Tôi đến thăm Hạnh vào một tối Thứ Năm, khi trời bắt đầu chuyển mưa. Những
cơn mưa rào bất thường của đầu xuân. Ban đầu Hạnh ngần ngại, không muốn tôi đến
– nhất là vào tối Thứ Năm – nhưng khi nghe tôi năn nỉ, nói là tôi chỉ đến, kiếm
một chút gì đó để ăn rồi về, nàng miễn cưỡng nhận lời. Buổi chiều khi về đến
nhà, nhìn vào đống nồi chén trong bếp, và cái tủ lạnh trống trơn, đói, nhưng
tôi không muốn làm cơm (phải đi chợ, tìm chỗ đậu xe, xếp hàng trả tiền, làm cơm
rồi ăn một mình, thà nhịn đói còn hơn! Tôi khẳng định). Nhớ đến Hạnh, tôi gọi
nàng, hơn một tháng rồi tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại chứ chưa gặp nàng.
Từ ngoài, qua khung cửa sổ, tôi thấy Hạnh ngồi bất động coi tivi. Tối Thứ Năm
là một tối mà nàng không thể nào không coi tivi: Đó là đêm đài truyền hình có
những vở kịch xã hội nàng rất mê. Nàng không muốn tôi đến thăm nàng tối nay vì
tôi vẫn thường chọc nàng về những vở bi hài kịch “xà bông bột” – soap opera –
đó. Có lần tôi thấy nàng khóc vì một vở kịch đã làm cho nàng xúc động. Tôi nhìn
nàng, không hiểu được tại sao lại có một người lại dễ bị xúc động như vậy. “Đó
chỉ là một vở kịch. Hơn nữa, tình cảm chỉ là sự diễn xuất của một thái độ đối
với một người, ở một hoàn cảnh đặc biệt nào đó… Tại sao em dễ bị xúc động như
vậy?”, tôi nói với Hạnh. Và nàng giận tôi. Không cho tôi ngồi gần khi nàng
“thưởng thức” những vở kịch đó. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do đã làm
cho chúng tôi không còn yêu nhau- như là đôi vợ chồng.
Tôi và Hạnh đã ly dị nhau gần hai năm, sau khi lấy nhau hơn bốn năm, đó là
một cuộc ly dị rất êm đẹp: Không con, không có nhiều tài sản để tranh giành, và
nhất là không có những lỗi lầm nào để oán trách nhau. “Incompatibility” – không
hợp nhau- đó là lý do chánh mà tôi và Hạnh đã ưng thuận đề trên tờ đơn xin ly
dị. Tôi và Hạnh vẫn gặp nhau thường xuyên trong thời gian ly thân và sau khi đã
ly dị, để thăm hỏi, giúp nhau. Nàng lấy cái nhà, tôi lấy chiếc xe và một ít
tiền. Tôi mướn một căn phòng ở gần nhà Hạnh để có thể tới lui khi nàng cần tôi
(thay bình điện, bình nước xe của nàng vào mùa đông, kiểm soát cái máy lạnh vào
mùa hè, và những việc khác có dính dáng tới “dầu mở” !). Và nàng cũng đến thăm
tôi, thỉnh thoảng nấu cho tôi một tuần đồ ăn. Không giống như lúc còn lấy nhau,
chúng tôi ít cải vả nhau hơn. “Mình hợp với nhau như là bạn hơn là vợ chồng” ,
Hạnh nói với tôi nhiều lần sau khi thôi nhau. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng
chính Hạnh đã biết điều đó từ khi quen nhau. Và ở nàng, tôi cũng thấy một cái
gì rất ủy mị về tình cảm, ngay cả trong thái độ hằng ngày của nàng.
… Những tối Thứ Năm, mùa xuân, và có mưa như đêm nay, Hạnh thường ngồi xem
kịch trên truyền hình, hít mũi sụt sùi, tay cầm khăn giấy. Mới nhìn khó biết
được nàng đang khóc hay là đang bị sổ mũi (vì nàng bị dị ứng với phấn hoa của
mùa xuân). Trong đêm, tiếng hít mũi, tiếng động của mưa rào từng cơn, và sự yên
lặng tuyệt đối của nàng, làm cho người ngồi kế bên thấy như bị kẹt, không thoát
ra được trong cái thế giới tình cảm đang được diễn xuất trên màn ảnh. Và nàng
rất im lặng khi xem những vở kịch.
