Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt,
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
*Phạm Hữu Quang
1.
Hồi tôi 11 – 12 tuổi, tức khoảng các năm1960 – 61, ba mẹ tôi ngụ ở quãng giữa
đường Trần Quang Khải, khu Tân Định, thời đó vẫn thuộc quận Nhứt, đô thành Sài
Gòn. Hằng ngày, ngoài việc đi học ở trường Les Lauriers bên đường Đinh Công
Tráng, thỉnh thoảng tôi hay rong chơi loanh quanh các khu phố gần nhà. Tôi
thường đi với vài đứa hàng xóm, có khi có cả Dũng, đứa em trai kế của tôi.
Tất nhiên, ở lứa tuổi thiếu niên của bất cứ thời đại nào, dù đi một mình hay đi
với người cùng lứa, đứa trẻ nào cũng thường thích rong chơi theo ý riêng của
mình hay do gợi ý của anh em, bè bạn, mà điều này thì khộng phải lúc nào cũng
được cha mẹ tán thành và cho phép. Trường hợp quá đáng, trẻ sẽ bị khép vào lỗi
hoang đàng, ham rong chơi. Riêng mẹ tôi, gốc người Nha Trang thì nói giọng địa
phương là “quang”, thay vì “hoang”. Có lần bà nói:“Thằng con bà Ba quang lắm,
dám một mình đạp xe ra tới xa lộ Biên Hòa…”. Mẹ tôi có biết đâu, tôi – thằng
con lớn của mẹ, dù khi ấy chưa được ba mẹ sắm cho xe đạp, đi chơi theo ý riêng
thì toàn lết bộ nhưng tôi cũng đã một lần lén đi bộ cả hơn 2 cây số mới ra đến
cầu Phan Thanh Giản, Dakao, tức đầu xa lộ Biên Hòa, lúc nghe tin cái đại lộ lớn
nhất Sài Gòn thời đó khánh thành (năm 1961).
Thật ưu ái cho bọn trẻ ham rong chơi bọn tôi, thời đó khu Tân Định – Dakao ngẫu
nhiên có rất nhiều địa điểm đến chơi thì rất thú vị.
Đầu tiên là các rạp chiếu bóng, như bên Tân Định có rạp Kinh Thành ở đường Hai
Bà Trưng, rạp Moderne ở đường Trần Văn Thạch (hồi đó rạp Văn Hoa chưa cất xong
bên đường Trần Quang Khải); còn dưới Dakao có rạp Casino Dakao và rạp Asam cùng
ở đường Đinh Tiên Hoàng. Không có tiền mua vé vào xem phim hay gặp phim xem rồi
thì bọn tôi lân la ngắm ảnh các ngôi sao màn bạc treo trên tường hay các tấm
pa-nô, bích chương quảng cáo các phim đang chiếu, sắp chiếu. Cũng có khi, gặp
ngay lúc xuất chiếu sắp vãng, nhân viên rạp thường chịu chơi vén hoác màn sang
bên cho ai nấy tha hồ chạy vô xem chùa đọan kết phim…
Cũng rất gây tò mò là các ngôi đình, cảnh chùa. Sát bên nhà tôi là đình Nghĩa
Hòa, đặc biệt trong đình có gánh hát bội Công Thành Ban ăn tập tại chỗ và y
trang nghèo nàn nhưng diễn tuồng Hồ Quảng rất hay; kế là đình Sơn Trà ở đường
Nguyễn Phi Khanh, và đình Nam Chơn cùng ở đường Trần Quang Khải, đình Hòa Mỹ ở
đường Trương Hán Siêu (cắt ngang chợ Dakao), đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo (đúng
hơn phải gọi là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) ở đường Hiền Vương và chùa Ngọc
Hoàng ở đường Phạm Đăng Hưng.
Đã là con nít, tụi tôi rủ nhau đến các đền, chùa tôn nghiêm tất nhiên không
phải để thắp nhang lạy Phật, lạy thần gì cả mà chỉ nhằm, hể gặp dịp lễ vía thì
được coi ké hát bội và cảnh tế “học trò lễ”, còn ngày thường thì rờ rẩm các
tượng Ông Cọp, Ông Thiện, Ông Ác…, riêng ở chùa Ngọc Hoàng thì tìm cách cho mấy
con rùa nuôi ở hồ nước ăn lá cây hay hoa sứ.
