24 July 2018

‘HẬU’ WORLD CUP NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA - Bùi Văn Phú


Mùa bóng đá World Cup đã kết thúc, với chức vô địch (quán quân) về tay Pháp, sau khi thắng Croatia 4-2 trong trận chung kết hôm Chủ Nhật 15/7 trên sân vận động Luzhniki, Nga Sô.

Sáng hôm đó tôi xem trực tuyến (trực tiếp truyền hình) trận đấu qua màn hình lớn, cùng với nhiều nghìn khán giả tại sân cỏ trước toà thị chính San Francisco.


H01: Cổ động viên cho đội Pháp xem trận chung kết ở San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Một trận đá bóng theo tôi là hết sức hồi hộp, có thể là gay cấn nhất của World Cup năm nay, vì mỗi hiệp có ba trái sút vào gôn (khung thành, lưới), trái đầu tiên vào phút thứ 18. Các cầu thủ (vận động viên) của đội Pháp cũng như đội Croatia giao banh (bóng) rất đẹp.

Kết quả Pháp đoạt cúp (giải) vô địch. Tôi bắt đội Croatia nên thua cá cược. Nghe tin nhiều người Việt ở San Jose kỳ này thắng lớn vì theo đội Pháp.

Trong bài viết trước, đăng trên VOA Tiếng Việt (Bóng đá, nước Mỹ và kỷ niệm, 13/7/2018 https://www.voatiengviet.com/a/nga-world-cup-croatia-phap/4481364.html), tôi có ôn lại ít nhiều kỷ niệm về bóng đá và tiên đoán đội Croatia sẽ thắng Pháp 2-1, nếu thua tôi sẽ ra cầu Golden Gate tham quan và hóng gió.

Xong trận chung kết mới 10 giờ sáng ở San Francisco. Trời mây mù, hơi lạnh. Không ra cầu Golden Gate hóng gió vì ngoài đó hôm nay có tuần hành liên quan đến phòng chống SIDA nên lo ngại tắc đường (kẹt xe), tôi thả bộ theo đường Larkin, đi ăn phở ở Little Saigon cho ấm bụng.

Bài viết về Giải Túc cầu Thế giới của tôi hôm 13/7 nhận được một số ý kiến bạn đọc về quan điểm và về cách dùng từ ngữ.

Độc giả có tên Vô Thường gửi lời bình: “Nói nhiều nhưng cuối cùng vẫn là sự đố kỵ ghen ghét hạ cấp !!! Croatia mà thắng Pháp? Hố hố…”

Tôi không hiểu bạn này nghĩ gì và vì sao lại có lời bình như thế. Chẳng hiểu sự đố kỵ ghen ghét hạ cấp đó từ đâu trong bài.

Một vài bạn bình luận về cách dùng từ trong bài viết. Bạn đọc có tên Tin Cao Ly đưa ý kiến: “Voa viết cho đúng, giải bóng đá thế giới, dẹp kiểu viết ‘túc cầu’ đi!”
Còn bạn Nguyen Van Duc nhận xét: “Danh từ ‘banh’ nghe nó buồn cười nhỉ.”

 
H02: Sân cỏ trước toà thị chính San Francisco khi đội Croatia gỡ huề 1-1 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi viết bài về World Cup, hay nói chung khi viết bài, tôi thường đắn đo cách dùng từ (chữ), vì tôi được học hành dưới mái trường Việt Nam Cộng hòa, trưởng thành ở hải ngoại và hay đọc báo quê nhà trong mấy thập niên (thập kỷ) qua.

Viết bài xong, đọc lại nhiều lần để biên tập, tôi chọn sử dụng các từ ngữ mà theo mạch văn đọc lên thấy xuôi tai. Ít nhất là với tôi.

Thí dụ như gọi là “Giải Túc cầu Thế giới” hay “Giải Bóng đá Thế giới”, theo tôi cả hai đều nghe được. Không phải như chọn lựa giữa “trực thăng” và “máy bay lên thẳng” hay “Thuỷ quân Lục chiến” và “Lính Thuỷ đánh bộ”, vì trong những trường hợp này tôi sẽ chọn cách dùng từ hán việt.

Còn “bóng” hay “banh”? Người miền Nam gọi “trái bóng” là “trái banh” vì  thế “đá bóng” hay “đá banh” tôi nghe rất thường, vì đã quen. Nhưng khi chuyển qua môn thể thao “bóng đá” – là ngôn ngữ của miền Bắc đưa vào miền Nam sau ngày thống nhất đất nước – thì lại không nghe môn “banh đá”, kể ra cũng là lạ trong ngôn ngữ. Có thể vì gọi “banh đá” không nghe quen tai thôi, chứ nói về cấu trúc ngôn ngữ không có gì sai.

Cũng như “mang dớ” nói theo người Nam, còn “mang tất” là cách nói của người Bắc. Còn nhiều thứ nữa trong ngôn ngữ như lợn/heo, béo/mập, gầy/ốm v.v…

Ở Việt Nam ngày nay không ai gọi “Giải Túc cầu Thế giới”. “Giải Bóng đá Thế giới” cũng ít được nhắc đến mà dùng thẳng cụm từ “World Cup”.

Thực ra khối nói tiếng Anh trên thế giới có rất ít quốc gia được vào vòng sau của giải World Cup mà đa số là các nước Nam Mỹ hay châu Âu. Các nước nói tiếng Anh ít khi đoạt chức quán quân World Cup.

