Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay (THT)
Ngày cuối cùng trước buổi hội luận “Chiến tranh Vietnam và hậu quả xã hội”
tại Đại Học Massachusetts, tôi đã ngõ ý với La Ronda, người nữ đồng nghiệp,
dành cho tôi nửa tiếng đồng hồ. Tôi kể đến buổi hội luận mà tôi sắp sửa có mặt
và tầm mức quan trọng của cuộc thuyết trình… Về phía những người đến từ trong
nước, họ đã có sẵn thông dịch viên. Còn chúng tôi phải tự một mình xoay sở bằng
môi miệng mình nhưng ngôn ngữ người. Đây là một danh dự, không phải cho riêng
cá nhân tôi, mà cho một tập thể.
La Ronda đồng ý. Cô viết tờ giấy với hàng chữ: “Room in conference, don’t
bother” và dán ngoài cửa phòng. Sau đó cô ngồi đối diện, nghiêm trang như một
cô giáo. Trên bàn là sổ tay, và cô cầm cây viết chì, sẵn sàng ghi note. Trong
kinh nghiệm nghề nghiệp tôi là người đi trước cô, nhưng bây giờ tôi là học trò
của cô. Thú thật, tôi đã từng nhiều lần đứng thuyết trình và đã từng trải qua
khoá học về kỹ thuật thuyết trình, nhưng chưa bao giờ tôi lại lo âu như lần
này. Tôi nhìn chăm vào cô và nghĩ là đang nói trước một cử toạ đông đảo. Tôi
đọc chậm và rõ. Cô không nói, chỉ note trên trang giấy. Cuối cùng sau tám phút
đọc, tôi ngước nhìn cô. Tôi thấy đôi mắt cô đỏ và long lanh nước mắt. Cô khóc.
Cô nói so wonderful. So wonderful… Sau đó, cô đã chỉ tôi vài chỗ cần thiết để
nhấn giọng hay ngừng lại. Cô đã làm cho tôi tự tin hơn bao giờ. Dù vậy tôi cũng
không thể đo lường được con tim của cô. Có lẽ cô nói để khuyến khích tôi, giúp
cho tôi tự tin hơn hoặc vì phép lịch sự giữa những người đồng nghiệp với nhau.
*
Ba giờ rưỡi sáng, tôi lên xe rời thị trấn. Phải mất 5 tiếng đồng hồ lái xe
mới lên Boston. Những người trên ấy muốn tôi lên càng sớm càng tốt để gặp nhau
chuẩn bị. Trời đầy sương. Đôi mắt ráo khô, thần kinh căng thẳng. Tôi kéo cửa
kính xe xuống. Gió sớm mơn man. Chỉ những cột đèn bầu bạn. Chỉ có thành phố
ngái ngũ. Chỉ có con đường xa lộ dài hun hút, và những mảng đèn pha mờ nhạt
trong sương.
Vâng, thì lên đường. Ngày xưa, tôi có những chuyến đi về sáng như thế. Nhảy
vào mật khu, tiếp viện hay tăng phái cho một chiến trường. Nhưng ngày xưa, bên
tôi là đồng đội, là súng đạn, là những dắt dìu, bảo bọc nhau… Ngày xưa, nửa
đêm kẻng dục quân ra trận. Kinh động cả lòng đêm tối bưng. Nhận lấy ba ngày cơm
gạo sấy. Không buồn chỉ một chút bâng khuâng. (thơ THT) Ngày xưa, và bây
giờ có khác gì đâu. Bởi vì từ lâu nay, cái nơi ấy vẫn được xem là nơi
bất khả xâm phạm, không một nhà văn nhà thơ Việt Nam hải ngoại nào được quyền
nói lên tiếng nói. Bởi vì nói đến văn chương chiến tranh, người Mỹ chỉ biết đến
những cuốn sách của Bảo Ninh, Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Thu Bồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Sáng. Không ai biết giòng văn chương miền Nam
thời chiến qua 35 năm lâm chiến… Chẳng ai cần biết một kho tàng sách báo bị đốt
hủy. Chẳng ai biết một nền văn học lẫy lừng hừng hực lửa, trái phá đã bị bức
tử. Nơi này chỉ dành một Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Nguyễn Quang Sáng, đã một lần đến
đây, rồi trở về nước viết bài chửi rủa mạt sát những người văn nghệ sĩ hải
ngoại không chừa một mống.
