22 September 2018

KHÔNG! KHÔNG!... CÁI ĐÓ HỔNG PHẢI CỦA TUI - Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hơn tuần qua chiều nào tôi cũng lên hội quán, ngồi trước chiếc bàn trong góc phòng, day mặt vô vách, lướt mạng, chỗ đó yên tĩnh và không ai chú ý. Chiều nay có một thủy thủ chiếm góc đó rồi, giống y chang tôi mấy hôm trước, anh ta ngồi day lưng ra ngoài, mặt chăm chú vào màn ảnh của laptop. 

Cuối tuần, hội quán đông người. Thủy thủ đến từ khắp nơi, kẻ đánh bi da, người chơi bóng bàn, người tụ tập nhậu nhẹt. Tôi loay hoay chưa biết ngồi chỗ nào cho tiện, chợt từ phía sau lưng có bàn tay để nhẹ lên vai và kèm theo tiếng chào:

– Chào chú! 

Tôi day lại, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ ôm chầm người bạn trẻ: 

– Hi, Ahmad, khoẻ không?

– Dạ, con khoẻ, cám ơn chú. 

– Tàu con cũng ở đây hả? 

– Không, tàu con đậu ngoài Europort. 

– Vậy con vô đây bằng xe gì? 

– Xe điện. Nghe nói chiếc Confort còn đậu lại cả tuần nữa và biết chú chiều nay lên đây con mới vô thăm chú. 

– Oh! Sao con biết chú lên đây? 

Ahmad đưa điện thoại cầm tay ra trước mặt, nói:

– Riko nhắn cho con. 

– Hèn chi cả ngày nay Riko nhắc đi nhắc lại hoài, kêu chú phải lên hội quán. 

Ahmad chỉ tay xuống chiếc bàn trước mặt nói:

– Chú ngồi đi, con mua rượu. 

Tôi để laptop lên bàn và ngồi xuống. Ahmad theo đạo Hồi, dân In Đô phần đông theo đạo Hồi. Nhớ lại thời gian đầu nó theo tôi tập sự làm bếp, nó giữ giới luật rất kỹ, không uống bia, rượu và thấy thịt heo nó ghê sợ như thấy đồ dơ. Mỗi lần kêu nó xắt thịt heo thì nó lấy bao tay mang vô rồi miễn cưỡng xắt ra miếng thịt bầy nhầy trông thấy hết muốn ăn. 

Tôi nói với nó:

– Chú biết người đạo Hồi hổng ăn thịt heo, nhưng người đạo khác thì ăn, con muốn làm đầu bếp cho tàu buôn, nấu cho nhiều giống người khác nhau mà hổng dám đụng tới thịt heo, vậy mỗi lần nêm nếm chắc con phải tròng condom vào lưỡi. 

Nó cười hì hì. Rồi hỏi: 

– Chú đạo Phật hả? 

– Có vấn đề sao?

– Con thấy chú hổng ăn thịt. 

Tôi nói: 

– Ăn thịt hay hổng ăn thịt hổng phải là vấn đề của đạo. Vấn đề là ở chỗ con người ta đặt ra những thứ đạo rồi bày ra đủ thứ trò. Đạo Hindu hổng ăn thịt bò, đạo Hồi hổng ăn thịt heo, đạo Phật hổng ăn thịt gì hết và có đạo uống nước, đạo ăn lá cây, hầm bà lằng đạo. Có ba cái chuyện ăn uống thôi mà đi tới đâu gây rắc rối tới đó. Thậm chí có nhiều người ăn theo, chẳng đọc kinh và hổng biết đạo là gì, chỉ biết có “ăn” rồi sanh ra thù hằn, ganh ghét. Người ăn heo ghét người ăn bò, người ăn bò ghét người ăn heo, người ăn chay hổng ưa người ăn mặn... Hễ mở miệng ra thì dóc láo, tâm địa thâm độc, tham lam, giết người, cướp của tràn lan khắp thế giới cũng do ba cái chuyện ăn uống của đạo này đạo kia mà ra.

Nghe tôi nói một hơi, suốt buổi làm việc Ahmad nín thinh và ra chiều suy tư... 

Một sáng nọ, nó xuống bếp, không mang bao tay như mọi khi, cầm khúc thịt heo cốc lết tôi bày ra trên bàn, đưa lên và hỏi: 

– Hôm nay làm món gì chú? 

