25 October 2018

BẤT TẬN CUỘC ĐỜI HUNG HÃN ĐÓ - Hồ Đình Nghiêm


Nhạc dạo ban đầu nhịp điệu dìu dặt, chậm rãi mang danh hiệu Trần Tế Xương khởi xướng:

“lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
đứa thì mua tước, đứa mua quan
phen này ông quyết đi buôn lọng
vừa bán vừa la cũng đắt hàng”.

Ánh sáng vẫn nhá nhem, khuất sau cánh gà vọng tiếng ai hò, gửi ra sân khấu:

“Bán đi những thứ dãi dầu
mua về những thứ rặt mầu nhà quê”.
Một bóng đèn đỏ chợt thắp cùng lần với giọng nữ cất tiếng, âm vực Hồ Xuân Hương, pha chút giễu cợt:


“Năm ba thằng ngọng đứng xem chuông
nó bảo nhau rằng ấy ái uông”.

Có cô tự nhận con cháu bà, ngứa cổ: Qua truông nhà hồ ắt gặp vở opera đầy chim muông!
Sân khấu sáng thêm nhờ tia màu xanh quét vội, xanh của thủ phận như “Cách Ở Đời” mà Nguyễn Công Trứ từng cắn răng:

“Nghe như chọc ruột, tai làm điếc
Giận đã căm gan, miệng mỉm cười”.

Trên cao, từ bốn góc, những ngọn đèn cùng thắp, chao đảo chiếu xuống, trôi mơ hồ tiếng ai vừa đọc hai câu của Bùi Giáng:

“Hãy mang tôi tới giậu rào
Cho tôi ngó vịt thì thào với chim”.

Có bóng người thất thểu lê chân ra sân khấu, micro chẳng cầm tay nên nghe như lời thì thầm, cho tôi được đọc bài Giã từ thành phố HCM của Nguyễn Đức Sơn:

“Mai tôi về núi em ơi!
Quẩn quanh thành phố ma chơi quỷ đùa
Thời công nghiệp, dạo sân chùa
Tên siêu đảng tử cỡi rùa trong mơ
Ba năm ví bỏ làm thơ
Ba ngàn năm nữa… ai rờ tan toang
Bên này đèn điện sáng choang
Bên kia vách mộ nắng loang tắt rồi”.

Một đứa bé gái xuất hiện đứng kề, ánh đèn tập trung chiếu vào hình nhân gầy yếu, đọng một đốm sáng, lạc loài. Đứa bé lên tiếng, giọng phân trần:
“Ông nội em sống tới tuổi 99 thì chết. Làng xóm đều bảo, cha nội này sống dai thật, còm cỏi tong teo gầy rạc là thế mà vẫn trường kỳ an phận với đời. Bà nội em kêu, tiếc gì mà chả hổng làm thêm 365 ngày nữa, hưởng thọ 100 tuổi có phải bảnh hơn không! Mộ ông nội em có người dựng đặt tấm bia: Đặc Khu, cấm người Việt lu bu bước vô”.
Đèn mờ dần khi đứa bé rút lui. Người đàn ông đứng cạnh nó nhìn theo, sửa giọng Bùi Giáng:

“Sông ơi em bỏ sa mù
Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau”.

Xây mặt lại phía những hàng ghế trống bên dưới:

“Đánh cho Mỹ cút Nguỵ nhào
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam”.

Trong vũng tối thẳm chiếm ngự không gian mênh mông ngoài sân khấu nổi lên tiếng trầm đục, giọng đọc mà tựa như đang hát bè: Đó có phải là văn chương cách mạng như Nguyễn Đức Sơn từng ca cẩm:

“Văn chương
cách mạng
lựu đạn
cầm tay
nện ngay
chủ nghĩa
súng tỉa
từng thằng
nhào lăn
trên giấy”.

Người đứng trên sân khấu nói vọng xuống: E cũng nên tin là vậy, xin được bổ sung thêm:

“Anh đi cách mạng bao năm
Từ rừng đến phố dao găm chưa xài
Vẫn chưa dứt điểm sòng bài
Khiến thân ê ẩm khuya dài đau sao
Cứ yêu tha thiết đồng bào
Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng”.

