Người đàn bà còn trẻ lắm, khó đoán tuổi. 20 hay 30? Gái quê
mà được cái may mắn không quá lam lũ, cực nhọc, sẽ kéo dài thời son trẻ. Không
phấn son, không se sua, không chưng diện, hiền khô, dịu dàng, trong veo. Gái
một con trông mòn con mắt.
Cô ta ngồi trên chiếc phản gỗ gõ đen nhánh, láng lẩy, tay
róc cau lảy lảy. Thật nhanh và cũng thật đều đặn, như cái máy. Cách chiếc phản
vài ba bước, người đàn ông, chồng, ở trần, mặc quần xà lỏn, đứng cầm tao nôi ru
em. Em bé chưa đầy năm nằm trong chiếc nôi đan bằng tre, mây. Trời nóng, đứa bé
vẫn được đắp kín nửa người bằng một chiếc khăn lông ố màu. Nó mở mắt nhìn trần
thao láo, tay chân đạp chọi liên tục, miệng nút cái nấm vú của bầu sữa đã cạn
phát ra những tiếng chùn chụt. Khi không nút nấm vú, nó gù gù trong cổ họng
nghe như tiếng chim cu gáy xa xa.
“Ngủ đi, ngủ đi, thằng chó.” Anh chồng có vẻ sốt ruột. “Tau
còn phải cho heo ăn.”
Hai con heo trong chuồng nghe thấy thế, liền ré lên điếc
tai, điếc óc. Chị vợ dịu dàng nhìn chồng, lẩm bẩm:
“Tứng từng. Noái khôn phải noái, hay thiệc. Ba hắng noái chữ
nữa đi nghe.”
Chuồng heo nằm kế nhà bếp trong đó hai con heo một ốm một mập
đang chạy lui chạy tới, đuôi xoắn tít, mỏ dướng lên cao, tru tréo đòi ăn. Đó là
giống heo cỏ lông trắng, có vài miếng vá màu đen trên lưng, trên mông. Hai con
heo cùng một lứa. Lúc mới mua về nuôi, chúng lớn bằng nhau, còn bé bỏng lắm, bụng
cũng chưa phệ. Chỉ sau mấy tháng, một con lớn xổi, lớn gấp hai lần con kia nhờ
tạp ăn. Cũng cùng được ăn uống chung một máng, thức ăn là thân cây chuối xắt mỏng
hoặc rong, bèo, trộn với cám, nấu lên cho nóng. Đó là món ăn chính. Món ăn phụ
thì hằm bà lằng. Bỏ cái gì khác vô thêm, chúng càng hoan nghênh. Vỏ trứng, vỏ
tôm, vỏ cua, vỏ chuối, vỏ khoai, xương cá, chột nưa, ... Một con táp táp xộc xộc,
nuốt ột ột, vừa ăn vừa đưa vai, đưa bụng lấn con kia, mà con kia thì cứ chúi mỏ
vào máng nút nước, bỏ cái. Anh chồng hai ba lần kêu người tới bán con heo kén
ăn, chẳng ai thèm mua. Không lẽ bắt làm thịt, đành phải nuôi tiếp. Mà cũng nhờ
có nó, con kia càng giành ăn, càng mau lớn.
Để có phân bón, chuồng heo được trải một lớp rơm, rạ, lá chuối
khô, vài mo cau, khá dày, trên đó hai con heo tha hồ lăn lộn, ngủ nghê, ỉa,
đái. Dơ dáy. Mùi hôi hám quen thuộc lẩn vẩnđây đó suốt ngày đêm. Thiếu cái mùi
đặc biệt đó, chắc chắn hai con heo nhớ, mà chủ nó cũng nhớ. Sau một thời gian,
lớp rơm rạ ấy biến thành phân đủ ngoai, thì được dọn sạch, mang ra vườn sau, chất
thành một đống, chờ dịp bón vườn cau. Lớp rơm rạ mới được thay vào, sạch sẽ,
thơm tho. Heo vui mừng, hớn hở hẳn lên, đuôi ngoắt tíu tít, miệng kêu éc éc.
Bên trên chuồng heo là một giàn tre cho gà ngủ ban đêm. Mái
tranh sơ sài, không rào kín chung quanh. Có khi nửa khuya gà kêu toáng loạn.
Anh chồng lồm cồm bò dậy, chạy nhanh tới. Sạt một tiếng, một con chồn phóng ra
khỏi chuồng gà. Con chó nhà chạy đuổi theo một đoạn. Con chồn biến mất trong
lùm cây đen. Con chó thị uy gâu gâu thêm mấy tiếng trước khi theo chủ vô
nhà.
Một mệ gà đang ấp trứng trong ổ rơm, ngày nào cũng được chị
vợ cho ăn lúa xép, bắp hột, cơm cháy. Thỉnh thoảng vảy cá, ruột cá. Chị cẩn thận
đặt bên cạnh ống tre chẻ làm đôi dùng để đựng đồ ăn một cái gáo dừa nhỏ chứa nước
uống. Con gà mệ tuy thế cũng đôi lúc rời ổ nhảy ra khỏi chuồng, xuống sân, ra
vườn, nhón chân, vươn mình, đập cánh, rồi liếc mắt nhìn trời, trước khi chúi đầu
xuống đất tìm thêm vài thức ăn lạ. Bụng còn đói chắc, hay thèm ngọn cỏ non, chiếc
lá rau, con sâu, con trùn. Rồi rùng mình cho thoải mái, quay mỏ rúc vô nách rỉa
lông, rỉa cánh, rồi vội vã nhảy lên chuồng ấp trứng tiếp. Nó chăm ấp trứng đến
rạc cả người. Nó đã đẻ và ấp nhiều lứa trứng rồi, con của nó cũng đã đẻ, đã ấp,
nên nó được gọi là gà mệ, hay mệ gà. Mệ là mẹ của mẹ. Ôn là ba của ba. Lông hơi
xơ xác, mồng không còn đỏ tươi, thân hình có phần còm cõi.
Những con gà mái khác đi theo con gà trống đầu đàn kiếm ăn từ
sáng sớm cho đến khi tắt mặt trời mới mò về chuồng. Mò? Đúng. Ham kiếm ăn cả
ngày hết vườn nhà qua vườn hàng xóm gần, hàng xóm xa. Vịt còn có khi vui chơi,
thư giãn, gà luôn luôn bận bịu vì miếng ăn. Cho đến chạng vạng, gà mới mò về ,
mắt không quen cái cảnh tượng tranh tối tranh sáng, nhớn nhác, cái đầu thụt vô
thò ra, hai chân bước thấp bước cao, tìm chuồng.
Gà chỉ được chị vợ cho ăn một lần trong ngày, ít thôi. “Cơm
mô cho đầy miệng chó, ló mô cho đầy miệng gà.” Khoảng xế trưa, chị
nách một trẹt lúa xép, bắp mọt, sắn chang băm nhỏ, ra đứng giữa sân, tay thì bốc
từng nạm thức ăn đó vãi ra quanh mình, miệng chu lại hô to “cu ... cu, cúc ...
cúc, cu ... cu ... cù ... cù ... cù...” Thế là gà ào ào tuôn về. Có con vừa chạy
vừa đập cánh để gia tăng tốc độ. Thỉnh thoảng có con bay bổng lên khỏi mặt đất.
Những con khác thấy thế tỏ vẻ khâm phục hay sợ sệt cũng nên, sợ bọn ấy vừa hóa
phép biến thành diều hâu chăng, vội ngừng chạy, thu mình nép xuống đất, miệng
rú lên những tiếng kêu nho nhỏ “báo động cho đồng đội.”
Mấy đàn chim sẻ từ những bụi hóp, cây khế, cây nhãn quanh
nhà cũng bay tới, nhưng chỉ mon men nhảy chóc chóc xa xa. Chúng không dám chen
chân với đám gà hung dữ. Chỉ một thoáng, đồ ăn hết nhẵn. Tuy thế, con gà trống
đầu đàn cũng giở trò nịnh đầm, bươi móc đâu ra được vài ba hột lúa, hột bắp, mổ
lấy mà không nuốt vô bụng, trái lại lên giọng kêu gọi những con gà mái, gà tơ đến,
rồi nhả thức ăn trong mỏ ra mời mọc, rồi sè một bên cánh, nghiêng người quay
quanh một con gà mái nào nhanh chân tới trước. Cái kiểu sè cánh chạy quay quay
trông chẳng khác một chàng đấu bò Tây Ban Nha hai tay dương tấm vải đỏ vờn vờn
trước đầu con bò tót. Nhưng con gà trống có mục đích khác. Nó muốn xâm phạm tiết
hạnh của con gà tơ đấy mà. Con gà mái tơ chỉ lạng mình một cái là tránh được
ngay, vội cúi đầu đưa mỏ “thốt, thốt” cái của ngon từ mỏ con gà trống, rồi chạy
đi nơi khác. Con gà trống lại giở cái trò đó với vài con gà mái khác, cũng công
toi. Hết sạch đồ ăn, đàn gà đứng chần chờ một chốc xem có được cho ăn thêm gì
không, rồi tản mác dần. Con gà trống bèn vỗ cánh, nhón chân, vươn cổ gáy một
tràng ăn mừng chiến công hụt, và đi mất dạng cùng với những con gà còn sót lại
cuối cùng.
