Tặng Uyn yêu dấu
Sách báo văn chương thường tả kỹ và rạch ròi thời tiết nơi
này khác nơi kia, ngày nay khác ngày qua. Các cô thông báo thời tiết trên ti vi
trông đẹp thế, cô nào cũng ngực nở mông to, chân dài váy ngắn, làm cho đám thợ
hồ kiếm ăn xa nhà khi nhìn thấy dễ bị sóng lòng day dứt phân tâm chẳng thể tập
trung chú ý được nơi nào khác nơi nào bao nhiêu độ.
Tuy vậy chúng tôi vẫn cố để ý xem quê mình ngày mai mưa hay
nắng, có giông gió lụt lội gì không. Tất cả chúng tôi đều nhớ nhà.
Đàn ông quê tôi biết cất váy áo vợ trước khi trời đổ cơn mưa
và thuộc lòng câu ca "Mắng vợ thì mắng sớm mai. Mắng vợ buổi tối lấy ai mà
nằm". Đàn bà quê tôi biết làm đúng lời mẹ dặn từ thời con gái: "Không
được gây chuyện với chồng vào giờ gà lên chuồng", tránh xích mích về đêm.
Gái làng tôi thắm tình và chung thủy nổi tiếng từ xưa, nhưng
thường lấy chồng sớm. Cứ khoảng độ tuổi 16 -17 là đã có trầu cau ăn hỏi sẵn rồi
chỉ chờ chớm 18 cưới liền, đăng ký kết hôn sau. Có đám bê cả bụng phồng lên Ủy
ban xin làm đăng ký kết hôn sau cưới.
Sử làng lưu truyền nước giếng làng làm con gái sớm dậy thì,
làm đàn bà mắn đẻ. Còn đàn ông con trai cần cù và dai sức hơn hẳn đàn ông con
trai làng khác. Tuy vậy các cụ bà vẫn thọ lâu hơn. Thiên sử miệng của làng còn
kể ngày xửa ngày xưa khi đất làng quá rộng dân làng quá thưa; có một thầy phong
thủy giang hồ qua làng, ông thương làng neo người đã cắm huyệt đào giếng làng
vào đúng huyệt rốn Cô Tiên, nên gái làng dáng cao thon thả. Không thắt đáy lưng
ong cũng mình trắm cẳng giang. Cô nào cũng da trắng mịn màng, mắt sáng môi thắm
cười tươi như hoa. Được vậy đều là nhờ vào nước giếng rốn tiên cả. Các cụ ông
những lúc tụ hội trà thuốc hay nói câu ca dao: “ Đàn bà mình chắm cẳng giang, một
đêm chấp cả bảy chàng trai tơ”. Cá chắm thân mình tròn lẳn chắc thịt. Giang là
giống chim trời có chân cao lêu đêu như con sếu. Gái làng tôi dáng cao chân dài
đẹp như người mẫu.
Làng tôi êm đềm hạnh phúc như câu hát: "… Làng tôi sau
lũy tre mờ xa… bình yên những nếp nhà…".
Tôi yêu cái giếng trong mát của làng tôi, yêu cái đình cái cổng,
yêu những con đường ngõ xóm với biết bao những bờ ao bụi cỏ thân quen.
Vì sao khi ốm đau mới thấy rõ cái nhớ mạch lạc rành rọt thế
nhỉ? Uyn ơi!
Đời thợ hồ tha phương, chỉ khi nào hết việc hay ốm nằm bẹp
nhà trọ mới thấy được tác động của mưa nắng ngấm vào người. Tôi là anh thợ hồ
đang ốm nằm bẹp nhà trọ đây. Sốt hầm hập là mất tiêu ngày công và tiền thuốc nữa
rồi. Chiều qua tôi chưa ốm, đứng trên giàn giáo cốp pha của tấm sàn lầu bốn,
chúng tôi đang chuẩn bị cho việc đổ bê tông. Ngôi nhà đó ở gần ga Hòa Hưng nên
tiếng còi tàu rất rõ, đứng trên cao nghe còn rõ hơn. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc
thấy tiếng còi tàu hỏa được viết mô tả ra là: "Tu… tu…". Nếu tả con
tàu lăn bánh còn có thêm mấy chữ: "Xình… xịch…" (Tôi thật không biết mấy
chữ “tu tu… xình xịch…” là của nhân dân, hay là chữ của tay nhà văn nào). Vậy
mà cái tai tôi nghe thế nào cũng chỉ ra là: "Uyn… Uyn…" không hề Tu…
tu. Chắc tại tôi nhớ Uyn. Không biết lúc này em đang làm gì? Trời Bắc quê mình
tháng này lạnh nhiều hơn chưa? Tiếng còi tàu lại kêu to như chính tôi đang gọi
tên em ra tới tận ngoài đó.