Trước đây có bạn nói với tôi rằng cụm từ (nhóm chữ) World Cup không được dùng ở Việt Nam trước thời đổi mới 1986, mà gọi là “Giải Phi Pha” (FIFA), ngôn ngữ kiểu gọi Bờ Cờ Lờ Mờ mà dân chúng mới đây được nghe lãnh đạo phát ra.

Sau thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu thì Việt Nam lại dùng từ “World Cup”, chứ không dùng cụm từ tiếng Pháp “Coupe Mondiale”. Pháp thực dân, Mỹ đế quốc thì ai tàn ác hơn ai? Tiếng Hoa gọi thế nào tôi không biết? Có cụm từ “túc cầu” không? Tôi nghi có, vì đó là tiếng hán việt. Có lẽ vì thế mà một bạn đọc không thích tôi dùng từ này.

Về các môn thể thao, xem ra ngôn ngữ cũng có nhiều điều kỳ lạ. Bóng rổ thì có cái rổ để ném banh vào. Bóng chuyền để chỉ hành động của các lực sĩ (vận động viên) chuyền banh cho nhau. Bóng chầy (baseball của Mỹ), vận động viên hai tay cầm cái chầy thật to (baseball bat) để đánh banh (bóng) do một vận động viên trong đội đối thủ ném tới. Bóng bàn (ping pong) lại dùng sân chơi để mô tả môn thể thao này. Tennis là banh lông. Cầu lông là vũ cầu thời Việt Nam Cộng hòa.

Từ “Bóng tròn” được sử dụng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cùng với “túc cầu”. Ngày nay tôi thấy gọi bóng tròn không còn hợp lý nữa vì hầu hết các trái bóng thể thao đều hình tròn. Còn nếu cho rằng “túc cầu” là từ hán việt, không nên dùng nữa thì còn biết bao từ hán việt khác cần phải loại ra khỏi tiếng Việt.

Từ hai thập niên qua, mỗi mùa World Cup người Việt ở Mỹ cũng xôn xao bàn luận, đánh cá. Nhật báo Người Việt ở Quận Cam có tổ chức đoán đội nào đoạt cúp và tại phòng sinh hoạt của cơ sở truyền thông này đều có trực tuyến các trận đấu cho khách đến xem.

Năm 2010, tuyển tập World Cup do cơ sở Người Việt ấn hành còn dùng cụm từ “bóng tròn”. Năm nay đã chuyển qua dùng từ World Cup hay FIFA World Cup.

Bàn về chuyện có nên dùng từ hán việt hay ngôn ngữ thời Việt Nam Cộng hòa hay không là điều có thể gây tranh cãi và cũng có thể gây phản ứng vì quan điểm chính trị của người đọc. Nhưng có thể nào tránh dùng từ hán việt được không?

Thời sinh viên, tôi và mấy bạn lập ra Bút nhóm Ý Thức và có in một số ấn phẩm thơ văn, trong đó có cuốn “Hải ngoại huyết thư” của cụ Phan Bội Châu.

Một buổi tối, mấy anh em ngồi ở phòng ăn ký túc xá sinh hoạt, đọc thơ văn cho nhau nghe và có một anh sinh viên người Hồng Kông thấy vui, nghe gì đó quen quen nên ghé hỏi thăm. Tôi đọc một đoạn thơ của cụ Phan cho nghe và anh nói anh hiểu khá nhiều, vì có nhiều từ hán việt.

Trở lại với ngôn ngữ thể thao, môn “football” của Mỹ dịch ra tiếng Việt là bóng cà-na vì hình dạng trái bóng giống loại trái cây đó. Có người gọi vui là “bóng chổng mông” vì cách các vận động viên chuẩn bị tiến lên hay tấn công vào phía đối thủ đều chổng mông dàn trận.

Hồi mới qua Mỹ, tiếng Anh chưa biết gì nhiều, nên khi thực tập nói chuyện với người quen, được hỏi ở Việt Nam có “football” không thì tôi cũng đinh ninh là có, vì foot trong football là chân cẳng, mà mình cũng biết có môn túc cầu ở Việt Nam nên trả lời là có. Sau mới hiểu ra trong tiếng Anh, bóng đá gọi là “soccer”, còn football là một môn thể thao đặc trưng của nước Mỹ và mỗi năm có trận Super Bowl gây sôi nổi cả nước.
 

H03: Khán giả xem trận chung kết World Cup 2018 trước toà thị chính San Francisco sáng Chủ Nhật 15/7/2018 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi qua châu Phi dạy học, ở nước nói tiếng Pháp nên cụm từ football lại có nghĩa khác. Football đây chính là bóng đá của người Việt. Học sinh có hiểu biết sơ về thể thao Mỹ hỏi tôi vì sao football mà chỉ dùng chân để chạy, còn toàn dùng đầu húc nhau, dùng tay ôm banh rồi xô đẩy, vật đè đối thủ xuống đất. Vì thế bóng cà-na ở những nơi nói tiếng Pháp gọi là “football Americain”.

Hậu World Cup, lan man chuyện ngôn ngữ và thể thao cho vui. Và như những lần với bài đăng trên mạng BBC Tiếng Việt, tôi không hiểu vì sao ban biên tập thường ghi chú ở cuối bài:

“Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một bây bút tự do ở California, Hoa Kỳ.

Quan điểm đúng là của tôi. Đồng ý. Còn lối hành văn là kiểu miền Nam, miền Bắc, kiểu Việt Nam Cộng hòa hay xã hội chủ nghĩa. Văn phong kiểu Việt kiều hải ngoại, người Việt nước ngoài hay Việt kiều Mỹ? Có bạn đọc nào nhận ra không?

Bùi Văn Phú