Chị nhìn theo, thở dài. Chị có cái tật vui buồn thất thường,
bất chợt. Và nghĩ thầm trong bụng, Rứa là bầy gà lại đi bươi bươi, móc móc, kiếm
ăng suốc ngày khôn hở. Tội nghiệp lắm. Vịt sướng hơng. Có mệt thì co một chưng
đứng chơi ngó trời ngó đấc, hay hoặc mò xuống hoái kiếm tôm kiếm tép, hay hoặc
đi lệt bệt xuống ao bơi lội, ngụp lặng cho sướng cái đời. Mà mình lại là tuổi
coong gà, tuổi dậu. Đời mình về lâu về dài chắc là cũng khôn được thong dong.
Phải chi có tuổi con vịt. Cầu trời cho mình được dư ri cũng được cho tới khi về
với ôn mệ. Mà khi mô thì về với ôn mệ. Chợt nghĩ tới đó, chị rưng rưng nước mắt.
Tuy thế cái sân chưa vắng hẳn. Khi không còn một còn gà nào
nữa, mấy con chim sẻ bạo dạn nhảy cà tưng ra giữa sân nghiêng đầu nghe ngóng, mỏ
không ngớt chiêm chiếp đòi ăn. Quả nhiên, chỉ một chốc sau, chị thương tình trở
lại mang theo một dúm gạo trong lòng bàn tay, miệng không cu ... cu ... sợ gà
trở lui, vẫy nhẹ tay một cái. Đàn chim sẻ bay tới sà xuống trông giống những
“chiếc lá rụng nghiêng”, tung tăng mổ mổ.
Chị quay đi vô nhà bỗng dưng quên mọi ý nghĩ buồn rầu, lòng
nhẹ lâng lâng, miệng lẩm bẩm, Tứng từng, tứng từng. Hay thiệt.
Kế đến là nhà bếp. Gọi là nhà bếp nhưng đúng ra chỉ là cái
chái nhỏ, thấp, nơi đó có ba cái bếp lửa. Mỗi bếp gồm ba viên gạch đâu vào
nhau. Bếp thứ nhất dùng để nấu cơm; bếp thứ hai dùng để kho thức ăn, có khi
chiên, xào; bếp thứ ba dành cho nồi cám heo. Cơm nấu trong cái om đất, chụm bằng
lửa rơm, ăn mới ngon, trên cái bếp thứ nhất. Đồ ăn được nấu trong cái quánh
trên cái bếp giữa, như cá, thịt, canh, chụm bằng nè, hoặc nhánh cây khô. Bếp thứ
ba ngoài cùng dành cho nồi cám heo mới cần củi.
Anh nhiều lần kín đáo dòm vợ kho nấu. Chị một mình vừa nấu
cơm, vừa kho cá hoặc luộc rau, hoặc nấu canh, vừa coi chừng nồi cám heo. Hai
tay thoăn thoắt với đôi đũa trui, gạt tro lửa rơm ùn lên thành đống nơi bếp thứ
nhất; lấy ống tre thổi phù phù vào nồi cám heo cho lửa mau bắt ở bếp thứ ba; vớ
đôi đũa tre trở khúc cá cho vàng da và chín đều nơi bếp thứ hai. Canh chừng lửa
cho vừa vặn trong ba cái bếp cùng một lúc. Đặc biệt là bếp lửa rơm, trên đó cái
om cơm mau sôi, mau cạn. Nếu không khéo, cơm dưới cháy trên sống giữa nhão.
Khói lên ùn ùn làm cay hai con mắt của chị, và mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cái áo
cánh, và hai gò má đỏ dậy lên như hai cục than hồng. Anh chồng đứng xa nhìn vợ
nấu nướng, lim dim mắt, cười vu vơ.
Ngôi nhà tranh một gian hai chái. Gian giữa dành làm bàn thờ
tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chái bên phải bày một bộ ngựa gõ ít khi được dùng đến,
chái bên trái có một cái giường tre của hai vợ chồng. Bên trên nóc gian giữa,
là cái tra dùng để chứa các thứ lặt vặt như dao, rựa, xà beng, nông cụ, và một
cái bồ nhỏ đựng lúa. Cái tra cao. Mùa lụt nước vô nhà cũng không lên tới cái
tra, không lọt vô bồ lúa. Thẳng góc với chái trái là nhà ngang, trong đó có cái
phản nhỏ để ngồi róc cau, cái lò sấy cau, bộ bồ sề. Tiếp đến là chuồng heo, chuồng
gà, nhà bếp như đã nói. Bà con lối xóm hoặc người quen có tới chơi, thăm viếng,
cũng vô nhà ngang thay vì chái phải với bộ ngựa gõ.
Ngôi nhà nhìn xéo xuống con hói nhỏ, nhiều rong bèo. Đó là
nguồn thực phẩm vô tận của heo. Con hói cũng là nơi sinh hoạt khá tấp nập. Mấy
o con gái trong làng ngồi trên bến đá ven bờ hói giặt giũ, vo gạo, rửa chén đọi,
làm cá, chặt thịt. Lũ trẻ con đứng lom khom lẫn sau những bụi tre hay gốc dừa
câu cá rô, cá mại, cá cấn. Bọn con trai lớn hơn thì bơi lội bì bõm, hoặc nghịch
phá giữa dòng hói. Thỉnh thoảng, một ông già gầy gò đội nón lá rách tươm ngồi
co ro trên lá thuyền nhỏ bé hai tay cầm hai mái chèo tí hon ve vẫy lượn lên lượn
xuống con hói, cất rớ tôm, tép.
Hầu hết những gia đình trong cái xóm nhỏ đó đều làm nghề bửa
cau.
Riêng láng giềng bên trái của anh chị lại làm nghề khác. Nghề
xắt thuốc, bán thuốc. Chồng xắt thuốc. Vợ gói những lát thuốc lại thành nhiều
gói trong những miếng lá chuối tươi để thuốc dịu, hay vấn thuốc trong giấy quyến
thành điếu sâu kèn, hay sắp những lát thuốc được xắt mỏng hình tròn, hình méo
lên trên một cái nia nhỏ. Xong đem ra chợ Phổ bán. Dân làng, đàn ông cũng như
đàn bà, hầu hết đều hút thuốc vấn. Có khi họ hút không hết, hoặc muốn để dành,
thì phần thuốc lá còn lại được dán lên trên cột nhà, khung cửa. Những khi hết
thuốc, không kịp mua hay không có tiền để mua, họ lột mấy miếng thuốc trên cột
nhà, trên khung cửa, ngậm vô miệng, thắp lên hít được mấy hơi.
“Miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Có điếu thuốc, câu
chuyện đậm đà hơn. Nhiều khi cơn thèm nổi lên, không có ai để trò chuyện cũng
phì phà điếu thuốc cho đỡ buồn. Về sau đàn ông có hút thuốc Tây hai đầu tròn bằng
nhau. Mấy o rất bảo thủ, chỉ hút thuốc lá vấn sâu kèn. Không o nào dám hút thuốc
Tây, sợ bị coi là đồ con gái hư.
Việc xắt thuốc rất đơn sơ, ngộ nghĩnh. Trước hết lá thuốc.
Thường là lá thuốc Cẩm Lệ nổi tiếng, tức là thuốc trồng ở làng Cẩm Lệ, Quảng
Nam. Lá thuốc được phơi, phóng, ướp, rồi được cuốn tròn và chặt nối tiếp nhau
thành một cuộng dài khoảng một mét, đường kính khoảng hai phân tây, trông giống
như khúc lạp xưởng to, dài. Và khoanh lại thành khoanh tròn. Tiếp theo là cái
bàn xắt thuốc. Một bửng gỗ vuông mỗi bề khoảng hai gang tay, dày khoảng năm
phân tây, đặt thẳng góc với một cái bệ gỗ vững chắc bên dưới. Ở giữa bửng gỗ đó
có một cái lỗ hình tròn đường kính cũng khoảng hai phân tây. Lắp vào cái bệ và
sát cạnh với bửng gỗ là con dao sáng loáng hình bán nguyệt lớn hơn hai bàn tay
đâu lại. Con dao có hai cái cán ở hai đầu.