Sau cùng, tụi tôi cũng thích mò vào khu Đất Thánh Tây và khu Đất Thánh Chà nằm
đối diện nhau ở quãng đầu đường Hiền Vương. Cảnh trí mồ mã ở hai nơi này nhất
định là vắng vẻ, tịch mịch, buồn hơn cả sân chùa, nhưng cứ coi như đây là những
công viên cây xanh gần nhà bọn tôi nhất, nơi sẵn sàng cung cấp thật nhiều bóng
râm và những mặt đá cẩm thạch mát rượi để nằm chơi, ngó mông lung lên trời
xanh.
Ngày đó, có thể gọi tụi nhỏ rong chơi này là bọn vô-sản-chân-chính, bởi trong
hầu hết các buổi rong chơi, chẳng đứa nào có đồng bạc nào trong túi, có khát
nước khô cả họng thì cũng chẳng tiền đâu mà mua nước mía, nước sâm, nên cả bọn
tìm cách giải khát miễn phí là ghé miệng vào các vòi nước công cộng trong các
chợ hay ở phông-tên nước công cộng duy nhất thời đó đặt ở gần ngã tư Trần Quang
Khải – Đinh Tiên Hoàng cho người dân gánh nước xài. Còn các mâm trà tiếp khách
trong các đình, chùa thì tụi “khách” thiếu niên không hề dám hỗn mà rớ vào. Họa
hiếm là khi đứa nào cũng có được vài đồng thì tụi tôi kéo nhau đi nhấm nháp
những món đồ lạnh, đổ chua cay thật khoái khẩu ở hãng kem Vi Bổn gần chợ Dakao,
tiệm thạch chè Hiển Khánh sát bên rạp xi nê Casino Dakao hay xe gỏi đu đủ –
thịt bò khô gần cổng trường tôi học ở ngã ba Đinh Công Tráng – Lý Trần Quán.
2.
Đến tuổi trưởng thành, tôi mới biết cái kiểu bọn trẻ tụi tôi đi chơi rong gần
gần nhà, kiểu muốn đi là đi, cảm thấy thích là rủ nhau đi, không cần chuẩn bị
gì trước… nhiều người – nhất là giới văn nghệ, viết lách – có thể gọi vui là
“giang hồ vặt”, có điều là “giang hồ vặt” đúng nghĩa thì mức độ tùy hứng cao
hơn nhiều, cũng như đã là người trưởng thành mà có máu thích “giang hồ vặt’ thì
thì hiếm ai ngại những chuyến đi đi dài ngày và đi xa nhà, cũng chẳng sợ phải
lên non xuống biển, lặn lội chốn đất khách, quê người.
Tuy nhiên, hồi đó dù chỉ là bọn trẻ ham vui, tập sự “giang hồ vặt”, rong chơi
gần gần nhà với điều kiện phòng thân sơ sài, bọn tôi đã từng gặp phải chuyện
không hay ngoài đường phố, tất nhiên lúc đó không có cha mẹ, người lớn nào bên
cạnh.
Như có một buổi chiều, tôi và em Dũng mò vô đất Thánh Tây chơi, lúc quay về đến
đường Hiền Vương thì trời đổ mưa lớn bèn chạy vào đục ở mái hiên trường mẫu
giáo Michelet. Hai anh em ướt sủng và lạnh run, em Dũng còn bị trượt chân ở một
bậc xi măng ngã nhoài đến chợt da bàn chân, đổ máu nên khóc mếu máo. Mưa lớn,
sấm chớp đùng đùng, trời tối rất nhanh, anh em tôi bối rối cùng cực, nhưng cái
đáng sợ nhất lại chính là … nỗi sợ hãi đủ thứ chuyện, sợ đến quên cả chuyện hai
đứa đang vừa đói vừa khát. Một là sợ bị ba mẹ phạt cái tội đi không kịp về nhà
trước sẩm tối, hai là sợ phải đến tạnh mưa mới có thể chạy được về nhà thì như
thế cũng sẽ rất trễ, chắc chắn sẽ bị đòn nhiều hơn, và ba thì chắc là nặng tội
hơn hết: vết thương chảy máu ở chân em Dũng, chắc chắn sẽ khiến thằng anh là
tôi mắc thêm tôi dắt em đi hoang, để nó té…
Mãi đến ngày nay, tuổi đã “thất thập cổ lai hi”, trí nhớ mỏi mòn nhưng tôi vẫn
nhớ như in nỗi sợ kinh khủng của mình thời niên thiếu ấy.