Một tràng ho kéo dài, ho tựa ho lao, may thay chưa nhìn ra máu trào. Phông màn phía sau chuyển cảnh, lại đọc tiếp cho hợp với thứ sắc màu minh hoạ nhá nhem:

“Xe ba gác đã đến rồi
mau mau bàn ghế chảo nồi cất lên
vợ chồng được mấy tấm phên
những đêm hạnh phúc nhà bên khó dòm
giờ này còn cãi om sòm
nhựa nhôm cũng món tiền còm mang theo
đừng quên cái khoản cứt heo
gửi về quê giúp ruộng nghèo đói phân”.

Hí viện bỗng dưng bị ngắt điện, tối như hũ nút. Cửa bật mở, đột ngột mang luồng sáng gắt gao ngoài cảnh đời thực ùa vô, kèm theo bụi bặm, kèm theo hai “chú” bộ dạng có vẻ bà con với “bác”. Hai chú công tác ở Bộ ở Cục gì đó, mặt mày không thể gọi là cục vắt thành hòn, học vị chừng tiến sĩ là chí ít. Một chú la: Phàm đã là đại trượng phu thì chớ nên làm việc mờ ám. Một chú khác tiếp lời: Bởi không ưa mờ ám nên bọn tớ bèn cắt cầu giao cho bỏ ghét, điện nước không đầy đủ đố mầy làm nên. Khai mau, đang dàn dựng kịch bản gì thế? Ơn Đền Oán Trả hay Hận Đời Đen Bạc? Hôm kia đã dẹp yên tụ điểm âm mưu diễn tuồng Đồi Thông Hai Mộ ở phường Bến Nghé rồi. Cứ được tài mượn đầu heo nấu cháo mãi, nói nặng nói nhẹ nhọc công răn đe mãi mà chả nghe bao giờ.
Tan đàn sẩy nghé. Thượng bất chính thì hạ tất loạn. Bầu đoàn thê tử đành dắt díu nhau đi tìm ánh sáng cuối đường hầm. Đầy tớ nhân dân bao giờ cũng có thế giá, người còn chút trí khôn chẳng ai dại “tự té” hoặc thúc thủ đón nhận trường hợp“vô tình có hơi mạnh tay dẫn đến tử vong”.

“Đời sau người có thương ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha”.

Cũng may nhà thơ Nguyễn Đức Sơn còn sống để góp cho đời một tiếng “càm ràm”. Và đời bất hạnh mạt pháp này ít ai còn tưởng tới bài kệ Mettika:

“Dẫu ta có đau đớn
Sức yếu, tuổi trẻ qua
Dựa trên gậy, ta đi
Ta leo lên đỉnh núi
Với đại y vắt ngang
Với bình bát lộn ngược
Ta ngồi trên tảng đá
Tâm ta được giải thoát
Ba minh chứng đạt được
Thành tựu lời Phật dạy”.

Tagore có hấp thụ lời Phật dạy để sớm khai nhãn?
“Cái chết không dập tắt ánh sáng, nó chỉ là việc tắt đèn đi vì bình minh đã tới”. Phương Đông ẩn mật là thế, sao phương Tây mãi rềnh rang tiếng chì tiếng bấc tựa như cảm nhận của thi nhân Charles Simic:

“Lịch sử là một cuốn sách dạy nấu ăn.
Bạo chúa làm đầu bếp.
Triết gia viết thực đơn.
Tu sĩ làm hầu bàn.
Quân nhân đứng canh cửa.
Tiếng hát mãi vọng ra là âm thanh các
nhà thơ đang rửa chén.”

Diễn viên nghiệp dư nối đuôi nhau men theo bờ lề sát một chốn bán bia ôm đang chộn rộn, gặp Nguyễn Thanh Văn giải thích “sự cố”:

“trong quán rượu hai nhà thơ cãi lộn
rớt ví tiền và vãi cả thơ
có cô nàng say thơ như điếu đổ
lật đật nhặt tiền dẫm cả lên thơ”.