Có lẽ anh ta đã hành nghề xắt thuốc từ thuở bé. Anh ngồi
nghiêng người suốt ngày cạnh bàn xắt thuốc.. Trong khi bàn tay trái chỉ đẩy cuộn
thuốc qua cái lỗ tròn trên cái bửng, bàn chân trái kẹp chặt một đầu cán dao, kềm
chặt luôn cái bệ bên dưới, thì tay phải phải vận động nhiều và mạnh - cầm cứng
cán dao đầu kia, ép sát lưỡi dao vào bửng gỗ, dập xuống kéo lên không ngớt, xắt
lia lịa vào phần cuộn thuốc vừa mới thò ra khỏi lỗ tròn nhờ bàn tay trái đẩy.
Những lát thuốc rất mỏng tròn hoặc méo rơi nhanh và đều xuống cái trẹt đặt bên
dưới. Cả người anh ta, vì thế, biến thành dị dạng. Hai ống chân quá nhỏ, vai lệch,
cánh tay và bàn tay trái nhỏ tong teo so với cánh tay phải gân guốc, bàn tay phải
to đùng. Khoảng vài mươi phút xắt xong một khoanh thuốc lá. Khoanh khác được
mang tới ngay.
Anh chị không có láng giềng bên phải. Phía bên phải của ngôi
nhà là con đường hẻm chạy song song với con hói nhỏ dẫn ra ngôi chợ của làng,
có tên là chợ Phổ. Thật ra làng Nam Phổ có năm thôn, còn gọi là giáp, nối dài
theo thứ tự Tây, Nam, Thượng, Trung, Đông. Mỗi giáp có cái đình riêng. Cái đình
chung của làng là Đình Cả. Cái chợ chung của làng là chợ Phổ, thuộc địa phận của
Giáp Nam, hay Phổ Nam. Cư dân của Phổ Đông thường đi chợ Nọ, gần hơn. Từ trụ sở
huyện lỵ Phú Vang, nằm trên đường về Thuận An, qua chiếc cầu gỗ, là đến chợ Nọ.
Ngôi nhà chính cùng với nhà ngang bao bọc hai cạnh của cái
sân đất nện hình vuông. Ở một góc sân có cái bể cạn. Cạnh đó là một bụi bông
trang lá dày xanh đậm, hầu như lúc nào cũng có hoa đỏ thắm. Bốn cây cau được trồng
quanh bể cạn. Trên mỗi thân cau đều được cột chặt vào một mo cau uốn thành hình
cái phễu chỉa vào bể nước. Huế nhiều mưa. Nước mưa từ lá cau trên cao sẽ theo
thân cây chảy ròng ròng xuống phễu, và từ đó chảy róc rách xuống bể cạn. Mùa
mưa, bể cạn đầy nước.
Trước mặt nhà, một bụi chè tàu làm bình phong. Sau nhà, vườn
cau xanh biếc, mát mẻ, ngay hàng thẳng lối. Dọc theo những gốc cau là những con
mương hẹp, cạn, thỉnh thoảng được chuyển nước vào. Cau được trồng khá gần nhau,
nhờ vậy đến mùa thu hoạch, anh chồng chỉ cần trèo lên cây cau đầu tiên, cắt buồng
cau xong khỏi phải mang xuống gốc, dùng dây thòng buồng cau xuống cho chị vợ đứng
bên dưới đỡ lấy. Rồi cứ thế cắt tiếp. Một cây cau trong thời kỳ trẻ trung có thể
trổ ra bốn, năm buồng. Xong, anh kéo dây lên, nghiêng mình đu chuyền qua cây
cau khác, cắt những buồng cau khác. Cứ thế cho đến khi thu hoạch xong cả vườn
cau.
Rải rác dăm ba cây chuối, một cây khế chua, mấy khóm rau
thơm, rau húng, tía tô, nhiếp cá, và một cái giàn bằng tre cho leo lên vài dây
bầu mé này, vài dây bí mé kia. Và đặc biệt, một cây nhãn, anh chị gọi là cây
“nhỡn”, tựa dày, hột nhỏ, rất ngọt, rất ngon.
Cau là nguồn sốngquanh năm. Hết cau nhà, hai vợ chồng đi bửa
cau thuê, người Bắc gọi là bổ cau, cho hàng xóm, hoặc cho những làng gần, làng
xa. Có khi anh chị đi đến tận Mỹ Lợi cách nhà nhiều dặm đường, đi bộ, rồi lên
đò qua mấy khúc sông. Cau Mỹ Lợi cũng khá ngon, nhưng không ngon bằng và không
có tiếng tăm như cau Nam Phổ. Đây cau Nam Phổ: mỏng vỏ, nhỏ xơ, tơ lòng, trong ruột.
Chuối dành để cúng kỵ; khế, bắp chuối xắt mỏng để ăn chung với
những món rau xanh. Trái khế còn được dùng làm khế xăm ngâm trong nước mưa đựng
trong chiếc vại sành.
Nhưng cây nhãn mới đặc biệt. Mỗi năm nó cho một lứa trái;
hai vợ chồng không dám ăn từ khi có đứa con trai đầu lòng. Hay nói đúng hơn chỉ
ăn mót mấy trái long ra khỏi chùm, nằm trong cái lồng làm bằng mo cau có đục mấy
lỗ thông hơi. Không có cái lồng, chim chóc sẽ quấy phá những chùm nhãn mơn mởn,
và gió sẽ đu đưa làm rụng những trái nhãn chín tới, thơm lừng.
Vừa sinh đứa con, vợ bàn với chồng rằng cây nhãn phải là của
riêng của “thằng chó”. Nghĩa là hai vợ chồng không ăn nhãn. Mỗi mùa có bao
nhiêu nhãn bán hết, và “không được rớ tới” số tiền bán nhãn. Số tiền đặc biệt
đó dành cho “thằng chó” khi lớn lên mua quần áo, sách vở, viết mực, những gì
liên quan đến việc học hành của nó. Hai vợ chồng thương “thằng chó” lắm, nhịn
ăn nhịn tiêu, cố gắng cho nó sau này sẽ đi kiếm năm ba chữ lận lưng làm vốn. Họ
mong “thằng chó” nên người.
Chị quá trẻ so với chồng. Ba hắn hơn mạ hắn trên 20 tuổi,
cha mẹ đã qua đời, để lại một vườn cau nhỏ, và vài sào ruộng trên cánh đồng
ngoài, nghĩa là bên ngoài lũy tre chắn ngang làm biên giới. Khác với cánh đồng
ngoài, cánh đồng trong thuộc vào loại thượng đẳng điền, đất tốt, có dòng suối uốn
quanh, sản xuất loại gạo thơm phức. Anh đã có một đời vợ. Vợ bị thương hàn chết
sớm cùng cái bào thai còn nằm trong bụng mẹ. Năm năm sau anh mới cưới chị, năm
kế tiếp sinh con. Thương và chiều chị như “chiều vong”. Chị “hiền khô”. Không
phải vì được chồng thương mà “leo lên đầu, lên cổ” chồng mà ngồi, trái lại cũng
thương chồng vô cùng, dịu dàng, kín đáo. Chị thường nói, Tui cũng thương ba hắng
hung lắm, mà ba hắng mô có biếc. Và chị cũng thường tự hỏi, Hồi mới về, tui sợ
mình hơng sợ cọp. Mình gầng bằng tuổi cha tui, bặm xị, dữ dằng. Rứa mà có khi
mình chui cấy đầu bờm xờm vô bụ người ta có khác chi thằng chó khi đoài bú. Lầng
lầng hết sợ. Mà thương thì thương hơng.
Rồi cười. Không bằng miệng mà bằng mắt, hai con mắt lóe ra
những tia sáng ấm áp, xôn xao. Tay phải cầm dao, chiếc dao cau cán dài đến gần
hai gang tay, lưỡi cũng dài và sắc lẻm, cái cán dài được kẹp vô hông. Ngón cái
của bàn tay trái ấn mạnh lên chủm cau, những ngón còn lại nâng lòng trái cau
xoay nhanh. Lưỡi dao từ bàn tay phải róc vỏ trái cau, róc róc lia lịa như máy.