Sau bữa ăn, tôi pha một ly cà phê cho tôi và một ly sữa nóng cho Hạnh, đến
ngồi gần nàng. Sao? em chọn được loại xà bông nào chưa? , tôi hỏi nàng sau vở
kịch (tôi vẫn thường chọc Hạnh như vậy, sau khi đã giải thích cho nàng biết lý
do tại sao người ta gọi đó là “soap opera” . Trước đây, những hãng xà bông
thường mua trọn quyền quảng cáo trên chương trình nầy để thu hút những bà,
những cô nội trợ, thế nên trong suốt vở kịch chỉ toàn là quảng cáo xà bông!).
“Buồn quá anh ơi!” Không đế ý đến câu pha trò của tôi, Hạnh nói.
“Vở kịch?” Tôi hỏi.
“Ờ, vở kịch. Vở kịch đó làm em buồn.”
“Vở kịch nó “nói” ra làm sao?” Tôi cố gắng không chọc nàng.
“Về chuyện một đôi vợ chồng khi ly dị rồi mới biết được là cả hai vẫn còn
yêu nhau. Vì khi xa rồi, họ mới thấy được cái hiện hữu của nhau. Nhưng cả hai
không nói ra vì sợ người kia không giao cảm được với ý nghĩ của mình”.
“Em vẫn còn yêu anh?” Tôi ngạc nhiên và hỏi nàng một cách rất thành thật.
“Không, em buồn vì em muốn nói với anh là sẽ lấy chồng vào tháng tám này. Tự
nhiên em thấy buồn khi nghĩ về anh. Những ý nghĩ này chưa bao giờ đến với em
trước đây. Có lẽ em sẽ không còn có anh được nữa. Dù rằng, “có anh” ở đây không
nằm trong nghĩa như một người chồng hay là một tình nhân, mà như là một người
bạn. Nhưng anh lại không phải là một người bạn trong một ý nghĩa thông thường.
Mình có một quen thuộc nào đó làm cho em gần anh hơn. Chỉ khi mất nhau rồi mình
mới thấy cái hiện hữu của nhau. Anh hiểu không anh ?”. Hạnh ngồi nhìn ra cửa
sổ, nói với tôi nghe với một giọng rất nhỏ.
Tôi ngồi yên lặng bên Hạnh. Việc Hạnh đi lấy chồng bất ngờ cũng làm tôi bị
xúc động một chút. Tôi mất Hạnh như một người vợ sau khi ly dị; tôi sẽ mất nàng
như một người bạn khi nàng lấy chồng. Rồi tôi sẽ không còn ghé qua nhà nàng để
“kiếm cái gì đó ăn rồi về”. Tôi sẽ không còn chọc nàng về những “vở kịch xà
bông bột” đã làm cho nàng khóc thút thít. Cái buồn sẽ hiện rõ hơn khi nàng vắng
mặt trong đời sống hằng ngày của tôi. Tôi rất ngạc nhiên về những ý nghĩ mà
Hạnh vừa nói với tôi. Chưa bao giờ nàng “triết lý” như vậy! Tôi nhìn nàng,
trong lòng dâng lên một tình cảm thật thấm thía của tôi đối với nàng trong giây
phút đó. Đây là một tình cảm thật lạ, tôi chưa bao giờ kinh nghiệm một tình cảm
như vậy. Dù trong suốt thời gian lấy nhau.
“Anh tặng em cái gì khi em đi lấy chồng?” Hạnh hỏi đùa, hình như để phá sự
yên lặng. Qua làn giấy mỏng của cái khăn nàng đang giữ chặc trên mũi, giọng
nàng khàn khàn như một người sắp khóc.
Tôi không trả lời, nhích người ngồi gần Hạnh hơn. Bàn tay của nàng thật lạnh
khi tôi nắm.
Có một thời gian lúc đang quen nhau, tôi đã nói cho Hạnh nghe nhiều về những
ý nghĩ của tôi về tình yêu, về sự ly dị, về liên hệ của những đôi tình nhân.
Không nhất thiết là chỉ về liên hệ của tôi với Hạnh, tôi nói về liên hệ của nam
và nữ một cách tổng quát. Tôi nói với Hạnh, tình yêu, đối với tôi, chỉ là một
khách thể. Và mình không bao giờ thành công trong việc nắm giữ được khách thể.
