11 August 2018

CHUYỆN CÁI ÁO - Trương Đình Phượng


Đỗ Hợp người Phủ Lý thời Lê làm nghề hái củi, quanh năm suốt tháng chỉ mặc duy một bộ quần áo cũ nát. Bận nọ hái được nhiều củi gánh lên huyện bán, khách tranh nhau mua, chốc lát đã hết, thấy trời còn sớm bèn dạo quanh chợ huyện chơi, chợt nhìn thấy một bà già bày bán quần áo cũ bên lề đường, Hợp chợt nghĩ đến mẹ mình lâu nay chưa từng mua áo mới, quyết định ghé vào xem có bộ nào lành lặn mua tặng mẹ.

Bà già chừng như ế hàng vừa thấy Hợp đã vui vẻ mời:

– Chào công tử, mời công tử chọn hàng đi ạ, y phục già bán tuy không còn mới nhưng rất đẹp.
Hợp ngồi xuống lựa một hồi thấy một chiếc áo khoác màu hồng, chắc cũng là y phục của một mỹ nhân nhà giàu hay công nương nào đó, Hợp rất thích, nhưng nghĩ lại mẹ mình đã luống tuổi mặc bộ y phục lòe loẹt quá không phù hợp. Nhưng bộ y phục như có ma lực khiến Hợp không nỡ bỏ xuống. Bà già thấy Hợp nhìn bộ y phục vẻ đắn đo nuối tiếc, liền xun xoe nói:

– Bộ y phục này công tử đem về tặng cho phu nhân chắc chắn nàng sẽ thích mê đấy ạ.
Hợp lắc đầu nói:
– Ta nhà nghèo chưa có vợ, chỉ còn một mẹ già.
Bà già nói:
– Thì công tử cứ cất giữ cẩn thẩn sau này lấy vợ tặng nàng cũng được cơ mà.
Hợp nghe bà già nói có lý, quyết định mua. Bà già nói:
– Lẽ ra ta bán bộ y phục này bốn quan nhưng nhìn công tử tự dưng ta có lòng cảm mến chỉ xin lấy một quan.
Hợp móc tiền trả, không ngớt cảm tạ bà già. Bà già lại biếu thêm cho Hợp một chiếc áo nâu.
– Ta xin biếu mẹ công tử chiếc áo này.
Hợp trao thêm cho bà cụ một quan nữa, bà cụ nhất quyết không lấy. Hợp nói:
– Nhà tiểu sinh ở ngôi làng phía tây huyện này, nếu cụ có dịp đi qua xin mời ghé nhà tiểu sinh chơi, cứ hỏi nhà Đỗ Hợp hái củi thì ai cũng biết.
Bà cụ nở nụ cười đôn hậu nói:
– Cảm ơn công tử, nhất định ta sẽ đến.
Trời xâm xẩm chiều Hợp vui vẻ rời chợ huyện, về đến nhà trăng đã lên cao, trong nhà dưới ánh đèn hiu hắt mẹ Hợp đang ngồi bên mâm cơm nguội lạnh. Thấy Hợp về mẹ Hợp lớn giọng quát:
– Thằng con ngỗ ngược này, sao tận giờ ngươi mới về, có biết suýt chút nữa ngươi khiến ta vỡ tim vì lo lắng không hả?
Hợp cầm tay mẹ rối rít xin lỗi. Mẹ Hợp thở hắt ra nhẹ nhõm nói:
– Lần sau không được làm ta lo lắng vậy nữa nghe chưa?
Hợp vâng dạ. Rồi đó hai mẹ con cùng ngồi xuống ăn cơm. Mẹ Hợp nhìn thấy cái bọc vải liền hỏi:
– Bọc gì vậy con trai?
Hợp như sực nhớ ra cười nói:
– Ồ con quên khuấy mất.