Trong cơn mưa tai kiếp ngày ấy, cậu nhỏ 12 tuổi tôi đây đã khổ sở cảm nhận sao
cuộc sống quá khó sống đến thế. Tôi đã quá chán nãn, tự nhũ một là sẽ không bao
giờ đi chơi đâu nữa, hay ít ra có đi cũng không dắt thằng em theo, phiền quá;
hai là tôi đã chợt thấy nhà mình ở quả là một nơi chốn quý giá hết sức, vì ở đó
bình an nhất, vừa ấm áp vừa khô ráo, không có mưa gió lạnh lẽo, ướt át, không
có tại nạn té ngã đổ máu. Cái đầu óc thơ ngây của tôi còn nghiệm ra một điều
nữa đã khiến cái nhà mình ở bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong
cuộc sống, đúng là nơi chốn tốt đẹp nhất trên đời – đó là: nhà mình ở luôn là
nơi bảo đảm cho mình được ăn được uống, khỏi bị những cơn đói khát hành hạ. Thì
ở cái tuổi đang lớn háo ăn khi ấy, cứ chiều xuống là tôi luôn đói bụng rất sớm
trước giờ ăn tối.
3.
Thời đó, có vài dịp khác nữa giúp tôi sớm hiểu ý nghĩa của mái ấm gia đình. Như
hồi mùa Tết tôi được 12 tuổi, vào sáng mùng 2 , như thường lệ mẹ tôi cho phép
chị nấu bếp được nghỉ để về nhà ăn tết và quay lại làm việc vào mùng 4 hay mùng
6 tùy năm. Trước Tết chị bếp có kể sơ cho ba mẹ và anh em tôi nghe về căn nhà
của gia đình chị nằm ở một con đường rất đông người Hoa trong vùng Chợ Lớn,.
Chị mô tả ngày Tết chỗ này rất vui vì có múa lân xập xình cả ngày và các hàng
đồ ăn uống, bánh trái – nhất là xe hủ tíu – cùng các sòng bầu cua cá cọp hoạt
động tới khuya luôn. Riêng ở nhà chị thì anh chị em, bà con về nhà chơi Tết,
mừng tuổi ba má chị rất đông. Chị bếp đã cười, nói với tôi “Nè, cậu hai có muốn
theo về nhà chị cho biết tết trong Chợ Lớn của người Tàu vui cỡ nào hôn? Một
bữa thôi mà. Cậu ngủ lại đêm mùng 2 rồi sáng mùng ba chị đón xe cho cậu về nhà
thì vẫn còn Tết chớ. Nếu chịu thì xin phép ông bà chủ đi, chị dẫn câu đi”. Kết
quả là mẹ tôi chuyển ý kiến từ “không”sang “có” khi nghe nhận xét phóng khoáng
của bố tôi, rằng “Đúng là từ trước tới nay vợ chồng mình chưa hề dẫn các con vô
cho biết Chợ Lớn lần nào. Thôi thằng Hòa cũng hơi lớn rồi, cho nó lần này đi
chơi Tết một mình, xa nhà 1 ngày 1 đêm xem sao. Để nó đi một đàng học một sàng
khôn mà em!”. Mẹ tôi cho tôi thêm một ít tiền để “muốn ăn gì ăn” đồng thời dặn
tôi rất kỹ rằng phải lễ phép chào hỏi người lớn, khi ai đó cho lì xì thì nói
“cám ơn” thôi, không được nhận và không được đem tiền đánh bầu cua.