Mãi sau tôi mới nghĩ ra được tàu hỏa đầu máy hơi nước có còi
kêu: "Tu…tu…". Còn tàu hỏa đầu máy diezen có còi kêu như gọi tên người
tôi yêu tha thiết "Uyn…uyn…".
Uyn và tôi cùng thi trượt đại học, cùng ở xóm Hàng Chiếu, những
khi việc nông nhàn tôi thường sang nhà Uyn giúp mẹ Hai của Uyn gấp túi giấy. Mẹ
đẻ của em mất sớm, hơn một năm sau bố em đưa về một người đàn bà cùng chung mái
ấm với bố con em. Bà chính là mẹ Hai bây giờ.
Bố Uyn cũng không còn nữa. Ông qua đời để lại cô con gái duy
nhất sống với người vợ hai của ông. Cảnh sống éo le đã làm cho nét mặt của Uyn
không được tươi vui dễ chịu. Đó là vẻ đăm đăm "khó đăm đăm" và vẻ trơ
lì "vô cảm trơ lì". Thế nên khi nhìn kỹ vào mắt Uyn, tôi cũng không
đoán nổi liệu em có biết tôi yêu em lắm rồi không! Yêu em từ đận lớp 10. Dù vẻ
mặt em lì lì đăm đăm nhưng tôi cũng đã thấy có lần em cười tươi sáng rạng rỡ dễ
vui lây. Nhưng sao em quá hiếm cười tới mức xem như bằng không. Tôi đã phải
lòng em và đang nín chờ cơ hội tỏ tình. Mỗi ngày không thấy em một lần là tôi bứt
rứt bồn chồn, làm gì cũng không yên.
***
Chiếc khăn ướt đắp trên trán để hạ nhiệt đã khô từ lâu, tôi
bỏ qua một bên, quay đầu nhìn thấy một tờ báo dán trên vách tường của nhà trọ
có mấy chữ màu xanh lá mạ: "Mùa thu – mùa yêu anh". Thì ra là tên của
một bài thơ. Đang trong tâm trạng nhớ tình, tôi thấy tựa đề này thật hay, thật
nhiều tình yêu và thi hứng mà nhẹ nhàng âu yếm biết bao. Chán là khi đọc mấy
dòng trong bài thơ thấy toàn ghép vần vè những câu về thời tiết với vài kể lể.
Chỉ có mỗi một câu như văn nói mà rất thơ: "15 năm là mấy…" thật đúng
là được yêu và biết yêu ở cả câu thơ ngắn ấy. Hay là vì tôi được Uyn yêu và biết
là Uyn biết yêu và Uyn biết là tôi biết yêu Uyn? Ôi… thơ khó thế.
Uyn yêu dấu lì lì đăm đăm vậy mà cũng làm thơ. Tôi xem trộm
được, thơ của em cục cộc lắm. Đọc lên nghe vừa đau vừa sướng vừa tức cười, đám
thợ xa nhà thích lắm, vì thợ ở nhà với vợ rồi thì không cần thơ nữa. Lúc bấy giờ
Uyn cũng đã biết tôi yêu em, lòng em cũng đã yêu tôi lắm mà vẫn tảng lờ như
không được, sao em nhịn giỏi thế nhỉ?
Nhớ bữa khi tôi cùng em gấp túi giấy xi măng cho mẹ Hai,
đương tự nhiên em đứng lên đi về phía bể nước mưa chỗ hồi nhà. Tôi hồi hộp ngay
tức thì, tim đập thịnh thịch cái một. Tôi lường khoảng cách cự li để chạy theo
em ra bể nước, chỗ khuất ấy. Tôi lấy đà…
Vừa đi tới gần bể nước lại thấy em chạy vụt lên nhà trên với
tiếng "Dạ" rất to. Tôi chưng hửng, bước chân loanh quanh, rồi trở về
chỗ cũ bần thần ngồi gấp túi giấy.