– Vietnamese style fried Pork Chop (Thịt cốc lết chiên Theo cách Việt Nam)

– Làm sao chú dạy con đi. 

Bỗng dưng thằng nhỏ đổi thái độ, làm tôi hơi lúng túng, Tôi đứng ưỡn ngực hít một hơi, thở ra một cái, đi tới bên nó, lấy chiếc dao và cầm miếng thịt xắt ra vài miếng làm mẫu. Để dao, để thịt xuống, tôi day qua nói:

– Dễ quá phải không?

– Yes sir. 

– Vậy thì xắt đi. 

Bắt đầu từ đó nó xắt thịt heo gọn gàng, trông miếng thịt bắt mắt hơn. Tuy nó làm ra vẻ anh hùng cho oai vậy chớ thỉnh thoảng tôi liếc qua thấy nó ngó miếng thịt heo còn ghê ghê, đôi lúc làm như nó không dám ngó. Khi chỉ nó chiên thịt tôi nói: 

– Con hổng ăn thịt heo thì nêm nếm mùi vị xong rồi nhả ra. 

– Hổng sao đâu chú, con còn phải học hỏi nhiều nữa. 

Tôi cười và nói giỡn:

– Học nấu bếp trên tàu bảy món là đủ rồi. 

– Weeks menu hả chú? 

– Con cũng biết weeks menu hả? 

– Biết chớ chú, bảy món cho một tuần, mỗi ngày một món hết tuần thì bắt đầu lại, Hollands style.

– Ờ, có thời gian chú theo tàu đánh cá Urk ở Hòa Lan. Sáng thứ Hai họ ra biển đánh cá, sáng thứ Sáu về, họ làm sẵn năm món khác nhau để trong tủ lạnh, mỗi ngày đem ra một món hâm nóng ăn cho tiện. Trước kia nhiều bếp tàu buôn người Hòa Lan làm theo cách đó, nhưng trên tàu viễn dương thì có thêm súp đậu đỏ hay đậu xanh ăn với bột mì pha với trứng, sữa đem tráng chảo, tiếng Hòa Lan gọi là pannenkoek, tiếng Anh là pancake. 

Ahmad hỏi:

– Tiếng Việt là gì chú? 

– Chú hổng biết, ở Việt Nam chú chưa thấy món bánh này. 

– Ngoài hai món xúp đậu ra cũng có món đậu nấu ăn với thịt ba rọi xắt nhỏ chiên teo lại cho dòn vào ngày thứ Bảy, có tên là Groninger rijsttafel, phải không chú? 

– Đúng rồi, truyền thống ăn uống của tàu buôn Hòa Lan trước kia, thứ bảy ăn đậu. Chủ Nhựt thì mỗi người ăn nửa con gà đút lò với khoai tây chiên dầu (french frites). 

– Ừa, ngày nay con thấy nhiều đầu bếp cũng giữ theo truyền thống đó. 

– Hồi trước thì trên tàu nhiều người Hòa Lan còn giữ truyền thống, tập tục của Hòa Lan. Thời gian sau này, chung chạ với dân tạp nhạp, nhứt là những người qua từ Đông Âu, nấu nướng kiểu đó họ ăn hổng được và thực phẩm dự trữ hổng dùng bị dư ra, hết hạn, hư thúi liệng bỏ nhiều lắm. 

– Con cũng thấy vài đầu bếp nấu ăn hổng được, thức ăn đổ bỏ rất nhiều. 

– Vậy thì con học hỏi để trở nên đầu bếp hổng đổ bỏ thức ăn. 

– Con thấy làm đầu bếp cần phải có lương tâm nữa. 

Tôi đoán thằng nhỏ muốn nói lương tâm nhưng không đủ vốn từ ngữ để diễn tả, nên day qua nhìn nó: 

– Compassion! Lâu lắm rồi chú mới nghe chữ này. Theo con như thế nào mới là có lương tâm? 

– Con thấy nhiều đầu bếp ngoài mặt lòn cúi vâng vâng dạ dạ, nhưng khi khuất mặt thì bỏ đồ dơ vô thức ăn cho người ta ăn. 

