18 October 2018

SINH NỞ - Thu Phong



1.
Nàng đã không nhìn vào bên trong, không ưu tư về thân phận mình với danh nghĩa một sinh vật, một động vật, một con người được Thượng đế tạo dựng, nàng tưởng Ngài đã xong công việc với vạn vật, với nàng. Nàng tưởng thân thể mình đã hoàn chỉnh với bấy nhiêu bộ phận bất biến, và những bộ phận ấy vận hành theo một nhịp điệu đều đặn, chỉ có thể lụi tàn dần.

Rồi có sự khởi sắc, sinh động, cơ thể nàng thay đổi. Và nàng nhận ra nàng là một sinh vật mang bản năng sinh nở.
Nàng nhận ra Thượng đế đã bí mật cài đặt khả năng ấy vào tất cả giống cái, và tất nhiên, vào nàng. Nhưng Ngài chỉ làm đến thế.

Thượng đế chỉ tạo ra giống cái, người đàn bà, Thượng đế không tạo ra người mẹ.
Nàng biết quá trình trở thành một người mẹ, bí mật của việc hút mật từ cánh hoa này đến cánh hoa khác của lũ bướm ong trong vườn; nếu không, các cánh hoa tàn lụi dần, rồi biến mất vào hư không, và những người đàn bà vẫn chỉ là đàn bà cho đến lúc chết.

Ước mơ sinh nở không trở thành hiện thực cho tất cả.
Nàng không chỉ là người đàn bà, sản phẩm dở dang của Thượng đế; nàng còn là một người mẹ, sản phẩm cuối cùng do con người sáng tạo. Và động tác cuối cùng để trở thành một người mẹ là sinh nở, là sáng tạo. Nàng vui mừng và hãnh diện khi làm được việc ấy, cho ra đời một đứa con. Có con, trước hết là sự thể hiện và khẳng định bản thân, mang lại niềm vui cho chính nàng; với tha nhân, nàng mong con nàng sẽ có ích, tất nhiên nàng hãnh diện nếu nó đuợc mọi người yêu quý. Sinh con, nàng hiểu mình hơn, trở nên vị tha hơn; bắt đầu từ đấy, nàng sống không chỉ vì mình.
Nàng lắng nghe sự thay đổi trong thân thể mình, nghe tế bào phân chia và di chuyển, cùng lúc lớn dần lên. Nàng ý thức bản thân rõ hơn, đồng thời chú ý đến tha nhân nhiều hơn. Sinh một đứa con là một cú nhảy mạnh vào giòng tồn sinh, là tháu cáy cuộc đời, phân chia bản thân, gởi cho mai sau thông điệp của mình, cũng là nối dài cuộc sống hiện tại khi nó chưa chấm dứt.
Và nàng chờ đợi ngày sinh.
Nàng sẽ không đến bệnh vịên phụ sản, không cần một bà mụ đỡ đẻ nữa. nàng quyết định sinh con một mình. Nàng cưu mang nó trong cô độc không san sẻ cho ai được thì nàng sẽ cho nó ra đời không cần ai giúp.
Nàng đã sinh con một lần.
Lần ấy, không đau đớn bao nhiêu; đau đớn là những gì xảy ra sau đó. Lần ấy, nàng chỉ kịp nhìn thấy con mình một lần, kịp nhận biết ca sinh nở đã tốt đẹp, chứng thực khả năng của nàng. Rồi thôi, rồi hết, chấm dứt. Chính đôi bàn tay bà mụ, đôi tay đã đỡ con nàng chào đời, đã đưa nó vào vòng tay nàng để nàng nhận diện nó là một đứa bé khỏe mạnh, đẹp đẽ ; đôi bàn tay ấy, ngay sau đó đã giật lấy con nàng từ tay nàng, mang nó đi mất. Nàng vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy con mình nữa. Về sau, nàng nghe có người nói bà mụ ấy đã quăng con nàng vào lửa, người khác bảo bà ta đã bóp cổ đứa bé.
Lần này khi cơ thể ra hiệu, nàng trốn đi.
Nàng đến một nơi khác, một miền quê gần núi, cách biển vài mươi cây số. Nơi đó dân cư thưa thớt, nhà cách nhà vài chục, vài trăm mét, ngăn cách bởi gò đất, bờ bụi, cây cỏ, vên vên, sao, bằng lăng, vông, những khóm lan, bụi mua, muồng, cỏ lau và những cây cỏ khác nàng chưa nhận biết hay nhìn thấy.
Nàng vốn không se sua, hầu hết áo quần mang theo đều mặc được ở nơi trú ngụ mới. Chỉ tạm cất đi chiếc mũ kiểu thành thị. Và thay khăn quàng cổ bằng khăn đội đầu, thay giày bằng dép mua ở chốn thôn dã này, đúng kiểu dáng mà phụ nữ ở đây thường dùng. Nàng xin việc gia công đan gùi, lãnh tiền công theo năng xuất, sống thanh đạm, dành nhiều thời gian phát họa chân dung con nàng.
Con nàng sẽ là một đứa trẻ đặc sắc; nàng không muốn nó giống ai, kể cả vĩ nhân, thiên tài, hoặc hoa hậu. Nàng muốn, trước hết, nó là con nàng, đậm bản sắc, cá tính riêng. Nó sẽ không mất hút, không lẫn vào đám đông.