Em né tránh tôi chăng? Dường như nỗi khổ loáng qua trong
tim. Phải chờ dịp khác.
Dịp khác đến vào khoảng gần một tháng sau. Một lần gần giống
lần trước, chỉ khác hướng chạy của em lần này là nhà bếp. Bếp còn kín khuất hơn
cả phía sau bể nước. Tim tôi lại đập mạnh. Ngó quanh không thấy mẹ Hai đâu, tôi
băng theo em vào bếp. Em đứng sững ngay giữa bếp với nét mặt hơi dữ dằn quát khẽ:
"Anh vào đây làm gì?" Tôi chột dạ rồi nói như đứt hơi: "Anh…anh…
định… anh định…". Tôi thấy mình đang run nhưng vẫn tiến vào cầm tay em
nói: "Anh yêu em lâu rồi". Em đứng lặng im, tôi liền áp người tôi dịn
sát người em hơn nữa. Bỗng thấy tay em siết chặt tay tôi rồi bung nhanh ôm
choàng lấy tôi, em thốt lên: "Thằng chó sao bây giờ mới nói". Tôi thấy
người em cũng run run. Tôi không biết em mong chờ phút này đến thế, tôi thật
đáng được mắng hơn nữa. Ví dầu tôi ngỏ lời sớm hơn chắc gì thấu được lòng em
yêu và chờ đợi tình yêu đến cháy ruột "ác chiến" như thế.
Hạnh phúc đến giản dị. toàn thân tôi trong ngoài cùng cười
sung sướng. Cười từ trong máu, trong thịt trong gân, trong mỗi tế bào. Chúng
tôi thôn quê ôm nhiều nói ít. Em im lặng tôi im lặng, cả hai cùng run run ấm
áp. Nước mắt em đã nhỏ xuống vai tôi.
Bỗng đâu có tiếng quát: "Hai đứa ra ngay". Mẹ Hai
xuất hiện bất ngờ. Thì ra bà biết hết và đã canh chừng chúng tôi từ lâu. Lần
tôi theo hụt em ở bể nước không qua được mắt mẹ Hai. Lần ấy bà nóng vội đã quát
gọi con chồng hơi sớm. Thế mà tôi chẳng nghe thấy gì, chỉ mình em nghe thấy tiếng
mẹ Hai gọi giật. Lần này mẹ Hai rút kinh nghiệm, bà đã để im xem sao,
"tia" chúng tôi chạy theo nhau vào bếp bà đã để cho hai đứa ôm nhau
lâu, đủ để không chối cãi vào đâu được.
Liền sau đó bà quát tiếp: "Hai đứa lên nhà ngay tao bảo".
Đời mẹ Hai có quá khứ còn buồn tủi hơn Uyn. Mẹ biết cách để
hết buồn tủi cho quá khứ. Chỉ còn cáu bẳn và vui giận thất thường ở lại hẳn
trong tính nết của mẹ. Nhiều khi chuyện nhỏ nhoi mà quát tháo ầm ĩ, rồi oà khóc
như nhà có đám tang. Mặc dù lòng dạ mẹ Hai không nghĩ hại cho ai bao giờ nhưng
với cái mồm ông ổng thái quá, lại thuộc lòng nhiều câu chửi vần độc địa tới mức
nếu không hiểu nhầm bà thì cũng khó ai ưa được. Chắc cũng vì thế khi ở lâu với
bà Uyn chỉ còn lại hai vẻ mặt thiếu vắng thân thiện.
Hai chúng tôi theo bà lên nhà trên, bà chỉ vào chiếc ghế gỗ
dài: "Anh chị ngồi bên kia". Còn bà ngồi đối diện chúng tôi, ở giữa
là bàn trà nước kê trước bàn thờ có để tấm ảnh của bố Uyn. Một tấm ảnh phóng to
từ ảnh chứng minh thư, thật khó đẹp. Mẹ Hai lườm chúng tôi đầy dụng ý, bà nói:
"Thắp hương lên bàn thờ đi rồi tao nói chuyện". Chúng tôi thắp hương
xong bà lại nói: "Hai đứa nghe tao hỏi! Chúng mày có thật thương nhau
không? Có lấy nhau thành vợ chồng không? Hay nước "rốn cô tiên" làm
chúng mày rực không chịu được"?
