Đường ven hồ Tây
Bạn chở tôi đi trong một buổi chiều muộn mát mẻ đẫm hơi nước
lưu lại từ cơn mưa rất to vừa dứt. Thường xuyên ra Hà Nội nhưng lúc nào cũng bận
rộn nên đã vài năm tôi mới lại được đi một vòng Hồ Tây. Chỉ đi chầm chậm theo
đường ven hồ, trò chuyện trong lãng đãng mùa thu mà ngỡ như mình đang ở tuổi mười
bảy ngày xưa.
Và lạ, các bạn tôi đều nói: ngày còn bé cứ rảnh rỗi hay buồn
buồn lại đạp xe lên hồ Tây. Lên đây thấy người nhẹ nhõm hẳn… Ngày ấy tôi cũng vậy.
Ngày ấy quanh hồ Tây còn là những làng nhỏ êm đềm xanh ngát
và đẫm hương thơm của hoa, của lá, của ngô ngậm sữa của lúa đòng đòng: Nhật
Tân, Nghi Tàm, làng Bưởi, Xuân Tảo, Trích Sài, Thụy Khuê… Phía hồ Trúc Bạch còn
làng Ngũ xá đúc đồng nổi tiếng. Bây giờ hầu hết đã thành phố thành đường, thành
nhà biệt thự và chung cư cao tầng. Rất may còn giữ được những cổng làng là dấu
tích một thời xa xưa, còn giữ được tên các làng cổ là tên những con đường ven hồ,
lại có hẳn “đường Vệ hồ” đi qua những ngôi nhà nhỏ bé giản dị ẩn sau vườn rau,
bên đầm sen mà chưa bị biến thành biệt thự kín cổng cao tường. Mong rằng con đường
này không bị đổi tên để lỡ mai kia hồ ngày càng hẹp thì nhìn tên đường biết rằng
ngày xưa hồ Tây rộng hơn rất nhiều. Cũng như bây giờ khi tôi ngắm nhìn từ phía
nào cũng thấy hồ Tây nhỏ hẹp hơn thủa mình còn bé, bởi tầm nhìn đã bị những tòa
nhà cao tầng che chắn.
Tuổi đôi tám mùa nào cũng lên hồ Tây, hè ngắm sen đông ngắm
sương, thu ngắm hoàng hôn xuân ngắm hoa… Mỗi mùa cảnh sắc hồ Tây lại thay đổi,
quen thuộc đấy mà vẫn lạ lùng. Ngày ấy hồ Tây bát ngát nhìn bờ bên kia chỉ một
vệt xanh mờ, nhiều đoạn không có đường mà nhà, vườn sát bờ hồ, treo pheo ngả rợp
mặt nước. Rời đường đê hay từ đường Thụy Khuê rẽ vào bất cứ cổng làng nào thì lập
tức như lạc vào một vùng cổ tích. Nhà mái ngói đỏ tường gạch đơn sơ, phía sau
là vườn rau vụ đông, trước nhà cây đào hoa nở muộn, đàn gà ung dung bới đất tìm
mồi quanh bụi chuối, đàn vịt thong thả bơi trong ao nhỏ hay trên mặt nước hồ
ngăn lại bằng mấy đoạn tre… Làng quê chập tối là vắng vẻ, chỉ có đoạn nhà máy
bia Hà Nội còn có người qua lại.
Chiến tranh, Hà Nội sơ tán vợi người, nhưng ở làng quê này
chỉ vắng bóng trẻ con vì người lớn làm vườn, trồng hoa, đánh cá, làm các nghề
thủ công… không “biên chế nhà nước” nên không phải theo cơ quan sơ tán về nông
thôn. Trong mảnh vườn nhà xuất hiện thêm cái hố “tăng xê” mà chỉ khi nào tiếng
cao xạ trên đê dồn dập thì người ta mới nhấc cái nắp hầm bằng rơm bện dày để nhảy
xuống. Ở đây không như trong nội thành, chẳng mấy khi nghe thấy tiếng còi báo động
hay báo yên hú vang mà thi thoảng mới nghe đài nhà ai thông báo “đồng bào chú ý
đồng bào chú ý…”.
Từ nhiều năm qua cảnh thanh bình làng quê ven đô đã trở
thành quá khứ. Nay Tây Hồ là quận nội thành, làng lúa làng hoa chỉ còn trong
câu hát. Những con đường ven hồ Tây đã được nối liền, nhỏ nhắn hai làn xe sớm
chiều xe máy xe hơi tấp nập. Bờ hồ được kè đá sạch sẽ, nhiều đoạn có hàng rào sắt,
cây trồng trên vỉa hè đã lên cao. Quán xá cũng nhiều hơn, quán cà phê, quán bia
hơi, nhà hàng… ở trong nhà có máy lạnh hay trên vỉa hè hứng gió hồ lúc nào cũng
đông khách. “Đặc sản” cũng nhiều hơn chứ không chỉ là món bánh tôm hay ốc luộc
nổi tiếng một thời.