2.
Người lạ mặt bước theo nàng vào chợ thị trấn.

Hắn giữ một khoảng cách với nàng. Hắn theo nàng đi qua chổ bán gùi, rỗ, giỏ, đi qua chổ bán chén, đĩa, muỗng, nồi, soong, bày trên những tấm đệm lát trải dưới đất.
Khi đến chổ bán cuốc xẻng, dao, rựa, đột nhiên nàng quay về phía hắn.
Nhưng hắn đã nhanh nhẹn ngồi xuống chổ người bán nông cụ, cầm lên một cái xẻng, hỏi giá.
Hắn tiếp tục theo nàng khi nàng đến chổ bán thực phẩm. Nơi đây đông người nên hắn đến gần nàng hơn. Nàng dừng lại ở sạp bán cá, mua mấy khứa cá ngừ, hắn ghé vào sạp cạnh bên, mua mớ cá lòng tong. Có lúc, nàng đã nhìn về phía hắn, trông thấy hắn, nhưng chỉ phần vai trở xuống; đầu hắn khuất sau tấm vải bạt căng thấp.
Ở khu vực bán thực phẩm, nàng còn mua trứng và rau xanh, nàng biết chất sắt và vôi cần thiết cho thai nhi.
Nàng cũng mua ít gạo.
Ra khỏi chợ, nàng bốc một dúm gạo bỏ vào miệng, ăn. Hành vi ấy của nàng, cũng như việc mua sắm, không lọt khỏi cặp mắt của hắn. Hắn gật gù.

3.
Tháng thứ năm, tất cả các bộ phận thai nhi – bản phác thảo chi tiết những nét chính yếu của tác phẩm của nàng, đã hình thành. Dấu hiệu mang thai đã lộ ra ngoài, và nàng đã bắt đầu thấy con mình cử động.