– Chuyện này chỉ có vài đầu bếp tâm tánh bất thường. Thật ra thì mấy tên láo cá, cà chớn cũng nên lấy nước bồn cầu pha trà, cà phê nấu thức ăn cho nó ăn, nó uống, nhưng hổng lẽ ghét có một vài thằng mà mình cho cả đám ăn, uống đồ dơ. Làm như vậy là bất lương, hơn nữa làm hư chất lượng thức ăn mà mình bỏ công ra chế biến. 

– Phần đông đầu bếp người In Đô lúc nào cũng lo cho tụi officers nhiều hơn, thậm chí cho thủy thủ ăn đồ thừa và đồ hết hạn. 

– Đầu bếp làm như vậy tức là lấy phần ăn của thủy thủ cho tụi officers ăn.

– Oh. Lần đầu con nghe chú nói.

– Công ty trả tiền ăn cho mọi người trên tàu giống như nhau và trong hợp đồng cũng hổng có ghi điều khoản đầu bếp nấu cho tụi officers ăn ngon hoặc nhiều hơn thủy thủ. Đã làm việc ngoài boong nhiều năm con cũng biết, anh em thủy thủ làm việc nặng nhọc và cực khổ hơn tụi officers nhiều. Trong khi tụi officers chỉ tay năm ngón, làm việc nhẹ hơn và lãnh lương cao hơn. Mai mốt con nhận việc hổng muốn bị đồng hương ghét thì cố gắng giữ công bằng trong việc ăn, uống. 

– Con thấy nhiều đầu bếp nấu theo ý thuyền trưởng không thôi.

– À, mình cũng chiều theo thuyền trưởng một chút. Chú ý thuyền trưởng thích ăn món nào thì thỉnh thoảng làm món đó và hổng thích món nào thì lâu lâu nấu món đó một lần. 

Ahmad cười cười nói lại:

– Chú dạy con giữ công bằng trong việc ăn uống mà. 

Tôi nhìn gương mặt thông minh, nhưng lém lỉnh của thằng nhỏ, mỉm cười: 

– Đây hổng phải là nịnh nọt gì đâu, mà là tâm lý, bởi vì phần đông con người ta hay a dua lắm, ngồi ăn chung bàn, thuyền trưởng khen ngon thì y như rằng cả đám khen ngon, thuyền trưởng ăn món nào thì cả đám hùa theo ăn món đó, nếu thuyền trưởng chê món nào thì chẳng ma nào rớ tới món đó.

– Dạ, con biết.

– Nhưng chuyện này con nên làm kín đáo, tuy đầu bếp làm việc chỉ dưới quyền thuyền trưởng, nhưng tốt hơn hết không nên thân thiện với thuyền trưởng. 

– Sao vậy chú? 

– Gần lửa thì rát mặt.

Dần dà chẳng những Ahmad không sợ thịt heo mà nó ăn được thịt heo, khi nếm thịt heo nó cắt nguyên miếng ăn thử và biết phân biệt mùi vị, phê bình ngon dở, nó rất thích món thịt heo kho trứng của Việt Nam. Tôi chỉ nó cách kho thịt, kho cá theo cách Việt Nam và dạy nó kết hợp thực đơn, thí dụ như thịt heo, thịt gà, cá kho thì phải ăn với cơm trắng hoặc khoai tây luộc, rau cải luộc... Có hôm nó hỏi: 

– Thịt bò hay thịt trừu kho với trứng được không chú? 

Tôi trả lời. 

– Thì khi nào về In Đô con nấu thử coi, chớ VN hổng có ăn trừu, còn thịt bò thì có món bò cà ri hay bò kho gừng rồi, thịt nào vị đó.

Mỗi khi đổ bộ tôi đi đâu nó theo đó, nó cũng biết uống bia, rượu và thích nhứt nhậu với món da heo chiên dòn chấm dấm ớt. Khi nhận việc đầu bếp, mỗi khi gặp rắc rối, nó hay gọi điện hỏi. Trước khi nó xin việc sang công ty khác, nó cũng gọi cho tôi hay. Từ ngày sang công ty khác nó thường đi tuyến đường xa rồi dần dà tôi không liên lạc với nó được nữa và cũng không nghĩ sẽ gặp lại nó. 

Ahmad bưng mâm rượu và bọc khoai tây chiên dòn ra. Để mâm xuống bàn nó liền nói: 

– Ở Hòa Lan hổng có da heo chiên dòn.

– Con vô siêu thị mua thiếu gì. 

– Vậy hả chú, vừa rót rượu nó vừa nói, mai con lên siêu thị mua một mớ đem theo. 