Chẳng ai cần thắc mắc về sự thật của những cây viết mà họ xem là trung
thực về chiến tranh như Bảo Ninh khi tả cảnh toán thám báo đột nhập mật khu bắt
ba chị nuôi hãm hiếp rồi trấn nước, trong khi vai trò của thám báo chỉ là săn
tin, phối kiểm tin tức tình bào, phải tự mình bảo vệ lấy mình giữa lòng địch.
Chẳng ai cần thắc mắc một Ngụy Ngữ, nhà văn một thời mang bộ đồng phục miền
Nam, được miền Nam ưu đãi, không đi tác chiến một ngày lại bôi nhọ chửi rũa
lính miền Nam gọi thương phế binh miền Nam là bọn què quặt, kể lính rằn ri mỗi
lần về phố là quán xá đóng cửa cài then, nhục mạ thậm tê người đã chết là cố
đại úy Nguyễn văn Đương là tên sĩ quan dù… ngay trên những số báo Vấn Đề do Vũ
Khắc Khoan và Mai Thảo chủ trương…
Vâng, họ đã bị lừa bịp bởi những nhà văn thiếu tư cách, vô liêm sĩ
mà họ không hề biết.
Tôi đã dừng tạm ở một Trạm Nghỉ. Quá mệt, và quá buồn ngủ… Trời đã sáng. Tôi
lên đồi cây. Đứng yên. Trong nỗi cô liêu hiu quạnh, với những hàng thông, hàng
sồi san sát, với màn sương còn che khuất những dãy núi bên kia đường, tôi lại
liên tưởng đến bạn bè đồng đội của mình. Những thân cây che chở mạng người.
Những hòn đá câm. Và mây trắng như ngày xưa chứng kiến những con ngựa chiến
chinh bay về trời. Mười mấy năm chiến tranh đã hàng hàng lớp lớp những con ngựa
bay về trời như thế. Tức tửi.
*
Xin được đi lại một đoạn của bài tôi thuyết trình:
“Quí vị hỏi tôi viết gì. Trước năm 1975, tôi viết về
cuộc chiến tranh, trong đó tôi và thế hệ của tôi đã lao vào, đã chiến đấu, đã
bảo vệ cho quê hương tôi. Tôi viết bằng ngay cả máu lệ của chính bản thân mình.
Có những bài văn tôi viết trong hầm phòng thủ. Có bài tôi viết khi bằng cảm
giác hơn là lý trí. Đó là lúc tôi trùm poncho, trùm cả chiếc mền, bật đèn pin
và viết trong giờ chờ giặc. Khi ấy, cảm giác đã đẩy ngòi bút, và hơi thở của
tôi điều khiển tôi. Có bài tôi viết khi nằm trong bệnh viện, giữa những tiếng
rên la quằn quại của những người lính thuộc đại đội tôi. Tôi đã hiểu thế nào là
tiếng nổ của trái phá, và sự khủng khiếp của nó là như thế nào. Tôi muốn dùng
những kinh nghiệm có thật của mình để nói về một cuộc chiến quá dài, quá kỳ lạ,
tàn bạo hơn bất cứ cuộc chiến nào trên thế giới mà khí giới được nhập từ Nga Sô
Trung Cộng và Hoa Kỳ. Nhưng trong tiếng gào thét của chiến tranh ấy, giữa những
trang đầy máu của hai phe, và thêm những xác của trẻ con vô tội, tôi cũng viết
về những điều hết sức kỳ diệu mà tôi đã gặp trong chiến tranh. Đó là lòng từ
tâm của người lính VNCH. Điều ấy tôi đã được thấy khi sau khi một trận đánh kết
thúc. Đó là lúc vai trò người lính của tôi không còn nữa mà nhường lại là vai
trò của người viết văn.