Nàng đã may màn cửa sổ, sắm một bộ ra trải giường, giặt giũ bao nệm gối, đóng lại bản lề cửa buồng, gắn khoen để có thể khóa cửa, lau sạch nền nhà, tự hỏi còn việc gì nữa. Rồi nhanh chóng nhận ra cần làm cho bức vách không còn đơn điệu, buồn tẻ.
Hoàn thành việc dán giấy hoa lên vách, nàng sực nhớ đã hết luơng thực dự trữ; hơn nữa, nàng nàng muốn mua vài thứ cho việc sinh nở. Từ khi có thai, nàng không nhận làm gùi nữa, và kéo dài thời gian giữa hai lần đi chợ, nàng muốn hạn chế tối đa việc đi ra ngoài.
Nàng đứng trước gương, cởi nút áo, nhìn đôi vú mình lẩm bẩm: “ Vú mình đã to hơn một chút, nhưng vẫn chưa đủ to” rồi nàng xoa tay lên bụng : “ Con thấy bồng bềnh như trên tàu vũ trụ phải không, không sao, mẹ cũng đã từng như vậy, hôm nay chúng ta ra chợ, con có thích không?”
Nàng đi lấy xú-chiêng mặc vào, rồi mặc áo ngoài. Vừa rời khỏi gương, nàng quay trở lại, nhìn bụng và ngực mình, luồng tay vào trong, bóp cho xú- chiêng vun lên, tuy nhiên nó nhanh chóng xẹp xuống. Nàng lấy trong túi áo bà ba ra chiếc khăn tay, độn vào một bên xú-chiêng, soi gương, nàng hài lòng. Nhưng rồi nàng bối rối nhận ra sự mất cân đối. Đúng lúc ấy, một chổ trên lớp da bụng căng phồng của nàng, nhô lên một cục nhỏ di chuyển. Nàng đặt tay lên bụng nói: “ Được rồi, con chờ mẹ một lát nữa thôi, rồi ta sẽ đi mà”. Nàng đến tủ, lấy một miếng băng vệ sinh trong ngăn kéo, độn vào bên kia, mặc áo, ngắm nghía, hài lòng lẩm bẩm: “ Con đừng cười mẹ, mẹ buộc phải làm như vậy”
Ra khỏi buồng ngủ, nàng lấy khăn đội đầu, cầm giỏ bước ra, khóa cửa. Nhưng rồi nàng lại mở cửa, đi vào nhà. Nàng đã quên khóa cửa buồng.
Ở chợ thị trấn, không ai nhận biết bí mật của nàng, ngoại trừ hắn. Hắn có mặt trong tiệm thuốc tây, nơi nàng mua những hộp phấn thơm, thuốc sát trùng. Hắn cũng theo nàng đến cửa háng bán dụng cụ y tế khi nàng vào đó mua bao tay, kéo, băng keo, cuộn băng rún. Nàng không hề hay biết sự hiện diện của người lạ mặt trên thế gian cho đến khi hắn thôi không làm chiếc bóng thứ hai của nàng; mà, nhảy xổ vào đời nàng.
4.
Hắn cầm lấy các quyển sách trên bàn, nhìn bìa sách, những quyển hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.
Hắn đang chăm chú đọc quyển sổ ghi chép về tình trạng thai nhi, có tiếng bước chân bên ngoài.
Hắn cầm quyển sổ, đi ra, mở cửa.
Trở lại, nàng ngạc nhiên nhìn thấy hắn.
“Ông là ai?”, “ Tôi là người nắm quyền lực”.
“ Sao ông vào được nhà tôi?”, “Tôi sử dụng biện pháp nghiệp vụ”
“Ông muốn gì?”, “Cô vừa đi ra, sao lại quay lại?”
“Tôi quên chiếc khăn đội đầu, mà này, ông đã hành động bất hợp pháp” , “Vì an ninh quốc gia, tôi có thể vào bất cứ nơi nào”.
Nàng im lặng, quay mặt đi. Hắn chăm chú nhìn nàng.
Hắn là người lên tiếng trước: “Cô không được sinh con, nếu không, con của cô lại sẽ chết”.
Nàng quay phắc lại : “Con tôi đã bị bóp cổ hay bị thiêu chết?” , “Có gì khác nhau?”
Nàng hằn học: “Tại sao tôi bị cấm sinh con?”. Giọng hắn vẫn không thay đổi, vẫn đều đều : “Vì an ninh quốc gia”
Nàng lại quay mặt đi. Hắn tiếp tục quan sát nàng.
Lần này, nàng lên tiếng trước: “Tôi muốn thực hiện khả năng của mình, muốn trở thành một người mẹ” , “Trên thế giới có rất nhiều người không sinh con” , “Họ không thể có con chứ không phải họ không muốn” , “Nhưng họ vẫn sống bình thường” , “ Tôi không thể không sinh con, tôi phải làm công việc của mình” , “Cô nói khó hiểu quá!” , “Đó là ý nghĩa cuộc sống của tôi”
Hắn chau mày im lặng nhìn nàng. Hắn không hiểu, không tin nàng, hay đùa với nàng, nàng không biết.
“ Có phải cô định sinh con ở nhà?” , “ Tôi bị buộc phải làm vậy” , “Đó là sự hy sinh của cô”
Ở cửa, hắn nói mà không nhìn nàng: “ Cô đang có thai, cần đi đứng cẩn thận” .