Tôi muốn nói, mình không yêu một tình yêu; mình yêu một người. Bất cứ một người
nào, miễn họ làm cho mình yêu được. Sự khác biệt giữa yêu một tình yêu, và yêu
một người, tôi nói với Hạnh, là khi yêu một tình yêu, mình thần tượng hoá chính
tình cảm của mình; khi yêu một người, mình chỉ thần tượng hoá tình cảm của
người đó. Yêu một người thì giai đoạn, là muốn thỏa mãn; yêu một tình yêu thì
vĩnh cửu, là những đam mê (điều đó giải thích ở tuổi nào người ta cũng biết
yêu, không phải ở một người, mà là một tình yêu). Kẻ si tình yêu một tình yêu,
người đa tình yêu một người tình. Và như vậy, sự ly dị chỉ xảy ra đối với những
đôi vợ chồng nằm trong trường hợp yêu một người tình, chứ không phải yêu một
tình yêu. Ly dị là sự phủ nhận một thần tượng tình cảm. Đơn giản như vậy.
Hạnh có vẻ không đồng ý với tôi về những lý thuyết tình cảm mà tôi đã nói
cho nàng nghe. Nàng đồng ý với tôi về điểm mình yêu một người chứ mình không
yêu một tình yêu. Nhưng, nàng hỏi tôi hai điều: thứ nhất, khi yêu một người,
mình muốn thỏa mãn người đó. Nhưng làm sao biết được người đó thỏa mãn? Thứ
hai, “mình có thể ly dị – phủ nhận tình cảm của một người – nhưng có thể nào
mình phủ nhận sự hiện hữu của người đó? Có thể nào mình nhìn người đó đi khỏi
đời mình, và không bao giờ buồn? Chúng tôi chưa bao giờ kết thúc tranh luận về
cái “lý thuyết” nầy.
Có một lúc tôi bỏ đi rất xa, rất lâu. Tôi không giận Hạnh gì hết. Ngược lại
tôi nhớ Hạnh, và vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Tôi không phủ nhận tình cảm của
tôi đối với Hạnh trong thời gian đó. Tôi chỉ phủ nhận một sự thương nhớ của hai
người tình nhân.
Rồi tôi lấy Hạnh, không thần tượng hoá một tình yêu, chỉ thần tượng hoá một
người. Cả tôi và Hạnh không đặt lại vấn đề của những gì tôi nghĩ về tình yêu.
Tôi lấy Hạnh và Hạnh đã làm cho tôi yêu nàng. Đôi vợ chồng thần tượng hoá lẫn
nhau cho đến khi không còn được nữa. Và chúng tôi thật lịch sự với nhau khi ly
dị. Lịch sự hơn là lần đầu tiên tôi mời, và Hạnh nhận, một bản nhạc tình. Chúng
tôi không có vẻ gì buồn trong đời sống riêng tư của mỗi đứa sau khi ly dị.
“Tại sao kỳ vậy anh. Em không buồn khi nghĩ về anh trước đây. Tự nhiên em
buồn khi biết không còn gần anh được. Dù rằng em đang chắc chắn – ít ra là em
đang chắc chắn – người chồng mới sẽ làm em vui”. Hạnh hỏi.
“Đó là cái hữu thể tự hư vô, em hiểu không”. Tôi nói với nàng để thấy nàng
nhìn tôi như một cái gì đó rất trừu tượng.
Ly dị là một phủ nhận về tình cảm như tôi đã nghĩ. Nhưng phủ nhận – nghĩ là
không có – và không có thật là hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Hoàn cảnh
trước có thể không làm tôi buồn; hoàn cảnh thứ nhì làm tôi buồn thật. Không gần
Hạnh được nữa sẽ là sự thật. Hạnh có ý nghĩa khi nàng vắng bóng. Tôi ngồi đó,
nói cho Hạnh nghe về những đêm Thứ Năm, có mưa xuân như vầy, và tôi sẽ không
còn gần được nàng nữa. Tôi nói với nàng tôi sẽ nhớ những đêm như đêm nay, và
thú nhận với nàng tôi là một diễn viên đóng vai tình cảm rất dở. Tôi không giả
bộ được là tôi không buồn khi mất nàng. Tôi ngồi thật gần Hạnh, nghe những giọt
mưa đập vào khung cửa kính tạo ra những âm thanh hổn độn, rời rạc. Nhưng cái
hổn độn rất hoà điệu với tình cảm của tôi đang có. Trong đêm, tưởng chừng như
chỉ có tôi và những tiếng động của mưa (vì chắc chắn tôi sẽ mất Hạnh), và không
còn ai nữa.