Bà mẹ Hai này thật quá quắt vừa "anh chị" vừa
"hai đứa" lại vừa "Tao -tôi". Xưng hô lộn xộn chẳng coi
chúng tôi ra gì. Nhưng nghe thấy câu "có lấy nhau thành vợ thành chồng
không" trong lòng mừng lắm, mắt tôi tìm mắt Uyn dò ý, thấy ánh mắt em cười,
tôi vui hơn cả lúc ôm được em trong bếp, tôi trả lời mẹ Hai độc một tiếng
"Có". Bà quát liền: "Có là có thế nào? Tao hỏi có lấy nhau hay
có dửng mỡ? Nói cho rõ ràng!".
– Thưa mẹ Hai, con có lấy Uyn làm vợ, con yêu Uyn lắm, yêu
không chịu được.
– Anh nói thật lòng không?
– Dạ, thật!
– Có thật thật không? Đàn ông các người hay kêu không chịu
được lắm.
Tôi nói lại rõ với mẹ Hai:
– Thưa mẹ, con yêu Uyn thật.
– Được, nếu đồng lòng thì cả hai thề trước bàn thờ và khấn
xin bố con Uyn đi.
Thấy Uyn có vẻ lừng khừng bà quát to: "Chị kia có thề
có khấn xin bố chị không, hay chỉ thích ôm nhau trong bếp?". Uyn không trả
lời mẹ Hai. Tôi và em lặng lẽ ra trước bàn thờ, cùng thề yêu nhau cho đến cuối
cuộc đời và xin cho kiếp này được làm vợ chồng của nhau. Trong lúc nghiêm trang
hệ trọng như vậy tôi không ngờ em bấm đầu ngón chân nháy nháy vào chân tôi. Em
nháy nháy kều kều đầu ngón chân có nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm hồi hộp như nhạc
phim (chiêu này của em xuất thần mẹ Hai không hề biết). Thì ra trong máu em chảy
xen lẫn cả hóm hỉnh vui đùa, tôi thích lắm, mấy ngón chân của em làm tôi đờ đẫn
hết cả người.
Mẹ Hai có vẻ sốt ruột: "Thề gì lâu thế…? Xong
chưa?" Chúng tôi cùng nói "xong rồi" và trở lại chỗ ngồi như cũ
chờ xem mẹ Hai có thuyết giảng gì không.
Mẹ Hai thuyết giảng: "Anh biết rồi, tôi với con Uyn là
người dưng nước lã khác máu tanh lòng (bà lại ác khẩu). Đời nó ra sao là nhờ hết
vào duyên phận. Bây giờ thề với nhau rồi duyên phận của nó là anh (Bà bỗng mất
giọng, nói chen lẫn tiếng khóc) về bảo bu anh kiếm cơi trầu sang nói chuyện với
tôi".
Tôi nghe mẹ Hai nói trong mếu máo mà như nghe mệnh lệnh của
hạnh phúc.
***
Cả tôi và Uyn đều không còn cha, nhưng tôi còn mẹ đẻ. Uyn
không được tình mẹ con đùm bọc thương yêu nhiều bằng tôi. Cưới được em về, hai
mẹ con tôi sẽ bù đắp những thiệt thòi cho em. Tôi sẽ làm em có chửa, và khi
sinh em bé tình cảm ruột thịt của chính em sẽ giúp em cảm thông cho tính ác khẩu
của mẹ Hai tốt bụng.
Quân lệnh như sơn, mẹ tôi mang cơi trầu sang dạm ngõ nhà
Uyn, chẳng rõ hai bà nói những gì mà đoạn cuối cứ vịn vai nhau khóc suốt.
Về nhà mẹ tôi bảo: "Cuối năm sau chúng mày cưới. Cưới
xong ở luân phiên mỗi nhà một tháng, không ở dâu ở rể gì đâu, hai chúng tao chỉ
còn mỗi hai chúng mày".