Vội mở bọc vải lấy ra chiếc áo nâu trao cho mẹ nói:
– Con lên chợ huyện thấy người ta bán áo cũ, chợt nhớ đã lâu mẹ chưa mua quần áo nên con mua chiếc áo này về tặng mẹ, tuy áo đã cũ nhưng còn rất tốt ạ.
Mẹ Hợp giở áo ngắm đi ngắm lại khen:
– Áo đẹp quá.
Chợt nhìn thấy chiếc áo khoác màu hồng, hỏi:
– Còn chiếc áo này thì sao?
Hợp đáp:
– Con thấy chiếc áo đẹp quá nên mua về, biết đâu sau này có việc dùng đến.
Mẹ Hợp gật đầu nói:
– Con trai ta biết suy nghĩ thấu đáo rồi đấy, nhà ta tuy nghèo hèn nhưng ông trời chẳng tuyệt đường hạnh phúc của ai bao giờ, ta tin rồi con sẽ kiếm được một người vợ tốt.
Hai mẹ con lại vui vẻ ăn cơm. Bên ngoài trăng càng sáng rạng rỡ, gió đêm khuẩy trêu từng nhành lá, gió ve vãn hương hoa. Hợp ăn cơm xong chong đèn ngồi đọc sách. Thời gian lặng lẽ trôi. Chẳng mấy chốc đã bước sang quá canh bốn, vầng trăng đã ngả về tây, phòng bên mẹ Hợp đã ngủ say. Hợp buồn ngủ buông sách bước lại khép cửa, chợt ngoài rào có tiếng kêu:
– Hợp lang, chàng ngủ chưa?
Hợp ngỡ mình nghe nhầm, cố lắng tai nghe, tiếng kêu lại vang lên:
– Hợp lang, hợp lang.
Hợp vội bước ra, ngoài hàng rào không hề có bóng dáng ai. Hợp tự nhủ :
– Ma quỷ đấy chăng?

Đang tính quay vào chợt tiếng kêu ấy lại vang lên:
– Hợp lang, ta ở dưới này.
Thì ra giọng nói vang lên từ dưới hàng rào, Hợp căng mắt dò tìm, tuyệt nhiên chỉ có lá cây và cỏ dại. giọng nói ấy lại vang lên:
– Ta ở đây.
Dứt lời bông hoa xuyến chi chợt phình to, hào quang tỏa ra chói cả mắt, rồi một mỹ nhân xuất hiện trước mặt Hợp. Hợp giật mình lùi lại thảng thốt kêu :
– Cô nương là ai, hồ ly hay ma quỷ? Xin đừng nhát tiểu sinh.
Cô gái che miệng cười, đáng yêu vô hạn, dịu dàng nói:
– Thiếp là Xuyến Chi. Linh hồn của loài hoa dại. Bấy lâu nay tá túc trong vườn nhà chàng thường xuyên ngắm chàng ngồi đọc sách thiếp đã trót đem hồn trao gửi tình lang, đêm nay trăng sáng sao ngời chính là lúc gặp nhau trao lời hò hẹn, mong chàng đừng vì khác loài mà khinh khi thiếp.
Hợp thầm nhủ “chắc ta đang mơ, thôi thì cứ mạnh dạn đi hết giấc mơ này xem sao”. Nắm tay mỹ nhân, thấy mềm mượt như lụa gấm, đứng gần một làn u hương dịu nhẹ len vào mũi khiến Hợp đê mê. Không cầm lòng được muốn ôm mỹ nhân mà hôn hít.
Xuyến Chi cười nói:
– Bên ngoài này đầy gió khuya chẳng lẽ công tử không nỡ mời tấm thân liễu yếu này vào nhà sao?