Vỏ cau xanh, mỏng, rơi lả tả xuống cái nia lớn đặt bên dưới.
"Răng, răng. Ba hắng lại noái chữ đó hả."
Liếc mắt tình tứ nhìn chồng, nói tiếp:
"Tứng từng, tứng từng. Noái không phải noái, thức cười
quá."
"Ở đó mà cười với khóc! Mà trửng với giỡng. Róc cau nỏ
lo róc cho kịp, lại còn liếc liếc người ta. Coi chừng đức tay chừ."
“Ăng noái vô duyêng,” chị lẩm bẩm. “Noái khôn phải noái, vừa
ngủ vừa róc cũng mô vô nấy. Diều khi róc cau suốc đêm, ngủ ngồi khi mô khôn biếc,
cái lưng nghiêng qua nghiêng lại nghiêng tới nghiêng lui, dư mụ Tám lên đồng.
Muống bổ sấp bổ ngửa, cặp mắc thì dắm trít, hơi thở phì phì như nồi cơm đương cạng.
Mà cũng biếc khi mô róc xong một trấy, lấy ngay trấy khác róc liền liền.” Nói
thì thầm một mình. “Cho kịp chơ. Còong phải cắc chủm, rồi bửa, rồi sắp lên bồ,
sề, sấy, rồi vô bao, rồi gánh tới dà mụ Đội. Trễ hẹng mụ chưởi cho túi mặc túi
mũi.” Quay qua nói với chồng. “Nên phải dờ ba hắng ru thằng chó. Dờ rứa được
tui cũng được nghe noái chữ.” Cười tủm tỉm. “Đức tay răng được mà đức. Muống chọc
tui hả? Tui chọc lại cho mà coai.” Bỗng lên giọng to hơn, con chó mới lớn nằm
ngủ trong cúi mở choàng mắt, đuôi ve vẩy nhè nhẹ:
"Duyêng nợ tứng từng. Hay thiệt. Hay dức trong bài noái
chữ." Đỏ mặt. "Mà ba hắng ưa tứng từng thì có."
"Mạ hắng lại dắc chừng đó hả? Được, tui dớ mà. Túi ni hỉ."
Người đàn bà la toáng:
"Khôn phải, khôn phải mô. Vô duyêng. Tui học lui học tới
chưa thuộc nên dờ ba hắng noái lại. Thằng chó théc chưa? Ba hắng nói chữ lại từ
đầu tới đuôi cho tui nghe đi."
Nói thì thầm, Mình chỉ biếc hò ru em, ‘Seng xa hồ nên chi
seng khô hồ cạng. Lựu nọ xa đào nên chi lựu ngã đào nghiêng. Vàng cầm trên tay
rớt xuống khôn phiềng. Xa người bạng cũ biết mấy niêng cho hết buồng.’Làm răng
mà hay cho bằng ba hắng noái chữ. Tề, tề. Diều khi coong dỏ hàng xóm đứng sau bụi
chè tàu rình nghe trộm. Hắng coai bộ muống mặng mà với ba hắng. Khôn sợ. Cứ vô
đây nghe cho vui, tui khôn gheng mô.
Người đàn ông hả họng cười khoái chí, lòi cái răng mẻ chưa
có tiền đi bịt bạc.
“Noái lại từ đầu thì noái lại. Sợ chi.” Lên giọng ê a như
ông thầy pháp tụng kinh:
Mầng một bức thơ
Gởi về bổn hạc
Trước thăm da dạc
Sau viếng tình dơng
Duyêng nợ tứng từng ...
Người đàn bà cười khúc khích:
“Đọ, đọ. Tứng từng, tứng từng.”
“Cứ chậng họng người ta hoài. Không noái nữa.”
“Thôi, thôi, ba hắng bớc giậng. Tui xin một chữ ngồi yêng.”
“Ngồi yêng răng được. Ngồi róc cau mau mau lên đi chơ.”
Người đàn bà dạ dạ. Người đàn ông nheo mắt cười, ê a tiếp:
Duyêng nợ tứng từng
Thủy chung dư dức
Chẳng qua chuyệng cực
Đôi đứa đôi phương
Chị vợ chớp chớp mắt:
“Tội nghiệp quá.”
“Tội chi mà tội. Tội lội xuống sông. Mà để yêng cho người ta
noái. Hể chậng họng một lần nữa, dức định không nói nữa mô. Dớ đó nghe.”
Đạo ngãi tình thương
Trăm năm tạc dạ
Nào ai ở chạ
Trời đất chứng tri
Chị buột miệng:
“Rứa mới đáng là bậc ... chi chi hè.”
“Thôi không noái nữa.”
Chị vợ hốt hoảng:
“Tui lỡ miệng ba hắng ơi. Tui khôn dám hó hé một tiếng nữa
mô. Ba hắng bớc giậng, bớt giậng, cho tui dờ.”
“Có chắc không?”
“Chắc chơ răng khôn chắc.”
Anh liếc mắt một cái sắc lẻm, tiếp tục ê a:
Nào khi ra đi
Trầu ăng thuốc hút
Vắng mặc một chút
Thương dớ ba ngày
Nào khi thiếp đó chàng đây
Châu rơi ước áo ...[1]
Nghe ‘Châu rơi ước áo’, chị không thể nào ngăn được mối
thương tâm, cũng không dám “hó hé” một tiếng nào cả, thành ra chỉ biết thút
thít, nước mắt ứa ra ướt cả hai gò má. Con vện đang ngồi yên trong tổ con cúi
làm bộ nghe ngóng cái gì đó bỗng nhỗm dậy nhìn người đàn ông rồi sủa ăng ẳng,
ra chiều trách cứ. Con mèo mun nằm khoanh tròn trong chiếc rá như thể đang ngủ
say cũng vươn mình uốn éo, rồi chậm chạp bò tới đưa bàn tay nho nhỏ xoa xoa vào
đùi người đàn bà, an ủi. Người đàn ông buông tao nôi ngoảnh lại hơi ngạc nhiên
nhìn con mèo, rồi trừng trừng ngó con vện, lên giọng nói to như nạt nộ:
“Mi binh mạ hắng hả? Mi cả gang dám sủa tau hả?”
Vện nỏ sợ, ăng ẳng to hơn. Người chồng bước tới một bước, Vện
phóng ra khỏi cái cúi rơm, chạy tọt ra ngoài hè, vừa chạy vừa sủa. Con chim
khách đậu trên nhánh nè trước ngõ giật mình kêu lên mấy tiếng thảng thốt. Anh
cười khì:
“Mạ hắng mới xin Vện về nuôi. Vện dớ ơng theo phe mạ hắng. Sủa
ỏm tỏi.”
“Khôn răng mô. Ít bữa nữa Vện quen hơi ba hắng thì sẽ về phe
ba hắng luông khôn biếc chừng. Tui sá kể chi.”
“Mà răng mau chảy nước đấy rứa?”
“Ăng noái vô duyêng cảy. Bảy ngày khôn hết vô duyêng.”
Nói xong, chị lại thì thầm chỉ đủ cho chính mình nghe, Mình
noái người ta vô duyêng, mà mình vô duyêng trước mới hiệng ngụy. Hở một chút là
cầm khôn được nước mắc. Lằm loà lằm luện. Mà cấy chuyệng ni mô có thảm thương bằng
chuyệng O Huyêng đi chợ Bà Riềng gặp lấy trò Siêu. Tưởng rằng Thầy Mẹ báng gả.
Ai mô ngờ ...
“Lại lằm bằm chuyệng chi rứa? Muống nộp tui hả?”
Chị hơi giật mình: “Khôn, khôn. Tui mô dám. Tui đương ...
tính tiềng.”
“Tiềng chi?”
“Tiềng chi kệ tui ... Ờ thì là tiềng chợ, tiềng đò, tiềng
cơm, tiềng gạo.” Năn nỉ:
“Ba hắng nì, khi hồi tui chạ chạ, lác lác quá. Xin lỗi nghe.
Noái không phải noái ba hắng không noái chữ thì thôi, đã noái thì làm ơng noái
cho hết.”
“Khôn. Dức định khôn là khôn. Mỏi miệng rồi. Cạy răng tui
cũng khôn noái nữa.”