Một phần tương lai hạnh phúc của chúng tôi được hai bà mẹ
quy hoạch rồi. Chỉ còn lo thực hiện. Tôi nghĩ cách kiếm tiền thêm, nếu chỉ
trông vào ruộng đồng thì gay to. Thời xửa thời xưa làng tôi hơn đôi chục nóc
nhà, ruộng đồng bát ngát bỏ hoang không có người có sức mà làm. Thời bây giờ
đây đất chật người đông, ruộng làng chia theo "khẩu" mỗi "khẩu"
tính ra chưa đến 150 mét vuông ruộng, cày cấy làm sao cho đủ ăn.
Tôi theo cậu Phúc vào Nam làm thợ hồ, bây giờ ốm nằm đây
nhìn thấy câu thơ: "…15 năm là mấy…" mà xao xuyến. Nhưng sao lại là mấy?
Chả là bằng quãng đời lưu lạc thăng trầm của một cô gái Trung Hoa cứ lừng danh
mãi trên đất Việt "Vương Thúy Kiều" đó thôi. Còn tôi và Uyn sẽ phải
già đi 15 tuổi chứ? Chắc chúng tôi sẽ vẫn yêu nhau như lúc chưa già cho dù sức
khỏe có kém đi. Hôm chia tay Uyn ở chỗ bể nước, chúng tôi ôm nhau lưu luyến. Vẫn
là ôm nhiều nói ít. Em thì thào vào tai tôi một câu cổ điển: "Anh đi chân
cứng đá mềm!" Tôi nghe vầy vậy thôi lòng dạ còn đang lâng lâng vì ôm ấp
em. Đúng là tôi đang ôm hạnh phúc trong tay. Đến chiều hôm đó tôi và cậu Phúc
đi bộ ra ga. Từ ấy tôi có ba người đàn bà mong chờ: Hai bà mẹ góa và Em.
Ốm đau thật xui xẻo. Chiều qua tôi chưa kịp ốm, khi đang làm
cốp pha tôi nghe tiếng còi tàu kêu Uyn… Uyn, tự nhiên buột miệng nói: "Anh
chưa về đâu". Cậu Phúc quay sang hỏi cái gì? Tôi nói: "Không".
– Tao vừa nghe mày nói lí nhí gì mà?
– Không đâu cậu. Cháu nói với cái tàu hỏa ấy mà.
– Tao nghe mày nói: "Anh chưa về đâu"
– Vâng cháu bảo cái tàu.
– Mày hâm rồi, nhớ lắm phải không, con Uyn bỏ bùa mày rồi.
– Vâng!
– Ơ cái thằng bị người dưng cho ăn bùa gì mà đứng trên nóc
nhà lầu bốn nói chuyện với tàu hỏa?
Cả tốp thợ cười ồ, tôi cũng cười và thầm nghĩ: "Uyn ơi
anh thích được em bỏ bùa, cứ bỏ bùa mãi cho anh nhé, tàu hỏa ra Bắc đấy anh nhắn
cho em rồi ".
Trong đám thợ hồ có tiếng hò: "Hò ơ ơ… Con cò nó mổ con
trai, con trai khép lại mà nhai… ớ… ơ… con cò".
Đám thợ cười rống lên, có người cố ý hỏi tôi: "Thằng em
chắc được hưởng cái bùa "trai" nhai "cò" rồi phải không?
Tôi hiểu ra câu hò của thợ rồi. Chúng tôi chưa như thế, dưới
kia lại có còi tàu kêu Uyn… Uyn. Bỗng cậu Phúc đứng lên lấy tay bắc loa miệng
hướng về con tàu gào rất to: "Anh chưa về đâu" – cậu quay sang tôi:
"Phải thế thì tàu hỏa nó mới nghe thấy" – Cậu Phúc cười.
Thì ra không riêng gì tôi nhớ quê, chắc cũng không riêng gì
cậu Phúc nhớ quê.
Bên tai tôi còn câu tình yêu trong bếp của Uyn: "Thằng
chó sao bây giờ mới nói". Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực như còn
đây mùi áo quê phơi nắng vai em.
Tôi đỡ nhiều rồi, ngày mai tôi lại đi làm.
Hồng Hoang