23 August 2018

ĐI QUA MÙI HƯƠNG NGẢI - Phạm Ngũ Yên



Nếu không có tiếng súng bên ngoài làm tôi thức giấc, thì có lẽ đêm vẫn còn là một nỗi buồn chảy quanh như một khúc sông lạc nguồn. Cơn mưa chiều đã tạnh từ bao giờ.
Tiếng gió rung qua liếp cửa từng hồi đã làm gẫy đổ giấc mơ của tôi, trong đó nụ hôn của Ngải Hương trở thành đậm đặc trên môi, rã rời và xao xuyến làm sao.
Trong giấc mơ tôi thấy tôi trở lại Hà Nội. Những cây sấu vừa ra hoa. Con đường có những viên gạch sần sùi dán kín một thơ ấu của tôi bây giờ cũng ngại ngùng và mơ hồ không kém. Trong giấc mơ tôi cũng thấy tôi lùi lại những ngày tháng buồn rầu khi rách nát rơi xuống đời như phấn hoa. Sự học hành đứt ngang nửa chừng khi những người thân lần lượt ra đi. Vừa lên lớp 9 tôi đã mất mẹ. Năm sau đến lượt cha tôi. Tôi bỏ dở lớp 10 để đi vào đời. Hà Nội trống hoát từng cơn gió thổi qua những tấm lòng trơ trọi.
Mùa đông rất dài như một chuyện đời xưa không có đoạn cuối. Những con phố dọc ngang ở bên nầy thơ ấu, còn bên kia là cơ hàn. Đường phố tiếp tục nuôi tôi khôn lớn. Hay tôi tự mình khôn lớn và tự học nơi trường đời. Bản năng sinh tồn đã như ngọn roi quất xuống đời dọc ngang- những vết thương lòng chưa kịp băng bó đã bị áo cơm vùi dập.
Hai mươi tuổi tôi đi qua 2 trại giam. Trại giam đầu tiên lâu chừng một tháng vì tội trốn tránh nghĩa vụ. Lần bị giam thứ hai là một dấu ấn. Dài hơn.
Tôi chưa quen thuộc với đời sống mà trong đó tiếng chim trở thành một điều ước lệ vô cảm. Mùi hoa sửa sáng mai không còn vào ra vấn vít làm thơm ngát Hà Nội 36 phố phường Thay vào đó là bụi bậm và mùi rác rến. Thành phố đó cũng đang muối mặt để quên một dĩ vảng chật nít tự hào. Những cửa ô rướm máu cũ mòn chờ ngày gẫy vụn. Mặt sông Hồng lặng câm che dấu những bất trắc êm ả như chưa hề gợn sóng. Còn những son phấn phù hư nửa? Chúng có lấp được những trái tim thổn thức của các cô gái mong đợi ngày theo chồng đi ngoại quốc, hay đẩy họ vào sâu trong bão lửa làm cháy bỏng thanh xuân? Thành phố đó đang làm sững sốt trái tim côi cút người Hà Nội vì những đổi thay lạ lùng.
Từng dãy nhà xô lấn ra mặt đường, giành giựt lối đi của bộ hành. Những chiếc xe gắn máy made in China phun khói đàng sau ống bô chở trên lưng nó những gả đàn ông to bè tượng trưng một uy quyền đại hán. Một lần nào đó một trong những đại hán như vậy đụng phải một đứa nhỏ băng qua đường và hắn bỏ đi. Tôi nổi máu anh hùng và một cuộc ấu đã không cân sức xãy ra. Tôi vào trại giam để nghe xót xa trong hồn và thấm thía thương tích.
Mưa đêm và gió ngày đôi lúc thổi qua chấn song như tiếng của mùa màng rung lên tuổi thơ. Chúng có khả năng vừa che đậy những nghẹn ngào cũng vừa băng bó mọi vết thương. Chính nơi đây tôi gặp Hà Mô Phạm.
Đó là gả đàn ông sống ngoài vòng pháp luật và quen thuộc các trại giam Phường giống như người ghiền xi nê quen thuộc các rạp hát.
Một lần trong trại tù, Hà Mô Phạm dạy cho tôi biết nếm trải thương yêu ban ngày và đêm đêm ngồi đếm những sĩ nhục. Giữa những chấn song khô khốc tôi nghe khôn lớn nhờ học vỡ lòng những bài học chịu đựng. Hà từng nói: “Một cánh buồm cần trãi được gió bình minh, mới đi vào biển lớn. Những ao hồ cạn hẹp là chuyện nhỏ…”
Ra tù, tôi tìm đến địa chĩ của Hà Mô Phạm.Tôi gặp Hà đễ nghe Hà cho tôi một lời khuyên. Mưa đêm làm ướt át cùng bụi bậm bị dán chặt xuống mặt đường, như những điều hư ảo của cơm áo. Những khao khát bùng lên như ngọn lửa làm leo lét một quá khứ trong khi từng hướng đời mất dấu tương lai.
Tôi đã chọn cho mình một hướng đi. Như lời khuyên của Hà. Những cơn mưa úp chụp xuống đời một đứa con trai hai mươi tuổi sẽ mát mẻ thăng trầm hay đớn đau khô khốc, tôi không hình dung ra. Nhưng tôi biết tôi cần phải bỏ đi ra khỏi đó càng sớm càng tốt.
