18 August 2018

NGOÀI TRONG RA VÔ - Hồ Đình Nghiêm


Này, tôi hỏi chuyện không phải, ông từng ngồi tù chưa?
Đôi phen. Ra bãi bốc, taxi chưa vào rước thì bể ổ, đành bị tó.
Đi vượt biển à?
Ừa, phản bội tổ quốc.
Ngồi trỏng nhiêu lâu?
Nhờ má tôi chạy đúng đường dây nên chỉ hơn “tháng tại tù hai cây vàng tại ngoại”.
Gặp đứa cháy túi trần như nhộng thì có thiên thu? Tội danh nặng nề thế kia.
Làm sao biết được? Xã hội này có gì minh bạch đâu?

Nhốt riêng hay chung?
Tuỳ địa phương, tuỳ cách dựng xây phòng ốc lớn nhỏ. Trường hợp tôi thì bị giam đơn lẻ, mù mịt tứ cố vô thân. Bốn bức tường bức bối, chật chội, trổ một lỗ thông gió nhỏ bằng hình viên gạch. Mưa xối xả bên ngoài mà người ở trong vẫn nóng toát mồ hôi. Dưng không, bộ hết chuyện nói, sao ông lại đè tôi ra hỏi điều lẩn thẩn?

Em tôi mới bị bắt, chẳng biết phải ngồi giở lịch bao lâu. Vợ nó mặt cắt không ra giọt máu khi nghe người ta bảo “chống đối nhà nước và âm mưu lật đổ chế độ”. Con nhỏ than: Vậy là tiêu tùng rồi anh ơi!
Thời mạt vận của tôi thì má tôi cúng hai lượng vàng. Giờ này e bị sứt mẻ nhiều hơn thế, chục cây hổng chừng!
Trời sinh voi có sinh cỏ không? Gia cảnh vợ chồng đứa em tôi giống y như ông Trần Vàng Sao từng bộc bạch “rách như cái xơ mướp, đồng không trự nỏ có, những đứa quen ăn thịt thì chẳng bao giờ đi ỉa vất”. Dù sao thì phản bội tổ quốc nghe không bức xúc bằng lật đổ chế độ. Chẳng biết ngồi bó thân trong đó nó có rảnh rỗi sinh nông nổi để viết ngục trung nhật ký?
Ừ, tôi từng kinh qua cảnh “đau khổ chi bằng mất tự do, đến buồn đi ỉa cũng không cho” *. Nhưng thằng em ông có tài cán gì mà đòi lật đổ chế độ? Nó mang tên Phù Đổng thiên vương chăng?
Nó chỉ là người ở đời thường, ngứa tay vào các trang mạng để sao chép cọp dê các tài liệu giải thích rõ thế nào là dân chủ. Nó in ra giấy, bỏ đầy trong cặp, chưa “rải truyền đơn” thì bị mấy chú an ninh “nghiệp vụ cao” xấn tới trói ké tống lên xe bắt cho nhập kho.
Nôm na là lật đổ chế độ sai qui trình. Tội của cậu em thì nên quy vào bản án “lỗi do thằng đánh máy” hoặc lỗi do font chữ tiếng Việt cài đặt sai vào máy điện toán. Nghe nói các ông cán bộ ra toà khai như vậy thì chỉ việc ăn cơm tù chừng năm bữa nửa tháng là đâu lại vào đó.
Nhà tù bây giờ nhiều hơn trường học, như nấm mọc sau mưa, chỉ sợ họ nhốt nó chỗ nào mình không hay biết địa hình, bù trất chuyện thăm nuôi.
Anh nhắc tới nấm làm tôi chạnh lòng nghĩ về bà Như Quỳnh, xót xa hết biết! Mang tiếng là nam nhi từng vào tù ra khám nhưng tôi thấy hổ thẹn chẳng thể sánh với chị ấy được. Hổ thẹn và khinh bỉ bọn người quyền lực.
Căm phẫn hay khinh bỉ?
Anh nghe chúng nó nói chưa? Hãy nhận tội rồi chúng tôi mới phát bông vệ sinh để dùng khi có tháng, có kinh. Kinh nguyệt hay kinh tởm?
Tôi nói điều không phải thì anh bỏ quá cho, là có khi tôi giận quá mất khôn, những mong bọn Trung quốc uýnh chết mẹ bọn lãnh đạo ngu dốt kia.
Điều ấy không xẩy ra đâu, bởi chúng chăm bôi trơn thế kia. Đánh đứa thẳng lưng chứ ai lại roi vọt vào kẻ từng cong lưng nguyện làm tôi đòi.
Cà phê chưa uống cạn, chuyện chưa vãn, chẳng ra đầu ra đuôi thì bàn bên cạnh có đứa vừa nhét điện thoại di động vào lại túi quần. Nãy giờ tưởng nó rù rì thủ thỉ với người yêu xa vắng nhưng ai có ngờ đâu. Nó đứng dậy phụ một tay với hai người mặc sắc phục từ ngoài đường vừa xấn vô “thi hành nhiệm vụ phá rối trị an”. Cả ba vây khổn đòi bắt hai vị thực khách buồn miệng và cả ba vô tình tô mới lại lớp sơn vào câu chú “bức vách biết mọc lỗ tai”. Bà con cô bác đừng dại nói xấu chế độ, chúng tớ biết hết cả đấy!
Theo bản tự khai viết trên khổ giấy A4 được phát ở đồn, một người tên Nguyễn Văn Trôi, 52 tuổi, hành nghề xe ôm. Một người tên Lê Văn Mười, 48 tuổi, làm phụ hồ. Dò theo loạt ảnh chụp lén lưu trữ trong điện thoại thông minh của đứa mặc thường phục, thì “hai cha nội” này từng có mặt trong đoàn người đi biểu tình chống bọn bành trướng, cũng từng cầm biển “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”.
Nói theo thuật ngữ của công an hành sự tại đồn là “đầy đủ tang chứng vật chứng”, cả Trôi lẫn Mười đều bị dẫn vào ngồi sau song sắt “từ từ tính sau”. Học vị của hai phạm nhân, theo đơn khai viết tay, chỉ tốt nghiệp bậc trung học. Và theo thống kê của nhà nước đương đại: Việt Nam có cả triệu ông bà tiến sĩ chưa tính một bộ phận không nhỏ là Việt kiều nguyện mang kiến thức sở học về xây dựng quê nhà hòng đuổi kịp thằng Sing, thằng Lào.
Đã là tiến sĩ, hạng sở hữu nhiều chất xám, chúng nào dại gì ăn nói linh tinh, chúng tịnh khẩu như bình và nếu cần mở miệng, chúng vẫn rêu rao không có nơi nào đẹp bằng quê hương ta. Thì đã đành, chỉ có bọn “dốt nát” mới không am hiểu thế nào là dân chủ. Ra khỏi tù xong, đói rục xương hoạ may mới thấm nhuần hai từ thiêng liêng nằm ngoài tay với ấy.
Mười nói với Trôi trước khi bị cách ly: Lá bùa duy nhất của chúng ta, giúp qua gian khó, là hãy thắp sáng hình ảnh Mẹ Nấm ở trong tâm. Trôi gật đầu: A di đà Phật. Mười nhắm mắt cúi mặt: Amen.

Hồ Đình Nghiêm
(*) thơ của Hồ chủ tiệm