25 September 2018

CHUYỆN MUA, BÁN DƯỚI HUYỆN - Từ Thức


Lời tác giả 
Bài này, khởi đầu chủ ý chỉ viết cho facebook, nhưng thấy vấn đề khá quan trọng, cần báo động dư luận và nghĩ báo và facebook ít khi có cùng nhiều độc giả, xin kính, thân gởi, để tùy nghi. 

‘’Tôi ký giấy bán, bán cho ai, làm gì thì tôi không biết‘’. Đọc, tưởng người ta nói chuyện bán một bó rau, con gà, một cái chủi cùn. 

Không, đó là chuyện bán một phần lãnh thổ, đẫm máu bao nhiêu thế hệ. Đó là lời tuyên bố của ông Nguyễn văn Thiện, nguyên bí thư tỉnh ủy Bình Định, về chuyện bán cảng Qui Nhơn.

Chuyện bán cảng, mới đây vỡ lở. Theo phong tục XHCN - tất cả có quyền, có phần, nhưng không ai trách nhiệm - chính phủ sẽ rất ‘’quan ngại‘’, sẽ đưa ông Thiện ra ‘’xử lý ‘’ (dịch ra Việt ngữ : đem ra tế thần). Ông này đổ tội cho chính phủ : nhà nước đã quyết định, tôi ký, vậy thôi. 

Mớí đầu, bán 51% cổ phần, là chuyện không ai làm, nghĩa là trao toàn quyền quyết định khai thác, xử dụng cho người mua ; sau đó, buồn buồn, hay cần tiền chia nhau, bán luôn 49% còn lại. Cả chính phủ, các ông bí thư, chủ tịch, tới người viết báo, không ai nói bán cho ai. Nhắc tới người Tàu là một tội phạm húy, ai cũng sợ bỏng lưỡi, ai cũng có lý do để né. 

Ông Tô Tử Thanh, bí thư tỉnh ủy trước ông Thiện, người phát giác ra vụ mua bán, đề nghị nhà nước nên thâu lại cảng bị bán bất hợp pháp - ở VN cũng có chuyện hợp pháp ?-, rồi bán một phần, nhưng khi bán, cũng nên nghiên cứu xem giá trị thực tế hiện nay của cảng Qui Nhơn là bao nhiêu. 

Nói chuyện lấy lại cho dân sướng, nhưng ngay cả khi còn đôi chút lương tâm, muốn hủy bỏ giao kèo, sẽ tốn kém ngập đầu, hơn cả tiền đã thâu được. Bóp cổ dân, dễ; nhưng đụng tới thế lực ngoại bang, hơi khó hơn một chút. 

Chắc chắn các đầy tớ dân, muôn người như một, sẽ thi nhau tình nguyện bán lều lấy tiền trang trải. 

Nhắm mắt bán, nhưng cũng không cần biết nó đáng giá bao nhiêu. Ẩu hơn bán một bó rau, vài trái hột vịt lộn. 

Chỉ cần biết chia nhau được bao nhiêu. Người dân không có được cái hãnh diện, có cơ hội '' tự sướng '', thấy đất nước của ông cha để lại đã bán được giá. 

Qui Nhơn chỉ là một thí dụ, sau biết bao nhiêu hải cảng, thị trấn, đặc khu... Ngày nay, ai là người có khả năng biết diện tích thực sự của nước ta bao nhiêu cây số vuông, mảnh đất nào thực sự còn thuộc chủ quyền của Việt Nam ? 


PS : bài báo trên đây, mới đầu có cái tựa ''Cảng Quy Nhơn: bán cho ai thì bộ GTVT làm, thời điểm đó tỉnh không hay biết''. Vài phút sau, đọc lại, cái tựa trở thành : ''Tỉnh Bình Định gặp lúng túng khi bán cảng Qui Nhơn''. Chỉ có tỉnh gặp ''lúng túng'', nhà nước không liên hệ. 

Hy vọng bài báo sẽ không cánh mà bay mất. Dù sao, đã copy bài báo, để đọc trong trường hợp bài bị xoá, hay sửa đổi nội dung. 

Đọc thêm 

Sai phạm khủng vụ bán Cảng Quy Nhơn, TTCP yêu cầu xử lý thế nào? 
Bách Thuận ,Thứ Hai, ngày 17/09/2018 21:53 PM (GMT+7) 

(Dân Việt) Chiều tối nay (17.9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Theo kết quả thanh tra, hàng loạt sai phạm liên quan đến việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn đã được xác định. TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý hàng loạt cơ quan liên quan. 


Cụ thể, về xử lý trách nhiệm đối với Bộ Giao thông vận tải, TTCP đề nghị, căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra. 

Theo đó, chỉ đạo Vinalines theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có: Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Trưởng ban Chỉ đạo và Tổ trưởng Tổ giúp việc đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra; Nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đối với khuyết điểm, vi phạm trong việc trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định, dẫn đến giảm nguồn thu NSNN về thuế TNDN, giảm nguồn thu của Vinalines từ lợi nhuận trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Đối với Văn phòng Chính phủ, TTPC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra. 

Về phía UBND tỉnh Bình Định, TTCP kiến nghị, theo thẩm quyền, UBND tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra. 

Cùng với đó, đối với các công ty tư vấn, căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn (ATC và CPA), các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc xác định GTDN để cổ phần hóa, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra. 

Bên cạnh đó, về xử lý về kinh tế, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản, gồm văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.

TTCP yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cảng Quy Nhơn.
Cùng với đó, Bộ Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật, đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo an ninh quốc phòng, lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư theo quy định pháp luật; chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần khi cổ phần hóa cho Công ty Hợp Thành. 

Ngoài ra, TTCP yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cảng Quy Nhơn. 

Với Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch và Phương án cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn đã được phê duyệt; hạch toán giảm chi phí khấu hao TSCĐ, tăng lợi nhuận và nộp NSNN số tiền 5,236 tỷ đồng; thực hiện việc niêm yết cổ phiếu Cảng Quy Nhơn trên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng quy định của pháp luật. 

Từ Thức