Hợp vội vàng xin lỗi, rồi nắm tay người đẹp kéo vào trong. Cửa khép, dưới ánh đèn nhan sắc kiêu sa của Xuyến Chi khiến Hợp không kiềm chế nổi dục tính, ngồi sát lại đặt tay ngang eo nàng, Xuyến Chi cũng không hề tỏ vẻ e thẹn, mạnh bạo tựa đầu lên vai Hợp. Hơi thở thơm ngát như xạ hương càng khiến Hợp ngất ngây. Hợp chỉ muốn ôm ghì lấy người đẹp mà mơn trớn hưởng lạc, sợ rằng trời sáng thì nàng cũng biến mất như ảo ảnh.
Xuyến Chi nói:
– Hợp lang, đêm đã sắp tàn chúng ta nên đi nghỉ thì hơn, sáng sớm ngày mai chàng hãy giới thiệu thiếp cho mẹ chàng, đừng nói thiếp là tinh sắc của hoa, hãy nói thác rằng chàng gặp thiếp nhân lần đi hái củi trên rừng, thiếp là gái mồ côi nên đánh liều hẹn ước rồi muối mặt mà đến đây nguyện chung sống với chàng.
Hợp đang bối rối không biết giải thích với mẹ thế nào nghe những lời của Xuyến Chi chẳng khác gì người chết đuối với được cọc tre, gật đầu lia lịa. Thấy nàng là một cô gái không những xinh đẹp còn thông minh tuyệt đỉnh, Hợp càng yêu mến. Hợp dìu Xuyến Chi lại giường, buông màn, tắt đèn, ánh trăng xuyên qua cửa sổ, gió đem theo hương hoa vào phòng, khung cảnh càng gợi nên vẻ thần tiên. Phút chốc chẳng còn phân biệt nổi đâu là áo chàng áo nàng, đâu là thân thể của nàng đâu là thân thể của chàng. Chỉ còn nghe tiếng thở lúc nhanh lúc chậm, những lời ngọt ngào ong bướm vang lên trong bóng tối.
Từ hôm Xuyến Chi xuất hiện trong nhà, Hợp không còn phải lên rừng hái củi nữa, nàng bảo gã lên phố huyện mua vải chỉ về, rồi đó ngày ngày nàng chăm chỉ thêu thùa, những tấm lụa nàng thêu vô cùng điêu luyện, nàng thêu con vật, con vật như muốn bay muốn chạy, nàng thêu hoa lá, hoa lá như muốn lung lay tỏa hương. Mẹ Hợp mang những đồ Xuyến Chi thêu lên chợ huyện bán, khách hàng tranh nhau mua, ai cũng không tiếc lời khen ngợi. Nhờ Xuyến Chi mà đời sống gia đình Hợp khá giả dần lên, hai năm sau đã thành một hộ khá giả trong huyện. Mẹ Hợp ban đầu còn e dè nghi ngờ Xuyến Chi nhưng về sau thấy nàng giỏi dang, thêm cử chỉ dịu dàng ngoan hiền nên rất mực yêu thương.
Bốn năm như gió thoảng, mùa xuân năm ấy vẫn còn vương giá rét, khắp vườn hoa xuyến chi, bấy giờ Xuyến Chi đã mang thai, sáng sớm nàng rời phòng ra vườn đi dạo, thấy bướm bay nàng đưa tay ra, bướm liền đậu lên tay nàng, rồi múa giỡn trên ấy không muốn bay đi nữa. Mẹ Hợp nhìn thấy cảnh ấy lấy làm lạ kỳ, càng nghĩ Xuyến Chi không phải kẻ phàm nhân, Hợp thì nghĩ rằng nàng là tinh cốt của hoa nên lũ bướm mới say mê như vậy.
Cũng sáng hôm ấy có gã buôn lụa tên Báo Hiệp đi ngang nhà Hợp vô tình nhìn thấy Xuyến Chi, sắc đẹp thần tiên của nàng cầm giữ chân gã, gã cẩn trọng nép sau hàng rào ngó vào, miệng lẩm bẩm :
– Sao cõi thế gian lại có người đẹp dường ấy, mà hận nhất là nàng lại ở trong nhà gã thất phu hái củi. Ông trời thật không có mắt mà.