5.
Nàng đã đan xong vớ, mũ đội đầu, đang cặm cụi đan áo. Nàng nghĩ : “Con ta sẽ lặng lẽ chào đời. Nó sẽ nhoẻn miệng cười hay ít ra sẽ không khóc to kinh động mọi người. Những người tiếp xúc với nó sẽ bị nó thu hút, chinh phục. Họ sẽ thích thú muốn gặp nó nhiều lần; mỗi lần gặp, họ sẽ khám phá nơi nó những điều mới mẻ thi vị, sâu sắc. Con ta cũng sẽ có một vẻ bên ngoài đẹp đẽ, một cái đẹp đơn giản, không chải chuốc, loè loẹt, diêm dúa, một vẻ đẹp bụi bặm có chăm sóc với quần sô áo vải, kiểu dáng hài hòa, màu sắc trang nhã gần gũi thiên nhiên”

Có tiếng gõ vào cửa.
Nàng vừa ngẩng lên, hắn đã đẩy cửa bước vào, ném cái nhìn khắp phòng.
“ Chào cô!”, hắn nói. Nàng buông que đan: “Ông muốn gì nữa?”
Hắn nhặt chiếc mũ trẻ sơ sinh trong rổ đồ: “Cô khéo tay nhỉ?”
Nàng mỉa mai: “Cám ơn ông”. Hắn ra vẻ trịnh trong: “Tôi đến, trước là để hỏi thăm sức khỏe của cô, sau là giúp cô sinh con đẹp đẻ, lành mạnh”
Nàng trố mắt: “Ông bảo ông giúp tôi?”
Hắn thản nhiên: “Cô hãy sinh một đứa con bụ bẩm khỏe mạnh, dễ thương”. Nàng nhíu mày nhìn hắn: “Tôi không hiểu”.
Hắn lấy trong túi áo khoác ra một tờ giấy xếp làm tư, mở ra. Nàng nhìn thấy đó là hình một đứa trẻ sơ sinh. Hắn cầm lấy tấm hình, dùng kim ghim nó lên vách. Nàng nhìn tấm hình, lắc đầu nói : “Không, nó không phải là một đứa bé đẹp” Hắn quả quyết : “Nó chắc chắn là một đứa bé đẹp” Nàng quả quyết không kém: “Không, nó chỉ đẹp với ông mà thôi”. Nàng nói thêm: “Vã lại, tôi chỉ muốn đứa con của tôi”. Hắn biện luận: “ Thì nó là của cô, do chính cô sinh ra”. Nàng dứt khoát: “Không, tôi không sinh con theo hình mẫu”.
“Sinh con theo một hình mẫu là một thành tựu khoa học của loài người” , “Đó là quan điểm của riêng ông”, “Đó là quan điểm tiên tiến của thời đại, cô hãy chọn đi”
Hắn bước ra cửa.
Nàng giật tấm hình, bước vội theo, trao lại cho hắn.

6.
Chó sủa vang trong xóm. Có lẽ là hắn, nàng nghĩ. Cơn đau lại đến lần nữa, những cơn đau đều đặn, từng cơn. Đúng là đến ngày, đến lúc rồi. Chó không ngừng sủa, nghe kinh động. Hắn có thể đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, hắn biết rõ ngày tháng của nàng, hắn đang đến, nàng nghĩ.