Chị có duyên. Tóc dài khi gội đầu không bối sẽ chấm tới
mông. Mượt mà, đen mướt, đen như hàm răng được nhuộm đều và kỹ trước khi đi lấy
chồng. Mặt mày xinh tươi, da trắng mịn, mắt dịu dàng, tin yêu. Người dong dỏng
cao. Đặc biệt, mau nước mắt. Không biết chữ, nói năng quê một cục. Thích và thuộc
nhiều câu hò, câu hát, câu đố, ca dao, tục ngữ. Như những o gái quê khác, siêng
năng làm lụng, “chảu lảy”, chịu thương chịu khó. Tính tình rộng mở, yêu con
nít, thân mật với bà con, láng giềng. Luôn luôn chịu thiệt về phần mình.
Róc cau xong chị lo cắt chủm. Cắt chủm xong, lo bửa. Người Bắc
gọi là bổ – bổ cau. Chị vừa làm việc vừa hò khe khẽ:
Thương dau cau sáu bửa ba
Ghét dau cau sáu bửa ra thành mười.
Rồi chị thì thầm trong bụng:
Qua sông anh phải lụy đò
Túi trời anh phải lụy o báng dầu
“Mạ hắng hò câu chi rứa?”
“Câu anh lụy o báng dầu. Dưng câu ni ba hắng mì khoái hơn
nì:
Còong trời còong nước còong noong
Còong o báng rượu anh còong say sưa
Anh bắt bẻ:
“Mạ hắng nói rứa là trậc rồi. Dà mình có khi mô uống rượu
mô.”
“Mà ba hắng có muống uống khôn? Mai đi chợ tui mua.”
“Thôi, để khi khác. Tết dức rồi tính chuyệng nớ.”
Chị vẫn ấm ức vì anh đành đoạn nửa chừng không chịu “noái chữ”
cho hết bài:
“Chừ tui đố ba hắng. Hễ ba hắng trịt thì phải noái chữ tiếp
cho tui nghe. Có chịu hay khôn thì noái một tiếng cho tui biếc.”
“Muống đố cấy chi thì cứ đố đi thử.”
Chị cười sung sướng:
“Bậng áo điều áo đỏ
Ngồi chỏ hỏ sau nương
là cấy chi?”
“Dễ ợc. Là bụi thơm.”
“Rứa còong, cũng:
Bậng áo điều áo đỏ
Ngồi chỏ hỏ trên trang
là cấy chi?”
Anh xì một tiếng:
“Cũng dễ òm. Là con cua.”
Chưa chịu thua, chị đố tiếp:
“Tại răng:
Ra đi ngó trước ngó sau
Ngó dà mấy cột, ngó cau mấy buồng
là đi mô mà phải lo lắng dữ rứa?”
Anh hóm hỉnh:
“Đi mô hả? Là mạ hắng bỏ dà bỏ cửa đi theo trai ... theo
tui.”
“Ba hắng noái lộn rồi. Cưới hoải đàng hoàng chơ có phải dư rứa
mô.”
Nói thế, nhưng chị cũng đỏ mặt, cúi đầu nhìn trái cau đang
xoay nhanh trong mấy ngón của bàn tay trái trong khi lưỡi dao sáng loáng trong
bàn tay phải róc róc nhịp nhàng và lẹ làng. Thật ra chị còn biết nhiều câu đố
khác. Chẳng hạn: “Tròn vành vạnh như cạnh tía tô/Đi Nam đi Bắc đi mô cũng về”
là cái nón, thì không sao. Nhưng: “Tròn vành vạnh như cạnh tía tô/ Đi Nam đi Bắc
đi mô cũng không về” là nấm mộ, thì xui xẻo quá. Chị không muốn nói gì liên
quan đến điềm gở. Anh lớn tuổi hơn chị nhiều. Chị muốn anh với chị sống bên
nhau đời đời. Anh được thể phản công:
“Hết sạch cả câu đối rồi hả? Chừ tới phiêng tui nghe:
Coong gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau
Coong trai Dương Nộ ngó chộ dực mình
Có đúng dư rứa khôn?”
Chị lúng túng:
“Noái khôn phải noái, tui có khi mô thấy dư rứa mô. Chắc ôn
mệ mình ngày xưa nghèo khó ...”
Anh ngừng đẩy tao nôi, đưa tay quạt đuổi con ruồi xanh đậu
trên ngón chân cái của “thằng chó”, nhìn chị một cách thich thú:
“Răng khun rứa? Dưng mà trả lời theo cấy lối nớ thì cũng dư
chưa trả lời. Rứa là khôn được. Tui phải đố câu khác. Đay:
Đầu rồng đuôi phượng le te
Mùa xuâng ấp trứng, mùa hè nở coong
là cấy chì chi rứa hè?”
Chị nghĩ tới nghĩ lui nát nước mà không ra. Cau mày, nhăn
mũi, cắn răng. Đành chịu thua. Anh cười hả hê:
“Thì là cái của quý của mạ hắng đó.”
Chị đỏ mặt, không ngó anh nữa, nguây nguẩy cái đầu, có vẻ giận.
Anh vội nói:
“Đừng tứng từng nghĩ bậy bạ. Là cây cau chớ có phải là cấy
chi mô. Nghe tui noái đây nì. Gốc cau ngó dư cấy đầu coong rồng chúc xuống. Dống
dư cấy đầu coong rồng nơi cột dà trong nội. Là trong cung vua. Còong mấy chùm lớ
trên cao ngó dư cấy đuôi coong chim phượng chổng chổng lên trời le te. Giêng
hai là mùa xuâng cau nở bông. Tháng năm tháng sáu bông trổ thành buồng, thành
trấy.”
Chị sung sướng quay đầu lại nhìn chồng, miệng trầm trồ:
“Ba hắng hay chữ thiệt.”
Khi bửa cau, cầm những trái cau to nhỏ khác nhau trong tay,
không chút đắn đo, chị biết ngay nên bửa nó ra làm 4 hay 5, hay 6 hay 7 ... để
có một rổ cau miếng nào ra miếng nấy bằng nhau đều đặn, láng lẩy, đẹp đẽ. Tiếp
đến sắp cau vô sề. Cái sề trông giống như cái nia lớn, chỉ có khác là nia làm bằng
tre đan kín, sề làm bằng tre đan thưa, chừa những lỗ mắt cáo. Nhiều cái sề được
chồng lên cái bồ thành một chồng cao, bên dưới có cái lò lửa than to lớn.
Đây là giai đoạn sấy cau. Thường sấy cau ban đêm, ban ngày
chị còn phải làm nhiều việc khác. Chị không có đồng hồ reo, nhưng luôn luôn thức
dậy đúng lúc thay đổi vị trí của từng cái sề một. Nếu không thay đổi kịp thời,
những sề bên dưới sẽ cháy đen, sề cũng như cau trên sề, trong khi cau của những
sề bên trên chưa ráo nước. Công việc “thay đổi mớ sề trên cấy bồ” do đó cũng là
một khâu rất quan trọng đòi hỏi kinh nghiệm, chăm chút, thương khó.
“Mấy bữa ni bận bịu quá, mạ hắng không chợ không búa chi cả.
Túi ni có chi ăn không?”
“Dạ. Để tui lo. Cho qua bữa thôi nghe.”
Chị đi một vòng quanh nương. Có khi đi ra ngoài xóm lui cui
dòm ngó bên dưới bụi tre, bụi hóp coi thử có cỏ dại nào ăn được hoặc nấm không
độc. Mươi phút sau, chị quay về tay cầm một nắm rau “hằm bà lằng” gọi là rau tập
tàng, đọt bầu, bông bí, rau má, rau trai, lá me đất, lá càng cua mọc hoang, vài
thứ cỏ ... Om cơm lửa rơm vừa chín tới, chị vội làm nước chấm. Cho vào cái đọi
miệng loa vài muỗng ruốc, có vùng gọi là mắm tôm, một ít tóp mỡ lấy từ trong cụi,
vài lá hành xanh, tỏi nghiền, vài lát ớt đỏ, thêm miếng đường đen nhỏ, cho nước
vô, cầm đôi đũa quậy quậy, rồi bắc lên bếp. Mau lắm, vừa sôi, truống xuống, vắt
lát chanh. Trong khi đó anh đã xẹt ra ngoài hè vói tay bẻ hai trái chuối chát
non từ buồng chuối lòng thòng cạnh chuồng gà. Khỏi cần rửa, xoa xoa, thổi thổi
cho sạch bụi bặm, khỏi cần xắt thành lát mỏng, múc thêm một muỗng ruốc sống để
nguyên trong muỗng khỏi cần chiết ra chén, để chấm chuối chát. Cầm nguyên trái
chuối đút vô miệng cắn nghe rạo rạo. Thế là hai vợ chồng ăn một cách ngon lành
bữa cơm tối nóng hổi.