Hiệp ngầm ngầm suy tính bằng mọi giá phải tìm cách chiếm nàng về.
Đêm đó, trăng mờ. Vợ chồng Hợp đi ngủ sớm. Hiệp khoác áo dạ hành, đeo vải bịt mặt, lẻn vào nhà Hợp, gã nhìn quanh rồi nhanh chóng chạy đến phòng ngủ của vợ chồng Hợp.
Hiệp đưa ngọn trủy thủ khẽ khàng nâng chốt cửa, rất nhanh gã đi vào, nhè nhẹ bước lại gần giường vợ chồng Hợp. Gã nhủ thầm trong dạ “phải nhanh gọn xử lý tay hái củi này, rồi ôm lấy người đẹp mà tẩu thoát, chậm chễ là hỏng hết mọi sự”, tay nhanh hơn ý nghĩ, lưỡi trủy thủ nhắm giường đâm xuống, chỉ nghe một tiếng hự, rồi tiếng thở hắt ra, sau đó hoàn toàn im lặng. Hiệp lắng tai nghe, trong màn tối mênh mông, phảng phất hơi thở trầm nhẹ, có lẽ đó là hơi thở của mỹ nhân. Hiệp đánh lửa. Ánh sáng lóe lên. Trên giường không có Hợp, cũng chẳng có mỹ nhân Xuyến Chi. Hiệp đứng há hốc mồm, chân bật tay run, nằm trên nệm là một xác người con gái, cái xác chắc đã trải qua nhiều năm nên khô quắt lại. Lưỡi trủy thủ của Hiệp đang găm trên ngực cái xác ấy. Hiệp run rẩy quỳ xuống khấn vái :
– Hãy tha cho ta, hãy tha cho ta.
Bất ngờ cái xác khô vùng dậy.
Hiệp khiếp hãi hét lớn:
– Ma quỷ, ma quỷ.
Rồi nhắm hướng cửa cắm đầu chạy thục mạng, bất chấp hàng rào đầy gai sắc.
Sau đêm ấy Hiệp phát điên. Ai hỏi gì gã cũng chỉ lặp đi lặp lại một câu :
– Mỹ nhân, xác chết.
Đêm đó mẹ Hợp ngủ phòng bên nửa đêm nghe tiếng ai đó hú hét, tỉnh giấc chạy sang nhìn thấy một bóng người lao qua hàng rào, vội vàng chạy vào thì thấy vợ chồng Hợp đang ngủ trên giường, cảm thấy vô cùng quái dị. Sáng sớm hỏi vợ chồng Hợp đêm qua có gặp chuyện gì khác lạ không, hai vợ chồng đều lắc đầu bảo không. Bà ta càng sinh nghi bụng bảo dạ:
– Lẽ nào ta nhìn thấy ma? Bao nhiêu năm ta sống ở xứ này chưa từng nghe ai nói gì về chuyện ma quỷ, sao bây giờ lại xảy ra chuyện kỳ quái như thế?
Bà nhìn con dâu, thấy khuôn mặt nàng vẫn nhuận hồng, hoàn toàn chẳng giống khuôn mặt của người cõi âm chút nào. Lại thầm nhủ “Có lẽ nào tiếng hét kia chỉ là do ta nằm mơ?”
Hợp nói:
– Chắc là do tâm thần mẹ bất an nên tưởng tưởng ra như thế thôi.
Xuyến Chi nói:
– Để lát nữa con nấu cho mẹ bát canh an thần. Hôm nay để Hợp lang đem lụa thêu đi bán, mẹ nên ở nhà nghỉ ngơi.
Chẳng còn cách lý giải nào khác mẹ Hợp đành tin rằng mọi chuyện đều do mình mệt mỏi quá sinh ra hoang tưởng.
