27 September 2018

MỘT ĐÁM TANG NHỚ ĐỜI - Mỹ Trí Tử


Khi nhớ tới những lệ làng ở nơi sâu xa nhất nước Việt, tôi chợt rùng mình ớn lạnh về chuyện một ngôi làng không mấy nổi tiếng nhưng được lưu vào trong tâm trí một trải nghiệm đến khó quên.
Tôi chỉ còn nhớ mang máng tên của ngôi làng từ một người dân thiểu số Phù Lá không sỏi tiếng kinh cho lắm trả lời khi chúng tôi hỏi. Đó có thể là làng Rét. Cái tên này có phải mang ý nghĩa về sự lạnh giá quanh năm suốt tháng của mảnh đất này chăng?


Nếu ai đã từng đặt chân đến xã Lũng Cú, tỉnh Hà Giang nhìn cột cờ đánh dấu đỉnh cực bắc Việt Nam thì tương tự như vậy ở một tỉnh khác, làng Rét là nơi gần như sâu xa nhất của tỉnh Lào Cai. Chúng tôi gồm 3 người đã đến đó vào những ngày đông giá rét của cách đây hơn 6 năm về trước.

Dân trong làng này thưa thớt và mỗi nhà cách nhau chừng vài ngọn đồi hay vài ngọn núi cao nhưng mỗi khi nhà nào có việc gì quan trọng thì trưởng làng cũng đều gọi họ tụ tập gần như đông đủ, từ người già nhất tới những em bé mới sinh chừng vài ngày tuổi.

Chúng tôi đã không may mắn khi đến đó vào ngày mà một trong những người già nhất của làng qua đời. Buổi lễ tiễn đưa cũng được tổ chức đúng như tục lệ của làng và hễ có khách nào đặt chân hoặc đi lạc đến vùng đất này đều bắt buộc phải vào viếng tang.
Khi biết tin này, chúng tôi cũng không ngại đến đó để chia sẻ nỗi buồn với người nhà và người làng, nhưng khi tới đó những hình ảnh đầu tiên làm chúng tôi hết sức hoảng sợ. Ngôi nhà được treo đầy lá xung quanh và đặc biệt là ở cửa ra vào, lá được kết thành chùm lớn, mật độ dày hơn những nơi khác. Loại lá có cái tên rất khó nhớ, dùng để trừ tà ma gì đó. Một người làng nói tiếng kinh không sỏi mấy tiếng đã giải thích với chúng tôi như vậy. Trong ngôi nhà, lúc này bầu không khí rất nặng nề, u ám bởi quá nhiều lá khiến chung quanh cũng trở nên ngột ngạt.
Nỗi khiếp sợ tiếp theo là hình ảnh một người đàn ông đứng tuổi, mặc y phục rất lạ kỳ, không thể xếp vào dạng thời trang nào và điều đặc biệt nhất chính là những cơ bắp trên cơ thể, hai tay to khỏe chắc nịch của người đàn ông này đang dương chiếc cung tên ngang tầm mắt với gương mặt quay ra cửa chính, sát khí trùng trùng. Anh ta đứng ở vị trí trong cùng, bên cạnh chiếc quan tài quay đầu vô bên trong. Hầu như chúng tôi toàn thân đều đã bắt rầu run bắn lên, đứa này vịn vai đứa kia, thì cũng lúc đó mắt anh ta chằm chằm nhìn về phía chúng tôi càng khiến cho đứa nào đứa nấy thêm khiếp vía . Nhưng sau đó chúng tôi cũng cố gắng bình tĩnh lại và nghĩ rằng nếu tiếp tục tỏ ra run sợ sẽ không thể hiện thiện chí cho cuộc tiễn đưa này, thậm chí họ có thể phạt người viếng bằng hình thức dị đoan nào đó của lệ làng thì chắc sẽ không có cơ hội được trở về nhà!
Nghi lễ cũng không có gì cầu kỳ cho lắm, bắt đầu xếp hàng đi theo phía chiều ngược chiều kim đồng hồ, vòng từ đoạn chân của người chết đến đầu rồi vòng ra, đặc biệt ở đoạn gần đầu người chết, có một chiếc mẹt (giống cái nia) đựng xôi, màu của loại xôi này là tím nhạt, thể hiện cho sự tiếc nuối. Ai cũng phải đi qua chỗ này và dùng tay bốc một miếng xôi nhỏ, chấm vào miệng người chết rồi phải ăn miếng xôi đó, có thể không ăn hết nhưng buộc phải cắn một miếng để tỏ tấm lòng chân thành lần cuối cùng với người ra đi, tục lệ này giống như dùng bữa cơm cuối cùng với người đã khuất. Và người đàn ông cầm cung tên đứng ở đây làm nhiệm vụ quan sát, nếu ai không thực hiện lễ nghi này thì cung tên kia sẽ nhắm bắn vào người đó. Điều này thật kỳ quái và ghê rợn.
Lúc này, bắt đầu thấy một người làng làm như vậy, rồi những người kế tiếp từ già tới trẻ cũng đều làm tương tự với thái độ bình thản như không có gì. Trong bụng tôi bắt đầu cuộn lên từng cơn như thể buồn nôn, rùng mình đến đổ mô hôi hột. Cũng may hai người bạn đi cùng bây giờ họ lại rất bình tĩnh và cố gắng trấn an nhau. Người bạn đứng phía trước nói khẽ: “Cứ làm theo y như họ nhưng khi ngắt miếng xôi phải ngắt cho to, nắn cho dài dài thêm chút và khi chấm xong thì xoay đầu bên kia mà cắn một miếng để yên trong miệng, đợi ra ngoài hẵn nhả ra sau.” Tiếng nhạc kỳ quái lúc to lúc nhỏ lấn át hết lời của cô bạn nhưng chúng tôi cũng hiểu được ý này nên bình tĩnh hơn chút đỉnh. Vậy là mọi việc diễn ra khá ổn theo như mưu tính nên đã thoát được đôi mắt của người cầm cung tên cho đến khi rời khỏi khu làng này.
Sự ám ảnh của điều ấy vẫn còn cho dù thời gian đã trôi qua khá lâu rồi. Mỗi lần nhắc lại chuyến đi đó, hai người bạn tôi không quên nhắc tới trận ói mửa của thế kỷ…, và sau đó cũng một thời gian khá dài chúng tôi hình như không đụng đến món xôi dù trước đó xôi là món mà chúng tôi rất thích.
Rời làng sau cuộc hành trình đầy bí hiểm, chúng tôi có lẽ không ai nghĩ rằng sẽ có một ngày quay về lại nơi này dù ở đây phong cảnh núi rừng cũng rất đẹp và không kém quyến rũ, một nơi mà những hủ tục kinh dị nhất vẫn còn tồn tại, Họ đại diện cho một dân tộc thiểu số nào đó mà chúng tôi không nhớ rõ, họ không khoa trương, không chấp nhận những người thành thị đến để quay phim hay tuyên truyền gì cả. Họ vẫn duy trì những tục lệ kỳ dị nhất, ghê sợ nhất và cũng khó hiểu nhất.

Mỹ Trí Tử, 2018