Tuy nhiên dù khi chị không quá bận bịu, nghĩa là có thể sắp
xếp việc nhà để “đi chợ, đi búa” hẳn hoi, bữa cơm cũng chỉ được bồi dưỡng thêm
một khúc cá kho khô hay kho nước - cơm với cá như mạ với con - hoặc một tô canh
khuyết, một loại tép biển, nấu với khế xăm ăn độn với bắp chuối; hay canh rau
má, rau khoai, rau muống nấu với tép rong. Tép rong sống lẫn trong rong rêu nhỏ
như cây kim may; tép giá to như cọng giá.
Thỉnh thoảng, khi cau bán được giá, chị “làm liều” dọn thêm
lên mâm một chén thịt kho tàu gồm mấy cục thịt mỡ núc ních, vài quả trứng vịt,
dăm con tôm còn nguyên đầu; hoặc một dĩa thịt heo phay ba chỉ ăn với dưa cải và
nước mắm ớt. Không uống rượu, cũng không có đồ tráng miệng sau bữa ăn. Có khi
mua được một trái cam, trái quýt, trái xoài, sẽ cắt ra làm hai. Hai người ăn nửa
trái, để dành một nửa cho bữa ăn sau.
Cuộc sống khá kham khổ cứ thế đều đặn và chầm chậm trôi,
không có biến cố, không hàm chứa hay báo hiệu một mối lo âu, hay nguy khốn nào.
Êm đềm như dòng nước chảy của con hói trước nhà. Ba năm sau, anh chị có thêm đứa
con gái. Chật vật hơn. Mà cũng vui nhà vui cửa hơn.
*
Hai mươi năm trôi qua. Yên ổn. Rồi giặc giã. Rồi bom đạn.
Nhìn lại, thấy quá nhiều thay đổi và không ít đe dọa. Chuyện mới đó mà như chuyện
đời xưa.
Nhà hàng xóm bên trái biến thành cái quán ca hát, quán
ca-ra-ô-kê, do người khác làm chủ. Gia đình ông xắt thuốc trôi giạt tới nơi đâu
không ai biết. Người cũ của cái xóm nhỏ đi tan tác khắp nơi. Mười phần còn lại
một hai.
Thế gia đình “ba hắng, mạ hắng”?
Vẫn bám trụ.
Người ăn trầu càng ngày càng giảm đi nhiều. Anh chị đành phải
bỏ nghề cau. Vườn cau không được chăm bón, xơ xác. Cau chết dần, thay vào đó là
những luống khoai, luống sắn, người Miền Nam gọi là khoai mì. Khoai sắn không
nuôi được một gia đình nhỏ với bốn miệng ăn. Đành phải bán sào ruộng trên cánh
đồng ngoài, giành giụm gượng sống qua ngày. Ngồi ăn núi lở. Tiền bán ruộng hết.
Anh vác cuốc đi làm công cho người khác, chị xoay qua nghề may thuê vá mướn. Thằng
con trai vẫn được cho đi học; đứa con gái giúp mẹ làm việc nhà, ban đêm được
cha, anh chỉ vẽ cho học được chút chữ nghĩa. Chị nhân đó cũng học lóm cho tới
khi biết đọc, biết viết. Nói năng bớt quê mùa. Chị thông minh, ý tứ, học dễ
dàng. Bốn phép tính cọng, trừ, nhân, chia, chị đều có thể tính rợ, và rất mau.
Đứa con gái giống chị, có nhan sắc, mới 17 tuổi đã đi về nhà khác. Lấy chồng
xa.
Cuộc sống ngày càng chật vật. Anh tập đi buôn. Anh theo một
người bà con mua nón lá từ làng Triều Sơn - Triều Sơn chuyên nghề chằm nón -
ngoại ô kinh thành Huế, mang ra bán tận ngoài Quảng Trị. Cũng không khá mấy. Có
chút chữ nghĩa, được người bạn cũ từ thời tiểu học rủ đi làm lơ xe, bán vé xe,
tính toán sổ sách cho một xe đò Huế – Đà Nẵng. Trong một chuyến đi vào dịp Tết,
xe anh bị mìn, giặc giã đã nổi lên nhiều nơi, xe lật xuống đèo Hải Vân. Anh chết.
Chị muốn chết theo chồng. Chị thường lẩm bẩm, Mình cũng đã gần
50 tuổi đời, sống thêm làm chi cho chật đất. Nhưng nghĩ lại còn con. Chị tạm thời
giấu đứa con trai không cho nó biết ngay cái tai nạn khủng khiếp đó. Sợ nó kinh
hoảng quên cả bài vở ở trường. Nó đang học hành chăm chỉ, và học giỏi. Một mình
đi lãnh xác chồng về chôn tại cồn mồ bên kia con hói, gần làng. Khi mọi việc
xong xuôi, chị mới cho con hay.
Chị thương chồng vô cùng. Thương con vô cùng. Chị thương
luôn con nít hàng xóm. Đi chợ về có mấy cục kẹo cau – ruột làm bằng đường
trong, bao bọc bởi đường đục, trông giống miếng cau tươi -, vài cái bánh quế,
mua cho thằng con trai cưng. Nhưng hễ có mấy đứa nhỏ nào tới chơi với con, chị
chia đều cho con và mấy đứa nhỏ kia. Bà con, xóm giềng cũng thương mến chị vô
cùng. Chồng chết, chị ngẩn ngơ như người mất trí, thỉnh thoảng có những hành động
kỳ quặc. Những lúc rảnh rỗi đôi chút, chị ba chân bố cẳng chạy đi mua những món
ăn anh thích, đem qua cồn mồ. Chị bận may vá luôn tay, không có đủ thì giờ để
đi chợ, tự mình nấu nướng. Ngó quanh không thấy ai, chị ngồi xuống bên mộ anh,
đặt thức ăn lên nấm mồ, thắp ba cây nhang, lâm râm cúng vái. Nhiều khi vô ý
chan vào đấy mấy giọt nước mắt. Rồi ngồi đó thật lâu, nói chuyện lảm nhảm một
mình, khi cười, khi khóc. Cuối cùng cũng phải đứng dậy ngoảnh mặt mà đi, mang về
nhà những món đã cúng, để dành cho thằng con trai đang bận đi học.
“Mạ nì, đồ ăn mô mà nhiều quá ri, ngon quá ri.”
“Ba con cho con đó.”
“A, mạ vừa đi thăm mộ ba hả? Ra Răng? Cỏ mọc nhiều chưa? Lâu
ngày con bận học bài, bậy quá. Ba có giận con không mạ?”
”Không răng mô con ơi. Con chăm học là ba vui sướng rồi.”
Con đói bụng quá. Ăn, mạ ơi.”
“Không, mạ no rồi. Con ăn đi.”
Chị nấu ăn ngon có tiếng. Khi còn anh, chị có dịp làm bánh
canh đãi bà con trong những dịp kỵ, chạp, Tết nhứt. Có khi mời xóm giềng tới
ăn. Ai cũng khen ngon hết chỗ nói. Thì liều bỏ nghể may vá, làm bánh canh gánh
đi bán coi thử ra răng. Bánh canh Nam Phổ đã được nhiều người biết tới, mà chị
cũng là người Nam Phổ. Hoạ may kiếm đủ tiền nuôi con học cho xong Trung Học. Đứa
con gái thì đã được yên thân. Chị bàn bạc việc đó với thằng con trai. Nó cũng
thương mạ lắm, chị biết, nhưng lại có cát tật ưa lý sự. Và hễ có dịp là “ăn hiếp”
mạ.
“Mạ răng hay ưa thay đổi, ưa lộn xộn dữ rứa? Tụi Tây nó nói,
‘Cục đá cứ lăn hoài thì không bám được rêu.”
“Nói chi mạ không hiểu.”
“Không hiểu Tây thì hiểu Tàu vậy. Nhất nghệ tinh, nhất thân
vinh. Mạ cứ tiếp tục may vá đi. Cái nghề đó hợp với mạ hơn.”
Cái nghề? Thiệt ra mình chỉ biết nghề cau mà thôi. Chừ hết
cau, nhớ nó quá, phải cực chẳng đã may thuê vá mướn đắp đổi qua ngày. Chị không
biết nói làm răng cho con thấu hiểu. Đành phải nói điều mà chị không muốn con
biết:
“May vá kiếm ít tiền quá. Ăn xong bữa túi, lo chạy tiền cho
bữa sáng. Mà cũng không đủ. Rồi nợ nần.”
Thằng con trai nhíu mày, quắc mắt:
“Rứa thì con nghỉ học là cách hay nhất. Con sẽ đi kiếm chỗ dạy.
