Cuối tháng này là sinh nhật cháu tôi. Đứa cháu trai duy nhất
trong gia đình. Đứa cháu nội mà tôi thương nhất. Chẳng phải tôi thiên vị vì nó
là con trai hay là vì nó là cháu nội. Mà vì nó ở quá xa. Nó lớn lên từng ngày
không có tôi bên cạnh. Nhiều khi nhớ quá muốn ôm nó vào lòng mà hai tay trống rỗng.
Muốn đi thăm nó thì ông chồng già chẳng biết bỏ cho ai. Thằng con trai cứ năn nỉ,
“Má ơi! Qua đây một chuyến. Con sẽ đem má đi khắp Âu Châu cho biết với người
ta.” Tôi cười cầu tài nói cho con yên lòng. Nhìn ông chồng đau yếu mà thương..
Thôi đành thúc thủ.
Tôi đã có viết một bài về “Hai Ông Cháu” khi cháu tôi mới
vài tháng tuổi. Bây giờ còn một tuần nữa cháu tôi sinh nhật lần thứ hai.
Tôi nhìn chồng mình càng ngày càng yếu để thấy sự đào thải của
thời gian và thân phận của kiếp con người.
Ngày xưa, lúc cháu được vài tháng tuổi, mỗi lần đi đâu con
dâu đem một giỏ tã, sữa cho con, còn bà nội cũng lè kè một túi cho chồng. Mỗi
khi cần vào phòng vệ sinh thay tã, bà nội lại nhờ con dâu xem chừng phòng nữ có
vắng hay không rồi đem chồng vào làm vệ sinh. Xong xuôi cháu cũng sạch mà ông
cũng sạch.
Bây giờ cháu đã bỏ tã, nó mặc quần lót đàng hoàng. Lần đầu
tiên bỏ tã, trên webcam con trai bảo nó kéo quần xuống cho nội xem. Nó mừng rỡ
chỉ cái quần lót hình Superman bí bô khoe. Bà nội chẳng hiểu cháu nói gì, chỉ
cười cười. Thương quá đổi!
Còn ông nội, ngày xưa chỉ mang tã lúc đi đâu hay những lúc cần.
Bây giờ ông phải mang tã cả ngày vì ông cũng không biết lúc nào mình cần giải
quyết. Những ngày quan trọng cần thiết, bà nội mang khẩu trang, đeo găng tay
làm y tá giải quyết những cục nợ đời hôi tanh mà ông không có sức rặn ra. Những
ngày đó tã thay không biết bao nhiêu cái.
Bây giờ cháu đã biết đâu là phòng vệ sinh để vào, còn ông
thì phòng vệ sinh ngay trước mặt cũng không biết mà vô, bà nội nắm tay ông lôi
vào và làm từ A tới Z.
Cháu bây giờ đã biết bắt ghế đứng lên tự đánh răng. Còn ông
nội thì bà nội phải đưa ly vào miệng cho ông từng ngụm nước. Bỏ kem vào bàn chải
và giúp ông đánh răng. Xong lau mặt, lau tay đưa ông ra khỏi phòng.
Kết luận bây giờ, hai năm sau cháu đã vượt qua mặt ông cái
vù về phương diện vệ sinh cá nhân.
Vấn đề ăn thì sao? Cháu bây giờ đã biết ngồi ăn chững chạc
dù mẹ phải đút, bởi không đút là cháu ham chơi ăn không no. Cháu tự múc ăn khi
nào đó là ăn chơi hay cháu thật đói. Còn ông thì bây giờ hoàn toàn không chủ động.
Đút gì ông ăn đó, ăn xong thỉnh thoảng càm ràm bà nội, “Sao từ qua tới nay
không cho tui ăn.”
Cháu bây giờ rất gọn gàng không cần khăn, còn ông nội thì phải
một cái khăn lót ở dưới để hứng thức ăn rơi. Một cái khăn nhỏ ở trên để lau miệng..
Do đó về phương diện ăn uống cháu tiến bộ hơn ông.
Ngày xưa cháu đi tắm phải có cái thau riêng , cháu nằm trong
đó cho mẹ kỳ cọ. Bây giờ cháu có thể đứng trong bathtub cho cha, mẹ thoa xà
bông và xịt nước ấm. Còn ông nội giờ này cũng tệ như xưa. Càng tệ hơn sau khi
xong xuôi, bà nội bảo giơ chân lên để mặc tã, ông cũng đứng im. Những giọt nước
miếng cứ nhểu lòng thòng rơi trên đầu bà nội. Khi bà vỗ vỗ vào chân ông, nói,
“Chân này nè ông, giơ chân lên!” thì ông mới giơ chân lên. Có hôm ông giật mình
kéo mạnh chân tống vào càm bà nội bầm một cục.
Ờ mà còn cái vụ nhểu nữa chứ. Cháu bi giờ ngon lành hơn ông
nhiều. Cháu hết nhểu, đẹp trai ra, biết nhận diện đâu là mắt, mũi, miệng. Còn ông
nội thì càng ngày tốc độ nhểu càng trầm trọng. Không có thuốc men hay phương
pháp gì chận lại. Bà nội dùng kim gút gài một cái khăn bên áo để bà nội chùi
cho ông để khỏi chạy đi tìm. Ông không thích cái khăn lòng thòng nên giựt tét cả
áo, đứt kim băng. Bà nội phải mặc ngoài một cái áo che lại. Khi cần bà lôi khăn
ra lau, xong nhét lại. Thế nhưng nước miếng ông vẫn nhểu dài theo nền nhà theo
mỗi bước chân đi. Bà nội lúc nào cũng chuẩn bị khăn lau nhà. Thỉnh thoảng bà lại
đạp khăn dưới chân xóa đi dấu vết cho đỡ trơn trợt và cũng để mấy đứa cháu ngoại
khỏi gớm.
