14 July 2018

KHU - Hồ Đình Nghiêm



Thế kỷ trước, tướng lãnh Nguyễn Chánh Thi đọc diễn văn ân cần thăm hỏi, luôn dùng câu: “đồng bào trong khu tôi”. Ở Huế, nhiều người vẫn quen hiểu chữ khu, nghĩa của nó là mông là đít. Ví như: Ỉa xong chưa cu? Đưa khu cho mạ rửa. Hoặc: Con nớ mặt hoa da phấn mà riêng cái lỗ khu của hắn ngó đen thui! Đồng bào ở trong khu tôi, ai cũng hiểu là khu này chẳng mắc mớ chi tới khu nọ, nhưng nghe thế cũng không mấy thơm thảo gì!


Vậy thì chữ khu chớ nên đứng mình ên. Lôi thôi lắm! Nhưng khi khu cặp đôi với chữ khác, nghe cũng hơi bất an. Bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, có đoạn: “Người đi khu chiến thương người hậu phương, thương màu áo gởi ra sa trường…” Nhắc tới khu chiến thì tự động hình dung từ chết tới bị thương đếm không xuể. Rõ là bất ổn, vì chữ khu chiến nên mới phát sinh ra chữ hậu phương. Nếu hoà bình thì ai hơi đâu quỡn để định phận rạch ròi, “phân lô” ra từng khu vực.
Sau 1975 (vẫn chưa hoà bình) khi không lại cắc cớ lòi ra bốn chữ công an khu vực. Bất kể là khu nào, đồng bào sống trong khu đó thảy đều thắt thỏm sống chẳng an vui. Công an không rửa khu bà con, họ chăm chỉ rửa sinh mạng của những ai đăng ký hộ khẩu trong địa phận ấy. Đăng ký hộ khẩu? Miền Nam trước đây nào có mấy từ nghe chướng tai gai mắt kiểu này. Do ngọn gió lạ từ phương Bắc tràn xuống đấy thôi. Biết cơ man nào mà đếm xong, gây nhiễu sự. Sự cố, cự ly, tranh thủ, khẩn trương, hoành tráng, đột xuất… Thế mới biết ơn bác Bút Tre:


Chú về tác nghiệp bảo tàng
Cũng là sứ mạng cách màng giao cho.

Cứ tôn trọng cách gieo vần mà sáu tám quy định nhằm hoá giải bớt những tình huống rất “căng”. Hoặc căng quá thì giả ngây lạc sai cho êm một vấn nạn, nhại của Bùi Giáng:

Thu Ba ca ngợi Thu Bồn
Thu Bồn thích chí sờ khu Thu Ba.

Sao lại khu? Chữ khu nghe nó thuỳ mị, nhu mì hơn chữ l. nhỉ? Và cái đáng nói, khu đang là chữ rất hot, rất thời thượng, rất chảnh. Này nhé, hãy nghe Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội CSVN ví von: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của TQ tại các đặc khu? Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California có Little Saigon, ở đó toàn người Việt nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”
Ngoài đồng bào trong khu, tới chiến khu, tới khu vực thì bây giờ lại nghe thêm chữ đặc khu. Vị tiến sĩ nói thế vì bà con lo ngại việc đất Việt nhường cho TQ những đặc khu sử dụng tới những 99 năm. Con số này cũng lạ nhỉ? Tiếc gì mà chẳng cọng thêm 365 ngày cho tròn đầy “trăm năm trong cõi người ta… những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Trăm năm có dài không? Vừa rồi mấy bà nội cựu học sinh trường Đồng Khánh đã xôn xao từ bốn phương run rẩy về Huế họp bạn ở ngôi trường mất tên để ăn mừng kỷ niệm con số 100 trường tồn qua bao dâu bể. Có mệ nói: Mụ nội tui trước đây cũng học trường ni, rứa là đã ba đời rồi đó nờ! May mà mệ không thêm: Như một chớp mắt!
Trăm năm, e ánh sáng vẫn chưa ló dạng ở cuối đường hầm.

Bấy giờ hoa rụng cánh tàn
Âu nên hãnh diện cách màng duyên trao.


Nguyễn Đức Kiên

Cách mạng luôn sản sinh ra những ông bà tiến sĩ giấy. Vẫn là ông Nguyễn Đức Kiên, hết so sánh chuyện đặc khu đầy ấn tượng như trên, thì ổng lại cho ý kiến khi bộ GTVT biến từ “Trạm thu phí BOT” thành “Trạm thu giá”. Ông nói: “Luật đã quy định là “thu giá” thì gọi là “thu giá”, ví như ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H… là Cà, thì cái chuyện ấy nó không quan trọng, bởi vẫn là em”.
Có chắc không anh? Mai này em đang sống chuyển sang từ trần, em hưởng thọ 99 tuổi. Tang lễ diễn ra đình đám, đứa cháu nội em đọc diễn văn dài 99 phút trước linh cửu bằng tiếng Trung. Nói anh bỏ lỗi, cháu quên tiếng Việt mẹ nó rồi. Những bức xúc nó bày tỏ, anh có hiểu hay không thì mặc xác anh. Nó tha hồ tự do ngôn luận bởi nó biết mười mươi bà nội nó đang say giấc điệp, vịt nghe sấm cũng một nghĩa như nhau. Tổ cha cái thằng bất hiếu, ngày xưa chính tao đã song lưng rửa khu cho mi trong lúc mạ mi than: Nuôi đứa con ăn mòn cục cứt! Cứt lỏng không nói làm gì, đằng này mi bón, cứt đặc rặn từ đặc khu.
Thôi đừng bù lu bù loa, yên để tao thăng, từ thiên đường xhcn chẳng biết siêu thoát về đâu? Khi còn thở, đọc báo thấy hộ chiếu Việt Nam ngày nay mất giá trị thua cả passport anh Miên chị Lào. Khốn nạn thật! Vì đâu ra nông nỗi? Hở thằng lẻo mép nói tiếng nước lạ, mày có sợ môi hở răng lạnh không, hử con?

Hồ Đình Nghiêm