Chúng tôi cụng ly, vừa uống vừa trò chuyện và trao đổi với nhau trên những chuyến hải hành. Dạo này Ahmad đi tuyến đường Âu sang Á nên nó kể tôi nghe về hành trình của nó qua những hải cảng Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam. Nghe nó kể xong tui nói:

– Con còn trẻ đi cho đã, chú già rồi. 

Ahmad cười. 

– Con thấy chú còn khoẻ và trẻ lắm. 

– Mệt rồi con. 

– Chú còn mấy năm nữa về hưu? 

– Theo luật mới thì chú phải làm tới sáu mươi bảy và cộng thêm vài tháng. 

– Lâu hả chú.

– Ừa, xã hội Âu Châu bây giờ thay đổi nhiều lắm. 

– Vậy hả chú? 

Tôi chỉ tay chung quanh mấy chiếc bàn bên cạnh đầy nhóc người nói: 

– Con nhìn thì biết, những người đến từ Đông Âu không à. 

– Ừa, trước kia nhiều người Phi Luật Tân hơn. 

– Ngày trước chú tị nạn Cộng Sản qua xứ tự do, bây giờ Cộng Sản tràn lan qua xứ tự do. Tương lai Âu Châu biến thành Cộng Sản, lúc đó hổng biết chú phải tị nạn qua đâu. 

– Qua In Đô chú.

– In Đô... 

Tôi định nói In Đô đạo Hồi thì cũng y chang như Cộng Sản và những nước độc tài thôi, nhưng tôi kip dừng. Những năm sống nước ngoài, tuy Ahmad học hỏi được nhiều văn hóa, nhân bản của những nước tự do phương Tây, sống cởi mở hơn nhiều so với bạn bè đồng hương của nó, nhưng dù sao nó cũng là người đạo Hồi. Tôi bèn nói trớ: 

– In Đô cũng giống Việt Nam mà. 

– À, chú có định nghỉ hưu về Việt Nam ở hông chú? 

– Chú chưa biết, nhưng trong một xã hội luôn bất ổn thì cũng hổng nên tới đó làm gì.

– Ở Việt Nam hổng bình yên hả chú? 

Tôi khoa tay một vòng trong hội quán, nói. 

– Thì con coi đó, mấy người này sống trong những quốc gia Cộng Sản, nếu quốc gia họ được bình yên thì đâu có lê thân khắp nơi kiếm sống. 

Ahmad nhìn một vòng rồi bưng bia lên uống, để bia xuống nó hỏi: 

– Con chưa biết người Cộng Sản khác nhau với người hổng phải Cộng Sản thế nào? 

– Con chú ý thời sự thì con thấy rõ hết, Cộng Sản và những tổ chức khủng bố na ná như nhau, thí dụ như tánh tình những người Cộng Sản hống hách, nói láo, độc ác, gian manh, bắt cóc giết người. Vì quyền lợi họ có thể bắn rớt máy bay giết hàng trăm người vô tội. Đem thuốc độc qua nước khác thuốc người ta chết. Những người Cộng Sản trên quê hương chú cũng vậy, thời chiến tranh họ giết đàn bà có chửa, bóp cổ con nít, bắt người vô tội trói thành chùm rồi đào lỗ chôn sống tập thể.

– Bây giờ thay đổi nhiều rồi chú, tháng trước con có ghé cảng Sài Gòn và lên thành phố Hồ Chí Minh, vui lắm chú. 

– Mình là thủy thủ đi tới đâu hưởng thụ tới đó nên thấy vui, con có sống nơi đó rồi mới biết, dân ở đó hổng thoải mái đâu.

– Mỹ cũng cũng nói láo và giết nhiều người mà chú. 

– Nói chung thì những ông, bà làm chánh trị thì nói láo là nghề của họ. Khi có quyền, có thế thì hổng nhiều thì ít cũng có nhúng tay vào tội ác. Tuy nhiên, trong những nước dân chủ, từ tổng thống xuống tới bất cứ ông, bà chánh khách lớn nhỏ nào nói dóc hay làm chuyện bất nhân, trái pháp luật thì báo chí tha hồ mạt sát, thậm chí còn bị lôi cổ ra tòa. Dân chúng biểu tình phản đối, cảnh sát đụng tới liền bị báo chí cho lên trang nhứt. Còn ở những nước độc tài và cộng sản thì từ đảng viên cấp thấp cho tới chóp bu nói dóc, nói láo, hối lộ, tham nhũng... họ làm mưa làm gió gì thì làm, dân chúng biểu tình, nhà báo hó hé đưa tin thì bị đánh đập, còng tay, lôi kéo như heo, như chó đem nhốt vô tù, buồn buồn họ lôi đầu đánh đập cho vui, nói chung những người cộng sản, nhân tánh hổng có, họ xem mạng con người ta như cỏ rác.