Tôi không nhớ nhiều về cách thức tôi rời khỏi Hà Nội. Nhưng tôi nhớ ơn Hà Mô Phạm
Hắn lấy của tôi một số tiền không lớn lắm, nhưng tận lòng. Hắn dạy tôi làm cách nào để chịu đựng đói khát như từng chịu đựng trong tù. Đồng thời dạy tôi nhiều câu nói ngoại ngữ, vừa phòng thân, vừa che dấu cái gốc gác quê mùa của mình. Một vài địa chĩ quan trọng liên quan đến nơi sẽ đến. Những sợi thuốc phiêu lảng trên vai tôi, từ những ngón tay vàng ám của Hà, thổi ước mơ tôi bay cao. “Chỉ cần qua được bên đó, cậu sẽ làm lại cuộc đời”. Hà mơ màng như chính hắn sẽ nhập vai chớ không phải tôi. “Hãy quên Hà Nội và quên cái Hồ Gươm chết tiệt của cậu đi. Nó không bao giờ là những bài học, để đem về một đáp số vinh quang cho những thanh niên như cậu…”
Ngày tôi xa Hà Nội, có mưa nhiều trong khi mùa đông đến chậm. Những cơn mưa trãi dài qua những cánh đồng quạnh hiu không bóng người lai vảng. Vài con trâu ốm đói trân mình chịu lạnh và sống sót lạ lùng qua một mùa đông. Một cơn mưa như vậy của mùa Giáng Sinh xô tôi trôi giạt đến địa phận Trung Quốc. Tôi không có thì giờ nhìn lui để kịp nói lời từ biệt Hà Nội. Cũng chưa kịp từ giả màu xanh những cây sấu buồn rầu hai bên đường Cổ Ngư. Những mái ngói rêu phong bụi bậm như chưa hề được tắm gội. May mắn mà tôi chưa có người yêu nên chưa biết một màu hoa thủy chung nở ra sao bên lòng cuộc đời. Có lẻ nào tôi quên được dễ dàng Hà Nội? Những con dế thao thức trong lòng cỏ ướt át sương muộn lúc tôi ngồi trên băng ghế nhìn ra Hồ Gươm. Tờ giấy báo ủ rũ bay giạt dưới gốc cây liễu như chia sẽ với tôi một ngậm ngùi không tên gọi. Mai nầy mùa thu sẽ se sắt hay ấm lòng như lời bài hát của Phan Huỳnh Điểu: “Tình ta như hàng cây, qua những mùa bão gió. Tình ta như dòng sông qua những mùa thác lũ. Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm…”
Bài hát tôi nghe Bảo Yến ca khi nàng về Hải Phòng hát cho những lầm than nghe. Năm đó tôi vừa mười sáu. Tôi đang là dân cữu vạn đúng nghĩa. Danh từ “cữu vạn” ám chỉ những người phu bốc vác. Họ khiêng gánh hoặc chở chuyên mọi hàng hóa nặng nề từ bến cảng lên nhà kho hay từ khu chợ nầy đến khu chợ khác. Thời gian làm việc không có giờ giấc nhất định. Khi nào có hàng thì làm. Không có hàng thì tụ năm tụ ba nhậu nhẹt, cớ bạc. Và gái ghiếc…


Có những đoạn đường tôi phải đi ban đêm. Người lái xe ôm chở tôi ngồi sau lưng hắn, những lời hỏi đáp bị gió cuốn hút. Mùi mồ hôi lẫn với mùi thuốc lá bị ém nghẹn trong thanh quản. Đâu đó phố núi sừng sững khi thì chạy lùi, khi thì song song bên cạnh. Ánh đèn nhập nhòe từ một xóm làng sơn cước. Một chặng khác, cùng với những chiếc xe tãi chở hàng quốc doanh. Tôi bị treo nằm ngang dưới gầm xe cùng với vài người đàn ông có cùng mục đích. Hình như đêm cũng ràn rụa một vầng trăng khi xe dừng nơi một trạm gác. Tiếng chào hỏi của tài xế và tiếng chạy tới chạy lui của người lơ không lấp được tiếng tim đập mạnh trong lòng ngực. Rồi tiếng những tờ giấy bạc vỗ trên thành xe, hay tiếng mưa rớt xuống đời day dứt? Rồi xe chạy. Con đường dằn xốc, tung hứng và làm chao đão thân thể những con vật người- hay những con người sắp trở thành con vật bị mất cảm giác- Tôi thiếp đi nhiều lần trước khi xe dừng ở biên giới. Một vài lần tôi được tiếp tế thức ăn. Đó là những lần hiếm hoi tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mùa đông mang rét nàng Bân đến sớm. Quê tôi xa tít ngoài những chân mây rối bời. Nơi những dân nghèo không biết đếm thời gian nhưng vẫn đợi ngày lúa trổ. Khi ngươì ta biết góp nhặt khổ đau để hiểu trái tim mình, thì người ta sẽ yêu đất nước mình vô hạn.