Cháu nội hôm nay đã có bạn, biết các trò chơi và tung tăng
như chim sáo. Còn ông thì càng ngày càng quên, càng lẩm cẩm. Mỗi khi đi đâu bà
nội nắm tay ông tình tứ như một cặp tình nhân. Nhưng thực ra là giữ ông cho khỏi
đi lạc. Ông rất thích tự do. Ờ mà tự do ai không thích. Nhưng tự do trong trật
tự. Thế nhưng ông nội nào biết trật tự là gì. Buông tay ông ra là ông đi, không
cần biết điểm đến và đi đâu. Bà nội lạc ông mấy lần nên sợ lắm. Bà giữ tay ông
trong bàn tay già yếu nhăn nheo. Thế nhưng đôi khi ông gặp một người không quen
, ông vẫn nhào tới nói không ra lời hay lôi bà nội chạy theo họ. Ông la, “Bạn
tui, bạn tui.” Bà nội biết tẩy của ông nên ngọt ngào dụ dỗ, ''Biết rồi! Họ ra
xe đợi mình đó. Đi chợ xong mình sẽ gặp,” có vậy ông mới chịu nghe lời và đi
theo bà.
Cháu nội bây giờ đã biết nghe lời cha mẹ. Mỗi khi làm điều
gì sai, mẹ cháu bắt xin lỗi, nhận được gì cháu biết cám ơn. Cháu đã bắt đầu học
để nhận biết đúng, sai. Còn ông nội tháng ngày trôi qua ông nội càng mù mịt
đúng sai. Cái gì ông muốn là ông làm, ông không muốn thì đừng hòng ép. Khi cần
ông đứng lại thì ông đi. Khi muốn ông đi thì ông đứng yên một chỗ. Kéo ghì
không nhúc nhích. Năn nỉ một hồi ông mới chịu cho kéo đi. Khi cần ông nói thì
ông làm thinh hoặc tiếng không thoát ra ngoài , chỉ lầu bầu, lịch phịch theo nước
miếng. Nhưng khi ông nói chuyện với những gì ông thích hay bạn bè ảo tưởng của
ông thì ông nói ra tiếng, mạnh mẽ và đầy sức sống.
Cho nên hai ông cháu đã đi ngược chiều với nhau không còn giống
nhau như xưa.
Mỗi khi vào Webcam nói chuyện, cháu chỉ trên màn ảnh “Bà nọi,
bà nọi.. My bà nọi.” Còn ông chỉ nhìn cháu như nhìn một cái gì lờ mờ không quen
biết. Cặp mắt lơ đảng, ánh nhìn tỉnh khô, môi xệ xuống, nước miếng lòng thòng
chảy ra.
Tuy nhiên hai ông cháu cũng có điểm na ná giống nhau là dỗi
hờn.
Khi cháu dỗi cháu lăn xuống đất nằm đạp lòng còng. Cha, mẹ
cháu kêu đứng dậy và bảo xin lỗi, nếu không sẽ phạt time out.
Còn ông nội, ông hay hờn mát. Mỗi khi như vậy ông bỏ đi nằm
và bỏ ăn .
Cả nhà năn nỉ, dụ ngọt cả buổi trời ông mới ngồi dây ăn uống.
Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho tôi thấy một lực hút
cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu
bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ. Cháu đang học mọi thứ để tập sự những ngày
bước vào trường mầm non.
Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc
đời. Ông như một cây đã cạn hết nhựa. Sống trong một trạng thái mơ hồ và làm
theo quán tính của mình.
Người lính của tôi giờ đây già thật rồi. Giả sử chàng không
bệnh như hiện nay thì theo thời đại Internet, chàng của tui cũng quậy chẳng
thua ai. Chàng sẽ có biết bao nhiêu bạn bè, đồng đội thật để mà hẹn nhau tán gẫu,
bàn chuyện cà phê cà pháo, chuyện trên trời dưới đất, chuyện nước nhà, chuyện
thế giới, chuyện chân dài, chân ngắn, chuyện cơm, chuyện phở. Lúc đó tôi chỉ là
bóng mờ bên cuộc đời đầy màu sắc của chàng.
Ông trời đã cho chàng sống sót sau bao nhiêu năm tù tội gian
lao. Đã cho chàng cùng tôi sang đây để xây lại một mái gia đình hạnh phúc. Và
bây giờ đã cho chàng ở bên tôi hàng ngày, hàng giờ như tôi đã từng ước mơ, cầu
nguyện.
Ông trời đã đùa với tôi. Ổng háy một bên mắt và cười, “Con ạ!
Con xin gì ta đã cho con điều đó. Con ước nguyện có chồng một bên không rời xa
dù cực khổ bao nhiêu con cũng chịu. Cảm thương con ta cho con toại nguyện. Ta
cho nó bên con không rời xa nửa bước. Chúc con hạnh phúc.”
Và thế, tôi ôm lấy niềm hạnh phúc ơn trên ban cho tôi và giữ
lấy nó bằng cả trái tim.
Trái tim của một người phụ nữ Việt Nam yêu chồng.
Nguyễn Thị Thêm