– Nhưng nước Nga và những nước Đông Âu hết Cộng Sản rồi chú. 

– Họ nói hết là hết được sao. Một khi tư tưởng Cộng Sản đã thấm sâu trong óc, trong tim họ. 

Tôi bưng rượu lên cụng. Ahmad cụng ly và đưa ly ực nhanh một cái, để ly rượu xuống và nói: 

– Dạ con biết rồi. 

– Con biết cái gì? 

– Con phân biệt được tánh tình giữa người Hòa Lan và người Nga, phần đông người Nga họ sống ích kỷ và vô kỷ luật và nhân tính họ ít hơn người Hòa Lan, con nghĩ đó là tánh tình của hai dân tộc khác nhau. 

– Hồi trước chú đọc của một danh nhân người nào đó nói: “Dân tộc nào, chánh quyền nấy.” chú tin như vậy. Nhưng đi nhiều nơi, sống chung chạ và tiếp xúc với nhiều dân tộc khác nhau chú mới nghiệm ra rằng, phải nói là “chánh quyền nào dân tộc đó” mới đúng. 

– Là sao chú? 

– Có thể đem dân Trung Hoa ra so sánh, cùng là người Tàu nhưng người Tàu Hồng Kông, Tàu Đài Loan và người Tàu sống bên Âu-Mỹ, tánh tình hòa nhã, văn minh, thân thiện và gần gũi họ mình hổng thấy bất an hơn là gần với Tàu Cộng. Người Đông Âu cũng vậy, những người dân còn ảnh hưởng văn hóa cộng sản thì sống vô kỷ luật, tham lam và ích kỷ, sống hổng hòa hợp được với ai. 

Tôi mỉm cười và nói tiếp:

– Chú và con cũng vậy, sống bên phương Tây một thời gian cũng có phần nào thay đổi. Phải vậy không? 

– Oh, Ahmad gật gật đầu cười nói, con thay đổi cũng nhờ chú mà.

Tôi cười: 

– Đó là nhờ sự thông minh và chịu học hỏi của con. Thường thì thành phần lớn tuổi, còn suy tư theo chủ nghĩa Cộng Sản nên có phần khác biệt. Hy vọng đám trẻ qua những nước văn minh thực tập, làm việc, học hỏi, tánh tình thay đổi tích cực, lễ độ, kỷ luật, sống văn minh và có văn hóa hơn. 

– Người Cộng Sản hổng có văn hóa hả chú? 

– Có chớ con, nói chung làm việc gian ác nào cộng sản cũng làm được, có điều họ làm nhưng hổng dám nhận là họ làm. Bọn khủng bố khác hơn Cộng Sản chỗ này, khủng bố làm thì họ nhận họ làm. Cộng sản làm chẳng những hổng thừa nhận, mà còn đổ thừa cho người khác. Văn hóa Cộng Sản là như vậy đó.

– Ừa, theo nguyên tắc thì trên tàu hổng ai được vào bếp hỏi này hỏi nọ nhưng có nhiều người, nhứt là mấy người Nga, họ hay vô bếp đòi này đòi nọ, hổng phép tắc gì hết. 

– Có những tên cà chớn mình cũng nên chưởi thẳng mặt. 

– Chú là người Hòa Lan nên nó ngán chú. 

– Vậy người In Đô họ hổng ngán sao? 

– Không đâu chú... 

– Con hổng dám chưởi thì mỗi khi gặp tên cà chớn con lên mét với thuyền trưởng. 

– Có, con có mét thuyền trưởng, nhưng khi có mặt thuyền trưởng thì tụi nó im ru, ra vẻ ngoan ngoãn lắm. Nhưng lúc thuyền trưởng vắng mặt thì tụi nó tấn công vô bếp giống như hải tặc Somalie vậy. 

– Những tên như vậy con tống cổ nó ra ngoài. 