Hay làm thư ký hãng này hãng nọ. Con biết tiệm Xe Đạp Rồng Vàng trên đường Trần
Hưng Đạo đang cần người làm sổ sách. ”
Chị hoảng hốt:
“Đừng, đừng, con. Mạ lạy con. Ráng thêm vài năm nữa cho xong
Tú Tài. Mạ vui mà ba con khuất mặt cũng bằng lòng. ”
“Nhưng mạ gánh nặng được không?”
“Răng lại không được. Đầu lạ sau quen.”
“Mà cái hàm răng đen của mạ ...”
“Con nói chi mạ không hiểu.”
“Con muốn nói ... mấy o bán hàng rong muốn đắt hàng phải
‘tân thời’. Cho con khen mạ một tiếng nghe, mạ chưa già, và vẫn còn ... còn ...
còn ... Nhưng cái hàm răng đen bóng đó ngó không được con mắt chút nào cả.”
“Thì phải làm răng?”
“Cạo đi.”
Chị lại hoảng hốt nhìn con. Rồi cố bình tâm lại, Xưa nghe lời
ba hắn, nay e phải nghe hắn. Hắn có nhiều chữ nghĩa, lại hay lý lẽ. Chị kiếm
thêm một lý do, Xưa nhuộm răng đen để đi lấy chồng, nay chồng không còn, thì
làm đẹp với ai. Cạo răng đi là phải.
Gánh bánh canh của chị, thêm một ít bánh nậm, bánh bột lọc,
bánh ướt, được làng xóm săn đón, vồ vập. Nhiều người thương tình hoàn cảnh của
chị, nhiều lần khuyên chị chịu khó gánh lên chợ Đông Ba bán. Chắc chắn kiếm được
nhiều tiền hơn. Chị cười trừ. Lần lữa.
Chị có lý do riêng của chị không tiện nói ra. Chị sung sướng
thấy con học giỏi tại ngôi trường lớn nhất của thành phố, sẽ đi thi Tú Tài. Chắc
sẽ đậu. Trường gần chợ Đông Ba. Đi vài đoạn đường, rồi rẽ trái qua cầu Trường
Tiền là tới. Biết đâu có khi nó cùng bạn bè trai có, gái có, trai thanh, gái lịch
mà, đi qua phố, đi vô chợ, mua sắm chút đỉnh, vui chơi, cười giỡn, vô tư. Rồi lỡ
gặp chị. Cái áo dài cũ rích, vá víu mấy nơi. Nối vai vì cái đòn gánh hết ngày nọ
tới ngày tê đè lên nặng trĩu; nối tay vì hay xăn lên kéo xuống cho tiện làm đủ
thứ công việc vặt vãnh; cái quần lem luốc nhăn nheo vì chưa một lần được là, được
ủi; hai bàn tay gầy guộc xương xóc vì lao động cực nhọc chứ đâu còn là bàn tay
thơm tho của cô gái Nam Phổ róc cau; hai bàn chân đất nứt nẻ, vì mang guốc,
mang dép khó đi mau, lỡ vấp vào rễ cây, cục đá trên con đường hẻm, rứa là tiêu
tan cả nồi bánh canh nóng hổi. Mà tóc tai thì phờ phạc, mặt mày thì hốc hác, cặp
mắt thì tuồng như sẵn sàng tan ra thành dòng lệ. Chị không dám gánh gánh banh
canh lên phố, rồi vô chợ Đông Ba. Lỡ gặp, nó mất vui. Tủi thân.
Quả thật hai năm sau thằng con trai thi đậu tú tài ngay kỳ đầu.
Đậu khá cao.
Việc đầu tiên, chị bỏ buổi đi bán, sửa soạn một mâm phẩm vật
tươm tất, dẫn đứa con trai qua cồn mồ cúng tạ “ba hắng”. Cái sung sướng hả hê
đó không kéo dài được bao lâu. Tiếp theo là lệnh động viên. Chiến tranh như tai
trời, ách nước ập xuống, và kéo dài như không bao giờ dứt. Nó là đứa con trai một
trong gia đình nhưng không phải là đứa con độc nhất. Nó có em gái. Nên theo luật
lệ, phải vào Trường Huấn Luyện Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc
chuẩn úy. Phục vụ tại Sư Đoàn I gần vỹ tuyến 17. Thông minh, can trường, nhanh
chóng lên thiếu uý.
Chẳng bao lâu, Miền Nam thất trận. Thằng con trai đi tù Cải
Tạo. Đứa em gái ở miệt Cần Thơ cùng chồng con vượt biển, không biết sống chết
ra sao.
Chị vẫn ngày này qua ngày khác gánh gánh bánh canh đi quanh
quẩn xóm làng. Nồi bánh canh nay nhẹ hơn nhiều, nhưng tóc chị lại bạc nhiều hơn
dù chị mới hơn 50 tuổi. Thân hình gầy gò hơn, mặt mày ngơ ngác hơn, cặp mắt buồn
hơn. Cái gánh lỏng chỏng nhẹ tơn, cái đòn gánh trơ trơ không uốn mình nhịp
nhàng với bước chân đi. Ế ẩm. Dân làng ngày càng nghèo mạt rệp, cơm không đủ ăn
kiếm đâu ra tiền mua quà, mua bánh. Nhưng vẫn có người còn tiền giấu giếm, ăn
chui, ăn rúc. Nhờ thế, chị vẫn có thể tém tủm, nhịn đói nhịn khát, để dành chút
tiền cho việc đi thăm nuôi con trong tù.
Rồi chuyện phải đến, cũng không còn người nào có khả năng ăn
bánh canh, bánh nậm, bánh ướt ... Nồi bánh canh chuyển thành rổ khoai sắn nách
tay. Hoặc đội lên đầu khi cánh tay rã rời. Chị có sáng kiến nấu thêm ấm nước
“lá mồng năm” cho khách uống khỏi trả tiền, ăn khoai sắn đỡ nghẹn họng; rang
thêm chén muối mè đậu phụng làm tăng thêm gia vị cho khoai sắn dễ nuốt. Với thời
gian, chị trở thành hình ảnh quen thuộc của đám học trò nghèo bụng luôn luôn
đói. Thỉnh thoảng mấy cụ kéo xe kéo, mấy mụ đi làm thuê quên bới theo mo cơm
trưa cũng là khách hàng của chị.
Khi nào được lệnh thăm nuôi thằng con trong tù, chị đi ngay.
Trước khi đi thăm con, chị đi vay mượn khắp xóm. Ai cũng nghèo xơ xác, và ai
cũng muốn giúp chị. Nhưng chị nhất quyết vay mượn mà thôi, không nhận của bố
thí. Có chút tiền là chị trả hết người này tới người khác. Vâng, từ khi ba hắng
qua đời, không ai đối đáp, chị quên gần hết câu hò, điệu hát cũ. Ca dao, tục ngữ,
cũng không muốn nhớ, vì nó có trúng trật chi mô, chị ngẫm nghĩ. Nhưng không
quên câu nói, “Nợ trả lần, cháo húp quanh.”
Bỗng một hôm chị được tin thằng con chị đã trốn trại. Đã bị
bắn bỏ. Chết điếng, chị bỏ mấy bữa đi bán, lo mua hoa, quả, hương, đèn, đem tới
đình, tới chùa, qua cồn mồ cẩu khẩn, xin Trời Phật, xin “ba hắng” phù hộ, che
chở cho đứa con yêu quý của chị. Và mong cái tin khủng khiếp đó chỉ là chuyện
“nói chơi cho vui miệng”, hay là có thể người ta muốn doạ nạt, “khủng bố tinh
thần”, như có người mách nước cho chị. Đêm nào chị cũng nằm thao thức. Có khi
gà gáy sáng chị mới giật mình, rồi cố chợp mắt một chút, rồi ngồi nhỏm dậy nhóm
lửa, bắc nồi.
Một buổi trưa vắng. Trời nắng gắt.
Chị đặt rổ khoai sắn ngay dưới gốc cây bàng sum sê cho nhiều
bóng mát. Đằng sau cây bàng, một cái am nhỏ bỏ hoang. Chị ngồi bệt lên trong
lòng chiếc nón lá rách. Trưa nào chị cũng tới đó ngồi nghỉ mệt một chốc trước
khi nách rổ khoai sắn đi bán nơi khác. Là vì từ đấy nhìn qua khỏi con hói, thấy
cồn mồ. Khi cơn gió lốc nổi lên, bụi cát bay là là trên mặt đất như đám sương
mù.