Ngôi nhà nằm trên cao và sâu trong một quận hạt có tên là RoundRock. Tôi biết vậy lúc đến đây ngày đầu tiên. Muốn vào tận nơi, người ta phải vượt qua một xa lộ dài có tên là xa lộ 35, rồi tẻ nhánh vào exit 247. Xác lá mùa thu nằm bẹp dưới vòng bánh xe, khi Ngải Hương kéo tôi ra khỏi chiếc xe Lexus của nàng. Ngải Hương là tình nhân của Sơn, cũng dân Hà Nội, nghe nói qua đây theo diện R.O. Sơn đang là chủ nhân của căn nhà trị giá nửa triệu bạc.
Đây là “Phố Đá Tròn”. Ngải Hương nói với tôi. “Rồi Quách Tỉnh sẽ thấy không nơi nào dễ chịu bằng nơi nầy. Muốn thấy sông có sông, muốn thấy hồ có hồ. Muốn thấy đồi sẽ có đồi và vùng Dowtown có nhà cao tầng tuyệt đẹp”.
Ngải Hương nói mà không cần tôi nghe và hiểu kịp hay không. Nàng gọi tôi là Quách Tỉnh vì dáng điệu bên ngoài của tôi. Tôi không hề để tâm chuyện đó vì chỉ cần nghe nàng nói và mỗi ngày nhìn thấy nàng là hạnh phúc. Chiếc áo đầm màu đen có thêu ren mềm dưới gấu gây cho người nhìn có cảm giác nàng đang mặc áo ngủ ra đường. Hai sợi dây nhỏ rưng rưng trên hai nhánh vai mảnh mai như hờ hững níu kéo mọi vải vóc trên thân thể khi nàng chuyển động. Nhìn nàng phía sau, tôi thấy thán phục cho những đấng sinh thành nào đó đã tạo ra hình hài tuyệt mỹ của nàng.
“Quách Tỉnh chào Sơn đi”. Nàng nhìn về phía một người đàn ông âu sầu ngồi trước sopha. Ly rượu màu đỏ đang uống dang dở. Sơn nhìn tôi quan sát không nói một lời.
“Chào anh”. Tôi ấp úng. Sơn khoát tay và thuận tiện kéo chai rượu gần đó và rót thêm trong ly mình. Màu rượu đỏ sậm sáng lên khi Ngải Hương mở thêm ngọn đèn trong phòng khách. Câu nói đầu tiên mà tôi nghe được chiều hôm đó, từ miệng Sơn, nghe như được ủ bằng mùi khói thuốc và bia bọt trộn lẫn:
“Cậu uống được rượu không?”.
“Lúc còn ở Việt Nam tôi có uống, nhưng không phải rượu “cao cấp”.
Tôi vẫn chưa cảm giác được thoải mái khi đứng trước mặt người đàn ông mà lúc ngồi trên xe, Ngải Hương nói là sẽ đưa tôi về gặp Boss ”.
Sơn khoảng 35- 36 tuổi. Hoặc hơn kém chút đỉnh. Bàn tay dài và những móng được cắt cẩn thận. Chiếc áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần jeans xanh, đơn giản như một gả học trò đang ngồi trong thư viện. Nhưng ánh mắt gây cho người nhìn sự e dè. Nếu không muốn nói là xa vắng thiện cảm.
“Cậu sẽ làm việc gì ở đây? Có ai nói cho cậu biết chưa?
“Chị Ngải Hương có nói sơ cho tôi biết”. Tôi trả lời
“Tốt”.
Tôi theo Ngải Hương đến phòng ngủ của tôi. Căn nhà nhiều phòng có cửa đóng kín đến nổi tôi không nhớ hết những nơi tôi đi qua. Chỗ của tôi là một căn phòng rộng không có bàn ghế, cũng không có giường. Nền nhà được lát bằng gỗ đánh vẹt ni. Trên đó là những chiếc nệm dùng làm chỗ ngã lưng có phủ drap màu được xếp ngay ngắn. Có tất cả 5 chiếc. Chúng được đặt hai bên chừa một lối đi ở giữa. Bốn chiếc kia đã có mền gối và một ít đồ đạc lỉnh kỉnh, chỉ còn một chiếc bỏ trống, tôi nghĩ dành cho tôi.
Phòng vệ sinh gần bên cửa ra vào. Không có TV. Không có tranh ảnh treo tường. Cũng không một âm thanh nào rớt xuống để gây cho ngưòi ta cảm giác đang sống giữa lòng đô thị.
Chiều xuống bên ngoài. Những cây sồi oằn oại nhìn xuống bờ cỏ xanh mơ màng. Ngải Hương đi khỏi chỉ còn mình tôi trong phòng. Tôi nhìn xuống chiếc túi xách bụi đời dưới chân và ngả lưng xuống nệm. Hi vọng ngủ một giấc nhưng không được. Đầu óc rối bời nghĩ đến ngày mai và công việc lạ lẫm trong một xứ sở cũng lạ lẫm vô cùng.