Khoảng 5 năm trước, cũng một chiều thu, bạn chở tôi đi thăm
những ngôi chùa ven hồ Tây: Trấn quốc, Kim Liên, Phổ Linh, Hoằng Ân, Vạn Niên…
rồi dừng lâu hơn ở chùa Tảo Sách (Linh Sơn Tự). Ngôi chùa tương truyền có từ thế
kỷ 13 nằm trong khuôn viên rộng lớn trên đường Lạc Long Quân, một phía sân chùa
nhìn ra mặt hồ lộng gió. Quần thể kiến trúc chùa mang đậm phong cách dân gian,
bao gồm: tam quan, gác chuông, nhà thờ Tổ, trai phòng, nhà thờ Mẫu, điện thờ Đức
Quan Thế Âm Bồ Tát. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ rất nhiều tư liệu Hán Nôm và những
di vật có từ hàng trăm năm mang giá trị lịch sử - nghệ thuật cao: hàng chục câu
đối, đại tự, văn bia tượng Phật tượng Mẫu, chuông đồng… Quả là một “danh lam cổ
tự” quý giá của Hồ Tây, của Hà Nội.
Chiều muộn, chùa vắng vẻ chỉ có mùi nhang thơm và tiếng mõ
lan xa. Bạn và tôi thắp hương ở chánh điện rồi đi ra phía sau. Thấp thoáng bóng
áo nâu lướt nhẹ như làn gió giữa khoảng trời mây nước Hồ Tây mênh mông… Sau đó
ít lâu bạn ra đi. Từ đó tôi chưa có dịp trở lại Chùa Tảo Sách cho đến hôm nay bất
chợt đi qua.
Cũng giống hệt như buổi chiều năm năm về trước, sương thu đã
dâng tím mặt hồ, tiếng chuông chùa quyện vào hơi sương la đà trên mặt nước.
Không biết bao giờ bạn trở lại với Hồ Tây?
Mùa cúc họa mi
Mới chừng mươi năm nay vào những ngày chớm đông người Hà Nội
lại thấy những chiếc “xe hoa” đầy cúc họa mi bồng bềnh trôi trên đường phố. Màu
trắng giản dị và tươi tắn của những cành hoa mới rời bãi đất ven sông Hồng làm
cho phố xưa nhà cổ thêm sức quyến rũ những ai lần đầu đến đây. Với người Hà Nội
đi xa, mùa cúc họa mi lại gợi nhớ về cả một thời thơ ấu…
Khi gió Đông Bắc đầu mùa tràn về nhưng chưa mang theo cái lạnh
tê tái mà chỉ làm cho không khí dịu lại sau những ngày cuối thu thất thường nắng
gió, buổi sáng đến trường đi trong làn sương dày hơn và không khí lành lạnh
trong lành, bọn trẻ chỉ mong được nghỉ học để kéo nhau ra bãi ven sông Hồng. Ở
đó có những vạt hoa dại mọc rậm rạp kết vào nhau dày đặc, mỗi khi gió từ sông Hồng
ào lên vạt hoa lại nghiêng mình mềm mại. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống xa
xa như có những mảnh lụa trắng nhẹ nhàng bay trên màu xanh của bãi ngô và ruộng
rau vụ đông... Không thấy ai gọi tên hoa là gì, cũng chẳng thấy ai mua bán hay
cắm trong nhà bao giờ. Thỉnh thoảng gặp những người đàn bà cầm liềm cắt từng ôm
cây hoa này, lèn chặt vào hai quang gánh, bọn trẻ hỏi “cắt về làm gì hả bác?” –
Cho bò ăn. Mùi cây tươi ngái sực lên, sao bò ăn được nhỉ, lũ trẻ nghĩ thế.
Ngày ấy ngoài bãi ven sông Hồng và cả Bãi giữa nữa luôn là
“điểm đến” hấp dẫn của bọn trẻ trong phố. Từ những ngôi nhà ở phố cổ hay căn
phòng trong khu tập thể, kể cả nhà biệt thự cũ trên “phố Tây” đã bị chia năm xẻ
bảy, chật chội và ngột ngạt, mùa hè như cái lò nung còn mùa đông lúc nào cũng ẩm
ướt… Chỉ cần đi theo đường đê cả ngày và đêm thường vắng vẻ, phía ngoài đê là một
không gian rộng rãi, thoáng đãng, ngăn ngắt xanh từ triền đê xuống bãi, ngút
ngát sông Hồng và những đoàn xà lan chở than, cát… Chiều mùa đông nhạt nắng những
chiếc thuyền xa dần, chỉ còn bóng dáng “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”
mơ hồ gợi nỗi niềm tha hương.