Ngày còn con gái, chị sợ ma vô cùng. Có chồng chị vẫn còn sợ,
bị anh chọc quê hoài. Nhưng từ khi anh mất, nỗi sợ hãi đó bỗng dưng biến mất
theo. Chị ngồi một mình trong không gian trưa đúng ngọ như buổi trưa này, tức
là vào thời điểm nghe nói hồn ma bóng quế ưa lảng vảng nơi dương thế. Chị mong
trong đám bụi bay là là kia có anh lẫn trong đó. Nhiều lần chị tưởng như thấy
anh múa may đùa giỡn trong đám bụi mờ. Chị chắp hai tay khấn vái. Rồi chị nghĩ
đến ngày cũ.
Xưa đơn sơ, dễ dãi, thân yêu. Sống tự nhiên như hít, như thở
không khí. Như cây cỏ mơn mởn khắp xóm, như vườn cau xanh, như đàn ong vù vù
bay, như tiếng gà gáy trưa, như con mèo con chó quấn quýt, như con hói lặng
thinh. Nghèo mà vui. Nhưng ngày vui của chị ngắn quá. Những ngày hạnh phúc nhất
là lúc mới về nhà chồng, thương chồng, chồng thương. Và thằng chó bụ bẫm, chân
tay đạp chọi, miệng gù gù cùng bầu sữa. Và đứa con gái xinh tươi, ngoan ngoãn,
mà lại ưa khóc nhè. Và ba hắng hóm hỉnh, chữ nghĩa. Tứng từng.
Nay cuộc sống ngược ngạo, tan tác, khó khăn, khổ sở, hoang
mang. Ba hắng không còn, thằng chó cũng “không biết ra răng” như chị thường trả
lời khi có người tò mò hỏi. Đứa con gái cả năm không tin tức. Nước mắt chị tuôn
ra, bụi mờ bên cồn mồ càng nhoè nhoẹt thêm. Mặc. Không ai thấy, cứ để nó chảy
dài xuống má, xuống cằm, thấm vô áo, vô ngực.
Bỗng một bóng người lấp ló. Rồi chạy nhanh tới. Thằng chó.
Chị đứng bật người dậy. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Chị nghẹn ngào:
“Thiệt là có Trời Phật độ, ba hắng linh thiêng. Con ơi, về
nhà ngay. Ở đây nguy hiểm lắm. Mạ bỏ bán buổi chiều.”
“Không, không được mô.”
“Răng rứa?”
“Chắc chắn tụi nó có đặt người rình con tại nhà. Con biết bữa
trưa mạ hay tới đây. May quá, may quá. Gặp mạ liền.”
Chị kéo vạt áo lau nước mắt, miệng mấp máy. Đứa con chận lại:
“Khoan, khoan cho con nói tiếp. Ngày giờ gấp rút quá rồi.
Con đem mạ đi trốn.”
“Hả? Hả? Khi mô?”
“Ngay tối nay. Con có đường dây.”
“Đi mô?”
“Vượt biên.”
Chị hốt hoảng:
“Mô được. Còn bàn thờ ba con ai lo. Còn nấm mộ bên tê ai săn
sóc.”
“Mạ không chịu đi, con cũng phải đi một mình. Ở đây trước
sau chi con cũng sẽ bị bắt, bị giết.”
Chị hoang mang. Chị nghĩ đến cái bàn thờ không ai hương
khói, ngôi nhà không người ở đổ nát, ngôi mộ không ai coi ngó cỏ may sẽ lấp
kín. Nước mắt chị lại tuôn ra.
”Mạ ơi, con phải đi. Nhưng con không muốn đi một mình. Mạ
con mình còn ai nữa đâu.” Anh quay ngoắt đầu không muốn cho mẹ thấy anh mềm
lòng.
Chị ngập ngừng:
“Ba con còn nằm đó, mạ đi sao đành.”
“Không đành thì con có cách ni. Qua mộ ba hốt vài nạm đất. Về
nhà lấy tấm hình của ba trên bàn thờ. Mang theo.”
“Mà vượt biên đi mô? Xa không? Có xa hơn Quảng Trị, Quảng
Nam? Mạ cả đời chưa bước ra khỏi xứ Huế.”
Anh trả lời hơi gắt gỏng:
“Mạ nói chi lạ rứa. Vượt biên mô phải là chạy trốn tới mấy
cái tỉnh quanh quẩn. Rồi bị tóm cổ ngay. Cứ ra biển cái đã. Gặp đảo ghé đảo. Gặp
tàu lên tàu. Miễn sao trốn thoát khỏi cái đất nước này.”
Chị dè dặt hỏi:
“Tới nơi mình không biết tiếng của người ta, như câm, như điếc.”
Anh cau mày, gắt gỏng:
“Không răng cả. Không biết tiếng, đừng nói, đừng nghe. Người
câm, người điếc vẫn sống như thường. Yên chí đi, con sẽ nuôi mạ.”
Chị thở dài, nhìn xa tận bên kia con hói, nói như nói một
mình, Thôi thì con muốn răng tuỳ con. Con muốn đi mô cũng được. Mạ đi theo.
Chị muốn hỏi thêm nhiều chuyện ấm ức khác, nhưng sợ làm bực
bội thằng con ưa chữ nghĩa, lý sự. Chị buồn rầu ngẫm nghĩ, Chắc xứ người cũng
có chợ có búa, có đò dọc đò ngang. Có cây cau, cây chuối, cây tre. Có ruộng
nương, sông hói, đình, chùa. Cau chuối có cũng tốt, không có cũng không răng.
Nhưng chắc phải có cây tre. Tre làm được đủ thứ chuyện trên đời. Làm đũa, làm
quạt, làm cột nhà, làm phên, làm ghế, làm vạt giường, làm cây cầu lắc lẻo. Làm
nia, làm thúng, làm mủng, làm rổ ... Và làm đòn gánh. Chị nghĩ đến câu hò, Cực
thì đòn gánh đè vai. Chớ để cho ai nặng nhẹ ... Chị nghĩ đến gánh bánh canh, rồi
rổ khoai sắn, và những đứa học trò con nít thiệt dễ thương. Có đứa không có tiền
mua đứng ngó quanh, làm như không chú ý cái gì cả. Chị cho. Nó rụt rè mãi mới
ngửa hai bàn tay nhỏ xíu cầm lấy củ khoai, củ sắn nấu nguyên vỏ. Vỏ khoai ăn
cũng ngon. Vỏ sắn thì chị nói, Độc lắm. Quăng đi. Nó nghe lời ngay. Chị nghĩ đến
những ngày xa thật xa, lúc còn chồng “noái chữ”, lúc róc cau, lúc thằng con
trai chăm chỉ ăn học, đứa con gái mau nước mắt như chị, lúc cây nhỡn đâm bông kết
trái và những đàn ong không biết từ đâu bay về. Và chị thảng thốt nghĩ đến
tương lai mù mịt.
Tối hôm đó đêm ba mươi Tết. Mọi nơi tiệc tùng, cúng giao thừa,
tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới. Việc canh phòng chắc lỏng lẻo. Hai mẹ con ngồi
lẫn sau một độn cát nhỏ ngoài bãi biển Thuận An. Không trăng, không sao. Đêm
đen mênh mông, rùng rợn trùm lên vạn vật. Tiếng nói khe khẽ run rẩy của người mẹ,
Ngồi đây ... làm ... làm ... chi con, chưa thoát ra khỏi cửa miệng, đã bị
gió đánh bạt. Và cũng đánh bạt tiếng trả lời thì thầm, Chờ ... dắt đi. Một
khối đen dày dặc, thăm thẳm. Không thấy trời, không thấy nước, không thấy ai cả.
Chỉ nghe tiếng biển gọi rì rào, âm u, bí ẩn như nó đã từng gọi như thế hàng
ngàn năm. Vang dội vào trong lòng đứa con quả quyết, dứt khoát. Vào trong lòng
người mẹ lo sợ, hoang mang.
Ngự
Thuyết
Chú thích :
[1]
Mần một bức thơ
Gởi về bổn hạt
Trước thăm gia nhạc
Sau viếng tình nhơn
Duyên nợ Tấn Tần
Thủy chung như nhứt
Chẳng qua chuyện cực
Đôi đứa đôi phương
Đạo nghĩa tình thương
Trăm năm tạc dạ
Nào ai ở chạ
Trời đất chứng tri
Nào khi ra đi
Trầu ăn thuốc hút
Vắng mặt một chút
Thương nhớ ba ngày
Nào khi thiếp đó chàng đây
Châu rơi ướt áo ...