Nàng khoác vội thêm chiếc áo, quơ lấy tay nải, hối hả ra đi.
Sao chưa mọc, trăng còn ở phía bên kia của quả đất, bóng đêm bủa vây nàng.
Quen đường, nàng bước nhanh.
Chân vấp một mô đất, nàng chúi nhũi, nhưng không té. Lấy được thăng bằng, nàng tiếp tục bước nhanh.
Một cành cây đập vào ngực nàng, lá cây ập vào mặt, nàng bật ra sau, tay kịp nắm lấy cành cây nên một lần nữa nàng không ngã.
Nàng quàng lại tay nải vào vai, đi mãi miết cho đến khi không còn trông thấy bất cứ ánh đèn nào, kể cả ánh đèn bão nhà nàng.
Nàng ngồi xuống vạt cỏ, phát hiện đã mất đôi dép, ống chân và ngực đau nhói.
Nàng xoa hai bàn tay lên bụng: “Con có đau không, mẹ xin lỗi nhé”. Rồi nàng phát hiện đũng quần ướt sũng. Giờ đã đến, nàng nghĩ, lắng tai nghe những tiếng động và định hướng.
Trăng non đã xuất hiện trên ngọn cây rừng, nàng nhận ra đã đi đúng hướng về phía chân núi.
Bây giờ, khi nàng đứng lên, tiếp tục cuộc hành trình, có trăng non đi theo trên đầu soi bước.
Một lúc nào đấy ở chung quanh nàng, vị trí không xác định, thoáng có bóng một sinh vật, một lúc khác, trong không gian nổi lên tiếng bước chân. Bất chấp hình bóng, tiếng động, loài vật hay con người, nàng không chùn bước. Nàng không hề sợ hãi vì nàng đang có con trong lòng. Nó đang di chuyển xuống dưới. Các cơn co bóp đều đặn và kéo dài mạnh hơn và đau hơn. Nàng kêu lên khe khẽ: “Hãy khoan con ơi, chúng ta sắp đến nơi rồi, hãy chờ mẹ, mẹ sẽ nhanh hơn mà, mẹ sẽ cố gắng hết sức”
Dưới ánh sáng huyễn hoặc, hai khối đen xám to lớn chồng lên nhau, lù lù hiện ra. Nàng tất tả chạy đến, sờ tay vào đá: “ Đúng là đây rồi, chúng ta đã đến nơi” Nàng nhìn quanh quẩn một lúc, thốt lên: “Nhưng nó đâu rồi, nó ở đây kia mà?”
Nó, cái hang, một lỗ đen ngòm, hiện ra trước mắt nàng. Đây là chổ nàng tình cờ phát hiện một lần lang thang trong vùng lúc mới đến. Khi ấy nàng đã tìm thấy tro, một ít than trong hang. Từng có người đến ở, có lẽ những người đi rừng trú đêm. Từ khi gã lạ mặt xuất hiện, nàng đã nghĩ đến cái hang và đã trở lại. Nàng thấy nó khá kín đáo, an toàn, dọn sạch cỏ khô, lá cây, phân thú rừng, tàn tro, than vụn.
Nàng bật các que diêm đốt một cây đèn cầy. Hang trống vương vãi một ít lá khô, bông cỏ lau, phảng phất mùi hăng hăng của rừng. Nàng buớc ra ngoài gom cỏ, cành khô, đốt lên một đống lửa nhỏ nơi miệng hang. Nàng trãi lá cây tươi một góc hang, cởi áo ngoài phủ lên trên, lấy từ trong tay nải ra các cây đèn cầy, đốt lên, cắm một vòng cung gần bên chổ nằm, một chổ để sống hoặc để chết.
Ngay lúc nàng nhặt tay nải với ý định kiểm tra lại những thứ đã bỏ vào đấy, cơn đau ập đến, đếu đặn, kéo dài, quật nàng ngã xuống. Một tay nắm chặt lấy tay nải, một tay nàng đặt vào âm hộ, thấy nó đã nở tang hoác. Nàng lết vào trong chiếc áo. Nước ối nhớp nháp bụng, thấm ướt hai ống quần nàng. Trong một thoáng, nàng nhìn thấy ngoài cửa hang, bên kia đống lửa, những đôi mắt từng cặp tựa ánh đèn sáng lóe lên trong bóng tối dày đặc, thấp cao không đều; không kịp nhận ra đó là gì, thân thể nàng bổng lộn một vòng vào trong, tay nàng quơ lấy một nắm lá, bóng tối tràn ngập, nuốt chững lấy nàng.
Chân đạp vào vách hang, tay nắm chặt tay nải, tay vò nát nhúm lá, nàng nén hơi lại rồi thở thật mạnh ra, làm như thế từng hồi, răng cắn vào môi, người nàng đẫm mồ hôi, tóc bê bết nước, nàng ngữa mặt, gân cổ nổi lên, từng tế bào, da thịt dãn ra, rạn vỡ. Nàng nghẹt thở, người căng cứng.
Những đóm sáng chập chờn trong đầu nàng. Thực tại không còn. Đất hóa thành nỗi đau.
Tiếng la hét của nàng làm kinh động những đóm mắt bất động, chúng vụt bay lên, nhảy múa như ánh ma trơi lướt trên đầu các bụi cây ngọn cỏ. Gió thổi thốc vào hang cuốn theo những bông cỏ, lá cây vàng khô, tấp vào người nàng, thổi tắt những cây đèn cầy.
Những đóm sáng họp thành vùng sáng, trong ấy, mờ ảo chìm nổi một khuôn mặt, đôi mắt, đôi bàn tay bàn chân con trẻ; các bộ phận ấy kết lại, xoay chuyển.
Ngoài kia, trong bóng tối, cặp mắt đang trừng nhìn vào hang. Nhưng đó không phải là mắt người. Đó là mắt một loài thú. Và trong vô số loài thực vật đang ngủ vùi, một đóa quỳnh chợt nở.
Nàng cảm thấy người nhẹ hẫng. Và con nàng cất tiếng.

Thu Phong
02.02.2007