Ra đến bãi sông bọn con gái hay tìm rau dại, vào ruộng ngô
nhặt rau muối, trò chuyện với nhau, ở cái tuổi trăng tròn đứa nào không có vài
bí mật nho nhỏ có thể đã giữ kín trong lòng nếu không có một ngày với bạn ở bãi
sông. Sau lúc tâm sự an ủi trêu chọc lẫn nhau thì kéo nhau đi tìm một hàng ngô
nướng trong xóm gần đó, ngồi quanh cái chậu nhôm rách có mẻ than đỏ hồng, vừa
hơ bàn tay bắt đầu lạnh cóng vừa chờ mùi thơm ngô nếp tỏa ra cho đến lúc chẳng
phân biệt được đâu là những hạt ngô non đâu là chiếc răng xinh. Còn bọn con
trai, chúng chơi trò gián điệp tìm bắt hay “quân ta quân địch” bùm chéo, có khi
lại đánh nhau với bọn con trai xóm bãi, chán rồi nằm lăn trên cát mịn như nhung
mà tán chuyện những vũ trụ hành tinh xa xôi, nhổ cỏ gà chơi chọi, nếu trời hanh
nắng chúng xuống sông tắm, quần áo vứt hết trên bờ. Bọn con gái không biết, nhỡ
đi qua thì ù té chạy trong khi bọn con trai dưới sông lại reo hò không hề biết
ngượng.
***
Thảm hoa dại ngày ấy bây giờ được gọi là cúc họa mi, chở
trên xe đạp cũng nhiều gần bằng gánh cho bò ăn ngày trước nhưng bán từng bó nhỏ
bọc trong giấy nilon. Bạn, một người “Hà Nội gốc”, có lần nói “xưa chẳng ai mua
bán hay cắm loại hoa dại này cả!”. Ừ xưa thế, nhưng nay khi món ăn dân dã vào
nhà hàng máy lạnh để thành “đặc sản” thì hoa dại có mặt trong ngôi nhà phố cổ
cũng là điều bình thường, phải không? Vì người ta nhìn ra cái ngon, vẻ đẹp
trong dân dã, hay là vì “người khôn của khó”?
Thật ra thời bao cấp mỗi năm có mấy dịp để mà cắm hoa? Phổ
biến nhất là dịp Tết: nhà khá thì có đào, quất, thủy tiên, bình thường thì thược
dược, cúc, violet, lay-ơn, hoa bướm, mõm thỏ… thật rực rỡ. Nhà có bình hoa
trông trang trọng hẳn lên. Thỉnh thoảng sinh nhật bạn bè tặng nhau bó hồng hay
chục hoa đồng tiền đơn được cắm trong bình thủy tinh nhỏ xinh. Bây giờ nhiều loại
hoa hơn mà nhu cầu cũng nhiều hơn, ngày nào cũng có thể cắm hoa cho đẹp cho vui
mà không cần lý do. Nhiều nhà luôn có bình gốm sành hay bình gốm men màu thân bầu
to, có thể cắm vài chục bông sen, mấy mươi bông cúc, bông hồng, bó loa kèn, cúc
họa mi hay violet sum suê. Bình hoa đơn sắc như biểu tượng của sự sang trọng và
no đủ.
Mùa cúc họa mi chỉ khoảng mươi ngày ngắn ngủi. Dù vậy vẫn
như ngày xưa, loài hoa dại này góp thêm vào nguồn sống ít ỏi của nhiều người
nghèo khó như những người đàn bà, đàn ông hàng ngày chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ
của mình mùa nào hoa ấy từ vùng ngoại ô đi vào thành phố.
Hà Nội đẹp hơn nhờ những bông hoa mà đằng sau nó là những
con người bình dị.
Quý bà mùa thu
Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…
Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống
hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên
những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…
Vậy mà ở Hà Nội cũng vậy.
Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở
mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Vậy mà chiều
đến không khí lại oi nồng, rồi mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường
phố ngập nước. Chưa lần nào ra Hà Nội vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại
thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu
vào cái tuổi “tiền mãn ” gì gì ấy…
Nhưng mặc kệ cái khó chịu, cái khó chiều của quý bà Mùa thu,
cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc
hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ
cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm
vẫn xanh mướt như màu ngọc bích, vẫn giòn vẫn ngọt như thế. Và cúc vàng vẫn như
nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa
thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng
ai màu xanh đắm đuối ấy…
Mùa Thu Hà Nội luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hoài niệm,
nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc
nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…
Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga
Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà đẹp dịu dàng mà ánh mắt
kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận
một ai.
Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?
Nguyễn
Thị Hậu