Tháng mười năm ngoái tôi còn ở bên Anh. Một tổ chức nào đó giới thiệu tôi làm việc cho một trang trại vùng North Wales. Tiền công cuối tuần được khấu trừ vào những chi phí như tiền trọ phòng, tiền ăn uống, tiền hối lộ làm giấy tờ để qua mặt cảnh sát. Dĩ nhiên những giấy tờ đó đều giả mạo. Thời gian cơ cực nhất phải nói là thời gian sống ở Trung Quốc. Vì nơi đây là trạm khởi đầu để nhập cư lậu qua các nước Âu Châu nên những nhu cầu cần thiết cá nhân đều bị hạn chế. Những người cầm đầu tổ chức cấm chúng tôi không được ló mặt ra khỏi phòng. Việc ăn uống, vệ sinh cũng bị hạn chế để tránh sự dòm ngó của người địa phương. Thời gian này chỉ kéo dài hơn một tuần lễ, nhưng cũng đủ làm suy sụp tinh thần của tôi.
Thoạt tiên, người trưởng nhóm nói tôi sẽ được học nghề trong một nhà hàng. Nhưng thật ra khi về vùng Zabki, ngoại ô Warsaw ở Balan, tôi được dạy cách trồng trọt duy nhứt những bụi cây có hình dáng giống như cây ngò gai, hay cây tần ô, nhưng có lá dài hơn, óng ả. Nhiệm vụ của tôi lúc đó còn thêm việc canh giờ bật điện khoảng sau 10 giờ đêm và trộn hóa chất với nước để tưới cho cây. Sau này tôi biết nguồn điện “câu lậu” từ cột điện cao thế bên ngoài. Người làm công của nhóm này sẽ không biết công việc của nhóm kia. Họ ở trong các phòng riêng và nhiều khi không biết hết tên tuổi của nhau. Mỗi 3 tháng một lần có xe tải đến chở những bao lá sấy khô đem đi nơi khác.
Nơi trú ngụ cuối cùng của tôi ở Âu Châu là Canada. Ngải Hương đã bốc tôi ra khỏi nơi đó, giống như bốc một món hàng… Một chi nhánh trồng trọt của Sơn tại Austin đang cần một người Việt Nam có tay nghề và có kinh nghiệm “đụng chạm”. Nàng tìm đến tôi.
Mãi sau này, tôi mới biết tôi đang làm việc cho một tổ chức chuyên trồng cần sa. Những nhánh lá ngoài vườn và trong các chậu treo trên tầng trệt của ngôi nhà 7 phòng mà người đời gọi là những lá cây quyến rũ. Nó có khả năng làm rực rở và ngời sáng một ước mơ, nhưng đồng thời giết chết từng thanh xuân lần mòn. Trên mỗi cánh lá mơn mởn kia, tình yêu và đời sống đan vào nhau rất dịu dàng, rất thân mật, nhưng cũng chua xót bầm vập biêt bao.
Đã có những ngày mưa dầm trên Phố Đá Tròn.
Sơn và Ngải Hương không còn hiện diện tại đây. Họ phải về Canada một ít lâu. Tôi tiếp tục làm những công việc mà người ta đã dạy tôi. Buổi sáng tôi tưới những cây ngoài vườn bằng xe có vòi nước lưu động. Ban đêm, khi hơi nóng mặt trời dịu xuống, tôi dùng bình xịt nước tưới những chậu treo trên cao. Bình xịt nước có hai chạt dây, tôi mang nó sau lưng và đi qua dãy hành lang mờ tối. Ánh sáng hiu hắt dội xuống những tia nước như giống như những nhánh tay đời muốn đụng tới bình minh. Khi mỗi cuối đường là bất trắc?
Căn nhà rộng mênh mông. Người chủ nhà trước kia đã chia những phòng thànhcác khu tách biệt. Bây giờ khi Sơn về làm chủ, có thêm hệ thống thông gió xuyên qua mái, và hệ thống điện và nước cũng được lắp đặt lại. Những bóng điện công suất cao- mà chúng tôi gọi là đèn mặt trời- có công dụng làm cho hành lang ấm lại vào mùa đông và mát vào mùa hè. Có một người đàn ông gọi là Chú Ba, sẽ phụ trách phần này. Hắn ít nói và biểu lộ sự thân thiêt vừa phải với người chung quanh. Những phòng ngủ cũng được tận dụng tối đa để trồng trọt. Tôi đếm có tất cả 500 chậu. Còn ngoài sân khoảng 250 bụi cây. Ngoài ra trong nhà kho còn những hộp vuông đựng hạt.
Từng buổi chiềucô đơn nhìn ra khu vườn bên ngoài, tôi không còn ý niệm về thời gian. Không gian cũng không gợi trong tôi điều gì, ngoài những vạt cỏ mông lung. Ngôi nhà, như một thế giới khép kín. Đường phố lơ đảng tiếng kèn xe như vọng về từ một xứ sở nào khác. Tôi nhớ nhà vô cùng. Nhớ những bờ đường trượt mình dưới những cơn mưa như tuổi thơ tôi hối hả. Mùa nầy Hà Nội sắp tết. Chắc nơi đó giờ này là buổi sáng mai đang có gió làm sạch mặt đường. Có còn không những cơn bão bịn rịn bay qua bến chợ, làm tê điếng một khúc sông Hồng?
Sau một mùa thu hoạch, tôi được tăng phái qua khu vực sưởi. Nơi đây, những lá cây được cắt từ sân vườn sẽ được bỏ trong lò sấy hiện đại để làm khô. Sau đó được xếp vào bao tải. Đến phiên người tái xế sẽ đem đi ra khỏi đây.