“Anh, em muốn hỏi anh nghe chuyện nầy”
“Nói”
“Lúc mới quen nhau, anh có nói với em về hai trạng thái của tình yêu. Yêu
một tình yêu, và yêu một người. Đối với anh, anh chỉ tin vào chuyện yêu một
người. Anh thần tượng hoá tình cảm của một người nào đó để yêu họ. Em nghĩ anh
sai rồi. Trong trạng thái tình yêu mà anh tin tưởng, thứ nhất, anh quên là
chính tình cảm anh cũng tham dự vào sự liên hệ, thứ hai, anh không thần tượng
hoá một người rồi sau đó anh yêu họ; anh yêu, rồi anh mới thần tượng hoá một
người. Cái thứ tự này rất quan trọng. Vì ở thứ tự đầu tiên, anh chấp nhận một
khách thể mà không quan tâm gì đến chính tình cảm của anh. Và đó là một thất
bại. Cũng như nếu anh nghĩ tại vì con người biết khóc thành ra họ là một động
vật tình cảm. Không, chính vì con người là một động vật tình cảm thế nên họ mới
biết khóc.
Cái lý thuyết yêu một người, yêu một thân xác, là trật, là một sự thất bại.
Trong lối yêu này, qua dục vọng, qua những đòi hỏi của thân xác, anh – và cũng
chính ở em – muốn ôm một người, muốn thỏa mãn và được thỏa mãn. Nhưng khi dục
vọng đã được thỏa mãn rồi, trong giây phút đó, chỉ có một mình mình kinh nghiệm
được cái thỏa mãn, chứ không bao giờ cái thỏa mãn ở đối tượng mà mình muốn thỏa
mãn. Đó là một thất bại. Đó là một thất bại nguyên thủy của lối yêu một người
như anh nói. Anh hiểu không, anh hiểu không?”
Bây giờ Hạnh mới nói cho tôi nghe. Tôi muốn hỏi tại sao nàng không nói điều
này từ lâu nay, nhưng thôi. Quá trễ cho một liên hệ. Tôi đã sai, lầm. Tôi chỉ
nghĩ đến cái khách thể tình cảm nhưng còn cái chủ thể tình cảm của chính tôi
thì sao? Hay là tình yêu là một thất bại? Hoàn toàn? Dù yêu cách nào đi nữa.
Yêu một tình yêu hay yêu một người.
“Anh về”. Tôi nói với nàng khi những tiếng mưa bắt đầu nghe rõ hơn.
“Ờ, anh về. Trời mưa như vầy mà anh không có áo mưa, dù gì hết sao?” Nàng
cằn nhằn với giọng của một người vợ.
“Hay là em cho anh mượn áo mưa của em?”. Không đợi tôi trả lời nàng nói
tiếp.
Tôi nhìn Hạnh khi nghe nàng nói câu đó. Nàng cũng nhìn tôi. Trong một tích
tắc của thời gian, giữa hai cái nhìn, tôi xúc động, biết rằng nàng đang tội
nghiệp cho tôi sẽ bị ướt mưa. Không, nàng không muốn cho mình mượn áo mưa. Nàng
chỉ lỡ lời, nàng không muốn tôi trở lại đây nữa, tôi nói với chính mình.
“Hôn em, và đọc cho em một câu thơ để em ngủ ngon trong một đêm mưa như vầy
đi anh”.
Hạnh nói khi tôi đứng ở ngoài cánh cửa.
“Em ngủ ngon. Mong em và ông chồng tương lai hoà thuận”.
Xin giấc ngủ mi xanh vào yến tiệc
Khi mùa trăng công chúa mộng hoang đường
Tôi vòng tay, xiết mạnh đôi vai khi đọc cho nàng nghe hai câu của một nhà
thơ mà nàng thích.
“Anh cưng ngủ ngon. Chạy thật nhanh ra xe, để khỏi bị ướt mưa.” Nàng nói.
Tôi không cần phải phủ nhận một tình cảm, tôi không còn một tình cảm nào nữa
để phủ nhận. Tôi không cần phải thần tượng hoá một tình cảm, tình cảm này tự nó
là một thần tượng rồi.
Từ bực thềm nhà Hạnh ra xe, tôi không nghe lời nàng, chạy thật nhanh để khỏi bị
ướt mưa. Tôi muốn đi thật chậm, để những hạt mưa có đủ thì giờ thấm vào áo,
quần của tôi. Để cho da thịt tôi thấy được cái lạnh của một cơn mưa rào đầu
xuân.
Tiếng nổ của máy xe nghe sụt sùi như muốn khóc.
Nguyễn Kỳ Phong
Nguồn: VĂN, Số 99, tháng 9-1990