18 August 2018

‘NGOẠI ƠI!’ - Huy Phương


Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng hai cháu ngoại 
trong một lần vào thăm con gái Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 
trong lao tù. (Hình: Facebook Trịnh Kim Tiến)
Tiếng bà ru cháu ầu ơ
Yêu thương còn đến bây giờ Ngoại ơi…
(Ca dao)

Trong đời, tôi không bao giờ gọi được hai tiếng “Ngoại ơi!” thương yêu như những đứa trẻ khác trên đời này. Nói rõ là bà Ngoại mất sớm khi tôi chưa mở mắt chào đời. Bà Ngoại tôi góa chồng sau khi sinh mẹ tôi, nên tất cả tình yêu thương của bà đều dành cho con. Về phần mẹ tôi, bà Ngoại cũng là điểm tựa thương yêu duy nhất trên cuộc đời này. Từ ấu thơ, tôi không nghe mẹ tôi nhắc đến bất cứ một ai gọi là họ hàng bên Ngoại ở cái làng Đức Phổ, một ngôi làng xa xôi trên đất Quảng Bình thuở đó!

Vậy mà mẹ tôi đi lấy chồng sớm, năm mười tám tuổi, nói rõ ra là đi “làm hầu” cha tôi, bỏ lại bà mẹ già với cái quán nhỏ ở đầu ngôi chợ làng. Theo phong tục thời đó, nếu người đàn bà đi làm hầu ba năm mà không có con, thì được về nhà đi lấy chồng khác. Nhưng mẹ tôi đã lỡ thương cha tôi, một ông giáo làng hào hoa, thích đàn ca xướng hát, và bà cũng thuộc nhiều câu thơ của ông làm cho bà khi mới gặp nhau, nên bà chấp nhận phận làm lẻ cho đến lúc tôi khi ra đời.
  
Bà Ngoại tôi, thương con với cảnh làm hầu, lại ba bốn năm không có cháu bồng, sống cảnh đời cô quạnh, bà khóc hết nước mắt, và cuối cùng phải chịu cảnh mù lòa. Đó là tất cả những điều tôi được nghe kể lại sau này, còn tuyệt nhiên không giữ lại được một hình ảnh hay một kỷ niệm nào về bên Ngoại, từ hình ảnh một bà Ngoại cho đến một ngôi làng tre trúc, thơ mộng, với một dòng sông uốn khúc, thường được gọi với một danh từ trìu mến, đầy thương yêu là quê Ngoại.

Phải chăng lòng mẹ bao dung, luôn luôn mở rộng vòng tay cho những đứa con lỡ lầm, nuôi hết con rồi đến cháu ngoại, không một lời than thở. Quê mẹ luôn luôn là chỗ hướng về cho những cuộc đời xót xa lận đận của những người con gái không gặp vận may, nơi nào là quê mẹ cho mỗi “chiều chiều ra đứng ngõ sau!”

Trong cuộc đời này, không có Ngoại thì người ta về bên Nội, nhưng bên Nội đối với tôi là những gì thô ráp, khô cứng, chẳng có thể đem lại cho tôi một chút dịu dàng, từ bàn tay cho đến ánh mắt cũng như lời nói của bà Nội. Đó là thời gian tản cư vì chiến tranh, mất việc, cha tôi buộc lòng phải đem gia đình về nương náu bên Nội!

Từ thái độ chấp nê, bắt bẻ, đến ghét bỏ… mẹ tôi thường chịu đựng với những dòng nước mắt khóc lặng lẽ bên bếp lửa những buổi tinh sương, còn chỗ trú ẩn của tôi là bên cạnh hòn non bộ có hai ông Tiên lặng lẽ đánh cờ và những con cá vàng bơi lượn vô tư trong chiếc hồ nhỏ, mà tuổi thơ tôi cũng vô tư để dòng lệ khô trên mắt.

Đã không có chỗ ngồi ấm áp trong lòng bà Ngoại, tôi cũng không được có dịp nào sà vào lòng bà Nội.

Thời nay có những bà Ngoại dịu hiền như bà Tiên trong câu chuyện cổ, cũng là nơi, như hình ảnh con gà mẹ, bà xòe đôi cánh để che chở cho đàn cháu Ngoại, nương náu trong “khi Mẹ vắng Nhà!” Tôi nghĩ đến bà Ngoại của hai cháu Nấm và Gấu. Chúng ta đã có những bà mẹ Việt Nam can trường bên những bà Ngoại đảm đang. Ngoại hy sinh tất cả cho lý tưởng của con, khuya sớm chăm lo những đứa cháu, xuôi ngược những chuyến thăm nuôi xa nhà vất vả. Ngoài ra bà Ngoại còn một nỗi mẹ già khuya sớm cần chăm sóc. Những đêm vắng mẹ, hẳn là tiếng ru hời của Ngoại mang một nỗi xót xa.

Bà Ngoại Nguyễn Thị Thuyên, mẹ của tù nhân Minh Thúy, trong vụ án Anh Ba Sàm cũng đã có những ngày vất vả dẫn hai cháu ngoại, sinh đôi mới 7 tuổi vào nhà tù thăm mẹ. Quả thật nếu không có mẹ, tù nhân Minh Thúy đã không có đủ điều kiên và nghị lực để dấn thân vào con đường đấu tranh cho lý tưởng.

Tương tự, suốt quãng thời gian blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị giam giữ cũng là lúc bà Ngoại đảm đang Nguyễn Thị Tuyết Lan đã kêu gọi các tổ chức quốc tế lên tiếng cho con gái, gõ cửa từng cơ quan công quyền cộng sản để chất vấn, yêu cầu chính quyền phải thực thi pháp luật một cách công minh, gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước để truyền đạt tin tức về người tù nhân lương tâm. Bà Ngoại đã vất vả đưa hai cháu cùng bà trên đường đến những trại giam xa xôi, để coi con mình còn sống hay đã chết, thay mẹ Nấm lo cho hai cháu ngoại bữa ăn, giấc ngủ, chuyện học hành.

– “Ngoại ơi! Mẹ con đi đâu, sao chưa thấy về!”

– “Cái ngủ mày ngủ cho lâu, Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về!

Mẹ con không đi cấy ruộng sâu, mẹ con đi cấy bông hoa dân chủ, nên phải vào nhà tù vì chế độ độc tài, bất nhân này!

Một người đàn bà yếu đuối dám đứng lên, giữa vòng vây của những mũi súng, để nói về quyền làm người, về môi trường và chuyện chủ quyền của đất nước! Bên cạnh và nơi nương tựa của những người tranh đấu, là một bà Ngoại thương yêu, dịu dàng!

Ngoại ơi! Đất nước này hãnh diện về những đứa con can trường như Như Quỳnh, nhưng cũng mang ơn những bà Ngoại đảm đang như bà Tuyết Lan!

Huy Phương