Kế bên là nhà hàng đặc sản bày bàn ghế trên sân thượng hình như năm 1992 Nguyễn Đức Sơn từng lò dò bước chân lên:

“Cố nhân này cố nhân ơi
Sợ gì bội thực cuối đời đấu tranh
Yêu cầu nhậu tiếp đi anh
Mặc tôi ngồi ngó trời xanh ngập ngừng
Ngày xưa từ chối vô bưng
Tôi đi lỡ thẳng cái lưng quen rồi
Thơ văn không kỵ chảo nồi
Cám ơn gặp gỡ bồi hồi bắt tay
May mà còn có chiều nay
Bánh mì tôi gặm, mây bay anh nhìn”.

Bùi Giáng không nhìn mây bay, đi ngoài đường gầm đầu đếm bước:

“Tháng năm dòng nước trôi xa
Người qua, người sẽ đi qua những người
Tôi qua không một hẹn lời
Hẹn hò chi bấy? Bước dời về đâu?


Tặng đời đoá đoá hoa sầu
Nhớ nhau từ đoá mộng đầu rã đôi
Giọt nước theo giọt mưa rơi
Mỗi mùa mưa đến tôi ngồi chắp tay”.

Dễ chịu. Rất mực nhẹ nhàng của người luôn đối diện, vật vã với những mộng ước khó bề thành tựu, trong câm nín.

“Hỏi rằng: Người ở quê đâu
Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà”.

Quê nhà có Trần Vàng Sao một đời theo cách mạng đã có hôm dụi mắt ra đường thiệt vàng không sợ lửa:

“đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
….
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây”.

Anh biểu chúng chết, chết sao đặng. Chết được chúng chết đã lắm khi. Đó là nói theo khẩu khí của Nguyễn Công Trứ hoặc Trần Tế Xương, toàn những vị sanh bất phùng thời.
Đường dẫn về Thủ Thiêm dân oan đang đổ ra lộ, mặt méo mó. Họ than, họ mất đất đai trên chính đất nước mình, đau hơn bị giặc Tàu đô hộ. Hai mươi năm qua biết bao lời hứa hẹn, Quyết Tâm ơi! Nói chi lời muối xát vào lòng dân. Đừng đau xót, ngừng xin lỗi, day dứt gì khi người Thủ Thiêm ăn bụi ngủ bờ. Đã khô giọng gào đã mất hết điền sản, còn chiếc dép này đành giải phóng buộc ném đi (trúng ai ráng chịu). Nguyễn Thiện Nhân bí thư chừng bất thiện, thiện tâm đâu? Nước mắt dân tuôn cùng máu đổ oan trào, chưa khô.
Anh em dừng lại mường tượng ra con số 1500 tỷ lớn bao dường. Suốt đoạn đường nghe bà con tấu bản giao hưởng hoành tráng hơn khúc đoạn trường. Nguyễn Du có sống dậy cũng bất lực trước thời cuộc, văn hoa chải chuốt ngậm ngùi cung đàn lạc điệu, nhân nghĩa lễ trí tín không ăn thua được với cường hào ác bá. Bóng ai như Tô Thuỳ Yên đổ xuống, chợt về ngang:

“đau khổ riêng gì nơi gió cát
hè nhà bụi chuối thức thâu đêm…
đất trời ủ lứa chiêm bao khác
dâu biển làm mưa nắng lạ đi
bụi rác mỗi thời một dạng loại…
lịch sử qua đường đã cải trang”.

Kịch sĩ cải trang, đào đang trét phấn, thằng hề thì muôn đời bôi mặt; mà lãnh đạo, nhân thân họ khó lường, có thể viết thành ba kịch bản khác nhau. Anh Ba, anh Năm, chú Sáu. Mỗi anh mỗi chú có riêng một chân dung khó đụng hàng, tựu trung là dạng loại bụi rác thời nay thật khó ngửi, gây ô nhiễm không cứ là mặt trận Thủ Thiêm.

Hồ Đình Nghiêm