– Hổng sao hả chú. 

– Hổng sao, chú bảo đảm, hổng sao. 

– Chú dạy con làm đầu bếp phải có lòng tốt mà. 

– Những tên cà chớn, hổng cho nó ăn đồ dơ là tốt với nó lắm rồi, nhưng con đừng gây chuyện trước là được.

Có tiếng chuông báo, chúng tôi nhìn lại phía tiếng chuông. Một ông lớn tuổi đứng trước quày ba rung chuông, tới khi mọi người im lặng, chú ý ông mới ngưng tay và day ra nói lớn: 

– Hôm nay là sinh nhật của tui, tui mời mỗi người một lon bia. 

Tiếng ồ vang lên và ai đó nhanh miệng cất tiếng hát happy birthday to you... mọi người cùng hòa nhịp, tôi và Ahmad cũng hát theo. Ông sinh nhựt bưng bia mời từng người. Chúng tôi mỗi người cũng được một lon. Sau khi mọi người có bia đủ rồi ông trở lại trước quày ba đứng cầm ly bia đưa lên cao mời mọi người. Mọi người hô to happy birthday và một lần nữa cùng nhau hát bài happy birthday to you...

Khi không khí vui nhộn của sinh nhật lắng xuống thì trời cũng tối rồi và hội quán cũng sắp đóng cửa. Ahmad mở túi xách lấy ra chiếc áo thung màu đỏ còn trong bọc, đưa qua cho tôi nói: 

– Tặng chú nè, con mua hôm ghé cảng SàiGòn. 

– Oh, ông kia sinh nhựt mà chú được quà. 

Cầm chiếc áo thung màu đỏ, lòng thoáng chút nghi ngờ, tôi mở bọc rút áo ra xem. Đúng như tôi đoán, một ngôi sao màu vàng choán hết ngực áo: 

– Oh, cờ Việt Cộng... 

Ahmad cũng ngạc nhiên: 

– Cờ hả chú? 

Tôi cầm chiếc áo căng ra và đưa lên: 

– Vậy là thành lá cờ Việt Nam.

– Oh, xin lỗi. 

– Chuyện gì? 

– Chú hổng thích Cộng Sản. 

Không hiểu sao tôi vẫn điềm nhiên, trong khi trong lòng thoáng buồn và khơi dậy trên quê hương của tôi một thời tang tóc. Nửa thế kỷ trôi qua rồi còn gì, vậy mà quê hương tôi vẫn còn tiếp diễn sự hung bạo, dã man, xem ra mỗi ngày một tinh vi hơn.

Tôi điềm nhiên nói: 

– Lá cờ chỉ là biểu tượng. 

Tôi vừa nhét chiếc áo thung vào bọc đưa qua cho Ahmad, nói: 

– Con cất lại đi chú hổng bận nó được, đem nó về tàu làm chú thêm suy nghĩ. 

Ahmad cầm áo để lên bàn:

– Nghĩ gì chú? 

Trong lúc tôi lưỡng lự, chưa biết trả lời sao thì hội quán thông báo đóng cửa. Những thủy thủ ở xa thì có xe bus hội quán chở về tàu. Tàu tôi đậu gần đi bộ vài phút tới nên không cần xe bus. Ahmad đi xe điện nên nó vội đứng lên, đi lại hỏi tài xế đi nhờ xe bus ra bến xe điện. Lát sau nó trở lại, mang vội túi lên vai và bắt tay, ôm tôi thiệt chặt và nói lời từ giã. 

– Còn năm phút xe chạy, chú giữ gìn sức khoẻ. 

– Ok, con cũng vậy. 

Hội quán đương xôn xao ồn ào, chợt nhiên vắng vẻ yên lắng. Vài nhân viên lau chùi quét dọn và tôi cũng mang laptop lên vai. Tôi day lại khoát tay với mấy nhân viên dọn dẹp, nói lời cám ơn và chào tạm biệt. Khi tôi bước ra tới cửa thì có một nhân viên gọi. 

– Ông ơi!

Tôi day lại thấy một nhân viên cầm bọc có chiếc áo thung đỏ đưa lên:

– Ông bỏ quên cái này. 

Không do dự, tôi vừa khoát tay vừa lắc đầu: 

– Không! Không!... Cái đó hổng phải của tui ./. 

Dronten 1.9.2018
Nguyễn Lê Hồng Hưng