Mùa đông, gió rít ngoài cửa kính. Những âm thanh sôi nổi va chạm vào nhau như tiếng chân đời đi vội vã. Một buổi chiều tôi nghe tiếng xe của Ngải Hương trở về. Không có Sơn bên cạnh. “Có gì lạ không, Quách Tỉnh?”. Nàng hỏi. Tôi lắc đầu. Câu nói rơi xuống chiều lặng lẽ. Cùng tia nhìn nặng trĩu một ân cần. Chính vì vậy làm tôi cảm giác mình nhỏ nhoi trước nàng.Dầu gì tháng mười vừa rồi, tôi đã là một thanh niên 25 tuổi.
Ngải Hương đứng trên bậc thang dẫn lên tầng trệt. Qua vai nàng, những nhánh lá xanh um phủ kín thành chậu. Có tiếng gì không rõ như tiếng một trái khô vừa rơi xuống lòng suối nhân tạo chảy qua hòn non bộ. Cũng vừa lúc tôi bắt gặp nỗi im lặng đáng sợ của lòng.
Ngải Hương đem mùa xuân về trả lại cho Phố Đá Tròn. Cùng sự hồi sinh của cây cỏ làm đầm đìa ký ức. Mảnh vườn vắng nàng bấy lâu đã từng im thít tiếng chim. Tôi đi qua những căn phòng hình như thấy rộng hơn và vấp trên những nỗi buồn ngang dọc. Nàng trở lại, thanh thoát và nhỏ nhắn lạ lùng. Phố chiều nay có mùa đông rất lạ. Sương mù thổi về như sông lạnh. Bộ đồ nàng mặc màu trắng như một vệt khói bay qua một góc đời nào đó. Không có nhân quả, cũng không có khổ đau. Giống như một đứa trẻ mang trong lòng sự dỗi hờn, tôi muốn Ngải Hương phải nói một điều gì đó, về nàng. Nhưng nàng đã như một cơn gió đêm rơi thầm trên mái ngói, xa lạ và kéo theo những rét mướt vô tình.
Nàng không ra khỏi phòng, cho đến một đêm, nàng nói với tôi:
“Mình đi xuống phố. Sơn vừa gọi chúng ta.”
Chúng tôi đi qua những giao lộ sầm uất ánh điện và xe cộ vụt qua như thể đời sống hối hả khôn cùng. Những cửa tiệm chất chứa mọi lạc thú của đêm và che dấu mọi bất trắc đàng sau những ngã tư sũng gió. Càng về hướng phố, đường xá càng hẹp và xe chạy chậm hơn. Những tòa cao ốc khi gần khi xa làm choáng váng tầm nhìn của gả con trai quê mùa là tôi. Đi qua một tòa nhà có mái vòm lộng lẫy cùng những thân cột bề thế không biết hàng bao nhiêu năm nắng mưa mới làm suy siểng, nàng nói:”Tòa Capitol. Nơi mấy ông lớn làm việc”. Nàng giải thích như vậy và sợ tôi không hiểu, nàng tiếp:”Tòa nhà nầy xây giống theo hình thức của điện Capitol tại Washington D.C, nơi làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ, nhưng kích thước nhỏ hơn”.
Xe rẻ vào một chỗ đậu xe có đóng tiền. Tôi đi theo Ngải Hương trong lòng đêm phơi phới. Những đêm đẹp như thế này mà không có ai bên cạnh sẽ là điều buồn nhất. Chúng tôi đi trên vĩa hè lát đá mỏng vuông vức vẫn còn hơi lạnh như thể mùa đông không bao giờ bay biến. Những dòng xe xuôi ngược bên lối đi, dưới những ngọn đèn đường co ro, rồi mất tăm không biết về đâu. Những băng ghế chờ xe buýt lác đác vài khách bộ hành. Họ thủ kín thân thể trong hai ba lớp áo quần chỉ chừa lại khuôn mặt.
Mùa đông không chỉ là lạnh giá, mà còn có thêm nỗi buồn. Tôi nghĩ về những cơm áo níu chân tôi mỗi ngày khiến từng giấc mơ bay qua đời không đậu xuống. Hay nếu có, thì rất ngắn ngủi. Như những đường chỉ tay cạn trong bàn tay thô ráp.
Chỗ mà Ngải Hương ghé vào là một quán rượu nằm bên đường số 8. “Sơn có công việc ở đây”. Nàng nói, vẫn không dừng những bước chân thoăn thoắt. Mặt trước phòng dùng để bán bia rượu cùng những thứ giải khát. Có những cô tiếp viên phục vụ mặc đồ nửa kín nửa hở mang khay đựng thức uống bằng một tay, còn tay kia cầm tiền thối lại của khách. Miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa. Nhưng coi chừng, đàng sau những nụ cười tê điếng đó là những lưỡi lam cứa đứt ví tiền của bạn như chơi. Tiếng nhạc giống như tra tấn lỗ tai người ngồi quanh quẩn nơi mấy chiếc bàn tròn có phủ drap màu bọt đô. Những chậu hoa trong lọ phơi bày sự mời mọc hớn hở. Tất cả đều trở thành cuồng si nếu chúng ta dừng đâu đó và ngồi xuống. Nhưng Ngải Hương vẫn tiếp tục đi qua chỗ náo nhiệt để vào bên trong. Nàng có vẽ quen thuộc và thành thạo một nơi chốn mà không phải bất cứ ai cũng có thể bình thản tham dự. Tôi líu ríu và khổ sở đi theo Ngải Hương. Những đôi mắt không che dấu nhục cảm nhìn theo lưng nàng và tôi biết tôi phải che chở cho nàng tới nơi tới chốn. Dù đến tận cùng trời, cuối đất. Càng vào sâu, ánh sáng càng giảm cường độ, cho đến khi chúng tôi lọt hết vào trong một cánh cửa màu đen như trong một cửa hàng bán quan tài thì tôi vừa thấy Sơn.