Tôi đã thấy lính tôi mời tù binh những điếu thuốc hay dìu họ lên trực
thăng để tải về quân y viện. Tôi đã thấy trong bệnh xá những người thương binh
Nam và Bắc ngồi lại nhau để chơi cờ, đàn hát cho nhau nghe những bài tình ca.
Tôi đã hiểu là dân tộc tôi quá hiền từ thời đại này qua thời đại khác. Từ đó
tôi tin rằng ai cũng có con tim. Rồi sẽ có một ngày người Nam kẻ Bắc sẽ bỏ hết
hận thù sẽ quên đi quá khứ, bởi vì tuổi trẻ chúng tôi chỉ là những nạn nhân từ
các thế lực chủ nghĩa. Một ngày nào, chúng tôi sẽ vùng dậy, sẽ lột mặt những
tay đồ tể chiến tranh, sẽ nối lại vòng tay như qua bài hát cuả Trịnh Công Sơn:
Từ Bắc vô Nam nối liền cánh tay. Nhưng giấc mơ của một người viết văn ấy đã bị
tan vỡ sau 1975. Bởi vì tôi đã nhận ra rằng cái hậu quả của chiến tranh đã
không ngừng lại ở đây, để đồng bào tôi, bạn bè con cháu tôi được sống an ổn
trong những ngày hoà bình còn lại. Mà trái lại, đồng bào tôi lại trở thành một
nạn nhân của hậu quả khác. Hậu quả từ những trái tim được nuôi dưỡng bằng một
thứ chủ nghĩa chỉ được xây dựng bằng căm hờn và bạo lực. Đó là chủ nghĩa Cộng
Sản.
Thưa quí vị,
Tôi có thật nhiều điều để muốn tỏ bày cùng quí vị về một nỗi đau
khổ khủng khiếp của một người viết văn. Đó là lúc anh ta muốn viết mà không dám
viết, muốn nói mà không được nói. Quí vị được may mắn là có thể viết tất cả
những gì mà quí vị muốn, trình bày tất cả nỗi buồn vui của quí vị cùng độc giả.
Nhưng có một nơi, văn chương được xem là một tai họa. Người ta đã tìm mọi cách
để tận diệt văn chương. Bằng chứng, riêng cá nhân tôi, đây là những đứa con
tinh thần của tôi, không phải tôi mang từ quê hương tôi qua, mà tôi đã thu thập
chúng từ một thư viện của đại học Cornell Hoa Kỳ. Chúng vẫn còn sống sót cũng
như bản thân tôi vẫn còn sống sót sau một cuộc chiến, sau những năm tháng tù
tội. Vâng tôi là kẻ được may mắn được thoát khỏi cõi im lặng khủng khiếp ấy.
Nhưng còn biết bao nhiêu người viết văn làm thơ khác của miền Nam với biết bao
công trình văn chương đồ sộ của thời chiến tranh. Họ đã mất tiếng nói. Họ đã bị
quên lãng bởi loài người. Họ không được nhắc nhở. Bằng chứng là hôm nay, quí vị
không thấy họ mà chỉ thấy những người viết văn làm thơ trong hàng ngũ thắng
trận. Như vậy đâu là công bằng, đâu là tiếng nói trung thật của văn chương,
nhất là nền văn chương về chiến tranh VN?”
*
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì một người đàn bà bản xứ đã tiến đến bên
tôi. Trên tay bà vẫn còn cầm cuốn sổ tay ghi những note. Bà ngước nhìn tôi. Và
tôi bỗng thấy lại đôi mắt của La Ronda. Cũng đỏ hoe. Cũng ngấn lệ. Bà cám ơn
tôi. Một tay bà đưa ra và siết chặt lấy bàn tay tôi. Bây giờ tôi mới hiểu rằng
La Ronda không phải nói để lấy lòng tôi như phép lịch sự của những người đồng
nghiệp với nhau.
Trần Hoài Thư