Chớp mắt mùa xuân tàn, hạ sang, rồi hạ đi, thu đến, lá vàng nhuộm rực nhân gian, Xuyến Chi lâm bồn. Đêm ấy trời đang quang đãng chợt sấm vang chớp giật rồi mưa như trút. Mẹ Hợp hót hải giục Hợp đi tìm bà đỡ, nhưng mưa to quá Hợp loay hoay mãi chưa đi được, Xuyến Chi ngẩng lên nói:
– Chàng không cần đi tìm bà đỡ nữa đâu, mẹ vào bếp nấu cho con nồi nước sôi, Hợp lang chàng đi lấy cho thiếp cái kéo, nhớ lau chùi sạch sẽ nhé.
Mẹ Hợp và Hợp răm rắp làm theo yêu cầu của Xuyến Chi. Nước sôi bưng lên, nàng bảo mẹ chồng kê ghế đặt gần giường. Nàng lấy hết sức bình sinh rặn. Bên ngoài mưa càng lúc càng dữ dằn hơn. Bỗng một tiếng sét đánh, cây nhãn ngoài sân bừng cháy, trong tiếng sét gầm thét hòa lẫn tiếng khóc của đứa bé. Xuyến Chi cầm kéo tự cắt rốn cho con. Mẹ Hợp sung sướng reo lên:
– Là con trai, dòng họ Đỗ có kẻ nối dõi rồi.
Hợp cũng mừng phát khóc. Mẹ Hợp bồng đứa bé tắm rửa cho nó.
Mẹ Hợp nói:
– Thằng bé này sinh trong tiếng sét chúng ta sẽ đặt tên nó là Đỗ Lôi vậy.
Vợ chồng Hợp cùng khen cái tên ấy.
Xuyến Chi sau khi đẻ xong quá mệt mỏi liền chìm vào giấc ngủ. Trời đã tạnh mưa, chỉ còn đôi tia gió lơ thơ đùa cỏ lá.
Hai tuần sau, một đêm trời lác đác mưa, Xuyến Chi bỗng nói với Hợp:
– Hợp lang chàng cất chiếc áo khoác màu hồng đâu rồi.
Hợp giật nảy mình hỏi:
– Sao nàng lại biết chiếc áo ấy?
Xuyến Chi nói:
– Ta nói ra điều nay mong rằng không khiến chàng sợ hãi.
Hợp nghĩ chuyện Xuyến Chi sắp nói hẳn là hệ trọng lắm, và chắc có liên quan đến chiếc áo khoác màu hồng hắn mua trên chợ huyện năm nào, Hợp cầm tay vợ nén sự hồi hộp nói:
– Có chuyện gì nàng cứ nói, ta không sao đâu.

Xuyến Chi đặt đứa nhỏ xuống nôi, bảo Hợp lại đóng cửa, sửa thế ngồi nhỏ giọng nói:
– Thú thật với chàng, ta vốn không phải là tinh hồn của hoa.

Hợp nói:
– Lẽ nào nàng là hồ ly? Mà cho dù nàng là hồ ly cũng có sao đâu?
Xuyến Chi nói:
– Thiếp không phải là hồ ly, thiếp là ma.
Hợp bất giác xích lui ra, lắp bắp nói:
– Nàng nói sao? Nàng là ma?