Hắn không ngồi một mình mà bên cạnh đó có hai thanh niên trắng trẻo. Chiếc áo quấn trên người họ tượng trưng cho một xã hội khao khát những nghịch lý và không bình thường. Bộ đồ được trau chuốt bằng một thứ vải vóc giống như “sa teng” hay một loại hàng nào đó giống như vậy. Tôi không có khả năng phán đoán người đối diện, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết họ là hai người đồng tính- một hạng người mới đang thao túng những góc phố đèn màu của Hà Nội- Sàigòn. Ngọn điện trên trần dọi ánh sáng không đủ xuống những màu sắc hổn hển không cần dấu diếm, che đậy. Sơn thấy chúng tôi nhưng dường như quá bận bịu hay vì quá chén mà không thể đứng lên. Một cánh cửa ăn thông một căn phòng khác mà lúc mới đặt chân vào tôi thấy có giường nệm hẳn hoi. (Một tủ lạnh và một chiếc truyền hình đang dội ánh sáng lướt thướt xuống nền gạch). Mùi mỹ phẩm thoảng bay qua khứu giác khiến tôi nao lòng. Phải chi tôi được uống một chất cay nào đó lúc nầy để giữ bao tử khỏi bị cồn cào, nôn mửa…
Ngải Hương đến sau lưng Sơn. Hai cánh tay trắng muốt của nàng choàng qua vai hắn. Nàng hơi cúi xuống để nói nhỏ với Sơn điều gì đó và chính vì vậy tôi thấy hai gò ngực của nàng phập phòng. Nó mơn trớn và ngỡ ngàng như hai phiến băng lạnh trôi giạt giữa hai bờ yên tịnh của đời. Còn đôi môi màu phượng nửa. Nó vừa cuốn hút, nhưng cũng vừa quay lưng với mọi trần tục bất an. Hơn lúc nào hết, tôi thù ghét cái không khí dung chứa mọi ước lệ về đời trong đó sự kiêu hảnh, sự đè nén đan vào nhau trở thành kỳ hoặc. Cuộc đời bí hiểm hay cuộc đời phơi bày ra những giản đơn, những dung tục? Tôi muốn rời khỏi phòng để ra ngoài trong giây lát, cũng là lúc Sơn đứng lên để rồi té xuống giữa bốn cánh tay dịu dàng của hai gả con trai. Họ xoắn vào nhau và cuối cùng biến mất nhanh chóng vào căn phòng có chiếc truyền hình đang chớp nháy.
Một gã khác hiện ra tôi không nhớ từ lúc nào. Hắn giống như từ dưới đất nhô lên và khi tôi kịp hình dung ra sự vô lại toát ra từ thân hình vạm vỡ của hắn thì hắn đã đẩy Ngải Hương ngả xuống chiếc bàn- mới vừa sắp sẳn những dấu tích hoan lạc- Sự kinh ngạc to tát khiến nàng không thốt kịp lên thành lời. Nhưng tôi đã kịp biết mình phải làm gì. Những ngày u uất trong nông trại không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Những đêm mưa ngày mưa chôn chặt quá khứ tôi xuống thửa đất mong manh nhưng chứa quá nhiều bí mật. Và trên hết là một tình yêu cho đi mà không chờ đợi lấy về. Tôi không biết tôi có thể yêu được nàng hay không, nhưng tôi biết giấc mơ của tôi dù thơm và ngậm đầy những khuyết tật chồng chềnh, nhưng không phải vì vậy mà tôi để yên cho bất cứ ai xâm phạm đến nàng. Tôi lao tới bằng tốc độ của một ngôi sao băng và một trái tim rét mướt hận thù. Tôi nhớ đến gã “đại hán” Trung Quốc mà tôi có lần đụng chạm ở Hà Nội. Tôi ngạc nhiên về sự trầm tỉnh của mình khi bàn tay trái của tôi vổ mạnh vào màng tang của hắn. Hắn quay lại và chưa kịp phán đoán ra điều gì thì tôi đã nhập sát vào người hắn đồng thời khủy tay tôi giật ngang. Tôi nghe hình như có tiếng xương vừa gẫy vụn- hay một tiếng gì tương tợ, cùng lúc thân hình đồ sộ ngã xuống. Tôi kéo Ngải Hương không cần biết nàng có ưng thuận hay không. Nàng ngoái nhìn lại phía sau. Bàn tay rung và đậm đặc nỗi sợ hãi. Chúng tôi tìm ra được bãi đậu xe và chiếc Lexus của nàng vẫn nằm yên như mê ngủ. Sương sớm đọng trên những chụp đèn còn cháy muộn bên đường. Phải một lúc lâu, Ngải Hương mới rồ được máy xe. Bảng chỉ đường nhòe nhoẹt hướng về Phố Đá Tròn…
“Như vậy là Quách Tỉnh đã biết về Sơn”. Trong đêm bao la của tháng chạp, tôi nhủ lòng phải chi mình đừng rời bỏ Hà Nội. Quá khứ cũ kỷ đến nỗi từng chiếc lá khô và những đường gân trên đó cũng cộm lên nỗi đắm say khi vạt gió vụt về. Khi những trận mưa đêm ngấu nghiến lòng đường thô ráp. Những chuyện hôm nào đã trở thành cổ tích.