Vậy là mùa Tết năm 12 tuổi, do quá tò mò đối với vùng Chợ Lớn, tôi đã làm
chuyến rong chơi, gần như giang hồ vặt đầu tiên đời mình, dám tìm đến một nơi
chốn hoàn toàn xa lạ với mình. Khoảng 9 giờ sáng mùng 2, xe xích lô máy vừa
chạy đến gần khu phố nhà chị bếp thì đã nghe vang lên tiếng trống và thanh la
múa lân chụp chụp cheng cheng rộn rang, đường phố thì đang rất đông người dạo
chơi, buôn bán, ăn uống, xả rác. Bước vào nhà, chào hỏi người lớn vừa xong là
tôi bị người này người nọ gợi ý, thậm chí là ép ăn, uống đủ thứ món ngày Tết.
Sau một đỗi ngồi nhìn gia đình nhà này gầy một sòng bài nhỏ, ồn ào chơi bài
cào, bài phé gì đó, tôi xin phép bước ra đường dạo chơi một lát. Tôi được đi
một mình, do chị bếp muốn dẫn tôi đi nhưng vừa lúc có mấy đứa em của chị đến
chúc Tết. Chị phải ngồi lại để tiếp khách nhưng cố gắng dặn tôi không nên quá
xa khu phố trước mặt nhà, đồng thời hễ đói (?) thì đã có sẵn mâm cơm cùng bánh
trái ở nhà dưới, cứ một mình thoải mái giở lồng bàn ra lấy ăn thoải mái, còn hể
buồn ngủ thì đã có cái ghế bố trải ra sẵn ở gian phòng sau.
Đường phố Chợ Lớn ngày Tết thật vui vẻ, náo nhiệt. Nhiều nhà người ta chỉ mở hé
cửa do vẫn còn nghỉ buôn bán, làm ăn nhưng ngoài đường thì đông nghẹt người và
xe cộ, đồng thời trong nhà gia đình chị bếp cũng đang rất vui nhộn vì đông
người và nhiều trò vui chơi. Nhưng tôi lại cảm thấy rõ ràng là dù ngoại cảnh
xung quanh mình vui nhộn như thế và dù mình đang có tiền đầy trong túi, muốn ăn
uống thứ gì cũng có, mình vẫn đang không hạnh phúc, trái lại còn bị rơi vào một
nỗi cô đơn, cô độc rất to tát và sâu đậm.
Buồn quá, tôi tưởng tưởng giờ này ba mẹ ở nhà đang dọn ra bữa cơm mùng 2 Tết vô
cùng thịnh soạn, đặc biệt có hai món tôi vô cùng ưa thích, vào ngày thường chỉ
có trong các đám giỗ, đó là giò heo hầm măng khô và thịt đông ăn với dưa cải
chua, và hể ngồi vào bàn là y như rằng mẹ tôi sẽ âu yếm múc ngay vào chén tôi
cái móng heo nhiều gân sụn, cũng vốn là món hảo lâu nay của tôi. Hình ảnh bữa
cơm gia đình ngon lành, ngọt ngào thương yêu như tôi mới tưởng tượng đã giục
tôi sớm lên tiếng báo với chị bếp là muốn được quay về nhà ngay sau bữa cơm
trưa.
Vừa ngạc nhiên vừa thất vọng về kết quả ít ỏi, nghèo nàn của cái gọi là “Tết
người Tàu trong Chợ Lớn” đối với cậu nhóc mà mới hôm qua đã tỏ ra rất háo hức
được “vô Chợ Lớn”, chị bếp đành gọi một chú xích lô máy quen, hàng xóm của gia
đình. Người phụ nữ tốt bụng đã dặn chú xích lô máy rất kỹ càng, chi tiết về vị
trí nhà ba má tôi trên đường Trần Quang Khải, quận 1, cũng như khẳng định tiền
xe do chị trả sau, chú chạy xe khỏi nhận từ ba má tôi.
Vâng, nếu chuyện “giang hồ vặt” thường được người ta quyết định thật nhanh
chóng, tùy hứng – cảm thấy thích là lao vào, không thích nữa là dạt ra, không
chút do dự, cân nhắc gì – thì vào năm 12 tuổi, tôi đã rất hồn nhiên, thơ ngây,
nặng trỉu cảm tính khi bắt đầu và kết thúc đều thật chóng vánh chuyến đi có thể
tạm gọi là “giang hồ vặt” đầu tiên của đời mình.
Phạm Nga
Tháng 5-2018