Xuyến Chi buồn bã nói:
– Phải thiếp là ma. Hơn ba mươi năm trước thiếp là con gái của một thương gia chuyên kinh doanh hàng thêu thùa ở kinh thành, lần đó gia đình thiếp về thăm quê nội, trên đường gặp một toán cướp, chúng đã giết chết cha mẹ thiếp, sau đó thay nhau cưỡng hiếp thiếp và đem chôn sống thiếp. Mấy ngày sau dân chúng gần đó phát hiện ra xác thiếp họ mua quan tài và đem thiếp vào mai táng trong nghĩa địa. Nhiều năm trôi qua thân thể thiếp vì oán khí không thể tiêu tán nên không bị phân hủy. Một đêm nọ có tay đào mộ đánh cắp mất chiếc áo khoác của thiếp. Tay đó chính là chồng của bà cụ bán chiếc áo cho chàng. Hai vợ chồng bà ta là những kẻ chuyên đào trộm mộ. Hồn thiếp đã lần theo mùi hương của chiếc áo mà tìm đến nhà chàng. Cảm động trước sự trân trọng tấm áo khoác của thiếp và cũng cảm thông cho hoàn cảnh mẹ già, chàng phòng không lẻ bóng nên thiếp đã mượn xác của một cô gái mới chết nhập hồn vào để làm vợ chàng từ bấy đến nay. Giờ đây Diêm Vương đã cho người đến tróc nã thiếp vì dám vi phạm luật của âm ty, mượn xác gửi hồn, thiếp phải trở về âm phủ để đón nhận sự trừng phạt. Từ nay âm dương đôi ngả mong chàng đừng lưu luyến thiếp, hãy cùng mẹ chăm sóc thật tốt cho con trai của chúng ta. Thằng bé sau này sẽ làm nên sự nghiệp đấy.
Hợp nghe Xuyến Chi kể về thân thế của nàng nỗi sợ hãi bay biến mất thay vào đó là sự thương tâm xót xa, lại nghe nàng nói sẽ phải rời xa mình, lòng đau như muối xát, nước mắt lưng tròng, ôm chặt lấy nàng nói:
– Không ta không thể để nàng ra đi. Hãy đưa hồn ta cùng nàng xuống âm phủ ta sẽ cầu xin diêm vương cho nàng ở lại cùng ta và con.
Xuyến Chi bùi ngùi nói:
– Tất cả là do thiếp, không chịu an phận, đã làm ma còn ham cuộc sống gia đình cõi nhân gian.
Vợ chồng đang thở than chợt ngoài sân xuất hiện hai bóng người trên tay mỗi kẻ cầm một ngọn ma đăng, chớp mắt đã vào đến trong nhà, chính là hắc bạch vô thường. Hắc vô thường cười rơn rợn nói:
– Đã đến giờ rồi, ma nữ kia sao còn chưa chịu đi.
Hợp cứ ôm chặt lấy Xuyến Chi nhất quyết không buông. Xuyến Chi ràn rụa lệ nói:
– Buông thiếp ra đi, Hợp lang nếu thiếp còn có cơ hội đầu thai nhất định sẽ đi tìm chàng.
Bạch vô thường tức giận nói:
– Gã kia mau buông ma nữ ra.
Tức thì toàn thân Hợp nhức nhối như có ngàn mũi kim châm, kế ngất đi.
Xuyến Chi ra đi chiếc áo khoác màu hồng cũng biến mất. Mẹ Hợp nghe Hợp kể lại chuyện của Xuyến Chi, bàng hoàng kêu lên :
–  Qủa nhiên Xuyến Chi là ma. Rồi lại bùi ngùi tiếp. Không ngờ nó lại từng chịu cảnh thương tâm như thế.
Từ đó hai mẹ con Hợp dốc hết tâm sức chăm sóc đứa bé. Năm tháng như dòng sông vô tình trôi. Bốn năm sau mẹ Hợp qua đời. Trước khi chết mẹ Hợp khuyên Hợp nên lấy thêm một người vợ nhưng hình bóng của Xuyến Chi vẫn in sâu trong tâm trí Hợp đành làm trái di nguyện của mẹ.
Năm con trai Hợp mười tám tuổi, gia đình phú thương là Trương Thoại đem con gái gả cho, con trai Hợp được bố mẹ vợ trao hết gia tài trở thành một thương gia buôn thuốc bắc nức tiếng.
Đỗ Lôi muốn đưa cha đẻ về ở bên nhà cha mẹ vợ nhưng Hợp không chấp nhận, bởi thế Đỗ Lôi đành để Hợp sống một mình. Một đêm nọ Hợp viết thư để lại cho con trai rồi lặng lẽ ra đi, từ đó biệt tích.

Trương Đình Phượng