiểu cách văn chương. Đồng thời tôi không tin tâm
linh có thể phá sản, ngay cả trong ngục tù, cuồng tín, và đói rách. Vì tôi là kẻ
hay mơ, tôi tin rằng cái đẹp và vẻ sáng sẽ thay Thượng đế bảo vệ con người. Và
tôi cũng không muốn đi đến một nơi chốn nào bằng cái vòng xe đặt trên điển hình
xác thân phụ nữ, hay đem cái nhục nhã, hèn mạt của phận người ra làm dụng cụ
văn chương.
Tôi viết, vì tôi muốn đi tìm lại cho chính tôi (và cho bố mẹ
tôi, những nhà giáo tị nạn dạy văn chương) hình ảnh Chim Hót Trong Lồng, Những
Vì Sao Của Diệu, Mối Tình Chân, Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Con Sáo Của Em Tôi,
vân vân. Những cái đẹp đã mất của một thời đã qua sẽ chìm vào quên lãng.
Tôi viết vì sau khi đã đi nửa cuộc đời, tôi mới biết mình
không phải là linh hồn Goldman Sachs (*).
Tôi cũng chẳng có hân hạnh mang linh hồn Karl Marx, Engels,
hay của bất cứ một danh nhân nào Tôi chỉ hy vọng mình là một chút gì sót lại của
linh hồn văn hóa giáo khoa thư. Tôi sinh ra là Trần Thị Như Hội An, đổi thành
Trần Thị Như Hoài An vì bà mẹ nhân từ nhưng mê tín của tôi không muốn con gái
mang vào người sự đau khổ vì cái tên có dấu, tôi con gái đầu lòng nhà giáo
Trần Quốc Ngữ, và cháu nội cụ Tổng Làng Bún Trần Quốc Nho. Tôi là một người
đàn bà vì định mệnh mà nói tiếng Việt chen tiếng Tây Parisien, tiếng Mỹ vùng
MidWest (như độc giả đã thấy ở đây), đứa con gái nhậy cảm của một nhà giáo vô
danh gốc gác làm ruộng, đã từng là chủ nhân một chiếc phong cầm xấu số cũng vô
danh nốt.
Tôi viết, vì tôi mãi mãi nhung nhớ, và muốn giữ mãi trong
lòng, vẻ đẹp và vẻ sáng, từ chiếc phong cầm của bố tôi.
Ghi chú:
(*) Goldman Sachs là tên một cơ quan kinh tài thị trường chứng khoán lớn ở Mỹ.
(*) Goldman Sachs là tên một cơ quan kinh tài thị trường chứng khoán lớn ở Mỹ.
Dương Như Nguyện