Tôi đã biết về Sơn cũng như biết Ngải Hương không hề là người tình của hắn.“Em kết hợp với Sơn trong ý nghĩa hai bên cùng có lợi. Em muốn ra khỏi Canada trong khi Sơn cần nhan sắc em để thu phục những nhân viên có tay nghề về với Sơn. Anh đừng giận”. Nàng buồn rầu. Những ngón tay của nàng vuốt nhẹ trên gò má tôi thay cho lời tạ lỗi. “Thoạt tiên, em cũng nghĩ về anh như vậy. Nhưng càng về lâu, em không tìm ra lý do để lợi dụng anh”. Anh hiền lành và có cá tính không như những nhân viên khác”.
Tôi muốn nói lời cảm ơn với nàng, nhưng vụng về làm sao.
“Nhưng có một điều mà em không hề biết. Là giữa em và Sơn, người thiệt hai nhiều nhất là em chớ không phải Sơn. Em đã mất phương hướng và mất cả đường về. Ngoài việc trực tiếp tham dự vào một tổ chức tội ác mà không một tòa án nào có thể giảm khinh, bản thân em còn vướng vào một tòa án khác. Đó là nghiện ngập. Mỗi ngày đi qua những cành nhánh quyến rũ kia, em đã không thể không mũi lòng trước mùi thơm của nó. Cho đến khi biết nó trở nên một phần xương thịt, máu huyết của em thì đã muộn. Em không thể cưỡng lại lời thầm thì của mụ phù thủy mang tên phù dung trong vườn. Chính cái tên Ngải Hương là do em tự đặt…”
Căn phòng dùng làm nơi sống chung của Ngải Hương và Sơn là một căn phòng riêng quay ra phía sân trước. Đêm qua Sơn không về. Có thể Sơn sẽ không về một thời gian vì có nhiều điều tránh né.
Buổi sáng có tiếng chim thả những lời mật ngọt qua vườn. Ánh sáng mặt trời e ấp trong sương lạnh giống như tia nhìn của nàng. Tôi thấy nàng thanh khiết và tội nghiệp dù nàng vẫn thao thao bất tuyệt nói về mình. Làm như giông bão đã từng thổi qua vai ai chớ không phải qua vai nàng. Làm như những giọt cường toan vừa ngấu nghiến thanh xuân của ai kia chớ không phải ngấu nghiến thanh xuân nàng.
Tôi hôn nàng và nghe tiếng thầm thì đau điếng từ căp môi run. Những thiên đưòng cũng lệch cong trên gối chăn tơi bời. Tôi vào bên trong nàng. Sâu. Và chậm rãi.

Thay cho lời kết,

Có những dòng sông đau lòng vì sông cô độc.
Tôi đang là dòng sông như vậy khi cả hai bờ đều lở.
Khi tôi rời Hà Nội, tôi không có một tình yêu. Khi tôi rời Phố Đá Tròn thì tình yêu đã trở thành một quá khứ. Tôi nghĩ mình sẽ bỏ căn nhà nơi vùng Round Rock để đi đến một nơi nào khác làm lại từ đầu. Hàng cây phong trần bụi bậm không giữ được gió để chúng tản lạc chốn nào. Những luồng xe ngoài Freeway chở chiều trên lưng đi về vội vã.
Ngải Hương không còn trong cõi đời này. Tôi đau lòng để nói ra điều này.
Tôi chỉ là một gã đàn ông chân quê trước cuộc đời tẻ lạnh, Không nghề nghiệp, cũng không tàì năng. Ngay cả việc làm cũng không biết rõ mục đích. Bỗng một ngày Ngải Hương đi qua. Đôi bàn chân có những ngón đài các làm tỉnh ngủ đất đai và kinh động mùa màng. Và tôi như một dòng sông mất hồn không tìm thấy biển.
Những cành hương ngải thơ ấu lớn lên rưng rưng theo thời tiết tháng năm, giống như những chàng trai, những cô gái vào đời. Họ theo gió sớm mưa khuya bay qua những miền dâu bể. Nhưng Ngải Hương thì khác.
Khi tôi hôn lên khoảng ngực trần của nàng và đôi vai ngang mầu nhiệm kia, tôi biết thân thể nàng gầy đến nỗi nếu chỉ một cử động hay một hơi thở mạnh sẽ làm cho nàng gẫy đỗ.
Dưới hàng khuy che chắn mùi ngực non, ngón tay nàng lạnh không kém mùa đông bên ngoài. Câu chuyện tình yêu nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng môi miệng. Những vọng âm và ngụy ngữ không cần thốt nên thành lời. Chỉ có da thịt cồn cào tiếng thầm thì hạnh phúc.
Bây giờ tôi đã biết, mùi vị của những cây ngải hương đã tác hại lên từng giấc mơ của tôi. Rõ ràng và mãnh liệt.
Chẳng ai có thể thay thế nàng. Giống như một cánh cửa vừa mở ra, đã khép, tôi bất lực nhìn Ngải Hương đi ra khỏi đời.
Không có gì khác hơn một khu vườn cuối mùa thu hoạch, những nhánh lá đổi màu xanh thành màu cỏ úa, trong rét mướt của chiều có con chim về lót tổ. Tiếng hót mang giai điệu tủi hờn.
Ở bên ngoài tịnh yên, tôi đã chọn cho mình chỗ đứng. Như một chuyến xe vừa đãi lọc những chặng đường, tôi đã vừa từ bỏ những quá khứ lấp lóa đèn màu để đi vào ngỏ cụt.
Ngay chổ tôi ngồi, thửa đất phủ kín một phần thân thể của Ngải Hương. Thời gian cuốn phăng những điều nghịch lý giống như mưa thấm sâu vào vùng đất thấp. Mùa xuân ngọt ngào sẽ qua đây sáng mai, nhưng căn phòng có cửa sổ nhìn ra sân trước của khu vườn sẽ đóng lại vĩnh viễn. Từng cơn gió tạt qua đó như nỗi nhớ. Không còn ai để gọi tôi là Quách Tỉnh nửa đâu.
Tôi không biết chứng bệnh quái ác hay một cơn phấn khích đột ngột nào đó lấy đi cuộc sống của Ngải Hương. Nhưng bác sĩ ở bệnh viện đã chạy chữa hết cách và trong một tình huống chẳng đặng đừng, họ đã yêu cầu thân nhân đồng ý cho nhân viên bệnh viện rút dây chuyền dưởng khí ra khỏi nàng.
Sơn là người duy nhất có mặt để lo liệu thủ tục. Đám tang vội vàng vì theo hắn nếu kéo dài sẽ kéo theo những rắc rối ngoài ý muốn.
Buổi chiều Sơn đem về từ nhà quàng hủ đựng hài cốt có ghi tên Ngải Hương bên ngoài. “Cậu tìm cách bảo quản hay tìm một nơi nào đó, trong vườn để gởi gắm chị cậu… Gọn gàng nhưng đừng sơ sài quá”…
Giọng nói vẫn lạnh lùng như của một người chưa hề biết qua những tình yêu hay lòng nhân ái.
Tôi dùng những dụng cụ làm vườn để chôn Ngải Hương dưới một thửa đất, cách xa những gốc cây cần sa … Không xa lắm đủ để tôi nhận ra cuộc đời không mênh mông dễ sợ như tôi nghĩ. Cuộc đời vẫn thừa mứa hoan lạc lẫn khổ đau. Cây thánh giá cắm trên đó như một dấu tích điêu linh và mỗi ngày rét mướt đi qua sẽ lau khô dùm nàng những phiền tục hớn hở.
Khi cảnh sát ập đến ngôi nhà này hồi tháng trước- nghĩa là sau Tết Việt Nam vài ngày, tôi đang ở nhà một mình. Sơn và những người khác không ai có mặt.
Họ lấy khẩu cung tôi nhiều ngày nhưng sau cùng biết tôi chỉ là người làm công, không phải là người điều hành nên giam giữ tôi tại phòng giam của quận hạt, chờ ngày ra tòa. Và nếu xét thấy có tội, tôi sẽ bị tù một thời gian. Sau hạn tù, tôi sẽ bị trục xuất về nơi chốn mà tôi đã ra đi. Đó là Hà Nội, Việt Nam. Tôi sẽ gặp lại Hà Mô Phạm.
Tôi không buồn. Chỉ thấy đau lòng không biết ngôi nhà từng ghi dấu kỷ niệm giữa tôi và Ngải Hương sẽ trở nên thế nào. Và một nơi chốn vừa ghi xuống một tình yêu đầu đời.
Có những điều mà con tim muộn màng đập lên khi bàn tay đã rời hơi ấm. Và nỗi cô đơn chật kín khúc sông đời mông mênh. Tôi đi qua những tháng năm dài được gối đầu trên đôi vai trần thanh khiết của Ngải Hương. Và hơi thở thơm mùi nha phiến của nàng tỏa ra mỏng mềm hơn sóng áo.
Đó là một kinh nghiệm non yếu nhưng rền rĩ từng lời khản thiết gối chăn.
Những luồng xe mất hút bên kia đường chiều mịt mùng. Bóng cây dâu cô độc nơi đó vẫn còn cho những nụ hoa. Còn tôi? Phải mất bao nhiêu lâu để trưởng thành? Để không còn trượt chân ngã sóng soài lên một quá khứ?


Tháng hai, năm 2011
Phạm Ngũ Yên